Vào hồi 11h40 ngày mùng 2/10/2024, nhà văn Nguyễn Khắc Trường đã qua đời tại nhà riêng, hưởng thọ 78 tuổi, sau một thời gian dài chống chọi với căn bệnh hiểm nghèo. Nhà văn Nguyễn Khắc Trường, tác giả tiểu thuyết "Mảnh đất lắm người nhiều ma" đã về cõi vĩnh hằng Từ 5 năm nay, vào viện rồi ra viện, rồi đến lúc không còn đi viện được nữa, không gian còn lại của ông là căn gác tầng hai, nơi ông tập tễnh, nặng nhọc nhấc từng bước với sự hỗ trợ của chiếc xe lăn, không còn bước ra khỏi căn phòng, không còn đi xuống tầng 1 được nữa. Một con người từng đi khắp “thiên hạ” khi còn là một anh lính Phòng không Không quân, khi còn là một nhà văn Quân đội… giờ quanh quẩn bên bốn bức tường. Hoàn cảnh bức bí, tù túng biết chừng nào. Nhà văn Nguyễn Khắc Trường (bên trái) và nhà thơ Tố Hữu. Ngày còn tương đối khỏe mạnh, đến thăm ông, vẫn rất tỉnh táo, nói cười rổn rảng, chuyện trò không dứt về cuộc đời, về văn chương. Rất dễ nhận ra ở ông, trước mỗi sự việc đều có một chính kiến không chút mập mờ đến mức như định kiến, một ý chí không thể lay chuyển đến mức tưởng như nếu phải tranh luận với ông, tức là biết sẽ tranh luận với một hòn đá tảng, rất khó lay chuyển. Nhưng bù lại là sự rộng mở, bao dung mỗi khi ông cất tiếng cười. Tất cả thần thái đều toát ra từ tiếng cười sảng khoái, bao dung ấy. Những tháng gần đây, đến thăm ông, không còn nghe thấy tiếng cười rổn rảng kia nữa. Ông nằm đó, yên lặng, thiếp đi, lay mãi đôi mắt mệt mỏi kia mới từ từ mở, từ từ nhận biết. Rồi ông bật khóc, khóc ràn rụa khi nhận ra người đang ngồi trước mặt, hoặc khi nghe tin một ai trong số bạn bè ốm bệnh. Những ngày cuối cùng, khi bị liệt hẳn một bên người, ông không còn chuyện trò được nữa, chỉ chìa bàn tay không liệt còn lại, vừa nắm chặt tay bạn bè, vừa khóc nấc lên. Khóc như là một cử chỉ bất lực, để từ biệt thế gian trước một chuyến đi xa mãi mãi. Đến thăm ông, không cầm được lòng. Nguyễn Khắc Trường sinh ngày mùng 6/7/1946 tại xã Bình Sơn, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên. Như bao thanh niên hồi ấy, từ rất sớm, năm 1965, Nguyễn Khắc Trường trở thành anh lính Phòng không Không quân chiến đấu bảo vệ vùng trời Tổ quốc. Sẵn tình yêu văn chương và có năng khiếu từ sớm (truyện ngắn đầu tiên của ông được in trên tập san Văn nghệ Việt Bắc khi còn trên ghế nhà trường), tại binh chủng Phòng không Không quân, Nguyễn Khắc Trường vừa chiến đấu, vừa tập viết văn, dưới bút danh Thao Trường. Những truyện ngắn, bút ký về chiến tranh, về người lính của Thao Trường được tập hợp trong các tập truyện Cửa khẩu (1972), Thác rừng (1978), Miền đất mặt trời (1982)… Nội dung những tập sách này, và ngay cả bút danh Thao Trường cũng cho thấy ông là nhà văn gắn bó sâu sắc với đề tài chiến tranh và người lính. Trong những tập truyện và bút ký vừa nêu, có thể thấy “thiên hướng” của ngòi bút Thao Trường là mô tả hiện thực đời sống trong chiều sâu của những suy nghĩ, những gạn lọc để đem đến cho người đọc bức tranh hoàn chỉnh nhất có thể về cuộc chiến đấu đang diễn ra ở những đơn vị quân đội mà ông chứng kiến. Với những sáng tác đầu tay có chất lượng ấy, Nguyễn Khắc Trường được Quân đội lựa chọn vào khóa I trường viết văn Nguyễn Du. Tốt nghiệp, ông được điều về Ban văn xuôi của Tạp chí Văn Nghệ Quân đội. Đây là thời kỳ quan trong nhất trong sự nghiệp sáng tạo của Nguyễn Khắc Trường. Vừa làm biên tập văn xuôi cho Tạp chí VNQĐ, vừa đi thâm nhập thực tế tại nhiều địa phương miền Bắc, trong đó có Thái Nguyên, Thanh Hóa, Bắc Ninh… vừa nung nấu những sáng tác tâm huyết, đầu năm 1989, Nguyễn Khắc Trường tham gia trại viết của Tạp chí VNQĐ tại Bãi Cháy thành phố Hạ Long. Trại viết có nhiều nhà văn trại viên như Lê Lựu, Nguyễn Trí Huân, Chu Lai, Đào Thắng…Tại đây, trong gần một tháng từ sáng đến tối “bám bàn”, Nguyễn Khắc Trường hoàn thành tiểu thuyết Mảnh đất lắm người nhiều ma, Nguyễn Trí Huân hoàn thành tiểu thuyết Chim én bay. Mảnh đất lắm người nhiều ma là tác phẩm quan trọng nhất, tâm huyết nhất, là một “bước ngoặt” trong sự nghiệp sáng tác, là một sự “thông tắc” cho văn học Việt Nam trước một hiện thực xã hội hết sức phức tạp, là tác phẩm mà ông quyết định đổi tên tác giả từ Thao Trường thành Nguyễn Khắc Trường, tên khai sinh của ông, như một “tuyên bố ngầm” từ bỏ lối viết cũ. Và kể từ đó, cái tên Nguyễn Khắc Trường và tiểu thuyết Mảnh đất lắm người nhiều ma đóng một dấu son rất đậm trên trang văn học Việt Nam hiện đại. Mảnh đất lắm người nhiều ma đoạt giải thưởng Hội Nhà văn năm 1991, được chuyển thành phim truyện, được dịch sang tiếng Pháp, được chuyển thành kịch bản sân khấu, được tặng Giải thưởng Nhà nước năm 2007… Mảnh đất lắm người nhiều ma là bức tranh đau đớn của nông thôn Việt Nam hiện đại. Những câu chuyện bi thương tác giả chứng kiến từ hiện thực nông thôn xứ Thanh, Thái Nguyên, Bắc Ninh… được dồn nén trên từng trang viết làm chấn động lương tri và lương tâm của người đọc. Từ bao nhiêu đời đến lúc này, sau lũy tre xanh, xã hội của con người, của những kết nối gia đình, họ hàng, làng xóm, của các tổ chức tập thể… đã trở nên ốm o, bi đát, nguy hại… đến dường kia. Một xã hội “lắm người” nhưng cũng “nhiều ma”. Ma quỷ đội lốt người, ma quỷ bên cạnh người và “ma quỷ trong mỗi con người” được bóc trần, phơi bày dưới ánh sáng mặt trời. Vài năm sau Mảnh đất lắm người nhiều ma, Nguyễn Khắc Trường có viết thêm một vài chương của một tác phẩm khác (Trang trại), nhưng ông bỏ dở giữa chừng. Hình như ông đã biết giới hạn của cõi người, cõi văn chương, nghĩa là “đủ” vì “biết đủ”. Thế cũng đã là toại nguyện, ra đi được rồi chăng? Từ năm 1993, với hàm trung tá, Nguyễn Khắc Trường chuyển sang công tác tại báo Văn Nghệ, rồi Nhà xuất bản Hội Nhà văn. Một Nguyễn Khắc Trường cẩn trọng với chữ nghĩa, tinh tường và bản lĩnh trong việc đọc và bảo vệ bản thảo để in, để xuất bản rất phù hợp với lĩnh vực công tác mới. Ông tôn trọng, ân cần với các tác giả. Nhưng ông cũng thẳng thắn trong nhận xét, đánh giá, không sợ mất lòng, xa lạ với mọi sự thớ lợ, nước đôi, giả tạo. Và mỗi khi nhận thấy cần bảo vệ tác phẩm nào đó, ông không kém phần quyết liệt. Những ý kiến của ông thường là chính xác. Nhiều năm làm Chủ tịch Hội đồng văn xuôi của Hội Nhà văn, ông để lại ấn tượng về một phong cách làm việc trung thực, tin cậy. Những năm cùng công tác với Nguyễn Khắc Trường tại Tạp chí Văn Nghệ Quân đội, chúng tôi người trước người sau, nhưng có thể xem là những người cùng trang lứa. Về văn chương, về công việc của Tòa soạn hình như ít khi là câu chuyện được bàn luận thường ngày. Mọi việc cứ trông nhau mà làm. Phòng làm việc của Nguyễn Khắc Trường hầu như đêm nào cũng sáng đèn tới khuya. Chiếc bàn nhỏ, trên tường là chân dung hai nhà văn mà ông yêu thích: M. Solokhov và Nam Cao. Mỗi lần nhà văn Nguyễn Khải từ Sài Gòn ra, Nguyễn Khắc Trường lại “tháp tùng” Nguyễn Khải “lang bạt” đến những vùng nông thôn nào đó, có khi một đôi ba tuần. Nguyễn Khắc Trường cũng là nhà văn chăm đi. Còn nhớ có lần chúng tôi cùng ông và nhà văn Sương Nguyệt Minh, nhà thơ Lương Hữu Quang bay đến Côn Đảo, rồi lộn về Hà Tiên, Kiên Giang. Nguyễn Khắc Trường chứng kiến sự hy sinh to lớn của những tù nhân Côn Đảo, dọc đường về ông luôn thốt lên như chưa hết kinh ngạc: “Ghê quá! Ghê quá!”. Hình như đi đến đâu, đến miền đất nào ông cũng không giấu được xúc động. Một người chăm đi như vậy mà bây giờ, kể từ năm 2019, phải nằm một chỗ, với bất cứ ai chắc cũng là một cực hình. Vậy nên, những năm tháng này, ông rất “thèm” bạn. Có bạn, khi nói cười, khi bật khóc, Nguyễn Khắc Trường như một cậu bé nhiều tuổi, không hề biết che giấu cảm xúc của mình. Vậy là yên nghỉ mãi mãi một trái tim nồng nhiệt, một đôi chân đã từng đi khắp đó đây, một cây viết đã từng trải qua những cung bậc đau xót với con người, xã hội. Xin vĩnh biệt ông, nhà văn Nguyễn Khắc Trường! Hà Nội ngày mùng 3 tháng 10 năm 2024 Lời chia buồn Được tin nhà văn Nguyễn Khắc Trường (bố đẻ đồng chí Trung tá Nguyễn Thiêm, Phó Trưởng Ban Chuyên đề Báo CAND - Cục Truyền thông CAND), sinh năm 1946; nguyên quán: xã Bình Sơn, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Bắc Thái (nay là xã Bình Sơn, TP Sông Công, tỉnh Thái Nguyên); thường trú tại: số 3, ngách 102/27, ngõ 102 đường Khuất Duy Tiến, phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, Hà Nội. Sau một thời gian lâm bệnh nặng, đã từ trần vào hồi 11h40 ngày 2/10/2024 (tức ngày 30 tháng 8 năm Giáp Thìn), hưởng thọ 79 tuổi. Lễ viếng được tổ chức từ 7h30' đến 8h45', ngày 8/10/2024 tại Nhà tang lễ Quốc gia (số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội). Lễ truy điệu và đưa tang vào hồi 8h45'. An táng lúc 14h25' cùng ngày tại Nghĩa trang Gò Bộ, xã Bình Sơn, TP Sông Công, tỉnh Thái Nguyên. Đảng ủy - Ban Biên tập và cùng toàn thể cán bộ, chiến sĩ, phóng viên, nhân viên Báo CAND xin gửi lời chia buồn sâu sắc tới đồng chí Nguyễn Thiêm và gia quyến. Báo CAND Nhà văn Nguyễn Khắc Trường, tác giả tiểu thuyết "Mảnh đất lắm người nhiều ma" đã về cõi vĩnh hằng Nhà văn Lê Thành Nghị https://cand.com.vn/Tieu-diem-van-hoa/vinh-biet-nha-van-nguyen-khac-truong-i746105/
Mong bác an nghỉ. Bác Trung Trung Đỉnh còn khoẻ không nhỉ? Thế hệ viết văn hiện thực của miền bắc đi gần hết rồi.
R.I.P bác Đọc quả tiểu thuyết "mảnh đất lắm người nhiều ma" của bác thấy tăm tối quá, chuyển thể sang phim chỉnh sửa đi còn thấy đc chút tươi sáng..
mấy nay đang nghe bản nhạc này, hồi đó nghe ko cảm nhận được gì, giờ nghe thấy bồi hồi và cảm xúc mãnh liệt quá. Xong zôotube nó đề xuất bản Mùa lá rụng với Chuyện phố phường nữa cũng hay. Mùa lá rụng phóng tác từ tiểu thuyết của cụ Ma Văn Kháng cũng đỉnh
rồi tiện thể search thì các cụ hay xem ngày xưa giờ cũng mất cả rồi https://nld.com.vn/van-nghe/nsut-ha-van-trong-qua-doi-20221021121448091.htm còn cụ Duy Hậu thì sống cô đơn một mình tuổi xế chiều bệnh tật https://cafef.vn/tuoi-xe-chieu-cua-...ai-hon-30-nam-khong-ve-188240605155448321.chn
Đất và người. Thấy nói truyện thì nhân vật chết thật, còn lên phim thì giả chết và có nhiều chi tiết hài hước hơn.
nói chung là các nhân vật trong truyện vì đấu đá giữa 2 họ tộc mà gần như ko có tình người, câu truyện rất nặng nề chứ không tươi sáng hài hước như phim
Thời ấy mình dám khẳng định là phim Việt hay hơn phim Hàn. Đáng tiếc là sau thời Chạy Án, Ma Làng, Gió Làng Kình thì cứ tụt dần. Gần nhất để nói là hay chắc được mỗi Thương Nhớ Ở Ai.
Phim Việt xưa tôi thật sự ấn tượng với âm thanh, đặc biệt là giọng diễn viên. Rất hay với truyền cảm. Phim tầm tầm 2x trở đi ko hiểu sao cả đống diễn viên trẻ giọng cứ mai mái thành ra lâu lắm rồi tôi ko xem phim nữa.
Xem thử Bão Qua Làng, Gia Phả Của Đất, Thương Nhớ Ở Ai đi phen. Với mình đây là TOP 3 phim bộ Việt trong 10 năm nay. Gần đây có cái Cuộc Đời vẫn đẹp Sao khá nhất, nhưng nửa sau đuối hẳn.