Tính đến thời điểm hiện, rõ ràng ultrabook vẫn chưa đạt được kì vọng của Intel và các đối tác. Sở hữu nhiều ưu điểm giống sản phẩm của Apple như mỏng, nhẹ, thiết kế sang trọng nhưng các “sát thủ MacBook Air” không tài nào lật đổ được "Táo Khuyết". Hệ điều hành Windows ban đầu tưởng chừng là một lợi thế với lượng người dùng cực kì đông đảo, tuy nhiên, nhiều người cho rằng Windows 7 mắc phải 2 nhược điểm chí mạng là nặng nề và hao pin hơn Mac OS X, trong khi cấu hình và pin không thể mạnh hơn do giới hạn của thiết kế. Đứng trước vấn đề nan giải này, các hãng sản xuất laptop buộc phải tìm đến một hướng đi mới. Đó chính là ultrabook thế hệ mới nhắm đến phân khúc người dùng khác với kích thước lớn hơn, cấu hình mạnh mẽ hơn, giá mềm hơn rất nhiều nhưng đổi lại cân nặng và độ dày tăng lên kha khá. Trong vài ngày vừa qua, tôi đã có cơ hội được trải nghiệm một trong số chúng: Asus S46CM. Với giá khoảng 17 triệu VNĐ, rõ ràng sản phẩm đánh vào đối tượng khác với lớp sản phẩm trước đó. Đó là những người yêu cầu một chiếc laptop mỏng nhẹ, cấu hình khá nhưng không quá đắt. Thiết kế Ấn tượng ban đầu bao trùm lên tôi là bất ngờ, hết sức bất ngờ! Asus S46CM hoàn toàn khác hẳn với những chiếc ultrabook mà tôi từng biết. Với màn hình 14 inch và khối lượng 2 kg, chắc chắn nếu không được giới thiệu trước tất cả mọi người đều lầm tưởng đây là một chiếc notebook. Máy có chiều dày 21 mm – bằng đúng giới hạn về độ dày Intel đặt ra cho các ultrabook (ultra slim), nhưng vẫn dày hơn rất nhiều so với các ultrabook đời trước. Vì thế ở S46CM bạn sẽ thấy sự xuất hiện của ổ DVD – thứ các ultrabook trước đây không hề có do máy quá mỏng. Về mặt thiết kế S46CM có rất nhiều điểm tương đồng với các notebook dòng K và N gần đây của Asus, đặc biệt là nắp máy, khe tản nhiệt và khu vực bàn phím. Thậm chí nếu đặt S46CM cạnh K46CM thì chẳng thể nào phân biệt được: chúng giống nhau mọi thứ từ kích thước, vỏ máy, bàn phím, ổ đĩa cho đến cả cấu hình. Điểm khác biệt duy nhất là K46CM chạy ổ HDD, còn S46CM sử dụng ổ cứng lai HDD và SSD. Đây cũng chính là lý do khiến K46 không đủ tiêu chuẩn ultrabook. Tạm gác chuyện kích thước cân nặng và hình thức na ná sang một bên, tôi vẫn đánh giá rất cao thiết kế của S46CM. Nó tạo cho người dùng một cảm giác sang trọng toát ra từ chiếc máy. Cảm giác này trước tiên đến từ chất liệu vỏ nhôm phay xước sang trọng, bóng bẩy, ít bám vân tay và dễ dàng lau chùi. Kế đó, từng đường nét trên máy từ 2 bên thân, khe tản nhiệt, các đường bo mép cho đến điểm gập giữa màn hình và thân máy đều không có bất kì chi tiết thừa nào phá vỡ bố cục. Kết cấu vững chắc là một điểm cộng cho S46CM. Vỏ máy được làm hoàn toàn bằng kim loại nên rất cứng cáp (tất nhiên trừ mặt dưới bằng nhựa). Phải tác động một lực xoắn mạnh mới có thể khiến thân máy hơi cong một chút. Phần bản lề giữa màn hình và thân máy cũng tương đối chắc chắn. Dù là mở ra hay gập vào, lực gập khá vừa tay và hầu như giữ nguyên không đổi. Không có chuyện màn hình dần choãi ra hay từ từ đổ ập xuống. Tuy nhiên ổ DVD lại là một vị trí khá nhạy cảm. Nếu cầm vào vị trí này và nhấc máy lên, bạn sẽ cảm thấy ổ DVD hơi bị lún vào trong thân máy, cho cảm giác lỏng lẻo. Điều này không ổn một chút nào vì đây là điểm người dùng rất hay cầm nắm khi di chuyển máy. Nút nguồn thiết kế đơn giản. Bàn phím và touchpad Asus tiếp tục sử dụng thiết kế bàn phím thường thấy gần đây của họ cho S46CM. Phần phím số bị lược bỏ hoàn toàn có thể không làm hài lòng một số người, bù lại phím bấm full size kiểu chicklet cùng thiết kế isolate cho cảm giác gõ rất thoải mái, tuy rằng hành trình phím hơi ngắn. Asus đã làm đúng! Bản thân tôi cũng cho rằng việc đưa bàn phím số lên các laptop kích thước dưới 17 inch khá là dở hơi. Các phím được in chữ to rõ ràng, không cách điệu, phù hợp với nhiều đối tượng người dùng, đặc biệt là người đề cao tính sử dụng thay vì màu mè kiểu cách. Trong khi đó, touchpad của S46CM càng làm tôi hài lòng hơn cả bàn phím. Bề mặt trơn mịn, độ nhạy tốt đem lại cảm giác sử dụng rất “khoái”. Cùng với đó, một số thao tác đa điểm cũng đem lại rất nhiều tiện lợi cho người dùng như: gõ nhẹ 2 ngón tay để mở menu chuột phải, miết 3 ngón tay lên trên để chuyển đổi giữa các cửa sổ, miết nhẹ 3 ngón tay xuống dưới thay cho việc nhấn “show desktop”… Tựu chung lại bàn phím và touchpad chắc chắn sẽ làm hài lòng cả những người dùng khó tính. Màn hình và loa Màn hình có thể coi là một điểm yếu của S46CM. Chiếc ultrabook được trang bị màn hình gương, phản chiếu ánh sáng rất mạnh làm ảnh hướng đến các nội dung đang hiển thị (dân dã gọi là bị bóng), đồng thời rất dễ bám bụi và vân tay. Panel TN cho màu sắc kém hấp dẫn, gam màu bị ám vàng nên thể hiện hình ảnh thiếu sức sống, đặc biệt là các ảnh ngoại cảnh và thiên nhiên. Góc nhìn của màn hình cũng tương đối hẹp, chỉ cần thay đổi góc nhìn một chút so với hướng chính diện là màu sắc dần thay đổi chuyển sắc đen ngay lập tức. Chất lượng hiển thị của màn hình cũng không tốt lắm. Đối với các tác vụ bình thường như văn bản, nghe nhạc, lướt web… bạn sẽ không gặp phải vấn đề gì, nhưng khi chơi game hoặc xem film sẽ cho cảm giác hình ảnh thiếu độ sắc nét ngay cả đang chơi nội dung 720p. Phần pin lồi lên và khoét lỗ tổ ong khiến người dùng dễ nhầm đây là loa. Nếu như phần nhìn không được tốt thì bù lại phần nghe tôi cho rằng đạt yêu cầu. Asus S46CM được thiết kế loa đặt ở mặt dưới, nhờ vậy âm thanh bị cản lại bởi thân máy, giúp giảm độ chói. Công nghệ SonicMaster cho âm thanh trong, tròn, không bị méo tiếng. Âm treble vừa phải không bị gắt, nhưng âm bass lại hơi chìm, phần nào làm mờ đi nhịp của bài hát. So với mặt bằng chung laptop thì loa của Asus S46CM ở mức ổn. Dĩ nhiên chúng ta không thể mong chờ loa của laptop có thể ngang với máy bàn được. Loa nằm ở dưới mặt dưới máy. Cấu hình và hiệu năng Thông tin về cấu hình sản phẩm lấy từ trang chủ Asus: Chiếc S46CM trong tay tôi sử dụng bộ xử lý i5 3317U, đồ họa rời 2 GB Nvidia GT 635M, bộ nhớ RAM 4 GB 1600 MHz và ổ cứng 500 GB 5400 vòng/phút (24 GB SSD cache). Cũng là chip i5 2 nhân 4 luồng xử lý nhưng 3317U có xung rất thấp: chỉ 1,7 GHz (turbo 2,6 GHz 1 core và 2,4 GHz 2 core). Bù lại điện năng tiêu thụ của chip chỉ là 17W – phù hợp với ultrabook. Đồ họa tích hợp HD 4000 và đồ họa rời GT 635M tự động chuyển đổi qua lại tùy theo ứng dụng có nặng về đồ họa hay không nhằm tiết kiệm năng lượng. Để gánh cấu hình thế Asus chỉ trang bị pin 4 cell nên tôi hơi có phần nghi ngại về thời lượng pin của S46CM. Đó là vấn đề ta sẽ đề cập ở phần sau, còn bây giờ là một vài benchmark hiệu năng trước đã. Đối với các tác vụ thông thường như chat Yahoo, Skype, xem film, lướt web nghe nhạc hay soạn thảo văn bản Asus S46CM đều đáp ứng mượt mà. Có điều ổ cứng lai 5400 vòng/phút với 24 GB SSD cache chạy… lúc nhanh lúc chậm. Đôi khi bạn sẽ cảm thấy hơi bực mình do firefox, file word hay excel khởi động chậm chạp, song nhiều lúc chúng lại hoạt động nhanh như một chiếc SSD thực thụ! Tôi không rõ nên đánh giá thế nào về ổ cứng, bởi rõ ràng với giá 17 triệu chúng ta không thể đòi hỏi một chiếc SSD dung lượng đủ lớn. Thế nhưng tốc độ lúc nhanh lúc chậm thực sự rất phiền toái, thậm chí còn khó chịu hơn cả… lúc nào cũng chậm! Trên phương diện benchmark, Crystal DiskMark và ATTO chấm tốc độ ổ cứng rất cao. Crystal DiskMark cho kết quả tốc độ đọc-ghi của ổ là 126,5-94,13 MB/s, còn ATTO là khoảng 200-93 MB/s. Các tác vụ thông thường S46CM đều chiến tốt, vậy còn tính năng xử lý đồ họa thì sao? Có thể nhiều người cho rằng đối tượng của ultrabook là các doanh nhân không coi trọng điều này, nhưng dù sao VGA rời GT 635 cũng tỏ ra rất hăng hái trong việc… rút pin nên chúng ta cũng nên đánh giá qua khả năng của nó. Đầu tiên là 2 phần mềm benchmark đồ họa 3DMark 06 và 3DMark 11. 3DMark 06 chấm CPU 2714 điểm và điểm tổng 8473. 3DMark 11 chấm CPU 2981 điểm còn điểm tổng là 1076 điểm. Trực quan một chút thì 2 phần mềm này đánh giá hiệu năng i5 3317U ~ i3 Sandy Bridge trên laptop ~ Core 2 Duo 3,4 GHz máy bàn, còn GT 635M mạnh cỡ GT 430 trên máy tính để bàn. Bài test hiệu năng render Cinebench 11.5 cũng chấm i5 3317U 2,38 điểm – ngang với i3 2330M AIDA64 và MaxMem2 đo được tốc độ read, write và copy của bộ nhớ RAM rơi vào khoảng 12000 MB/s – nhanh hơn tương đối so với bộ nhớ 1333 MHz trên thế hệ laptop Sandy Bridge trước đây. Chắc chắn hiệu năng hệ thống cũng được tăng lên không ít. Một vài game được tôi bench thử: Batman Arkham City (DX 9): thiết lập Very High, AA off, 1366 x 768. BattleField 3 (DX 11): thiết lập Medium, AA off, AF 4x, 1366 x 768. Dirt 3 (DX 11): thiết lập High, AA off, 1366 x 768. Prototype 2 (DX 9): thiết lập High, 1366 x 768. ó thể thấy khả năng chơi game của S46CM ở mức khá đối với một chiếc laptop. Riêng đối với game Prototype 2 dù với thiết lập cao nhất VGA chỉ hoạt động khoảng 70 -> 80%. Theo tôi biết game này tận dụng đa nhân rất kém nên khả năng xung nhịp thấp đã thể hiện nhược điểm của i5 3317U (dù có tới 2 nhân 4 luồng xử lý). Nhiệt độ Trong quá trình làm việc thông thường và xem film, chiếc ultrabook không gặp phải bất cứ vấn đề nào về nhiệt độ. Nhiệt lượng tỏa ra bề mặt máy (cụ thể là phần bàn phím và màn hình) rất ít, ngón tay ít cảm nhận thấy độ nóng và bàn tay không bị đổ mồ hôi. Kể cả khi bị vắt kiệt bởi những game nặng nề, S46CM vẫn tương đối êm ái và mát mẻ. Đây là nhiệt độ tôi đo được trên bề mặt bàn phím khi chơi game liên tục. Theo đó nhiệt độ ở điểm kê tay dao động 35 – 37 độ C, khu vực 4 phím mũi tên là 33 độ C. Nhiệt độ các phím tăng dần khi di chuyển về phía bên trái máy, đạt cao nhất ở khu vực WASD với 40 độ C (có lẽ do CPU hoặc GPU được đặt ở vị trí này). Trong khi đó luồng khí thoát ra từ khe tản nhiệt rất nóng: tận 57 độ C, cho thấy tản nhiệt làm việc tương đối hiệu quả. Thời lượng pin Trái với lo ngại ban đầu của tôi, thời lượng pin của S46CM có thể đánh giá là ổn. Chiếc laptop được trang bị pin 4 cell dung lượng 44250 mWh. Đầu tiên, S46CM được đặt ở chế độ Battery Saving, độ sáng màn hình mức 9 (có tổng cộng 11 mức), âm lượng 70%. Đây là thiết lập tôi cảm thấy thích hợp để sử dụng, độ sáng và âm lượng vừa phải. Kết quả sau 3 giờ 23 phút nghe nhạc, lướt web, chat yahoo, soạn thảo văn bản cùng lúc thì máy tắt. Với film Batman Begins chất lượng HD 720p, chế độ Battery Saving, độ sáng màn hình và âm lượng 100%, wifi tắt, thời gian đo được đến khi máy tự động tắt là 2 giờ 40 phút. Ngược lại, đối với game thời lượng pin hơi ngắn. Thử nghiệm với game Metro 2033, chế độ High Performance, độ sáng màn hình và âm lượng 100%, wifi tắt, pin 4 cell chịu được 58 phút trước khi đầu hàng. Kết luận Tùy vào nhu cầu và cách nhìn nhận, mỗi người sẽ rút ra đánh giá khác nhau. Từ góc nhìn của tôi, Asus S46CM là một sản phẩm nhiều ưu điểm nhưng cũng không ít nhược điểm. Nếu đánh giá trên phương diện ultrabook, S46CM tồn tại quá nhiều điểm bất hợp lý, điển hình nhất là kích thước 14 inch cồng kềnh và khối lượng tới 2 kg. Kích thước phần cứng tăng lên cộng với card đồ họa rời 2 GB khiến thời lượng pin của chiếc laptop cũng bị giảm đáng kể, nhất là khi máy chỉ được trang bị pin 4 cell. Thực tế khả năng xử lý đồ họa không phải điều các doanh nhân – đối tượng của ultrabook – cần tới. Thêm vào đó màn hình cũng là một điểm không ổn. Màn hình gương phản chiếu ánh sáng sau lưng người dùng, gây ảnh hưởng tới công việc. Góc nhìn hẹp, màu sắc kém hấp dẫn, gam màu bị ám vàng cho hình ảnh thiếu sức sống, đặc biệt là các ảnh ngoại cảnh và thiên nhiên. Tuy nhiên, nếu đứng từ góc nhìn của một người dùng laptop thông thường thì sản phẩm lại tồn tại khá nhiều ưu điểm. Với chiều dày chỉ 21 mm và cân nặng 2 kg, máy thuộc loại dễ chịu so với phần đông laptop. Vỏ nhôm đen phay xước sang trọng, thiết kế đơn giản hợp lý, phù hợp với nhiều đối tượng sử dụng. Kết cấu thân máy rất vững vàng. Loa ổn, âm trong, tròn, không bị méo và gắt. Cấu hình đáp ứng được đa số công việc và giải trí. Tản nhiệt làm việc tương đối hiệu quả mà không phát ra tiếng ồn. Với giá khoảng 16 triệu đồng, tuy không thật xuất sắc nhưng Asus S46CM là một sản phẩm đáng mua, dung hòa hợp lý các yếu tố kích thước khối lượng, hiệu năng, tính sử dụng và giá thành. Nguồn