Gạo tăng giá, vì sao? Trong vòng một tuần, giá gạo đã tăng hơn 10%, có loại tăng đến hơn 20%. Giá tăng nhiều nhất rơi vào nhóm loại gạo dẻo, thơm, mà các gia đình ở thành phố thường dùng hàng ngày. Chị Ngọc ngụ gần chợ Rạch Ông, quận 8 nghe em gái gọi điện thoại bảo gạo đang tăng giá, chị chạy đến điểm bán gạo gần nhà mới hay: loại gạo thường ngày có giá 10.000đ/kg, nay đã lên 12.000đ; gạo thơm Đài Loan một tháng trước chị mua 16.000đ/kg nay bán giá 20.000đ/kg; gạo tài nguyên 11.000đ/kg nay đã là 13.000đ/kg; thậm chí loại gạo rẻ nhất 8.000đ/kg cũng tăng lên thành 9.000đ/kg. Chị Ngọc mua ngay 50kg. Tại chợ đầu mối lúa gạo Bà Đắc (Tiền Giang) sáng 1.12 giá lúa, gạo đã giảm. Ảnh: Hùng Anh Dân sợ giá tăng Chị Thơm, chủ tiệm gạo trên đường Hiệp Bình, Thủ Đức, cho biết giá gạo bắt đầu tăng khoảng hai tuần nay và có mức tăng từ 800 – 3.000đ/kg tuỳ vào từng loại gạo. Giá tăng nhưng số lượng gạo mà chị Thơm bán ra lại tăng gấp đôi so với trước do nhiều người mua gạo về dự trữ. Bà Tư Lẹ, chủ đại lý gạo trên đường Minh Phụng, quận 6, TP.HCM lại không dám trữ gạo nhiều vì sợ gạo hạ giá sẽ bị lỗ. Bán xong đợt hàng này thì mới nhập hàng về bán tiếp. Bà chủ đại lý gạo Trung Kiên trên đường Xóm Đất, quận 11 cho rằng, giá gạo tăng là do các vựa lúa ở Long An thu gom hàng đi xuất khẩu, chứ không phải do thiếu gạo. Ông Võ Duy Tân, thương nhân chuyên doanh lúa gạo dọc biên giới Việt Nam – Campuchia thuộc địa phận Long An cho rằng có hai lý do khiến gạo tăng giá: gạo Campuchia qua Việt Nam (Long An) ít hơn, còn chừng 1/3 lượng lúa một tuần trước và tình trạng mua lúa TP 6 và Hậu Giang 2 để đem qua Campuchia, tuy không nhiều lắm, cũng khiến giá gạo ngon trong nước bị đẩy lên. Ở miền Tây, sáng 1.12, giá gạo đã giảm. Chị Nga bán gạo lẻ ở Long Xuyên nói: “Dân Long Xuyên vừa thấy giá giảm 500đ/kg đã rủ nhau mua từ 50 – 100kg/lần để dành ăn vì sợ gạo sẽ tăng giá như hồi tháng 4.2008”. Không thiếu gạo Ông Nguyễn Thành Nhân, phó tổng giám đốc Saigon Co.op khẳng định: “Các siêu thị Co.opmart cam kết giữ đúng giá bán như hiện nay cho khách mua, lượng gạo dự trữ trong kho của Saigon Co.op đủ cung cấp cho nhu cầu mua gạo với tốc độ bình thường đang bán ở các siêu thị trong khoảng hai tháng. Ngoài ra, Saigon Co.op đã làm việc với tổng công ty Lương thực miền Nam (Vinafood II) và các nhà cung cấp, đảm bảo không có biến động giá cả và đảm bảo số lượng gạo cung cấp khi sức mua tăng từ nay đến tết”. Ông Trương Thanh Phong, tổng giám đốc Vinafood II cho biết lượng gạo chuẩn bị cho thị trường thành phố khá dồi dào. Ngoài 13.500 tấn dự trữ tại kho Bình Chánh của công ty Lương thực TP.HCM, 40 cửa hàng khác với tên gọi Foocomart nằm trên các quận huyện cũng đang có 1.000 tấn gạo/cửa hàng, mở cửa bán thường xuyên. Từ chiều ngày 30.11, Vinafood II đã chỉ đạo công ty Lương thực thành phố giảm 500đ/kg gạo thường, xuống còn 8.500đ/kg ở 40 hệ thống cửa hàng Foocomart. Với tổng số gạo tồn kho trên 1,4 triệu tấn, cộng thêm sản lượng vụ thu đông đang thu hoạch tại đồng bằng sông Cửu Long thì việc khan hiếm gạo là hoàn toàn không thể xảy ra. Ai đẩy giá gạo tăng? Giá gạo trong nước tăng cao như hiện nay có sự tác động của thị trường gạo xuất khẩu. Nếu như hồi tháng 10.2009, giá gạo 5% Việt Nam giao dịch 420 – 430 USD/tấn thì qua đầu tháng 11 tăng lên 480 USD, đà tăng giá còn diễn ra cho đến hết tháng và hiện đứng mức trên 520 USD. Như vậy, chỉ trong khoảng hơn một tháng, mỗi tấn gạo tăng thêm 120 USD, tương đương 25%. Giá xuất khẩu tăng tác động đến mặt bằng giá gạo trong nước. Gạo nguyên liệu đã tăng liền trên dưới 2.000đ/kg, từ mức 5.200 – 5.400đ lên trên 7.200 – 7.300đ, tương đương tăng 38%. Theo ông Phạm Văn Bảy, giám đốc công ty Xuất nhập khẩu nông sản thực phẩm An Giang, thời điểm này tại các tỉnh ĐBSCL đã vãn vụ, chỉ còn một ít lúa vụ ba và lúa mùa đang thu hoạch với sản lượng không đáng kể, số lúa gạo này chủ yếu để làm giống và tiêu thụ nội địa. Tuy nhiên, việc thị trường xuất khẩu hút hàng, giá tăng mạnh, cộng thêm những dự báo từ bên ngoài về thiếu hụt lương thực khiến nhiều doanh nghiệp tập trung gom hàng dự trữ chờ giá lên nữa để xuất khẩu đã đẩy giá gạo tăng cao. Ngoài ra, việc ngân hàng tăng tỷ giá nên mỗi ký gạo xuất khẩu quy đổi theo tỷ giá mới tăng thêm 300đ. Chính mức lợi nhuận hấp dẫn từ xuất khẩu đã phần nào góp phần kéo giá lúa gạo trong nước lên. Riêng gạo thơm – nhu cầu để xuất khẩu thời gian qua không lớn, tiêu thụ chủ yếu ở nội địa cũng tăng giá theo khoảng 14 – 21%. Theo giải thích của một số công ty kinh doanh lương thực, việc tồn kho mà doanh nghiệp thông tin, lên đến 1,4 triệu tấn, chủ yếu là gạo trắng 5%. Ông Huỳnh Công Thành, giám đốc công ty Lương thực thành phố nói: “Trong kho tồn 30.000 tấn gạo, nhưng đây là loại dành xuất khẩu, chỉ khi nào thị trường có biến động thì mới đưa ra điều tiết”. Còn gạo thơm, loại tiêu thụ chủ yếu trên thị trường nội địa do thương lái, nhà máy xay xát nắm giữ. Trong nhu cầu tiêu thụ tối đa 3.000 tấn gạo/ngày của TP.HCM, hai đơn vị lương thực đóng trên địa bàn, làm nhiệm vụ cung ứng gạo cho thành phố là công ty Lương thực thành phố và công ty TNHH Vinh Phát chỉ đáp ứng dưới 10% sản lượng, 90% còn lại do thương lái từ miền Tây cung cấp. Dù lúa gạo không thiếu, nhưng với việc giá gạo nguyên liệu 5% tấm tăng cao, thì gạo thơm cho dù không tham gia nhiều thị trường xuất khẩu vẫn có cớ tăng theo. Nhóm phóng viên
Tăng tý cho nông dân đỡ khổ... Nhưng vẫn cần báo chí đập chết mấy thằng VFA lũng đoạn thị trường lúa gạo, để lãi rơi xuống chỗ nông dân nhiều hơn.
thư giãn ở chỗ : - A : than nghèo kể khổ - B : khổ lắm nói mãi - C : dm mấy thằng làm khổ dân .... đến lượt anh X thì anh thấy topic toàn thằng ca thán nên anh quyết định chơi nổi chửi lại những người trên anh là ngu si dốt nát ..... Topic thành kiểu thể loại man vs wild or hero vs vigilant ..... đương nhiên là sẽ có anh Y và anh Z phụ họa cho anh X
Lúa gạo thì có gì mà đẫm máu Giá nó tăng giảm như 1 số thứ ở VN ta có gì lạ Hôm qua đi qua 1 chỗ thấy cái biển điện tử ghi : "Sàn giao dịch Vàng" mà cái chữ Vàng nó nhảy lên nhảy xuống nhìn mắc cười quá, ẩn ý ghê.