Thứ hai, 18/4/2022, 20:26 (GMT+7) Indonesia gây tranh cãi vì chọn ca sĩ làm phát ngôn viên G20 Indonesia, nước chủ tịch G20, chọn ca sĩ 27 tuổi không có kinh nghiệm ngoại giao làm phát ngôn viên diễn đàn và quyết định này gây ra nhiều tranh cãi. Ayunda Faza Maudya, nữ ca sĩ kiêm diễn viên 27 tuổi, được chỉ định làm người phát ngôn cho nhiệm kỳ chủ tịch G20 của Indonesia từ ngày 31/3. Ayunda đảm nhận vai trò này trong bối cảnh Indonesia phải đương đầu với nhiệm vụ khó khăn là đảm bảo tính cân bằng của nhóm khi cuộc xung đột ở Ukraine nổ ra. Các đại biểu Nga đã được mời tham dự cuộc họp G20 ở Washington, Mỹ, vào tuần này, bất chấp hàng loạt quốc gia khác đe dọa tẩy chay sự kiện. Nữ ca sĩ kiêm diễn viên Indonesia Ayunda Faza Maudya, người vừa được bổ nhiệm làm phát ngôn viên G20 của nước này. Ảnh: AFP. Theo giới phê bình, việc bổ nhiệm nữ ca sĩ Ayunda là một phần trong nỗ lực của chính quyền Tổng thống Indonesia Joko Widodo nhằm kết nối tốt hơn với nhóm dân số trẻ của đất nước vốn đang đối mặt tỷ lệ thất nghiệp cao. Ông đã chỉ định hàng loạt người nổi tiếng, nhà khởi nghiệp hay con của các tài phiệt vào những vị trí chính trị. Hơn một nửa trong 273 triệu dân Indonesia là người dưới 35 tuổi và tỷ lệ thất nghiệp ở nhóm tuổi từ 16 đến 30 dao động ở mức 14% vào năm ngoái. "Việc bổ nhiệm mang tính biểu tượng này là một phần trong nỗ lực xoa dịu những lời chỉ trích trong giới trẻ trước các vấn đề quan trọng như việc làm hay dịch vụ công", Wasisto Raharjo Jati, nhà nghiên cứu chính trị tại Cơ quan Nghiên cứu và Đổi mới Quốc gia Indonesia, cho hay. "Chính phủ đang có xu hướng nghiêng về tầng lớp thanh niên thành thị có đặc quyền, những người phù hợp với ý tưởng mà họ muốn quảng bá, trong khi bỏ qua phần lớn những người có thu nhập trung bình đến thấp và sống ở các vùng nông thôn". Thanh niên Indonesia có tỷ lệ thất nghiệp cao hơn gấp đôi tỷ lệ trung bình quốc gia là 6,5%. Bất chấp các chương trình đào tạo việc làm và học bổng của nhà nước dành cho giáo dục đại học, khoảng 1/5 trong số họ không đi làm cũng như không đi học. Đây là những con số đáng báo động đối với mục tiêu trở thành nền kinh tế có thu nhập cao vào năm 2045 của Indonesia. Ayunda không có cả kinh nghiệm ngoại giao lẫn kinh tế. Trong cuộc họp báo đầu tiên của mình, cô dường như phớt lờ những câu hỏi về liệu Tổng thống Nga Vladimir Putin có tham gia cuộc họp của G20 ở Indonesia vào cuối năm hay không, trong bối cảnh một số nước thành viên đề nghị loại Moskva khỏi nhóm. Ban tổ chức yêu cầu các nhà báo hỏi về tính cách của cô. Ayunda cho biết với tư cách thành viên trong một nhóm những người phát ngôn, vai trò của cô là báo cáo kết quả các cuộc họp G20 có liên quan đến Indonesia trong khi những vấn đề nhạy cảm sẽ do các đại diện khác xử lý. Dedy Permadi, phát ngôn viên Bộ Truyền thông Indonesia, cho hay Ayunda được chọn vì là người có thể tiếp cận công chúng rộng rãi hơn, đặc biệt là giới trẻ. Irfan Wahyudi, phó chủ nhiệm khoa khoa học xã hội và chính trị thuộc Đại học Airlangga, Indonesia, nhận định Ayunda được bổ nhiệm nhờ cô từng du học nước ngoài và cô cũng phù hợp với mục tiêu mà chính phủ hướng đến là tạo ra những hình mẫu cho giới trẻ. Nhưng đối với G20, Indonesia cần một đại diện có thể thay mặt đất nước phát biểu về các vấn đề toàn cầu, Wahyudi nhấn mạnh. Theo giới phân tích, cũng có những hoài nghi rằng liệu việc bổ nhiệm những gương mặt trẻ tuổi như Ayunda có thực sự thu hút được ủng hộ từ giới trẻ Indonesia hay không. Hasanuddin Ali, giám đốc điều hành tại công ty nghiên cứu Alvara Strategic, cho biết thanh niên Indonesia chủ yếu quan tâm đến các vấn đề kinh tế như khả năng tiếp cận giáo dục, việc làm và môi trường hỗ trợ khởi nghiệp. Tuần trước, hàng nghìn sinh viên đại học đã xuống đường phản đối vấn đề chi phí thực phẩm và nhiên liệu tăng cao. "Những quyết định bổ nhiệm này mang tính tô vẽ nhiều hơn. Họ không thực sự có quyền lực đáng kể đủ sức gây ảnh hưởng đến công cuộc hoạch định chính sách", ông nói. https://vnexpress.net/indonesia-gay-tranh-cai-vi-chon-ca-si-lam-phat-ngon-vien-g20-4452970.html