Bộ phim Nhật khởi đầu trào lưu gây sốc, cực đoan Trạch Dương Chủ nhật, 31/10/2021 06:20 (GMT+7) Sau 20 năm, "Ichi the Killer" vẫn là bộ phim gây ám ảnh về thể loại bạo lực. Tác phẩm của đạo diễn người Nhật ảnh hưởng đến nhiều nhà làm phim tại Hollywood. Tháng 11/2001, Ichi the Killer, một trong những bộ phim bạo lực và khét tiếng nhất của Nhật Bản, được công chiếu tại Liên hoan phim London, Anh. Tạp chí Empire mô tả đây là bộ phim đi đầu của điện ảnh cực đoan. Điều đó dẫn đến việc bộ phim bị cấm ở nhiều nước vì những cảnh máu me, hành hình. Tác phẩm của đạo diễn Takashi Miike kể về câu chuyện của hai kẻ giết người loạn trí. Họ bị bắt trong cuộc rượt đuổi tại khu đèn đỏ Kabukicho, Tokyo, Nhật Bản, sau đó là những cảnh bạo lực máu me. Ichi the Killer tiêu biểu cho cuộc bùng nổ của điện ảnh Đông Á cuối những năm 1990, đầu 2000. Sau 20 năm phát hành tại Anh, phim trở lại màn ảnh rộng với tư cách là bộ phim cuối cùng trong tuần lễ J-horror Weekender tại Anh năm 2021. Theo BBC, Ichi the Killer tạo ra kỷ nguyên điện ảnh gây sốc, khởi đầu cho những bộ phim đậm chất bạo lực như ngày nay. Diễn viên Tadanobu Asano trong bộ phim Ichi the Killer. Ảnh: Media Blasters. Diễn viên Tadanobu Asano trong bộ phim Ichi the Killer. Ảnh: Media Blasters. Sự trỗi dậy của điện ảnh Nhật Bản Cuối những năm 1990, Hollywood đi theo lối mòn. Trong khi đạo diễn Hong Kong Ngô Vũ Sâm cố gắng níu khán giả với các bộ phim như Hard Target (1993), Face/Off (1997) và Mission Impossible: II (2000), loạt phim kinh dị của Mỹ lại sử dụng cốt truyện vô lý để kiếm tiền. Thời điểm đó, điện ảnh Nhật Bản nổi dậy. Năm 1997, bộ ba tác phẩm của Shohei Imamura, Naomi Kawase và Takeshi Kitano giành được các giải thưởng lớn tại Liên hoan phim Cannes và Venice, bao gồm giải Cành cọ Vàng và Sư tử Vàng. Một năm sau, phim kinh dị J-Ring của Nakata trở thành hit quốc tế. Các nhà phê bình cho rằng kỷ nguyên vàng của điện ảnh Nhật Bản đã đến. Các bộ phim tương tự Dark Water, Ju-On: The Grudge của Takashi Shimizu và Pulse của Kiyoshi Kurosawa tràn ngập các rạp chiếu và được cả thế giới biết đến. Bên cạnh phim kinh dị, làn sóng làm phim mới tập trung vào vấn đề bị cấm như bạo lực, tra tấn, giết trẻ em, tự sát... trỗi dậy ở Nhật Bản. “Chúng là thứ mà chúng tôi chưa từng thấy trước đây”, Adam Torel, giám đốc điều hành của Third Window Films - hãng phân phối phim Nhật Bản hàng đầu của Anh, nói. Theo BBC, Ichi the Killer là bộ phim cực kỳ bạo lực và khiêu khích. Điều đó thể hiện qua nội dung gây sốc, cách chuyển động máy quay, phong cách làm phim mờ ảo. Chika Kinoshita, giáo sư chuyên ngành Điện ảnh tại Đại học Kyoto, nói phim ảnh hưởng phong cách làm phim kinh phí thấp của thập niên 1980. Họ lợi dụng điều đó để đưa vào những bộ phim bạo lực. Đồng thời, Ichi the Killer ảnh hưởng phong cách làm phim mãnh liệt của những năm 1970. Những cuộc thẩm vấn, bạo lực mang đậm phong cách manga Hideo Yamamoto. “Manga là yếu tố văn hóa đại chúng lớn mà bạn không thể tìm thấy ở phương Tây. Đáng nói, manga cực đoan hơn nhiều so với truyện tranh phương Tây”, Torel nói. Mark Schilling, nhà phê bình phim của Japan Times, nói: “Tình dục và bạo lực luôn là yếu tố bán chạy. Những phương tiện như vậy từ lâu phổ biến trong văn hóa Nhật Bản. Điều đó làm ảnh hưởng lớn đến cách làm phim của các nhà sản xuất”. Tương lai của phim bạo lực, cực đoan Theo BBC, quy trình kiểm duyệt phim ở Nhật Bản khá thoáng. Điều đó dẫn đến việc bộ phim bạo lực như Ichi the Killer bị cấm ở nhiều quốc gia. Gần 17 phút đã bị cắt để bộ phim được chiếu ở Hong Kong, Trung Quốc. Tại Anh, các cảnh quay dài 3 phút 21 giây liên quan đến bạo lực tình dục, máu me bị cắt để đảm bảo phim phát hành trên cả nước. “Trong một cuộc thẩm vấn, nhân vật có cảnh tự cắt lưỡi. Đó là điều phương Tây không dám làm trước đây”, Torel nói về cách làm phim tiên phong của Nhật Bản. Tai tiếng và sự kiểm duyệt của Ichi the Killer là chìa khóa cho thành công đình đám của bộ phim ở nước ngoài. “Bất kỳ bộ phim nào bị kiểm duyệt đều khiến mọi người tìm hiểu thêm. Điều đó làm bùng nổ xu hướng làm phim bạo lực như ngày nay”, chuyên gia nói. Giữa thập niên 2000, Hollywood bùng nổ cách sản xuất phim có vấn đề về bạo lực, tình dục. Các tác phẩm của Hollywood như Saw (2004) và Hostel (2005) và cả The Dark Knight (2008) của Christopher Nolan đều ảnh hưởng lớn từ cách trang điểm, nguyên liệu làm phim từ manga, phim Nhật Bản. Nữ diễn viên Agathe Rousselle trong phim bộ phim gây tranh cãi Titane. Ảnh: Diaphana Distribution. Nữ diễn viên Agathe Rousselle trong phim bộ phim gây tranh cãi Titane. Ảnh: Diaphana Distribution. Theo giáo sư Torel, sau 20 năm, di sản của Ichi the Killer vẫn còn sức ảnh hưởng. Các hãng phim như A24 (đứng sau thành công của Hereditary, Uncut Gems) đang sản xuất những bộ phim cực đoan tương tự. XYZ Films - công ty sản xuất đằng sau những bộ phim đình đám như The Raid của Gareth Evans, Brawl in Cell Block 66 của Craig Zahler - cũng sản xuất phim thể loại này. Tại Liên hoan phim Cannes 2021, Titane - phim khai thác yếu tố máu me, tình dục và khủng bố - đạt giải Cành cọ Vàng. Trước đó, bộ phim gây tranh cãi vì khai thác những góc tối trong xã hội. Giống với Ichi the Killer, Titane là câu chuyện tàn bạo về tên sát nhân tâm thần. Bên cạnh đó, phim của đạo diễn Julia Ducournau gây sốc vì câu chuyện nữ chính nảy sinh khoái cảm kỳ lạ với xe hơi. Theo Daily Mail, nhiều khán giả phải lấy tay che mặt vì những cảnh nóng táo bạo. Trong khi người hâm mộ thể loại phim cực đoan như Ichi the Killer ngày càng tăng, giới chuyên gia cảnh báo tương lai những bộ phim táo bạo và khắc nghiệt hơn xuất hiện ngày càng nhiều. Bộ phim Nhật khởi đầu trào lưu gây sốc, cực đoan - Phim ảnh - ZINGNEWS.VN
http://gamevn.com/threads/z-bo-phim-nhat-khoi-dau-trao-luu-gay-soc-cuc-doan.1524014/#post-31196326 công nhân nghành gió chưa đổi browser à tế