- Năm 2008 đã qua đi với những bước tiến đáng kể của nền thể thao điện tử trong nước, hứa hẹn cho 1 năm 2009 tới đây sẽ là năm vàng của e-Sport Việt Nam, vươn xa hơn đến bạn bè năm châu thế giới. Năm mới đang đến gần, chúng ta hãy cùng điểm lại những mốc sự kiện đáng nhớ, đánh dấu từng bước nhảy vọt của thể thao điện tử Việt Nam trong năm 2008 vừa qua. 1. World Cyber Games 2008 Đáng được nhắc đến với vị trí là sự kiện quy mô và hoành tráng nhất Việt Nam trong năm 2008. Với sự góp mặt lần đầu của game Counter Strike 1.6, số người tham gia WCG VN 2008 đã đạt đến con số kỷ lục khi vượt xa mọi sự kiện trước đó (gần 3000 game thủ). Giải thưởng lớn hấp dẫn người chơi, thể thức thi đấu "Chuyên nghiệp" và "Nghiệp dư" mới mẻ xoá đi khoảng cách về trình độ giữa các lớp game thủ cũng đánh dấu 1 bước tiến lớn cho hàng loạt sự kiện diễn ra tiếp sau đó trong năm. Đoàn Việt Nam tuy chưa thể thoả mong ước dành được các mục tiêu đề ra trước khi "mang chuông đi đánh sứ người" tại Cologne, Đức vào tháng 11, nhưng họ cũng đã để lại những dấu ấn nhất định của thể thao điện tử Việt Nam trong bạn bè khu vực và thế giới. Điển hình hơn cả là việc đại diện Fifa Việt Nam, game thủ 3H.l2vn - Tô Trung Hiếu đã lần lượt đoạt HCĐ WCG Asian tại Singapore, rồi lọt vào vòng 1/32 trong vòng chung kết WCG thế giới trên nước Đức. Tuy có 1 vài ý kiến nhỏ gây tranh cãi về mức độ thành công của giải đấu, nhưng quan trọng hơn là với họ, những con người tham gia thi đấu hết mình để góp phần vào tương lai tươi sáng cho thể thao điện tử nước nhà, thì WCG VN 2008 là 1 "bữa tiệc lớn" thành công về mọi mặt. 2. Biệt Đội Việt Nam giành vị trí thứ 2 tại giải vô địch thế giới Biệt Đội Thần Tốc (SuddenAttack) là 1 trong 3 game MMOFPS xuất hiện tại Việt Nam trong năm 2008. Tuy tại Việt Nam, lượng người chơi còn hạn chế, nhưng Sudden Attack đã trở nên phổ biến tại châu Âu, châu Mỹ và đặc biệt là Hàn Quốc, nơi "sản sinh" ra game thể thao điện tử mở rộng này. Xứng đáng được nhắc đến nhất vẫn là team Q9.SA thuộc Q9-Gaming, sau khi gây bất ngờ với vị trí thứ 2 nội dung Counter Strike 1.6 tại vòng chung kết WCG VN 2008 khu vực phía Nam, họ đã chuyển qua tập luyện Biệt Đội. Và không khó khăn gì để Q9.SA khẳng định sự thống trị nội dung e-Sport mở rộng này tại Việt Nam. Tham gia giải vô địch thế giới Sudden Attack do KeSPA tổ chức tại Hàn Quốc vào tháng 11 vừa qua, dù gặp phải những khó khăn bước đầu do thiếu kinh nghiệm cọ sát trên đấu trường quốc tế, nhưng họ vẫn xuất sắc để lọt vào trận chung kết và chỉ chịu dừng bước trước đối thủ cực mạnh của nước chủ nhà. Ngay chỉ khi mới xuất hiện, chúng ta tạo được tiếng vang trên đấu trường quốc tế đã là 1 kỳ tích. Khoảng cách giữa e-Sport truyền thống và mở rộng ngày càng bị thu hẹp, rồi tới đây, chắc chắn Biệt Đội Thần Tốc sẽ có những bước tiến không thua kém gì các người anh của mình trong nội dung thể thao điện tử. 3. DotA Việt Nam lọt vào Top 10 thế giới Thi đấu không thành công tại WCG Asian 2008, nhưng đại diện cho DotA Việt Nam - team StarBoba đã dần chứng tỏ được bản lĩnh của mình sau từng trận đấu sau đó. Sau từng chiến thắng, những chàng trai đã trưởng thành hơn trước. Bước vào giải đấu DotA online vô địch châu Á (Asia DotA Championship II) do GG Game tổ chức, StarBoba đã xuất sắc hạ lần lượt các đối thủ sừng sỏ để tiến vào trận chung kết với đối thủ nhiều duyên nợ là Impreza, đại diện đến từ Singapore. Và thêm 1 lần nữa, StarBoba lại hạ gục hoàn toàn "chướng ngại vật" cuối cùng để trở thành tân vương của DotA châu Á, đồng thời lọt vào Top 10 các team DotA thế giới theo bảng xếp hạng của website danh tiếng GosuGamers. 4. Việt Nam là đồng sáng lập Liên đoàn thể thao điện tử thế giới Vào ngày 9-11/8/2008, tại Busan, Hàn Quốc đã diễn ra "Hội thảo chuyên đề quốc tế về thể thao điện tử lần thứ ba" do hiệp hội thể thao điện tử Hàn Quốc KeSPA và hiệp hội phát triển Game Hàn Quốc - KOGIA tổ chức. Việt Nam với 2 đại diện là Tiến sĩ Mai Anh - nguyên tổng thư ký hội Tin Học Việt Nam và ông Phan Viết Hoàn - uỷ viên ban vận động thành lập hội thể thao điện tử và giải trí Việt Nam đã tham dự hội nghị, nắm lấy cơ hội để thể thao điện tử Việt Nam cùng chung sức và nỗ lực vì một tương lai tươi sáng của cộng đồng e-Sports thế giới. Thông qua hội thảo, KeSPA và KOGIA sẽ đồng thời triển khai bản kế hoạch xây dựng Liên Đoàn thể thao điện tử quốc tế - International e-Sports Symposium Federation (IeSF). Trong đó, Việt Nam sẽ là một trong những thành viên đồng sáng lập của tổ chức này. Ban vận động thành lập Hội thể thao điện tử và giải trí Việt Nam với 12 thành viên sáng lập vẫn đang cố gắng để chính thức thành lập Hội, đồng thời cho mọi người cái nhìn khác hơn về e-Sport, là môn thể thao thực sự, không giống như những trò chơi giải trí đơn thuần khác. 5. e-Sport có trong các nội dung thi đấu tại AIG III Đại hội thể thao trong nhà Châu Á lần thứ 3 (Asian Indoor Games III) dự kiến sẽ tổ chức tại Việt Nam vào năm 2009. Và mặc dù Hội thể thao điện tử và giải trí Việt Nam chưa được thành lập nhưng Ban vận động thành lập Hội vẫn đang cố gắng chuẩn bị cho việc tổ chức môn thể thao này tại AIG III sắp tới. Gây ngạc nhiên không chỉ cho giới game thủ mà còn với mọi vận động viên thể thao hay người hâm mộ trên cả nước. Chứng tỏ cái nhìn của mọi người đối với thể thao điện tử đã xoay chuyển hoàn toàn, hầu hết đã công nhận đây là 1 hình thức thi đấu chuyên nghiệp và văn hoá. 6. Intel Core 2 Quad - Giải đấu e-Sport đầu tiên ở Việt Nam có đến 8 nội dung thi đấu Đánh dấu sự xuất hiện của G7-Gaming, tổ chức như 1 cầu nối của cộng đồng e-Sport. Thành lập bởi bất đồng của đa số đại diện các Clan/Team trong Tp.HCM với công ty cổ phần mạng giải trí Việt Nam VEN.jsc. Tuy chưa phục vụ được nhiều cho cộng đồng game thủ nhưng họ đã mang lại những sự kiện khá quy mô với chất lương và số lượng tham gia đông đảo. Đáng chú ý nhất là sự kiện Intel Core 2 Quad Esport Tournament vào tháng 8 vừa qua, với 8 nội dung thi đấu bao gồm Biệt Đội Thần Tốc, Counter Strike 1.6, Dota Allstars, Warcraft III Melee, StarCraft với 2 thể thức, Fifa, Pes và cuối cùng là Need For Speed: Pro Street. Đây là sự kiện duy nhất từ trước đến giờ tại Việt Nam có số lượng nôi dung thi đấu nhiều như vậy mà vẫn đảm bảo được chất lượng và thời gian của giải. 7. CS Portal - Giải pháp chơi game hoàn toàn mới Sau 1 khoảng thời gian ổn định với hệ thống server đa dạng, công ty cổ phần mạng giải trí Việt Nam VEN.jsc đã quyết định mang đến làn gió mới cho cộng đồng Counter Strike 1.6 bằng cách đưa ra giải pháp chơi CS mới qua cổng CSP. CS Portal đã thực sự trở thành "điểm nhấn" so với cách chơi truyền thống khi người chơi sẽ tham gia các server ngay ngoài website chứ không cần trực tiếp vào game như trước. Đồng thời hệ thống tổng kết thành tích, xếp hạng và phân cấp bậc như những game MMOFPS đang thịnh hành khiến người chơi cảm thấy thú vị khi luôn phải ganh đua để khẳng định đẳng cấp của mình. Ngoài các server để thi đấu, public, deathmatch (kiểu chơi khá thông dụng, khi bạn bị hạ gục sẽ sống lại ngay ở các điểm bất kì chứ không cần phải kết thúc 1 vòng đấu), CS Portal còn tiếp cận với những người mới chơi khi có thêm các bản đồ cứu con tin, hay "bắn ma" để giải trí. 8. Hệ thống giải NetViet Sunday Tuy chỉ là hệ thống giải nhỏ do NetViet Cyber Game tổ chức với 2 bộ môn e-Sport đồng đội là DotA và Counter Strike 1.6, nhưng giải đấu là sân chơi định kì cho giới game thủ 2 nội dung trên ở khu vực phía Bắc. Giải đấu được tổ chức hàng tháng, giới hạn về giải thưởng và số đội tham gia, nhưng hệ thống này đã duy trì phong trào thể thao điện tử ở Hà Nội khá tốt, đặc biệt 2 bộ môn thi đấu hiện đang có số người chơi đông nhất trong các nội dung thể thao điện tử tại Việt Nam. Là sân chơi nhỏ, nhưng không vì thế mà thiếu đi những trận chiến căng thẳng. "Đến hẹn lại lên", giải NVSD hàng tháng chưa bao giờ thiếu đi những gương mặt hàng đầu của e-Sport Thủ Đô. Với bọn họ, đây là nơi giao lưu, học hỏi hay thậm chí để thử nghiệm chiến thuật của mình trước mỗi sự kiện lớn hơn của mình. theo gamek.vn + 300 Points
Chiến thắng đội Đức với tỉ số 3 - 1, lọt vào Top 10 đội tuyển quốc gia trên bảng xếp hạng Gosugamer, một năm tuyệt đẹp của eSport Việt Nam đã kết thúc với chiến thắng tuyệt vời của đội tuyển Starcraft Việt Nam http://blog.360.yahoo.com/blog-gjAaSuk8cqhdN6YrAoxFxLtmjw--?cq=1