NAM PHI-Ngày mất của nhà bảo tồn động vật Lawrence Anthony, 21 chú voi bất ngờ xuất hiện, đứng thẳng, ngẩng đầu, vươn vòi kêu bi ai đưa tiễn ông. Chúng xếp hàng trước căn nhà gỗ trong Khu bảo tồn Thula Thula, ở Zululand, tỉnh KwaZulu-Natal, Nam Phi, phát ra tiếng kêu bi ai giống nghi thức tiễn đồng loại của chúng, để tưởng nhớ ông Lawrence. "Đã hơn một năm rưỡi đàn voi không xuất hiện trước căn nhà gỗ của chúng tôi. Đây thật sự là một điều kinh ngạc, cho thấy động vật cũng có tình yêu thương, cũng có linh cảm", bà Francoise Malby Anthony, vợ ông Lawrence viết lên Facebook ngày 4/3/2012. Giữa nguy cơ đàn voi bị giết hại những năm 1990, nhà bảo vệ động vật Lawrence Anthony đã cứu chúng về khu bảo tồn của mình. Ảnh: Thulathula. Và đó không phải là lần duy nhất đàn voi làm điều này. 7 năm qua, cứ vào ngày giỗ của ông Lawrence, đàn voi lại xuất hiện trước căn nhà gỗ. Để tới đây chúng phải đi 12 tiếng. Không ai có thể giải thích tại sao đàn voi ở một nơi xa xôi lại biết ông Lawrence qua đời mà đến viếng, cũng không ai giải thích được sao chúng nhớ ngày giỗ. Nhưng những người làm ở Khu bảo tồn Thula Thula tin rằng giữa đàn voi và ông Lawrence đã có mối dây liên kết tâm linh ở mức độ nào đó, vì thế chúng có thể cảm nhận được việc người bạn thân yêu của chúng đã ra đi. Ông Lawrence Anthony sinh ra ở Nam Phi, từ nhỏ đã yêu quý động vật. Giữa những năm 1990, ông quyết định từ bỏ sự nghiệp bảo hiểm và bất động sản, cùng với vợ mua một mảnh đất và xây dựng Khu bảo tồn sinh thái Thula Thula. Nơi đó họ đặt căn nhà gỗ nhỏ cho mình. Thula Thula có nghĩa là "hòa bình" và "yên tĩnh", là nơi sinh sống của voi, tê giác, trâu, báo, hươu cao cổ và chim. Vào năm 1999, voi ở Nam Phi thường bị giết hại do chúng phá hại rừng, mùa màng và đe dọa con người. Một lần nhận được cuộc điện thoại báo có 7 chú voi sắp bị giết, ông Lawrence đã mang chúng về chăm sóc tại khu bảo tồn. Chúng được thả vào một khu vực đặc biệt, nơi có những hàng rào điện. Những con voi có thể bị điện giật nếu chạm vào hàng rào. Nhưng chúng vẫn trốn thoát. Sau đó Lawrence bắt đầu lại nuôi lại. Ông quyết định sẽ ăn, ngủ cùng chúng, dù vẫn phải duy trì khoảng cách. Ông xem chúng như bạn, trò chuyện, ca hát và thổi kèn harmonica cho chúng nghe. Ông nhận ra con voi đầu đàn, chuyên đầu têu phá hoại, là một con voi cái rất nghịch ngợm và khỏe mạnh, tên Nana. Quyết tâm phải loại bỏ sự bất an và tâm lý đề phòng của nó, ông hay kể chuyện cho nó nghe nhiều hơn các con khác. Lawrence chạm vào Nana, con voi đầu đàn. Ảnh: Thulathula. Vào một ngày nọ, Lawrence đang đi xuống hàng rào và muốn xin Nana đừng phá nó. "Tôi biết nó không hiểu tiếng người, nhưng tôi hy vọng nó hiểu được giọng nói, ngôn ngữ cơ thể tôi. Bất chợt Nana đưa cái vòi dài qua hàng rào về phía tôi. Nó muốn tôi chạm vào", Lawrence từng kể. Ông rất kinh ngạc, rằng Nana kiêu ngạo, bất khuất nay đã chủ động đến gần mình. Ông chạm vào vòi nó, chơi đùa với nó. Khoảnh khắc này, ông đã cảm động rơi nước mắt. Đây là bước ngoặt. Việc thành công thu phục voi đầu đàn đồng nghĩa đã thuần phục được cả đàn voi. Đến một ngày ông Lawrence quyết định tháo tung hàng rào điện để xem đàn voi sẽ ứng xử ra sao. Chúng có thể đi. Nhưng chúng đi rồi quay lại. Từ đó chúng sống yên bình trong Khu bảo tồn Thula Thula. Thi thoảng ông Lawrence vẫn thổi kèn, kể chuyện cho chúng. Ông viết cuốn sách The Elephant Whisperer (Chú voi thì thầm) kể lại quá trình làm bạn với đàn voi. Nana dẫn đầu đàn voi hành quân 12 tiếng đến viếng ông Lawrence vào ngày giỗ mỗi năm. Ảnh: Thulathula. Thật không may, Lawrence chết vì một cơn đau tim ở tuổi 61, trong khi đang lên kế hoạch cho chiến dịch nâng cao nhận thức về số tê giác trắng đang giảm dần. Ngày ông mất, Nana dẫn đàn đến từ sáng sớm. Đàn voi ban đầu 7 con, sau 13 năm đã tăng lên 21, chúng ở quanh nhà ông suốt 2 ngày. Giỗ đầu của chồng, bà Francoise tổ chức một lễ đơn giản, sau đó phải đi công tác. Vào cuối ngày bà nhận được tin nhắn, kèm ảnh của nhân viên. "Chúng đang ở nhà chính". Tất cả đều kinh ngạc. "Có đủ cả đàn voi, chúng vây quanh nhà tôi ở Thula Thula. Lưng chúng lấp lánh như gỗ mun trong ánh sáng mờ dần", Francoise nói. Kể từ đó, chúng sẽ di chuyển 12 tiếng mỗi năm vào ngày 2/3 để bày tỏ sự kính trọng với người bạn đã khuất. Đàn voi hiện đã có quân số hơn 30 con. Bảo Nhiên (Theo BBC, Eternallifestyle) https://vnexpress.net/doi-song/nguoi-dan-ong-duoc-dan-voi-toi-vieng-mo-suot-7-nam-4018847.html
Tức là 1 năm rưỡi qua đám voi ko gặp nhà này vậy mà khi ông này chết đám voi vẫn nhớ đường và biết ông này chết để quay lại
Mà cũng ko biết vì sao mà mấy con động vật nó biết dc tin người thân quen nào đó chết, có khi biết trước mọi người luôn.
Nhà mình trước có con mèo khôn lắm, lúc chôn bà xong nhiều lần thấy nó ra mộ nằm ở đó, không biết là do được xây sạch sẽ nên nó ra đó chơi hay là biết chỗ đó có người quen. Nhà ai ở đó mà đi xa là hôm sau nó kêu tiếng tìm mèo con khắp phòng như đi kiếm người vậy đó. Con mèo nuôi 2001, mới chết 2017 Có nhiều cái khó giải thích lắm
Con voi là loài vật biết nhận thức được sự sống và chết mà . Nó còn biết tự tìm đến nghĩa địa của nó để chết nữa.
Công nhận vật nuôi nó biết chủ mất nhà có con chihuahua kì bà ngoại với ba minh mất nó đều quỳ lại cái hòm