40. Chương XIV - Khởi Nghiệp

Thảo luận trong 'Thư giãn' bắt đầu bởi Trungnguyeneco, 19/7/21.

  1. Trungnguyeneco

    Trungnguyeneco Mr & Ms Pac-Man Lão Làng GVN

    Tham gia ngày:
    16/8/08
    Bài viết:
    170
    Xin chào các bạn. Lại là mình đây. Mình đang viết 1 quyển tự truyện tên là 40 (mình năm nay 40 tuổi). Chuyện kể lại những điều mà mình đã trải qua trong cuộc đời này. Mình là thành viên gamevn lâu năm nên post ở đây thôi, chứ mình không post trên Tinh Tế hay VOZ dù có thể bên đó view cao hơn.

    Mình đã post 2 chương ở đây:

    Chương V: Sự bùng phát của Game ở đây : http://gamevn.com/threads/su-bung-phat-cua-game.1515330/
    Chương X: Tình dục và Cuộc cách mạng tính dục: http://gamevn.com/threads/chuong-x-tinh-duc-va-cuoc-cach-mang-tinh-duc-tai-viet-nam.1515971/

    Sau khi post 2 chương này mình đã nhận được 1 số lời khen, tuy nhiên cũng nhiều lời chê, nên mình không định post nữa. Nhưng đến chương XV này mình thấy có vài cái hay hay, nghĩ là sẽ có người thích nên mình post luôn cho anh em xem.

    Mình biết mình hành văn dở, viết dài dòng lại không có thời gian chèn hình minh họa nên mình sẽ chia thành nhiều phần nho nhỏ, để các bạn dễ đọc hơn.

    Anh em đọc cứ chê bai thoải mái, mình từ nhỏ chưa biết quê là gì :D
     
    lPacific, Langel, namff and 7 others like this.
  2. Trungnguyeneco

    Trungnguyeneco Mr & Ms Pac-Man Lão Làng GVN

    Tham gia ngày:
    16/8/08
    Bài viết:
    170
    Chương XV - Khởi Nghiệp
    Phần 1: Những lúc còn nhỏ

    Thời bây giờ thì mọi người đã dần quen với việc khởi nghiệp hay Start-up rồi. Người ta gọi Khởi nghiệp là để nói về một người bắt đầu sự nghiệp kinh doanh của mình, hay một doanh nghiệp đang trong giai đoạn khởi đầu. Nhưng vào thời của tôi, khi nói khởi nghiệp, người ta sẽ nghĩ đến việc một người bắt đầu sự nghiệp của chính mình, hay nói khác đi là vào đời.

    Tôi vào đời sớm, thất bại nhiều, và trái ngược dự đoán của nhiều người, tôi gặp thất bại liên tục bất kể tôi chọn công việc. Đến năm nay, 40 tuổi, tôi vẫn tay trắng trong khi bạn bè tôi đã có mọi thứ.

    Nếu trong đời tôi, có điều gì đó cay đắng nhất, thì đó chính là sự nghiệp và tỉnh yêu của tôi.

    Và sau đây là câu chuyện của tôi.

    ***

    Tôi khởi nghiệp lần đầu năm lớp 4, 10 tuổi. Năm đó tôi muốn có tiền mua truyện tranh nên nghe theo lời bạn bè rủ rê mà khởi nghiệp. Công việc khá đơn giản và lợi nhuận cũng hợp lý nữa. Đó là nghề bán vé dò số. Mỗi buổi chiều, tầm 3h tôi bắt đầu đi bộ từ nhà lên tiệm photo trên đường Cống Quỳnh ở quận 1, xếp hàng chờ ở đó với lũ nhóc cũng trạc tuổi. Đến 4h15 thì sau khi có kết quả xổ số, người ta đánh kết quả đó lên giấy A4, sao ra thành nhiều bản và cắt ra thành nhiều tờ nhỏ sau đó bán cho tụi tôi với giá 180 đồng 1 tờ nhỏ. Mỗi đứa sẽ mua 50 tờ hay 100 tờ tùy sức chạy. Một tờ bán ra chúng tôi được 500 đồng. Nếu bạn hết được 100 tờ xem như lời được 32.000 rồi. Một quyển doremon lúc đó chỉ có 3000 đồng thôi nên thu nhập vậy là ngon lắm ấy nhé. Có điều phải khỏe lắm mới làm nghề đó được. Nhận được tờ giấy sổ là phải cắm đầu chạy thục mạng theo 1 lộ trình đã được phân chia từ trước. Vừa chạy phải vừa la lớn : Dò số đây, dò số đây. Người ta mua sẽ ngoắc tay kêu vào. Nhét tờ giấy dò số vào tay khách, nhận tiền xong là phải chạy ngay đi để bán cho người kế tiếp. Nhớ lại thì mệt dữ lắm, vừa chạy vừa la nên đến 5h chiều bán sạch số vé là người đổ mồ hôi như tắm luôn. Do còn đi học, nên năm đó tôi chỉ làm trong mùa nghỉ hè thôi. Mà nói là phân chia lộ trình trước chứ thực ra là phân chia nội bộ nhóm đó thôi, chứ bọn khu khác nó thấy khu đường nào có nhiều khách chơi số đề là nó biết hết, nó giành chạy trước. Rồi đánh nhau. Tính tôi ngại đánh nhau nên toàn ôm đầu khi bị đánh. Có ngày lời được 10.000 đồng mà mặt mũi đầy máu. Rồi tụi nhỏ hè phố không hiểu sao nó liều lắm, xe đang chạy ngang dọc mà nó cứ phi qua đường tỉnh bơ, còn tôi phải đợi đèn đỏ hết mới đi lững thững qua nên không bán bằng bọn nó được. Sau này nhiều lần bị tụi nó đón đường đánh đau qua, nên bỏ nghề luôn. Tính từ lúc làm nghề đến lúc bỏ nghề cũng vừa đúng 1 tháng hè. Sau này biết sợ, không dám đụng chạm bọn trẻ ngoài phố nữa.

    Đến năm lớp 7 thì bắt đầu cờ bạc. Khu chung cư nhà cháy gần nhà tôi hay có tụ bài cào, đổ tài xỉu lắm. Tôi nhạy cảm, không hiểu lý do gì mà khi đó cứ thắng hoài. Có khi thắng đến cả triệu bạc dù khởi điểm trong tay chỉ có vài ngàn. Rồi đầu hẻm cũng có máy đánh bar, máy đua ngựa nữa, tôi chơi cũng thắng liền liền. Tụi xóm ngoài nó gọi tôi là Thần Bài như mấy phim Hồng Kông ngày xưa ấy. Mà tôi không nghiện, chơi thua chút cũng nghỉ, mà thắng vừa đủ cũng nghỉ, nên bền, giữ được tiền. Có tiền tôi lại đi mua truyện sách về đọc, rồi còn cho tụi nhỏ trong xóm thuê truyện, 1000 3 cuốn nữa. Từ năm lớp 7 đến năm lớp 9, tôi tậu hẳn được tủ sách hơn 800 quyển với phần lớn là truyện tranh. Đến lớp 10 thì tôi không chơi nữa. Cũng có lý do của nó.

    Tết năm lớp 8, trong chung cư xuất hiện một ông già lạ không biết từ đâu tới. Ông ta làm sòng đổ bầu cua cá cọp ngay trước tiệm điện tử mà tôi hay chơi bar và đua ngựa. Tôi tò mò thấy nhiều người chơi thử nên cũng tập tành chơi. Rồi tôi thắng, tuy nhiên cứ thắng đến tầm 20-40 ngàn là ông ta không cho tôi chơi nữa, ông ta đuổi tôi đi, còn chửi lớn: mày nghỉ đi thằng nhóc, không đi tao đánh chết mẹ mày bây giờ. Tôi ban đầu cũng bỏ đi, nhưng cứ 2-3 lần như vậy nên tôi cũng sinh thắc mắc. Từ nhỏ đến lớn tôi vẫn cờ bạc mà, có thấy ai đuổi đánh tôi đâu, sao ông này kỳ vậy ta. Rồi có bữa khi ông ta dọn đồ về, tôi quyết hỏi cho rõ. Ông ta mới nói vầy nè: mày còn nhỏ, lo mà ăn học chứ dính vào cờ bạc làm gì. Mày nhỏ tuổi, chỉ ăn ít tiền, lại người ở khu này nên người ta cho mày ăn tiền chứ không phải hay ho gì đâu thằng nhóc. Chứ người ta muốn mày thua là mày thua thôi. Tao thấy mày thông minh, hiền, không muốn mày hư người nên mới đuổi mày đi.

    Rồi ông ta kêu tôi đặt thử xem ông ta lắc thế nào. Tôi đặt 3 tờ 5000 đồng vào 3 ô khác nhau. Và ông ta lắc 6 lần liên tiếp, không ô nào của tôi trúng trong suốt 6 lần liền. Tôi thắc mắc quá, cầm ngay cái mâm và cái khay lắc của ông ta kiểm tra. Tất cả chỉ là thứ dụng cụ thông thường, không có cơ quan gì bên trong. Ông ta nói tôi thế này: giờ thì mày hiểu chưa? Khi mày còn nhỏ, dân cờ bạc nó cho mày thắng vì nó còn lo luộc tiền bọn chơi lớn. Rồi mày thấy dễ ăn, mày nghiện. Rồi mày lớn lên, mày chơi lớn. Rồi mày không thoát khỏi con đường cờ bạc này đâu. Bỏ đi nhóc ơi.

    Khi đó tôi mới ngộ ra, trước giờ tôi thắng cờ bạc không phải hay ho gì cả. Chẳng có thần bài nào ở đây. Chỉ là tôi tình cờ trùng khớp với quy luật của trò chơi.

    Để tôi kể bạn nghe, nó là như thế này. Cái máy bar điện tử ngày xưa mà tôi hay thắng ấy. Nó có 8 ô đặt là Táo, Cam, Dưa, Chuông, Nho, Sao, 777 và Bar. Một thẻ mua giá 500 đồng sẽ được 5 điểm. Bạn đặt các điểm đó vào các ô có hình vẽ tương ứng rồi nhấn nút chạy. Máy sẽ chạy và ra ngẫu nhiên một ô. Nếu bạn có đặt điểm vào ô đó, bạn sẽ được nhận số điểm thắng tương ứng. Thấp nhất là Táo, đặt 1 được 2 và cao nhất là Bar với tỉ lệ 1 trúng 50. Sau này khi quan sát kỹ và hỏi luôn cả ông chủ, tôi mới hiểu được tại sao mình hay thắng. Máy có hai nguyên lý hoạt động chính: một là tỷ lệ thắng sẽ do người chủ máy quyết định, thường là 8-2. Tức là bất kể có bao nhiêu người chơi, thì sẽ có 8 lần máy sẽ cho ra kết quả là ô có phần thưởng thấp nhất và 2 lần cho kết quả là phần thưởng cao nhất; điều thứ hai là nếu máy càng có nhiều điểm đặt và liên tục hoạt động trong vòng 30 phút mà không nghỉ, máy sẽ cho ra kết quả trúng là thấp nhất (tức là cho ra toàn Cam, Táo…). Do đó, khi người chơi càng máu me, càng đặt nhiều, càng ngồi lâu thì họ sẽ càng thua. Càng cược lớn, càng chơi theo kiểu double mỗi lượt thì họ vẫn sẽ thua. Lý do tôi hay thắng rất đơn giản, tôi chỉ chơi khi vắng người (do tôi sợ bu đông người lắm, sẽ bị tụi nó đánh) nên máy sẽ nhả ra tỷ lệ thắng cao. Thứ hai là cách tôi chơi, tôi thường mua hai xu tức là mười điểm, đặt mỗi ô một điểm, riêng ô Táo và Cam tôi đặt mỗi ô 2 điểm. Khi này, nếu trường hợp xui nhất là ra Táo, tôi sẽ có 4 điểm, tức là chỉ lỗ 6 điểm. Nếu ra Cam thì tôi được 8 điểm và chỉ lỗ 2 điểm. Nhưng khi này máy đang ở chế độ xả (do người chơi ít và điểm chơi ít) nên tỉ lệ ra các ô lớn sẽ cao hơn. Thường thì với cách này, trong 30 phút, tôi sẽ thắng tầm 10-15 ngàn. Sau đó tôi nghỉ. Nếu tôi tham, ngồi chơi lâu hơn thì kiểu gì cũng sẽ thua. Vậy là tôi thắng nhờ ba yếu tố: chơi một mình khi tiệm vắng, đặt nhỏ và đều các ô, chơi thắng xong nghỉ ngay dù thắng ít.

    Sau đó tôi còn xin theo mấy ông cầm cái cờ bạc ngoài đường để học nghề nữa. Mấy ông mở sòng ở khu chung cư nhà cháy là thuộc Phường 1 Quận 5, nhưng nhà mấy ổng là ở khu Phường 2 Quận 8 là phía bên kia cầu chữ Y. Năm đó khu đó toàn là dân cờ bạc chuyên nghiệp. Họ không làm ăn gì, chỉ đi khắp nơi mở sòng bạc để kiếm sống, vào tù ra khám như cơm bữa. Họ dạy tôi nhiều thứ lắm. Hè năm lớp 9 sau khi thi lớp 10 xong là tôi đi theo họ học cờ bạc suốt.

    Đầu tiên là năm đó không có mấy thiết bị cờ bạc tinh vi như sau này. Nhưng cách họ đánh dấu bài, xào bài, chia bài đều có tính toán và họ luôn cầm phần thắng trong tay. Vấn đề không nằm ở bộ bài (mua ở đâu cũng được) mà là hóa chất mà họ tẩm vào móng tay, và cái nhẫn đeo trên tay họ. Thứ hai là họ gom bài và xào bài giả, hoàn toàn có thể chia cho bạn lá bài mà họ muốn bạn cầm (dù bạn có là người chia hay kênh bài kiểu gì cũng được). Thứ ba là họ không bao giờ đi lẻ, lúc nào trong sòng bài cũng có ít nhất là 2 người của họ. Tức là trong một sòng bài tiến lên, thường người ta nghĩ là có 4 người đang đánh bài với nhau, thật ra chỉ có 2 phe đang đánh bài với nhau. 3 người của phe săn mồi và một người là con mồi. Còn một tụ bài cào hay xì dách, thì tầm 10 người, nhưng luôn có ít nhất là 3 người đóng vai trò chim mồi. Điều thứ tư, là dân cờ bạc chơi chiêu trò tâm lý rất giỏi. Họ gây áp lực liên tục lên thần kinh người chơi và khiến người chơi nóng vội hay tức giận, từ đó mất tỉnh táo và thực hiện các sai lầm và thua sạch túi.

    Điều này đồng nghĩa là bạn không thể thắng trong một ván bài mà người khác cầm cái khi chơi bài với dân chuyên. Vậy tại sao tôi lại thắng?

    Cũng như đã giải thích ở trên, tôi thắng vì tôi là thằng nhóc, và họ để cho tôi thắng. Thường dân chơi chuyên nghiệp khi lập sòng bài ở nơi khác, sẽ xác định hai loại người chơi: loại thứ nhất là con mồi, có tiền và có máu cờ bạc, loại thứ hai là gọi là cá lòng tong, chơi cho vui với số tiền không đáng kể. Và khi bắt đầu trò chơi, họ sẽ chia cuộc chơi thành hai giai đoạn. Giai đoạn một là giai đoạn khởi động, mục tiêu giai đoạn này là tiêu diệt sạch các con cá lòng tong và cho các con mồi thắng một ít. Họ chỉ cho phép đặt nho nhỏ, kiểu chơi cho vui, tối đa là 50 chục ngàn thôi. Sau đó khi giết sạch cá lòng tong và thấy con mồi bắt đầu dính câu, họ chuyển sang giai đoạn hai, gian đoạn luộc gà. Bằng mọi thủ thuật, họ sẽ làm cho những cây bài trên tay con mồi cực xấu, khiến cho con mồi hoang mang là tại sao hôm nay mình xui đến vậy. Và khi có một ván bài xấu, người ta luôn có thói quen nghĩ rằng ván sau sẽ hên hơn nên họ sẽ cược gấp đôi để gỡ và thắng luôn phần tiền còn lại. Tuy nhiên, ván sau chỉ có thể xui hơn mà thôi. Khi họ gần hết tiền, nhà cái sẽ nhả lại vài ván cho vui rồi kết thúc cuộc bài, hẹn hôm khác đánh tiếp. Đó là một kịch bản của một ngày làm việc, của một nhóm con bạc chuyên nghiệp đi săn mồi.

    Như đã nói, từ nhỏ tôi đã sợ đám đông (do hay bị đánh) nên khi sòng đông người, tôi không bao giờ vào chơi cả. Chỉ khi vắng thì tôi mới vào chơi. Và như đã nói, khi đó đang vào giai đoạn hai và con mồi đã cược lớn hơn. Nhà cái chỉ có hai lựa chọn, một là đuổi tôi đi chỗ khác (có thể làm con mồi nghi ngờ), hoặc để cho tôi thắng (còn họ tập trung vào giết con mồi). Do khi thắng một ít, tôi nghỉ ngay nên họ mặc kệ tôi luôn chứ tôi mà đánh nữa, họ sẽ giết luôn tôi. Lý do tôi thắng cũng chỉ có một: đánh lúc vắng và không tham.

    Sau này, tôi học được toàn bộ các nhìn bài, đoán bài, xếp bài, chia bài, kênh bài, xào bài, chơi trò tâm lý này nọ. Tôi khi đó, trừ đánh với các bậc đàn anh thôi chứ gần như không thể thua nếu chơi gian. Nhưng trong nếu một sòng bài, mà trong đó tất cả đều chơi gian, thì yếu tố bạo lực và vốn sẽ là yếu tố quyết định, mà tôi ốm yếu, nhút nhát nên không theo nghề bài bạc được. Còn nếu đánh với dân tay mơ, không biết gì thì tôi thấy không nỡ, không thể làm được.

    Trình độ của người biết chơi bài và không biết chơi bài, rất khác nhau. Như trẻ con đem so với người lớn ấy, nó khác đến mức, chỉ cần bạn có lương tâm, bạn sẽ không thể bắt đầu một ván bài như thế. Tụi bạn học chung lớp, hay chung xóm với tôi cũng mê cờ bạc (do lúc đó ít thú vui lắm, không như bây giờ) nên cũng hay rủ, tôi cũng thèm đánh bài nên cũng chơi chung với tụi nó cho đỡ ghiền. Những ván bài này là những ván bài mà tôi cố tình đánh cho vui, đánh để thua ít, cũng như để đảm bảo không có thằng nào giết hết tiền thằng khác. Chính những ván bài này đã làm tôi bỏ cờ bạc. Tôi thấy cờ bạc, vốn dĩ không xấu, cũng có thể chơi cho vui, nhưng con người thì không. Tụi bạn cùng lớp tôi, hiền lành vui vẻ là vậy chứ vào sòng bài cũng giở đủ thủ đoạn gian manh ra, dù rất trẻ con. Cũng đủ trò tráo bài, đổi bài, giấu bài, chọc tức đối thủ…Nhiều khi đang đánh bài mà tôi cứ gãi đầu, tụi nó tưởng tôi suy nghĩ, thật ra khi đó tôi đau đầu thì đúng hơn. Không thể hiểu được tại sao chỉ có ván bài 500-1000 đồng mà phải vất vả vậy.

    Tết hai năm lớp 11 và lớp 12, tôi hay rủ tụi cùng lớp qua nhà đánh bài. Tôi chơi cho vui thôi mà tụi nó nhiều khi nhiệt tình quá, gian lận đủ kiểu nên tôi bực, chơi đúng sức, gom hết tiền tụi nó rồi giải tán luôn.

    Có dạo năm 1 đại học, mấy thằng bạn hay rủ đánh bài tiến lên trả tiền café uống nước. Thua nhất (điểm thấp nhất) thì trả 60% tiền nước cho bốn đứa, thua nhì thì trả 40% tiền nước. Cũng chẳng có nhiêu, một ly nước chỉ tầm 17.000 là hết mức. Vậy mà đánh một hồi tôi thấy có 5 con heo ngoài chuồng (tức là 1 bộ bài chỉ có 4 con 2, nhưng tụi nó lụm lên đánh lại thành 5 con), rồi tráo bài, đá lông nheo hợp tác, chửi nhau í ới…tôi thấy buồn cười quá mà không biết phải làm sao, nên hay gãi khoái lạc song châu tai, vừa gãi vừa nói: vất vả quá, vất vả quá. Tụi nó nghĩ tôi không biết, còn giả bộ nói: đánh có ván bài mà vất vả gì mậy? Thật ra vất vả là tôi nói tụi nó đó chứ đâu phải nói tôi.

    Rồi có dạo một nhóm bạn khác cũng cùng lớp, tụi nó tiến lên chuyên nghiệp luôn. Một đám lớp tôi đánh bài ở quán café, ăn thua lớn. Tôi không đánh nhưng nhìn cách tụi nó sát phạt, khi mới là sinh viên, mà ăn tiền của nhau làm gì không biết. Tôi không chơi với đám nó nữa.

    Rồi có cái tiệm đĩa vi tính mà tôi hay ra chơi do bạn tôi làm nhân viên ở đó. Ông chủ tiệm sau khi hết giờ làm hay rủ các nhân viên ra café chơi bài chung. Ông ta đánh bài lận và dùng tiểu xảo nhiều lắm. Tôi cũng chơi bài nhưng cho vui và chỉ giữ mình ở mức không bị thua. Nhưng tôi vẫn không hiểu sao, ổng là người phát lương cho nhân viên, mà ổng đánh bài dùng tiểu xảo để thằng bọn nhóc làm gì, thật là mất nhân cách. Tôi kêu bạn tôi là ổng chơi gian, đừng chơi nữa, nhưng nó không nghe. Nhiều tháng, đi làm được bao nhiêu tiền thua hết sạch sẽ. Ông chủ đó và tôi cũng không ưa gì nhau từ chuyện đó.

    Có một dạo năm 2002-2003, để kiếm tiền đi chơi. Tôi hay qua Cambodia đánh bài phụ đám bạn và 1 người chú của tôi. Khi đó Naga World có nhiều tầng lắm, tầng thường thì người đánh bạc sẽ chơi với máy hoặc chơi với nhà cái. Còn tầng VIP thì nhà cái chỉ là trung gian, cho các con bạc chơi với nhau, phục vụ ăn uống chỗ nghỉ ngơi đầy đủ. Tôi đi theo với nhiệm vụ chính là Cầm Bài. Tức là khi tụi nó đánh bài, tôi chỉ cần ngồi xem, cố gắng nhớ bài, dự đoán và đưa ra những lời nhắc nhở nếu cần thiết. Còn tụi nó thì đánh bài suốt đêm, những lúc nào tâm lý xuống quá, thì nó kêu tôi đánh giùm một chút, rồi đi hút thuốc, chợp mắt tý hay kéo một em gái nào đó lên phòng làm vài hiệp rồi vào đánh tiếp. Đi một tour đánh bài 3-5 ngày thì tụi nó cho tôi vài trăm đô, đủ tiền mua sách và đi bụi.

    Vui nhất với nghề cờ bạc vẫn là 2 năm tôi đi nghĩa vụ. Mấy sếp trong quân đội là người Bắc, ghiền bài lắm, hay rủ đánh phỏm và tiến lên miền Bắc. Mấy sếp giàu, còn tôi thì lính tráng nghèo mạt nên tôi không ngại ngùng gì, dốc hết sức để chơi với các sếp. Cứ một đêm đánh bạc với các sếp thì tôi lãi vài trăm. Tiền này tôi không xài mà dùng mua đồ ăn, thuốc lá cho mấy thằng liên lạc (giống tôi) và đội vệ binh của trung đoàn. Mấy sếp biết chuyện nên cũng thương, cứ lâu lâu lại gọi lên đánh dù biết chắc sẽ thua tôi. Tham gia một ván bài mà biết chắc mình sẽ ăn cũng có cái hay riêng. Vấn đề là mình phải cư xử sao cho lễ phép, đánh cho mấy sếp vui. Từ đó mà tôi mới hiểu được thuật ngữ mới: hầu bài. Mà cái văn hóa hầu bài này hình như chỉ người Bắc có, người Nam không có nên lúc đó tôi thấy lạ lùng lắm. Sau khi tôi ra quân, tham mưu trưởng của tôi là một đại gia rất giàu có, cũng nhờ tôi về hầu bài cho mẹ ông. Mẹ ông sếp năm đó chắc tầm 80 hơn ấy. Già lắm nhưng rất tỉnh, và mê chơi phỏm cực kỳ. Cụ bà thích tôi nhưng chỉ có hai tay thì không chơi được vui. Có hôm, tôi thấy cậu cháu trai nhỏ nhất nhà (là một cầu thủ bóng đá nổi tiếng) vừa ghé nhà thăm, chưa kịp cởi giày thì đã bị bắt vào cầm bài đánh hầu bà. Bà có uyền lực lắm, nói là phải nghe. Con trai thứ của bà (em của sếp tôi) là chủ tịch một công ty nội thất lớn có đứa con gái học lớp 11, ông ấy chở đứa con qua thăm và đem trái cây cho mẹ. Con bé bị bà bắt ngồi hầu bài mặt phụng phịu cầu cứu ba. Ông ba vừa nói mấy câu bị mẹ nạt phải ngồi im một chỗ. Bà chỉ đánh bài từ 7h đến 9h thôi, sau đó bà lại tụng kinh rồi đi ngủ. Sau này để đủ tay đánh bài, tôi phải dạy hai đứa bạn tôi cách chơi bài miền Bắc để qua hầu bài bà. Một tuần bà chỉ đánh hai bữa. Một bữa như vậy tụi tôi thắng tiền của bà tầm 8 triệu (bà đánh dở lắm). Sau đó xếp lại dằn túi cho tôi thêm 2 triệu. Tức là một tuần tôi kiếm được hơn 20 triệu từ việc hầu bài ấy. Chia cho 2 đứa kia mỗi đứa 5 triệu thì tôi vẫn còn 10 triệu. Một tháng được 40 triệu rất tỉnh (thời điểm năm 2006), số đó với nhà của sếp như nhỏ như hạt bụi thôi. Được tầm 5 tháng thì bà yếu dần, không đánh nữa, tôi vẫn qua thăm và xoa chân cho bà vì bà giống bà nội tôi lắm. Nửa năm sau thì bà mất.

    Từ sau năm 2007 đó cho đến tận nay, tôi không cầm vào bộ bài tây hay bất cứ món cờ bạc nào nữa. Nhiều khi thèm lắm, tôi vẫn để trong phòng rất nhiều bộ bài và cờ, nhưng tụi học trò tôi không đứa nào chịu đánh chung. Tuy nhiên từ sau năm 2019, tôi nhận ra mình đã quên hết cách chơi cờ gian bạc lận và cũng không còn đủ sức tập trung để nhớ và phán đoán quân bài nữa.
     
    namff, T1nhLaG1, se7en_xiang and 3 others like this.
  3. Trungnguyeneco

    Trungnguyeneco Mr & Ms Pac-Man Lão Làng GVN

    Tham gia ngày:
    16/8/08
    Bài viết:
    170
    Chương XV - Khởi Nghiệp
    Phần 2: Câu chuyện Con Bò Cười

    ***

    Nghề cờ bạc và bán vé dò số chỉ là kể cho vui. Chứ lần đầu tiên đi làm đàng hoàng của tôi chắc phải đến năm 18 tuổi mới bắt đầu. Cái nghề đó là nghề nhân viên tiếp thị. Hay nên gọi đúng từ là nhân viên bán hàng rong nhỉ?

    Mùa hè năm 2000, trong lúc chờ kết quả đại học, tôi nghe theo lời một người bạn rủ đi làm thêm để kiếm tiền. Nó cũng chỉ mới đọc trên mục quảng cáo việc làm của báo Tuổi Trẻ, trong đó người ta tuyển chỉ cầ 18 tuổi và không cần kinh nghiệm gì cả. Nó giới thiệu tôi nhưng nó không đi làm, chỉ có tôi đi làm. Công ty đó tên là TCM và nằm ở đường Lê Hồng Phong Quận 10, đoạn nối dài gần khúc Việt Nam Quốc tự.

    Sáng hôm đó người ta hẹn tôi 8h lên phỏng vấn, kiểm tra giấy chứng minh hộ khẩu xong phân công tôi dưới quyền quản lý của một anh khá lớn tuổi, tầm 30 tuổi. Anh ấy dắt tôi vào trong. Ở bên trong là một phòng trống, không có bàn ghế gì mà có khá đông người, tầm 40-50 người gì đó chia thành nhiều nhóm, mỗi nhóm có 6 thành viên tính luôn cả trưởng nhóm. Nhóm chúng tôi cũng vậy, có tôi và một bạn nữa là mới vào. Chúng tôi đứng thành một vòng tròn nhỏ và bắt đầu hỏi tên nhau, hỏi sở thích, làm quen các thể loại. Sau đó có một tiếng chuông kêu lên, rồi các nhóm xếp thẳng thớm lại thành từng hàng thẳng, quay về phía một cái bảng đen và sau đó có anh giám đốc công ty tới. Anh ta bắt đầu giảng về nghệ thuật bán hàng, phát huy tinh thần nỗ lực… sau đó cho chúng tôi chơi các trò chơi đội nhóm, giao lưu giữa các nhóm với nhau. Mấy trò này trong sinh hoạt Đoàn tôi hay chơi lắm nên nhận ra ngay. Sau đó tôi mới lướt nhìn mặt các anh chị trong công ty, do nãy giờ mãi làm quen các anh chị trong nhóm.

    Trời ạ, toàn người quen trong Thành Đoàn Thành phố Hồ Chí Minh: các anh chị trong đội kỹ năng, đội công tác xã hội.. quen nhẵn mặt. Do có nhiều người quen và biết các anh chị đều tốt, nên tôi rất yên tâm, tôi cũng vui nữa.

    2 ngày đầu tiên, tôi và bạn mới vào đi theo anh trưởng nhóm để học kinh doanh. Nhiệm vụ của chúng tôi là lấy hàng hóa bao gồm các món sau: máy bay đồ chơi, máy tính tiền casio, hộp khăn giấy bằng sơn mài, album hình cổ điển, kéo đa năng (18 chức năng) và đem đi đến từng nhà mời người ta mua (ngày đó cái đó người ta gọi là tiếp thị đó, đến năm 2007 thì nghề này mất hẳn, chỉ còn Yakult là áp dụng hình thức này trong khi ở Nhật vẫn còn nhiều lắm). Anh trưởng nhóm của tôi ăn nói rất giỏi và khéo léo. Anh dạy tôi cách làm quen khách hàng, chào hỏi khen ngợi khách, cách gợi ý và giới thiệu sản phẩm. Anh biểu diễn làm mẫu cho tôi xem và sau đó yêu cầu tôi làm thử cho anh xem, để anh sửa lỗi cho. Hai ấn tượng lớn nhất của tôi về anh, là anh vào quán nhậu lẩu dê ngày đường Nguyễn Văn Cừ mời mấy ông nhậu xỉn mua máy bay đồ chơi. Dĩ nhiên ban đầu anh bị đuổi đi chỗ khác, nhưng anh lại nói mấy ổng cho anh hớp bia, anh khát quá. Một ly bia có đáng là gì đâu nên mấy ông kia cũng mời, rồi ảnh hỏi thăm sức khỏe vợ con, rồi ổng nói sáng giờ bán ế quá, mấy anh mua được thì mua giúp, mấy cái trực thăng này con nít nó thích lắm, đi nhậu có mua quà về cho con, vợ nó cũng vui. Thế là cái bàn nhậu đó, ảnh bán được 5 chiếc máy bay. Một chiếc máy bay 35.000 đồng, bán một chiếc lời được 8.000 tức là ảnh lời được 40.000 trong tầm 30 phút. Ấn tượng thứ hai là ảnh bước vào chợ Bàu Cát để bán. Tôi nói với ảnh, mẹ thằng bạn thân tôi bán cá trong đây, tôi không vào đâu, mắc cỡ lắm. Với lại người ta đang buôn bán, sao mà mình mời được. Ảnh nói cứ yên tâm đi theo, xem mà học hỏi chứ không cần mời chào gì, tôi vẫn mắc cỡ mà đi cách ảnh một đoạn khá xa. Người ta đang buôn bán nên ảnh đi đến đâu cũng đuổi ảnh hết. Nhưng anh không mắc cỡ hay ngại ngùng, cứ mời chào hết người này đến người khác, hỏi thăm họ buôn bán, hỏi thăm gia đình họ, rồi ảnh chào bán chủ yếu là hai mặt hàng là máy tính Casio (đồ dỏm nha) giá 50.000 rẻ hơn máy tính thường họ hay mua là tầm 80.000 (vì máy họ xịn mà), với mời mua họ kéo đa năng giá 15.000 đồng. Cũng rất vất vả lắm, do người ta từ chối nhiều. Nhưng tầm 40 phút, ảnh đi từ đầu chợ đến cuối chợ, bán được 2 cái máy tính (lời được 24.000 đồng) và 4 cây kéo (lời 20.000 đồng). Anh vẫn kiếm được 44.000 đồng trong vòng 44 phút.

    Tôi bắt đầu nhận ra bí quyết của cái nghề này, nó không phải là tài ăn nói hay dáng vẻ bề ngoài, mà là sự kiên trì và nỗ lực. Chỉ cần chấp nhận được cực khổ và kiên trì, thì sẽ có tiền. Anh trưởng nhóm của tôi cũng vẫn bị từ chối và thậm chí chửi rủa như thường, nhưng ảnh cố gắng, và ảnh kiếm ra tiền với tốc độ trung bình rất khá. Mẹ tôi năm đó có thuê người giúp việc, họ vừa phụ mẹ tôi bán gà, vừa phụ việc nhà mà tháng chỉ có một triệu rưỡi. Trong khi đó ảnh chỉ cần cố gắng, thì một ngày ảnh kiếm được cũng vài trăm.

    Sau ba ngày, thì tôi được anh cho phép đi bán một mình (ảnh phải bảo lãnh công ty mới xuất hàng cho tôi bán, và ảnh tặng tôi một cái giỏ xách), còn cái bạn nữ mới vào cùng tôi cũng nghỉ việc rồi. Ít ai chịu được sự khó khăn trong nghề lắm, tôi cũng thấy nhiều người bỏ làm chỉ sau vài ngày. Nhưng tôi lại thấy vui và hứng thú với nghề, vì bình thường ở nhà chán lắm, đọc sách chơi game mãi cũng chán, ra đường được gặp người này người kia cũng vui, mà các anh chị ở đây đều thân thiện vui tính nên xem như anh em một nhà vậy mà. Các anh chị trưởng nhóm cũng chỉ được thêm 10% từ doanh thu của tụi tôi nên các anh chị vẫn phải đi bán hàng mỗi ngày.

    Tôi mượn tiền bạn mua ba cái áo sơ mi tay dài một màu xám (theo lời khuyên của anh trưởng nhóm), mặc thắt nút cổ và nút tay áo (trước đây toàn để hở cổ và xắn tay áo), rồi mỗi tối, đứng trước gương tập cúi đầu chào và nói : Xin chào Anh/chị, em tên Hải, là nhân viên công ty TCM. Hôm nay em xin phép giới thiệu với anh chị một sản phẩm mới của công ty, rất tiện lợi và hữu ích, là…. Rồi lần lượt giới thiệu các máy tính là máy nhật, album theo phong cách cổ điển của Anh, kéo đa năng có thể khui nắp chai, bóp bể càng cua, mở đồ hộp… ngày nào tôi cũng tập suốt 1 tuần liền để nói cho thạo.

    Nhưng cá nhân tôi cũng có nhiều khuyết điểm: tôi nói nhanh, vấp, nuốt chữ và ngoại hình xấu nữa. Cho nên những ngày đầu đi bán, tôi không kiếm được xu nào hết. Mà đi bán từ sáng đến chiều tối, là phải ăn hai cữ cơm, mỗi cữ 1 đĩa cơm bình dân 7000 đồng và 1 ly trà đá 500 đồng. Rồi còn tiền uống nước, gửi xe nữa nên mấy ngày đầu tôi đói lắm. Tôi phải qua nhà ngoại, rồi nhà bạn tôi nhờ nó mua giùm vài món để có tiền ăn. Mẹ tôi biết chuyện tôi đi tiếp thị nên nói là tôi làm xấu mặt mẹ tôi, đánh tôi một trận nặng lắm. Mẹ nhốt tôi trong phòng không cho ra đường luôn. Nhưng do sơ hở nên tôi vẫn trốn ra được, và vẫn đến công ty, lấy hàng và xách giỏ đi bán. Nhiều bữa đi bán gặp trời mưa, hay khách chửi, tôi đứng giữa trời mà khóc ròng luôn. Mà năm đó, ai người ta cũng nghĩ là bán hàng là lừa đảo hết, có khi vừa mở lời chời đã bị chửi, bị lấy chổi quét đuổi đi. Có lần có một chị đang chơi với con ở trước nhà, tôi lại mời mua hàng, chị ấy rất lịch sự từ chối, nhưng tôi vừa quay lưng đi đã nghe chị ấy nói với con: mấy thằng này lừa đảo đó, không lo học sau này con cũng bị như vậy. Nghe rất tủi thân.

    Nhưng tôi cứ lỳ như vậy suốt 1 tuần, thì bắt đầu bán được hàng. Tôi không thay đổi lộ trình, cũng chỉ đi quanh 2 khu Quận 11 – Lạc Long Quân – Lãnh Binh Thăng và khu Quận 1, khu chợ Cô Giang mà thôi. Người ta quen mặt tôi, tôi chào người ta chào lại, và bắt đầu người ta mua hàng. Có khi tôi chỉ đi ngang, người ta cũng quắc lại hỏi thăm rồi mua ủng hộ. Tôi nói nhanh, lại hay chào kiểu Nhật gập người đến lưng, nên người ta nhìn tôi hay cười, hay chọc ghẹo, hay hỏi đi hỏi lại nên cũng từ đó mà thân thiện hơn. Tôi nhận ra rằng tuy mình có khuyết điểm, nhưng hoàn toàn có cách biến khuyết điểm đó thành ưu điểm. Tôi cứ cố gắng đi bán mỗi ngày, chào và cười nhiều hơn, thậm chí đôi khi dừng lại khen một chiếc xe đẹp hoặc giỡn với bọn trẻ con trước nha. Lợi nhuận của tôi tăng dần theo ngày. Sau 3 tuần làm việc, có những ngày tôi kiếm được hơn 200.000 đồng. Điều quan trọng khi này là chân thành và nỗ lực.

    Hồi đó cuối mỗi tối, 8h tối thì nhân viên phải ghé trả hàng cho kho, ký nhận doanh số trong ngày và nộp toàn bộ tiền bán được. Đi làm không có lương, đến cuối tháng thì nhận được lợi nhuận một lần. Ở trong công ty có một cái chuông cầm tay, một cái chiêng lớn và một cái trống. Ai mỗi ngày lời hơn 40.000 sẽ lấy chuông lắc một cái, 80.000 đồng và nếu lời hơn 200.000 sẽ đánh cái trống một tiếng lớn cho cả công ty đều biết, như một dạng truyền động lực. Trong mấy người nhỏ tuổi, thì tôi nổi nhất công ty, sau 3 tuần thì tôi đánh toàn chiêng với trống chứ không thèm gõ chuông nữa.

    Tháng 7/2000 là tháng đầu tiên tôi đi làm, tôi kiếm được hơn 3 triệu đồng. Tôi hỏi Tường Vy là bạn thân nhất của tôi, nó thích cái gì tôi mua cho nó. Nó bảo nó thích 1 cái đồng hồ Edox, tôi hỏi nó bao nhiêu, nó bảo bán 900.000 ở Daimon đó. Tôi phi ra Daimon thì người ta bảo tôi là đến chín triệu lận. Tôi cười nhăn răng rồi nằm tay nó ra Đồng Khởi mua cho nó 1 cái đồng hồ rẻ nhất có giá 2.900.000, là gần hết sạch tháng lương luôn. Còn hơn hai trăm mấy ngàn, tôi dẫn người tôi đang theo đuổi đi bar uống nước và ăn hambuger Lotte. Đó cũng là lần đầu tiên tôi dùng tiền mình đi ăn sang chảnh đó, một suất ăn của Lotte khi đó hơn 70.000 chỉ có một cái hambuger, một nước ngọt và một phần khoai tây (trong khi tôi ăn toàn cơm dĩa 7.000 1 dĩa).

    Mấy tháng sau đó, tôi vừa đi học Đại học vừa đi bán hàng, nhưng do lịch học dày dặt nên tôi chỉ bán được một ngày hai hay ba giờ đồng hồ gì đó vào sáng sớm hoặc buổi chiều tùy ngày. Thu nhập không tăng lên dù trình độ bán hàng của tôi lúc này đã rất cao. Tôi nhìn một người có thể biết người đó có thể mua hàng hay không nên ít mất sức mời chào vô ích hơn. Khu Lãnh Binh Thăng năm đó có nhiều nhà chứa gái mại dâm lắm. Tôi mời chào cả mấy ông ma cô quản lý, mấy ổng còn kêu mấy cô gái ùa ra mua ủng hộ cho tôi. Bán cho mấy cô gái này thì bán được nhiều, nhưng do cứ ùa ra đông đông, cũng hay bị móc hàng, mất hàng lắm nên sau này tôi cũng né mấy chỗ này ra.

    Tiền đi làm thì tôi gửi mẹ tôi một ít, khi này tôi cũng không lấy tiền của gia đình nữa. Tôi dùng phần còn lại để mua đĩa nhạc, sách, ăn uống và dùng làm từ thiện. Nhu cầu xài tiền nhiều, nhưng lượng tiền kiếm được bị giới hạn nên tôi mới nghĩ ra cách để tăng số lượng tiền kiếm được. Thay vì lấy hàng của công ty TCM đi bán, tôi muốn lấy hàng bên ngoài bán để có nhiều lợi nhuận hơn. Nghĩ vậy thôi chứ chưa làm được vì không có vốn, và cũng không biết lấy hàng gì, lấy ở đâu để bán.

    Đó là một ngày tháng 10, một nhân vật quan trọng của cuộc đời tôi xuất hiện.

    Sáng hôm đó 11/10 đó, thằng Lịch, bạn thân cấp 2 của tôi qua nhà tôi rủ tôi đánh bài. Lâu lắm rồi tôi không chơi bài nên tôi từ chối ngay. Nhưng Lịch bảo chơi đi, nó có dẫn theo thằng bạn này hay lắm. Cũng tò mò, tôi mới chơi thử xem sao.

    Ba đứa chơi bài với nhau. Nhanh chóng tôi nhận ra thằng mà tôi đang chơi là dân chuyên. Nó biết xào bài, xếp bài, đẩy bài, gom bài và tất cả kỹ năng cần có của một dân cờ bạc. Nhưng chỉ vậy thôi thì nó không thể thắng tôi được vì tôi thấy nó còn non tay hơn tôi nhiều.Mấy ván đầu tôi vẫn thắng và cái thằng này nó cứ khen ngợi tôi liên tục. Nó khen tôi biết đánh bài, biết kỹ xão này nọ…tôi thấy cái thằng này nói nhiều quá, lại ăn nói tào lao nên tôi cũng khinh ra mặt. Nào ngờ chỉ mấy ván sau đó, tôi thua nó liên tục, mà thua còn không hiểu tại sao mình thua luôn. Sau khi thua hết tầm 200.000, tôi xin phép dừng một chút hít thở cho bình tĩnh. Rồi nhanh chóng, tôi nhận ra ngày là, tôi đã bị nó chơi trò tâm lý. Việc nó khen ngợi tôi, liên tục nói nhảm làm tôi xao lãng và không tập trung, rồi từ đó nó liên tục dùng các tiểu xảo khác mà tôi, dù biết nhưng không chú ý và rồi để thua. Tôi à một tiếng và khi này mới khen ngược lại một tiếng: thằng này hay. Rõ ràng về kỹ xảo và đầu óc nó thua tôi, nhưng chỉ với mấy lời khen ngợi và mấy lời nhảm nhí mà nó khiến tôi thua nó. Lúc đó tôi mới hỏi tên nó và chú ý nhìn kỹ nó. Cái thằng đó tên Tâm, mặt nó vuông, nhiều mụn và bị rổ. Mắt phải nó bị lé, nhỏ hơn mắt bên trái và có một cái sẹo ngay mắt, nhìn không kỹ sẽ nghĩ nó bị mù. Nó khá cao ráo và chững chạc. Nó lớn hơn tôi 2 tuổi.

    Tự nhiên khi tôi hỏi tên nó xong, nó móc túi ra tiền thắng tôi nãy giờ, đếm kỹ rồi trả đầy đủ. Tôi nói: mày thắng thì mày lấy đi chứ, trả làm gì. Nó nói rất chân thật: tao biết nãy giờ mày biết tao chơi gian mà vẫn chơi tiếp, tính mày chơi được. Mày là người có học, kiểu gì cũng hơn tao, sau này có gì làm cho tao làm chung để kiếm tiền.

    Cái sự thẳng tính của nó còn làm tôi ngạc nhiên hơn nữa. Tôi ngày càng tò mò về nó.

    Suốt 5 năm 2000-2005, tôi đã tổng kết cuộc đời mình có 2 người gây ảnh hưởng nhất với tôi giai đoạn đó: Thanh Lan và thằng Tâm đó. Thanh Lan là cô gái tôi thích năm lớp 10, cô ấy coi tôi như cỏ rác và chỉ thích mỗi thằng Nhân cùng lớp. Những năm sau đó tôi thích người khác, được thích lại, đi chơi với nhiều người, ngủ với nhiều người, nhưng tôi cũng nhận ra được chỉ có Lan mới làm tôi thật sự rung động, và cô ấy mãi mãi là người đẹp nhất trong trái tim của tôi. Tôi biết được là một khi tình yêu đã tồn tại, nó sẽ không bao giờ biến mất, kể cả khi hai người không thể bên cạnh và thù ghét nhau như thế nào đi nữa. Tôi nhớ có lần tụi tôi họp lớp 12B ở Sài Gòn Square năm 2003, Lan báo về sớm đi hát, cô ấy đứng chờ xe rước ở ngoài, tôi chạy theo định nói là thích cô ấy lắm, mà không dám vì biết cô ấy không chấp nhận. Lần đó tôi cũng nhận ra cả đời tôi cũng không thể có được tình yêu này nên thôi, bỏ cuộc. Năm tôi 32 tuổi, tôi chợt nhận ra rằng không hiểu sao những cô gái tôi thích (lúc này đã lên đến con số 17 cô), đã hơn 30 tuổi rồi mà vẫn chưa chịu cưới, một cô thì còn nói, chứ tất cả đều không cưới thì ghê quá, không biết có khi nào do tôi ám hay không, nên tôi quyết định làm một việc rất nhảm nhí, là gọi điện cho từng người, thông báo cho họ biết là tôi hết yêu họ (để gỡ cái huông ám ảnh họ) rồi chúc họ sớm lấy chồng. Lan là người đầu tiên tôi gọi, và sau đó cô ấy lấy chồng thật.

    Còn Tâm, nó là đứa dạy tôi nhiều nhất về cuộc đời này. Nó dạy tôi cách khôn lanh, cách lừa lọc, cách dối trá, cách lấy lòng người khác… và còn là bài học điển hình của việc dạy tôi đừng tham lam.

    Tâm nhà nghèo, ba má nó bán quán ăn nhỏ cho mấy ông Đài Loan ở ngay gần khách sạn Đồng Khánh ở quận 5. Em gái nó đẹp gái, cứ ăn mặc sexy để mời gọi khách vào quán ăn. Rồi em gái nó cũng đi lấy chồng Đài Loan. Hôm đám cưới nó có mời tôi, không hiểu sao đám cưới là ngày vui mà cả nhà nó ai cũng khóc sướt mướt. Nhưng gia đình nó cũng lạ, nhà nghèo, hay chửi rủa lung tung, nhưng lại rất quý mến tôi và lúc nào cũng khen tôi là người có học, đàng hoàng tử tế. Khi đó ngoài nhà đó ra, chẳng có ai khen tôi như vậy cả. Mà tôi khi đó cũng mới năm nhất, đã học hành gì ra hồn đâu. Lần nào qua nhà, ba nó hoặc là em gái nó đều xào hủ tiếu, hay chiên cơm cho tôi ăn, ngại gần chết. Trong cái gia đình đó, Tâm nó phải lăn lộn từ sớm để mưu sinh nên nó chỉ học đến lớp 7 là đã nghỉ học. Nó chơi cờ bạc cũng do đó rồi làm đủ thứ lặt vặt để kiếm sống. Thấy hoàn cảnh nhà nó như vậy, cũng hay hay nên tôi cũng bắt đầu chơi với Tâm và coi nó như một người bạn thật sự.

    Tôi năm đó có chơi với 4 nhóm bạn chính: một nhóm là học chung cấp III (bao gồm thằng Mạnh Hải là bạn thân nhất, sau đó đến thằng Hiển và thằng Thông điếc), nhóm thứ hai là anh em kết nghĩa (ba thằng là thằng Vũ, thằng Phong, thằng Triết), nhóm thứ ba là bạn cấp II và nhóm thứ tư là bạn ăn chơi. Hai nhóm sau nhiều lắm, nên không thể kể hết tên. Tôi đi đâu cũng dẫn Tâm đi theo để xem cách ứng xử và suy nghĩ của nó.

    Tâm nó làm tôi bất ngờ nhiều. Ban đầu tôi nghĩ nó có đến 3 khiếm khuyết lớn: ngoại hình quá xấu, mắt lé và mặt rổ; thứ hai là nó nghèo, trong khi đám bạn tôi đa số là từ khá trở lên, thứ ba là nó ít học, nên thế nào nói chuyện cũng sẽ lộ ra và sẽ bị coi thường.

    Diễn biến xảy ra hoàn toàn ngược lại, tôi dẫn nó đi gặp hai thằng bạn thân cấp III là thằng Mạnh Hải và thằng Hiển thì hai đứa kia nhanh chóng kết thân với Tâm và thậm chí, còn thích thằng Tâm hơn là tôi nữa. Chỉ với chiêu bài đơn giản là hay khen ngợi và nịnh mà thằng Tâm lấy hết thiện cảm của hai thằng kia. Đau lòng nhất là khi đó, tụi tôi hay chơi bài với nhau, đôi khi chỉ ăn thua điểm để trả tiền café hoặc 1000-2000 đồng/1 ván tiến lên, mà cả ba đứa nó phối hợp lại để chơi gian với tôi. Tôi hay gãi tai, than thở nhưng lại không chửi thẳng ra vì tính tôi không phải vậy, với lại ăn thua nhỏ không đáng gì nên tôi bỏ qua luôn. Có lần Tâm nó hẹn tôi ra café, nói thẳng: mày biết hai đứa nó chơi gian, tráo bài và thậm chí là là gom bài cũ đánh lại đúng không? Tụi nó thông đồng với tao mày cũng biết đúng không? Hai đứa nó nhà giàu, nó coi thường mày, nên mày cũng tính đường lui đi, chơi không được đâu. Tôi đau xót lắm vì tôi luôn coi hai đứa kia là bạn, nên cuối cùng tôi cũng mặc kệ, bỏ qua lời thằng Tâm.

    Kinh hơn nữa là đám bạn dân chơi của tôi. Tụi nó lập tức mê thằng Tâm như điếu đổ. Đi đâu cũng rủ rê, mà do Tâm nó không có tiền, nên đi đâu tụi kia cũng bao. Thậm chí có con Trang vú bự, là con nhà giàu, sexy và đẹp nhất đám, tình tình rất chảnh chọe, vậy mà cũng thích và quyết định cặp với thằng Tâm, ngủ với nó chỉ sau 3 ngày đi chơi chung. Nói thật khi đó tôi không hiểu tại sao luôn, đếch thể nào hiểu nói thằng quái này nó có cái phép màu gì nữa.

    Rồi tôi làm một phép thử khó hơn, tôi kêu Tâm gọi thử làm quen với bạn thân của tôi xem sao. Con bạn thân của tôi học giỏi, sâu sắc, tính cách rất khó gần và rất khó tính nếu không quen thân. Tôi nghĩ cái trò khen ngợi lung tung của thằng Tâm chắc sẽ bị chửi một trận chứ không làm ăn gì được. Tôi cho số và kêu nó gọi làm quen, nếu được tôi dẫn nó đi ăn 1 chầu nhà hàng. Đúng như tôi dự đoán, lần đầu tiên gọi điện (nó bật loa ngoài cho tôi nghe), Tâm bị chửi té tát. Tôi cười khinh khỉnh rồi nói : mày cố lên Tâm, thắng lợi đang chờ mày. Vậy mà, chỉ một tuần sau, Tâm nó hẹn tôi ra café và gọi điện cho con bạn kia để tôi nghe loa ngoài. Má ơi, con bạn tôi nó tâm sự với thằng Tâm còn thân hơn là với tôi nữa. Nó nói những lời ngọt ngào, thân thiết và tình cảm, êm ái hơn nhiều nếu so với lúc nói với tôi. Tôi chết lặng người trên cái ghế sofa của quán café, tôi chỉ lắp bắp được mấy câu: bạn tao hiền lắm, mày đừng chịch nó được không? Tâm nó cười, nói: bạn mày sao tao dám làm gì, giờ tính đi ăn ở đâu đây?


    Sau phép thử đó. Tôi lưu ý hai điều: một là phải tìm cách sử dụng tài năng của thằng Tâm, hai là phải đề phòng nó, vì nó ghê quá.

    Trong suốt thời gian đó, chỉ có một lần duy nhất là Tâm nó bị phát hiện và bị ghét. Là tôi dẫn nó đến nhà thằng Thông điếc bạn thân của tôi. Ba má Thông cũng coi tôi như con cái trong nhà luôn. Má thằng Thông khều tôi ra nói nhỏ: bác thấy thằng này không được, con đừng chơi với nó nha. Tôi hỏi tại sao vậy, con thấy nó bình thường mà. Má của Thông chỉ nói vầy: ông bà mình nói Lưỡng Nhãn Bất Đồng, Lương Tâm Bất Chính (hai mắt không bằng nhau, lương tâm không trong sạch), con phải lưu ý.

    Nhưng rõ ràng là không ai bắt bẻ được nó bằng lý lẽ, cái miệng nó rất ghê nên đa số ai cũng yêu thích nó. Tôi mới kể chuyện tôi đi bán hàng cho TCM với nó, và hỏi nó xem có cách nào kiếm thêm được không? Không ngờ nó vẽ ra cả một kế hoạch không tưởng. Nó bàn với tôi đi mấy tiệm ve chai, mua mấy vỏ dầu gội đầu cũ, sau đó ra chợ Kim Biên mua hóa chất về pha đem bán, bảo đảm lời lắm. Tôi sẽ phụ trách đem bán và sổ sách, còn nó lo về pha chế và thu mua hàng. Tôi đồng ý ngay, và hai đứa tôi bắt đầu.

    Một cái vỏ chai dầu ngoại xài rồi lúc đó được bán với giá 2000-3000 đồng 1 chai. Tầm ba thùng 5 lít hóa chất các loại sẽ pha được hơn 200 chai dầu gội. Tính ra giá thành 1 chai chỉ có 6000 đồng, và chúng tôi đem bán với giá 70.000 đồng 1 chai, lời mỗi chai 64.000 đồng.

    Thời gian ban đầu, tôi và Tâm đích thân đi bán dạo kiểu của TCM. Có hai điều mà khi đó tôi muốn biết. Một là tôi có thể kiếm được bao nhiêu tiền, và tôi với Tâm, ai bán hàng giỏi hơn. Sự chân thành và chậm rãi của tôi với sự khen ngợi, dối trá và tiểu xảo của Tâm, ai sẽ bán hàng được hơn. Tháng 12/2000, tôi lời được hơn 7 triệu đồng còn Tâm chỉ lời 4 triệu. Nó cũng thú nhận là nó bán không bằng tôi. Sự chân thành vẫn chiến thắng.

    Có một chuyện cũng vui làm tôi nhớ hoài giai đoạn này. Tôi khi có tiền mới chạy ra khu Nguyễn Trãi mua quần jean. Đó là lần đầu tiên tôi được tự đi mua đồ cho mình đó vì đa số quần áo là do mẹ tôi mua cho tôi và tôi buộc phải mặc theo phong cách của mẹ. Ông bán hàng dụ tôi, nói là cái quần Jean này là hàng hiệu, của Versace Mỹ ấy, có 140.000 thôi. Tôi thấy thích nên mới mua về ngay không thèm trả giá. Về Tâm nó chửi cho tôi một trận, Versace phải vài triệu chứ làm gì có 140.000 mà mày ham, cái này là quần sida, có vài chục thôi. Tức quá hôm sau tôi quay lại, không phải để đổi trả, mà là dụ ổng mua mấy chai dầu gội dỏm, tính ra vẫn lời.

    Rồi tụi tôi kiếm thêm người để bán. Tâm nó đi đâu kéo được một đám người, lớn có nhỏ có, mà miệng mồm ai cũng dẻo, mà đa phần là nhà nghèo, làm đủ nghề để kiếm sống, trong đó có cả mấy người làm nghề khóc mướn ở nhà tang lễ Nguyễn Trãi gần nhà nó. Họ kể chuyện thấy thương lắm, do hoàn cảnh nghèo nên họ mong muốn tôi chỉ học cách bán hàng. Cậu ruột thằng Tâm ở quê cũng lên bán nữa, do ở dưới khổ quá, 30 hơn rồi cũng chưa cưới vợ được. Vậy là tụi tôi phân chia nhiệm vụ như sau: tôi giữ sổ sách, vốn liếng, huấn luyện bán hàng và quản lý nhân sự. Tâm phụ trách hàng hóa và trực tiếp theo dõi, hỗ trợ nhân sự bán hàng tại hiện trường. Tôi khi đó nghĩ ra nhiều cách để họ bán hàng lắm như tập cho họ cách chào, cách kể chuyện, cách ăn mặc… nhưng tuyệt nhiên không dùng cách mấy anh bên TCM dạy tôi mà là dạy theo cách khác hẳn, bình dân hơn, vì mấy người này ít học, nghèo chứ không phải là dân có học như bên TCM. Cách chào mà tôi dạy họ, chính là cách chào của Ảo thuật gia Lê Văn Quý mà hồi nhỏ tôi hay xem biểu diễn: kính chào các anh chị, thân chúc anh chị luôn vui vẻ và mạnh khỏe, hôm nay tôi có may mắn ở đây….rồi tôi dạy họ các điệu bộ buồn cười, để khi nhìn vào họ người ta sẽ bật cười ngay (như tôi hay bị cười vào mặt), vì nếu người ta cười, họ sẽ dễ mua hàng hơn…

    Thời đó tụi tôi kiếm nhiều lắm, một tháng vài chục triệu là có thể, tôi mua được cả laptop lẫn quần áo hiệu, đi bar chơi, đi du lịch, mua sách và làm từ thiện nhiều lắm. Nhưng có một chuyện xảy ra khiến tôi bỏ luôn việc kinh doanh đó. Một hôm tôi qua rước bạn gái tôi đi học Anh Văn ở ngay khu Lãnh Binh Thăng mà trước đó tôi hay bán hàng, có một bà già người Hoa tóc bạc phơ, quắc tôi lại hỏi chuyện. Tôi vừa đến thì bả nói ngay : mấy tháng trước cậu bán dầu gội cho A Chế, không biết sao mà chế gội tóc rụng nhiều quá, xác xơ hết nè. Có phải không đúng loại rồi đúng không? Còn loại nào tốt hơn không, bán cho A chế đi. Bà lão dễ thương lắm, xoa quần áo tôi rồi khen dạo này tôi bảnh bao ra. Tôi nhận rằng bà ta hoàn toàn tin tưởng tôi, yêu quý tôi nên ngay cả khi đã bị hậu quả rồi, vẫn muốn ủng hộ tôi và tin tưởng tôi. Tôi thấy mình kinh doanh thất đức quá. Về nhà tôi mất ngủ cả đêm, và sau đó, hẹn Tâm ra, rồi tuyên bố bỏ, không làm nữa. Tìm cái gì khác đàng hoàng mà làm.

    Khi đó, tôi nghĩ rất rõ ràng. Mình thích làm từ thiện và giúp đỡ người khác. Nhưng từ thiện làm gì nếu mình không lương thiện?

    Sau này Tâm nó cũng bỏ do không quản nổi nhân sự và không biết gì về quản lý sổ sách. Ông cậu nó nhờ bán dầu gội dỏm mà cưới được vợ. Sau này còn kinh khủng hơn, ổng áp dụng mô hình của chúng tôi vào sản phẩm là áo sơ mi Sida và làm giàu nhờ đó. Ổng mua hàng sida ở Cambodia rồi về lọc ra, giặt sạch, đóng gói như mới rồi cho nhân viên bán ở các bến xe. Những năm 2002-2004, ai mà đi xe đò về miền Tây thì chắc chắn đã từng gặp mấy anh trai mặc áo sơmi đóng cổ, đóng nút tay, leo lên xe giới thiệu Áo Somi Việt Tiến giảm giá, chỉ còn 35.000/1 cái. Ông ta sao chép cả cách ăn mặc của tôi, cách tôi nói chuyện để huấn luyện người bán. Khi đó mỗi lần về miền Tây bằng xe đò, thấy mấy người bán là tôi bật cười nhớ lại kỷ niệm. Sau này ông cậu này còn làm bánh bao chỉ rồi bỏ mối cho mấy người nghèo bán khắp cái Sài gòn. Năm 2008, đi đâu cũng thấy xe bánh bao chỉ do ổng bỏ mối. Ổng nhạy kinh doanh, mà thương người nghèo.

    Có một chuyện mà sau vụ này tôi mới thấy và nghĩ rằng mình phải nói ra. Nhiều doanh nhân Việt Nam kinh doanh mà không nghĩ đến và không tận dụng được sức lực của người nghèo, đặc biệt người ở quê. Họ giỏi và siêng lắm, hơn hẳn nhiều bạn có học. Một ông nhà quê, học mới lớp 3, chưa viết được chữ mà chỉ cần dạy vài ngày, là họ thành thuyết trình về sản phẩm còn hơn là sinh viên đại học. Mấy từ động lực, phát triển bản thân, chọn mua sản phẩm cũng là hình thành phong cách, mua ngay là khôn ngoan… mấy ông bà nhà quê nói còn rành rọt hơn tôi là người nghĩ ra. Mà họ có nét chân thực và chân thành, nên tôi vẫn nghĩ, đội ngũ này mà đem đi kinh doanh chắc chỉ có giàu. Đáng tiếc ở Việt Nam, cho đến hiện tại chỉ có 2 đối tượng chú ý đến huấn luyện sale cho người nghèo là Đa cấp và các hội Thánh, Pháp Luân công. Sức mạnh của họ là không tưởng nên việc đa cấp bùng phát tại Việt Nam (sau này là bán hàng dỏm online) cũng là chuyện mà tôi đã thấy từ năm 2001.

    Đến năm 2001, thì tôi quyết định mở công ty để kinh doanh hàng nhập khẩu. Đó là lần đầu tiên tôi khởi nghiệp theo đúng nghĩa mà bây giờ người ta hay dùng. Công ty đó tôi đặt tên là CBC (Commercial Business Company).

    Ngày 28.1.2001, tôi mời những đối tượng mà tôi tin là mình đồng hành được lên sân thượng nhà tôi. Khi đó có 4 người: thằng Mạnh Hải bạn thân nhất của tôi (nhà giàu), thằng Tâm, thằng Triết (anh em kết nghĩa của tôi ) và thằng Mẫn (nhà rất nghèo nhưng rất thông minh, học sinh giỏi của Lê Hồng Phong, ba nó đạp xe xích lô). Và CBC được thành lập với 5 người chúng tôi, mỗi đứa góp một ít vốn, tôi được bầu làm leader và đại diện pháp luật. Công ty chúng tôi có mục tiêu là mua hàng ở cảng với giá rẻ và đi bán lại cho các mối sỉ.

    Lúc đó, việc một thằng nhóc choai choai đi lập công ty là một chuyện rất buồn cười chứ không phải như bây giờ đâu. Thầy cô trong trường tôi và người thân đều can ngăn, thậm chí cười cợt và chửi rủa cũng nhiều. Bác ruột tôi còn mắng cho một trận, bảo là trẻ ranh còn chưa kiếm tiền cho cha mẹ mà đi mở công ty. Anh rể nhà thằng Mạnh Hải thì nói như tát nước vào mặt tôi, bảo là tôi lừa tiền thằng Hải, rằng công ty của tôi chỉ có nước đi hốt cức chỉ làm được cái đéo gì. Bọn bạn bè của tôi thì cười cợt, chế giễu, chê bai đủ các thể loại rồi gọi công ty của tôi là Con Bò Cười, Chó Bốc Cức, Cả Bầy Chó….nói chung là không ai ủng hộ, mà đã dùng những lời lẽ khó nghe nhất để chửi mắng tôi.

    Tôi chạy thử CBC bằng cách bán thử hoa tươi vào ngày Valentine. Thay vì mua hoa rồi đứng bán ngoài đường, chúng tôi in và phát tờ rơi nhận đặt hàng qua điện thoại. Có thể lựa chọn mua hoa hay mua hoa với socola (tôi nghĩ mình là người đầu tiên bán hàng qua điện thoại với hình thức combo ấy nhé). Có thể tự lấy tại cửa hàng (nhà tôi) hay được giao đến tận nhà miễn phí. Nói chung hình thức bán hàng này khi đó, khá hiện đại và cũng khả quan. Chỉ trong ngày hôm 14/2/2001 chúng tôi lời hơn 3 triệu rưỡi đồng.

    Sau đó thì theo lời hướng dẫn của mấy ông anh. Tôi ra bến cảng ngồi canh, có hàng thanh lý nào ngon ngon (hàng bị Hải quan giam lại, tuồn ra vào ban đêm và bán thanh lý cho mối lái với giá rẻ thì nhập ngay sau đó đi bỏ mối lại cho các cửa hàng hay siêu thị. Đợt đó ngon ăn nhất là đánh đồng hồ và bút viết nhập từ Đài Loan về. Đồng hồ thì giá mua tại cảng chỉ có 20.000-30.000/1 cái, đem bỏ mối giá 50-70.000 đồng. Các cửa hàng hay siêu thị sẽ bán ra từ 100-200.000 đồng/1 cái. Do tôi bán hàng sỉ cho nhà sách – siêu thị nên sau này tôi không bao giờ mua đồ lưu niệm ở đó vì biết họ kê giá lên kinh lắm. Mà khi này tôi cũng có băn khoăn về đạo đức khi thấy mình vẫn đang kinh doanh hàng lậu, không chứng từ, vừa trốn thuế vừa gian lận về kinh doanh, không đúng những gì mình được dạy trên trường lớp, nhưng do cũng cần tiền, nên cứ cắm đầu làm thôi.

    CBC thất bại nhanh chóng chỉ trong vòng chưa đến 8 tháng. Vấn đề và cũng là thất bại lớn nhất cũng xuất phát từ chính tôi, chứng minh mọi lời chửi và chê bai trước đó đều đúng. Tôi không ham tiền, không nỗ lực làm ăn nghiêm túc và quá ham chơi. Tôi chỉ điều hành công ty ở mức vừa đủ lợi nhuận và chỉ cần đủ tiền để tôi đi chơi là được chứ không cần phát triển hay điều hành gì cả. Công ty vẫn có doanh thu, có lợi nhuận nhưng khi chia ra thì không đáng là bao. Tôi có hơn 55% lợi nhuận và thu được tầm 10-15 triệu/1 tháng. Bọn còn lại thì mỗi đứa vài triệu không đủ cho tụi nó xài luôn ấy chứ. Bọn nó nói gì tôi cũng phớt lờ và lo chuyện ăn chơi cá nhân mình. Hoàn toàn không có tham vọng và ý chí gì cả.

    Triết đi du học Mỹ nên rút trước. Sau đó Mẫn do quá nghèo và chỉ được chia mỗi tháng vài trăm ngàn do tỷ lệ hùn vốn quá thấp nên quyết định đi đạp xích lô giống ba nó để kiếm thêm và học tiếp đại học. Mạnh Hải và Tâm nghỉ chơi với tôi và rút ra để làm ăn riêng với nhau. CBC những tháng cuối cùng chỉ còn một mình tôi với số vốn ít ỏi. Vốn ít, tôi mua hàng ít hơn và lợi nhuận cũng ít hơn nhưng vẫn đủ xài.

    Nhưng cú huých khiến CBC tan nát là từ thằng Mạnh Hải mà ra. Anh rể nó là một công ty bao bì ở Vũng Tàu và có một khách hàng nợ ổng 2 tỷ hơn không có khả năng thanh toán. Ông này siết nợ khách hàng được 2 container băng vệ sinh của Nhật chưa hoàn tất giấy tờ và chưa có bao bì tiếng Việt. Ổng kêu Mạnh Hải và Tâm lấy hàng đi bán để kiếm tiền xài. Hai thằng kia rủ thêm thằng Hiển bán chung nữa nhưng suốt mấy tháng không bán được gì nên dù khi này đã nghỉ chơi với tôi, tụi nó vẫn qua kiếm tôi. Tụi nó năn nỉ quá và thằng Mạnh Hải nó lên tiếng nhờ do đã lỡ hứa với mẹ và anh là bán được, rất thương thằng Hải nên tôi quyết định dùng danh nghĩa CBC nhập hàng chính thức, đổi bao bì tiếng Việt và đem bỏ mối ở chợ.

    Khi đó có một vấn đề do tôi ngu dốt nên mới thất bại. Đó là khi đó thị trường Việt Nam, băng vệ sinh chỉ có chiều dài từ 17-20cm, nhưng cái băng vệ sinh nhập khẩu của chúng tôi có chiều dài đến tận 25-30cm. Tôi cứ nghĩ cứ dài, to sẽ tốt hơn nên rất tự tin nhập hàng. Hàng hóa được đổi bao bì xong đem giao thẳng các tiệm tạp hóa lớn ở các chợ trong khu vực thành phố Hồ Chí Minh dưới dạng ký gửi. Một thời gian sau thì tôi phát hiện mình sắp chết đến nơi. Hàng hóa không bán được do khách không thích vì nó quá to, không xài được. Nhiều nơi khách trả hàng về, mắng vốn chửi bới tùm lum. Tiền vận chuyển, tiền nhân viên giao nhận, tiền kho chứa hàng dồn lên vai tôi. Đến lúc cao điểm, tôi phải vay bạn bè tiền để trả nợ. Đến tháng 9/2012, tôi chính thức phá sản và đóng cửa CBC. Do nợ nhiều, tôi đóng cửa ở nhà trốn nợ luôn. Hàng hóa đem về chứa trong nhà tôi, đầy phòng tôi đến nỗi tôi phải ra phòng khách ngủ, còn nhà trước thì chất đến đụng trần nhà. Tôi đem vào lớp đại học, cho bọn con gái mỗi đứa một thùng to tướng để xài dần, cô dì của tôi cho mỗi người vài thùng, thích xài thì xài, thích bán thì bán. Nhưng vấn đề chưa dừng ở đó, mẹ thằng Mạnh Hải gọi tôi, bảo là sao tôi là bạn thân nó mà đi lừa nó, bán được hàng mà không trả tiền hàng cho nó. Tôi bảo tôi có bán được đâu, sổ sách không hề bán được đồng nào. Có mấy chục thùng hàng chênh lệch là tôi đem cho bớt chỗ chứa chứ tiền đâu mà lưu kho nữa. Mẹ nó cũng không tin và cấm tôi chơi với nó, bảo tôi là quân lừa đảo, khốn nạn. Tôi gọi nó qua, cho nó coi sổ sách rõ ràng, cho xem cả bằng chứng là ghi âm tôi nói chuyện với mấy chủ tiệm tạp hóa, nhân viên giao nhận…nhưng thằng Hải tính nó công tử bột, nó có thèm quan tâm đâu. Nó bảo, mẹ nó nói sao thì cứ để mẹ nó nói, còn nó vẫn chơi với tôi. Thế là từ đó trở đi, mỗi lần muốn đi chơi với nó là phải đợi nó qua, chứ không được qua nhà nó nữa. Rồi có khi qua nhà nó cũng phải ở đầu hẻm chờ nó chạy ra. Dần dần tình cảm bạn bè xao lãng dần. Nó lúc sau chỉ thân với thằng Hiển chứ không chơi thân với tôi nữa. Không những vậy, thằng Tâm còn liên hệ nhiều bạn bè của tôi để vay tiền hay lừa tiền họ đắp vào số tiền thâm hụt do lỗ lã (nó cũng bị y chang tôi không bán được hàng nhưng vẫn phải ra chi phí). Từ đó tụi bạn tôi trách móc tôi đã giới thiệu Tâm cho tụi nó, nghỉ chơi tôi luôn kiểu giận cá chém thớt. Tôi mất sạch sẽ bạn bè của những năm trước đó, nhất là đám bạn dân chơi.

    Đó là lần đầu tiên tôi chịu khủng hoảng lớn. Nợ số tiền lên đến 80 triệu và mất sạch sẽ bạn bè trong đó có cả thằng bạn thân nhất và trong lúc tôi khủng hoảng, tôi đã điên loạn, gây lộn và đánh cả bạn gái mình sưng mặt. Cô ấy bỏ tôi luôn và tôi lại cùng lún sâu vào khủng hoảng nữa. Khi đó tôi cứ rảnh là đi tìm chỗ đông người, ngắm người ta đi lại cho đỡ cô đơn rồi tìm chỗ khóc một mình. Về đến nhà là lao vào đọc sách hay mở máy chơi game ngay để khỏi suy nghĩ.

    Với tôi, tình bạn rất quan trọng, và tôi vốn mềm yếu. Thằng Mạnh Hải nghỉ chơi với tôi, làm tôi rất buồn và cũng khóc suốt. Tôi còn nhớ lúc mới mở công ty, tôi hay ngồi trước khu nhà thờ Đức Bà uống nước mía với nó. Tôi hay nói với nó: năm tôi 35 tuổi nhất định tôi sẽ có công ty đặt văn phòng trên tòa nhà Metropolitan (là tòa nhà đẹp nhất Sài Gòn năm đó). Ước mơ đó vĩnh viễn không bao giờ thành sự thật. Và tình bạn của chúng tôi cũng biến mất.

    Có bốn bài học mà tôi học được từ sau hai lần đầu kinh doanh: một là phải có lòng tham với tiền mới kinh doanh, không thể kinh doanh theo kiểu tài tử, phải có kế hoạch và mục tiêu rõ ràng, phải hiểu biết kỹ về sản phẩm kinh doanh cũng như nhu cầu và thói quen của khách hàng, không nên rủ rê bạn bè kinh doanh khi tụi nó không biết rõ hay không hứng thú kinh doanh.

    Còn về thằng Tâm, tôi gọi nó ra chửi cho một trận, vì tôi nghĩ lại, tất cả đầu cua tai nheo đều từ thằng này mà ra. Chính nó thuyết phục mẹ và anh rể thằng Mạnh Hải đưa lô hàng đó cho nó để đi bán. Nó hứa với gia đình thằng Hải rất nhiều trong khi nó không hề biết tính toán và kinh doanh. Trong khi đó nhà thằng Mạnh Hải chỉ biết nó là bạn tôi nên tin tưởng mà không hề biết tôi đã không chơi với nó và con của họ trong một thời gian trước đó. Tôi chỉ là đứa gánh chịu hậu quả của lòng tham của nó. Nó giỏi giao tiếp, khéo và biết thuyết phục người khác nhưng hiểu biết và tính toán thì không có. Kiến thức đã không có, kỹ năng bán hàng cũng thua tôi. Nhưng lòng tham thì đi quá khả năng con người.

    Nhưng Tâm vẫn là đứa ảnh hưởng đến tôi rất mạnh. Khả năng của nó về nhìn nhận con người và khả năng thuyết phục con người của nó vẫn là thứ ảm ảnh tôi một thời gian dài. Nó nói đúng hoàn toàn về đám bạn của tôi, và bóc mẽ được cả bản chất đám bạn nhà giàu của tôi là ham xu nịnh, khoái bợ đỡ. Còn nhớ có 1 lần sau này, khi đó tôi đã làm Marketing và gặp khách hàng của mình, do khách hàng này lớn nên tôi rủ nó theo để nó nhìn nhận khách hàng giùm. Nó không biết 1 chữ về marketing mà chém gió y như thật, khách hàng còn tin nó hơn là tin tôi. Tôi lúc đó lặng người như xem một show diễn lớn về nghệ thuật nói chuyện. Tức là trình độ lớp 7 của nó, chỉ nghe tôi nói chuyện khách hàng mấy câu, sau đó lập tức trả bài và phát triển thêm ý tứ, cứ như là một dân marketing chuyên nghiệp.

    Sau này Tâm mở công ty thám tử chuyên điều tra kinh doanh và hôn nhân, giúp tôi khá nhiều lần. Và nó cũng là đứa duy nhất coi trọng kiến thức và chuyện học của tôi trong khi hầu hết đám bạn của tôi đều coi thường tôi do tôi nghèo . Nó mới học lớp 7 mà nói chuyện y chang thầy tôi, là một giáo sư: Người có học thì làm gì cũng khác, làm gì cũng tốt. Người ít học thì chỉ làm bậy làm bạ, có giàu thì cũng sang được. Tao có con cũng sẽ cố lo cho nó ăn học đàng hoàng như mày.
     
    namff, Salvator, windy1992 and 5 others like this.
  4. Trungnguyeneco

    Trungnguyeneco Mr & Ms Pac-Man Lão Làng GVN

    Tham gia ngày:
    16/8/08
    Bài viết:
    170
    Chương XV - Khởi Nghiệp
    Phần 3: 2 lần của PhiHaiStyle

    ***
    Sau đó là một thời gian lặng lẽ và đau đớn. Không có tiền, cuộc sống chật vật thật. Năm 2 Đại học, sau khi thấy bại, ba tôi hứa cho tôi mỗi ngày 20.000 đồng tiền ăn. Nhưng hứa vậy thôi, chứ nhiều khi cả tuần ba tôi chỉ cho có đúng 20.000. Tiền này chỉ đi đi học, đổ xăng đi dạo, đến trường gửi xe chứ không đủ làm gì cả. Tôi còn nhớ, có những buổi tôi đi học, đi ngang qua chỗ tụi nó ngồi ăn cơm tấm, nuốt nước miếng cái ực rồi phải vào lớp chứ không có tiền ăn. Khốn khó kiểu vậy nên khi nào cũng nghĩ đến cách kiếm tiền. Nhưng tôi đi xin việc khắp nơi không ai nhận cả do ngoại hình xấu quá, mà sức khỏe lại yếu, kể cả xin đi giữ xe ở bãi người ta cũng không nhận. Cuộc sống khi đó khốn khó lắm.

    Nhưng đến qua giữa năm 2002 thì tôi có may mắn. Triết nó bên Mỹ thấy tôi rên quá nên gửi cho tôi 4000 usd để trả nợ. Trả hết nợ tôi không cần phải trốn nữa, lại còn dư tiền để truy cập Internet và đi chơi game, mua điện thoại, giao lưu quen biết người này người nọ, nhận học trò.

    Năm đó, lang thang trên Internet, tôi thấy nhu cầu thiết kế web nhiều lắm. Các forum, hay các website rao vặt, cứ lâu lâu là lại thấy có người hỏi về thiết kế web, chủ yếu là viết web giới thiệu doanh nghiệp. Thấy nhu cầu này cao, tôi lại đang học IT tại ĐH Văn Lang nên tôi lên trường, rủ các anh lập một nhóm để kiếm tiền. Do là người sáng lập, nên tôi được mấy anh lớn cho làm trưởng nhóm, phụ trách kinh doanh và quản lý sổ sách. Khi đó tôi đặt tên nhóm là WDED Group. WDED được viết tắt từ Website Design and Ecomercial Development, cũng thể hiện tham vọng của tôi. Năm đó tôi có rất nhiều hợp đồng và kiếm rất nhiều tiền. Không những đủ tiền xài và đi chơi xả láng, tôi còn trả nợ cho Triết, ăn chơi các kiểu xa đọa hết sức.

    Có một số chuyện làm tôi nhớ về giai đoạn này. Thứ nhất là khi đó tôi rất ham chơi nên dù học IT và có học về thiết kế web HTML nhưng tôi không tự mình code hay cắt web được. Tất cả công việc đều do các anh lớn làm, mang tiếng là trưởng nhóm nhưng tôi làm được mỗi một việc là email mời chào, ký hợp đồng và đi photo tài liệu. Điều thứ hai là dù không biết gì về web, nhưng để lấy oai phong, trong cuộc họp tôi đều hay mắng người này, chửi người kia, ra vẻ lãnh đạo rất là khó ưa. Thứ ba là khi đi gặp khách hàng, tôi hay nói dối về cá nhân tôi cũng như về team để khoe mẽ và để khách hàng tin tưởng, đôi khi dù không biết gì về kỹ thuật nhưng vẫn hứa bừa bãi, nổ lung tung, rồi về gặp team lại đè cả team ra chửi rủa.

    Có hai tai nạn mà team WDED gặp năm đó. Tai nạn đầu tiên là một đại gia Việt Kiều nhờ làm một cái diễn đàn trao đổi về kiếm hiệp. Tôi nhận lời và nhận một mức giá rất thấp. Nhưng sau khi về phân tích, team báo là không làm được, khó lắm, nếu làm giá cũng cao hơn, không nhận thế này được. Tôi lỡ hứa với anh kia nên không dám hủy hợp đồng. Thế là tôi dành nửa tháng, rồi tự mò code tự cài server ảo để test rồi tự code web luôn. Đến khi bàn giao, mọi thứ đều thuận lợi. Nhưng đến khi sử dụng, web bị lỗi tràn cơ sở dữ liệu và đủ loại lỗi liên quan đến giao diện nên tôi phải nhờ team sửa giùm. Nhưng mà do tôi code quá ngu, lỗi tùm lum nên sửa mãi không xong, cả team đều nản. Đại gia kia hù là sẽ thuê xã hội đen chém tôi. Quá lo lắng nên tôi đành phải bỏ hết tiền túi thuê nguyên một team làm mới hoàn toàn cái hợp đồng đó. Kết quả là lỗ nặng do tội hứa ẩu và quá tự tin.

    Sự cố thứ hai là làm một cái website cho một cửa hàng thế giới di động. Ông chủ là dân xã hội đen, cứ bảo là mấy em làm đi, tiền bạc với anh không thiếu. Khi đó là làm web tĩnh dạng HTLM, cứ đếm trang web mà tính tiền. Ổng vẽ ra nguyên cái sơ đồ website lớn, hơn 20 trang với đủ thứ giao diện đồ họa. Chúng tôi báo giá là một trang là một triệu rưỡi, ổng cũng đồng ý nhưng cứ kêu làm làm, không ký hợp đồng. Đến lúc tính tiền, ổng không chịu trả đủ, còn hăm dọa chém giết. Nguyên cái website đó làm cả tháng mà chỉ trả cho chúng tôi có 3 triệu (team 6 người). Cũng lỗ nặng.

    Nhưng ngoài hai sự cố đó ra, thì WDED khá ổn, chúng tôi có nhiều hợp đồng và làm được rất nhiều website lớn. Uy tín của tôi lúc này cũng lớn, được làm nhiều dự án và cũng được mời lên thuyết trình và phát biểu tại nhiều sự kiện. Tôi khi đó cũng có khá nhiều ý tưởng kinh doanh và mức độ nhạy cảm nhất định về thương mại điện tử Việt Nam. Hội thảo Công nghệ Thông tin vào tháng 12/2002 tại thành phố Hồ Chí Minh, tôi đã có một bài thuyết trình nổi bật về sự phát triển của thưong mại điện tử. Tôi cho rằng sớm hay muộn gì, các hệ thống bán hàng lớn cũng sẽ phải di chuyển lên Internet, còn các việc mà các doanh nghiệp đang làm hiện nay mới chỉ là các website giới thiệu, là một bước đệm rất nhỏ trong quá trình bước đến tương lai. Tôi nghĩ rằng tương lai sẽ có những doanh nghiệp lớn, đầu tư xây dựng những siêu thị trên mạng, sau đó phân ra cho các cửa hàng, các doanh nghiệp nhỏ hơn tham gia. Tôi nghĩ rằng hình thức này sẽ giống như là các miếng đất hay được rao bán ở mỹ sẽ có cắm các cái bảng For Sale. Tôi gọi các siêu dự án này sẽ là Dot Com For Sale (DCFS).

    Giờ đây nếu bạn theo dõi, thì shoppe, lazada, hay tiki đều là hình thức DCFS mà tôi đã nói vào 18 năm trước. Bài nói chuyện đó của tôi rất được chú ý, nhiều doanh nhân nổi tiếng lúc đó đã mời tôi đi ăn, đi nói chuyện riêng. Tôi cũng nhận được nhiều hợp đồng lớn, đến mức là tôi nói rằng, thời đó các website bán hàng nổi tiếng, có hơn phân nửa là do team tôi làm.

    Đến năm 2003, thì các anh chị lớn ra trường, những người giỏi nhất thì đi học nước ngoài, những người còn lại thì quá kém, không đáp ứng được yêu cầu kỹ thuật. Nên tôi tạm ngưng WDED, chỉ nhận vài hợp đồng nho nhỏ rồi bán lại cho các team khác để làm.

    Đến giữa năm 2003, tôi có rất nhiều suy nghĩ rất lớn về khởi nghiệp. Tôi muốn làm một điều gì đó lớn hơn, đúng với khả năng của tôi hơn. Tôi chơi liều, mướn văn phòng mắc tiền và lập ra một công ty chuyên nghiệp hơn. Tôi thấy tính tôi khác người quá, chắc không làm chung với ai được nên lần này khởi nghiệp, tôi không rủ rê ai hùn hạp mà chỉ làm một mình. Tôi muốn làm mọi việc theo cách thức của tôi, nên tôi đặt tên công ty đó là Công ty TNHH Một thành Viên Phong cách Phi Hải (PhihaiStyle). Năm đó outsource là một xu hướng nhân sự khá lớn nên công ty chỉ có tôi và 2 đứa học trò là điều hành, còn hợp đồng và nhân sự bán thời gian thì thuê ngoài hết. Công ty bé tí nhưng có đến 5 mảng kinh doanh: WDED (vẫn là thiết kế web và là nguồn thu chủ lực), CBC (vẫn lấy ý tưởng cũ, nhưng là thu mua hàng thanh lý sau đó rao bán online), PED (Personal Enviroment Development – Thiết kế không gian cá nhân là một khái niệm rất mới do tôi nghĩ ra và cần được đầu tư), DCFS (đã nói ở trên) và VNFF (Liên minh các diễn đàn Việt Nam). Mọi việc rất suôn sẽ nhờ tầm nhìn khi đó của tôi khá đúng. Các dòng tiền đổ về từ WDED và CBC được tái đầu tư ngay cho PED và DCFS nên tôi cũng không có dư mấy. Nhưng về sau này, cả đời tôi rất tự hào về giai đoạn này của mình, vì tôi luôn muốn kinh doanh dựa trên tri thức và phát triển của xã hội.

    Tháng 8/2003, tôi được gặp anh N, một việt kiều pháp và chuyên gia công nghệ thông tin. Anh ấy có 1 dự án rất giống DCFS của tôi nên hai anh em quyết định cùng làm. Hai chúng tôi đầu tư rất nhiều thứ quan trọng mà trong đó tôi nhớ nhất là mua bản quyền 10 máy của Microsoft SQL Sever (5000USD mỗi bản quyền) và bản quyền của Microsoft Visual Studio (hơn 2000 usd/1 máy). Giai đoạn này chúng tôi đầu tư rất nhiều, thuê nhân viên, huấn luyện nhân viên, họp hành liên tục. Tôi khi này khá giỏi, tự mình sử dụng Microsoft Project để quản lý dự án, dùng UML và Visio để quản lý mô hình dự án. Tôi làm việc vô cùng hăng say, chơi bời cũng rất nhiệt tình. Nhưng nguồn thu của WDED khi này giảm do tôi không còn tập trung đi deal hợp đồng nữa, PED thì sau hai dự án lớn thành công thì khách hàng đang tạm ngưng, CBC và VNFF banh xác, phải hủy vô thời hạn. Khi này tôi mới nhận ra mình ôm đồm và tham lam nhiều quá.

    Nhưng anh N thì còn thê thảm hơn tôi. Anh ấy bị dụ, mời chào làm một dự án viễn thông. Sau khi dự án triển khai thì mới phát hiện ra hành lang luật chưa có và anh ấy đang làm sai luật. Anh bị công an bắt ngay và định ngày xét xử, nhưng do anh là Việt kiều Pháp nên anh được bảo lãnh ngay và bị trục xuất chỉ sau một tháng bị tạm giam. Tôi do không liên quan nên chỉ điều tra nhanh rồi được thả ngay nhưng bị cụt vốn. Một người anh khác luôn hỗ trợ tôi cũng bị bắt vì tội danh tương tự, phạt tù 19 năm và đến nay, vẫn còn đang trong tù.

    Vào thời điểm 2003, công nghệ vẫn còn rất mới mẻ, và việc bạn đi sớm hơn hành lang luật pháp, có thể dẫn đến những hậu quả mà bạn không bao giờ biết được. Năm đó tôi học được bài học là trong khởi nghiệp, không được đi tắt và cũng không được đi sớm. Chỉ mấy năm sau đó, những việc khiến cho hai ông anh của tôi bị bắt lại là những việc rất bình thường và làm giàu cho rất nhiều người.

    Còn tôi thì năm đó xem như PhiHaiStyle phá sản. Tôi cũng còn tầm vài chục triệu trên tay, xin mẹ thêm một ít và mở một tiệm Internet trên đường Tản Đà gần sân bay. Kinh doanh tầm vài tháng thì tôi nản chí, buồn chuyện tình cảm nên viết đơn xin đi nghĩa vụ quân sự và để lại cái tiệm đó cho em trai tôi.

    Từ năm 2004-2006 tôi đi nghĩa vụ quân sự. Chấm dứt thời gian dài hăng say khởi nghiệp. Coi như một giấc mơ đẹp đã tắt hẳn.

    À, còn chuyện này cũng nên kể luôn. Là từ năm 2002, có những lúc tôi đói quá, nên viết bài gửi cho các báo Hoa học trò và Mực Tím để kiếm nhuận bút rồi sau đó có cộng tác cho Echip nữa. Nhuận bút khi đó khá cao, một bài 1400 từ cũng được từ 300-600.000 đồng. Có khi bài tôi được đăng báo Tuổi Trẻ chủ nhật thì được cả 2 triệu cho một bài. Đó cũng là khởi đầu cho một cái nghề thú vị của tôi: nghề viết báo.

    Từ giữa năm 2002 đến cuối năm 2003, tôi kiếm được nhiều lắm, một tháng phải vài chục triệu cho đến cả trăm. Nhưng tôi không xài nhiều, gọi là ăn chơi chứ năm đó tôi chỉ nghiện nhạc (mua đĩa CD, vào bar nghe nhạc), thích đi bụi, thích ngủ với gái (mời chào chứ không mua bán nhé). Tôi không mua sắm gì, vẫn ăn mặc áo bình dân, chạy dream cùi, di động cơ bản. Tôi cũng không gửi tiền cho ba mẹ luôn (sau này mới thấy mình bất hiếu), tiền bạc của tôi xài nhiều là cho sách vở ngoại văn, cho tụi học trò (cho tiền tụi nó xài, ăn, mua sắm) và đầu tư cho công ty. Ăn xài có thể coi là cẩn thận vậy mà sự nghiệp vẫn tiêu tan. Cho nên mới nói, vấn đề không phải bạn tiết kiệm được bao nhiêu mà là bạn có khả năng kiếm được không.

    Nhưng tôi cũng có một niềm vui trong giai đoạn này là tôi làm từ thiện rất nhiều. Một nguyên tắc được tôi đặt ra từ năm 2002 là phân nửa thu nhập sẽ dành cho từ thiện. Cho đến nay, nguyên tắc này vẫn được giữ nguyên.

    ***

    Năm 2006, tôi ra quân và được điều về Thành Đoàn Thành phố Hồ Chí Minh làm việc. Lúc này tôi làm đến 2 công việc là phụ gia đình quản lý xưởng giết mổ gia cầm và làm trợ lý thanh niên trong Thành đoàn. Do phải làm cả hai công việc rất cực khổ này nên cả hai tôi đều không làm tốt. Đây phải nói là một giai đoạn rất cực khổ của tôi. Chiều tối 7 giờ tôi phải chạy từ nhà tôi ở Quận 5 lên lò giết mổ gà ở khu giết mở tập trung An Nhơn – Quận 12. Tôi cân nhập gà, quản lý nhân viên và tài nguyên của lò vừa phải lo xuất gà, nhận hợp đồng gia công gà này nọ. Đến tận 5 giờ sáng tôi mới về đến nhà. Ngủ đến tầm 7h thì tôi lên Thành đoàn làm việc đến 5 giờ chiều. Không có giấc ngủ dài mà chỉ có giấc ngủ xen kẽ chừng 1-2 tiếng. Riêng ngày thứ bảy chủ nhật thì buổi sáng tôi ngủ cả ngày luôn.

    Khi đó tôi cày việc như vậy cũng chỉ vì hai lý do: vừa muốn giúp gia đình, vừa muốn giúp đất nước. Ở Thành Đoàn tôi hoạt động trong đội công tác xã hội, làm được rất nhiều thứ. Còn ở lò gà của gia đình, tôi chấm dứt được việc trộm cắp, chôm gà chết đem bán, làm ăn ẩu tả nên khách hàng rất thích, kinh tế gia đình đi lên thấy rất rõ. Tôi còn làm kế toán sổ sách, chuyển nhà tôi từ hộ kinh doanh cá thể lên công ty để vay tiền ngân hàng, đầu tư từ lò giết mổ thường thành xưởng lớn có dây chuyền hiện đại… Ban đầu thì mọi thứ rất tốt, nhưng về sau thì trở nên tồi tệ dần do tính cách của tôi.

    Đầu tiên là việc ở xưởng giết mổ gia cầm. Nhân viên ở đây đa phần là người nghèo, và cũng đã đi làm cho mẹ tôi được gần một chục năm hơn, từ là từ khi tôi còn nhỏ. So với họ, tôi chỉ đáng tuổi con cháu. Nhưng tính tôi rất ngang, làm việc gì cũng chỉ dựa theo lí lẽ chứ không theo tình cảm. Tôi ra quy luật rất rõ, bất kỳ ai để tôi thấy họ chôm một con gà trong xưởng đem về nhà hay giấu ra ngoài thì lần đầu tôi nhắc, lần thứ hai là tôi cho nghỉ luôn. Điều thứ hai là tôi rất kỵ làm gà không kỹ, để thành phẩm còn nước dịch bên trong hay còn máu, khi mà có 1 bịch gà thành phẩm ra ngoài mà dơ như vậy là tôi trừ lương người đó ngay 50.000 và 3 lần như vậy là đuổi luôn. Trong đám nhân viên ở lò khi đó có hai nhân viên ruột của mẹ tôi, tuổi còn lớn hơn mẹ tôi, tôi nhắc nhiều lần vẫn tái phạm nên tôi cho nghỉ luôn. Mẹ tôi bảo tôi nhận lại, bỏ qua cho họ đi, tôi nạt lại mẹ tôi luôn và quyết không nhận. Sau đó mẹ tôi đưa họ sang cửa hàng bán gà (là do mẹ tôi phụ trách).

    Ngoài ra còn có một chuyện nữa là mấy ông thú y. Đa số mấy ông thú y đều có nhận tiền của trung tâm giết mổ bồi dưỡng. Nhưng mấy ổng cứ hay đi qua đi lại, lấy cớ là kiểm soát vệ sinh giết mổ mà hoạch họe đòi hỏi mọi thứ. Tôi rất khó chịu nhưng vì công việc làm ăn nên nhịn. Năm đó ở trạm An nhơn có ông phó trạm tên Chí, suốt ngày làm khó làm dễ xưởng của tôi. Một hôm khó chịu quá, tôi lấy cái máy tính tiền chọi thẳng vào đầu ổng rồi lấy cây rượt ổng luôn. Thế là hôm sau thú y trên Cục gọi chửi mẹ tôi, mẹ tôi lại mắng tôi.

    Có nhiều vụ xảy ra như vậy lắm. Mấy anh chị công nhân xưởng thì tham lam và ẩu tả, nói mãi không xong, đuổi thì mẹ tôi lại can và lại gây nhau. Thú y làm khó dễ khiến việc xuất gà cho cửa hàng trễ nãi, tôi nóng tính muốn cãi lại thì mẹ tôi lại mắng tôi. Cứ gây suốt như vậy căng thẳng quá nên tôi quyết định nghỉ, không làm việc cho gia đình nữa.

    Sau này mẹ tôi bị hai cái người mà tôi đuổi hại đến dẹp cả cửa hàng và cái xưởng giết mổ gia cầm cũng phải bán cho người khác do hoạt động không hiệu quả.

    Còn công việc của tôi bên Thành Đoàn thì do nhiều mâu thuẫn trong mong muốn của tôi và ý chí của tổ chức nên tôi hay bị khiển trách và bị đì, giao cho nhiều công việc nặng quá sức. Sau sự kiện 26/3/2006 (sinh nhật Đoàn) thì tôi được chuyển về Quận đoàn 5. Về đây tôi lại gây hấn với chị trưởng ban tổ chức và một anh phó bí thư khác. Thế là họ chuyển tôi về phụ trách công tác Đoàn phường 4 quận 5. Khi này tôi thấy mình hết duyên với tổ chức rồi nên làm đơn xin nghỉ luôn. Thế là thất nghiệp.

    Lúc này Minh, một người mà tôi quen trên mạng Trí Tuệ Việt Nam rủ tôi về làm cho nó. Nó với 2 đưá bạn khác vừa mở một công ty thiết kế web cần người phụ trách kinh doanh. Nó bảo ngày xưa nó thấy tôi có tầm nhìn hay lắm nên muốn mời tôi về làm cùng. Do đang thất nghiệp nên tôi nhận lời ngay.

    Công ty lúc đó tên là Vietecom, do 3 người hùn vốn chỉ được vỏn vẹn 15 triệu. Cái trụ sở công ty là nhà của mẹ thằng Minh thuê nhưng không sử dụng nên để cho nó khởi nghiệp. Cả công ty một cái máy tính cũng không có, không có một nhân viên nào khác, chỉ có một cái bàn họp đặt giữa văn phòng. Công ty lúc đó có ba cổ đông: thằng Minh là CEO, thằng Huy mập là giám đốc sale và thằng Trung là giám đốc kỹ thuật. Hợp đồng do Huy lấy về thì Trung sẽ ngồi vừa lập trình vừa thiết kế đồ họa luôn. Nói chung công ty đó chẳng có cái gì là triển vọng cả. Nhưng tôi lại có một góc nhìn rất khác về tiềm năng.

    Minh là một đứa thông minh và nhạy bén, nhà lại rất giàu, xem như có gốc rễ. Trung thì kỹ thuật rất vững, thuộc dạng tài năng. Còn thằng Huy mập thì tôi thích nó lắm. Nó cao gần 1m85 mà mập hơn 100 ký như con heo quay, nhưng đẹp trai và tính tình dễ thương lắm. Tôi nghĩ ra một mô hình mà tôi nghĩ chúng tôi có thể xài được.

    Đầu tiên là tôi nghĩ đến việc làm sao để có nhiều hợp đồng hơn. Khi này thị trường thiết kế web, đã không còn như trước đây nữa. Rất nhiều nhóm thiết kế web mọc lên khắp nơi và giá cả rất phong phú, nhiều mức giá khác nhau. Tuy nhiên về cơ bản, tôi vẫn tin là chất lượng thiết kế web rất khó kiểm soát nên những doanh nghiệp có nhu cầu thiết kế web, vẫn sẽ cố gắng trao niềm tin cho những bên thiết kế mà họ tin tưởng hơn chứ không phải là mức giá rẻ. Hay nói cách khác, điều quan trọng là làm sao cho khách hàng tin là công ty chúng tôi làm được web của họ, còn giá cả không quan trọng. Thế là chiến lược mới của tôi hình thành. Tôi gọi điện và viết email mời chào các doanh nghiệp tham gia một chương trình thiết kế web miễn phí hoàn toàn. Nếu doanh nghiệp hài lòng với chất lượng website sau khi thiết kế, họ có thể ủng hộ công ty chúng tôi bằng cách mua tên miền và host do công ty chúng tôi bán (với giá mắc gấp 3 bên ngoài thị trường), hoặc sử dụng dịch vụ cập nhật thông tin web của bên chúng tôi cung cấp (cũng với mức giá khá cao). Dĩ nhiên bằng cách này, doanh nghiệp được an toàn là cho đến khi website hoàn thành và họ hài lòng, họ không phải bỏ một đồng nào cả, họ được kiểm chứng chất lượng webite cho đến khi nào hài lòng thì thôi.

    Với chương trình này, thì tôi cần thêm nhiều nhân viên kinh doanh. Tôi tuyển dụng nhiều sinh viên năm cuối và dạy cho tụi nó cách dùng email, điện thoại để chào hàng và mời doanh nghiệp cũng như cách thuyết trình về chương trình và sản phẩm của chúng tôi.

    Chỉ trong hai tháng chạy chương trình của tôi, số lượng hợp đồng gia tăng đột biến. Và chúng tôi có được rất nhiều lợi nhuận. Trung khi đó vẫn đang làm chính cho một công ty bất động sản, chính thức nghỉ việc về làm toàn thời gian cho công ty. Tôi ra thêm một điều kiện là nếu tổng vốn hơn 500 triệu thì tôi sẽ được chia thêm 20% cổ phần công ty. Đến cuối năm 2006, chúng tôi có hơn 1 tỷ rưỡi trong tổng vốn từ 15 triệu ban đầu. Công ty sắm được xe hơi và tôi được đưa rước đi làm mỗi ngày, có trợ lý riêng giúp việc.

    Tuy nhiên, khi hợp đồng nhiều thì áp lực lên đội ngũ kỹ thuật cũng rất lớn, và đó cũng chính là điều đã giết chết Vietecom. Do chương trình của tôi cho khách hàng thoải mái yêu cầu về sản phẩm nên có rất nhiều phát sinh khiến áp lực lên kỹ thuật cũng như đòi hỏi nhân viên lập trình phải giỏi hơn. Chúng tôi sắm rất nhiều máy tính, mướn thêm nhiều designer, coder và nhiều nhân viên kỹ thuật phụ trách máy chủ dữ liệu. Nhưng khách hàng chê bai chất lượng website ngày càng nhiều, hợp đồng bị hủy ngày càng nhiều. Tất cả những lỗi này đều do bộ phận kỹ thuật nên tôi trở nên khá bực mình. Trong một cuộc họp hội đồng quản trị, tôi đập bàn chửi thẳng từ CEO bất tài vô dụng đến chửi thằng Trung làm kỹ thuật như hạch. Ngay lập tức tôi yêu cầu thay giám đốc kỹ thuật mới, đưa Trung về làm nhân viên thông thường (dù lúc này cổ phần của Trung vẫn cao hơn con số 20% của tôi). Nhưng do khi đó uy tín và quyền lực của tôi khá lớn, nên yêu cầu này được đáp ứng ngay. Nhưng tôi lại vướng phải một sai lầm khác. Tôi đưa một người bạn là lập trình viên thuộc loại giỏi về công ty làm giám đốc kỹ thuật. Nhưng thật không ngờ, ông bạn này suốt ngày đi nói xấu sau lưng tôi là ngày xưa tôi học kém, bỏ học, không biết gì về kỹ thuật. Lên công ty anh ấy cũng không làm việc, không trực tiếp code mà toàn lôi nhân viên ra chỉ dạy lung tung, làm cho các project đã rối ngày càng rối hơn cho nên sau 2 tháng nghỉ việc tôi cho nghỉ luôn. Sau sự cố này tôi bị mất uy tín khá nhiều trong ban lãnh đạo công ty nên cũng không dám góp ý gì về kỹ thuật nữa. Suốt 3 tháng sau đó, công ty ngày càng xuống cấp về mặt kỹ thuật, số hợp đồng bị hủy ngày càng nhiều.

    Đầu năm 2007, tôi ký được hai hợp đồng rất lớn với Ủy Ban một Tỉnh về một dự án website cấp tỉnh, trị giá website này lên đến nhiều tỷ đồng. Khi đó tôi nghĩ là phần trách nhiệm giám đốc kinh doanh của tôi đã hoàn tất nên tôi để Ban lãnh đạo tự quyết chuyện kỹ thuật. Tôi lấy tiền thu nhập của mình, mở lại công ty PhiHaiStyle, lần này chỉ kinh doanh mảng âm nhạc.

    Tôi đầu tư tiền vào việc đào tạo 2 nam ca sỹ và một nhóm nhạc nữ. Tôi lo cho họ ăn ở, cho tiền học tập nhảy và luyện thanh, bỏ tiền mua bản quyền ca khúc, chi tiền thu âm phối khí… nói chung chi ra rất nhiều tiền. Tuy nhiên hai ca sỹ nam thì thị trường khi đó không chấp nhận, đi hát suốt 6 tháng chẳng ra được đồng nào, một phần khi đó tôi marketing còn khá yếu, chưa thật sự dồn hết sức cho họ. Hai ông này sau này chán quá, tự phá hợp đồng (dù còn hiệu lực đến 2 năm), tự đi ra ngoài móc show, tự tập nhạc cho nhau, trước khi đi còn vay của tôi 20 triệu, khi này dù tôi thấy tụi nó sai nhưng cũng biết thất bại là do mình, nên cũng đưa tiền cho tụi nó rồi tự để tụi nó đi. Sau này cả hai đều thành danh và nổi tiếng, mở cả công ty đào tạo âm nhạc.

    Còn cái nhóm nhạc nữ nó mới làm tôi thật sự đau đầu. Rất kỳ lạ là tôi thấy bốn đứa nó hát rất dở, tôi hay chửi thẳng là tụi bay hát như cưỡng hiếp âm nhạc vậy đó. Nhưng mà tụi nó có show đều, ra tiền và cũng có lời. Tụi nó cũng không cần đầu tư nhiều, chỉ cần thuê 1 cô giáo dạy thanh nhạc và đi tập nhảy với vũ đoàn là được. Chủ yếu tiền khi đó dùng để mua quần áo, mỹ phẩm, trang điểm này nọ. Nhưng mà tụi nó hát ra tiền được, cũng thích lắm. Đứa nào cũng xinh xinh, giọng nói êm gái kiểu trẻ con mà bọn teen ngày xưa nó hay thích.

    Nhưng tụi nó đi hát không được bao lâu thì yêu đương loạn xà ngầu. Có đứa thất tình thì buồn mấy ngày, bỏ tập tành. Có đứa đi qua đêm với trai, quên luôn cả lịch diễn. Đứa đến ngày hát cho hợp đồng quảng cáo thì đau bụng kinh, xin phép được đứng hát chứ không nhảy. Nói chung là đến 9.999 vấn đề nảy xinh từ các nhu cầu giới tính của các bạn ấy. Dù đang là nguồn thu khả quan nhất cùa công ty, tôi drop luôn các bạn này và từ đó, chỉ chuyên đi móc kèo hát quảng cáo cho các ca sỹ khác, không đầu tư nữa vì quá phiêu, mất quá nhiều tiền nhưng không đến được đâu mà còn bị tụi nó nói xấu sau lưng.

    Có hai chuyện cũng khá đáng nhớ trong lúc làm nhạc này. Tôi có quen 1 bé ca sỹ nữ rất xinh, không nổi nhưng cách hát rất nghệ thuật. Tôi quyết định sẽ làm đại diện cho bé để đi mời chào đóng quảng cáo vì thích bé quá. Đi đâu tôi cũng bảo tôi là quản lý của bé để mời chào hợp đồng. Chuyện này ba mẹ bé đều biết và đồng ý. Họ coi tôi cũng như thành viên trong gia đình thôi. Vậy mà sau đó, một anh lớn trong ngành quảng cáo nhảy vào làm đại diện chính thức cho bé. Anh này đi khắp nơi nói tôi là đồ dối trá, lợi dụng danh nghĩa của bé để làm tiền trên thân xác con bé mới 17 tuổi. Do có quan hệ, anh lấy được bản gốc của hợp đồng mà bé đại diện cho một nhãn hàng điện thoại di động. Hợp đồng ghi rõ bé được trả thù lao 5000 usd và theo nguyên tắc, gia đình bé sẽ nhận được 70% là 3500 usd, nhưng tôi chỉ chia cho gia đình bé 2100 usd. Thật ra chuyện này tôi khó nói vì 2000 usd đã phải chi tiền cho người ký hợp đồng. Chuyện này ba của bé hiểu nhưng bé không hiểu và mẹ bé hình như cũng không muốn hiểu. Rồi thì mấy cái chuyện diễn cho đài truyền hình (khi đó chỉ được trả vài trăm) tôi không đưa tiền lại cho gia đình (thật ra tôi thấy không đáng) nên lấy tiền đó đem bồi dưỡng ekip mà quên nói. Sau một vài chuyện hiểu lầm như vậy, tôi không thể giải thích được nên bị cả nhà bé ghét. Chỉ có ba bé hiểu chuyện nên an ủi tôi, nói là sau này thế nào con bé lớn lên nó cũng hiểu ra. Sau này đúng là cả nhà bé đều hiểu ra và quay lại chơi thân với tôi, nhưng đó là câu chuyện khác.

    Chuyện thứ hai là có một cô ca sỹ lúc đó mới 18 tuổi thôi, rất cao và đẹp gái, dáng như người mẫu (năm đó nữ ca sỹ mà cao 1m72 là hiếm lắm nha), lại có khả năng sáng tác rất hay. Cô ấy một mình từ dưới quê lặn lội lên thành phố lập nghiệp và trong tay không có gì ngoài cái thân xác. Cô ấy tìm gặp một nhạc sỹ là thần tượng của cô ấy và đề nghị giúp đỡ. Anh nhạc sỹ này lại giới thiệu cho tôi. Thú thật là tôi rất thích cô ấy, cả ngoại hình lẫn tài năng. Sau khi vài lần nói chuyện, tôi thậm chí là yêu cô ấy bằng một tình yêu đặc biệt (tôi có một thể loại tình yêu chỉ dành cho học trò của mình, nó gần như là tình thương mến hơn là tình yêu nam nữ). Cô ấy đề nghị đi theo tôi làm nghề và nói thẳng luôn: chỉ cần anh giúp em, anh muốn gì cũng được. Nhưng nói thật, sau vụ nhóm nhạc 4 cô gái kia, có cho tiền tôi cũng không dám làm với ca sỹ nữ nữa nên tôi từ chối ngay. Hơn nữa do quá quý mến cô ca sỹ này, tôi sợ tôi phát sinh tình cảm rồi chính tôi sẽ vướng vào cái mớ lôi thôi này, nên tôi cũng từ chối. Sau này, cô ấy rất nổi tiếng và người quản lý của cô ấy kiếm được tiền nhiều đến mức mua cả nhà và xe hơi. Năm đó tôi mà nhận cô ấy là thành công rồi. Từ đó, cô ấy trở thành nỗi hối hận lớn nhất của tôi. Nhưng mà nghĩ lại, nếu cô ấy khi đó theo tôi thì chưa chắc cô ấy đã nổi tiếng. Do tôi làm nhạc rất nghệ sỹ, không theo gu thị trường nên chính hai anh nam ca sỹ kia vừa rời tôi cái cũng nổi ngay.

    Lúc này mảng âm nhạc của PhiHaiStyle cũng khá, show cũng đều đều, hợp đồng quảng cáo cũng lai rai nhưng cái công ty Vietecom kia thì ngày càng nát. Do bộ phận kỹ thuật ngày càng quá tải và không đáp ứng được, đụng hợp đồng nào là bể hợp đồng đó và cái hợp đồng cấp tỉnh mà tôi ký cũng nát bươn luôn. Ban lãnh đạo bắt đầu quay qua đổ lỗi do tôi, trách cứ là do tôi nghĩ ra cái chiến lược oái ăm kia nên kỹ thuật làm không xong, mà tiền vốn công ty ngày cạn kiệt. Chưa kể ban lãnh đạo còn cho rằng tôi vô trách nhiệm, rút tiền lời từ kinh doanh của công ty để đi ra ngoài kinh doanh, gây thua lỗ cho công ty mẹ. Sau cùng các bạn ấy chính thức tống cổ tôi ra khỏi ban điều hành và yêu cầu tôi ký giấy nhượng lại không điều kiện 20% cổ phần mà tôi đang sở hữu. Dĩ nhiên tôi không chịu, tôi yêu cầu phải trả tôi ít nhất 50 triệu thì tôi mới ký giấy. Mâu thuẩn lúc này ngày càng cao nhưng tôi không để tâm, tôi đi lo làm việc khác của riêng tôi.

    Một hôm bỗng có cuộc điện thoại hỏi tôi là có phải tôi là giám đốc kinh doanh của Vietecom không? Ông ta báo là ông ta làm giám đốc một công ty ở Bà Rịa Vũng Tàu, muốn thiết kế web, mời tôi xuống ký hợp đồng. Tôi nghĩ nếu hợp đồng này thuận lợi, tôi có thể giao nó cho các bạn kia để các bạn kia có vốn xoay sở công ty nên đồng ý và chạy xe máy xuống Vũng Tàu. Khi đến nơi, tôi được mời vào một quán café, khi đó ba bạn lãnh đạo của Vietecom đều xuất hiện cùng với một băng xã hội đen tầm 10 người hơn. Bọn nó đánh tôi một trận, yêu cầu tôi quỳ lạy tụi nó để quay video và nhận hết tội lỗi phá hoại công ty của tôi. Dĩ nhiên là tôi không nhận tôi, và nói là tụi mày có ngon thì giết chết tao đi chứ tao thấy tao có lỗi gì đâu. Sau một hồi tra tấn tinh thần tôi, bọn nó mới đổi lại một yêu cầu khác là tôi phải ký giấy bỏ hết cổ phần của tôi ở Vietecom. Lúc này tôi thấy hết tình cảm và tính cách của tụi nó rồi nên không thiết tha gì nữa, ký luôn. Sau đó tụi nó thả tôi về sau khi mời tôi nhậu một bữa (người mời là lãnh đạo băng xã hội đen kia, anh ta nói là tôi có khí khái đàn ông, dám làm dám chịu nên mời đi nhậu coi như anh em xí xóa cho nhau). Sau khi ăn xong tôi lại chạy xe máy về Sài Gòn, cả người bầm tím. Tôi khi đó vẫn nghĩ là có hợp đồng sẽ giao cho các bạn ấy làm ăn mà không ngờ bị giăng bẫy. Hôm đó tôi ôm con Thỏ béo, học trò tôi mà khóc say sưa.

    Nhưng chưa dừng lại đó. Một đứa học trò tôi là nam, lúc đó đem lòng yêu bạn nữ trợ lý của tôi mà không nói cho tôi biết. Còn con bé trợ lý tôi lúc đó tôi coi như em gái ruột, thương nó lắm nên cũng dạy dỗ đủ trò, có khi bực quá tát tay nó vài cái. Thằng học trò này căm hận trong lòng mà không nói ra. Sau đó nó được ba bạn bên Vietecom thuê đi nói xấu tôi. Do nó nắm giữ toàn bộ các thủ thuật kinh doanh của tôi, nắm hết các bí mật về những lời nói dối của tôi, hợp đồng giả này nọ, các mối quan hệ làm ăn…nên nó bung bét và đi kể khắp nơi, làm đơn khiếu kiện làm các đối tác của PhihaiStyle hoang mang mà hủy hợp đồng, các ca sỹ thì quay lưng lại với tôi, thậm chí là nói rằng chưa hề quen biết. Thời điểm đó xem như PhiHaiStyle Music chính thức tan nát và tôi bị coi là kẻ xấu, kẻ gian trong ngành. Tất cả mọi người đều quay lưng lại với tôi.

    Có vài chuyện kể ra để mọi người hình dung khi đó tôi bị đẩy vào hoàn cảnh thế nào.

    - Một hợp đồng quảng cáo của tôi được ký với một công ty bánh ngọt lớn với tư cách là đại diện một ca sỹ. Sau đó tôi sẽ ký một hợp đồng khác với ca sỹ. Hai hợp đồng này sẽ chênh lệch một phần tiền coi như công môi giới của tôi. Anh bạn học trò tôi đi nói với ca sỹ khoảng chênh này và đề nghị bạn ca sỹ kia viết một tờ giấy, xác nhận là tôi không phải đại diện bạn ca sỹ này. Tờ giấy đó sẽ được kèm với một đơn tố cáo lừa đảo gửi đến công ty bánh ngọt kia. Sau đó công ty bánh ngọt đề nghị hủy hợp đồng với tôi và ký trực tiếp với bạn ca sỹ kia.

    - Một đứa em gái kết nghĩa của tôi là người mẫu. Tuy nhiên tuy mặt đẹp và dáng cao, nhưng ngực nó quá bé nên nó bị người yêu nó chia tay. Nó tâm sự với tôi qua chat Yahoo. Cậu học trò tôi đọc được do xài ké laptop của tôi. Nó đi kể ngược lại với con bé là tôi đi chê bai bé khắp nơi, lộ bí mật cá nhân của bé là ngực nhỏ, bị bồ đá.

    - Tôi có một người chị học chung trường cấp III là ca sỹ nổi tiếng. Tôi hay đi khoe là thân với chị và có thể ký hợp đồng ca hát hay biểu diễn quảng cáo giá rẻ. Thật ra đây là chuyện có thật, nhưng chị cũng có một quản lý khác và mức giá của tôi và anh quản lý này đưa ra là khác nhau (dĩ nhiên là tôi cao hơn do tôi còn phải lấy lời). Cậu học trò này đi kể khắp nơi là tôi kê khống giá cao để ăn cò chứ không hề quen thân nữ ca sĩ này. Chị ca sỹ này vốn dĩ có thể xác minh điều đó để minh oan cho tôi, nhưng chị ấy lại im lặng.

    Thời điểm đó tất cả đều quay lưng lại với tôi trừ một người bạn duy nhất là một nữ ca sĩ trẻ mới nổi. Cô ấy lên tiếng bênh vực tôi và động viên tinh thần, giúp đỡ tôi về kinh tế. Tuy nhiên vậy là chưa đủ để cứu PhiHaiStyle. Công ty mang tên tôi chính thức sụp đổ lần 2. Không có hợp đồng quảng cáo, ca sỹ độc quyền của công ty tự ý bỏ ra ngoài hát riêng, nhóm nhạc nữ thì đủ thứ vấn đề. Tôi hoàn toàn bất lực và không thể điều khiển được công việc kinh doanh của chính mình luôn. Tuy nhiên khi này tôi vẫn còn một số tiền dành dụm. Sau khi Phihaistyle đóng cửa, tôi mở một công ty mới chuyên về thời trang có tên là Umode – Phong Cách Trẻ cùng với hai bạn trẻ nữa. Nhưng đang điều hành công ty thì tôi bị mắc 1 căn bệnh nguy kịch, phải dành hết tâm sức và tiền bạc để chữa bệnh. Tôi đem phần hùn vốn của mình tặng lại cho hai bạn rồi nghỉ làm để chữa bệnh. Umode sau đó được đổi tên và sau này trở thành một brand thời trang hàng đầu của Việt Nam.

    Thật khó để nói rằng lý do tôi thất bại ở Vietecom và PhiHaiStyle lần 2 là gì. Chính tôi đôi khi cũng thắc mắc về nguyên nhân thất bại của mình những năm đó. Ở Vietecom, rõ ràng là tôi đã đem về cho công ty rất nhiều hợp đồng và lợi nhuận. Ngày tôi vào công ty, công ty chỉ có trơ trọi một cái bàn duy nhất. Khi tôi rời đi, công ty có dàn máy tính hơn 10 máy, gần 15 nhân viên, có cả xe hơi. Sau này, tôi chỉ có thể đưa ra một lý do đại khái là tôi đã vạch ra một chiến lược sai lầm, gây tổn hại đến sức khỏe tài chính của công ty do nó đòi hỏi phải bành trướng năng lực kỹ thuật của công ty trong thời gian quá ngắn, chưa kể tôi đã đem nhân sự kỹ thuật dỏm về gây tổn thất cho công ty, chửi bới các cấp trên (cổ đông hùn vốn) của mình, đuổi cổ đông khỏi ghế giám đốc kỹ thuật, và giai đoạn cuối, không ngó ngàng gì đến công ty (mà tôi cũng không biết là ở vị trí giám đốc sale thì tôi có thể làm gì được lúc đó nữa).

    Còn về công ty âm nhạc, tôi xác nhận là tôi có nói dối, khoe khoang nhiều về quan hệ, về năng lực này nọ. Nhưng xét lại khi đó, nếu tôi không khoe khoang thì liệu tôi có thể tiếp xúc được với những người quan trọng trong ngành và đem về các hợp đồng quảng cáo không cũng là một câu hỏi lớn. Việc tôi kê giá để ăn trung gian giữa các hợp đồng là đúng hay sai? Việc tôi ký hợp đồng ba bên trong khi tôi không phải là quản lý thật sự của ca sỹ đó là đúng hay sai? Chỉ biết là sự thật khi đó là tôi bị tố giác khắp nơi và chịu rất nhiều tiếng xấu.

    Sau này, tất cả những người liên quan với tôi năm đó đều trở thành giàu có và là đại gia thực sự. Dù Vietecom sau đó 3 tháng phá sản ngay nhưng với tính cách của họ, vốn trái ngược với tôi, họ thành công trong kinh doanh lĩnh vực khác. Mr Huy cưới vợ giàu nhất một tỉnh miền Nam. Minh thì kế thừa gia sản của bố và giàu khi đầu tư vào bất động sản. Mr Trung giám đốc kỹ thuật cũng giàu nhờ kinh doanh bất động sản. Cậu học trò phản bội tôi sau này đi làm quản lý ca sỹ chuyên nghiệp và phất lên nhờ đầu tư đúng người. Hai cậu nam ca sỹ của công ty tôi nổi tiếng và thành ông chủ công ty giải trí. 4 bạn nữ ca sỹ nhóm nhạc cưới toàn chồng giàu (nói đúng ra ngoài việc cưỡng hiếp âm nhạc ra thì bốn bạn đó đều rất xinh).

    Thời điểm đó thì các bạn làm bên Vietecom không nhìn mặt tôi và tuyên bố tôi là thằng khốn. Tuy nhiên sau này, khi giàu rồi thì các bạn lại đổi ý. Các bạn có chuyển lời xin lỗi tôi là năm đó phán xét tôi quá vội vàng mà không nhìn lại năng lực điều hành của các bạn ấy khi đó yếu kém. Tuy nhiên các bạn không nhận ra rằng sau khi tôi bị đánh ở Vũng Tàu, tôi đã không còn tin vào tình bạn của các bạn nữa, dù trước đó, tôi luôn coi các bạn là bạn thân của tôi.

    Gia đình con bé ca sỹ nổi tiếng mà tôi thích cũng xin lỗi tôi vì khi đó hiểu lầm là tôi lợi dụng bé để trục lợi. Nhưng họ không biết rằng, lựa chọn của họ khi đó cũng phần nào đẩy tôi văng ra khỏi giới showbiz và cũng khiến cho con gái họ, sau này, không tin vào chính ba mẹ mình nữa.

    Từ năm 2007 đến năm 2010, tôi chỉ tập trung chữa bệnh và đi làm thuê ở bộ phận Marketing cho một số công ty khác. Công việc Marketing của tôi diễn ra xuyên suốt trong vòng 9 năm (giai đoạn 2007-2010 và giai đoạn 2013-2019) nhưng lắt nhắt giữa các giai đoạn đó tôi cũng làm khá nhiều jobs lẻ nên sau này, chắc chắn tôi sẽ viết một quyển sách riêng về nghề Marketing của tôi.

    Đi làm thuê thì cũng như mọi người, ngày xách xe đi đến công ty 8h, chiều tan sở lúc 5h chiều. Mọi kế hoạch đều phải được viết theo ý xếp nên cũng không còn nhiều sáng tạo như thời điểm trước nữa. Nhưng dù trong hoàn cảnh nào, tính cách của tôi vẫn muốn làm điều gì đó phi thường và thật dữ dội. Đến năm 2011, tôi chính thức cho ra một dự án có tên ZAG Village. Đó thật sự là một giấc mơ phi thường của tôi.
     
    namff, windy1992, T1nhLaG1 and 3 others like this.
  5. T1nhLaG1

    T1nhLaG1 Star swallower ♞ Blade Knight ♞ Lão Làng GVN

    Tham gia ngày:
    2/11/09
    Bài viết:
    12,894
    Lên
     
  6. Trungnguyeneco

    Trungnguyeneco Mr & Ms Pac-Man Lão Làng GVN

    Tham gia ngày:
    16/8/08
    Bài viết:
    170
    năm 2002, mình lập nhóm web tên là WDED, và nick đầu tiên của mình trên gamevn là WDEDMIN
     
  7. Trungnguyeneco

    Trungnguyeneco Mr & Ms Pac-Man Lão Làng GVN

    Tham gia ngày:
    16/8/08
    Bài viết:
    170
    Chương XVI – Con Đường Việt Nam


    Khi nhìn lại cuộc đời mình, tôi nghĩ rằng có rất nhiều điều không rõ ràng và cũng không cách nào giải thích nổi. Một trong những điều đó là giấc mơ lớn nhất cuộc đời của tôi. Nó khiến tôi trở thành một người, mà nhiều khi phải thành thật, không khác một thằng khùng là bao nhiêu. Tôi trở nên khác biệt với bạn bè mình, lạc lõng trong chính gia đình mình và gần như không cách nào hòa nhập được với cuộc sống xung quanh mình.

    Trở thành một người có lối sống khác biệt hoàn toàn, không phải là một điều dễ dàng gì. Nhưng nó chính là cuộc đời của tôi.

    Tôi có ba ước mơ cho cuộc đời mình.

    Một là yêu và được yêu bởi một cô gái mà mình thật sự rung động.

    Hai là được sống và trải nghiệm tất cả mọi thứ của cuộc đời này, dù là đau đớn, hay ngọt ngào, vui vẻ hay là đau khổ.

    Và ước mơ thứ ba, là ước mơ lớn nhất: là biến Việt Nam thành một đất nước giàu đẹp và hạnh phúc.

    Giấc mơ cuối cùng này, chính là giấc mơ đã khiến tôi, hủy hoại phần lớn cuộc đời của mình.

    ***

    Thật ra khi viết đến chương này, tôi cũng không biết phải bắt đầu từ đâu. Bắt đầu từ bao giờ tôi lại có cái ước mơ oái ăm là biến nước mình thành một nước giàu và đẹp? Và tại sao lại là giấc mơ đó?

    Tôi thật sự không thể trả lời được câu hỏi này.

    Tôi sinh ra trong một gia đình nghèo, không hạnh phúc, thưở nhỏ nhiều khi còn thiếu ăn. Nên tôi cứ nghĩ là sau này mình sẽ muốn làm giàu, muốn đổi đời và sống trong sung sướng, hưởng thụ. Nhưng hóa ra, cuộc đời lại rẽ tôi theo một lối đi khác.

    Hồi còn nhỏ, tôi hay đi bộ từ trường về nhà do ba tôi rước tôi trễ lắm. Tôi học trường Chính Nghĩa trên đường Nguyễn Trãi, đi về nhà tôi ở đường Cao Đạt xa lắm, đi xe máy phải 15 phút mà đi bộ phải gần một giờ đồng hồ. Tôi lúc đó nhỏ xíu à, chân cứ lon ton lon ton đi về nhà. Đi trên đường khát nước và nhiều khi đói lắm. Khi đó tôi cứ ước gì có ai đó cho mình ăn, cho mình uống hay chở mình đi một đoạn lắm. Nhưng người ta lạnh lùng lắm, không hiểu ở Sài Gòn bây giờ, người ta tốt bụng đến thế nào, chứ hồi tôi còn nhỏ, ghé vào nhà xin nước uống người ta toàn xua đi. Từ đó tôi nảy sinh trong mình một lời thề, sau này nếu ai đó nhờ mình giúp đỡ, chắc chắn mình sẽ hết lòng giúp đỡ người ta.

    Năm tôi lớp 6, có một lần đi học về nhà tôi đói quá, tôi mới bắc chảo lên bếp chiên cơm để ăn vì trong nhà chỉ có toàn cơm trắng, không có đồ ăn. Nào ngờ mẹ tôi lại ghé nhà vào buổi trưa thấy tôi nấu nướng bày bừa, mẹ tôi lấy chổi quật tôi một trận đau điếng người, hất cả chảo dầu đang nóng vào mặt tôi, phỏng rát. Tôi sợ quá, hoảng loạn chạy ra ngoài đường bỏ trốn còn mặc trên người nguyên bộ đồ học sinh. Do rát mặt quá nên tôi cởi cái quần dài mặc đi học che mặt cho đỡ rát rồi cứ thế chạy một mạch ra khu quận 1 đường Nguyễn Huệ. Tôi trốn khỏi nhà mà không có tiền và cũng không có gì trên người. Cả ngày hôm đó tôi cứ đi lang thang khắp nơi, hy vọng có ai đó sẽ cho mình ăn cái gì đó do đói quá. Khi đó tôi cứ nghĩ là mình sẽ cố làm quen với mấy thằng nhóc bụi đời thì tụi nó sẽ chỉ cách mình kiếm tiền rồi có cái ăn, nhưng đi đến đâu cũng bị xua đuổi. Đường Nguyễn Huệ khi đó có nhiều ki-ốt bán hàng nằm giữa các dãy đường cho người đi bộ lắm. Tầm 7h tối có một cái ki-ốt bán máy trò chơi điện tử nên tôi đứng lại xem, rồi nhận ra có một thằng nhóc cũng đang đứng xem giống tôi. Nhìn nó ăn mặc cũng rách rưới y như bụi đời ấy. Tự nhiên đang xem cái nó nhìn tôi, rồi hỏi: mày đói lắm đúng không? Tôi nói ừ, đói lắm. Cái nó dẫn tôi đi ăn, mua cho tôi một hộp cơm, cho uống trà đá nữa. Rồi nó kể chuyện cho tôi nghe, khi đó nó mới 10 tuổi à, nhỏ hơn tôi 2 tuổi. Nó bị lạc mẹ ở bến xe cách đó 3 năm rồi. Giờ ông chủ nó là một ông bán hủ tiếu, nó đi phụ ổng một ngày được cho 10.000 đồng. Rồi nó được cho ở miễn phí ở một cái nhà khác nữa. Cuộc sống cũng được lắm, nếu tôi muốn nó sẽ dẫn tôi đi xin cho tôi làm. Thế là tôi đồng ý luôn.

    Tối hôm đó, nó dẫn tôi về nhà của nó mà người ta không cho vào ở. Cái nó dẫn tôi hai đứa ra trạm xe bus nằm nhưng đau lưng quá tôi ngủ không được. Cái nó dẫn tôi vào quán café chiếu phim, có mấy cái ghế bố đó, xin người ta cho nằm ở ghế trống. Thế là tôi ngủ được một giấc đến sáng.

    Mấy ngày hôm sau, tôi được nhận phụ làm ở cái xe mì gõ ngay góc Huỳnh Thức Kháng và Pasteur. Làm từ 4h chiều đến 10h đêm. Công việc là cầm cái mõ đi rao khắp các con hẻm. Nếu có người gọi ăn mì thì chạy về bưng tô mì cho người ta, rồi lại đi một vòng, lát sau về thu tô mì và thu tiền đem về cho chủ. Một đêm thì tôi bán được tầm 30 - 40 tô với mức giá chỉ có 1.000 đồng 1 tô và được trả lương 7.000 đồng/1 tối. Ở Quận 1 năm đó người ta cho thuê chiếu và mền để ngu đêm trên đường với giá tiền 1.000 đồng/1 gối + 1 chiếu + 1 mền. Sáng có người gom đồ và thu tiền. Tôi thuê đồ để nằm trên phố rồi tiền còn lại để ăn uống.

    Được tầm 1 tuần thì tôi nhớ nhà và nhớ trường lớp nên tôi nghĩ tôi sẽ về nhà. Tôi hỏi thằng nhóc kia, nó tên Sơn hỏi nó thích gì không, nhà tôi có nhiều đồ chơi và sách lắm, tôi sẽ cho nó một ít. Nó bảo nó không thèm gì hết, chỉ thèm được đánh răng với tắm thôi. Khi đó tụi tôi tắm ở nhà vệ sinh ngay bến xe bus bến Thành ấy, dơ lắm và cũng không có đánh răng hay xúc miệng gì cả. Thế là tôi dẫn nó về nhà lúc trưa khi mẹ tôi không có nhà. Tôi lấy bàn chải và kem đánh răng cho nó xúc miệng rồi cho nó mấy quyển truyện nữa nhưng nó không biết đọc nên trả lại. Đang ngồi trước cửa nhà tôi, tự nhiên Sơn nó khóc, nó nói nó tưởng tôi mồ côi cha mẹ, chứ nhà giàu thế này sao lại bỏ nhà ra đi. Nó bảo tôi lừa dối nó rồi nó chạy đi một mạch, tôi chạy theo không kịp. Sau này, tôi tìm nó mãi không tìm được. Nhưng tôi cứ nhớ hình ảnh của nó vừa chạy vừa khóc vừa nói : mày có mẹ là mày sướng lắm rồi, đừng có lừa dối tao. Rồi tôi nhớ mãi cái thèm được tắm, được súc miệng của nó. Chỉ những điều tưởng như đơn giản vậy mà nó cũng không thể có được.

    Từ những ngày đi bụi với nó, tôi mới thấy người nghèo họ sống khở sở thế nào, có những thứ rất bình thường nhưng họ cũng không thể chạm được. Và tôi cũng tự hứa với mình, nhất định mình sẽ thành một người tốt, và sống có ích rồi giúp đỡ họ.

    Những năm cấp 2, như đã nói, tôi đọc rất nhiều sách. Càng đọc thì tôi càng thấy yêu thương đất nước và con người Việt Nam. Và từ những năm lớp 8, tôi đã nghĩ mình sẽ đóng góp hết cuộc đời này vào việc giúp đất nước mình trở nên giàu đẹp. Cơ duyên lớn nhất chắc là tôi đọc bộ Hồ Chí Minh tuyển tập, trong đó nói rất nhiều về cách bác Hồ tìm đường cứu nước và những suy nghĩ của bác về nước mình. Từ đó ước mơ của tôi càng ngày càng lớn.

    Năm lớp 9, tôi đã tình nguyện đi dạy lớp học tình thương ở trường tiểu học Trần Bình Trọng theo chương trình của Đoàn. Học sinh của tôi năm đó có đứa còn lớn hơn tôi, chủ yếu là mấy đứa nhóc bụi đời, bán vé số, xin ăn, đánh giày. Và chương trình của tôi khi đó là Toán lớp 3 và Anh Văn. Mấy đứa nó mê học lắm, đứa nào cũng thông minh sáng dạ hết, dạy rất thích, thích hơn dạy thằng em ruột của tôi ở nhà nhiều. Tôi khi đó cũng nhận ba đứa làm đệ tử ruột là thằng Ti và thằng Cà Beo, con bé Na, 3 đứa đều nhà nghèo, ở gần khu cầu chữ Y cũng thuộc phường 1 của tôi. Tuy nhiên, cuộc đời 3 đứa nó sau này rất nghiệt ngã. Ti và Cà Beo, sau này nghiện ma túy rồi dính HIV, chết khi còn rất trẻ. Con bé Na, cả nhà nó, từ các cô, dì, mẹ đều đi làm gái kiếm sống, tôi khuyên răn và dạy nó dữ lắm, nó mới không theo nghề. Sau này nó lấy một thằng chồng không ra gì, suốt ngày nhậu nhẹt đánh đập vợ con. Rồi nó bị bệnh tim, nhưng không có tiền chạy chữa, lại ỉ y không uống thuốc đều, nên cũng qua đời khi vừa bước qua ngưỡng 25 tuổi. Tôi vẫn nhớ con bé ngày còn đi học, rất thích đọc thơ văn và có cặp mắt sáng vô ngần. Cái nghèo, ở Việt Nam, như một cái lưới đánh cá, người may mắn thì thoát ra được, nhưng cũng rất nhiều người có cố mấy vẫn không thể thoát ra được.

    Năm tôi lớp 10, mới vào học được chưa lâu thì trong trường có chương trình đêm hội trung thu và giao lưu với trẻ em trường mù Nguyễn Đình Chiểu. Tôi đăng ký tham dự ngay, và sau đó dù cũng ít tiền, tôi chạy về nhà lấy hết tiền mua ngay 2 cái bánh trung thu và 1 cái đèn lồng bằng pin giá 30.000 đồng. Khi đến đêm hội mấy đứa bạn cứ cười vào mặt tôi vì cả đám ai cũng mua lồng đèn xài nến, chỉ mình tôi chơi tặng lồng đèn pin. Thật ra không phải tại tôi giàu có chơi sang hay gì đâu. Tôi chỉ nghĩ mấy em bị mù, chơi lồng đèn nến nguy hiểm lắm, với lại lồng đèn pin có tiếng nhạc nghe dễ thương nữa. Và đúng như dự đoán của tôi, cái lồng đèn bằng pin của tôi rất được mấy đứa nhóc ưa thích, cứ tranh nhau chơi.

    Tôi hôm đó đã học được bài học đầu tiên, muốn giúp người thì phải biết suy nghĩ, chứ không thể nào chỉ là có gì cho đó.

    Về sau, tôi có đăng ký tham gia hoạt động từ thiện với đoàn trường nhưng bên trường lại không có nhiều hoạt động từ thiện nên tôi lên thẳng đội công tác xã hội của Thành Đoàn xin các anh chị cho tham gia các hoạt động. Những năm cấp 3 tôi tham gia các hoạt động tuyên truyền an toàn giao thông đường bộ và tuyên truyền việc sử dụng bao cao su cho các cô gái mại dâm. Thời gian đó tôi không còn dạy lớp học tình thương buổi tối nữa do hay đi chơi với đám bạn.

    Khi đó tôi cũng hay tâm sự với đám bạn của tôi là tôi muốn làm người tốt, muốn giúp đất nước trở nên giàu đẹp, đứa nào cũng cười cợt và chế giễu tôi bị khùng. Kiểu ước mơ của tôi tuy không phải là xấu, nhưng nghe nó xa vời và nó ảo tưởng, nó khuôn sáo thế nào ấy nên bọn nó luôn nghĩ là tôi bị điên. Mà cũng có thể là tôi bị điên thật.

    Rất khó mà hiểu hay hình dung được, một thằng vừa thích đi bar nghe nhạc, vừa thích chơi bời mà lại còn bảo là thích làm người tốt, thích xây dựng đất nước giàu đẹp, nghe vừa có vẻ mâu thuẫn, vừa khùng khùng sao ấy.

    Nhưng chính sự mâu thuẫn đó lại chính là con người của tôi. Biết sao bây giờ.

    ***

    Có những khoảng thời gian xen kẽ trong cuộc đời tôi. Tôi đi viết báo để kiếm thêm một ít tiền. Không làm phóng viên hay nhà báo chính thức như bạn bè mình, tôi chỉ viết báo cho vui, cũng như để nói lên những suy nghĩ của mình, cũng như góp phần xây dựng xã hội. Mong muốn của tôi khi viết báo là vậy. Hồi đi học tôi hay nghe bảo là nhà văn và nhà báo là những chiến sỹ, dùng ngòi bút của mình để chiến đấu với những cái gian, cái sai của xã hội, từ đó giúp đỡ mọi người. Cụ Nguyễn Đình Chiểu còn có câu thơ : “Đâm mấy thằng gian, bút chẳng tà”. Do đó với nghề báo chí, tôi cũng có chút đam mê và tham vọng nhất định.

    Tôi viết báo từ những năm học cấp 3 trải dài cho đến khi học xong đại học. Chủ yếu là những bài viết thơ văn đề cao tình bạn, tình thầy trò, tình yêu và các bài viết hướng dẫn phương pháp tự học, đọc sách. Trung bình một tháng tôi có chừng hai đến ba bài, gửi các báo Mực Tím, Hoa Học Trò. Sinh viên Việt Nam… báo nào đăng được thì đăng. Toàn bộ nhuận bút tôi làm từ thiện hết vì nó cũng chẳng đáng bao nhiêu. Đến năm 2003 thì tôi viết khá nhiều bài và là cộng tác viên thường xuyên cho tạp chí tin học Echip. Tôi viết chuyên mục hướng dẫn sử dụng phần mềm, giới thiệu công nghệ mới, và khi đó tôi cũng có một bài viết chấn động về cảnh báo nạn lừa đảo trên mạng Internet cũng như hiện tượng hack thẻ tín dụng của nước ngoài. Dù là báo dành cho tuổi học trò hay báo công nghệ, tôi vẫn chỉ có một mục tiêu duy nhất là muốn giúp đỡ mọi người có cuộc sống tốt hơn, chân thành và lành mạnh hơn.

    Nhưng mãi đến sau năm 2007 thì tôi mới bắt đầu viết mạnh mẽ hơn và rõ ràng quan điểm của mình về báo chí hơn.Tôi xin làm cộng tác viên cho một tờ báo lớn ở Sài Gòn lúc đó, xin được viết về kinh tế và chính trị. Tôi được nhận và viết bài khá thường xuyên, tuy nhiên công việc khá chán, chỉ đơn giản là được cử đi viết các tin tức lặt vặt và viết lại các tin tức nhận được từ thông tấn xã và các báo bạn. Tôi muốn viết nhiều phóng sự có tính chất tranh đấu hơn, nhưng bên tòa soạn báo là các dạng bài đó chỉ dành cho các phóng viên có thẻ nhà báo, còn như tôi viết được thì viết, tòa soạn sẽ không hỗ trợ về mặt danh nghĩa và phí công tác. Tôi cũng cố gắng làm thử một vài bài nhưng nội dung chán quá do không thể tiếp cận được thông tin mật hay người có chức quyền, nên cũng bỏ. Khi này sếp của tòa soạn thấy thương tôi, nên xếp đặt tôi đi các hội thảo của các doanh nghiệp, biên soạn các thông cáo báo chí của doanh nghiệp, viết các bài phỏng vấn doanh nhân. Những dạng bài này khi đó dễ viết, mà lại có nhiều tiền nữa, mời được doanh nghiệp mua quảng cáo thì kiếm khá lắm. Một thời gian dài tôi cũng đắm chìm vào văn hóa báo chí phòng lạnh (ngồi quán café máy lạnh, xào nấu các nguồn tin khác thành bài viết rồi gửi đăng), đi hội thảo doanh nghiệp, làm quen các doanh nhân để phỏng vấn rồi mời chào quảng cáo. Nhưng rồi, cũng có những lúc vắng lặng, tôi lại tự hỏi mình: mình đang làm cái trò gì đây? Nếu mình đến với nghề báo chỉ vì tiền, thì sao mình không tập trung vào việc làm Marketing, vốn dĩ có thể có nhiều tiền hơn? Nếu vì đóng góp cho xã hội, thì mình đang đóng góp cái gì đây?

    Lương tâm tôi cắn rứt mỗi ngày và mỗi giờ. Tôi nhất quyết phải làm một cái gì đó. Rồi tôi bắt đầu viết bài, dưới dạng ẩn danh và gửi cho mấy anh chị nhà báo mà tôi biết. Các bài báo đó tuy không hoàn chỉnh, nhưng cung cấp nhiều thông tin về các vấn đề xã hội mà tôi quan sát được. Từ những email đó mà rất nhiều bài báo về đề tài xã hội đã ra đời. Nhưng đến tận tầm cuối năm 2007, tôi mới chính thức có một bài báo lên tiếng rất mạnh mẽ về việc an toàn thực phẩm, nhiều công ty đang kinh doanh thực phẩm mất vệ sinh, và cơ chế quản lý thị trường hiện tại chưa kiểm soát chặt chẽ vấn đề này. Sau đó, tôi viết về chính một công ty trong khu giết mổ gà của mẹ tôi, thu mua gà đông lạnh ở nước ngoài, lưu trữ quá hạn sử dụng và tuồn bán ra ngoài thị trường. Sau bài bài, công an vào cuộc và cả công ty kia phải giải trình trước pháp luật về việc kinh doanh sai đạo đức của mình. Trong suốt 2 năm sau đó, tôi viết rất nhiều bài về an toàn thực phẩm và sự xuống cấp của văn hóa việt nam trên báo chí. Thậm chí có thời gian tôi còn bị các chủ doanh nghiệp bị ảnh hưởng thuê xã hội đen dọa đánh, vừa chạy xe ngoài đường vừa thom thỏm lo sợ sẽ bị chém. Tôi nghĩ rằng, sau một giai đoạn dài đấu tranh từ 2008-2010, tình hình an toàn thực phẩm ở Việt Nam đã cải thiện nhiều, trong đó chắc cũng có ít nhiều công sức của tôi.

    Tuy nhiên, ở Việt Nam, báo chí có rất nhiều điểm hạn chế. Điều này khiến cho càng viết báo, tôi lại càng có cảm giác bất lực và chính tôi, đôi khi cũng có cảm giác mình đang sa ngã.

    Hạn chế đầu tiên là thu nhập của nghề báo không cao. Ngoài lương và tiền công tác vốn dĩ không dư giả gì, thì thu nhập từ nhuận bút và các khoản thưởng là không đáng kể. Nếu muốn viết các bài báo có đầu tư, có hàm lượng chất xám cao thì phải mất rất nhiều thời gian và công sức. Nếu không có nguồn thu xứng đáng thì quả thật, các nhà báo khó mà dũng cảm để hy sinh mọi lợi ích thiết thực của cuộc sống mà cầm bút chiến đấu được, rất khó.

    Hạn chế thứ hai là khả năng tiếp cận nguồn tin tức. Giới chính quyền, ngoại trừ một số trường hợp đặc biệt, rất hạn chế cung cấp thông tin cho báo chí. Nhiều trường hợp kể cả khi sự việc đã được thông tin rộng rãi, nhưng báo chí vẫn bị từ chối khi muốn tiếp cận các thông tin sâu hơn. Các doanh nghiệp, kể cả khi tiếp cận được cấp cao nhất vẫn khó lòng có được thông tin chi tiết và chính xác về vụ việc hay về sản phẩm, vốn là một hạng mục khá nhạy cảm của doanh nghiệp. Thông tin từ người dân vốn dĩ dễ tiếp cận nhất nhưng cũng dễ bị nhiễu và sai nhất, do hàng tá các lý do khác nhau như e ngại, sợ bị ảnh hưởng, hay do cảm tính của người cung cấp thông tin được phủ lên trên sự việc khá dày. Tiếp cận nguồn tin đã khó, khi cần có người kiểm chứng và xác nhận thông tin (giới khoa học, chính quyền hay lãnh đạo các tổ chức) thì càng khó hơn do ở Việt nam, văn hóa né tránh đụng chạm đến người khác là rất phổ biến, và người ta cũng hạn chế đánh giá hay nhận xét thẳng thắng về những chuyện không ảnh hưởng đến mình. Đó là chưa kể, những nguồn tin nếu tiếp cận được cũng thường là những thông tin chưa sàng lọc, chưa thống kê, phân tích và xác định rõ, cho nên việc báo chí đăng tải những bài viết hữu ích và có giá trị cao về thông tin là chuyện rất khó khăn, cho cả phóng viên viết bài lẫn ban quản trị tòa báo.

    Hạn chế thứ ba, mà tôi nghĩ là lớn nhất, chính là cám dỗ của nghề báo, của quyền lực thứ tư. Nhiều bạn bè tôi làm báo giàu có rất nhanh chóng từ những công việc PR, Quảng cáo và giao dịch nằm ngoài công tác viết báo. Rất nhiều bạn bè làm báo văn hóa chuyển sang làm Pr cho hãng thời trang, hãng phim, quản lý ca sỹ, người mẫu để tận dụng mối quan hệ và các kênh truyền thông sẵn có. Viết báo kinh tế thì nhận PR và tư vấn truyền thông cho doanh nghiệp… Nói chung những cám dỗ trong nghề báo là rất lớn, tiền bạc và danh vọng có thể đến rất nhanh và nhiều, cho nên nghề này đào thải cũng rất nhanh. Những phóng viên và biên tập viên được trẻ hóa liên tục (do người có tuổi và kinh nghiệm sẽ nhảy ngành) nên ngòi bút vừa yếu vừa non nớt, thời gian và sức lực đầu tư cho nghề không đủ nên các bài viết cũng hời hợt và quá thiếu tính đóng góp.

    Hạn chế thứ tư mà tôi cho là cũng rất đáng lưu ý là văn hóa của người đọc. Độc giả Việt Nam rất thích tin giật gân, tin ngoài luồng, bên lề, tin giải trí… mà ít đề cao những đầu báo và bài báo có giá trị văn hóa – kinh tế cao, những bài báo có hàm lượng tri thức cao. Họ thích đọc những bài báo dễ hiểu, đơn giản và mang nặng tính giải trí. Cho nên, ngoài vài bài báo có tính hiện thực cao, phản ánh tình hình xã hội thì đa số các bài báo chính quy sẽ bị rơi vào quên lãng và ít được chú ý nên tòa soạn và các phóng viên cũng nản chí, không đầu tư nhiều nữa.

    Tầm khoảng 2 năm tập trung vào nghề báo, tôi thấy việc mình nghĩ rằng, tham gia báo chí sẽ giúp mình đóng góp vào cải cách xã hội, giúp đất nước giàu đẹp là chuyện viễn vông. Ngoài ra tôi thấy tính cách của mình ngày càng nặng hình thức, ngày càng thích chứng tỏ quyền lực, ngày càng ham mê tiền của có được từ các hợp đồng PR và Quảng cáo, công việc càng ngày càng sa vào việc tìm kiếm lợi ích cá nhân mà ít tính đóng góp cho xã hội. Nên tôi quyết định bỏ nghề, không viết báo nữa mà đi tìm cách thức đóng góp khác hiệu quả hơn.

    Tôi vẫn dành cho báo chí và các anh chị phóng viên đang tiếp tục làm nhiệm vụ đóng góp sức mình cho nền văn hóa và kinh tế nước nhà một sự kính trọng nhất định. Rất nhiều anh chị tài năng và tâm huyết vẫn đang cố gắng trụ lại với nghề và đóng góp rất nhiều cho người dân và xã hội bằng những bài báo chất lượng, mang tính hiện thực cao. Đáng tiếc, tuy khó nói, nhưng tôi vẫn nghĩ đó chỉ là số ít ỏi. Từ ngày có facebook, chúng ta mới thấy được điểm yếu của báo chí Việt Nam hiển thị một cách rõ ràng. Tính tranh đấu yếu, tính thời sự cũng chậm chạp, không phản ảnh được tấm lòng và mong muốn của người dân, ngay cả các tạp chí và báo về giải trí cũng hời hợt, dễ dãi và rẻ tiền khiến cho người dân ngày càng bỏ đọc báo chí mà chỉ theo dõi các facebooker, youtuber mà họ ưa thích. Ngay cả những tờ báo lớn nhất và uy tín nhất Việt Nam hiện nay, xét về số lượng truy cập và xem bài đã ít, mà tính ảnh hưởng đến cộng đồng cũng ít, số lượng các bài viết có giá trị cao cũng giảm theo thời gian.

    Theo tôi, hiện nay báo chí Việt Nam tuy có số lượng và chất lượng nhìn chung là tốt, nhưng nội dung vẫn chưa đủ sâu sắc và mang tính xã hội – cộng đồng rất thấp. Trong một xã hội hiện đại, vai trò xây dựng nền dân trí và dân chủ của đất nước phụ thuộc rất nhiều vào báo chí. Cho nên, chất lượng và tính khoa học, tính đấu tranh của báo chí nước mình rất cần cải thiện trong thời gian đến.

    Còn riêng tôi, cái duyên với báo chí coi như đã hết.

    ***

    Trong suốt cuộc đời tôi, tôi không xem công việc từ thiện là một sở thích hay một thú vui, mà tôi coi đó là một trách nhiệm, là điều mà mình nhất định phải làm, thậm chí phải làm cho thật tốt.

    Là người con của Chúa, tôi tin rằng tất cả những của cải và tài sản trên đời này, đều không phải là của mình. Mình chỉ được Chúa ban cho, và có quyền sử dụng nó trong một khoảng thời gian nhất định. Cho nên chúng ta phải cho đi (ít nhất là 10% thu nhập của mình cho từ thiện) và phải giúp Chúa, phân chia tài sản trong cõi trần này cho những người khó khăn.

    Tôi coi đó là một chuyện nghiêm túc, và cũng là một chuyện khó khăn.

    Khoảng từ đầu năm 2002, sau khi học đến Đại Học và bắt đầu làm ra tiền, tôi đã đặt mục tiêu cho mình là phân nửa thu nhập là phải dành cho các hoạt động từ thiện, phần còn lại dành ra phân nửa cho gia đình, còn 1 phần 4 thì chi dùng cho cá nhân. Tôi ăn xài rất ít, thậm chí mê đi bar để gặp gái mà cũng thấy hao tiền quá nên bỏ. Tiền thì tôi dùng để đóng tiền Internet, mua sách vở và đĩa nhạc, còn ăn thì chỉ ăn uống bình dân, cơm dĩa với phở rẻ tiền. Sang nhất hồi còn đi học đại học cũng chỉ dám ăn 1 phần gà rán KFC tầm 70.000 đồng là dữ dội nhất rồi. Tiền có dư nhiều thì dành đổ xăng đi bụi và vào bar nghe nhạc. Tôi quan điểm rất rõ ràng là mình có ăn cũng chẳng được bao nhiêu, trong khi ngoài kia có nhiều mảnh đời cần mình giúp đỡ lắm.

    Khi đi du lịch bụi, đến địa phương nào tôi cũng hỏi thăm khu người nghèo hay những chùa chiền có nuôi trẻ mồ côi, sau đó đến và ghé cho tiền. Tôi coi đó như một hoạt động định kỳ mà không có ý thức khoe mẽ hay tự xem mình là người tốt.

    Tuy nhiên có hai sự cố làm tôi thay đổi suy nghĩ. Đầu tiên là phần lớn tiền làm từ thiện của tôi ở Thành phố Hồ Chí Minh những năm 2002 – 2005, là dành cho một trường trẻ em khuyết tật, mù và câm điếc ở thành phố Hồ Chí Minh. Trường đó cũng do một người khuyết tật gầy dựng nên và làm chủ cơ sở. Tôi rất thương mấy em ở đó không có đủ ăn mặc và phương tiện giải trí, nên cứ mỗi tháng lại ghé một hai lần, đem gạo và bánh kẹo cho. Ngoài ra do mấy em đa số bị mù, tôi hay mua mấy cái máy MP3 và đài Radio để cho mấy em nghe nhạc. Sự gắn bó của tôi với trường rất là thân thiết.

    Sau đó thì một đứa bạn cấp 2 của tôi có một người chị, làm đám cưới với một ông anh làm trong trường đó (ông đó cũng bị mù). Chị ấy khá đẹp gái nên tôi cũng thắc mắc là tại sao lại đồng ý lấy một người khuyết tật làm chồng chứ. Do tò mò quá, nên tôi hỏi thẳng luôn. Chị ấy nói là ảnh thương chị từ lâu, từ hồi chị còn hay đi làm từ thiện. Mà ảnh cũng giàu, cưới xong có tiền mua nhà và xe hơi ngay, nên chị cũng yên tâm. Tôi nghe mà hết hồn, cái gì, trường thì nghèo, toàn trẻ em mù và câm điếc mà giáo viên lại có nhà và xe hơi? Họ cưới nhau được 1 năm và tôi hay ghé nhà ông anh đó hỏi chuyện. Ổng cũng thật thà nên kể nhiều chuyện nghe thật sự đau lòng: trường nhận được rất nhiều tiền từ nước ngoài và số tiền đó vào túi thầy hiệu trưởng hết. Thầy cố tình để tụi nhỏ sống thiếu thốn để người ta thấy thương mà gửi tiền nhiều hơn. Gạo được các tổ chức cho dư thừa phải đem bán ra ngoài. Thầy hiệu trưởng chỉ thích ăn trái cây ngoại nhập, uống rượu nhập và xài đồ hiệu. Anh là học trò ruột của thầy, được thầy thương nên khi xin thầy làm đám cưới, thầy cho tiền anh mua nhà và sắm xe.

    Nghe xong từ đó tôi không đến trường làm cho quà từ thiện nữa. Tôi nghĩ chắc trường này nhiều tiền quá nên dẫn đến hư hoại về đạo đức. Tôi chuyển sang quyên góp và vận động từ thiện cho một mái ấm của trẻ mồ côi ở tận Gò Vấp. Ban đầu thì mọi thứ khá tốt, các chị điều hành mái ấm này tốt bụng và cũng không ăn xét ăn bớt gì của các em. Người ta đến cho tiền các chị đều không nhận mà chỉ nhận sữa hộp, tả và gạo để nấu cháo cho các em. Tôi cũng hay mua sữa và tả cho các em. Nhưng một thời gian sau, do có chút nghi ngờ nên tôi đánh dấu các hộp sữa trong kho thì phát hiện ra các chị bán sữa xịn ra ngoài để mua sữa hộp giấy rẻ hơn, tả trẻ em cũng đem bán, để bọn nhóc lăn lóc trong cức, nói chung là không ăn nhiều tiền như cái trường khuyết tật kia, nhưng bớt xén để thủ lợi cá nhân là có. Tôi cũng nản hẳn mà bỏ luôn.

    Rồi năm 2007, khi tôi bị suy sụp tinh thần do bị tố cáo lừa đảo ở công ty PhiHaiStyle, bạn tôi giới thiệu tôi với một ngôi chùa, mà sư thầy ở đó rất hay làm từ thiện và giúp đỡ người nghèo. Bạn bảo tôi nên đi từ thiện nhiều cho tâm thanh thản, nếu may mắn sau này khởi nghiệp lại thành công, nên tôi cũng nghe theo.

    Thầy còn trẻ, chỉ hơn tôi 2 tuổi nhưng rất được yêu mến. Tôi ở với thầy mấy tháng, đi rất nhiều chuyến thiện nguyện cả trong và ngoài nước. Thầy hay tổ chức đi Cambodia và Lào để góp tiền cho người nghèo và trẻ con gốc Việt bên đó. Nói chung là rất tốt. Nhưng sau đó tôi lại phát hiện ra chuyện không hay.

    Số là vào khi đó, tôi vẫn còn sử dụng chiếc Dream cùi của tôi, bên ngoài thì xe rất xấu xí và máy óc cũng rất yếu, nhưng bản thân tôi thấy mình không có vấn đề gì với nó. Tôi luôn nghĩ suy cho cùng thì xe vẫn chỉ là một phương tiện và miễn sao nó còn chạy được là ổn rồi. Nhưng hôm nọ, thầy bảo tôi qua chùa, có bất ngờ cho tôi. Khi tôi qua thì thấy có nguyên một chiếc xe Wave xịn mới keng trước cửa. Vào đến chùa thì thầy bảo thầy thương tôi nhiệt tình quá, nên sắm xe mới cho tôi chạy chứ đừng đi chiếc xe cũ nữa, mỗi lần nổ máy đã thấy khó khăn. Tôi lúc đó như đứng hình, vì tôi nghĩ làm sao thầy có tiền mua chiếc xe đó chứ, chẳng phải tiền của thầy toàn là tiền người ta cúng dường để làm từ thiện sao? Dĩ nhiên tôi từ chối, bảo là ở nhà có xe xịn nhưng không quen đi, thầy gửi đệ tử khác đi. Rồi sau đó tôi bắt đầu chú ý cách thầy xài tiền. Thầy không ăn xài tiêu pha gì thật, nhưng thầy rất hay cho tiền các đệ tử thầy và các cô lớn tuổi hay đến chùa làm công quả. Lúc thì thầy cho vài triệu xài, lúc thì thầy mua cho cô này cái nệm nằm cho đỡ đau lưng, lúc thì cho con cô kia tiền để học Anh văn…Dĩ nhiên là tôi vẫn thấy thầy không xấu, nhưng cách thầy lấy tiền cúng dường để chi tiêu theo ý cá nhân, với tôi là không thể chấp nhận. Một hôm nọ thầy bị bệnh, phải vào viện nằm theo dõi, thầy chọn Bệnh viện Pháp Việt để nằm, một ngày hết gần 7 triệu bạc thì tôi cảm thấy mình đã đến giới hạn, tôi không theo thầy nữa.

    Trong rất nhiều năm đi làm từ thiện, tôi thấy những việc này xảy ra vô số. Có hai trường hợp phổ biến, một là các nhóm từ thiện nhỏ lẻ của các cô buôn bán nhỏ (gọi là tiểu thương) hay quyên tiền cho chùa, hay đi làm từ thiện ở các tỉnh, lúc bão lũ thì các cô không bớt xén, nhưng chi tiêu rất lặt vặt và không tính toán cho nên hiệu quả không cao. Hai là các nhóm lớn, có người lãnh đạo và hoạt động chuyên nghiệp thì đa phần xảy ra tình trạng bớt xén và dùng tiền chung làm chuyện cá nhân. Năm 2008, khi còn làm báo, tôi đã phanh phui nguyên một chuỗi các nhà trẻ do một người đứng đầu ở Đồng Nai, dùng danh nghĩa nhận trẻ con mồ côi để trục lợi cá nhân. Nhưng do rất nhiều lý do, vụ đó cũng không thể xử lý cho ra lẽ được. Tôi cũng đặt câu hỏi lớn cho việc quyên tiền ở các chùa chiền, mà tôi gọi luôn là Công ty Từ Thiện, ở quy mô nhất định, số tiền thất thoát ở các chùa chiền lớn, là rất lớn, dù rõ ràng các Chùa cũng làm được rất nhiều việc.

    Sau những vụ đó, tôi mới bắt đầu chú ý đến các tổ chức phi lợi nhuận của nước ngoài tại Việt Nam và các quỹ thiện nghiện lớn hoạt động chuyên nghiệp, cùng với ba tổ chức lớn của Việt nam là Hội chữ Thập đỏ và Mặt trận Tổ Quốc, Hội khuyến học. Tôi thấy họ hoạt động rất tốt, hiệu quả và gần như không có bớt xén gì, làm việc rất khoa học và các nhân viên hoạt động đều có lương và thu nhập đủ sống nên làm việc rất tốt, giúp đỡ hiệu quả cho những người nghèo và những người chịu nhiều thiệt thòi. Từ năm 2010 trở đi, tôi quyên tiền định kỳ cho bảy tổ chức từ thiện khác nhau và nếu có bão lụt hay thiên tai, tôi sẽ quyên cho Hội chữ Thập đỏ hay Báo Tuổi Trẻ, tôi tin rằng nếu tiền dồn về một chỗ, thì sẽ tốt hơn nằm rải rác ở các đội nhóm nhỏ, vốn dĩ hoạt động không hiệu quả mà dễ xảy ra tiêu cực.

    Tuy nhiên, tôi cũng có nhiều suy nghĩ trái ngược nhau về làm từ thiện. Tôi đi từ thiện nhiều, thấy việc cho tiền hay cho thực phẩm, nhiều khi không giải quyết được vấn đề gì. Nhiều nơi, khi còn trẻ tôi đi làm từ thiện, đến sau này, khi quay lại, vẫn nghèo, và những đứa con của những đứa trẻ đã nhận quà của tôi năm xưa, lại tiếp tục xòe tay nhận quà từ thiện, nhìn rất đau lòng. Tôi nghĩ nếu muốn đất nước đi lên, chắc chắn tôi phải nghĩ ra giải pháp gì khác.

    Nhưng đồng thời, càng đi nhiều, tôi cũng nhận ra rằng dù có ăn bớt ăn xén và kém hiệu quả, việc những tổ chức từ thiện hoạt động nhỏ lẻ và tự phát ra đời và phát triển, là điều quan trọng và cần thiết. Nhiều tổ chức lớn đã không thể nào đủ nhân sự và nguồn lực, đến tận nơi và giúp đỡ cho từng hoàn cảnh mà đôi khi, đã đến tận cùng của cái khổ. Như cái trường cho trẻ em khiếm khuyết mà tôi nói ở trên chả hạn. Tôi sau này quay lại thì thấy ngoài nhận trẻ em mù và câm điếc như ngày xưa, còn nhận nuôi cả trẻ em bị bệnh Down và tâm thần về chăm sóc. Năm 2009, tôi dẫn bọn nhỏ đi siêu thị chơi, ăn gà rán KFC. Nhìn tụi nó mừng rỡ và vui nhộn, có đứa không dám ăn hết miếng gà vì muốn để dành về nhà ăn tiếp, tôi khóc ướt cả áo. Tôi nghĩ, ngay cả khi ông thầy kia có vấn đề về đạo đức, thì ổng cũng làm chuyện tốt là nhận mấy đứa này về chăm, chứ những mảnh đời này, còn ai thương tụi nó nữa đâu. Từ đó, tôi với anh hiệu phó trường thỏa thuận một nguyên tắc, tôi sẽ quyên tiền và rủ tụi bạn tôi quyên tiền cho trường, nhưng tiền của tụi tôi phải dùng để mua quần áo và bánh trái cho tụi nhỏ, không được sử dụng mục đích khác, còn những dòng tiền khác, tôi không quan tâm. Đến tận nay, năm 2021, tôi vẫn thường xuyên ghé trường và thăm tụi nhỏ, nhiều đứa lớn lên, có vợ con, buôn bán ngoài đường vẫn gọi tôi một tiếng Thầy, dù tôi không dạy tụi nó ngày nào.

    Còn Sư thầy mà tôi nói ở trên, như tôi nói, tôi vẫn giữ nguyên thái độ của mình. Thầy là chỗ dựa của rất nhiều cô lớn tuổi và rất nhiều thanh niên bị thiểu năng, bị xã hội đào thải. Trong chùa còn có mấy cụ già bị con cái bỏ bê được thầy đem về nuôi. Ngoài chuyện chi tiêu tiền bạc lung tung, thì thầy tốt, không dâm dục, không tham lam và lừa gạt. Năm 2018 tôi về thăm, thầy xài Iphone xịn, còn hỏi tôi thích không, thầy cho một cái. Dĩ nhiên là tôi không đồng ý cách sống của thầy, nhưng tôi không cho mình cái quyền phán xét hay đánh giá người khác. Tôi vẫn hay ghé chùa ăn cơm và tụng kinh. Chùa ở ngay Quận 4.

    Trong rất nhiều năm, tôi tham gia rất nhiều hội doanh nhân và nhóm người giàu có. Trong những nhóm đó có rất nhiều người ghét tôi vì họ thấy tôi kinh doanh nhỏ lẻ, lại nghèo khó, không đáng mặt doanh nhân, lại hay la liếm mấy anh lớn làm thân, trò chuyện linh tinh, có vẻ như muốn lợi dụng. Sự kiện nào họ cũng thấy tôi mặc vest, sức dầu thơm, rồi lại hết chỗ này chỗ kia bắt tay làm quen, dù có nhiều thời điểm tôi chỉ là thằng làm thuê chứ chẳng phải doanh nhân gì. Những chuyện đó, tôi thấy họ đều nói đúng và chửi đúng hết. Tôi đúng là có la liếm và lợi dụng thật, nhưng là để quyên tiền cho các tổ chức từ thiện và các chương trình vận động xã hội. Tôi bị từ chối nhiều, nhưng cũng có mấy anh ủng hộ nhiều. Từ đó trong các hội doanh nghiệp tôi chết tên Hải Xin Tiền, tức là gặp mặt là thấy xin tiền làm từ thiện. Khi tôi làm Marketing cho các công ty, lúc nào kế hoạch Marketing của tôi cũng có phần làm thiện nguyện, vì như tôi nói, tôi coi đó là điều phải làm, chứ không phải là điều nên làm.

    Trong 2 năm từ 2009 đến năm 2011, tôi thấy nhiều nhóm từ thiện của Việt Nam bắt đầu nổi lên, tốt cũng có mà xấu cũng có nữa. Nhiều người giàu lên nhanh chóng nhờ cắt cò từ thiện, tức là họ đăng hình và thông tin người nghèo lên các trang mạng rồi sau đó nhận nhiều tiền quyên góp, sau đó cắt bớt % cho bản thân. Một trường hợp mà tôi biết, chỉ trong 2 năm từ thiện thu lời gần chục tỷ, sắm nhà lớn và xe hơi, làm 7 năm thì trở thành đại gia thứ thiệt, vừa mang danh tốt vừa giàu có. Nhiều vị sư có đến 2 cuộc đời, đời tu hành thì giản dị nhưng bước ra ngoài thì 2 vợ, đất đai phủ khắp, đi xe đời mới nhất và xài tiền như nước. Nhưng cũng có nhiều đội nhóm quyên tiền vất vả, bán mặt cho trời, bán lưng cho đất, giúp đỡ từng hoàn cảnh nghèo khó trong khi chính đội ngũ những người làm từ thiện cũng trong hoàn cảnh nghèo khó. Tôi dần nhận ra rằng thời gian làm từ thiện của mình cũng ngắn dần, dù mình có bỏ công sức hơn nữa cũng chẳng giải quyết được gì mà hãy để những người tốt và giỏi hơn làm, nên tôi nghĩ mình nên tìm một con đường khác.

    Cũng trong vòng 2 năm 2009 - 2011, nhờ vào sự giúp đỡ của Minh Triết, anh em kết nghĩa của tôi, khi này đã từ nước ngoài về làm việc cho một tổ chức quốc tế tại Việt Nam, tôi tiến hành nhiều nghiên cứu về xã hội và cơ cấu kinh tế của Việt Nam. Áp dụng các nghiên cứu khoa học, tôi hoàn thành một báo cáo có tên “ Báo cáo 4 mặt về Kinh tế - Xã hội Việt Nam: sự phát triển, nguy cơ, cơ hội và những đầu mục quan trọng” gửi cho rất nhiều tổ chức liên quan, nhưng vẫn chỉ nhận được sự im lặng. Tôi thấy mình không thể chỉ đơn giản là ngồi im nữa. Tôi muốn làm một cái gì đó, giúp đất nước mình.

    Tôi sáng lập ra Zag Village, một tổ chức giáo dục phi lợi nhuận đầu tiên của Việt Nam vào đúng ngày sinh nhật của tôi, 26/05/2011. Trên tinh thần chủ đạo là Đông Kinh Nghĩa Thục, tôi muốn dùng giáo dục để thay đổi đất nước mình.

    Đó thật sự là một công việc mà tôi cho là nó đủ nghiêm túc để mình theo đuổi. Bán hết cổ phần của mình ở hai công ty tôi đang hùn vốn, nghỉ việc Markerting ở một tập đoàn lớn, tôi bắt đầu đi vào giấc mơ của chính mình.

    ***

    Tôi còn nhớ y nguyên một ngày của tháng 7. 2003. Tôi được mời đi dự một buổi tiệc Buffet của một đàn anh, lúc đó là chủ một công ty tin học lớn. Trong buổi tiệc, anh đã đứng trên sân khấu và nói rất nhiều về tương lai tươi sáng của nước mình, anh muốn xây dựng nên một nền móng cho Trí Tuệ Việt Nam được bay xa và bay cao.

    Tôi đã bị mê hoặc bởi anh và con đường mà anh vẽ nên cho đất nước mình. Con đường Việt Nam. Tôi đã thề là mình nhất định sẽ đi trên con đường đó và đóng góp hết tuổi trẻ và trí tuệ cho việc đưa đất nước của mình trở thành một quốc gia giàu đẹp và văn minh.

    Tôi chưa bao giờ quên lời thề năm đó, dù chưa thốt ra khỏi miệng nhưng đã tự khắc vào lòng mình suốt rất nhiều năm. Về sau, do đối đầu với chính phủ, anh bị đi tù và con đường của anh cũng biến mất. Không đồng quan điểm của anh về một số việc, tôi vẫn quyết định đi tiếp con đường đó, bằng cách của tôi.

    Năm 2007, biểu tình của người Việt chống sự bành trướng của Trung Quốc lan rộng khắp các thành phố. Người dân tràn ra đường và hô hào các khẩu hiệu trong khi chính phủ vẫn giữ nguyên quan điểm là phải hòa hoãn và tranh thủ sự giúp đỡ của Trung Quốc để phát triển kinh tế. Đụng độ giữa chính quyền và một số ít các nhóm đấu tranh dân chủ đã diễn ra và dẫn đến một số lượng lớn các nhà đấu tranh phải vào tù hoặc xuất ngoại.

    Các cuộc biểu tình diễn ra tận đến những năm 2011. Sáng hôm 29/5/2011, biểu tình vẫn nổ ra trước Nhà Văn Hóa Thanh Niên và công viên 30/4. Rất nhiều tri thức lớn của Việt nam đang biểu tình ở đó mặc dù họ đối diện với sự đàn áp khá lớn từ chính quyền. Tôi chạy ra gặp các anh, siết chặt tay các anh và bày tỏ quan điểm ủng hộ của mình, nhưng tôi cũng nói rõ, tôi sẽ không chiến đấu và không biểu tình, vì tôi có một con đường khác để đi. Hôm đó tôi đã khóc khi nói những lời đó, vì trong thâm tâm tôi, quả thật cũng có một phần muốn ở lại với cuộc biểu tình đó. Sau đó mấy tiếng, tại một quán café nhỏ trên đường Nguyễn Cư Trinh, ZAG Village chính thức ra mắt với hơn 34 thành viên, với một mục tiêu: tạo thành một cộng đồng tự học, nâng cao tri thức và giúp đỡ mọi người.

    Rất nhiều bạn bè đã ngăn cản tôi khi biết tôi bỏ tất cả sự nghiệp và công việc để đi làm cái tổ chức này. Nhưng tôi biết rõ, đó là điều tôi phải làm.

    Sau đó, đến đầu năm 2012, tôi buộc phải chia tay bạn gái mình vì gia đình cô ấy coi tôi là phản động vì hành động ký kiến nghị thư của trang Bauxite Việt Nam, phản đối việc xây dựng mỏ Alumin tại Dak Nong đồng thời tham gia phong trào đề nghị thả anh Cù Huy Hà Vũ. Tổ chức của tôi cũng gặp vài khó khăn vì sự thể hiện quan điểm chính trị của tôi.

    Tôi không bao giờ hối hận về những điều đó, dù tôi đã đau khổ rất nhiều.

    Vì dù những thanh âm ở ngoài có lớn đến bao nhiêu, cũng không bao giờ có thể át được tiếng nói bên trong.

    Giấc mơ của tôi, giấc mơ về đất nước, về con đường Việt Nam, đã hủy hoại hầu hết phần đời còn lại cùa tôi.

    Giấc mơ có tên là ZAG Village
     
    kodiencungmat, LuiBee and T1nhLaG1 like this.
  8. bivboi

    bivboi One-winged Angel

    Tham gia ngày:
    21/9/20
    Bài viết:
    7,539
    Nơi ở:
    DAD
    VKL twist khủng thế lại bất đồng ý kiến nữa ah
     
  9. Trungnguyeneco

    Trungnguyeneco Mr & Ms Pac-Man Lão Làng GVN

    Tham gia ngày:
    16/8/08
    Bài viết:
    170
    Ấy dà, mình không có bất đồng ý kiến với chính phủ nhé. Mình chỉ ủng hộ tinh thần mấy anh chị tri thức mà mình biết là họ làm đúng.

    Mình thậm chí còn không biểu tình và không viết bài chê bai chính phủ nữa là. Mình chỉ lo làm việc của mình.
     
  10. Trungnguyeneco

    Trungnguyeneco Mr & Ms Pac-Man Lão Làng GVN

    Tham gia ngày:
    16/8/08
    Bài viết:
    170
    Chương XVII – ZAG Village – Giấc mơ Hoang Dại

    Quay lai từ đầu, thì ý tưởng về ZAG Village đã có từ lúc tôi mới 19 tuổi.

    Những năm đó, tôi tham gia vào mạng xã hội TTVNOL ( Trí tuệ Việt Nam Online) với nhiều bỡ ngỡ và hào hứng lắm. Tôi không còn nhớ lắm cảm giác của mình khi đó, nhưng có lẽ lúc đó tôi nghĩ rằng mình sẽ làm được điều gì đó.


    Trên mạng cũng như ngoài đời lúc đó, tôi chẳng là gì cả. Học hành ở trường Đại Học kết quả không tốt lắm, khởi nghiệp thì có vẻ thành công nhưng cũng đầy trắc trở. Trên mạng lúc đó thì tôi tham gia hai câu lạc bộ, câu lạc bộ 82 bao gồm những người sinh năm 82, và câu lạc bộ HCM bao gồm những người sống và làm việc tại Tp Hồ Chí Minh. Trong các CLB đó, tôi mờ nhạt và mất hút trong đó, không có vị trí gì, không ai bầu chọn này nọ và cũng không ai chú ý đến tôi.


    Tuy nhiên cũng không hẳn quá buồn chán, tôi vẫn được Ban lãnh đạo các CLB đó tin tưởng, giao cho tổ chức event này nọ, làm các việc linh tinh. Khi đó tôi bắt đầu ấp ủ việc tổ chức cho mình một CLB riêng, dành cho những người yêu đời và thích giúp đỡ người khác.


    Gia nhập TTVNOL từ năm 2000, mãi đến năm 2003 thì các hoạt động của các CLB xuống dốc hẳn, chẳng còn gì hấp dẫn. Khi đó tôi mới cho ra đời câu lạc bộ LLC với tên đầy đủ là Love Life Club. Tại LLC, tôi giữ vị trí lãnh đạo, lên kế hoạch và tổ chức các chương trình. Chúng tôi tổ chức các đêm nhạc, các buổi thảo luận nhóm, cùng xem phim và đi phát quà từ thiện. Tuy nhiên, mọi người chỉ hào hứng tham gia một thời gian rồi cũng ngừng không tham gia nữa. Lúc đó việc họ rời bỏ nhóm chỉ đơn giản bởi hai điều: không thích cá nhân tôi và cảm thấy nhàm chán.


    Một cách nào đó, LLC chính là tiền thân và là bước phát triển đầu tiên của ZAG Village. Những hoạt động mà LLC làm trước đó, sau này đều được ZAG Village làm lại với cấp độ và quy mô tốt hơn.


    Thất bại của LLC dạy tôi ba bài học chính:

    - Một CLB được thành lập phải được dẫn dắt bởi một cá nhân có uy tín và địa vị xã hội cực kỳ lớn.

    - Để một tổ chức cộng đồng có thể phát triển bền vững, cộng đồng đó phải có một đặc điểm chung giữa tất cả các thành viên, và đặc điểm chung đó phải cực kỳ chi tiết. Ví dụ như Hội mê máy bay, hội yêu cầu lông…. Còn những hội hè chung chung kiểu Hội yêu đời, Hội mê thiên nhiên… đều rất dễ tan vỡ.

    - Người Việt Nam mình không có tính cộng đồng. Họ chỉ gắn bó với nhau vì quyền lợi, ít khi gắn bó vì cùng chí hướng hay sở thích.


    Sau thất bại của LLC, tôi còn gia nhập một vài cộng đồng khác để rồi cũng thấy nơi nào cũng vướng ba vấn đề trên. Hội càng có nhiều người trẻ thì càng dễ xảy ra tranh cãi. Hội càng có nhiều người lớn tuổi thì càng xảy ra tranh quyền, trục lợi. Rốt cuộc hội nào cũng tan vỡ hoặc hoạt động cầm chừng. Ý định của tôi về LLC coi như mất hẳn.


    Nhưng càng về sau này, càng sống nhiều thì ước mơ giúp đỡ mọi người và làm giàu cho đất nước của tôi càng ngày càng lớn mạnh. Tôi vẫn theo đuổi ước mơ đó cho đến khi ý tưởng ZAG Village hình thành.


    Năm 2010, 7 năm sau khi LLC thất bại, tôi tham gia một kỳ thi gọi là IPL với mục tiêu là chọn và đào tạo những tài năng để làm cho dân giàu nước mạnh. Tôi yêu thích cái ý tưởng thông qua giáo dục để đào tạo tầng lớp tinh hoa dẫn dắt đất nước nên cũng khá hăm hở đi thi. Ngày giới thiệu chương trình, hôm đó có hơn cả nghìn bạn trẻ đứng nghe những lời tâm huyết của anh Giản Tư Trung – hiệu trưởng Pace và là nhà sáng lập dự án IPL. Tôi khi đó nghĩ rằng, nếu đất nước mình nhiều người ham học như vậy, thì chúng ta ắt hẳn có hy vọng.


    Tôi nhanh chóng thất vọng với dự án IPL. Dù rằng những người được chọn học dự án hay những thành viên tham gia dự án đều là những người thực sự tài giỏi. Nhưng họ không phải thuộc dạng quá xuất sắc và nổi bật như những người tôi quen ngoài đời và hơn nữa, những đóng góp của họ cho cộng đồng, cho quốc gia đều rất hạn chế, thua xa những người tôi biết dù hoàn cảnh khó khăn hơn họ rất nhiều. Tôi nghĩ rằng chắc IPL cũng chỉ là một trường đào tạo tài năng, khác hẳn ý nghĩ ban đầu của tôi đây là một dự án khuyến khích học tập và tạo ra những tinh hoa có ý muốn đóng góp cho xã hội.


    Tôi quyết định thành lập ZAG Village, khi đó với một ý muốn rất đơn giản. Lập ra một nhóm bạn, cùng nhau học tập và cùng nhau làm những điều tốt đẹp cho đất nước mình. Tôi khi đó nghĩ rằng mình sẽ đi từ từ, chủ yếu là tìm những người bạn có cùng tâm huyết đóng góp cho xã hội như tôi.


    Ngày đầu tiên, Logo của ZAG do tôi thiết kế chỉ là một chữ ZAG thiệt to, gõ trong Win Word rồi chuyển sang dạng file hình. Ngày đó tôi không biết thiết kế, cũng không tìm đâu ra kinh phí để thuê người thiết kế hình ảnh.


    ***


    Buổi chia sẻ ý tưởng đầu tiên của tôi về ZAG Village được thực hiện tại quán café Sài Gòn, 179B Nguyễn Cư Trinh, Quận 1, Tp Hồ Chí Minh. Hôm đó có 59 người tham gia, đa số là từ cộng đồng IPL và một số bạn có biết tôi bên ngoài. Ngày hôm đó ai cũng hăm hở tham gia đóng góp ý kiến cho ZAG và nghe tôi kể chuyện cá nhân tôi. Khi đó ai cũng trẻ, cũng tràn trề hy vọng.














    Sau buổi giới thiệu ý tưởng đó tôi và bạn Trần Thị Diệu Huyền, bạn Trần Thị Minh Hiệp cùng bàn bạc về tổ chức và thành lập ZAG Village. Nhưng 2 ngày sau đó thì Huyền rút khỏi ZAG do không đồng quan điểm với tôi. Tuy nhiên trong lòng tôi, người CEO đầu tiên của ZAG Village luôn là cô ấy.


    ZAG Village được chính thức thành lập vào ngày 29.05.2011 với 34 thành viên và 3 người giữ chức ban điều hành bao gồm


    Giám đốc điều hành Vũ Ngọc Linh, Giám đốc tài chính Trần Minh Hiệp và giám đốc Marketing là tôi, Nguyễn Phi Hải.


    Ngày đó tôi còn rất nhút nhát, hay e thẹn trước đám đông nên hôm thành lập, tôi cũng không nói gì nhiều. Tôi chỉ ngắn gọn:


    ZAG Village được tạo ra để giúp đỡ mọi người. Và đó cũng là ước mơ lớn nhất của tôi. Nếu một ngày kia ZAG Village chết đi, cho tôi xin được chết cùng với nó.


    Sau ngày thành lập, ZAG Village của chúng tôi quyết định chỉ gặp nhau một tuần một lần vào sáng chủ nhật để sinh hoạt theo chủ đề định sẵn. Do không có tiền thuê mướn địa điểm, nên chúng tôi mượn phòng của một anh chủ quán cơm chay, là người quen của Hiệp, ở đường Điện Biên Phủ, khúc gần trường đại học công nghệ Hutech. Chúng tôi sinh hoạt ở đó được 4 tuần.


    Buổi hoạt động đầu tiên của chúng tôi là mỗi thành viên sẽ đứng lên giới thiệu về quyển sách mà chúng tôi yêu thích và tóm tắt ngắn gọn quyển sách đó. Khi đó, tôi còn nhớ rất rõ quan điểm của mình là việc đọc sách là cực kỳ quan trọng trong việc hình thành tính cách, phẩm chất và bản lĩnh của một con người. Cho nên tôi rất quan trọng việc đọc sách.


    Buổi hoạt động thứ hai của chúng tôi là về thiền. Tôi dẫn dắt mọi người tham thiền theo lối Tây Tạng mà tôi đã được học trong một chuyến đi Tây Tạng vào năm 2006. Bài thiền của chúng tôi đầu tiên là thiền về cái chết rồi sau đó chia sẽ về những gì mà mình yêu quý trong cuộc sống này. Nhiều bạn đã khóc trong buổi chia sẽ và bảo rằng tôi dẫn thiền rất tốt. Điều đó làm tôi có thêm một chút tự tin về cuộc sống và năng lực của mình.


    Cho đến khi tôi nhận được một cái tát và sự cảnh báo về việc đổ vỡ của ZAG Village.


    ***


    Ngày đó, mới thành lập, ai cũng hừng hực khí thế, tràn đầy năng lượng tuổi trẻ. Tôi khi đó muốn thành lập một diễn đàn kiểu forum trực tuyến để các thành viên post bài, trao đổi học tập nhưng cả hai người còn lại đều không đồng ý và bảo là không cần thiết. Tôi khi đó rất cứng đầu và cố chấp nên cứ khăng khăng bảo là phải làm, vì không thể nào không có nơi cho mọi người bàn bạc thảo luận được, viết bài tóm tắt sách cũng phải post cho mọi người cùng xem, không thể cứ post lên diễn đàn IPL. Linh là CEO lúc đó bảo là tất cả mọi người đều từ IPL mà ra, nên cứ xài diễn đàn đó, không cần làm thêm. Tôi bảo vậy thì ban điều hành cứ biểu quyết đi, phiên họp kỳ sau sẽ biểu quyết. Ba người cứ hai người không chịu thì không làm nữa. Tôi biết khi đó hai người còn lại đều không chịu nên bảo là cứ suy nghĩ đi, khoan quyết định vội.


    Khi đó tôi có công việc phải đi Dubai 2 tuần nên 2 buổi sinh hoạt kế tiếp tôi sẽ không sinh hoạt và do Linh và Hiệp dẫn dắt. Thời gian này mọi thứ cũng bắt đầu khó khăn dần dần khi mọi người bắt đầu lộ vẻ lười biếng, bài tóm tắt sách không viết và cũng không tập trung đi tập thể dục chung với nhau như những gì cam kết từ ngày đầu với nhau.


    Thật ra tôi đã biết điều này sẽ đến, nhiều năm tôi hoạt động xã hội rồi. Tôi biết nhiều bạn trẻ luôn nói rằng mình thích đọc sách, thích giúp đỡ người khác, hay thích tập thể dục chả hạn. Thật chất những thứ đó chỉ là một thói quen trong thời gian ngắn, không duy trì lâu dài và cũng không có chiều sâu. Tôi thật sự muốn thay đổi điều đó nhưng khi đó tôi nói chẳng ai nghe. Tôi nói rằng dù khó mấy cũng phải tập. Mỗi sáng chủ nhật tập thể dục chung với nhau, cùng nhau đọc sách và chia sẽ nội dung sách với nhau và cùng nhau trao đổi một đề tài nào đó, một Big Talk.


    Những năm đó tôi hay thấy rằng người trẻ Việt Nam chỉ nói chuyện về các đề tài nhỏ như cách kiếm tiền, chuyện giải trí, chuyện yêu đương mà bỏ quên các đề tài lớn như Triết học, Môi trường, hay Kinh tế thế giới. Những đề tài này tuy không có nhiều tác dụng thực tiễn nhưng sẽ là nền tảng để mọi người nâng cao trình độ tư duy và khả năng suy luận, tranh luận để rồi từ đó có thể nâng cao khả năng của bản thân. Đó là một trong những điều tiên quyết mà ZAG nhất định phải làm.


    Tôi đã thất bại khi làm việc đó. Khi tôi đi được một tuần thì tôi nghe một người quen bảo là trong một lần đi ăn uống với các thành viên của ZAG, Linh đã bảo là nếu cần thì có thể gạt tôi qua một bên, đằng nào tôi cũng không giỏi giang gì. Tôi không bất ngờ với chuyện đó, nhưng tôi buồn vì Linh đã không nói thẳng chuyện đó với tôi. Đằng nào khi đó Hiệp cũng đang ủng hộ Linh và không đồng ý với tôi rất nhiều việc. Họ có đến 2 người và 2 phiếu, việc cho tôi ra khỏi tổ chức tôi sáng lập không phải là điều khó.


    Thay vì 2 tuần, lịch làm việc của tôi tại Dubai thay đổi và tôi chỉ đi có đúng 8 ngày. Tôi về đúng ngày sinh hoạt lần thứ tư của ZAG. Hôm đó mọi người đang nói về đề tài team building, tạo ra một team gắn bó. Khi đó tôi rất buồn. Từ 34 người ngày đầu tiên, 4 tuần sinh hoạt chúng tôi chỉ còn có 6 thành viên. Trong bữa đó Linh nói chuyện và dẫn dắt buổi thảo luận không tốt nên phút cuối tôi đã nhảy vào tham gia để cứu vãn một buổi thảo luận chán ngắt. Lưu ý là lúc đó tôi cũng dở hơi lắm, ăn nói rất vô duyên. Nên tôi nghĩ hôm đó mình cũng không thật sự tốt.


    Một tuần sau đó, Linh quyết định rút lui khỏi ZAG trong một cuộc họp. Tôi về suy nghĩ lại cách thức để duy trì ZAG sao cho nó không lụi tàn nhanh chóng. Trong thời gian đó, tôi mở lớp học Sao Kinh Doanh để truyền đạt lại những kiến thức kinh doanh của mình. Lớp thu học phí 500.000 đồng/1 tháng/ tuần 2 buổi. Lớp ban đầu có 12 người học sau đó chỉ còn có 9 người. Tiền học phí tôi dùng để mua đồ ăn cho học viên và đầu tư tiếp tục vào ZAG, tôi không dùng số tiền này cho cá nhân. Sao Kinh Doanh học được 2 tuần thì tôi và hai bạn nữa trong Sao Kinh Doanh mở hội sở chính thức cho ZAG tại khu cư xá Đô Thành, tầng trên của tòa soạn báo MediaZone nơi tôi làm việc chính thức. Mục tiêu mở hội sở là để các thành viên có nơi sinh hoạt và dễ dàng tổ chức các khóa học, các buổi hội thảo hơn.


    Khi này tôi đã khá tự tin về khả năng giảng dạy của mình nên tôi mới thử sức mở một hội thảo về Hành Trình Cuộc Đời, một bài giảng tôi dựa trên một tài liệu của Unessco về Phát triển bản thân. Cái tát đầu tiên của tôi là khi đó, buổi hội thảo chỉ có một người tham dự và tôi là giảng viên, kiêm mở cửa, dắt xe, rót nước.


    Hội sở ngốn đến 9 triệu mỗi tháng và chúng tôi chỉ cầm cự được 3 tháng sau khi chính thức đóng cửa. Mọi việc tôi muốn làm đều thất bại. Học viên cũng là thành viên ZAG đều rời khỏi tổ chức với nhiều lời tiếng không hay về cá nhân tôi. Tôi bắt đầu nhận ra mình không đủ năng lực để dẫn dắt tổ chức này. Tôi mở ra một buổi hội thảo cầu cứu, mong mọi người đóng góp ý kiến để tổ chức ZAG trở nên tốt hơn. Tại hội thảo này, Hồng Loan và Phương Thảo cũng chính thức trở thành hai người lãnh đạo mới của ZAG Village. Chúng tôi chính thức bước qua version 2 của ZAG Village: Một tổ chức phi lợi nhuận với phương châm Thêm bạn – Thêm vui. Mục tiêu của chúng tôi đã trở thành một tổ chức làm sao cho mọi người có hứng thú và có niềm vui trong việc học tập. Không còn là một cộng đồng với các thành viên tham gia một cách thoải mái, chúng tôi trở thành một tổ chức thực thụ với ban bệ và chức danh. Hai hoạt động đầu tiên của chúng tôi theo kế hoạch sẽ là lớp học Sao Kinh Doanh của tôi và chuỗi những buổi trao đổi với những người nổi tiếng. Khi đó tôi nghĩ với quan hệ của mình thì có thể mời một số anh chị nổi tiếng tham gia các buổi sinh hoạt của ZAG và điều này sẽ làm ZAG có sức sống hơn.


    Khi đó ZAG có 2 chuỗi chương trình lớn: ZAG Village Big Talk và ZAG Village Special Guest.


    Danh sách các hội thảo ở giai đoạn đầu của ZAG Village


    - ZAG Village Big Talk No 1: Giao lưu với chú Hoàng Ngọc Diệp, Cựu giám đốc Châu Á của Qualcom, cố vấn của chính phủ Việt Nam về Viễn thông.

    - ZAG Village Big Talk No 2: Giao lưu với bác sỹ Đỗ Hồng Ngọc, giám đốc Trung tâm Y tế cộng đồng Tp Hồ Chí Minh, tác giả nhiều tựa sách nổi tiếng cho người lớn tuổi.

    - ZAG Village Big Talk No 3 : Giao lưu với Phạm Đăng Anh Thư, giám đốc của thời trang Joli Poli.

    - ZAG Village Big Talk No 4 : Giao lưu với anh Trần Xuân Hải, phó tổng giám đốc của Nam Minh Long, cố vấn cao cấp của ZAG Village.

    - ZAG Village Special Guest 1: Giao lưu với chú Mạc Can, tác giả của quyển sách Tấm ván phóng dao.

    - ZAG Village Special Guest 2 : Giao lưu với Trần Thị Diệu Huyền, cựu CEO của ZAG Village, và khi đó là giám đốc của một trung tâm phát triển bản thân.


    Ngoài ra khi đó chúng tôi còn có ba hoạt động từ thiện là đi thăm trẻ em mù trường Nguyễn Đình Chiểu, phát quà bánh tại Trung tâm Ung bướu Tp Hồ Chí Minh và Vui trung thu với trẻ em của trường tiểu học Đoàn Kết, Bù Đăng, Bình Phước.


    Việc tổ chức chuyến đi Bù Đăng với chúng tôi cũng là một câu chuyện thú vị. Có một lần tôi và các thành viên ZAG Village đi tập thể dục tại công viên văn hóa Tao Đàn và gặp một nhóm đang cho mọi người đọc sách miễn phí tại đây. Đó là nhóm Góp Sáng. Nhóm đang có ý định tổ chức đi từ thiện trung thu tại Bình Phước nhưng thiếu kinh phí nên để cả bảng xin quyên góp tại khu vực đọc sách. Tôi đọc bảng kế hoạch và vốn dĩ thích giúp người nên tôi quyết định sẽ giúp đỡ nhóm Góp Sáng. Dĩ nhiên là tôi làm gì có tiền, nhưng tôi nghĩ là mình sẽ có cách.

    Sau khi về đến nhà, tôi bàn bạc cùng các thành viên chủ chốt của ZAG và mọi người đều cùng nhau quyết định sẽ cùng làm việc thiện nguyện này. Lúc này ZAG Village bên trong nội bộ đã có hai phe. Một phe rất tin tưởng tôi nhưng lại là thành phần yếu kém và lười nhác. Thành phần không tin tôi lắm thì lại là trai tài, gái giỏi và xinh đẹp, năng động. Để hai nhóm này không đụng chạm nhau, tôi chia ra làm hai nhóm: nhóm bán hàng và nhóm sự kiện. Nhóm bán hàng là nhóm yếu kém thì mua lồng đèn, nước sâm và bánh trung thu đi bán rong ngoài phố. Nhóm sự kiện là nhóm xinh giỏi thì tổ chức một đêm nhạc để quyên tiền từ thiện. Trong thâm tâm tôi khi đó cũng rất muốn xem mình có thể giúp nhóm yếu kém chiến thắng hay không. Vì mục tiêu của tôi khi mở một tổ chức giáo dục rất rõ ràng, giúp đỡ những người yếu trở nên mạnh mẽ.


    Đêm nhạc đầu tiên của ZAG Village có tên là Mộc và Lành với mục đích là quyên tiền cho trẻ em nghèo trường tiểu học Đoàn Kết, Bù Đăng, Bình Phước. Không có tiền mời ca sỹ, chúng tôi sử dụng quan hệ của hai bạn thành viên ZAG để mời bạn bè họ hát kiểu cây nhà lá vườn. Do khi này chúng tôi vẫn còn dính dáng rất nhiều với cộng đồng IPL nên đa số khách tham gia đêm nhạc đều là thành viên của dự án IPL. Tôi còn nhớ hôm trước đêm nhạc tôi run lắm, gọi điện mời từng người bạn bè của mình đến tham gia. Bạn gái tôi khi đó là Thảo cũng có tham gia một tiết mục múa nữa. Tôi thấy chất lượng đêm nhạc khi đó không hay lắm do hạn chế về ca sỹ nên tôi đã mời anh Thụy Vũ, cựu thành viên của AC&M đến hát. Anh ấy rất cảm động nên đã ủng hộ chương trình 1 triệu đồng.


    Hôm đó tiền vé chúng tôi lời được 4 triệu đồng, một bạn tên Nam mua đấu giá 1 bức tranh với giá 2 triệu đồng và anh Thụy Vũ cho 1 triệu đồng nữa là 7 triệu đồng.


    Sau đêm đó, nhóm sự kiện bảo rằng họ không muốn đem tiền kiếm được đi cho Bình Phước nữa mà nên cho riêng cá nhân một em nào đó tiêu biểu thôi. Tôi bảo rằng đã hứa với nhóm Góp sáng rồi, với lại ban đầu tính thế nào thì cứ làm thế đó. Tất cả thành viên nhóm sự kiện sau đó đều rời ZAG và thành lập ra một nhóm khác.


    Nhóm bán hàng lúc này đã bán được mấy buổi. Nước sâm và lồng đèn đem ra ngoài công viên bán đều không bán được, còn bị bảo vệ đuổi đi. Bánh trung thu bán cũng ế, mời chào người quen cũng không ai mua. Doanh số cho đến hết đêm nhạc chỉ được 800.000 ngàn đồng. Ai ấy bên nhóm này đều nản chí và muốn bỏ cuộc.


    Khi đó tôi mới nói với họ rằng: có thể họ đã chọn một nhóm việc khó hơn nhóm sự kiện kia và cũng rất có thể họ kém cỏi hơn nhóm kia. Nhưng chỉ cần cố gắng thì mọi việc sẽ làm được thôi.


    Thế nhưng lời nói đó cũng không có mấy ý nghĩa. Tôi tức giận lắm nên hai hôm liền cuối tuần, một mình tôi nhờ học trò chở tôi ra bán nước tại công viên Tao Đàn, trời mưa thì tôi trú, sau đó lại chạy ra bán. Thấy tôi tức giận và cố chấp vậy nên mấy đứa học trò của Sao Kinh Doanh cũng chạy ra bán phụ, rồi thành viên nhóm Góp sáng cũng bán phụ nữa. Nỗ lực liên tục suốt hai tuần liền, nhóm yếu kém cuối cùng cũng chiến thắng với số tiền kiếm được là 12 triệu đồng. Thật ra chiến thắng này chủ yếu đến từ một buổi trời mưa, tôi ngồi bán rất lâu và quen được một anh là chủ một trung tâm Anh văn và anh ấy đã giúp tôi bán rất nhiều bánh trung thu và lồng đèn.


    Con đường của ZAG Village ngỡ như đã bế tắc, bỗng có chút ánh sáng cuối đường hầm.


    ***

    Khi đã là một tổ chức, bạn sẽ nghĩ đến việc phải phát triển nó, hoặc là phải dọn dẹp nó sau khi đóng cửa. ZAG Village cũng vậy. Sau một số thành công ban đầu, tôi đã có thêm chút tự tin và quyết định sẽ đẩy mạnh các hoạt động của ZAG Village lên một quy mô mới.


    Hoạt động lớn đầu tiên là chuỗi chương trình 20 phút 1 cuộc đời. Mỗi diễn giả sẽ có hai mươi phút nói về cuộc đời mình. Đến tận những năm sau này người ta mới tổ chức TEDX tại Việt Nam, về điều này thì ZAG Village đã đi trước một bước và việc chúng tôi giới hạn đề tài cho khách mời khiến cho những buổi hội thảo trở nên cô đọng và súc tích về nội dung hơn. Chuỗi hội thảo là một thành công lớn và biến ZAG Village thành một tổ chức lớn, có khả năng tổ chức sự kiện quy mô lớn thay vì chỉ những buổi hội thảo có vài chục thành viên tham dự. Buổi hội thảo ở Hà Nội, tại hội trường khách sạn Giảng Võ, có hơn 400 sinh viên tham gia và cũng là buổi hội thảo lớn nhất do ZAG Village tổ chức lúc đó. Tại Hà Nội, chúng tôi còn phối hợp với Đại học Ngoại ngữ để tổ chức buổi hội thảo lớn về Hành trình cuộc đời với hơn 1000 sinh viên tham gia.


    Sau đó là chuỗi đêm nhạc Những cây cầu Yêu Thương nhằm mục đích xây một cây cầu cho trẻ em ở Bố Trạch, Quảng Bình qua sông đi học. Chương trình được báo Tuổi trẻ và nhóm Bàn Chân Việt hỗ trợ tổ chức. Tôi lại nhờ các mối quan hệ cũ của tôi là ca sỹ Thụy Vũ và Hoa hậu Diễm Hương, ca sỹ Hoàng Bách, ca sỹ Thái Trinh, ca sỹ Thanh Lan, ca sỹ Bích Phương, ca sỹ Nukan Tùng Anh để tổ chức những đêm nhạc để quyên tiền. Tổng cộng chúng tôi đã tổ chức hơn 12 đêm nhạc để quyên tiền cho Quảng Bình. Số tiền chúng tôi quyên được khá lớn, gấp rất nhiều lần so với vài tháng trước đó khi làm Mộc và Lành.


    Không chỉ giới hạn ở hội thảo chia sẽ về cuộc đời và âm nhạc, chúng tôi còn phối hợp với liên hoan phim YxineFF để tổ chức những buổi chiếu phim ngắn kết hợp giao lưu với các đạo diễn trẻ. Và dĩ nhiên, chủ đề mạnh nhất của ZAG Village vẫn là các hội thảo Big Talk và Special Guest với các khách mời là doanh nhân, các bạn trẻ thành đạt về đề tài kinh tế và khởi nghiệp.


    Trong suốt năm 2011 và năm 2012, hơn 20 đêm nhạc, 60 buổi hội thảo lớn, 6 buổi chiếu phim và hơn 100 lớp học Sao Kinh Doanh đã được ZAG Village tổ chức.


    Đạt được những thành tựu ban đầu đó, tôi bắt đầu đi tiếp bước tiếp theo trong kế hoạch của mình. Thành lập một đội ngũ tinh hoa. Biến những bạn trẻ yếu kém thành những người mạnh mẽ. Suốt hơn 8 năm từ năm 2003 đến năm 2012, tôi đã nghiên cứu về đề tài này rất nhiều. Giáo trình biên soạn bao gồm cả tập thể dục, thể thao cho đến lý luận triết học, quản trị kinh doanh, và tôi nghĩ đã đến lúc phải thực hiện ý tưởng của mình.


    X-team, cái tên tôi đặt cho dự án huấn luyện các bạn trẻ của mình. Xteam được thành lập với 2 đội Xteam 1 và Xteam 2 với những bạn trẻ không giỏi lắm nhưng đầy tham vọng và đầy nỗ lực. Suốt 6 tháng sau đó, chúng tôi đã nỗ lực học tập không ngừng. Hai ngày cuối tuần từ 5h sáng, chúng tôi đã bắt đầu rèn luyện, từ thể lực cho đến tri thức. Chương trình học rất chú trọng đến ba yếu tố: triết học để phản tỉnh bản thân, tinh thần quốc gia và tinh thần khoa học. Hình thức học tập chủ yếu là đọc sách vở, tranh biện theo nhóm và chính tôi giảng bài về kinh tế cũng như triết học.


    Trong thời gian thành lập XTeam, Zag Village còn có hoạt động khác là Hành Trình Tình Yêu. Đây là chuỗi đêm nhạc mà tôi muốn dùng nó để đề cao tình yêu trong sáng của tuổi trẻ, không toan tính và chân thành. Chương trình đã thành công với chương I – The Lost Love, với thông điệp kêu gọi các bạn trẻ trân trọng tình yêu trước khi đánh mất nó. Chương trình có sự tham gia của rất nhiều ngôi sao nhạc trẻ nổi tiếng, và được trực tiếp trên các kênh truyền hình lớn.


    Tuy nhiên, ngay cả khi ZAG đang đạt được những thành tựu nhất định, tôi vẫn nghĩ rằng chúng tôi đã chọn con đường khó cho mình. Việc tổ chức nhiều chương trình không có tài trợ chính thức khiến cho tôi cạn kiệt tài chính rất nhanh, hơn nữa, vấn đề về ý thức học tập của mọi người trong ZAG Village vẫn rất thấp. Đa phần các thành viên tham gia ZAG và Xteam đều chỉ vì ham vui chứ thật sự không phải vì chuyện học.


    Đó là lý do tại sao tại logo của ZAG Village phiên bản 3: tôi đã dùng một từ : lội ngược dòng đi tìm hạnh phúc. Sống trong một xã hội mà tiền bạc đang được đánh giá quá cao thì việc tôi và ZAG Village đề cao sự yêu thương và hiểu biết tri thức thì rõ ràng chúng tôi đang lội ngược dòng.


    ***

    Ngay từ những ngày đầu thành lập, tôi đã quyết tâm theo đuổi tinh thần của Đông Kinh Nghĩa Thục (dạy học miễn phí) cũng như dùng quan điểm của của cụ Phan Châu Trinh “Khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh” làm phương châm cho hoạt động của ZAG. Nhưng nghĩ đến tận cùng, thì đúng là tôi đã làm liều mà thiếu suy nghĩ. Muốn chương trình dạy học tốt thì phải có giáo viên giỏi nhưng chúng tôi không có kinh phí để mời giáo viên, và tôi cũng không đủ giỏi để giảng dạy. Ngoài ra, việc học tập nghiêm túc và say mê, sau này tôi mới thấy chỉ xuất hiện ở một số cá nhân nhất định, chứ phần đông bọn trẻ cũng chỉ muốn vui chơi và kiếm nhiều tiền. Sáng lập một tổ chức giáo dục mà dựa trên ý chí muốn thay đổi trình độ của một số lượng lớn người trẻ bằng các lớp học miễn phí, quả thật quá mạo hiểm và non nớt.


    Sau một thời gian hoạt động, dù cũng có nhiều thành tựu, nhưng về tiền bạc, tôi quả thật đã cạn kiệt do không có nguồn thu mà chân thì vẫn chạy, và miệng thì vẫn ăn. Các bạn bè tôi vẫn có quyên góp cho tôi một ít kinh phí, nhưng nó vẫn không đủ để vận hành một tổ chức quá lớn. Tôi bắt đầu kêu gọi các thành viên của Xteam góp tiền vào để biến ZAG thành một công ty, từ đó ráng kiếm nguồn thu ổn định để duy trì tổ chức.


    Mọi chuyện cũng bắt đầu phức tạp từ đây. Đại Nhật là một thành viên quan trọng trong Xteam và cũng là một đứa tài giỏi, đẹp trai, tôi nhận làm học trò ruột. Nhật có một cái đam mê khá oái ăm là muốn ngủ với nhiều cô gái nhất có thể. Nó lân la làm quen và ngủ với rất nhiều thành viên của ZAG. Đó là một hành vi tôi không chấp nhận nên cũng khuyên nhủ nhiều lần, nhưng nó không đồng ý và nảy ra thù hận tôi. Lúc đó có thời điểm tôi đang kẹt tiền, nên có vay của Nhật 30 triệu để xoay sở, hẹn 6 tháng sau sẽ trả.


    Rồi tôi ra mặt ngăn cản Nhật và khuyến cáo các thành viên không chấp nhận việc ngủ nghê với nó. Nhật bắt đầu rất tức giận. Đến tháng 11/2012, tôi dẫn một đám học trò gồm 4 đứa ra Đà Nẵng du lịch. Khi đó ở Sài Gòn, Nhật tổ chức nhiều buổi họp về tôi và rủ rê các thành viên nổi dậy, chống lại tôi.


    Ngày 15/11/2012, thay vì một buổi học bình thường của lớp Sao Kinh Doanh, hơn 14 thành viên của Xteam trong đó có cả Huy, một học trò mà tôi khá quý, tạo ra một buổi đối chất với tôi, quy cho tôi 4 tội chính sau:


    - Dối trá và khoác lác về các mối quan hệ của bản thân.

    - Không có năng lực giảng dạy, toàn lôi kiến thức sách vở ra nói.

    - Dụ dỗ các bạn gái trong tổ chức quan hệ tình dục

    - Vay tiền thành viên tổ chức


    Nếu chỉ nghe qua, bạn sẽ thấy bốn lí do này rất chính đáng. Nhưng đến tận bây giờ, tôi và một số người trong cuộc vẫn không thể nào những lý do này lại có thể dùng để buộc tội tôi. Đầu tiên là dối trá và khoác lác về các mối quan hệ là chuyện không có thật, trong quá trình giảng dạy, tôi có kể về một số mối quan hệ bạn bè và anh em của tôi là những doanh nhân lớn, điều này hoàn toàn có thật và đúng là nếu không có sự giúp đỡ của họ thì các chương trình của ZAG trước đó không thể diễn ra được. Nhưng lý luận của các bạn trẻ là nếu tôi có thể quen nhiều người giàu như vậy, tôi sẽ không thể nghèo, cạn tiền và bê bối như hình ảnh hiện tại. Ngoài ra, bằng chứng chính để Đại Nhật cho là tôi khoác lác là 2 đoạn chat của Nhật với 2 người, một là giám đốc cũ nơi tôi làm việc và một ông anh mà tôi chơi chung. Cả hai đoạn chat đều thể hiện là tôi có quen và chơi với hai người, chỉ là họ không chấp nhận cho tôi lợi dụng quan hệ của họ để đi lừa gái (Nhật kể là tôi khoe là quen biết họ để đi dụ các nữ sinh). Thật ra việc họ không thích tôi lợi dụng tên tuổi họ là dĩ nhiên, điều này không có nghĩa là tôi không có quan hệ với họ. Và thật ra điều thứ hai mà Nhật nói, là tôi đi ngủ với các thành viên của ZAG lại càng vô lý hơn, khi thời điểm này bệnh tim của tôi khá nặng, và tôi hoàn toàn không có năng lực tình dục chứ đừng nói là ngủ với gái. Điều thứ ba là đúng là tôi có vay tiền Nhật nhưng đã đến thời hạn trả đâu và tôi cũng có bảo là không trả đâu. Điều thứ tư thì tôi không biết giải thích thế nào nữa, vì tôi hoàn toàn lấy kiến thức từ sách vở ra để giảng dạy, nhưng đó là điều đúng ra tôi phải làm mà, hay tôi phải bịa ra kiến thức thì mới đúng?


    Nói một cách dễ hiểu: bạn Đại Nhật dùng lý do là tôi mượn tiền bạn ấy, và tôi ngủ với thành viên của ZAG để đi kể với các ông anh của tôi (cả hai điều này đều không đúng sự thật). Các ông anh này tức giận vì cho là tôi lợi dụng tên tuổi của họ làm chuyện xấu nên tuyên bố là không quen biết với tôi. Từ đó đẻ ra thêm nguyên nhân thứ ba là tôi khoe khoang mối quan hệ. Mà nói đúng ra tôi cũng chẳng khoe khoang gì, chỉ nói là có quen và được các anh giúp đỡ làm ZAG.


    Một chuyện buồn cười nhất là khi đó, giấy nợ mà tôi vay của Đại Nhật chưa đến hạn trả tiền và không có một bằng chứng hay nhân chứng nào cho việc tôi ngủ với thành viên ZAG Village, nhưng khi các bạn thành viên ZAG post bài lên tố giác tôi lừa đảo, thì rất nhiều người share bài trên facebook, chửi bới nhục mạ tôi, trong khi họ hoàn toàn không có một bằng chứng gì là tôi có làm điều đó hay không.


    Ghê gớm hơn nữa là bạn gái cũ của tôi, đột nhập vào nick Yahoo Messenger của tôi, chụp hình các đoạn chat mà tôi dùng để rủ rê các bạn gái đi quan hệ tình dục (từ rất nhiều năm trước khi tôi còn trẻ) để tố giác tôi. Tôi cứ nghĩ khi tôi còn trẻ, chưa yêu ai thì đó là chuyện riêng tư chứ có gì sai trái đâu, nhưng không, đó lại được coi là yếu tố quan trọng trong việc xác nhận tôi là tên đồi trụy. Email tôi viết cho ba mẹ của học trò tôi để xin cho con bé được tự do kinh doanh, sau sự cố tình cảm với tôi cũng được sử dụng để làm bằng chứng là tôi lợi dụng học trò tôi để yêu đương. (mà thật ra thời điểm tôi và học trò tôi yêu đương là đã 6 năm trước đó và chuyện đó là có thật, tự nguyện giữa hai bên).


    Tất cả những bằng chứng đó được tải lên một fanpage tố cáo tôi lừa đảo. Tôi cứ nghĩ nó chẳng có tác dụng gì đâu vì không hề có một bằng chứng gì, và chỉ cần ai có khả năng đọc hiểu sẽ nghĩ ngay là trò trẻ con, vì tất cả những chuyện mà fanpage này kể, nếu có thật thì đều là chuyện tự do cá nhân của tôi chứ cũng không vi phạm đạo đức gì. Không một nạn nhân nào lên tiếng xác nhận là tôi ngủ với họ (thì tôi có ngủ đâu mà có nạn nhân), giấy vay nợ đã được trả trước thời hạn có chữ ký của người nhận tiền. Tất cả những mối quan hệ với các anh doanh nhân của tôi từ lúc đó đến giờ vẫn còn nguyên vẹn và họ vẫn giúp tôi trong các dự án sau này.


    Nhưng vào thời điểm tháng 11.2012 thì khác. Các thành viên đều rời khỏi ZAG và đi nói xấu tôi khắp nơi với cái fanpage đó. Và thật lạ lùng, rất nhiều người tin tưởng, trong đó có cả bạn bè tôi dù không có chứng cứ gì. Nhiều nhà tài trợ và đối tác của ZAG rút lui không hợp tác nữa. Bọn sinh viên cũng không tham gia các hoạt động của tôi, vì chúng nó chỉ cần search tên tôi trên google, lập tức sẽ ra cái fanpage kia, và sẽ nghi ngờ tính chất cũng như hoạt động của ZAG ngay. ZAG khi này đã xem như chết lâm sàng và các dự án đều bị tạm ngưng. Tôi lập hồ sơ đi xin việc lại nhưng bị từ chối vì các nhà tuyển dụng cũng search ra được cái fanpage kia.


    Khi đó tôi mới bật ngửa ra vì cách suy nghĩ của đa số người Việt. Họ tin ngay vào điều xấu hay tính xấu của một con người, không cần đối thoại và cũng không cần bằng chứng. Chỉ cần có người tố giác và kể chuyện, cùng vài bằng chứng tạp nham là họ tin và chia sẽ lan rộng ngay. Cái văn hóa bóc phốt online, cùng các hiệp sỹ mạng, tưởng chừng chỉ có ở đâu, ứng ngay vào cá nhân tôi. Suốt một thời gian dài kinh tế tôi kiệt quệ, không đi làm được và cũng không gọi tài trợ cho ZAG được. Nếu không nhờ gia đình và bạn bè, thì có lẽ tôi khó qua cơn hoạn nạn đó được. Tôi bị phán xét và trừng phạt, ngay khi chả có một phiên tòa hay phiên đối chất nào.


    Từ năm 2012 đến năm 2015, dù có rất nhiều khó khăn, tôi vẫn đi dạy miễn phí ở ZAG với các đề tài triết học, phát triển bản thân và kinh tế. Chúng tôi cũng làm được khá nhiều đêm nhạc, quyên được nhiều tiền cho các chương trình xây cầu từ thiện ở vùng núi, quyên tiền cho xây dựng lại sau cơn động đất ở Nepal và bão lũ ở Indonexia, làm đêm nhạc tưởng niệm thầy Phạm Duy và nhạc sỹ Thanh Tùng, mở lớp dạy miễn phí và nhiếp ảnh cho Sinh viên… tất cả đều diễn ra trong tình trạng tôi không việc làm, không có tiền và không bạn gái, khốn khó về kinh tế cũng như đời sống cá nhân. Bạn sẽ không thể hình dung được là có thời điểm, tôi thậm chí không có tiền để mua một hộp bánh quy, hay ăn tô bún mắm (học trò tôi nó chửi thẳng: 32 tuổi đầu mà ăn một tô bún mắm cũng phải tính toán), nhưng tôi vẫn quyên đủ tiền để xây được hai thư viện sách khoa học cho trẻ em ở Quảng Bình và Hà Giang (tôi không bao giờ đụng tay vào tiền từ thiện, dù chỉ một xu). ZAG Village vẫn hoạt động dù ít hơn trước và quy mô nhỏ hơn.


    Đến năm 2015, tôi yêu một cô gái và muốn cưới cô ấy làm vợ. Tôi xin việc được ở một công ty quảng cáo và mức lương cũng khá. Tuy nhiên cô ấy quyết định bỏ tôi vì cho rằng tôi quá nghèo. Lúc đó, tôi mới nhận ra được rằng, nếu mình không giúp được chính mình, thì làm sao mình giúp được ai khác.


    Tôi quyết định đóng cửa ZAG Village, đi làm trở lại. Zag Village chính thức chỉ còn là một giấc mơ. Và đó là giấc mơ hoang tàn và ngọt ngào nhất của tôi, và của cả những con người trẻ đã chọn con đường của cải cách giáo dục Việt Nam trong, suốt những năm tháng tuổi trẻ đẹp nhất của họ.


    Sự thất bại của ZAG cũng dạy tôi nhiều bài học, trong đó rõ ràng là sự thiếu hụt về tài chính là nguyên nhân khá lớn dẫn đến cái chết của ZAG, sau đó là sự thiếu hụt về bản lĩnh, năng lực quản lý con người của tôi kém dẫn đến việc các bạn mất niềm tin vào lãnh đạo. Điều thứ ba là đời sống cá nhân của tôi còn quá nhiều thiếu sót, kém minh bạch và thiếu hụt về tình cảm dẫn đến các lôi thôi không đáng có.


    Nhưng quan trọng, lý do lớn nhất khiến cho ZAG Village bị sụp đổ là bọn trẻ ở Việt Nam, rất coi trọng hình thức con người, ham tiền bạc và sự giàu có, lười học



    ***

    Quan điểm của tôi về việc thành lập ZAG Village trước đó khá đơn giản. Để đưa đất nước đi lên, ngày càng giàu đẹp thì chỉ phải đáp ứng được hai điều kiện: dân trí của dân chúng (Khai Dân Trí) và có các tổ chức dân sự mạnh (Chấn dân khí). Để làm được điều này thì phải làm cho giáo dục, nhất là ở bậc Đại Học và các cấp quản trị cấp trung, phải thật sự là những con người ưu tú. Hiện nay nền giáo dục Đại học ở Việt Nam khá khuôn khổ và cứng nhắc, cần có các tổ chức giáo dục mềm mỏng hơn, vui tươi hơn cũng cũng có nhiều tinh thần trách nhiệm hơn để giúp đỡ và giúp các bạn sinh viên vươn lên. Không chỉ có kiến thức chuyên môn, mà các bạn cần có nhiều hơn kiến thức xã hội, khoa học và cả những niềm vui kết nối giữa con người và con người, giữa con người và nghệ thuật.


    Và đó là lý do, trong suốt 5 năm đó, ZAG Village đã tổ chức hơn 30 đêm nhạc, hàng chục buổi chiếu phim, hơn 10 tour du lịch, hơn 60 hội thảo quan trọng, và hàng trăm buổi học tập, vui chơi thể dục thể thao, team building miễn phí dành cho sinh viên. Chúng tôi cũng đã quyên tiền cho trẻ em nghèo Bình Phước, Tiền Giang, Cần Giờ, xây dựng thư viện sách ở Quảng Bình, Hà Giang, và quyên tiền cho bão lũ Miền Trung, Philipine, động đất ở Nepal…


    Khi nhìn lại quãng hành trình đó, quả thật là một chặng đường dài, nhiều việc đáng nhớ.

    Nhưng quả thật, ước mơ của chúng tôi vẫn chỉ là một giấc mơ. Một giấc mơ hoang dại và ngọt ngào.


    Vì đa phần các chương trình của chúng tôi làm đều là phi lợi nhuận và miễn phí, nó không đem lại lợi ích vật chất cho các thành viên tham gia, mà còn ngốn nhiều kinh phí nên hầu hết người thân và chính các thành viên tham gia ZAG Village đều cho đó là hoạt động tào lao, vô bổ.


    So sánh với các tổ chức chuyên về từ thiện, quyên góp quần áo cũ hay thực phẩm, chúng tôi cũng bị đánh giá thấp hơn vì sách vở và tri thức, những buổi học miễn phí hay những đêm nhạc vẫn không được đánh giá cao bằng miếng cơm manh áo đem về các vùng sâu vùng xa.


    So sánh với các tổ chức phi lợi nhuận của nước ngoài tại Việt Nam, chúng tôi thua họ về kinh phí tổ chức các sự kiện do các công ty nước ngoài tài trợ rất nhiều cho các tổ chức phi lợi nhuận để được miễn giảm thuế, trong khi các công ty Việt Nam thì không cần phải làm thế. Do thiếu hụt về tài chính, các lớp học của chúng tôi chỉ có thể tổ chức ở những nơi nhỏ và ấm cúng kiểu như quán café, phòng hội thảo sinh viên.


    Tuy bị đánh giá thấp, bị chê bai và thậm chí là bị đả kích vì nhiều lý do khác nhau, tôi vẫn tiếp tục đi trên con đường đã chọn của mình vì những lẽ sau:


    - Chỉ có giáo dục mới có thể khai sáng con người và làm cho cuộc sống trở nên tốt đẹp hơn.

    - Các bạn sinh viên ở tỉnh vốn dĩ có nền tảng văn hóa và kiến thức thua các bạn thành phố do thiếu sách vở, điều kiện văn hóa tinh thần nên việc chúng tôi đem đến các chương trình hay, hấp dẫn cho các bạn không chỉ nhằm giải trí, mà còn là nâng cao sự hiểu biết và tri thức của các bạn. Từ đó sau khi ra trường, các bạn sẽ dễ dàng hội nhập với môi trường học tập và làm việc ở các thành phố lớn hơn.

    - Tri thức của nhân loại vô cùng lớn, không chỉ giới hạn ở kiến thức ở trường lớp hay sách vở. Việc tạo ra thêm một kênh học tập chi phí thấp không bao giờ là thừa thãi và luôn có ích trong mọi tình huống.


    Tuy nhiên, thực tế ở Việt Nam khá phũ phàng khi chỉ những kiến thức đem lại thu nhập trực tiếp và bằng cấp mới được đánh giá cao, còn những tri thức như triết học, lịch sử, khoa học, âm nhạc, điện ảnh … sống đều bị coi là giải trí, nhảm nhí và vô bổ, cho nên, suy nghĩ và mong muốn của tôi, có vẻ chỉ như một giấc mơ đẹp.


    Tuy nhiên, tôi nghĩ cho đến tận cuối cuộc đời mình, tôi vẫn mãi mãi là một người mơ mộng. Và giấc mơ của tôi đã hủy hoại toàn bộ cuộc đời còn lại của tôi.


    Trong giai đoạn từ 29-35 tuổi, đúng ra nên dùng thời gian đó để thăng tiến trong sự nghiệp hoặc đầu tư theo đuổi một việc học nghiêm túc ở bậc sau đại học, tôi đã dùng nó để đi dạy học miễn phí. Không những không có thu nhập, nó còn ngốn sạch toàn bộ tiền dành dụm của tôi trước đó. Không công việc, không nghề ngỗng, không có tiền dành dụm, tôi gần như không có bất kỳ điều gì có giá trị để có thể lấy vợ, sinh con như những người thông thường. Đi xin việc, đúng ra ở độ tuổi này trong ngành Marketing, tôi phải ứng tuyển vào vị trí giám đốc hoặc trưởng phòng trở lên, những vị trí dưới không tuyển người lớn tuổi, nhưng kinh nghiệm quản lý của tôi bị hụt mất 5 năm còn bị tố giác lừa đảo, khiến cho suốt nhiều năm sau đó, tôi không thể xin được việc làm phù hợp và ngày càng cạn kiện về tài chính, so sánh với một thằng ăn mày cũng không khá hơn là bao.


    Suốt 10 năm liền từ 2008 đến năm 2018, tôi hoàn toàn trắng tay và từ cái dốc xuống đó, tôi bước vào ngõ cụt của cuộc đời mình.


    Tất cả đều từ một giấc mơ hoang tàn.
     
    Diep Lam, 934944, _Rain_ and 2 others like this.
  11. zchingchongz

    zchingchongz Samus Aran the Bounty Hunter

    Tham gia ngày:
    20/9/18
    Bài viết:
    6,377
    hy vọng bản ra sách không bị censored tí nào, đặc biệt là về tính dục
     
  12. Trungnguyeneco

    Trungnguyeneco Mr & Ms Pac-Man Lão Làng GVN

    Tham gia ngày:
    16/8/08
    Bài viết:
    170
    Các bạn có thích đọc những chương khác không nhỉ?
     
    kodiencungmat, 934944 and LuiBee like this.
  13. LuiBee

    LuiBee Sonic the Hedgehog Lão Làng GVN

    Tham gia ngày:
    15/3/07
    Bài viết:
    4,790
    Nơi ở:
    hội đồng Nin
    póst đi bác. Mình đọc thấy rất thú vị.
     
  14. kodiencungmat

    kodiencungmat ★ GVN Knight Champion ★ Berserker Lão Làng GVN

    Tham gia ngày:
    31/7/09
    Bài viết:
    2,445
    Nếu tất cả bác kể đều là thật thì cuộc đời bác cũng thăng trầm thật. Mình sẽ ko phán xét điều gì . Mong phần sau của bác.
     
  15. Diep Lam

    Diep Lam Sonic the Hedgehog

    Tham gia ngày:
    11/6/18
    Bài viết:
    4,640
    Chương này hay quá, đời quá
     
    Interista thích bài này.

Chia sẻ trang này