GVN Metal Collection 2010

Thảo luận trong 'House of fame' bắt đầu bởi NIZ, 2/12/10.

  1. NIZ

    NIZ Blue Wind

    Tham gia ngày:
    20/11/04
    Bài viết:
    2,185
    Năm nay các anh tài đều bận nên một vài Part không có review nhưng không sao :-j, anh em Metalhead nghe nhạc nói chuyện chứ không phải đi đọc review để nói chuyện \:D/

    Part 1: Progressive Metal (NIZ)
    Part 2: Doom Metal (NIZ)
    Part 3: Death Metal (hellmoon)
    Part 4: Old School Death Metal (wind flower)
    Part 5: Thrash Metal (hellmoon/TTC)
    Part 6: Heavy Metal (Dream Theater/ Daibanggaycanh)
    Extra Bonus: Classic Rock (Dream Theater)





    Part 1: Progressive Metal

    Mã:
    http://www.mediafire.com/?zplxn4np42abbvp





    Part 2: Doom Metal


    Review:
    [Spoil]Thành lập từ năm 2004 cho đến nay, 4 full-length album của Isole - 1 Doom band đến từ Thụy Điển lần lượt ra đời và đều được đánh khá đều tay. Dẫu rằng 2 album gần đây ko còn quá nổi bật như Forevermore và Throne of Void nhưng nó vẫn có thể khiến Doomhead gật gù mãn nguyện.Cùng với track Peccatum, giai điệu và vocals tăm tối , lạnh giá, Isole dường như làm cảm xúc của ta đóng băng - những điều tốt đẹp nhất đã đi về nơi xa lắm, ở nơi đây chỉ còn lại những buồn phiền và đau đớn triền miên.

    Track thứ 2, chúng ta đến với cái tên Lacrimas Profundere (LP) - 1 band chơi gothic Doom đến từ xứ Bavaria nước Đức. Nhưng đến với album xuất sắc nhất của họ - Memorandum ta lại thấy mang đậm dấu ấn của Death Doom.Nhịp điệu chậm rãi nhưng thật đẹp của Black Swans, sự kết hợp giữa giọng nữ opera và nam là death growl thường thấy. Dù sao cách sử dụng nhạc cụ của LP cũng có những nét riêng,và hẳn bạn sẽ thích nếu như bạn là fan của My Dying Bride và November's Doom.


    Through the eyes of a mad là debut album của Wine from Tears nhưng theo tớ đó là 1 trong những album Doom đáng nghe nhất trong năm 2009 này. Tôi cảm thấy thực sự hài lòng và ngạc nhiên sau 77 phút của band Death/Doom đến từ Nga này.Không cần phải nói thêm về album này - chất Doom kết hợp với catchy melodic death là 1 sự kết hợp hoàn hảo.Nào hãy nghe Close to Katatonia và...nhớ về Katatonia.


    Lại là 1 death/doom band nữa - Mar de Grises (MDG) đến từ Chile.Nói ko ngoa thì album Draining the Waterheart (DTW) là 1 trong những album Death/Doom xuất sắc nhất vài 3 năm gần đây. DTW ko quá cuồng bạo,ko quá tăm tối, đơn giản là nó đẹp 1 cách khá thi vị.Nó khiến ta khá sững sờ vì thời điểm này, ko có nhiều band đi theo phong cách của MDG - trong vô số các Doom band thì chất nhạc của MDG rất unique. Gần chín phút thỏa mãn với Deep-seeded Hope Avant Garde!


    Nằm trong debut album Days of Nothing (2007) của band gothic doom đến từ Ý - The Foreshadowing. Có thể với gu của nhiều người, album này chỉ là một con số không. Riff cực ít, The Foreshadowing mang lại những cảm xúc ta có thể có khi nghe Anathema, một cảm giác phiêu rất "melancholy" nhờ tiếng Keyboard nặng nề, nhão nhoẹt, nó không mạnh mẽ nhưng từ từ, lan tỏa ra không khỉ và thấm vào từng lỗ chân lông một.
    Days of Nothing vắng bóng harsh vocal, điều hiếm gặp ở Doom nhưng nó làm ta nhớ lại một My Dying Bride thời non trẻ.


    Đến từ nước Áo, Philip Santoll thực sự là bộ não, là trái tim của Nonexistence - một One Man Project xuất sắc - người đã mang đến cho chúng ta một Nihil - atmosphetic/cosmos black doom metal. De Nihilo Nihil như 1 liều thuốc mê đưa ta chìm dần vào tiềm thức. 10...9...8...7...6...Chất giọng của Santoll quả đáng kinh ngạc, từ những tiếng gầm gừ trong họng của black metal cho đến những đoạn chorus trong vắt, kết hợp với riff và cách mix nhạc rất quái thì đây là một thử nghiệm không hề tồi.


    Nếu như 6 track vừa qua ta đã đến với những tên tuổi "phần nào" còn khá lạ thì track 7 này các bạn sẽ được gặp 1 cái tên quen thuộc - một gã khổng lồ và có thời gian chinh chiến đã lâu: Candlemass. Không phải mọi track trong album Death Magic Doom đều tốt nhưng Hammer of Doom là một trong số ít đó. Đặc biệt khi ta nhớ rằng Candlemass lúc này là 1 Candlemass-không-có-vocalist-huyền thoại Messiah Marcolin. Sau bước đệm King of the Grey Islands thì ở album này Rob Lowe đã thể hiện rất tốt, dù chưa thay thế được Messiah nhưng cũng đủ để chúng ta tạm hài lòng.


    Forsaken - một band doom đến từ đảo Malta. Forsaken chịu nhiều ảnh hưởng từ Candlemass, Heaven and Hell... và nếu như trước đó họ vẫn đang loay hoay làm thế nào để tối ưu các miếng ghép thì đến After the Fall họ đã phần nào đặt được những viên gạch vững chắc cho con đường riêng của mình. Heavy metal và epic doom hòa quyện vào nhau nhuần nhuyễn làm ta chỉ còn biết thốt lên, nó đúng chất như nó vốn phải thế.


    Erosion chỉ có vẻn vẹn 6 bài, nhưng nó xuất sắc đến từng bài một - không hổ danh một trong những Doom album đỉnh nhất năm 2009. Trong đó Dust (Circle Part.1) là một bài mở đầu tuyệt hảo. Nó xuất sắc và cho ta biết đích xác những gì sẽ đến tiếp theo, rằng ta có thể chờ đợi những gì. Và rằng ta sẽ không phải thất vọng. Nhắm mắt lại, tắt đèn và để sự hòa trộn tuyệt vời giữa guitar, trống và vocal dẫn đường, mọi thứ còn lại đều vô nghĩa, chỉ là ảo ảnh, là cát bụi.


    Một funeral doom band với âm nhạc nói về đại dương rộng lớn, biển cả rộng lớn vẫn là 1 cái gì đó bí ẩn với con người, và The Divinity of Oceans là một bài ca/một concept đầy xúc cảm của ban nhạc đến từ Munich, Đức này. Một điều tôi thích ở Doom Metal đó là: âm nhạc là đỉnh cao và vocal là một thứ xa xỉ, mọi giai điệu, mọi cung bậc, mọi không khí được tạo ra đều diễn giải hoàn toàn những gì chủ nhân của nó muốn nói. Cụ thể như trong Redemption Lost, nhạc chầm chậm như con tàu đang trôi lừng lờ trên biển rộng, xung quanh là mù sương, không bến bờ, không phương hướng, một cảm giác lạc lối đè nặng lên từng dây thần kinh. Ahab đã mang đến một sự đồng điệu giữa concept và musical perspective để dẫn lối ta vào thế giới riêng của họ.


    The June Frost cũng là một trong số những album đáng chú ý của năm 2009, tổng thể không quá xuất sắc nhưng nó lại có những track xuất sắc. Một trong số đó phải kể đến Suicide Choir, từ cái tên ta đã định hình ngay được nhạc của Mournful Congregation nó như thế nào. Nhạc cực kì chậm rãi thê lương, không có heavy, không có distortion, không growl, vocal gần như những lời cầu kinh, nó tuyệt vọng đến mức ta cảm thấy Suicide Choir như một bài ca tiễn ta về với thế giới bên kia. Lạ ở chỗ nó thê thảm nhưng lại vẫn đẹp! Suicide Choir có thể được coi là 1 masterpiece của Funeral Doom.


    Khi lần đầu tiên nghe Count Raven tôi đã phải buột miệng: WTF??? Ozzy ở đâu chui ra đây thế này - nhưng hóa ra đó là sự giống nhau đến kinh ngạc của Dan Fondelius. Count Raven chơi 1 thứ Doom cổ điển, 1 thứ Doom truyền thống và nói thật với 1 thằng vô thần như tôi thì không quan tâm lắm đến lyric concept của Count Raven vì nó thấm đẫm chất Christian. Dù sao thì Mammon's War là 1 album không tệ, đặc biệt nếu bạn là fanboi của Black Sabbath.

    [/SPoil]

    Mã:
    http://www.mediafire.com/?lkoq4z9vykpjda9




    Part 3: Death Metal

    Mã:
    http://www.mediafire.com/?3fjfln50z87lnn6




    Part 4: Old School Death Metal

    Mã:
    http://www.mediafire.com/?0f8gz7lkg5r20fv
    http://www.mediafire.com/?7filbt2x3lbb2bg




    Part 5: Thrash Metal

    Review:
    [Spoil]
    Thrash không cần phải quá cầu kì, cũng không nên câu nệ giai điệu. Cũng chả cần phải ngụp lặn trong mớ mainstream bòng bong, nhầy nhụa và ô hợp để đánh bóng mình. Bởi thế, bạn hãy đừng cầu kì thắc mắc, rằng tại sao không có bộ tứ hiện diện trong đây, vì một lẽ đơn giản rằng ngoại họ thì còn ối thrash band, cho dù underground nhưng chất nhạc của họ không hề overrated. Năm nay, collection mang lại những cái tên “có thể là lạ”, nhưng vốn dĩ với tiêu chí của người thực hiện - một thrash collection tốc độ, thả sức giật lắc – thì bạn sẽ thiển cận nếu chỉ đánh giá qua những cái tên.

    Mở đầu bằng Simple Aggression với track cùng tên, thrash band đến từ Kentucky, Hoa Kỳ này sẽ đủ khiến người nghe hiểu thế nào là aggression - một trong những đặc tính không thể thiếu của thrash metal. Vocalist của band này có một phong cách khá lạ, hơi giống với Mike Patton (Faith No More) ở sự tùy biến đa dạng trong chất giọng của mình, từ đó tạo nên âm vị mới mẻ cho tông nhạc chung của band.

    Vô cùng ấn tượng khi hai guitarist của Deathrow đưa người nghe vào The Deathwish bằng một đoạn riff rất catchy. So với những Kreator, Sodom thành danh trước đó, người ta có thể cho rằng Deathrow chỉ là một German thrash band hạng hai. Nhưng nếu tin theo điều đó thì bạn đã nhầm, sau những Satan’s Gift (1986) và Raging Steel (1987) theo phong cách ồn ào cùng phong độ ổn định, Deathrow đã cho ra mắt một Deception Ignored ngay một năm sau đó. Và album này cũng đánh dấu bước chuyển mình của Deathrow trở thành một technical thrash metal band vô cùng xuất sắc, cùng sự tuyệt vời của vocalist/bassist Milo, mặc dù anh không phải là một bassist dữ dội như Angelripper hay giọng hát uy lực của Mille Petrozza nhưng vẫn là một vocal đặc biệt với chất giọng khá giai điệu.

    Nhịp trống nện thình thịch trên nền guitar sắc lẹm, chính là Anacrusis cùng Sense of Will với một đoạn riff gây ấn tượng cho người nghe không kém gì Holy Wars của Megadeth hay Piranha của Exodus nếu bạn đã nghe qua. Guitar có thể không nhanh, không dồn dập bão táp nhưng lại vô cùng sáng tạo, cho từ những đoạn riff rất chậm rãi nhỏ nhẹ cho tới mạnh mẽ tốc độ. Kenn Nardi quả là một con quái vật trên cả hai phương diện sáng tác và guitar. Sense of Will là một tác phẩm toàn vẹn thể hiện tất cả các khía cạnh trên.

    Warbringer – cùng với Evile, Violator hay Mantic Ritual là những cái tên đang hết sức nỗ lực nhằm phục dựng một thời kì hoàng kim của thrash metal. Cho dù vẫn còn vương vấn đôi chút gì đó của Metallica hay Testament, nhưng qua Hell on Earth thì Warbringer cũng đã dần thể hiện chất riêng của mình. Sự tiến bộ rõ rệt đó thể hiện qua album Waking into Nightmares trong năm 2009 của họ.

    Sau địa ngục Trái Đất, mời bạn hãy cùng đến với địa ngục do Faustus tạo ra. Đa số thành viên của nhóm đều đến từ những thrash band đã có tên tuổi như Reverend hay Annihilator, Faustus chỉ cho ra đời album duy nhất ...And Still We Suffer vào năm 1995. Tuy vậy thì họ cũng đang rục rịch để trở lại trong năm 2010 tới.

    Nền metal Bắc Âu tuy giàu màu sắc nhưng thrash lại không được nhắc tới nhiều nếu so với những thể loại khác như black metal hay death metal. Stone - một cái tên đến từ Phần Lan lại là một điểm sáng trong số ít đó, khi mà họ kết hợp những gì tinh tế của Bay Area’s thrash vào nhào trộn với speed metal. Sweet Dreams sẽ đánh thức người nghe một lần nữa bằng một đoạn catchy riff ngọt ngào, giàu giai điệu. Lyric khá dí dỏm với sự thể hiện rất điên dại của vocalist cùng solo cũng rất ưa tai.

    Watchtower, một cái tên thuộc dạng “phải biết” nếu như đã nghe thrash nối tiếp với track Meltdown. Một trong những kiến trúc sư trưởng của cái công trình với tên gọi technical thrash metal. Có thể thấy dễ dàng ảnh hưởng của jazz-fusion hiện diện trong track này, khi mà khó có thể nắm bắt được tiết tấu của drummer Rick Colaluca, hay chìm đắm trong giọng hát của Jason McMaster (có thể cảm tưởng như Rob Halford, Paul DiAnno và Geddy Lee bị ném vào trong cùng một lò trộn) để rồi mất kiên nhẫn nếu vốn dĩ đã không quen với kiểu hát falsetto quái đản.

    Sadus có sự góp mặt của một trong những bassist xuất sắc nhất của thrash metal – Steve DiGiorgio, thậm chí nếu ta mở rộng ra cả những thể loại khác với những cống hiến của Steve cho Death, Iced Earth, Quo Vadis hay Autopsy. Steve DiGiorgio ảnh hưởng sâu đậm tới Sadus đến nỗi ngay cả với track Throwing Away The Day hiện diện trong collection này cũng có dấu ấn của anh hằn đậm lên riff của cả bài. Lối chơi bass đe nẹt, dẫm lên trên những nhạc cụ khác lại chính là những gì mà người nghe thích thú Sadus bên cạnh kĩ thuật và tốc độ. Thậm chí ngay cả album 2006 gần đầy của Sadus bị chửi thậm tệ nhưng Steve vẫn hỉ hả với những lời khen.

    Giờ là Intruder với track The Martyr. Lyric dài lê thê, quạt chả từ đầu tới cuối cùng vocal khá lố nhố. Phải tới phút thứ 3 thì Intruder mới thực sự máu lửa cho người nghe được nhờ. Nằm trong album A Higher Form of Killing, thực sự thì Intruder giết người nghe nhờ kĩ thuật cũng như là những intro dài lan man của mình.

    Domination – Pantera. Buổi biểu diễn live ở Monsters Of Rock 90 tại sân bay Tushino, Moscow trước 1,6 triệu người đã trở nên kinh điển. Guitar riff sắc như lưỡi dao cạo, cùng đoạn solo khiến cho người nghe phải kinh ngạc trước tài năng của Dimebag Darrell. Có lẽ vì quá nổi bật nên cũng không cần phải nói quá nhiều về track này.

    Những anh chàng nghiện nặng phim Pirates of the Caribbean đã thành lập Swashbuckle, một thrash band không giống ai chuyên viết nhạc về hải tặc, cướp bóc và đánh chén. Dead Man Tell No Lies khá là cuốn hút với tiết tấu dồn dập, death vocal và âm hưởng biển cả rất đặc trưng, rất khác so với sự hào sảng oanh liệt của người viking. Chỉ với hai album nhưng có lẽ những ai tìm đến thrash sẽ không quá khắt khe với Swashbuckle nghe gần như để... giải trí.

    Solstice – nôm na nghĩa là đông chí, tượng trưng ngày lạnh lẽo nhất năm lại tên của hai ban nhạc khác nhau. Một Solstice đến từ Anh quốc, chơi thể loại doom metal trầm cảm quanh năm. Ở bên kia thái cực lại là một thrash band tới từ US vô cùng truyền cảm với sự cục súc của mình. Nằm trong album đầu tiên Solstice (1992), Survival Reaction còn có sự góp mặt của James Murphy (Death, Obituary) bên cạnh bộ đôi khủng bố Rob Barrett (guitar/vocal) và Alex Marquez (drums).

    Bên cạnh Solstice và Malevolent Creation bên cạnh Rob Barrett, thì Alex Marquez còn tham gia cả một thrash band khủng bố khác – đó chính là Demolition Hammer. Envenomed tiếp diễn chuỗi ác mộng điên cuồng với nhịp trống búa tạ, guitar bào không ngừng nghỉ, xen giữa là một đoạn solo lắt léo điển hình. Vậy là đẹp để kết thúc collection album này, đến cả người viết cũng phải... ong đầu chóng mặt.[/Spoil]

    Mã:
    http://www.mediafire.com/?758z70zpad4pl92
    http://www.mediafire.com/?t57o34vmmo22w78




    Part 6: Heavy Metal


    Review:

    [Spoil]
    ”Am I evil? I am man, Yes I am.”
    Một câu hát mang ấn tượng thật khó quên! Nó chính là đoạn điệp khúc trong ca khúc Am I Evil? của Diamond Head. Dù vị trí cũng như danh tiếng của Diamond Head trong trào lưu NWOBHM không được như Iron Maiden, Judas Priest, Motorhead, … hay ngay cả Saxon, nhưng cùng với Am I Evil?, Diamond Head vẫn luôn khiến người hâm mộ Heavy Metal phải nhắc đến. Đây cũng là bài hát đã xuyên suốt trong cả sự nghiệp của ban nhạc, nằm trong cả 2 albums đầu của họ và xuất hiện trong hầu hết compilations sau này. Am I Evil? là món khai vị ngon lành cho một bữa tiệc heavy metal!

    Accept được thành lập từ năm 1968 khi lead vocalist Udo mới 16 tuổi. Nhưng phải mãi tới năm 1979 họ mới có album đầu tay, và thành công chỉ thực sự đến với họ vào năm 1983 khi đĩa nhạc Balls to the Wall ra đời. Cho đến nay, Balls to the Wall được xếp vào hàng kinh điển của Heavy Metal thập niên 80, là một trong những albums hết sức quan trọng trong làng Metal nước Đức và Châu Âu. Cùng với album này và những albums trong thập niên 80, Accept đã có đóng góp to lớn cho sự phát triển của Power metal cũng như Thrash metal. Bài hát cùng tên album, tiếp nối ngay sau Am I Evil?, chính là ca khúc nổi tiếng nhất của họ.

    Qua từng thời kỳ, Judas Priest cho thấy sự cải tiến âm nhạc một cách rõ rệt. Những năm tháng đầu tiên, chất nhạc của họ mang đầy âm hưởng Black Sabbath, lối chơi tương đối chậm rãi cùng những nỗ lực đẩy blues ra khỏi các sáng tác, dần dà từ cuối những năm 70 sang tới thập niên 80 và 90 Judas Priest trình làng một thứ âm nhạc ngày càng tốc độ và mạnh mẽ,cùng với hình ảnh những motor-bikers đầy ấn tượng trên sân khấu. Xuyên suốt quá trình ấy là một loạt albums xuất sắc, đi từ Sad Wings of Destiny qua Stained Class, British Steel tới Painkiller …
    Breaking the Law, trích từ album British Steel là một trong những ca khúc thành công vang dội nhất của Judas Priest. Ngắn gọn,và đơn giản, cả giai điệu và nội dung đều hướng tới khát vọng tự do cùng những ham muốn nổi loạn, bài hát đã dễ dàng chinh phục giới trẻ yêu Metal bất chấp nhiều ý kiến chê bai xoay quanh chính sự đơn giản của nó.

    Glam/Hair Metal từng một thời thống trị MTV và thị trường âm nhạc toàn thế giới, nhưng nó cũng phai nhạt rất nhanh và nhiều cái tên đã chìm nghỉm trong hằng hà sa số những cái tên khác. Nhưng người ta cũng sẽ không bao giờ có thể quên được Guns n Roses, Skid Row hay Bon Jovi … và đặc biệt là Motley Crue.
    Bàn về thực chất âm nhạc, Motley Crue, cũng giống với nhiều ban nhóm Glam/Hair khác, nằm giữa ranh giới Heavy Metal và Hard Rock. Những album Shout at the Devil, Girls Girls Girls hay Dr.Feelgood … là những classics của dòng Hair Metal. Motley Crue xứng đáng có 1 chỗ đứng trong tuyển tập này, và sự lựa chọn của tôi là bài Shout at the Devil trích trong album cùng tên.

    Dù không nổi tiếng bằng Randy Rhoads và Zakk Wylde, nhưng Jake E. Lee cũng đã góp phần quan trọng cho những thành công trong sự nghiệp solo của Ozzy Osbourne, khi anh góp mặt trong 2 albums gây tiếng vang lớn của Ozzy là Bark at the Moon và The Ultimate Sin. Ca khúc Bark at the Moon trích từ album cùng tên được cả Ozzy và Jake E. Lee cùng hợp tác viết nên, và nó đã trở thành một trong những bài hát xuất sắc, được nhiều người nghe đi nghe lại nhất của Ozzy trong suốt hơn 20 năm qua.

    Có thể có người nói Quiet Riot chỉ là 1 nhóm nhạc one-hit wonder, một cái tên có phần nhỏ bé khi đặt nó đứng bên cạnh những Judas Priest hay Black Sabbath trong cùng một collection. Nhưng không sao, đừng giữ những định kiến mà hãy lắng nghe Cum on Feel the Noize – ca khúc đã làm nên tên tuổi của họ. Đây là bản cover lại bài hát của nhóm glam rock thập niên 70 Slade theo phong cách heavy metal, một ca khúc sôi động rực lửa, ca khúc của những rock show hàng vạn người chật cứng!

    Def Leppard là một trong những nhóm nhạc thành công về thương mại nhất trong lịch sử nhạc Rock, với hơn 100 triệu đĩa được tiêu thụ trên toàn thế giới. Họ cũng là 1 phần của những năm tháng khởi đầu trào lưu NWOBHM. Nhưng thực tế giai đoạn đại thành công của họ lại không hề gắn liền với NWOBHM, mà đó là khi họ hướng tới một thứ nhạc hard rock nhiều tính thương mại và ăn nhập với mainstream khi ấy hơn (đặc biệt sau khi tay trống Rick Allen bị cụt tay, Def Leppard đã vượt qua khó khăn và cho ra đời album thành công nhất của họ, Hysteria). Vì vậy, Def Leppard không để lại nhiều đóng góp và dấu ấn cho Heavy Metal, còn bản nhạc tôi chọn ở đây – Switch 625 – cũng chẳng phải có tên tuổi lắm trong sự nghiệp của ban nhạc. Nhưng Switch 625, trích từ album High n Dry - đĩa nhạc buổi giao thời giữa 2 thời kỳ của Def Leppard, là một bản instrumental đúng màu heavy metal và theo tôi rất hợp với tuyển tập này.

    Ranh giới giữa cái thiện và cái ác là câu chuyện đã kéo dài hàng ngàn năm. Trong khi các tôn giáo chính thống thường ngả về cái cực thiện (hoặc được cho là như vậy), thì trong cuộc sống lại có những kẻ cùng hung cực ác, không việc tồi tệ nào không làm. Theo tư tưởng của Black Sabbath, thực ra trong cuộc sống và trong mỗi con người đều luôn tồn tại cả cái tốt và cái xấu, cái thiện và cái ác, tồn tại bên cạnh và xen lẫn vào nhau – Đó chính là Heaven and Hell. Cùng với sự xuất hiện của Ronnie James Dio, Black Sabbath đã có những đổi mới khác lạ so với thời kỳ kinh điển cùng tiếng hát Ozzy Osbourne, và tiếp tục ghi dấu tên mình như một vị lãnh tụ trên bầu trời Heavy Metal.

    Savatage chơi gì? Heavy Metal, Power Metal, hay Progressive Metal? Đó là một câu hỏi muôn thưở, và có lẽ là họ chơi tất cả mấy thứ trên. Nhưng có một điều không ai chối cãi được: trong những album đầu tiên Savatage chơi Heavy Metal. Đó cũng là lúc họ chưa đạt được nhiều thành công, và album Hall of the Mountain King đã đánh dấu sự thay đổi trong âm nhạc cùng những năm tháng rực rỡ của Savatage, để rồi Gutter Ballet tiếp tục đưa Savatage bước xa hơn khỏi điểm xuất phát của mình. Những ca khúc của Savatage trở nên đầy cảm xúc, với giọng hát giằng xé và tiếng đàn piano thánh thót của Jon Oliva, những câu guitar điêu luyện mùi mẫn của Criss Oliva. Gutter Ballet, xuất phát điểm là một vở rock opera của ông bầu Paul O’Neill, không những trở thành nguồn cảm hứng cho ca khúc cùng tên – một trong những bài hay nhất của Savatage, mà còn góp phần làm nên album Streets sau này.

    Lại một lần nữa Judas Priest có mặt trong tuyển tập này nhưng lần này sẽ không phải là một ca khúc sôi sục, bốc lửa và ngắn gọn như Breaking the Law, mà là một hình ảnh hoàn toàn khác: một Judas Priest chậm rãi, sâu thẳm khi kể về những khát khao tự do, những nỗi tuyệt vọng và cảm giác đối mặt với cái chết trong Beyond the Realms of Death.

    Nếu bạn lăn tăn tại sao Alice in Chains – một nhóm nhạc grunge có mặt trong collection này, tôi có thể nói rằng bạn thực sự chưa nghe Alice in Chains nhiều, hay thậm chí chưa nghe nhạc của họ bao giờ! Bởi AIC tuy là một tên tuổi lớn của grunge, chất nhạc của họ lại mang nặng âm hưởng Heavy Metal – và chính điều đó khiến họ buổi đầu không được đón nhận nồng nhiệt như Nirvana, Soundgarden hay Pearl Jam … nhưng lại chính là tên tuổi có ảnh hưởng lớn nhất trong Bộ Tứ Seattle. Man in the Box – với tiếng đàn chặt chém bị bóp méo nhờ sử dụng hiệu ứng, giọng hát ê a ủ rũ của Layne Staley – là một ca khúc tiêu biểu cho phong cách AIC.

    Tiếp nối vị trí của Jake E. Lee trong đội hình solo của Ozzy là tay guitar cự phách Zakk Wylde – và những năm tháng sáng nhất của anh là khi album No More Tears ra đời. Chẳng có lý do gì để bàn cãi nếu Ozzy xuất hiện lần hai trong tuyển tập này, và cũng chẳng có lý do nào có thể ngăn cản việc lựa chọn No More Tears – ca khúc mà Ozzy đã coi như “món quà của Thượng Đế” đứng vào đây!

    King Diamond là một nhân vật có ảnh hưởng rất lớn tới thế giới Metal – đặc biệt đối với Black Metal. Một ca sĩ có giọng hát falsetto và phong cách biểu diễn rất ấn tượng. Một trong những kẻ đầu tiên thành công trong việc phổ biến tư tưởng Satanic. Một con người đã làm rạng danh đất nước nhỏ bé Đan Mạch trên bản đồ Metal thế giới. Một nhân vật khó lòng bỏ qua nếu làm một tuyển tập Heavy Metal.

    Một kẻ tử tội sắp tới giây phút bước lên đoạn đầu đài, và đó là khi anh ta tự vấn bản thân mình về niềm tin vào cuộc sống, vào Thượng Đế:” Somebody cries from a cell “God be with you” - If there's a God then why does he let me go?”. Đó chính là nội dung của bài hát kinh điển Hallowed be Thy Name của Iron Maiden. Nhắc đến NWOBHM, cái tên đầu tiên cần vinh danh đó chính là Iron Maiden, và nhắc đến ban nhạc này không thể quên Hallowed be Thy Name. Từng làm nên một kết thúc mỹ mãn cho album Number of the Beast, tôi nghĩ Hallowed be Thy Name cũng rất xứng đáng khi khép lại tuyển tập này![/Spoil]

    Mã:
    http://www.mediafire.com/?2nd02vlyfzw
    http://www.mediafire.com/?vdndy1yjnz0
    http://www.mediafire.com/?mamvldmzjvy




    Extra Bonus: Classic Rock

    Mã:
    http://www.mediafire.com/?76brxtvcdi33e1i
    http://www.mediafire.com/?205tkve5crr525d
     
    Chỉnh sửa cuối: 2/12/10

Chia sẻ trang này