Quản lý kinh doanh Internet: Sẽ siết chặt! Khách hàng dưới 14 tuổi đến các cửa hàng Internet phải có người đi kèm - Ảnh: Như Hùng TT - Hàng loạt qui định ràng buộc dành cho loại hình kinh doanh được xếp vào loại “nhạy cảm” - Internet công cộng - đã được ban hành. Song có những qui định nếu làm căn cứ để kiểm tra, xử phạt thì gần như ai kinh doanh ở lĩnh vực “nhạy cảm” này cũng đều bị “dính”... Những qui định gây tranh cãi Trong số rất nhiều qui định ràng buộc dành cho hoạt động kinh doanh Internet công cộng, có một số qui định luôn gây tranh cãi, băn khoăn... đối với cả người quản lý nhà nước lẫn người kinh doanh. Cụ thể, những qui định liên quan đến việc ghi lại nhân thân của người sử dụng dịch vụ (hay còn gọi là lập sổ thông tin khách hàng); người dưới 14 tuổi đến sử dụng dịch vụ Internet công cộng phải có người trên độ tuổi này kèm cặp... Nói về tính thực tế của những qui định kiểu như vậy, một bạn đọc của Tuổi Trẻ đã bức xúc: “Tôi thấy có nhiều điều chưa hợp lý trong các qui định hiện hành để quản lý kinh doanh Internet công cộng. Những bất hợp lý đó đã gây ra quá nhiều phiền hà cho cả người sử dụng dịch vụ lẫn người kinh doanh mà đúng ra họ không phải chịu như thế”. Bạn đọc này cho rằng qui định giám sát người dưới 14 tuổi đến phòng Internet công cộng là một trong những qui định thể hiện rõ nhất tính không thực tế và không thể thực hiện được; các phụ huynh không có thì giờ để làm việc giám sát này. Giả sử nếu phụ huynh làm được thì phòng Internet cũng không có chỗ cho “một người kèm một người”. Còn qui định việc kinh doanh Internet công cộng phải cách xa trường học từ 200m trở lên cũng không thực tế nốt. Nếu các em học sinh cố tình sa đà vào tiệm Internet thì khoảng cách 200m là vô nghĩa... Những qui định như vậy chỉ làm khó khăn thêm cho người kinh doanh mà thôi. Ngoài ra, nhiều người kinh doanh Internet công cộng phản ảnh rằng không thực hiện được qui định lưu trữ thông tin sử dụng dịch vụ của khách hàng trong 30 ngày. Hơn nữa, muốn làm điều này, các điểm kinh doanh Internet công cộng phải trang bị máy chủ trị giá cỡ vài chục triệu đồng. Đó là chưa kể đến những tình huống pháp lý rắc rối khi không may thông tin về khách hàng bị lộ... Ngoài ra, rất nhiều đại lý Internet công cộng cho biết người sử dụng dịch vụ vẫn có thể truy cập vào các trang web xấu, dù họ đã cài đặt các phần mềm kiểm soát. Hạn chế chơi game online Trò chơi trực tuyến (game online) vẫn đang có sức hút mạnh, đặc biệt là đối với giới trẻ. Loại hình trò chơi mới mẻ này tại VN đã mang nỗi lo lắng thật sự đến nhiều gia đình. Tuy nhiên, không lâu nữa người chơi game online cũng như nhà kinh doanh phải chịu một số ràng buộc theo qui định tại thông tư liên bộ về quản lý game online vừa mới ban hành vào đầu tháng 6-2006. Một trong những qui định gây xôn xao trong giới game thủ là “... trong 180 phút đầu tiên người chơi được tính 100% điểm thưởng; từ phút 181-300 chỉ được tính 50% điểm thưởng; từ phút 301 sẽ không được tính điểm thưởng dưới mọi hình thức”. Đại diện Công ty VinaGame khẳng định: “Chúng tôi cam kết sẽ thực hiện tốt những yêu cầu do các cơ quan quản lý nhà nước đề ra”. Đại diện công ty này cũng cho biết hiện VinaGame đang trong giai đoạn chuẩn bị hợp tác với các đối tác nước ngoài để thực hiện các biện pháp kỹ thuật giải quyết các yêu cầu của Nhà nước đối với loại hình game online. Đồng thời VinaGame cam kết sẽ thực hiện đúng qui định cài đặt chức năng quản lý giờ chơi nói riêng và tuân thủ mọi qui định khác của các cơ quan quản lý nhà nước. Theo hướng dẫn của Bộ Bưu chính - viễn thông, “các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trò chơi trực tuyến phải triển khai hệ thống máy chủ, phần mềm tại máy chủ, các trang thiết bị khác... để quản lý thông tin người sử dụng dịch vụ”. Đồng thời hệ thống này phải đáp ứng yêu cầu cập nhật liên tục tên, địa chỉ, số và nơi cấp chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu của người sử dụng dịch vụ hoặc người bảo lãnh cho người sử dụng dịch vụ dưới 14 tuổi. Ngoài ra, các thông tin liên quan đến người sử dụng dịch vụ và thời gian sử dụng dịch vụ tại hệ thống máy chủ của doanh nghiệp ít nhất 30 ngày kể từ ngày sử dụng dịch vụ. Bộ Bưu chính - viễn thông yêu cầu các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trò chơi trực tuyến cho công cộng phải báo cáo cho bộ biết việc thực hiện, cài đặt các phần mềm quản lý, các giải pháp kỹ thuật khác... để quản lý người chơi, chậm nhất là 1-10-2006. Q.THANH - N.HƯNG Ông LÊ MẠNH HÀ Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông LÊ MẠNH HÀ (ảnh) - giám đốc Sở Bưu chính - viễn thông TP.HCM, địa bàn có hoạt động kinh doanh Internet và trò chơi trực tuyến sôi động nhất nước - khẳng định: - Trong mọi trường hợp, dù game online đã có mặt tại VN trước hay sau khi thông tư liên bộ về quản lý game online ra đời đều phải tuân thủ các qui định tại thông tư này. Nếu trong quá trình triển khai có gì vướng mắc thì doanh nghiệp mạnh dạn kiến nghị, cơ quan quản lý nhà nước sẽ xem xét và điều chỉnh cho phù hợp. Như vậy, tất cả các loại game online, nếu khi đã bán, kể cả đang cho chơi thử nghiệm cũng phải cài đặt chương trình hạn chế giờ chơi của người chơi theo qui định. Chúng tôi sẽ kiểm tra, thanh tra trên diện rộng sau khi có tập huấn, hội thảo... để phổ biến các qui định về quản lý Internet, trò chơi trực tuyến đến các nhà cung cấp dịch vụ, các doanh nghiệp. * Rất nhiều đại lý Internet công cộng hay dịch vụ game online phản ảnh rằng các qui định giám sát người dưới 14 tuổi đến các điểm Internet công cộng hay các điểm kinh doanh trò chơi trực tuyến, khi sử dụng dịch vụ phải xuất trình chứng minh nhân dân hay hộ chiếu... Ông có ý kiến như thế nào về các qui định này? - Theo số liệu khảo sát của Sở Bưu chính - viễn thông TP.HCM, trên 90% đại lý cho rằng việc lập sổ thông tin khách hàng là không thể thực hiện được và trên 2/3 nói không thực hiện việc bảo lãnh cho trẻ em dưới 14 tuổi. Nếu kiểm tra việc thực hiện các qui định này thì hầu như “ông” nào cũng vi phạm, cũng có thể phạt hành chính họ. Do vậy, theo tôi, để quản lý hiệu quả hoạt động kinh doanh Internet cần triển khai các biện pháp kỹ thuật. WEB ĐƯỢC LẤY TỪ http://www.tuoitre.com.vn/Tianyon/Index.aspx?ArticleID=155786&ChannelID=16
tui nhớ ko nhầm thì cách đây 1 hay 2 năm gì đó cũng có 1 tin tương tự như thế nì .... mãi có thấy làm đâu...