[Documentary] Hiệp sĩ Shigeru Miyamoto

Thảo luận trong 'Tin tức - Giới thiệu - Thảo luận chung về game' bắt đầu bởi pliskin, 8/10/06.

  1. pliskin

    pliskin Totally Badass!!! Moderator

    Tham gia ngày:
    25/10/03
    Bài viết:
    2,798
    Nơi ở:
    HCMC
    [​IMG]

    Khi bạn hỏi người Nhật về video game, họ sẽ trả lời rằng Nintendo. Và khi bạn hỏi họ về Nintendo, họ sẽ nói về Shigeru Miyamoto. Không còn nghi ngờ gì khi cho rằng người đàn ông 54 tuổi này là một trong những tượng đài của ngành công nghiệp game thế giới với những thành tựu mà bất cứ nhà thiết kế game nào cũng ao ước: hơn 200 triệu bản Donkey Kong, Mario, Zelda…được bán trên toàn cầu, giải thưởng Hall of Fame của AIAS (Academy of Interactive Arts and Science-Viện hàn lâm nghệ thuật và khoa học tương tác), tước hiệu Hiệp sĩ của Bộ Văn Hóa Pháp về những cống hiến không mệt mỏi cho ngành công nghiệp game. Ở Nintendo, Miyamoto cũng là nhân vật có uy tín thứ hai sau vị chủ tịch tập đoàn, ngài Satoru Iwata.

    Khởi đầu của một huyền thoại
    Shigeru Miyamoto sinh tại Kyoto, Nhật Bản vào ngày 16 tháng 11 năm 1952. Khi còn là một đứa trẻ, ông sống trong trang trại của gia đình và hưởng thụ cuộc sống êm đềm của vùng nông thôn. Ở đây, nguồn cảm hứng hội họa của ông được nuôi dưỡng và phát triển, và đó là một trong những lí do khiến Miyamoto luôn có những đột phá mang tính nghệ thuật cho các tựa game của mình. Trải qua tuổi thơ không có sự hiện diện của TV hay máy móc hiện đại, cậu bé Miyamoto thường đạp xe quanh trang trại của mình và cảm nhận không khí thiên nhiên tràn ngập vào cơ thể. Đến tuổi trưởng thành, Miyamoto nhận ra rằng hội họa và nghệ thuật thiết kế là hai sở trường lớn nhất của mình, và từ đó ông quyết định thi vào khoa thiết kế công nghiệp của Đại học tổng hợp Kanazawa Munici. Trong suốt 5 năm học đại học, ông đã vẽ hơn 300 bức tranh về mọi đề tài và thiết kế hơn 100 tác phẩm điêu khắc. Vài năm sau khi tốt nghiệp, qua sự giới thiệu của cha, Miyamoto có một cuộc phỏng vấn xin việc với Hiroshi Yamauchi, chủ tịch của Nintendo vào thời điểm đó. Cuộc phỏng vấn diễn ra rất thành công khi vị chủ tịch này hoàn toàn ấn tượng với những mẫu thiết kế của Miyamoto về đồ chơi trẻ em và ý tưởng phát triển một trò chơi điện tử. Và thế là chỉ ba ngày sau khi phỏng vấn, huyền thoại tương lai của ngành công nghiệp game đã được thu nhận với chức danh họa sĩ thiết kế và làm việc tại phòng kế hoạch của Nintendo.

    Nữ thần may mắn vẫn xuất hiện quanh Miyamoto và nở nụ cười với ông vài năm sau đó. Trong năm 1980, Nintendo phát hành trò chơi Radarscope ở thị trường Bắc Mỹ. Đây có thể xem là canh bạc lớn nhất của Nintendo sau sự thành công của dòng game Beam Gun đã phát hành vào năm trước. Nhưng thật không may, Radarscope đã thất bại một cách thảm hại khi mà doanh số bán của nó chỉ là 3 nghìn bản, một con số mà ngay cả những chuyên gia phân tích bi quan nhất cũng không tưởng tượng nổi. Nintendo cần một cú huých mới, và đích nhắm của họ là anh chàng họa sĩ non trẻ Shigeru Miyamoto.

    [​IMG] [​IMG]

    Cuộc cách mạng đầu tiên của Miyamoto ở Nintendo là một game có cái tên rất dễ nhớ: Donkey Kong. Ban đầu Nintendo định thực hiện một game dựa theo những bộ phim hoạt hình ăn khách là Popeye, Olive và Bluto. Tuy nhiên một năm trước khi phát hành, họ đã không thỏa thuận được về vấn đề bản quyền và cuối cùng nhân vật Donkey Kong của Miyamoto đã chính thức vào cuộc. Trò chơi được phát hành không lâu sau đó và đã trở thành một “mega-hit” trong lịch sử của Nintendo cho đến nay. Chính Miyamoto cũng là người đầu tiên sáng lập ra dòng game “platform”, trong đó nhiệm vụ chính của các nhân vật là nhảy tránh các cạm bẫy và giải quyết các câu đố trong trò chơi. Trong quá trình phát triển Donkey Kong, Miyamoto vừa là người thiết kế nhân vật vừa giữ nhiệm vụ hòa âm các bản nhạc nền của trò chơi mặc dù trên thực tế, ông không hề có kinh nghiệm gì về âm nhạc. Donkey Kong cũng chứng kiến sự ra đời của nhân vật thành công nhất của Shigeru - Mario. Tính cho đến nay đã có hơn 100 tựa game có liên quan đến anh chàng thợ sửa ống nước này được thực hiện và Miyamoto đều đóng vai trò nhà sản xuất của tất cả các game đó.

    Miyamoto và Nintendo
    Cuộc đời của Miyamoto và sự phát triển của Nintendo gắn kết mật thiết đến nhau. Có người còn cho rằng, cặp bài trùng này sinh ra là để tạo dựng những thành công cho nhau. Chính ở văn phòng của Nintendo mà Miyamoto gặp mối tình đầu của mình và sau này là người bạn đời của ông, cô nhân viên hành chính tên Yasuko. Năm 1984, Miyamoto tiến đến một bước thang mới trong sự nghiệp của mình với chức danh giám đốc ý tưởng của studio R&D4, nơi đã cho ra đời những siêu phẩm Mario và Zelda. Vài năm sau, ông lại được cất nhắc lên vị trí nhà sản xuất của Nintendo và sự ảnh hưởng của Miyamoto dần lan rộng trong hầu hết các game của tập đoàn này. Nếu không có ông, Nintendo đã không thể có một vị thế đáng nể như ngày hôm nay: tập đoàn giải trí hàng đầu Nhật Bản năm 2004 do tạp chí Famitsu bình chọn và là 1 trong 10 hãng phát triển có sức ảnh hưởng lớn nhất với ngành công nghiệp game thế giới bên cạnh những đại gia như Sony, Microsoft và Sega.

    Sự thành công của những game do Miyamoto thiết kế dựa vào hai yếu tố chính: sự tiếp cận đến người chơi và giá trị chơi lại (replay value) của chúng. Gamer ở tất cả các độ tuổi đều có thể đến với những game của ông, chúng không quá khó để làm nản lòng các gamer nhí nhưng vẫn đủ độ thử thách để hấp dẫn các gamer trưởng thành. Giá trị của các game này thì nằm ở sự đa dạng trong cách chơi và hàng loạt những bí mật được thêm vào. Bên cạnh đó, sự tương tác giữa nhân vật và môi trường cũng là một trong những đặc điểm nổi bật trong game của Miyamoto. Trong một cuộc phỏng vấn, Miyamoto đã thừa nhận điều này: “Theo tôi tính tương tác trong một trò chơi là tất cả. Trước đây những nhà thiết kế game thu hút người chơi qua những hành động đã lập trình sẵn, nhưng tôi lại muốn biến người chơi là một phần của câu chuyện và hành động như thể anh ta là chính nhân vật đó.”

    Những thành tựu nổi bật
    Xuất thân từ trường lớp hội họa không những không mang lại cho Miyamoto những khó khăn mà ngược lại nó còn giúp ông có nhiều ý tưởng mới khi thiết kế game. Ông giải thích: “Trước Donkey Kong, hầu hết các nhà phát triển game là những lập trình viên hoặc kĩ sư, chứ không phải là những người thiết kế nhân vật hay họa sĩ.” -ông tiếp- “Tôi chịu trách nhiệm xây dựng những ý tưởng cơ bản về cách chơi và truyền thụ chúng cho những lập trình viên, sau đó tôi cũng chính là người kiểm tra công đoạn cuối cùng của trò chơi trước khi phát hành ra thị trường.” Có thể xem đó là một công việc đơn giản, nhưng thực chất Miyamoto đã phải đối đầu với hàng loạt những khó khăn khi mà những ý tưởng của ông luôn bị xáo trộn bởi giới hạn về phần cứng của máy chơi game: “Thế hệ NES (Nintendo Entertainment System) là một hệ máy khá phổ biến vào thời điểm đó (1988-1990) và Mario luôn là một tựa game đi song hành với hệ máy này. Tuy nhiên, những ý tưởng của tôi đi sâu vào việc khai thác khía cạnh đồ họa và nghệ thuật của một game do vậy NES không thể đảm đương nổi vì hạn chế quá lớn về phần cứng.”-ông giải thích. Không chấp nhận đầu hàng, Miyamoto đành phải hướng ý tưởng phát triển của mình về phong cách chơi đơn giản nhưng hấp dẫn. Người chơi chỉ cần thao tác trên 2 nút nhảy, bắn và phối hợp với những nút chỉnh hướng để điểu khiển nhân vật.

    [​IMG] [​IMG]

    Sự ra đời hệ máy Nintendo 64 năm 1996 và GameCube năm 2001 đã mở ra một thời kì mới cho Miyamoto trong việc thiết kế game hiện đại. Tất cả hình ảnh từ môi trường đến nhân vật đều được “3D hóa” và trí tưởng tượng của người họa sĩ tài hoa đã được phát huy tối đa. Mặc dù doanh số bán không được cao, hệ máy Nintendo 64 vẫn sở hữu được 2 game “kinh điển” của Miyamoto là Super Mario 64 và Legend of Zelda: Ocarina of Time. Trong khi Super Mario 64 là game về anh chàng Mario đầu tiên được dựng 3D, Legend of Zelda: Ocarina of Time đã tạo ra được một trào lưu mới cho các game: lối chơi mở rộng kết hợp 3 thể loại khác nhau: hành động, phiêu lưu, và giải đố. Những tựa game Zelda về sau như The Wind Waker, Four Swords Adventure, The Minish Cap đều tiếp nối được truyền thống này và thành công vang dội.
    [​IMG]
    Đến nay, phong cách phát triển game của Miyamoto vẫn không thay đổi. Những game của ông luôn đầy mới lạ và hấp dẫn bởi sự hài hòa giữa tính nghệ thuật và tính giải trí. Phong cách này đã được nhiều nhà phát triển game khác trên thế giới học hỏi và phát huy. Benoit Arribart, nhà thiết kế của Kawaii Studios (Pháp), từng thú nhận rằng phiên bản Mission: Impossible của ông trên hệ Nintendo 64 là hoàn toàn lấy cảm hứng từ Mario. ”Mario đã có những ảnh hưởng rất lớn đến game của tôi. Shigeru đã tự mình tạo ra một tiêu chuẩn mới trong lĩnh vực thiết kế game bằng hệ thống điều khiển và camera 3D khá linh hoạt.” – nhà thiết kế người Pháp cho biết. Sự ra đời của Mario cũng kéo theo hàng loạt những game dạng “platform” khác: Sonic (Sega), Earthworm Jim, Zool, Rocket Knights Adventures. Tuy nhiên, tất cả những game trên vẫn không vượt qua được cái bóng quá lớn của Mario.

    Viva la Shigeru!
    Ở tuổi 54, Shigeru Miyamoto vẫn là một trong những nhà thiết kế game hàng đầu Nhật Bản và thế giới về phương diện cải tiến trong lối chơi và đưa ra những khuynh hướng mới trong thiết kế game. Một trong những kỹ thuật mà ông đã có công phát triển là “cell-shading”, dựng hình kiểu đường viền, vốn ứng dụng nhiều trong hoạt hình mà giờ đây đã khá phổ biến trong công nghệ phát triển game. Thay vì tạo ra một game có đồ họa càng “thật” càng tốt, Miyamoto lại nhắm đến mục tiêu ngược lại, tạo ra một thế giới huyền thoại đầy màu sắc và để người chơi tự do khám phá những bí mật trong đó. Mặc cho những dự đoán của các chuyên gia về tương lai không mấy sáng sủa của Nintendo gần đây, tượng đài của tập đoàn này vẫn tự tin: “Công nghệ game cần những sự cải tiến và thị trường để tồn tại. Nintendo đã chọn con đường tiên phong trong lối chơi hơn là cạnh tranh về đồ họa. Tôi nghĩ đó là sự lựa chọn của tương lai, vì khi đồ họa của game tiến đến một mức “chuẩn”, những gì bạn thưởng thức sẽ chỉ là cách chơi của game đó.” Khi được hỏi khi nào sẽ về hưu, Miyamoto cười và nói: “Có rất nhiều đạo diễn điện ảnh đã làm việc cho đến khi họ mất. Tôi nghĩ mình sẽ còn thiết kế game một thời gian dài nữa.”
    [​IMG]

    ---------------------------------------------------------
     

Chia sẻ trang này