Sau một thời gian lâm bệnh, mặc dù được Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Nhà nước, môn đồ pháp quyến, các giáo sư, bác sỹ trong và ngoài nước tận tình chăm sóc cứu chữa, nhưng vì tuổi cao sức yếu, Trưởng lão Hòa thượng Thích Thanh Tứ đã thu thần thị tịch vào lúc 08 giờ 15 phút ngày 26-11-2011 (nhằm ngày mùng 2-11 năm Tân Mão). Trụ thế: 85 năm, Hạ lạp: 65 năm. Hòa thượng Thích Thanh Tứ, thế danh Trần Văn Long, sinh năm 1927 tại thôn Miêu Nha, xã Song Mai, huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên trong một gia đình nông dân nghèo. Ngài đã sớm có duyên với Phật Pháp từ năm lên 6 tuổi, Ngài đã thụ giới tại chùa Nho Lâm, huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên. Sống trong cảnh thực dân phong kiến đô hộ, nhân dân lầm than đau khổ, Hòa thượng đã sớm nhận thức rằng: nước mất thì đạo cũng bị hủy hoại, nhân dân tín đồ Phật tử cũng không có cuộc sống an lạc, Phật Pháp không được xiển dương. Chính vì vậy, Hòa thượng đã liễu nghĩa được mối quan hệ mật thiết không thể tách rời Đạo - Đời và đây chính là tiền đề quan trọng đối với con đường tu hành phụng sự đất nước và giác ngộ quần sinh mà Ngài đã lựa chọn điều đó đã được thể hiện trong hai cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, Hoà thượng đã tích cực tham gia và ủng hộ cách mạng, góp phần vào thắng lợi chung của dân tộc. Đặc biệt Hoà thượng Thích Thanh Tứ là một vị cao tăng có uy tín lớn trong tăng ni, phật tử Việt Nam ở trong và ngoài nước, hòa thượng đã hóa thân Bồ Tát, lúc làm tu sĩ, lúc làm dân thường, lúc là người chiến sĩ Cách mạng với bầu nhiệt huyết ưu đời mẫn thế Thấm nhuần tư tưởng: "Phật pháp bất ly thế gian giác" với truyền thống yêu nước "Hộ quốc an dân" của Phật giáo Việt Nam suốt 2000 năm hiện diện và đồng hành với dân tộc Trải qua bao hiểm nguy, gian khổ, bao cống hiến bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ phật pháp, Hòa Thượng Thích Thanh Tứ đã giữ các cương vị: Thành viên Hội đồng Chứng minh, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam; Đại biểu Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam khóa XI, XII; Uỷ viên Đoàn Chủ tịch Uỷ ban MTTQ Việt Nam; Phó Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn Tôn giáo; nguyên Uỷ viên BCH Trung ương Hội người Cao tuổi Việt Nam; Uỷ viên BCH Liên hiệp các tổ chức Hữu nghị Việt Nam; Phó Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam - Nhật Bản; Viện trưởng Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội; Trưởng Ban Trị sự Tỉnh hội Phật giáo Hà Nam, Chứng minh Đạo sư Ban Trị sự Tỉnh hội Phật giáo Quảng Ninh, Thái Nguyên; Chủ tịch Ban chấp hành họ Trần Việt Nam; Viện chủ trụ trì Tùng Lâm chùa Quán Sứ, chùa Châu Long, chùa Thọ Cầu thành phố Hà Nội; chùa Bái Đính, tỉnh Ninh Bình; chùa Nho Lâm và chùa Bình Kiều tỉnh Hưng Yên. Với những đóng góp to lớn đối với Đạo pháp và Dân tộc, Ngài luôn được Tăng ni, Phật tử, nhân dân quý mến và tin tưởng. Ngài được Trung ương Giáo hội công cử làm đại diện giới Tăng ni, Phật tử tham gia ứng cử đại biểu Quốc hội và được cử tri bầu trúng cử hai khóa Quốc hội khóa XI, XII, và là thành viên Uỷ ban các vấn đề xã hội của Quốc hội. Là một đại biểu lớn tuổi nhất trong Quốc hội, song Ngài vẫn luôn tích cực tham gia đầy đủ các kỳ họp, thực hiện chức năng nhiệm vụ của người đại biểu nhân dân, đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết, xác đáng tại các kỳ họp, các phiên thảo luận của Quốc hội, tiếp xúc cử tri trước và sau mỗi kỳ họp được Quốc hội và cử tri đánh giá cao, với tấm lòng kính trọng một vị cao Tăng luôn vì dân vì nước. Đúng như Anh hùng Lao động, Giáo sư Vũ Khiêu đã tặng Ngài đôi câu đối: “Chính Đại Quang Minh Tâm Hướng Phật – Từ Bi Hỷ Xả Chí Ưu Dân”. Dù ở vị trí , cương vị nào, Ngài luôn nhận được tình cảm kính trọng đặc biệt của Tăng ni, Phật tử Giáo hội Phật giáo Việt Nam cũng như cộng đồng xã hội. Đảng và Nhà nước đã trao tặng Ngài nhiều phần thưởng cao quý: Huân chương kháng chiến hạng nhất, hạng nhì; Huân chương Độc lập hạng hai; Huân chương Đại đoàn kết toàn dân tộc; Thủ Tướng Chính Phủ tặng kỷ niệm chương chiến sỹ Cách mạng bị địch bắt và tù đày tại Hòa Lò. Các Bộ ngành và các đoàn thể xã hội trao tặng Ngài nhiều kỷ niệm chương, bằng khen. Giáo hội Phật giáo Việt Nam tặng nhiều Bằng tuyên dương công đức. Đặc biệt, ngày 12 tháng 10 năm 2011, Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam đã ký quyết định trao tặng Trưởng lão Hòa thượng Huân chương Hồ Chí Minh, phần thưởng cao quý của Đảng và Nhà nước, vì đã có công lao to lớn, có nhiều thành tích xuất sắc, đóng góp vào sự nghiệp Cách mạng của Đảng và của Dân tộc. Quả thật Ngài là tấm gương sáng tốt đạo, đẹp đời của hôm nay và mai sau. Lễ nhập kim quan chính thức cử hành vào lúc 8 giờ ngày 28-11 (tức ngày mùng 4-11 năm Tân Mão) tại Trụ sở Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Kim quan được quàn tại Đại Lễ đường Tùng Lâm Quán Sứ, 73 phố Quán Sứ, Hoàn Kiếm, Hà Nội. Lễ viếng bắt đầu vào lúc 09 giờ ngày 28-11 đến hết ngày 29-11 (tức ngày mùng 4 và 5-11 năm Tân Mão). Lễ truy điệu được cử hành lúc 8 giờ ngày 30-11 (tức ngày 6-11 năm Tân Mão) và sau đó cung tiễn kim quan nhập Bảo tháp tại Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội (xã Phù Linh, huyện Sóc Sơn) lúc 13 giờ cùng ngày. http://www.qdnd.vn/qdndsite/vi-VN/61/43/6/66/66/168137/Default.aspx Một thời lấy áo cà sa làm áo chiến bào