PowerColor Radeon R7 250 thuộc phân khúc card đồ họa phổ thông với thiết kế dựa trên GPU AMD Radeon R7 250. Sản phẩm thích hợp cho việc xây dựng bộ máy tính phù hợp nhu cầu người dùng văn phòng lẫn gia đình và thậm chí có thể chơi được một số game không đòi hỏi cấu hình cao ở độ phân giải full HD với chất lượng đồ họa bình thường. Sản phẩm có giá tham khảo khoảng 1,9 triệu đồng. Ưu điểm : Tỷ suất hiệu năng/giá tốt. Không cần nguồn phụ. Tản nhiệt chạy êm cả khi tải nặng. Khuyết điểm Hiệu năng thấp. Thiết kế Điểm nhấn trong thiết kế PowerColor Radeon R7 250 (AXR7 250 1GBD5-HV2E/OC) là mức tiêu thụ điện năng khá thấp, khoảng 60W nên có thể lấy nguồn trực tiếp qua khe PCI Express trên bo mạch chủ và không cần đường cấp nguồn bổ sung. Điều này cũng đồng nghĩa với việc bạn không phải quan tâm đến công suất bộ nguồn và đường nguồn +12V dành riêng cho card đồ họa rời khi nâng cấp. Về kích cỡ, card sử dụng chuẩn Half Length dài 16,8 cm và chiếm hai khe gắn card mở rộng nên phù hợp với nhiều cỡ thùng máy khác nhau, nhất là dạng thùng nằm (desktop) cho không gian làm việc nhỏ gọn. Hệ thống tản nhiệt đơn giản với khối nhôm đặt trực tiếp trên GPU và tận dụng quạt làm mát cho các module RAM bên dưới.Các ngõ xuất tín hiệu hình ảnh gồm VGA, dual link DVI-D và HDMI hỗ trợ xuất tín hiệu ra màn hình theo dạng analog lẫn digital, trong đó HDMI có khả năng xuất tín hiệu 4K. Bên cạnh đó, mẫu card đồ họa của PowerColor cũng được ép xung nhẹ trước khi xuất xưởng nhằm mang lại hiệu năng cao hơn, cụ thể GPU chạy ở xung nhịp 1.050 MHz và đạt mức 1.100 MHz ở chế độ Boost so với xung nhịp chuẩn AMD công bố là 1.000 và 1.050 MHz. Card trang bị 1GB bộ nhớ đồ họa GDDR5, xung nhịp (mem clock) 1.125 MHz và giao tiếp bộ nhớ 128 bit. Bảng thông số kỹ thuật AMD công bố cho biết GPU Radeon R7 250 có 6 đơn vị xử lý (compute unit) với tổng cộng 384đơn vị xử lý dòng (stream processing unit), 32 đơn vị phủ vân bề mặt hình ảnh (texture unit) và 16 đơn vị ROP (Raster Operation engine), thấp hơn một chút so với phiên bản cũ Radeon HD 7750 mà Tinhte từng thử nghiệm trước đây. Công nghệ, tính năng hỗ trợ Radeon R7 250 thuộc thế hệ chip đồ họa mới có tên mã Hawaii, áp dụng kiến trúc Graphics Core Next (GCN) 1.0 có khả năng xử lý đa luồng và tận dụng tốt hơn năng lực xử lý đồ họa với nhiều ống lệnh cùng lúc mà không ảnh hưởng đáng kể đến hiệu năng tổng thể so với kiến trúc cũ VLIW4. R7 250 cũng hỗ trợ đầy đủ thư viện đồ họa DirectX 11.2 tích hợp sẵn trong Windows 8.1 OpenGL 4.4 và cả OpenCL 1.2 cũng như tối ưu khả năng xử lý đa luồng, chế độ khử răng cưa 24 mẫu và lọc vân bề mặt 16 mẫu, Enhanced Quality Anti-Aliasing (EQAA) và Morphological Anti-Aliasing (MLAA) nâng cao chất lượng khử răng cưa hình ảnh trong lúc dựng và sau khi dựng nhằm mang đến người dùng những hình ảnh “nét” nhất. Điểm mới của dòng chip đồ họa mới là hỗ trợ giao diện lập trình Mantle giúp quá trình phát triển game đơn giản stimulate hơn, khả năng tối ưu hóa và từ đó có thể tạo ra những tựa game chạy trên nhiều nền tảng khác nhau mà không mất nhiều thời gian. Công nghệ quản lý điện năng thông minh AMD PowerPlay giúp tiết giảm điện năng tiêu thụ ở trạng thái không tải trong khi công nghệ AMD PowerTune chủ động điều chỉnh giá trị TDP (mức điện năng tiêu thụ) nhằm đẩy xung nhịp GPU lên mức cao hơn, mang lại hiệu năng cao hơn trong những ứng dụng đồ họa hoặc khi chơi game. Một số hình ảnh chi tiết PowerColor Radeon R7 250 Đánh giá hiệu năng Cấu hình thử nghiệm xây dựng trên nền tảng Haswell với bo mạch chủ Gigabyte GA-Z97X-Gaming 7, bộ xử lý Intel Core i7-4770K, SSD Corsair Force GS 240GB, hệ điều hành Windows 7 sp1 cùng driver đồ họa Omega (14.12) tải về từ website của hãng. Bên cạnh những công cụ quy chuẩn dùng đo hiệu năng đồ họa tổng thể là 3DMark 11 và Heaven Benchmark 4.0, Tinhte cũng sử dụng một số tựa game như DiRT 3, Alien vs. Predator, Tom Raider và Resident Evil 6 để các thành viên dễ hình dung thực tế về giá trị sẽ nhận được khi bỏ ra 1,9 triệu đồng cho mẫu card này. Riêng hai game “hạng nặng” là Thief và GTA V không được đưa vào testbed vì không phù hợp với những sản phẩm thuộc phân khúc đồ họa phổ thông. Xét tổng thể, dù không đạt kết quả cao nhưngPowerColor Radeon R7 250 vẫn chinh phục được tất cả phép thử theo kịch bản Tinhte xây dựng ở độ phân giải HD 720p. Khi đẩy độ phân giải lên mức full HD, khả năng xử lý của R7 250 giảm đáng kể và điều này cũng hoàn toàn bình thường với những mẫu card đồ họa dòng phổ thông. Cụ thể với 3DMark Cloud Gate, cấu hình thử nghiệm đạt 13.779 điểm tổng thể và xét riêng điểm đồ họa đạt 15.577 điểm. Kết quả giảm đáng kể trong phép thử 3DMark Fire Strike, đạt 2.065 điểm tổng thể và đồ họa đạt 2.135 điểm. Với Heaven Benchmark, phép thử đồ họa có nhiều nét tương đồng với 3DMark nhưng nhấn mạnh công nghệ Tessellation, PowerColor Radeon R7 250 đạt 374 điểm, tốc độ dựng hình là 14,8 fps (khung hình/giây) ở độ phân giải 1.920 x 1.080 pixel, thấp hơn đáng kể so với mốc chuẩn 30 fps để đảm bảo việc chơi game không bị lag với mức chất lượng đồ họa High. Tương tự các game thử nghiệm cũng đạt kết quả khá ở độ phân giải full HD với thiết lật đồ họa bình thường. Chẳng hạn Alien vs. Predator đạt 34,5 fps, Tomb Raider đạt 29,8 fps và riêng “gió bụi đường trường” DiRT 3 đạt đến 69,1 fps và giảm còn 29 fps khi đẩy chất lượng đồ họa lên mức cao nhất. Tham khảo chi tiết trong bảng kết quả bên dưới. Kiểm tra khả năng tản nhiệt card đồ họa và công suất tiêu thụ cấu hình thử nghiệm (không bao gồm màn hình) qua phép thử đồ họa 3DMark 2013, nhiệt độ và công suất hệ thống được ghi nhận qua phần mềm GPU-z và Logger Lite trong môi trường khoảng 30 độ C. Ở chế độ không tải, nhiệt độ GPU dao động ở mức 34 độ C, tản nhiệt hoạt động êm và mức công suất tiêu thụ của cấu hình thử nghiệm là 50,9 W, tính theo trị số trung bình cộng. Trong phép thử đồ họa 3DMark và game, nhiệt độ GPU cao nhất là 69 độ C và cấu hình thử nghiệm tiêu thụ 141,7W, tính theo trị số cao nhất. Bảng chi tiết kết quả thử nghiệm Đánh giá tổng quan Xét tỷ lệ hiệu năng và giá thì PowerColor Radeon R7 250 vẫn là lựa chọn hiệu quả, thích hợp với đa số người dùng. Trong khi card đồ họa tầm trung và cao cấp thích hợp cho việc thiết kế kiến trúc, ứng dụng đồ họa 3D, biên tập video hoặc chơi game “khủng” thì những mẫu card đồ họa dòng phổ thông như R7 250 có giá dưới 100 USD vẫn có hiệu năng tương đối, phù hợp cho số đông người dùng hơn do chi phí bỏ ra không quá lớn. Cả AMD lẫn Nvidia đều nhận thấy rõ điều này và chắc chắn trong thời gian tới, người dùng sẽ có thêm nhiều lựa chọn hấp dẫn khác. Cấu hình thử nghiệm: Bo mạch chủ Gigabyte GA-Z97X-Gaming 7, bộ xử lý Intel Core i7-4770K, RAM Kingston HyperX Beast 16GB, bus 2.400MHz, SSD Corsair Force GS 240GB, HDD Black WD4001FAEX 4TB, nguồn Cooler Master 1.250W, Windows 7 Ultimate sp1.