Chính trị là nòng cốt trong quan hệ Việt Nam - Lào P.V • 09/10/2024 06:27 Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh tại buổi gặp gỡ làm việc với cán bộ Đại sứ quán Việt Nam và các cơ quan đại diện Việt Nam tại Lào chiều 8/10. Quan hệ hai nước Việt Nam - Lào đang phát triển hết sức tốt đẹp, toàn diện trên nền tảng ngày càng tin cậy và gắn bó. Việt Nam và Lào có chung đường biên giới dài đi qua địa giới hành chính của 10 tỉnh, thành phố của cả hai nước, với 9 cặp cửa khẩu quốc tế, 6 cặp cửa khẩu chính và 18 cặp cửa khẩu phụ, cùng 27 lối mở và 9 khu kinh tế cửa khẩu, hoạt động trao đổi về kinh tế cũng như đi lại, xuất nhập khẩu hàng hóa, lao động giữa Việt Nam và Lào được Lãnh đạo cấp cao hai nước luôn quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi phát triển trong nhiều năm qua. Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp gỡ, làm việc với cán bộ Đại sứ quán Việt Nam và các cơ quan đại diện Việt Nam tại Lào - Ảnh: VGP/Nhật Bắc Trong buổi gặp gỡ làm việc giữa Thủ tướng Phạm Minh Chính với cán bộ Đại sứ quán Việt Nam và các cơ quan đại diện Việt Nam tại Lào chiều 8/10 tại thủ đô Vientiane, Lào, nhân dịp tham dự Hội nghị Cấp cao ASEAN và các hội nghị liên quan, Đại sứ Việt Nam tại Lào Nguyễn Minh Tâm cho biết Đại sứ quán đã luôn chủ động, nỗ lực, góp phần thúc đẩy quan hệ giữa hai nước ngày càng đi vào chiều sâu, thực chất, hiệu quả trên các lĩnh vực, đặc biệt là triển khai các thỏa thuận của lãnh đạo cấp cao hai nước. “ Hiện Việt Nam nằm trong nhóm 3 nước có đầu tư lớn nhất tại Lào với tổng vốn đăng ký trên 5 tỷ USD. Kim ngạch thương mại song phương trong những tháng đầu năm 2024 đã vượt 1 tỷ USD,. Hiện có khoảng 100.000 kiều bào Việt Nam đang sinh sống, làm việc, học tập tại Lào. Thời gian qua, Đại sứ quán luôn quan tâm hỗ trợ cộng đồng người Việt Nam, giúp kiều bào yên tâm làm ăn sinh sống, góp phần phát triển kinh tế xã hội của Lào và đóng góp cho quê hương, đất nước, cho quan hệ Việt Nam - Lào. Đặc biệt, Đại sứ quán và cộng đồng người Việt Nam hết sức quan tâm, có nhiều hoạt động tôn vinh và thúc đẩy việc giữ gìn, học tập tiếng Việt. Tại buổi làm việc, bà Kiều Thị Hồng Phúc, Tổng Lãnh sự Việt Nam tại Luang Prabang cho biết địa bàn khu vực Bắc Lào còn nhiều khó khăn, nhưng 8 tỉnh tại đây có mối quan hệ tốt với 26 tỉnh, thành phố và 2 quân khu của Việt Nam. Đáng chú ý, về ngoại giao kinh tế, Tổng Lãnh sự quán và hai tỉnh Điện Biên, Lai Châu đang triển khai dự án hợp tác trồng thí điểm 8 ha cây macca, tới đây nếu hiệu quả sẽ mở rộng. Bà Kiều Thị Hồng Phúc đề nghị các bộ, ngành quan tâm hỗ trợ, hợp tác với Lào về công tác này và cho biết sẽ mở rộng hợp tác trồng thí điểm một số cây phù hợp với Bắc Lào như tre Bát Độ, quế… Báo cáo về các hoạt động hợp tác với Lào, Thiếu tướng Đào Xuân Lân, Trưởng Cơ quan đại diện Bộ Công an Việt Nam tại Lào cho biết hiện Bộ Công an đang triển khai 2 dự án hỗ trợ phía Lào gồm xây dựng trung tâm cai nghiện ma túy và xây dựng hệ thống dữ liệu dân cư, cấp căn cước công dân. “Các cơ quan đại diện Việt Nam tại Lào luôn đoàn kết, thống nhất, nỗ lực thực hiện các nhiệm vụ Đảng, Nhà nước giao với tinh thần bảo vệ đất nước "từ sớm từ xa", "giúp bạn cũng là giúp mình"; đề nghị Đảng, Nhà nước tiếp tục quan tâm đẩy mạnh hợp tác phát triển kinh tế - xã hội khu vực biên giới giữa hai nước, hợp tác đào tạo nguồn nhân lực”. - Tùy viên Quốc phòng Việt Nam tại Lào, Đại tá Võ Văn Thống khẳng định. Cho ý kiến tại buổi làm việc, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh quan hệ Việt Nam - Lào rất đặc biệt, các cơ quan đại diện Việt Nam cùng các cán bộ phải quán triệt tinh thần chân thành, tin cậy, cởi mở trong quan hệ này. Thời gian qua, mặc dù tình hình thế giới và khu vực có nhiều diễn biến phức tạp, song quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào vẫn tiếp tục phát triển hết sức tốt đẹp; quan hệ hợp tác trên tất cả các lĩnh vực ngày càng đi vào chiều sâu, thực chất và hiệu quả. “Trong quan hệ Việt Nam - Lào, quan hệ chính trị là nòng cốt, đồng thời phải thúc đẩy mạnh mẽ hợp tác kinh tế, hợp tác giáo dục, đào tạo nhân lực và các lĩnh vực khác, góp phần củng cố, vun đắp cho quan hệ Việt - Lào ngày càng phát triển trên mọi lĩnh vực, mang lại lợi ích thiết thực cho nhân dân hai nước”. - Thủ tướng nêu rõ. Phân tích thêm về các trọng tâm mà các cơ quan đại diện cần tập trung thúc đẩy trong hợp tác kinh tế song phương, Thủ tướng nhấn mạnh cần tăng cường kết nối doanh nghiệp, hỗ trợ đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân phát triển, kêu gọi, tạo điều kiện cho doanh nghiệp hai nước hợp tác, đầu tư; tạo điều kiện cho công dân Việt Nam sinh sống, học tập, làm việc thuận lợi tại Lào; thúc đẩy triển khai thật tốt các dự án đã có, hoàn thành dứt điểm các dự án đang làm, với các dự án sắp tới phải theo hướng trọng tâm, trọng điểm, không dàn trải. Thủ tướng cũng nêu rõ, "hợp tác giáo dục, đào tạo với Lào là vấn đề chiến lược, lâu dài". Thủ tướng yêu cầu các cơ quan cần tiếp tục làm tốt công tác bảo hộ công dân, xây dựng cộng đồng; giữ vững và phát huy đoàn kết, thống nhất; chủ động, tích cực hợp tác, giao lưu với cơ quan đại diện các nước ASEAN tại Lào để góp phần thúc đẩy, tăng cường đoàn kết, thống nhất trong ASEAN. Hợp tác kinh tế trở thành nền tảng lâu dài trong quan hệ hai nước và đang trên đà phát triển hiệu quả hơn. Việt Nam luôn nằm trong Top 3 đối tác thương mại lớn nhất của Lào nhiều năm qua. Để khai thác tiềm năng hợp tác thương mại hai nước, ngày 8/4/2024, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên và Bộ trưởng Bộ Công Thương Lào Malaithong Kommasith đã ký Hiệp định Thương mại Việt Nam - Lào mới hướng tới mục tiêu tăng cường, củng cố hơn nữa quan hệ hữu nghị đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào, thúc đẩy tiếp cận thị trường cho hàng hóa, dịch vụ và tạo sự kết nối phát triển ổn định, bền vững và lâu dài. Trong 8 tháng năm 2024, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam với Lào đạt 1,3 tỷ USD, tăng 24% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Lào đạt 429,5 triệu USD, tăng 20,7% so với cùng kỳ năm 2023. Kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ Lào đạt 915,2 triệu USD, tăng 25,7% so với cùng kỳ năm 2023. Chính trị là nòng cốt trong quan hệ Việt Nam - Lào (diendandoanhnghiep.vn)