Skyrim - Vài nét về lịch sử, địa lý, văn hóa, xã hội.

Thảo luận trong 'RPG Vault' bắt đầu bởi Morrowind_Lord, 13/11/14.

  1. Morrowind_Lord

    Morrowind_Lord Mr & Ms Pac-Man

    Tham gia ngày:
    23/5/05
    Bài viết:
    189
    Vũ trụ bao gồm “cõi” phàm, các “cõi” Oblivion, và “cõi” Aetherius. Hành tinh Nern là thuộc về “cõi” phàm. Ở trong thế giới Elderscroll, hành tinh Nern đại diện cho Trái Đất ở ngoài đời. Hành tinh Nern được bao phủ bởi các đại dương, xen kẽ là các lục địa lớn nhỏ. Chính xác bao nhiêu lục địa thì không ai dám chắc, nhưng cho tới hiện tại thì đã có nhiều bản đồ sơ lược bề mặt của Nern với hai lục địa chính lớn nhất là Tamriel và Akavir. Ngoài ra có các lục địa nhỏ hơn là Atmora, Yokuda, Pyandonea, Thras, và Aldmeris.

    [​IMG]


    Trước đây, toàn bộ lục địa Tamriel cùng với quần đảo Summerset Isles tạo nên đế quốc Tamriel. Đế quốc Tamriel lúc ấy là tập hợp của 9 vùng lãnh thổ. Mỗi lãnh thổ được gọi là một tỉnh (province), nhưng có thể coi như là một quốc gia độc lập bởi có vua riêng và cơ cấu quản lý cũng như pháp luật riêng. 9 quốc gia này là Black Marsh, Cyrodiil, Elsweyr, Hammerfell, High Rock, Morrowind, Skyrim, Summerset Isles, và Valenwood.


    Skyrim là một vùng lãnh thổ rộng lớn ở phía bắc của Tamriel và là nơi định cư của người Nords, giống người to lớn, khỏe mạnh, và có sức chịu lạnh rất tốt. Người Nords khá tương đồng với người Bắc Âu (Đan Mạch, Na Uy, Phần Lan) ngoài đời. Trước khi người Nords đến, Skyrim là mảnh đất của Snow Elves. Sau cuộc chiến giữa Nords và Snow Elves, Snow Elves bị tiêu diệt và Nords trở thành loại duy nhất định cư tại đây. Skyrim tiếp giáp với Morrowind ở phía Đông, Cyrodiil ở phía Nam, Hammerfell ở phía Tây Nam, High Rock ở phía Tây, và biển Sea of Ghosts ở phía Bắc. Hòn đảo Solstheim, trước đây cũng thuộc về Skyrim, nằm ở phía Đông Bắc.

    [​IMG]


    *Về Địa Lý:

    Skyrim là quốc gia lớn thứ 4 ở Tamriel với diện tích tổng cộng 105,500 dặm vuông, bao gồm đồng bằng, rừng rậm, cao nguyên, và vùng núi. 5 đỉnh núi cao nhất Tamriel đều ở Skyrim. Điều kiện khí hậu rất khắc nghiệt, hầu như luôn lạnh và giá tuyết. Dân số tập trung ở phía Tây, vì nơi đây có nhiều đồng bằng, thuận lợi hơn cho đi lại, xây dựng, và nông nghiệp.


    Mặc dù thời tiết khắc nghiệt, vô số loài thực vật vẫn thích nghi và phát triển ở Skyrim. Rau, củ, quả có khoai tây, cải bắp, lúa mạch, cà chua, hành, tỏi, dưa hấu, lê, táo, v.v.. Có rất nhiều loài hoa mọc khắp nơi. Một số như dâu tuyết (snowberry) thậm chí mọc ở những vùng cực kỳ băng giá. Có vô số các loại nấm. Nirnroot, loại cây quý hiếm gặp ở Cyrodiil cũng có ở Skyrim. Skyrim còn có một loại Nirnroot đặc biệt khác có màu đỏ và chỉ mọc ở vùng hang động Blackreach, gọi là Crimson Nirnroot.


    Về động vật, có nhiều loại khác nhau xuyên xuốt Skyrim. Một số loại là mục tiêu săn bắn lấy da và thịt như hươu nai, gấu, báo, chó sói, dê núi. Một số loại được thuần hóa như chó nhà, ngựa hoặc được chăn nuôi như gà vịt, bò, dê. Ngựa ở Skyrim rất khỏe và chịu lạnh rất tốt. Nhược điểm của các loại ngựa này là tốc độ không bằng ngựa ở Cyrodiil. Xe ngựa là một phương tiện vận chuyển thông dụng và hiệu quả ở Skyrim. Chỉ với một phí nhỏ, ai cũng có thể đến nơi mình muốn một cách an toàn.


    *Về hành chính:


    Skyrim được chia ra làm 9 đơn vị hành chính gọi là “hold.” Mỗi đơn vị hành chính này như một vùng tự trị được lãnh đạo bởi một Jarl (như kiểu bá tước ở Anh), có quân đội riêng và huy hiệu riêng. Một trong 9 vị Jarl này là Vua/ Nữ Hoàng của Skyrim.


    -The Pale: Thủ phủ của The Pale là Dawnstar. Jarl của The Pale là Skald the Elder (Skald bô lão).

    -Falkreath Hold: Thủ phủ là Falkreath. Jarl là Siddgeir.

    -The Reach: Thủ phủ là Markarth. Jarl là Igmund.

    -Hjaalmarch: Thủ phủ là Morthal. Jarl là Idgrod Ravencrone

    -The Rift: Thủ phủ là Riften. Jarl là Laila Law-Giver (Laila lập pháp)

    -Haafingar: Thủ phủ là Solitude. Jarl của Haafingar, Torygg, cũng là Vua của Skyrim, bị ám sát bởi Ulfric Stormcloak. Vợ góa của Torygg là Elisyf the Fair, lên thay chồng trở thành Jarl

    -Whiterun Hold: Thủ phủ là Whiterun. Jarl là Balgruuf the greater.

    -Winterhold Hold: Thủ phủ là Winterhold. Jarl là Korir.

    -Eastmarch: Thủ phủ là Windhelm. Jarl là Ulfric Stormcloak.

    Vua và Bá tước ở Skyrim đều là cha truyền con nối. Con trai và con gái đều ngang bằng nhau về mặt thừa kế. Thường thì ai lớn nhất sẽ được thừa kế. Nếu không có con cái hoặc con cái còn quá nhỏ thì vợ chồng sẽ thừa kế nhau. Nếu không có thân nhân nào để thừa kế thì các Jarl sẽ bỏ phiếu ra bầu Vua mới.

    Vua và các Bá ở Skyrim đều có chân trong Elder Council (hội đồng bô lão). Elder Council là cơ quan quyền lực thứ hai ở Tamriel, chỉ đứng sau hoàng đế, có trụ sở ở Imperial Palace tại Imperial City. Có thể coi như Elder Council là Quốc Hội ở ngoài đời. Trong sự kiện Oblivion, hoàng đế Uriel Septim VII bị ám sát, Elder Council đã lãnh đạo Tamriel xuyên suôt 15 năm, cho đến khi chủ tịch Elder Council là Ocato bị ám sát.

    Trở lại với chức Jarl ở Skyrim. Mỗi Jarl có một đội ngũ nhân sự hỗ trợ trong công việc hành chính và chấp pháp ở Hold của mình:

    Stewards (Nhiếp chính): điều hành quan hệ đối ngoại, làm ăn buôn bán, tranh tụng dân sự, và mua bán bất động sản.
    Court Wizards (Pháp Sư Triều Đình): phụ trách các vấn đề về pháp thuật.
    Housecarls (Cận vệ): Bảo vệ Jarl mọi lúc mọi nơi
    Thanes: cố vấn danh dự, có nhà và cận vệ riêng, nhưng không tham gia nhiều vào triều chính.
    Captains: Chỉ huy quân đội.

    ...(con tiep)
     
    Chỉnh sửa cuối: 14/12/14
  2. Morrowind_Lord

    Morrowind_Lord Mr & Ms Pac-Man

    Tham gia ngày:
    23/5/05
    Bài viết:
    189
    *Ngược dòng lịch sử:

    Cuộc chiến Atmoran-Snow Elf

    Ở phía Bắc Skyrim, phía bên kia biển Sea of Ghosts, là một lục địa băng giá gọi là Atmora. Vào kỷ nguyên Huyền Bí, tại đây xảy ra một cuộc nội chiến khiến cho một nhóm người Atmorans bỏ ra đi tìm miền đất sống mới. Nhóm này, dẫn đầu bởi Ysgramor, được cho là những người đầu tiên đặt chân lên Tamriel. (Thực tế sau đó các bằng chứng khảo cổ học cho thấy không phải). Khi đến Skyrim, họ gặp rất đông Snow Elves sinh sống ở Skyrim nên đã đặt tên cho Skyrim là Mereth. (Vì các giống tinh trong thế giới Elder Scroll gọi là “Mer”). Ban đầu, người Atmorans định cư ở vùng bây giờ gọi là Winterhold hold, và xây dựng nên thành phố đầu tiên gọi là Saarthal. Mối quan hệ giữa Atmorans và Snow Elves khá bình ổn.

    Các loài tinh vào thời điểm ban đầu vẫn thường cho các loài người là thuộc về hạ đẳng, không văn hóa và trí tuệ bằng họ. Đồng thời, loài người có chu kỳ sống ngắn hơn rất nhiều, cho nên sức phát triển rất mạnh mẽ. Con người sinh đẻ nhiều hơn, trưởng thành sớm hơn, phá hoại môi trường cũng nhiều hơn. Điều này trở thành mối đe dọa cho Snow Elves. Ngoài ra, khi Atmorans xây dựng Saarthal, Snow Elves cho rằng người Atmorans đã đào ra được một vật gì đó rất đặc biệt sâu trong long đất. (Vật này thực ra là “The Eye of Magnus”). Nhiều nguyên nhân gộp lại, Snow Elves đã quyết định tấn công Saarthal nhằm vừa tiêu diệt Atmorans vừa giành lấy vật báu từ tay của họ. Một mũi tên giết 2 mục tiêu. Atmorans bị thảm sát. Ysgramor và 2 con trai là những người duy nhất trốn thoát được và chạy về Atmora.

    Trở lại Atmora, cuộc nội chiến đã kết thúc. Câu chuyện của Ysgramor ở Skyrim khiến cho người Atmorans bỗng dưng có chung một kẻ thù khác, đó là Snow Elves. Họ đoàn kết nhau hơn, và quyết định tiến sang Skyrim trả thù cho dân Atmorans đã chết dưới tay Snow Elves. Chỉ sau vài năm, Ysgramor đã tập hợp được một đoàn thuyền gồm 500 hảo hán. 500 người này là những anh hùng trong cuộc nội chiến ở Atmora, giờ lập thành “Five Hundred Companions” (500 người bạn đồng hành), cùng quyết tâm vượt biển với Ysgramor trở lại Skyrim.

    [​IMG]


    Cuộc chiến Atmoran-Snow Elf sau đó nổ ra ở Skyrim. Ở khắp nơi Atmorans đều giành thắng lợi và dần tiêu diệt gần hết Snow Elves ở Skyrim. Đảo Solstheim là thành lũy cuối cùng của Snow Elves. Ở đấy lực lượng của Snow Elves còn mạnh được dẫn đầu bởi Snow Prince. Cuộc chiến đã tiến về giai đoạn cuối, và trận đánh Moesring ở Solstheim được coi như là trận đánh cuối cùng giữa Atmorans và Snow Elves. Khởi đầu trận đánh, Atmorans chiếm thế thượng phong. Gió đổi chiều khi Snow Prince xông vào trận. Truyền thuyết kể lại rằng Snow Prince mặc giáp phép, mang giáo phép tỏa ra hòa quang sáng chóa, giết Atmorans vô số. Nhiều danh tướng lẫy lừng của Atmorans như Ingialdr White-Eye (Ingialdr nhãn bạc), Ulfgi Anvil-Hand (Ulfgi tay kiếm Anvil), Strom the White (Strom trắng), Freida Oaken-Wand (Freida gậy sồi), và Heimdall the Frenzied (Heimdall điên) đều chết dưới tay Snow Prince. Snow Elves thấy chủ tướng đánh Đông dẹp Bắc, chém tướng vố số, tinh thần bỗng trở nên phấn chấn. Trận đánh đang đi theo hướng vô cùng bất lợi cho Atmorans, thì bỗng dưng Snow Prince chết. Lúc đó, Snow Prince giết chết Jofrior. Con gái của Jofrior là Finna lúc ấy mới 12 tuổi, chứng kiến cái chết của mẹ, thay vì sợ hãi, đã nhặt thanh kiếm của mẹ mình lên vào phóng kiếm vào ngực Snow Prince. Snow Prince hoàn toàn không đề phòng một bé gái 12 tuổi, bị kiếm phóng thẳng vào ngực chết tốt. Quân Snow Elves như rắn mất đầu, nhanh chóng tan vỡ. Số không kịp chạy thoát đều bị giết.

    Sau trận đánh Moesring, cuộc chiến Atmoran-Snow Elf nhanh chóng kết thúc. 500 người bạn đồng hành đuổi giết tất cả tàn dư Snow Elves ra khỏi Skyrim. Nền văn minh Snow Elf bị tiêu diệt. Ysgramor trở thành vua và những người bạn đồng hành còn sống sót đều được phong tước hiệp sĩ.

    500 Companions sau đó chia ra thành nhiều nhóm và tỏa đi khắp Skyrim. Ysgramor và một nhóm đi về phía Đông, rồi xuống Nam, và xây dựng nên thành phố Windhelm, thành phố của những vị Vua. Nhóm Jeek of the River thì gặp Skyforge, và quyết định dung con thuyền Jorrvaskr của họ để xây dựng nên Whiterun.

    Cuộc chiến Người vs Rồng:

    Người Atmorans mang đến Skyrim tôn giáo của họ từ Atmora. Đây là tôn giáo thờ các loài vật như chim ưng, chó sói, rắn, bướm đêm, cú mèo, cá voi, gấu, cáo, và quan trọng nhất là rồng. Người Atmorans cho rằng rồng là đứng đầu trong các loài mà họ thờ. Ban đầu họ thờ tượng Rồng, nhưng vì ở cả Atmora và Tamriel thời điểm đó có rất nhiều rồng sinh sống, thành ra tôn giáo này dần dà chuyển sang thờ rồng sống.

    Loài rồng thấy con người thờ họ thì đón nhận điều đó như là lẽ tự nhiên của tạo hóa. Loài rồng vốn luôn nghĩ rằng họ là thượng đẳng so với các loài khác. Rồng là con cháu của Akatosh, vị rồng thần thời gian, đứng đầu trong 8 vị thần tạo ra Nirn. Alduin (the World-Eater, kẻ ăn thịt thế giới), chúa tể loài rồng, tự xưng là đứa con đầu tiên của Akatosh. Loài rồng, với quyền năng gần như vô đối, nghĩ rằng họ là loài thống trị các loài. Rồng ban một ít quyền năng của mình cho các tu sĩ Rồng (Dragon Priests) để đảm trách nhiệm vụ trực tiếp chăn dắt loài người. Các tu sĩ Rồng đứng đầu tôn giáo Rồng và trở nên giàu có và quyền lực ngang ngửa với Vua. Họ tạo ra luật lệ tôn giáo để đảm bảo quan hệ tốt đẹp giữa người và rồng, đồng thời đòi hỏi nhiều cống nạp của cải vật chất. Dần dà, nhiều tu sĩ Rồng lợi dụng quyền lực để làm lợi cho cá nhân, và bóc lột loài người rất hà khắc, biến loài người thành nô lệ cho riêng họ. Alduin nhắm mắt làm ngơ, không đếm xỉa gì đến loài người.

    Khi bị bóc lột quá sức chịu đựng, loài người nổi dậy chống lại các tu sĩ Rồng, khiến cho Alduin và loài rồng tấn công người. Cuộc chiến người-rồng nổ ra và thật là một cuộc chiến không cân sức. Một đội quân tinh nhuệ của con người cũng không phải là đối thủ của một con rồng. Loài rồng ngoài khả năng bay lượn và sức khỏe ghê gớm còn có tiếng gầm có thể san bằng làng mạc, sập thành lở đất. Ban đầu loài người chết không kể xiết. Sau đó Kynareth (người Nords gọi là Kyne) là nữ thần của giông bão, can thiệp, chỉ đạo Paarthurnax giúp đỡ loài người. Paarthurnax là cánh tay phải của Alduin trong cuộc chiến người-rồng, nay cùng một số rồng khác phản bội lại Alduin và dạy cho loài người cách thức sử dụng tiếng gầm.

    [​IMG] Paarthurnax

    [​IMG] Kynareth

    Cần nói qua về tiếng gầm, ngôn ngữ rồng gọi là “Thu’um.” Loài rồng có khả năng tự nhiên với tiếng gầm, và sử dụng nó thành thục và dễ dàng. Còn đối với loài người thì chỉ những ai có khả năng đặc biệt và thông qua tập luyện và thiền tịnh lâu dài, qua nhiều năm tháng, từng từ một, thì mới có khả năng sử dụng thành thục một vài tiếng gầm. Có một ngoại lệ là những cá nhân được gọi là “Dragonborn”, những người sinh ra trong thân xác người nhưng linh hồn rồng. Dragonborn có khả năng nắm bắt “Thu’um” nhanh chóng thông qua học tập hoặc hấp thụ linh hồn của rồng. Nếu Dragonborn xuất hiện gần một con rồng mới chết sẽ tự nhiên hấp thụ được linh hồn của con rồng đó.

    Quay trở lại cuộc chiến, sau khi học được cách sử dụng Thu’um, loài người đã có khả năng chiến đấu với loài rồng. Để có thể đánh bại Alduin, loài người tạo ra tiếng gầm “Dragonrend.” Tiếng gầm này áp đặt khái niệm phàm tục vào tư tưởng của một con rồng, làm nó quên đi mình là siêu phàm. Điều này vốn xa lạ với loài rồng, khiến cho đầu óc nó bị tê liệt nhất thời và không thể tập trung bay được nữa, đành phải hạ cánh. Nhờ vậy con người có thể đánh nhau với rồng trên mặt đất. Dragonrend cũng có thể dùng để át lại tiếng gầm của rồng, đặc biệt là “Fire Breath.”

    Sử dụng dragonrend, 3 anh hùng Nords là Gormlaith Golden-Hilt (Gormlaith chuôi kiếm vàng), Hakon One-Eye (Hakon một mắt), và Felldir the Old (Felldir cổ đại) đã buộc Alduin hạ cánh và đánh nhau với Alduin trên đỉnh Throat of the World. Gormlaith bị Alduin giết, Hakon bị trọng thương. Trong tình thế bí bách, Felldir sử dụng một “Elder Scroll” (tạm dịch cuồn bí kíp các bô lão), để đẩy lùi Alduin vào dĩ vãng, hy vọng nó sẽ bị thất lạc với thời gian. Loài người đánh bại Alduin, và sau đó đuổi đánh các rồng còn lại cùng các tu sĩ rồng, và chiến thắng cuộc chiến người-rồng. Tuy nhiên đây chỉ là chiến thắng nhất thời, vì thay vì Alduin bị đẩy ngược về thời gian, nó bị đẩy tới tương lai và xuất hiện trở lại vào kỉ nguyên thứ Tư, tức là sự kiện diễn ra trong Elder Scroll V: Skyrim.

    “Kẻ ăn thịt thế giới thức dậy
    Và bánh xe thời gian lăn với Dragonborn cuối cùng..”

    ---Lời sấm truyền



    ... còn tiếp
     
    Chỉnh sửa cuối: 14/12/14
  3. Morrowind_Lord

    Morrowind_Lord Mr & Ms Pac-Man

    Tham gia ngày:
    23/5/05
    Bài viết:
    189
    Các cột mốc lịch sử

    *Kỉ nguyên thứ nhất

    Thế kỉ thứ nhất:

    1E 68 (năm thứ 68 kỉ nguyên nhất): con thuyền Atmoran cuối cùng đến Tamriel.

    Thế kỉ thứ 2:

    Snow Elves kháng chiến lẻ tẻ cho đến triều đại thứ 13 của nhà Ysgramor, lúc đó là vua Harald. Vua Harald cũng là người đầu tiên cắt đứt các mối liên hệ với Atmora và tuyên bố người Nords ở Skyrim là người độc lập.

    1E 113 đến 1E 139
    -Harald, vua tương lai của Skyrim, chào đời
    -Skorm Snow-Strider dẫn quân vây hãm Rahgot, tu sĩ Rồng cuối cùng còn sót lại từ cuộc chiến người-rồng, cùng môn hộ tại Forelhost.

    1E 143: Vua Harald chinh phục Skyrim.

    Thế kỉ thứ 3:

    Vrage the Gifted (Vrage thiên tài) phát động cuộc bành trướng lãnh thổ sau này dẫn đến việc thành lập đế quốc đầu tiên. Trong vòng 50 năm dưới sự lãnh đạo của vua Vrage, người Nords thống lãnh toàn bộ Skyrim và một phần High Rock, Cyrodiil, và Morrowind. Việc thu nạp Morrowind diễn ra đẫm máu, vẫn còn được ghi nhớ ở Morrowind. Mục đích của việc thành lập vương quốc Resdayn liên minh giữa Chimer và Dwemer là để hất cẳng người Nords ra khỏi Morrowind.

    1E 221
    -Vua Harald qua đời. Con trưởng Hjalmer lên ngôi.

    1E 222
    -Vua Hjalmer chết. Con thứ hai của Harald là Vrage, lên ngôi.

    1E 240
    -Skyrim chinh phục High Rock và Morrowind.

    1E 242
    -Alessia dẫn dân nô lệ khởi nghĩa lật đổ giai cấp thống trị Ayleids ở Cyrodiil. Skyrim hậu thuẫn Alessia đến thắng lợi và Alessia thiết lập đế quốc đầu tiên ở Cyrodiil, trở thành nữ hoàng đế.

    Thế kỉ thứ 4:

    1E 358
    -Đế quốc Cyrodiil và đế quốc Skyrim liên minh tấn công và đánh hạ gia tộc Direnni trong một trận đánh ở sườn Đông của dãy Hagroth ở Skyrim.

    1E 369
    -Vua Borgas từ Winterhold bị giết. Borgas đi đến Cyrodiil để vận động cho một cuộc chiến chống lại Bosmer và trở thành nạn nhân của Wild Hunt (cuộc săn hoang dại). Xác của vua Borgas được bí mật mang về Skyrim và chôn cùng vương miện huyền thoại Jagged Crown ở cổ mộ Korvanjund. Borgas là vua cuối cùng của triều đại Ysgramor. Sau khi Borgas chết thì nổ ra cuộc tranh chấp thừa kế “War of Succession,” và bắt đầu sự đi xuống của đế chế người Nord.

    Thế kỉ thứ 5:

    1E 409
    -Người Nord mất quyền kiểm soát phần đất của họ ở Cyrodiil (chủ yếu ở lưu vực Nibenay). Tất cả Cyrodiil về dưới tay đế quốc người Imperials dựng lên bởi Alessia.

    1E 416
    -Người Nords bị đánh bật ra khỏi Morrowind sau trận đánh thứ nhất Red Mountain (Trận đánh thứ 2 ở Red Mountain năm 1E 700 không dính dáng người Nords), và mất toàn bộ phần đất của họ ở Morrowind vào tay liên minh Dwemer và Chimer. Ở trận chiến này, liên minh Dwemer lãnh đạo bởi vua Dumac và Chimer lãnh đạo bởi Indoril Nerevar đã đánh bại quân đội người Nords một cách toàn diện, khiến cho Jurgen Windcaller dành 7 năm kế tiếp của cuộc đời ông ta chiêm nghiệm về thất bại này. Jurgen Windcaller cuối cùng nghiệm ra rằng các vị thánh thần đã trừng phạt người Nords vì họ sử dụng tiếng gầm vào mục đích chiến tranh để mở rộng lãnh thổ. Jurgen Windcaller sau đó sáng lập ra giáo phái “Greybeards” (râu bạc) và chân tu “Way of the Voice,” truyền dạy về việc không sử dụng “Thu’um” cho vũ lực.


    [​IMG] Jurgen Windcaller



    1E 420
    -Cuộc chiến tranh giành thừa kế “War of Succession” kết thúc. Lãnh thổ đế quốc người Nords dựng lên bởi Ysgramor và bành trướng bởi Vrage the Gifted bây giờ chỉ còn lại Skyrim. Olaf One-eye (Olaf một mắt) trở thành Vua Skyrim sau khi dùng tiếng gầm của mình đánh bại và cầm tù rồng Numinex ở Dragonsearch, Whiterun. Việc Olaf đánh bại rồng Numinex có vài người làm chứng, tuy nhiên có ý kiến cho rằng những người này đã được dàn xếp bởi sau khi Olaf lên ngôi, tất cả những người làm chứng này đều trở nên giàu có.

    Thế kỉ 11:

    1E 1030
    -Thủ lĩnh của người Bretons bản xứ ở the Reach là Faolan, còn gọi là Red Eagle, được cho là sinh ra vào thời điểm này. The Reach lúc ấy là bao gồm các tiểu quốc chiến tranh lẫn nhau. Red Eagle là người thống nhất họ.
    -Nữ hoàng Hestra đế quốc Cyrodiil của người Imperials tấn công the Reach và gặp sự kháng cự quyết liệt từ Red Eagle và quân ông ta.

    Thế kỷ 28:

    1E 2703
    -Quân Akavir tấn công Tamriel. Tướng Reman Cyrodiil đánh bại Akavir ở trận Pale Pass.
    -Tướng Reman Cyrodiil sau đó trở thành hoàng đế của đế quốc Reman.

    1E 2762
    -Brazoluss Dor trở thành hoàng đế. Dưới sự lãnh đạo của hoàng đế Brazoluss Dor, đế quốc Reman bành trướng lãnh thổ và Skyrim trở thành một phần của đế quốc Reman.

    Thế kỷ 29:

    1E 2804
    -Hoàng đế Kastav Cyrodiil áp đặt chế độ nghĩa vụ quân sự bắt buộc đối với Skyrim dẫn đến nổi dậy ở Winterhold.

    1E 2805
    -Kalien đăng ký vào lực lượng vệ sĩ Rồng Dragonguard (là lực lượng tạo nên mật vụ the Blades của triều đại Septim). Bị từ chối, Kalien tấn công và tàn phá Winterhold. Nổi giận, dân chúng vây hãm Sky Haven Temple (căn cứ địa của Dragonguard và sau này là the Blades) ở Markarth và chỉ vãn lui khi hoàng đế Reman II lên ngôi thay thế Kastav.

    1E 2812
    -Hoàng đế Reman II cho phép khởi công xây dựng bức tường Alduin (Alduin’s Wall) ở Sky Haven Temple. Mục đích của bức tường này là để ghi chép lại những hiểu biết của các Dragonguard về Rồng và những lời sấm tiên tri mà các Dragonguard mang đến từ Akivir. Bức tường được hoàn thành trong 6 năm, và có ghi chép các lời tiên đoán về các sự kiện lớn ở Tamriel như cuộc chiến người-rồng, trận đánh ở Red Mountain, cuộc khủng hoảng Oblivion, cuộc nội chiến Skyrim, và sự trở lại của Alduin.

    1E 2818
    -Bức tường Alduin hoàn tất.


    [​IMG] Sky Haven Temple



    *Kỷ nguyên thứ 3


    Nhân vật Tiber Septim, còn gọi là Talos hay Stormcrown, xuất hiện ở cuối kỷ nguyên thứ 2. Có một vài thuyết khác nhau về nguồn gốc của Tiber Septim. Mặc dù đây có thể nói là nhân vật nổi tiếng nhất Tamriel, nguồn gốc của ông ta vẫn chưa được chính thức. Có thuyết cho rằng Tiber Septim là người Nords xuất thân từ Atmora. Tiber Septim là người gầy dựng nên đế chế Septim. Sang kỷ nguyên thứ 3, dòng dõi nhà Septim lãnh đạo đế quốc Tamriel thịnh vượng xuyên suốt kỷ nguyên, và ở đỉnh cao, đế quốc Tamriel bao gồm toàn bộ lục địa Tamriel và quần đảo Summerset Isles (nay là Alinor). Triều đại Septim chấm dứt vào cuối kỷ nguyên thứ 3 khi Martin Septim hy sinh mạng sống để cứu Tamriel (và có thể là Nern) khỏi sự xâm lăng của Mehrunes Dagon.

    Vào thế kỷ thứ 5 của kỷ nguyên thứ 3 xảy ra một sự kiện lớn đã được tiên đoán ở bức tường Alduin, đó là cuộc khủng hoảng Oblivion. Đầu tiên hoàng đế Uriel Septim VII và các con trai bị ám sát. Một deadra chúa là Mehrunes Dagon mở cuộc xâm lược Nirn thông qua các cách cửa Oblivion mở ra ở kháp Tamriel, bao gồm Skyrim. Tuy nhiên các sự kiện chính diễn ra ở Cyrodiil khi mà người anh hùng Kvatch, xuất thân là một tử tù, và thái tử Martin Septim, con ngoài giá thú của Uriel, liên hợp đánh bại Mehrunes Dagon và khóa vĩnh viễn cách cửa nối liền Oblivion và Nirn. Martin hy sinh và dòng dõi Septim bị tuyệt. Chủ tịch hội đồng bô lão Ocato lãnh đạo đế quốc trong 15 năm cho đến khi bị ám sát. Đế quốc rơi vào hỗn loạn chính trị. Tướng Titus Mede sau đó chỉ với 1000 quân đã vào nắm lấy quyền lực và thiết lập lại ổn định, lập ra đế quốc Mede.
    [​IMG] Tiber Septim (còn gọi là tướng Talos)


    ... (còn tiếp)
     
    Chỉnh sửa cuối: 14/12/14
  4. Morrowind_Lord

    Morrowind_Lord Mr & Ms Pac-Man

    Tham gia ngày:
    23/5/05
    Bài viết:
    189
    *Kỷ nguyên thứ 4

    Thế kỷ thứ Nhất:

    Trong khi xảy ra sự kiện Oblivion vào cuối kỷ nguyên thứ 3, ở Morrowind, thánh Vivec (và cả Nerevarine) bỗng dưng mất tích. Điều này khiến cho Ministry of Truth (bộ Sự Thật) trở nên không ổn định và đe dọa rớt xuống. Ministry of Truth thực ra là một khối đá khổng lồ gọi là Baar Dau, do Sheogath ném từ Oblivion vào để phá hủy thành phố Vivec. Vivec lúc đó chỉ cần dơ tay một cái lập tức hòn thiên thạch này dừng lại và lơ lửng ngay trên bầu trời thành phố. Vivec quyết định để hòn thiên thạch lơ lửng để nhắc nhở mọi người về quyền năng của Tribunal, và đồng thời để nhắc nhở dân Dunmer rằng nếu một ngày nào đó họ không tôn thờ Tribunal nữa thì hòn đá đó sẽ rớt xuống đầu họ.

    Dân Morrowind sau đó sử dụng Baar Dau và biến nó thành bộ Sự Thật, nơi giam cầm những tù nhân nguy hiểm nhất Morrowind. Sau khi Nerevarine giết chết Dagoth Ur và phá hủy trái tim Lorkhan, Tribunal mất nguồn năng lượng giúp cho họ trở nên phi phàm. Vivec cũng vì thế dần dần trở thành người thường. Tuy nhiên Vivec vẫn còn quyền năng đủ để chống giữ khối thiên thạch, chỉ là không biết được trong bao lâu mà thôi.

    Sau khi Vivec mất tích, dân Dunmer dùng nhiều cách thức nhưng cuối cùng hòn thiên thạch khổng lồ này cũng đã rớt xuống thành phố Vivec, gây chấn động và đánh thức ngọn núi lửa nguội lạnh Red Mountain hoạt động trở lại vào đầu kỷ nguyên thứ 4. Red Mountain phá hủy đảo Vvardenfell và tàn phá nặng nề khắp Morrowind. Dân Morrowind phải bỏ xứ di tản sang các quốc gia lân cận và đảo Solstheim. Sự kiện này được gọi là “the Red Year” (Hồng Niên) bởi vì bầu trời Morrowind và nhiều vùng lân cận chuyển màu đỏ do hoạt động phun trào của Red Mountain. Thời điểm này là vào khoảng 4E 5, 4E 6.

    Tai họa nối tiếp tai họa, năm 4E 6, quân Argonians, vốn thù ghét Dunmer vì nô lệ họ, cộng thêm bị xúi giục bởi Thalmor, nên đã nhân lúc Morrowind suy yếu tấn công xâm lược miền Nam Morrowind.

    Năm 4E 16, Vua Skyrim ban đảo Solstheim cho Morrowind để làm nơi lánh nạn cho dân Morrowind chạy trốn núi lửa.

    Vào khoảng năm 4E 15, tức là 15 năm sau sự kiện Oblivion, chủ tịch hội đồng bô lão Ocato, cũng là người lãnh đạo đế quốc Tamriel trong lúc thiếu vắng một hoàng đế thực thụ, bị ám sát. 7 năm sau đó là cuộc tranh giành ngai vàng. Cũng trong khoảng thời gian này, thế lực Thalmor nổi lên. Thalmor có nguồn gốc từ Kỷ Nguyên thứ Hai, là chính phủ lâm thời thiết lập ra bởi Bosmer (Wood Elf) và Altmer (High Elf) với mục đích thống nhất các quốc gia cho Elf (tinh). Second Aldmeri Dominion (tạm dịch liên hiệp các lãnh thổ Aldmer) khi đó là một liên minh giữa Altmer ở Summerset Isles, Bosmer ở Valenwood, và Khajiit ở Elsweyr và dựng lên một chính phủ gọi là Thalmer để lãnh đạo. Tham vọng bành trướng của Thalmor sụp đổ vì Tiber Septim chinh phục cả Summerset Isles, Valenwood, và Elsweyr và gộp thâu vào đế quốc của nhà Septim. Thalmor vì vậy càng thêm ghét loài người và đặc biệt căm thù Tiber Septim. Sau sự kiện Oblivion, triều đại Septim chấm dứt. Thalmor ngay lập tức tận dụng cơ hội để nhen nhóm lại ý tưởng trước đây, bắt đầu bằng việc nhận công lao đã cứu các loài tinh khỏi mối họa Deadra trong cuộc khủng hoảng Oblivion. Bằng nhiều thủ đoạn khác nhau, Thalmor ngày càng mạnh lên trong khi đế quốc ngày càng rạn vỡ. 7 năm hỗn loạn chính trị sau khi Ocato chết, tức là năm 4E 22, tướng Titus Mede dẫn 1000 quân vào Imperial City chiếm lấy ngai rồng bằng vũ lực. Cũng trong năm đó Thalmor lật đổ chính quyền, chiếm lấy quần đảo Summerset Isle và đổi tên thành Alinor, đồng thời thủ tiêu các lực lượng chống đối và những ai không phải Altmer. Thalmor sau đó cùng nhóm Bosmer đồng minh ở Valenwood tạo ra cuộc đảo chính lật đổ chính quyền Bosmer thân với đế quốc. Năm 4E 29, Third Aldmeri Dominion (liên hiệp các lãnh thổ Elf thứ 3) được tạo ra, là liên minh giữa Alinor và Valenwood. Thalmor bằng nhiều nước cờ liên tục gây chia rẽ và suy yếu đế quốc, đồng thời cũng cố thanh thế và lực lượng của mình. Họ được cho là đã xúi giục Argonians tấn công xâm chiếm Nam Morrowind.

    Thế kỷ thứ 2:

    Vào cuối thế kỷ thứ Nhất, 2 mặt trăng của Nirn là Masser và Secunda cùng nhau biến mất trong 2 năm. Sự kiện này gọi là “Void Nights”. Đối với loài Khajiit, mặt Trăng rất quan trọng. Tôn giáo của Khajiit cũng như nhiều tập tục của họ là dựa vào mặt Trăng. Vì vậy sự kiện “Void Nights” gây ra bất ổn xã hội và chính trị ở Elsweyr. Tới năm 4E 100, Void Nights kết thúc và Thalmor tuyên bố rằng họ đã sử dụng một phép thuật kỳ bí chưa đâu có để đưa mặt Trăng trở lại. Thật hay không, chỉ biết nhiều Khajiit tin vào điều đó, khiến cho uy tín của Thalmor tại Elsweyr tăng mạnh còn ảnh hưởng của người Imperial thì sút giảm nhanh chóng. Một cuộc đảo chính sau đó được Thalmor hỗ trợ lật đổ chính quyền Elsweyr thân Imperial và tách rời liên bang Elsweyr thành 2 vương quốc là Anequina và Pelletine. Hai vương quốc này sau đó gia nhập Aldmeri Dominion. Thời điểm này là năm 4E 115. Cũng trong khoảng 4E 98-100, thời gian diễn ra “Void Nights”, Jarl của Riften bị ám sát. Hosgunn Crossed-Daggers (Hosgunn dao găm bắt chéo) lên thay. Một sự kiện khác cũng đáng lưu ý xảy ra ở Skyrim là vào năm 4E 122, thành quách nhà cửa ở Winterhold bị sụp và trôi ra biển. Chỉ trường pháp sư College of Winterhold là không hề hấn gì.

    Chiến tranh đế quốc Mede vs liên hiệp lãnh thổ Aldmer (the Great War):

    Một thế kỷ rưỡi sau khi Titus Mede bước lên ngôi rồng trở thành hoàng đế, đế quốc Mede giờ chỉ còn là cái bóng của đế quốc Septim trước đây. Lúc này là dưới thời Titus Mede II, Valenwood và Elsweyr đã vào liên minh của Thalmor, Black Marsh tuyên bố độc lập ngay sau sự kiện Oblivion, Morrowind bị núi lửa tàn phá, còn Hammerfell hỗn loạn bởi nội chiến giữa 2 phe Crown và Forbear. Chỉ còn High Rock, Cyrodiil, và Skyrim là còn hòa bình và thịnh vượng. Ngược lại, “Third Aldmeri Dominion” đã trở thành một thể chế hùng mạnh mà trước đây họ chưa từng đạt được. Mục tiêu xưa nay của Thalmor, một tổ chức Elf cựa đoan, luôn là đặt lợi ích của Altmer và các loài tinh khác lên trên người và quái nhân. Cần nói qua và các chủng loại sắc tộc ở Tamriel. Ở Tamriel, các loài thượng đẳng được chia làm 3:

    - Người (Human): Imperials, Nords, Bretons và Redguards
    - Tinh (Mer): Altmer, Bosmer, Dunmer, Orsimer, Dwemer, Ayleid, Snow Elves, và Falmer. Snow Elves còn rất ít, hầu hết đã chuyển xuống sống ở hang động dưới long đất và chuyển thành Falmer, một biến thể của Snow Elves. Dwemer và Ayleid thì được cho là đã tuyệt chủng
    - Quái nhân (Beastfolk): Argonians, Khajiit, Dragon, Goblins, Riekling, Giants, Hist, Nymphs, Imga, Lilmothiit

    Các loài tinh, đặc biệt là các Altmer (High Elf) cực đoan, tự cho mình là hậu duệ Aedra (thần thánh), bị Lorkhan lừa cho trở thành loài phàm tục. Vì vậy, không giống như loài người cho rằng cuộc đời là một đặc ân, loài Elf thường cho rằng cuộc đời là sự đày ải đối với họ, và họ lẽ ra thuộc về một đẳng cấp khác, ngang ngửa thần thánh. Các phần tử cực đoan này cùng chung ý chí đưa loài Elf lên, đẩy các loài khác, đặc biệt là loài người, xuống. Mối căm thù của họ đối với người càng sâu đậm khi Snow Elves bị người Nords tiêu diệt, còn Ayleids, một loại Elf cổ từng nô lệ loài người, bị Alessia, người, lật đổ. Tiber Septim sau đó là một người đầu tiên được đưa vào hàng chúa (8 vị chúa tạo ra Nern gọi là “Eight Divines” sau đó thêm Talos trở thành “Nine Divines”). Chính vì tất cả những điều này, Thalmor ra sức chuẩn bị quân đội và lên một kế hoạch lớn để chuẩn bị cho một cuộc chiến với Đế quốc Mede ở một tương lai không xa.

    Nhận thấy Thalmor thực sự đã trở thành một mối đe dọa quá lớn, hoàng đế Titus Mede II gia tăng hoạt động tình báo ở Valenwood và giao “the Blades,” lực lượng mật vụ từ thời Septim trọng trách điều tra, thám thính các hoạt động của Aldmeri Dominion. Ngược lại, Aldmeri Dominion săn lùng và thủ tiêu các mật vụ Blades được cử sang Valenwood.

    Cảm nhận được sự suy yếu của “Imperial Legion” thông qua các tài liệu nắm bắt được từ “the Blades,” Dominion quyết định thời gian đã chín mùi.

    Vào ngày 30th tháng Frostfall (mùa Đông giá băng), năm 4E 171, Liên hợp các quốc gia Aldmer thứ 3 gửi một sứ giả mang một tối hậu thư và một xe lễ vật sang đế quốc Mede cho hoàng đế Titus Mede II. Nội dung của tối hậu thư như sau:
    -Cống nạp vô số của cải lễ vật
    -Xóa bỏ mật vụ “the Blades”
    -Cấm thờ cúng Talos
    -Chia một phần Hammerfell của người Redguards cho Dominion

    Mặc dù đã được các tướng báo cáo về sự suy yếu của Imperial Legion, câu trả lời của hoàng đế cho tối hậu thư vẫn là Không. Sứ giả của Dominion mở xe lễ vật, rớt ra 100 cái đầu của các mật vụ “the Blades” đã hoạt động ở Valenwood và Alinor, chính thức tuyên chiến với đế quốc Mede. Chỉ trong vòng vài ngày, quân đội hùng hậu của Dominion chia làm 2 mũi, một dẫn đầu bởi tướng Naarifin, một dẫn đầu bởi nữ tướng Arannelya cùng lúc tấn công vào Cyrodiil và Hammerfell, chính thức mở ra cuộc chiến Vĩ Đại (the Great War) kéo dài 5 năm.

    [​IMG] Titus Mede II

    ... (còn tiếp)
     
    Chỉnh sửa cuối: 14/12/14
    buta_buta and otcayxe like this.
  5. Morrowind_Lord

    Morrowind_Lord Mr & Ms Pac-Man

    Tham gia ngày:
    23/5/05
    Bài viết:
    189
    [​IMG] [​IMG]


    Cánh quân của Lord Naarifin tiến vào Nam Cyrodiil, xuất phát từ các doanh trại mai phục phía Bắc Anequina (Elsweyr cũ) đánh ngang vào lực lượng phòng vệ Imperial dọc biên giới Valenwood. Leyawiin nhanh chóng rơi vào tay Dominion. Lord Naarifin sau đó tiến nhanh về Bravil. Bravil bị cô lập và bao vây. Cánh quân do Lady Arannelya tiến vào Cyrodiil từ Valenwood, băng ngang qua Anvil và Kvatch, tiến thẳng vào Hammerfell, gặp kháng cự yếu ớt dọc đường. Cùng lúc đó, một lực lượng Dominion nhỏ hơn đổ bộ bằng đường biển vào Hammerfell, kết hợp với quân đội của Lady Arannelya đánh tan phòng vệ Imperial tại đây. Với số lượng bị áp đảo hoàn toàn, quân đội Imperial ở đường bờ biển phía Nam Hammerfell rút chạy ngang sa mạc Alik’r, bị thiệt hại lớn trên đường rút chạy, chủ yếu là trên sa mạc do khát nước.

    4E 172-173

    Các sử gia cho rằng mục tiêu ban đầu của Thalmor chỉ là chiếm lấy Nam Hammerfell, đúng như đòi hỏi trong tối hậu thư, sau đó sẽ ngồi vào đàm phán kết thúc chiến tranh. Đánh Hammerfell không khó, đặc biệt khi tỉnh này bị chia rẽ giữa Forbear và Crown. Cánh quân Lady Arennelya đảm nhận nhiệm vụ này. Còn cánh quân do Lord Naarifin sẽ giữ chân quân đội Imperial ở Cyrodiil không cho tiếp ứng Hammerfell. Tuy nhiên, những chiến thắng ban đầu của Lord Naarifin khiến cho chính phủ Thalmor nhận ra quân đội đế quốc yếu hơn họ đã suy đoán. Một kế hoạch mới được đưa ra, trong đó mục tiêu chính chuyển thành Imperial City và sự lật đổ đế quốc Mede trong vòng 2 năm.

    Trong năm 4E 172, quân Dominion tiến sâu vào lãnh thổ Cyrodiil. Cả Bravil và Anvil đã lọt vào tay Dominion. Đến cuối năm 172 thì Lord Naarifin đã tiến tới Imperial City. Dọc sông Niben và hồ Rumare xảy ra các cuộc đụng độ hải quân giữa Imperial và Dominion. Ở Hammerfell, tất cả các thành phố dọc bờ phía Nam, ngoại trừ Hegathe, đều vào tay Thalmor. Hegathe bị bao vây. Lực lượng Imperial Legion còn sống sót sau cuộc rút chạy qua sa mạc Alik’r thì tập hợp ở phía Bắc với lực lượng tiếp viện đến từ High Rock.

    Đến năm 4E 173, các quân đoàn đến từ Skyrim hợp sức phòng thủ với lực lượng chính ở Imperial City. Bên ngoài, tướng Lord Naarifin đã đưa được quân vượt sông Niben và bắt đầu tiến lên bờ Đông. Đến cuối năm, Imperial City bị bao vây ba phía, chỉ còn đường tiếp tế tới Bruma.

    Ở Hammerfell, cuộc kháng chiến chống Thalmor có dấu hiệu khởi sắc. Đầu năm 173, quân đội Forebear từ thủ đô Sentinel đến giải vây cho Hegathe, một thành phố của phe Crown. Lực lượng Dominion bao vây Hegathe bị đánh tan, nhưng quân đội chính của Lady Arannelya đã vượt sa mạc Alik’r. Imperial Legions dưới sự chỉ huy của tướng Decianus chặn đánh Lady Arannelya ở Skaven trong một trận đánh khốc liệt. Decianus rút lui và Arannelya chiếm Skaven, tuy nhiên quân Dominion cũng đã thiệt hại nặng nề và không thể tiếp tục tiến công. Lady Arannelya ra lệnh chuyển công sang thủ, giữ vững những vị trí mình đã chiếm.

    4E 174

    Lãnh đạo Thalmor quyết định dốc hết các nguồn lực cho chiến dịch ở Cyrodiil, đánh cược vào một thắng lợi quyết định. Viện binh Almeri tập kết ở phía Nam Cyrodiil, chuẩn bị tấn công Imperial City. Ngày 12 tháng Second Seed (tháng 5), một đạo quân tiến lên mạn Bắc và cắt đứt đường tiếp viện cuối cùng của Imperial City, hoàn toàn cô lập và bao vây thành. Cùng lúc, Lord Naarifin cho quân công thành từ ba mạn còn lại.

    Trong tình thế đó, Hoàng đế Titus Mede II đã ra một quyết định táo bạo: dẫn quân từ thành đánh ra phá vây, thay vì ở trong thành tử thủ. Không một tướng nào dám nghĩ đến kế sách đó. Quân đoàn 8 của Imperial Legions được giao nhiệm vụ thủ thành trong khi tất cả quân đội theo Titus Mede II xông ra cổng phía Bắc. Quân của hoàng đế đánh xuyên qua được vòng vây của Almeri và tập kết với quân tiếp viện của tướng Jonna đang xuống từ Skyrim. Trong khi đó, quân đoàn 8 đánh một trận vô vọng và gặp kết cục bi thảm. Imperial City thất thủ. Quân của Lord Naarifin tràn vào thành cướp bóc, tàn sát. Cung điện Imperial Palace bị đốt cháy. Tháp White-Gold Tower bị vơ vét và phá hoại. Bao hận thù của loài Elves đổ xuống đầu nhân dân Imperial.

    Ở Hammerfell, tướng Decianus đang chuẩn bị cho chiến dịch đẩy lùi quân của Lady Arannelya ra khỏi Skaven thì nhận được lệnh kéo về Cyrodiil hỗ trợ quân của hoàng đế. Không nỡ bỏ rơi Hammerfell, ông cho phép một số lượng lớn binh lính tướng tá được “giải ngũ.” Lực lượng “giải ngũ” này sau đó ở lại tiếp tục chiến đấu cho Hammerfell dưới lá cờ Imperial Legions. Phần chính quy còn lại cùng Decianus âm thầm kéo về tiếp ứng Cyrodiil. Lực lượng “giải ngũ” sau đó đã góp công lớn cùng quân đội bản xứ của Hammerfell đẩy Lady Arannelya khỏi Skaven vào cuối năm 174. Quân Lady Arannelya sau đó còn chịu thiệt hại khi rút qua sa mạc, bị tập kích bởi các chiến binh Alik’r.

    4E 175: Trận “Red Ring.”

    Sau khi chiếm được Imperial City và phần lớn miền Nam Hammerfell, mặc dù không hoàn toàn xóa sổ đế quốc Mede, chính phủ Thalmor tin rằng họ đã thành công hơn dự tính và muốn đàm phán kết thúc chiến tranh với đế quốc. Titus Mede II có vẻ cũng muốn một đàm phán với Dominion. Ngoài mặt như thế, tuy nhiên ông bí mật tập kết quân đội chuẩn bị giành lại Imperial City trong trận đánh Red Ring, trận đánh sẽ được lưu truyền sử sách nhiều thế hệ. Titus chia quân làm 3 cánh. Cánh thứ nhất là cánh về từ Hammerfell chỉ huy bởi tướng Decianus, mai phục ở cao nguyên Colovian gần Chorrol. Do ông để lại nhiều binh lính ở Hammerfell, Dominion không hề hay biết về sự hiện diện của Decianus ở Cyrodiil. Cánh thứ 2 bao gồm chủ yếu các quân đoàn Nords chỉ huy bởi tướng Jonna, đóng trại gần Cheydinhal. Cánh thứ 3 chỉ huy bởi chính hoàng đế, sẽ là mũi chủ lực đánh vào Imperial City từ phía Bắc.

    Ngày 30 tháng 4 (Rain’s Hand), gần một năm sau khi Dominion đánh vào Imperial City, Titus Mede II phát pháo bắt đầu trận Red Ring. Quân Decianus tràn xuống từ phía Tây, còn quân Jonna tiến dọc theo đường Red Ring đánh vào phía Nam. Do yếu tố bất ngờ, quân của Decianus nhanh chóng tiến đến được chân thành. Không dễ dàng như Decianus, cánh Jonna gặp kháng cự quyết liệt. Trong 2 ngày chiến đấu, Jonna đã đưa quân sang được sông Niben và di chuyển theo hướng Tây hòng kết nối với quân Decianus bao vây Imperial City. Lực lượng Aldmeri phản công từ Bravil và Skingrad nhưng quân đội Nords dưới sự chỉ huy của Jonna đã chiến đấu vô cùng quả cảm, giữ vững vị trí, đánh bật từng đợt phản công của quân Dominion. Tới ngày thứ 5, quân của Jonna đã kết nối được với Decianus và bao vây Imperial City. Trong khi 2 cánh quân Imperial công thành từ phía Nam và Tây, hoàng đế Titus Mede II tấn công từ phía Bắc. Đích thân hoàng đế mang thanh kiếm nổi tiếng Goldbrand tham gia trận đánh và bắt sống Lord Naarifin. Quân Aldmeri toan phá đường máu để thoát xuống phía Nam, nhưng vòng vây quân Nords của Jonna hoàn toàn không thể chọc thủng.

    Cuối cùng, toàn bộ quân đội Aldmeri của Lord Naarifin bị tiêu diệt. Lord Naarifin bị treo ngoài tháp White-Gold trong 33 ngày và qua đời vào ngày thứ 34. Xác ông ta sau đó không biết được chôn ở đâu.

    White-Gold Concordat (Hiệp Ước White-Gold)

    Mặc dù chiến thắng, quân đội Imperial ở trong tình trạng tàn tạ. Không một quân đoàn nào còn hơn một nửa có khả năng chiến đấu. Hai quân đoàn bị xóa sổ trong trận Red Ring. Một quân đoàn bị xóa sổ khi Imperial City thất thủ năm trước. Titus Mede II quyết định đây là thời điểm tốt để đàm phát kết thúc chiến tranh. Và cuối năm 175, hiệp ước White-Gold được ký kết.

    Hiệp ước bao gồm giải thể “the Blades,” cấm thờ phụng Talos, và chia một phần Hammerfell cho Dominion. Ngoài ra, các đặc phái viên Thalmor được quyền di chuyển tự do trong lãnh thổ của đế quốc để đảm bảo các điều khoản của hiệp ước được thực thi, bao gồm bắt bớ những người thờ cúng Talos và truy lùng, thủ tiêu các mật vụ Blades. Về cơ bản hiệp ước này giống như tối hậu thư mà Thalmor gửi cho Titus Mede II. Tuy nhiên nếu Titus Mede II đồng ý với tối hậu thư, toàn bộ đế quốc có thể sẽ nổi sóng và chế độ có thể sẽ bị lật đổ bởi Thalmor. Còn vào thời điểm này, ai ai cũng muốn cho cuộc chiến kết thúc, đồng ý với những đòi hỏi của Thalmor vào lúc này gặp ít phản đối hơn.

    Tuy nhiên điều đó không có nghĩa là không ai phản đối. Người Redguards nổi giận khi đế quốc chấp nhận chia đất của Hammerfell, và quyết tiếp tục chiến đấu chống lại Dominion. Titus Mede II buộc phải tách Hammerfell ra khỏi đế quốc Mede và để người Redguards một mình với cuộc chiến của họ. Người Redguards đánh với Aldmeri Dominion thêm 5 năm nữa, và tới 4E 180 đã buộc được Thalmor kí kết hiệp định Stros M’kai, rút khỏi Hammerfell. Hammerfell từ đó có lòng oán hận với đế quốc. Theo họ, nếu Titus Mede II quyết đánh Dominion thì có thể liên minh Imperial và Hammerfell đã đánh bại hoàn toàn Aldmeri Dominion.

    Ở Skyrim, việc ngăn cấm tôn giáo Talos đã làm dấy lên làn sóng chống đối đế quốc, bắt nguồn cho cuộc nổi dậy của Stormcloak, dẫn đến nội chiến chia cắt Skyrim làm hai.

    ... còn tiếp
     
    Chỉnh sửa cuối: 30/11/14
    S.I.L.X and buta_buta like this.
  6. Morrowind_Lord

    Morrowind_Lord Mr & Ms Pac-Man

    Tham gia ngày:
    23/5/05
    Bài viết:
    189
    The Reach

    Vào thế kỷ 11 của Kỷ Nguyên thứ Nhất, The Reach lúc ấy bao gồm 10 tiểu quốc chiến tranh lẫn nhau. Một trong các tiểu quốc đó là Sundered Hills có người anh hùng Faolan, biệt hiệu là đại bàng đỏ Red Eagle, người thống nhất các tiểu quốc và lập nên The Reach. The Reach sau đó trở thành một Hold của Skyrim trong một thời gian. Do vị trí chiến lược giữa Skyrim và High Rock, cộng thêm trữ lượng quặng bạc lớn, the Reach trải qua nhiều chiến tranh xung đột với Cyrodiil, High Rock, và các quốc gia lân cận bao gồm Falkreath.

    Rất nhiều năm sau, vào cuối Kỷ Nguyên Thứ Hai, the Reach lại trở thành một hold của Skyrim và sau đó là một phần của đế quốc Tamriel sau khi bị chinh phục bởi Hjalti Early-Beard, được cho chính là Tiber Septim. Theo một số nguồn, Hjalty Early-Beard lúc bấy giờ mới khoảng 20, là tướng của vua Falkreath Cuhlecain. Chính Hjalti dẫn quân đánh The Reach, dùng tiếng gầm phá đổ cửa thành cho quân tràn vào. Khi Hjalti bắt đầu trận đánh cũng là lúc một trận bão nổi lên. Quân Hjalti được hưởng lợi nhờ cơn bão và chinh phục được The Reach. Kể từ đó quân Nords gọi Hjalti là Talos, trong tiếng Nords có nghĩa là cuồng phong. Truyền thuyết kể rằng trận cuồng phong này là do vua Skyrim đã chết từ lâu là Wulfharth tạo ra để giúp đỡ Hjalti. Tiếng gầm của Hjalty cũng là do Wulfharth dạy. Sau này, khi Cuhlecain và Talos cùng nhau chinh phục được Cyrodiil, Talos giết Cuhlecain để trở thành hoàng đế. Sau khi thành hoàng đế thì Talos đổi tên thành Tiber Septim và bắt đầu chiến dịch thâu tóm toàn bộ Tamriel. Còn The Reach kể từ đó là một “hold” của Skyrim cho đến tận cuộc chiến “Great War.”

    Vào năm 4E 174, khi cuộc chiến “Great War” giữa đế quốc Mede và Aldmeri Dominion thứ 3 đang ở thời điểm khốc liệt, hầu hết lực lượng Imperial Legions đóng quân ở thành phố Markarth đã xuống Cyrodiil. Lợi dụng sự suy yếu trong phòng thủ ở thành Markarth, người Breton bản xứ của The Reach đã tạo một cuộc nổi dậy và chiếm lấy Markarth. Jarl của The Reach bị giết. The Reach tuyên bố độc lập và tách ra khỏi Skyrim. Quốc gia The Reach tồn tại trong 2 năm từ 4E 174 cho đến 4E 176 là quốc gia khá thanh bình và công bằng. Vua Madanach dự định sau khi cuộc chiến Great War kết thúc sẽ yêu cầu hoàng đế cho công nhận The Reach là một tỉnh độc lập của đế quốc, và công nhận chính phủ của người bản xứ The Reach.

    [​IMG] Madanach (phải) và Forsworn


    Sự cố Markarth

    Năm 4E 176, Ulfric Stormcloak trở về từ Cyrodiil sau cuộc chiến “Great War.” Igmund, con trai của Jarl quá cố, thỉnh cầu Ulfric giúp đỡ lấy lại The Reach. Biết Ulfric là người sùng bái Talos trong khi hiệp ước White-Gold đã cấm tôn giáo này, Igmund hứa rằng nếu Ulfric lấy lại được The Reach, thì với tư cách là Jarl (thừa hưởng từ cha), Igmund sẽ gỡ bỏ lệnh cấm ở The Reach và cho phép Ulfric được tự do thờ Talos. Ulfric đồng ý và tập hợp lực lượng. Vì quân đội đế quốc vô cùng mỏng sau chiến tranh, hoàng đế Titus Mede II chấp nhận cho Ulfric dẫn quân chinh phục the Reach.

    Đến trước cửa thành Markarth, Ulfric có thể đã dùng tiếng gầm “Unrelenting Force” phá đổ cửa thành rồi cùng binh lính đánh vào và bắt sống Madanach. Igmund muốn xử tử Madanach, nhưng Thonar Silver-Blood, người đứng đầu gia tộc Silver-Blood, gia tộc quyền lực nhất Markarth, khuyên để cho Madanach sống, vì ông ta sống có giá trị hơn là chết. Madanach sau đó bị cầm tù ở Mỏ Cidhna.

    Giữ lời hứa với Ulfric, Igmund cho phép thờ phụng Talos. Tuy nhiên khi Imperial Legion quay về tiếp quản Markarth thì xảy ra một vụ việc gọi là “sự cố Markarth.” Ulfric không cho Imperial Legion vào thành trừ khi họ cũng giống như Igmund cho phép thờ cúng Talos tự do ở The Reach. Bí thế, đế quốc Mede chấp nhận đòi hỏi của Ulfric, và vi phạm hiệp ước White-Gold.

    Sau khi tiếp quản Markarth về mặt quân sự từ tay Ulfric, trước sức ép từ Almeri Dominion, đế quốc đã không giữ lời hứa. Ulfric bị bỏ tù. Binh lính của Ulfric bị trục xuất khỏi Markarth.

    Về phần lực lượng bản xứ The Reach sau khi bị Ulfric đánh và Madanach bị cầm tù đã bỏ chốn lên các vùng cao nguyên và tiếp tục kháng chiến chống lại chính quyền người Nords. Lực lượng kháng chiến này được gọi là Forsworn.

    [​IMG]Igmund



    Ulfric Stormcloak

    Tua nhanh 25 năm đến đầu thế kỷ thứ 3. Vào năm 4E 201, chính xác là buổi sáng ngày 17 tháng 8, một đoàn người ngựa áp giải tù nhân đi về hướng Helgen. Một trong những chiếc xe ngựa chở 4 tử tù, trong đó có một người trung niên, tóc vàng, mày rậm, mắt to sáng, thân hình vạm vỡ, hai tay bị trói chặt, miệng đã bị nhét giẻ chật cứng không thể nói được tiếng nào. Người này chính là Ulfric Stormcloak, thủ lĩnh của lực lượng nổi dậy Stormcloak, chính là người vừa giết chết Vua Skyrim Torygg. Ulfric bị Imperial Legion phục kích bắt được tại Darkwater Crossing, và đang trên đường ra pháp trường. Ngồi kế bên Ulfric là một tử tù không biết tên. Người này đang vượt biên giới vào Skyrim đúng lúc quân đội đế quốc đang tập kích Ulfric. Bị lầm tưởng là thuộc hàng ngũ Stormcloak, người này cũng bị áp giải về Helgen chém đầu. Tại Helgen, sau khi tướng Tullius hạch tội Ulfric, lần lượt binh lính quân nổi dậy bị đưa lên bệ chém. Khi đến lượt người tử tù không tên, bỗng thình lình Aduin xuất hiện trên bầu trời, xà xuống tấn công pháp trường vừa đúng lúc đao phủ chuẩn bị khai đao. Ulfric cùng một nhóm Stormcloak và người tử tù không tên nhờ thế trốn chạy. Số Ulfric chưa chết, hay định mệnh sắp xếp cho người tử tù vô danh? Thời gian sẽ trả lời.

    Về phần Ulfric, đây là nhân vật quan trọng trong Elderscroll V: Skyrim. Ulfric là con một của Jarl Windhelm. Khi còn nhỏ, Ulfric được các tu sĩ Râu Bạc Greybeards đưa về dạy dỗ ở High Hrothgar. Mười năm tu luyện tiếng gầm dưới sự chỉ dẫn của Râu Bạc, Ulfric đã mài dũa kĩ năng và có thể sử dụng thành thục nhiều tiếng gầm. Cần nói sơ qua về các tu sĩ Râu Bạc. Đây là một nhóm tu sĩ sống ẩn dật ở High Hrothgar, Skyrim. High Hrothgar nằm ở lưng chừng sườn núi, khá gần với đỉnh cao nhất Throat of the World, cũng là đỉnh cao nhất Tamriel. Greybeards được sáng lập bởi Jurgen Windcaller sau khi bị đánh bại bởi liên minh Dwemer và Chimer ở Red Mountain, Morrowind trong trận chiến Red Mountain thứ nhất. Lịch sử về vấn đề này đã được đề cập. Jurgen Windcaller cho rằng “Thu’um” chỉ nên dùng vào mục đích thờ phụng Kynereth, vị chúa đã cho người Nords khả năng này. Ông ta sáng lập ra chân tu “Way of the Voice” truyền dạy về việc luyện tập và sử dụng tiếng gầm cho mục đích tu tịnh. Ban đầu khi giáo lý này mới được đưa ra, có nhiều cao nhân đắc đạo về “Thu’um” đã phản đối lại Jurgen và cho rằng người Nords cần phải tận dụng khả năng thiên phú này cho lợi ích của dân Nords, bao gồm phục vụ chiến trận. Những người này thách đấu với Jurgen và trong trận đấu ấy, các cao thủ danh tiếng nhất của đất Skyrim bao vây quanh Jurgen và gầm thét vào ông. Jurgen bình tĩnh nuốt chửng hết từng tiếng gầm của từng người khiến cho tất cả tâm phục khẩu phục, bái ông làm thầy, và theo ông ta trở thành những môn đồ đầu tiên của “Greybeards.” Các tu sĩ Greybeards sống trên núi cao, xa lánh xã hội. Một phần là vì họ là bậc thầy về “Thu’um.” Mỗi lúc họ cất tiếng nói, giông bão kéo về tụ tập quanh High Hrothgar, và dân cư sống quanh vùng dưới chân núi phải di tản tránh bão. Mỗi khi họ thì thầm, cả dãy núi rung chuyển. Nếu họ nói chuyện với người thường, ắt người đó không chết cũng bị thương. Chính vì vậy những tu sĩ này hiếm khi mở miệng nói.

    Mục đích của các Râu Bạc là rèn luyện cho Ulfric thành một Râu Bạc để nối dõi chân truyền. Tuy nhiên khi cuộc chiến “Great War” nổ ra năm 4E 171, Ulfric nôn nóng muốn trợ chiến cho đế quốc chống lại Dominion và quyết định xuống núi gia nhập quân đội Imperial Legions. Điều này làm các Râu Bạc vô cùng thất vọng và tức giận vì có thể Ulfric sẽ dùng khả năng học được để giết người.

    Trong cuộc chiến, Ulfric chiến đấu chung vai sát cánh với các nhân vật quan trọng khác là Galmar Stone-Fist (Galmar thạch quyền), người sau này trở thành cánh tay phải của Ulfric trong quân đội nổi dậy Stormcloaks, và Legate Rikke, người sau này trở thành cánh tay phải của tướng Tullius, đối thủ trực tiếp của Ulfric trong cuộc nội chiến Skyrim.

    Khoảng năm 4E 174, Ulfric bị bắt sống và trở thành tù binh chiến tranh của quân đội Thalmor. Qua tra tấn, Thalmor biết được Ulfric là con trai Jarl của Windhelm nên để cho sống và sau đó thả ra nhằm mục đích không rõ. Chỉ biết rằng Ulfric sau này lãnh đạo nổi dậy làm Skyrim rơi vào nội chiến, khiến đế quốc càng suy yếu, điều này có lợi cho Dominion, vì chắc chắn họ chưa từ bỏ ý đồ chinh phục Cyrodiil và sẽ xâm lược lần nữa.

    Về phần Ulfric sau khi đổ xương máu cho cuộc chiến mà cuối cùng đế quốc lại ký kết hiệp ước White-Gold trong đó cấm bỏ tôn giáo Talos thì vô cùng bất mãn. Ulfric cho rằng để bảo vệ chế độ, hoàng đế Titus Mede II đã hy sinh quyền lợi người Nords. Người Nords xả thân cho đế quốc nhưng đế quốc lại phản bội nhân dân Skyrim. Sau sự kiện Markarth, Ulfric lại bị đế quốc thất hứa và bỏ tù, khiến cho bất mãn trở thành uất hận. Khi đang thụ án thì Bá tước của Windhelm, biệt hiệu là con gấu vùng Eastmarch, qua đời. Không được cho về dự tang cha, Ulfric phải nhờ thân tín mang điếu văn khóc cha từ trong tù về Windhelm. Ngày ra tù, Ulfric lập tức quay trở về Windhelm nối ngôi và bắt đầu cuộc nổi dậy chống đế quốc.

    “.. Tôi chiến đấu cho những người ngã xuống ngay trên tay tôi, ở mảnh đất xa lạ.
    Tôi chiến đấu cho vợ họ, con họ, những người mà trong hơi thở cuối họ đã gọi tên.
    Tôi chiến đấu cho số ít chúng ta những người sống sót và trở về nhà, để rồi nhận ra đất nước chúng ta đầy kẻ xa lạ
    Tôi chiến đấu cho nhân dân tôi bị bòn rút tới tận cùng để trả món nợ của một đế quốc đã quá suy yếu không thể cai trị, nhưng lại kết tội chúng ta vì chúng ta muốn tự cai trị.
    Tôi chiến đấu để cho những cuộc chiến đã qua không trở nên vô nghĩa.
    Tôi chiến đấu.. đơn giản vì tôi buộc phải chiến đấu.”

    -- Ulfric Stormcloak


    Năm 4E 201, Ulfric thách đấu vua Skyrim là Torygg tại Solitude và Torygg đồng ý. Ulfric đến Solitude và sử dụng “Thu’um” giết chết Torygg trong cuộc đấu, sau đó lên ngựa một mình phóng ra khỏi thành. Cuộc nội chiến bắt đầu. Winterhold, The Rift, và The Pale nghe theo kêu gọi của Ulfric, còn Falkreath, Haafingar, Hjaalmarch, và The Reach thì vẫn trung thành với đế quốc. Whiterun giữ lập trường trung lập.

    [​IMG] Ulfric Stormcloak


    ...còn tiếp
     
    Chỉnh sửa cuối: 5/12/14
    buta_buta thích bài này.
  7. Morrowind_Lord

    Morrowind_Lord Mr & Ms Pac-Man

    Tham gia ngày:
    23/5/05
    Bài viết:
    189
    Skyrim ngày nay


    *Chính trị:

    Vào kỷ nguyên thứ 3, Skyrim chịu ảnh hưởng rất lớn từ đế quốc về mặt chính trị. Người Nords từ xưa đã có tinh thần quốc gia/dân tộc rất cao, tuy nhiên cũng như các tỉnh khác, họ chấp nhận đế quốc do sự lãnh đạo khéo léo của triều đại Septim. Dưới triều đại Septim, là một tỉnh của đế quốc được khá nhiều lợi ích. Các tỉnh được sự bảo hộ của quân đội hùng mạnh Imperial Legion và được quyền cất tiếng nói cho lợi ích của tỉnh mình thông qua Hội đồng bô lão, nơi Vua và các Bá tước Skyrim đều có ghế.

    Sang triều đại Mede, đặc biệt sau cuộc đại chiến “Great War,” phân nửa Skyrim tin rằng đây không phải là đế quốc của người Nords. Cấm thờ cúng Talos như là một cái tát vào mặt người Nords vốn tự hào về một đứa con Skyrim trở thành God (Talos). Và việc nhìn thấy những đặc phái viên Thalmor ngang ngược xét hỏi, bắt bớ dân Nords như là một giọt nước làm tràn ly. Vì thế khi có một người có đủ uy tín và thực lực đứng ra công khai chống lại điều này như Ulfric, phân nửa Skyrim lập tức đi theo. Phe đứng về phía Ulfric bao gồm các “hold cổ” Windhelm, Winterhold, The Rift, và The Pale.

    Phần còn lại của Skyrim bao gồm Falkreath, Haafingar, Hjaalmarch, và The Reach cũng không chào đón Thalmor, nhưng tin rằng Skyrim vẫn cần đế quốc, vì chỉ có đoàn kết các dân tộc với nhau họ mới có cơ hội chống lại Dominion. Trước kia khi các đế quốc người Nords còn hùng mạnh, thủ đô Skyrim nằm ở Windhelm hoặc là Winterhold. Sau này với sự vươn lên của các đế quốc người Imperial, Solitude trở thành trung tâm chính trị nhờ vào mối liên hệ chặt chẽ với Cyrodiil. Trên danh nghĩa, Elisif The Fair lẽ ra tiếp bước vai trò lãnh đạo của chồng, tuy nhiên Elisif chưa có nhiều uy tín chính trị và non kinh nghiệm, nên quyền lực thực sự nằm trong tay tướng Tullius.

    Về phần Thalmor, họ mong muốn cuộc nội chiến Skyrim sẽ diễn ra khốc liệt, và diễn ra trong một thời gian càng lâu càng tốt. Bất cứ bên nào chiến thắng đều không đem nhiều lợi ích cho Dominion. Đặc biệt nếu Stormcloak chiến thắng, hiệp ước White-Gold sẽ không còn hiệu lực ở Skyrim. Chưa kể Ulfric khá phân biệt chủng tộc, ưu tiên hàng đầu quyền lợi người Nords, không như đế quốc đối xử công bằng với các loài Elves. Nếu như đế quốc gọi cuộc chiến với Dominion là cuộc đại chiến vĩ đại, thì Thalmor gọi cuộc chiến đó là “cuộc chiến thứ nhất với đế quốc” (The First War with the Empire). Dễ dàng thấy rằng họ chưa từ bỏ giấc mộng chinh phục đế quốc, và không có gì tuyệt vời hơn khi tiến đánh Cyrodiil trong hoàn cảnh “thù trong, giặc ngoài.”

    Tướng Tullius

    [​IMG]

    “…Quân đội Legion luôn ở đây từ trước đến giờ. Nếu không có chúng tôi giữ trật tự, các tỉnh sẽ rơi vào hỗn loạn, đặc biệt là Skyrim. Lấy ví dụ như Ulfric và cuộc nổi loạn nhỏ bé của hắn. Nhưng mọi người yên tâm, ngày của hắn đã kề.”

    --Tullius


    Tướng Tullius là người Imperial, tướng chỉ huy quân đoàn 4 của Imperial Legion, được hoàng đế Titus Mede II giao nhiệm vụ dẹp tan cuộc nổi dậy Stormcloak. Đại bản doanh của Tướng Tullius đóng ở Solitude. Theo tướng Tullius, chỉ khi đầu Ulfric lìa khỏi cổ, cuộc nội chiến mới có thể kết thúc. Mặc dù muốn tiêu diệt Ulfric, tướng Tullius có vài điểm tương đồng với đối thủ của mình. Tullius không ưa gì Thalmor, và không ủng hộ hiệp ước White-Gold. Nhưng với tư cách là một đại tướng của đế quốc, Tullius trung thành với hoàng đế và không ngần ngại tuyên chiến với những ai chống lại đế quốc.

    Legate (tạm dịch “ủy viên”) Rikke

    [​IMG]

    “Tôi là một công dân của Đế Quốc. Cha mẹ tôi phục vụ trong quân đội Legion, và tôi tiếp bước họ. Nhưng quan trọng hơn, tôi là một người con Skyrim và tôi muốn thấy đất nước tôi thống nhất trọn vẹn.”

    --Rikke


    Ủy viên Rikke là người Nord, phó chỉ huy mặt trận và là cánh tay phải của tướng Tullius trong chiến dịch chống nổi dậy Stormcloak. Rikke quen biết Ulfric từ cuộc chiến “Great War” và cả hai đều là những người Skyrim yêu nước. Tuy vậy Rikke có lập trường chính trị khác Ulfric. Nếu như Ulfric muốn Skyrim độc lập thì Rikke cho rằng sẽ tốt hơn nếu Skyrim là một phần của Đế Quốc. Theo Rikke, một đất nước Skyrim độc lập và một Đế Quốc thiếu Skyrim sẽ cùng bị nuốt chửng bởi Aldmeri Dominion. Chỉ một Đế Quốc với đầy đủ các thành viên của nó mới có thể đứng vững. Cũng như Tullius và Ulfric, Rikke không tôn trọng chính quyền Thalmor và không ủng hộ hiệp ước White-Gold. Không những thế, Rikke vẫn bí mật tôn sùng Talos. Mặc dù là một sĩ quan Legion, Rikke sử dụng vũ khí thiết kế bởi người Nord, chứng tỏ tinh thần dân tộc rất cao. Mặc dù là người Nord và hiểu được lựa chọn của những người Stormcloak, Rikke tuyệt đối trung thành với tướng Tullius và không ngần ngại tiêu diệt những đồng hương đã cùng chiến đấu cùng mình trong cuộc chiến “Great War” nhưng nay đứng bên kia chiến tuyến. Rikke cho rằng Ulfric và các Stormcloak có lý tưởng tốt nhưng sai lầm trong đường lối thực hiện.

    Elisif the Fair (Elisif công bằng)

    [​IMG]

    Elisif là người Nord, vợ của Vua Torygg và được Đế Quốc ủng hộ lên làm nữ hoàng. Điều này là dễ hiểu vì với một người non kinh nghiệm trên chính trường lên làm lãnh đạo và lại có đại bản doanh Imperial Legion đóng sát bên cạnh, Đế Quốc sẽ dễ dàng gây ảnh hưởng và kiểm soát Skyrim. Nếu không có cuộc nổi dậy Stormcloak, cuộc bỏ phiếu “the Moot” của các Jarl sẽ chỉ có ý nghĩa thủ tục và Elisif gần như chắc chắn lên thay chồng lãnh đạo Skyrim.

    Elisif cho rằng cuộc nổi dậy Stormcloak gây ra loạn lạc can qua, khiến anh em chém giết nhau, gia đình ly tán, và thiệt hại nhân mạng vô nghĩa. Elisif tiếp bước chồng trung thành với Đế Quốc, và cũng như chồng, tiếp tục tôn thờ Talos mặc dù hoàn toàn bí mật về điều này.

    Igmund

    Như đã đề cập, Igmund đã từng hợp tác với Ulfric. Tuy nhiên khi Dominion đe dọa chiến tranh, Igmund lập tức cắt đứt liên hệ với Ulfric. Igmund ủng hộ Đế Quốc và nền hòa bình với Dominion, còn dòng họ Blood-Silver ở Markarth nghiêng về phía Ulfric. Mối lo lắng lớn nhất của Igmund không phải là sự trở lại của loài Rồng, cũng không phải là Stormcloak, mà là cuộc chiến ở The Reach với lực lượng bản xứ Forsworn.

    Siddgeir

    Siddgeir là người Nord, Jarl của Falkreath. Siddgeir được cho là đã ép chú của mình là Dengeir nhường lại quyền lãnh đạo Falkreath cho mình dưới sự hậu thuẫn của Imperial Legion. Siddgeir nói rằng Dengeir đã quá già yếu không còn đủ sức gánh vác trọng trách, nhưng khi bản thân trở thành Jarl, Siddgeir lại vô cùng lười biếng. Không giống như chú, Siddgeir ủng hộ Đế Quốc. Không rõ Siddgeir nghĩ thế nào về Thalmor, nhưng trước mặt các đặc phái viên Thalmor, Siddgeir thường nịnh bợ và ca tụng sức mạnh của Dominion.

    Idgrod Ravencrone

    Idgrod là người Nord, Jarl của Hjaalmarch, là hold nghèo nhất trong 9 hold về mặt kinh tế. Người dân Hjaalmarch tập trung lo cho cuộc sống của họ và không quan tâm lắm về cuộc nội chiến đang diễn ra. Idgrod thiên về lập trường trung lập trong cuộc nội chiến, nhưng khi buộc phải chọn lựa một bên, bà ta chọn Đế Quốc, có lẽ vì Hjaalmarch nằm sát bên Solitude và đại bản doanh của quân đoàn 4 Legion.

    Galmar Stonefist

    [​IMG]

    Galmar là người Nord, là chiến hữu của Ulfric trong cuộc chiến Great War. Trong cuộc nội chiến Skyrim, Galmar là nhân vật thứ hai sau Ulfric, đồng thời là tư lệnh quân đội Stormcloak trong hầu hết các trận đánh. Galmar thường xuất hiện bên cạnh Ulfric và làm nhiệm vụ của một vệ sĩ. Galmar có lập trường cứng rắn và cho rằng những ai không theo Stormcloak đều cần phải tiêu diệt, kể cả nếu họ không theo phe Đế Quốc. Theo ông ta nếu là người yêu nước thì phải đứng lên vì tổ quốc, dân tộc. Không làm gì cả thì xứng đáng chết. Mặc dù không nhân nhượng với kẻ thù, Galmar đối xử công bằng và coi trọng tính mạng binh lính của mình, và thường nói rằng quân nhân Stormcloak phải thể hiện được giá trị của người Nord: can đảm, mạnh mẽ, và không bị khuất phục. Galmar làm gương cho binh lính bằng cách chiến đấu rất can đảm và mạnh mẽ trên chiến trường, và vì vậy rất được nể phục. Mặc dù là chủ tớ, Ulfric và Galmar coi nhau như bạn. Galmar tuyệt đối trung thành với Ulfric.

    “Chiến trận thể hiện giá trị thực của người đàn ông. Nhớ lấy điều đó.”

    --Galmar Stone-Fist


    Laila Law-Giver

    Là người Nord và là Jarl của The Rift, Laila thường nói bà ta muốn làm một Bá tước tốt và lãnh đạo công bằng. Tuy vậy Laila lại lạc quan đến độ bàng quan đối với các tệ nạn tham nhũng ở Riften và còn nói rằng Maven Black-Briar là một công dân The Rift mẫu mực, mặc dù người này làm ăn mập mờ gian dối. Laila ủng hộ cuộc nổi dậy Stormcloak nhưng nghi ngờ rằng mục đích thật sự của Ulfric chỉ là quyền lực.

    Skald the Elder

    Skald bô lão tên đầy đủ là Skald Felgeif. Ông ta đã lãnh đạo The Pale hơn 35 năm sau khi gia đình nhà Felgeif đã lãnh đạo The Pale và Dawnstar qua nhiều thế hệ. Skald là một ông già cáu kỉnh và thường cằn nhằn về Đế Quốc và Imperial Legion. Ông ta rất nể trọng Ulfric và thậm chí cho rằng Ulfric là Talos tái sinh. Ông ta cũng cho rằng việc trở lại của loài rồng là do Talos nổi giận vì việc cấm bỏ tôn giáo, và loài rồng sẽ biến mất một khi Stormcloak hất cẳng Đế Quốc ra khỏi Skyrim.

    Korir

    Winterhold từng là một thành phố lớn và có lúc là thủ đô của Skyrim. Sau sự kiện “Great Colapse”, thành phố này chỉ còn là cái bóng của Winterhold cũ. Chính vì trạng thái của Winterhold ngày nay khiến cho nó không còn quan trọng về chính trị như trước đây. Tiếng nói của Korir vì thế không có nhiều trọng lượng so với nhiều Jarl khác. Vợ chồng Korir không ưa gì các pháp sư ở trường đại học Winterhold, và không ủng hộ Đế Quốc.

    Balgruuf the Greater

    [​IMG]

    Balgruuf là Jarl của Whiterun và nghiêng về phía Đế Quốc trong cuộc nội chiến, nhưng đặt lợi ích của Whiterun trên hết và vì vậy giữ lập trường trung lập. Vì Whiterun nằm ở trung tâm Skyrim và có nền kinh tế mạnh, cả Đế Quốc và Stormcloak đều muốn có được hold này. Tướng Tullius đã nhiều lần đề nghị Balgruuf cho Imperial Legion đóng quân ở Whiterun để đề phòng Ulfric tấn công, nhưng Balgruuf luôn từ chối. Ulfric cũng muốn Balgruuf gia nhập cuộc nổi dậy nhưng Balgruuf cũng nói không. Balgruuf từng nói rằng ông ta nợ cả Tullius lẫn Ulfric, có lẽ trước đây đã nhận sự giúp đỡ của cả hai người này? Thay vì tập trung cho cuộc nội chiến, Balgruuf tập trung chuẩn bị đối phó với sự trở lại của loài Rồng.

    Theo như con trai của ông ta là Nelkir, Balgruuf vẫn thờ Talos và căm ghét Thalmor không thua kém gì Ulfric. Tuy nhiên ông ta bí mật về điều này. Balgruuf từng phục vụ trong quân đội Imperial Legion cùng với cận vệ của ông ta là Irileth, một Dunmer (Dark Elf) đã từng được đào tạo bởi hiệp hội sát thủ Morag Tong ở Morrowind. Irileth rất trung thành với Balgruuf.

    “Tôi đứng về phía Whiterun.”

    --Balgruuf the Greater


    *Kinh tế:

    Skyrim là tỉnh có nền kinh tế mạnh của Đế Quốc. Haafingar không những quan trọng về chính trị mà còn là hold giàu có, và Solitude là trung tâm chính trị và kinh tế của cả nước. Ở mỗi đô thị lớn của Skyrim bao gồm Solitude, Whiterun, Markarth, Windhelm, và Riften đều có chợ búa trung tâm là nơi giao dịch buôn bán. Giờ làm việc thông thường là 8 AM – 8 PM. Tiền tệ dùng ở Skyrim là đồng Septim.

    Các ngành kinh tế sản xuất ở Skyrim khá đa dạng. Nông nghiệp rất phổ biến bất chấp điều kiện thời tiết khắc nghiệt. Các ngành sản xuất thông dụng khác là sản xuất ngũ cốc, khai thác mỏ, mài cắt đá quí, và đốn gỗ. Ngoài ra có câu/đánh bắt cá, nuôi ong lấy mật, sản xuất/trưng cất rượu.

    Các ngành dịch vụ thì có nhà trọ, quán rượu, may mặc, rèn đúc khí tài, vệ sĩ/đánh thuê.

    Về vận tải và thương mại đường biển, East Empire Company (còn gọi là East Empire Trading Company, EETC) có mặt ở Skyrim. Đây là công ty đa quốc gia trụ sở chính ở Cyrodiil nhưng tầm hoạt động bao trùm khắp Tamriel đến bất cứ nơi nào có cảng biển. Ở Skyrim, East Empire Company đặt trụ sở ở Solitude và có văn phòng ở Windhelm. Ở Windhelm, EETC gặp cạnh tranh quyết liệt từ công ty của gia đình nhà Cruel-Sea.

    Sự kiện “Great Collapse” giáng một đòn chí mạng vào kinh tế của Winterhold, và sau đó là cuộc nổi dậy Stormcloak ảnh hưởng bất lợi cho kinh tế Skyrim. Tuy nhiên sự đi lên của Riften góp phần đáng kể vào nền kinh tế.
    Thieves Guild là tổ chức của trộm cắp và cái bang có qui mô lớn, trụ sở ở Riften. Tổ chức này ảnh hưởng không nhỏ đến kinh tế Skyrim.

    *Văn Hóa:

    Người Nords có nền văn hóa phong phú thể hiện trong nhiều mặt của cuộc sống như lễ hội, âm nhạc, tôn giáo, giáo dục, và kiến trúc. Người Nords có mối liên hệ rõ rệt với nghệ thuật phát ngôn và võ thuật. Nghệ thuật phát ngôn bắt nguồn từ việc người Nords tin rằng Kynareth là vị Chúa đã ban cho người Nords khả năng nói, và sau đó là khả năng sử dụng “Thu’um,” ngôn ngữ của Rồng. Tiber Septim từng xây dựng trường đại học “College of the Voice” ở Markarth để nghiên cứu phát triển và rèn luyện khả năng sử dụng tiếng gầm cho người Nords sử dụng vào mục đích chiến tranh. Ngôi trường này hiện nay không còn dấu tích, có lẽ đã bị phá hủy. Ngược lại, Jurgen Windcaller phát triển giáo lý “Way of the Voice” và sáng lập ra giáo phái “Greybeards” để rèn luyện khả năng “Thu’um” phục vụ mục đích thờ phụng Kynareth, và chống lại việc sử dụng nó cho bạo lực.

    Người Nords có mối liên hệ chặt chẽ với võ thuật. Xuyên suốt lịch sử Skyrim, người Nords trải qua vô số cuộc chiến thành lập quốc gia, bành trướng lãnh thổ, bảo vệ lãnh thổ, hay đơn giản là xung đột quân sự nội địa, võ thuật do đó tự nhiên trở thành một phần của đời sống người Nords. Họ thông thạo vô số loại binh khí khác nhau từ kiếm ngắn, kiếm dài, đao to, búa lớn, cung nỏ, hay thậm chí võ thuật tay chân. Bên cạnh võ thuật, tinh thần thượng võ cũng là tinh thần chủ đạo trong xã hội Nords. Người Nords rất coi trọng không những sức mạnh cơ bắp mà cả sự can đảm, cứng cỏi về tinh thần. Skyrim là vùng đất rất khắc nghiệt và chỉ có những ai khỏe mạnh và cứng cỏi mới có thể tồn tại. Những lãnh đạo ở Skyrim vì thế thường là những người giỏi võ thuật. Tỷ thí võ tay đôi cũng là một cách giải quyết các xung đột của người Nords. Trong các quán rượu, 2 người có mâu thuẫn với nhau có thể kéo ra sân đánh nhau một trân để giải quyết thắng thua. Nếu một người bị thách đấu mà từ chối thì sẽ bị cho là yếu đuối nhút nhát. Chính vì điều này mà vua Skyrim Torygg không thể từ chối khi bị Ulfric thách đấu. Theo truyền thống người Nords, các Jarl có thể thách đấu với nhau hoặc thậm chí với Vua nếu họ không phục.

    Âm Nhạc

    Người Nord dành nhiều thời gian phát triển khả năng sử dụng ngôn ngữ, vì thế kéo theo khả năng ca xướng. Ở các quán rượu khắp Skyrim, phong cảnh thường thấy là một nhóm Nords với cốc rượu Nord Mead quây quần quanh ngọn lửa nghe các nghệ sĩ hát xẩm trình diễn. Các bài hát nổi tiếng bao gồm “Ragnar the Red,” “the Song of the Dragonborn,” “the Dragonborn Comes,” và “Tales of the Tongues.” Có những bài hát đã tồn tại vượt thời gian từ Kỉ Nguyên Thứ Nhất cho đến tận ngày hôm nay vẫn được hát như “King Olaf’s Verse” (bài xướng của Vua Olaf).

    Âm nhạc còn được sử dụng cho mục đích tuyên truyền của 2 phe trong cuộc chiến. Một bài hát có hai phiên bản là “The Age of Aggression” tuyên truyền cho phe Đế Quốc và “The Age of Oppression” tuyên truyền cho phe Stormcloak. Hai phiên bản này giai điệu như nhau nhưng ngược nhau ở ngôn từ.

    Âm nhạc và nghệ thuật trình diễn được dạy ở “the Bards College” ở Solitude.

    Lễ Hội

    Ở Skyrim có hai lễ hội đáng chú ý là “Feast of the Dead” tổ chức ở Windhelm vào ngày 13 tháng 2 hàng năm để vinh danh Ysgramor và “500 Người Bạn Đồng Hành,” và lễ hội thứ 2 là “the Burning of King Olaf” do trường Bards College tổ chức.

    Tôn Giáo

    Thời xưa, người Nords thờ cúng các loài thú vật và Rồng. Còn ngày nay, tôn giáo của người Nords bao gồm Alduin, Dibella, Orkey, Tsun, Mara, Stuhn, Kyne (Kynareth), Jhunal, Shor, Ysmir, Herma-mora, Maloch.

    Ysmir còn có nghĩa là Rồng Phương Bắc (“Dragon of the North”). Đây là danh hiệu được các Greybeards dùng đặt cho những ai được họ chính thức công nhận là Dragonborn. Những người đã từng được mang danh hiệu Ysmir là Wulfharth, Pelinal Whitestrake, và Tiber Septim. Còn Shor được coi là vị Chúa cha ở Skyrim, ngang hàng với Akatosh ở Cyrodiil, và là người tạo ra Sovngarde. Sovngarde là cõi suối vàng của những người Nords có tín ngưỡng và chết một cách anh hùng. Jhunal hầu như không còn được thờ ở Skyrim ngày nay, và trở thành Julianos của Nine Divines.

    Thờ cúng các Deadra mặc dù hiếm hoi nhưng cũng xuất hiện ở Skyrim. Herma-mora được coi là Hermaeus Mora của người Nords, còn Maloch là Malacath. Những Deadra khác cũng có tôn giáo ở Skyrim là Azura, Nocturnal, Namira, Hircine, và Vaermina.

    Tôn giáo Talos là một tôn giáo rất mạnh ở Skyrim cho đến khi Đế Quốc ký hiệp ước White-Gold với chính quyền Thalmor. Để đảm bảo việc xóa sổ tận gốc tôn giáo Talos, các đặc phái viên Thalmor (gọi là Thalmor Justicar) được chính quyền Thalmor giao quyền truy lùng và thanh tra ở khắp lãnh thổ Skyrim. Trong hiệp ước có điều khoản qui định việc này và vì vậy những người trung thành với Đế Quốc có nghĩa vụ hỗ trợ cho việc này được thực thi nghiêm túc nhằm đảm bảo hòa bình với Dominion. Mặc dù vậy, vẫn có nhiều nhân vật quan trọng ở Skyrim tiếp tục thờ phụng Talos trong bí mật. Trong số này có Elisif the Fair, Legate Rikke, và Balgruuf the Greater. Sau khi hiệp ước đi vào hiệu lực, điện thờ Talos ở ngôi đền “Temple of the Divines” bị phá hủy và di dời. Tuy nhiên rải rác khắp Skyrim vẫn còn những điện thờ Talos chưa bị Thalmor phát hiện. Ở những vùng trung lập như Whiterun hoặc dưới tầm kiểm soát của Stormcloak như Windhelm và Riften, các điện thờ Talos vẫn tấp nập người cúng kiếng. Thậm chí ngay trong lòng Markarth, là phe theo Đế Quốc và có một đội Thalmor Justicar cắm trụ, vẫn có điện thờ Talos ẩn náu ngay dưới đền thờ Dibella.

    Kiến Trúc

    Kiến trúc ở Skyrim là sự pha trộn giữa nông thôn và thành thị. Trong số 9 thành phố chính của Skyrim thì 4 trong số đó là làng mạc thôn dã, 5 thành phố còn lại có kiến trúc của đô thị lớn.

    Kiểu cách xây dựng thì khác nhau, và không rõ là kiến trúc ở Skyrim phụ thuộc vào đâu hay được định hướng như thế nào. Thành phố Markarth được xây dựng bởi Dwemer trước khi họ biến mất vào năm 1E 700, cho nên nhà cửa thành quách được làm toàn bằng đá và kim loại. Chính vì điều này mà Igmund không lo lắng cho lắm về Rồng, vì ông ta nói thành phố của ông ta không thể bị cháy.

    Kiến trúc của người Nord bao gồm cả gỗ và đá. Khu vực Cung điện các Vị Vua (Palace of Kings) ở thành phố Windhelm được xây dựng bởi người Nords cổ (Atmorans) sử dụng hoàn toàn đá. Kiến trúc người Nords cổ bao gồm các “longhouse” với hình Rồng, Bò, Gấu, Chim, Cá, Rắn, và Người trạm trổ trên các bức tường và cột trụ. Người Nords thời xưa cũng thường xây các bức tường ghi chép các tiếng gầm của Rồng gọi là “Word Walls.” Bức tường này có lẽ để gìn giữ kiến thức về ngôn ngữ Rồng và truyền dạy các tiếng gầm cho những ai có khả năng nắm bắt. Kiến trúc của người Nords về sau này thì thiên về nhà cửa bằng gỗ nhiều hơn. Vì Skyrim là xứ lạnh, mỗi căn nhà ở đều bao gồm lò sưởi và ống khói.

    Ở Skyrim cũng có mặt kiến trúc của Akaviri. Vào Kỷ Nguyên Thứ Nhất, ngôi đền Sky Haven Temple được xây dựng bởi các Dragonguard ở The Reach. Đến năm 1E 2812, hoàng đế Reman II cho xây dựng bức tường Alduin’s Wall ở trong ngôi đền. Đây là một bức tường khổng lồ tiên đoán nhiều sự kiện quan trọng ở Tamriel. Sky Haven Temple và Alduin’s Wall là di sản sống động về kiến trúc và nghệ thuật đắp và tạc tượng của Akaviri.

    Solitude thì có vẻ theo phong cách của Imperial.

    Giáo Dục

    Có 3 trường đại học ở Skyrim: Imperial College of the Voice ở Markarth (nay đã không còn), Bards College ở Solitude, và College of Winterhold ở Winterhold.

    Ngoài 3 trường đại học dạy kiến thức chính quy, những kiến thức về nghề nghiệp hoặc các bí kíp gia truyền được truyền dạy bởi các sư phụ. Những người này đều lấy học phí. Học càng sâu kiến thức thì học phí càng cao.
     
    Chỉnh sửa cuối: 19/12/14
    buta_buta thích bài này.
  8. LAX Girl

    LAX Girl Liu Kang, Champion of Earthrealm Lão Làng GVN

    Tham gia ngày:
    23/8/06
    Bài viết:
    5,366
    Nơi ở:
    Wonder Land
    Bài viết khủng quá, ngấu nghiến hết mấy bài của bác rồi.
    Bác có thể cho thêm tí kiến thức về Falmer và Dwemer không.
    Theo như mình tìm hiểu thì như sau:
    Sau trận chiến giữa Snow Elf và người Nord. Những người Nord vẫn ráo riết săn lùng Snow Elf đến những Elf cuối cùng.
    Trước sự săn lùng đó, Snow Elf tìm đến sự bảo vệ của người Dwemer, nhưng đổi lại là một cái giá rất đắt: Snow Elf phải uống thuốc độc (đúng ra là nấm độc) khiến cho hai mắt họ bị mù hoàn toàn. Trước quyết định khó khăn này, số Elf ít ỏi còn lại chia thành hai nhóm, một nhóm quyết định uống để được sống, và bị gọi là The Betrayed. Số còn lại là những Elf kiên quyết không uống, về sau cũng bị săn đuổi và mất tích trên mặt đất.
    Về phần Elf uống thuốc độc, họ bị mù hoàn toàn và sau một vài đời thì trở thành nô lệ cho Dwemer, một kết cục hết sức bi thảm. Chính vì bị nô lệ và mù, họ hoàn toàn không học hỏi được gì, càng ngày càng thoái hóa dị dạng đi, về sau trở thành Falmer, không còn được tính vào hàng sinh vật bậc cao (mang black soul) nữa.
    Sau này khi Dwemer biến mất một cách bí ẩn, Falmer vẫn ở lại trong những thành phố dưới lòng đất, chính vì bị mù nên thính giác họ rất phát triển và họ cũng không đủ thông minh để đi đâu đó xa hơn nơi tổ tiên họ vẫn sống, Falmer ở đó và nuôi những con Chaurus, lấy thịt ăn và vỏ làm nhà, áo giáp.
    Vấn đề mình thắc mắc ở chỗ:
    1. Vì lý do gì Dwemer bắt Snow Elf uống thuốc độc một cách dã man như vậy? Có phải vì hai con mắt họ là hai cục tinh thể cực kỳ quý giá hay không? (Trong tài liệu có nói đến, mắt của Snow Elf vốn là loại gem tinh khiết hơn mấy cục gem chứa soul nhiều lần)
    2. Vì lý do gì mà Dwemer lại biến mất? Và tại sao khi họ phát triển cực thịnh, họ không tràn lên mặt đất, thống trị và nô lệ luôn cả loài Nord? (Cái này tài liệu nói là Aethirium War, nhưng chưa được confirm)
    3. Thời gian xuất hiện và biến mất của Dwemer nằm ở giai đoạn nào của lục địa Tamriel ? Nếu đúng là biến mất vào Era 1st thì sau mấy nghìn năm mấy con nhện với sphere vẫn chạy ro ro quả là hơi bị vô lý, máy móc cũng vẫn chạy đều, hơi nước vẫn phun phà phà. Ví như bây giờ mà mấy cái đồ của thời Hùng Vương vẫn xài tốt vậy. Nếu là "vẫn còn người Dwemer nhưng họ ẩn náu ở đâu đó trong BlackReach / dưới cả BlackReach" thì còn có lý, vì có như vậy máy móc mới vận hành được. Và trải qua mấy nghìn năm như vậy mà Falmer vẫn sống dưới BlackReach, không sinh sôi nảy nở thêm hay tiến hóa lại hai con mắt thì cũng khá là khó hiểu?
    ---------
    Vài câu hỏi mong bác chia sẻ :D

    P.s:
    Cuộc chiến Atmoran-Snow Elf : Trận này theo mình tìm hiểu thì gọi là "Đêm đầy nước mắt - Night of Tears" vì Snow Elf đột kích giữa đêm tàn sát toàn bộ người Nord ở Saarthal.
     
    Chỉnh sửa cuối: 4/1/15
  9. mr..white

    mr..white Bạch Tiên Sinh Lão Làng GVN

    Tham gia ngày:
    26/9/12
    Bài viết:
    5,903
    Nơi ở:
    Venezia
    Dwemer thực sự đã "biến mất" từ First Era. Cũng không phải do Falmer nổi dậy. Cái này là 1 bí ẩn không giải thích được...
     
  10. LAX Girl

    LAX Girl Liu Kang, Champion of Earthrealm Lão Làng GVN

    Tham gia ngày:
    23/8/06
    Bài viết:
    5,366
    Nơi ở:
    Wonder Land
    1st Era Dwemer vẫn còn đánh nhau với người Nord mà bác.
    Sau này biến mất là vì khi phát hiện ra cách dùng Aethirium thì họ tranh nhau quyền kiểm soát cái Forge dưới BlackReach, dẫn đến đánh nhau và tuyệt diệt (tuy nhiên đây là đồn đại, không có cơ sở nào chứng minh, vả lại, đánh nhau thì phải có bên thắng bên thua, lẽ nào lại chết sạch không còn một mống nào như vậy được)
     
  11. Cyber Matrix

    Cyber Matrix Legend of Zelda Lão Làng GVN

    Tham gia ngày:
    13/7/12
    Bài viết:
    927
    Nơi ở:
    Whiterun
    Có lời đồn đãi là chúng nó muốn thành thần nên dùng 1 vật là Heart of Lorkhan để toàn giống loài trở nên bất tử nhưng kết quả là hủy diệt hoàn toàn. Mà tất cả lịch sử về bọn này chỉ là lời đồn vì không có nhân chứng ghi lại. Nên đúng là chịu thật @@
     
  12. Nextdoor

    Nextdoor Donkey Kong

    Tham gia ngày:
    23/5/08
    Bài viết:
    306
    Bọn Dwemer bắt ăn nấm chỉ đơn giản là kiềm hãm Snow Elf, hạn chế nguy cơ bọn này phản trắc về sau thôi, chứ nếu vì đôi mắt thì họ đã móc mắt rồi chứ đâu cần phải bày vẽ, lore vốn dĩ không giải thích rõ về điều này thì bạn cũng đừng nghĩ sâu xa quá :D
     
  13. kingblackcat

    kingblackcat Sonic the Hedgehog Lão Làng GVN

    Tham gia ngày:
    17/6/08
    Bài viết:
    4,594
    mình đang kô biết bọn Dwemer có phải là người lùn không nhỉ? Mình thấy đồ dùng của bọn này kô có vẻ gì là thể hiện bọn này có chiều cao thâp cả. Nhất là nhứng cái kệ 3 tầng khá là cao, những cái hòm treo trên tường cũng được đặt làm sao cho vừa tấm so với người bình thường. Thậm chí là vũ khí và áo giáp cũng vậy. bạn mình bảo đó là những vũ khí với áo giáp được làm theo công nghệ của Dwemer nhưng mình nghĩ đó chính là của bọn Dwemer làm ra :-?
     
  14. mr..white

    mr..white Bạch Tiên Sinh Lão Làng GVN

    Tham gia ngày:
    26/9/12
    Bài viết:
    5,903
    Nơi ở:
    Venezia
    Liên minh với chủng Chimer đánh nhau với Nord từ 1E 416.
    Theo như mình tìm hiểu thì có 2 sự kiện xảy ra lúc tộc Dwemer biến mất
    1.Sự kiện War of the Crag
    Loài Snow Elf bị các Atmoran truy sát và tị nạn ở chỗ Dwemer, về sau bị biến đổi thành Falmer như bác đã kể. Sau này chịu sự áp bức của Dwemer, người Falmer nổi dậy. Cuộc chiến nổ ra bên dưới lòng đất. Cuộc chiến kết thúc vào ngày các Falmer tới chiến trường mà nhận ra rằng toàn bộ chủng tộc Dwemer đã biến mất…
    Cái này có thể đọc được trong quyển “The Falmer: A Study”. Dễ kiếm nhất thì đến thư viện của College ở Winterhold mua.
    2.Sự kiện War of the First Council
    Loài Dwemer tìm được 1 loại artifact quyền năng gọi là “the Heart of Lorkhan”, có thể sử dụng để cấp năng lượng cho 1 vị thần nhân tạo là Numidium – vị thần được “chế tạo” bởi người Dwamer. Biết được điều này thì loài Chimer – loài đã liên minh với Dwemer để đánh đuổi Nord ra khỏi Morrowind - quyết định hủy bỏ liên minh với Dwemer và gây chiến với Dwemer. Thời điểm này là 1E 668. Kagrenac – Kiến trúc sư trưởng tộc Dwamer – đã cổ sử dụng the Heart để biến người Dwamer trở thành bất tử, nhưng cuối cùng bị phản tác dụng và toàn bộ chủng tộc Dwemer bị biến mất một cách thần bí. Thời điểm này là 1E 700. Khi tộc Chimer tiến vào thì chẳng thấy tộc Dwamer, Sotha Sil – một pháp sư Chimer – đã thử sử dụng the Heart và phát hiện ra nó có thể biến con người trở thần, và Sotha Sil đã biến mình cùng 2 đồ đệ là Vivec, Almalexia trở thành thần. Họ phản bội Azuza dẫn tới việc tộc Chimer bị nguyền rủa.

    Theo mình suy đoán thì có thể 2 sự kiện xảy ra cùng lúc tộc Dwemer biến mất, chính vì bị 2 bên Chimer với Falmer tấn công nên Kagrenac mới thử biến người dân thành bất tử nhưng không thành, và rồi bí biến mất một cách thần bí. Có thể là chết, trở thành God....
    Trình tiếng Anh có hạn nên có 1 số điểm chăc cũng chưa đúng:D Nếu có sai sót mong các bác góp ý...
     
  15. LAX Girl

    LAX Girl Liu Kang, Champion of Earthrealm Lão Làng GVN

    Tham gia ngày:
    23/8/06
    Bài viết:
    5,366
    Nơi ở:
    Wonder Land
    À lưu ý vói mấy bác là Dwemer hoàn toàn khác với Dwarven trong thần thoại Bắc Âu, Dwemer là thuộc tộc Elf nhé, cực kì cao và gầy, giống mấy con robot ấy.
    Chữ Mer trong Dwemer là để chỉ Người dưới lòng đất sâu, Dwarven trong Skyrim cũng khác hoàn toàn với đám người lùn trong mấy truyện cổ tích.
    Bethesda tạo ra các chủng tộc hoàn toàn khác biệt với thần thoại:
    Nord không hề yếu đuối, thực chất con người rất mạnh khi đoàn kết.
    Elf là loài hiếu chiến, khát khao quyền lực và dung mạo xấu xí
    Dwemer là loài cao, gầy, kiến thức cực kì phát triển
    --------
    Về Falmer: Không rõ là Falmer bây giờ còn khả năng hồi phục lại thành Snow Elf không? Và tình tiết nêu ra "Hai con mắt của Snow Elves là tinh thể cực quý" chưa rõ là nhà sản xuất có ý đồ gì ?
     
  16. kingblackcat

    kingblackcat Sonic the Hedgehog Lão Làng GVN

    Tham gia ngày:
    17/6/08
    Bài viết:
    4,594
    falmer bị mù nhưng tại sao họ có ngôn ngữ riêng? Trong phần nhiệm vụ của Thieves khi tìm được cuốn nhật kí của Gallus thì trong đó Gallus sử dụng tiếng Falmer để viết. Để ý thì Falmer chưa bao giờ nói + bị mù thì làm sao mà phát triển ngôn ngữ riêng được nhỉ :-?
     
  17. Morrowind_Lord

    Morrowind_Lord Mr & Ms Pac-Man

    Tham gia ngày:
    23/5/05
    Bài viết:
    189
    Cám ơn mod đóng bài lên trên.

    Cái này chính xác.

    Vì Dwemer không tin tưởng Snow Elves.
    Lý do Dwemer (Deep Elf) biến mất một phần là do họ có tham vọng thống trị. Dwemer là loài cực kỳ giỏi về kỹ thuật máy móc. Khi phát triển các thành phố trong lòng đất, họ đào được trái tim Lorkhan. Kagrenac, tổng công trình sư của vua Dumac phác thảo đề án Numidium, là một con golem khổng lồ sử dụng trái tim Lorkhan làm nguồn năng lượng vận hành. Nếu Numidium hoàn tất, nó sẽ trở thành god mới của chủng tộc Dwemer và có thể giúp Dwemer chinh phục toàn bộ Tamriel. Thực sự loài Dwemer có tham vọng lớn như thế hay không thì không dám chắc, nhưng tiềm năng thỉ rõ ràng. Kế hoạch này sụp đổ vì Indoril Nerevar của dân Chimer (Dark Elf) nhìn ra được mối đe dọa nếu Dwemer hoàn thành kế hoạch, nên đã dẫn quân đến đánh Dwemer gây ra chận triến Red Moutain thứ 2. Trong trận chiến, khi quân Chimer gần thắng, Kagrenac dùng bộ công cụ của ông ta tương tác với trái tim Lorkhan, có thể là một nỗ lực cuối cùng hoặc có thể là để phá hủy không cho nó lọt vào tay Chimer. Khi ông ta làm thế thì toàn bộ Dwemer biến mất trên khắp Tamriel. Không biết là đã bốc thành hơi tan ra trong không khí, hay là dịch chuyển tức thời đến một cõi khác, hay là dịch chuyển thời gian về quá khứ, tương lai? Không ai biết.

    Dwemer biến mất năm 1E 700 (năm thứ 700 của kỷ nguyên thứ nhất). Dwemer rất giỏi chế tạo máy móc nên đồ của họ vận hành trong thời gian lấu thế cũng có lý. Nên nhớ rằng Dwemer là Mer, tức là chu kỳ sống bình thường lên đến 1 ngàn năm. Đồ đạc họ chế tạo, xây dựng cũng phải tương ứng.
     
  18. LAX Girl

    LAX Girl Liu Kang, Champion of Earthrealm Lão Làng GVN

    Tham gia ngày:
    23/8/06
    Bài viết:
    5,366
    Nơi ở:
    Wonder Land
    ^
    Cám ơn bác, kiến thức bác uyên thâm quá, xin nhận của tại hạ một bái ^:)^
     
  19. Morrowind_Lord

    Morrowind_Lord Mr & Ms Pac-Man

    Tham gia ngày:
    23/5/05
    Bài viết:
    189
    :7cool_waaaht: Thôi tui không dám. Chơi game bàn luận cho vui thôi, chứ dừng bái. :3cool_embarrassed:
     
    bengotau thích bài này.
  20. LAX Girl

    LAX Girl Liu Kang, Champion of Earthrealm Lão Làng GVN

    Tham gia ngày:
    23/8/06
    Bài viết:
    5,366
    Nơi ở:
    Wonder Land
    Vậy bác cho mình hỏi thêm:
    Người Dwemer ngày xưa rất mạnh và sống ở nhiều nơi, thấy ngoài đảo Solstheim cũng có, vậy có tài liệu nào ghi chép về việc có hay không người dwemer tại lục địa khác ngoài Tamriel? Và những người Dwemer ở xa xôi cách xa khỏi Blackreach và 4 thành phố liên quan, khi xảy ra biến cố Lorkhan họ bị ảnh hưởng thế nào? Nếu cũng biến mất thì phải chăng cách hoạt động của Lorkhan là rà soát tất cả những sinh vật trên Nirn, ai mang ADN Dwemer là bị (được?) biến mất / dịch chuyển sang vùng khác ?

    *Heart of Lorkhan: Lorkhan là ai? Mình đã thực hiện một vài tìm hiểu. Theo mình biết thì Heart of Lorkhan có bí danh (ID) là heart_akulakhan.
    Akula là tiếng Saskrit, dịch ra là "Thông tuệ". Trong đạo Hindu, Akula là tên của thần Shiva, vị thần của sự hủy diệt và tái sinh, đã có ý đặt tên như vậy, hẳn là Bethesda ẩn ý cho rằng Dwarven đã bị hủy diệt nhưng sẽ tái sinh. Lorkhan cũng là 1 trong 4 divines tạo ra Nirn. Lorkhan = Lore Khan ? Hay Lord Khan ?

    P.s:
    Một vài ý kiến *trên mạng (Steam, uesp, v.v...)* cho rằng TES 6 (TES 5 với 3 DLC chắc đã kết thúc), sẽ có tên TES 6: *Địa điểm người Dwemer đang ở*, người chơi sẽ có dịp tìm lại cuộn elder scroll của người Dwemer, tái khởi động Heart of Lorkhan và chu du vào thế giới của Dwemer, giải đáp bí ẩn lớn nhất TES 5, sau đó có thể bring back Dwemer và chọn cùng Dwemer xâm lược người, hoặc cùng người chiến đấu với Dwemer, blah blah...
    Đọc qua thấy cốt truyện có vẻ hấp dẫn, mà không biết TES 6 sẽ như thế nào hay thậm chí *bao giờ mới ra TES 6* :9cool_too_sad:

    [spoil]
    Buồn cái là trước giờ hễ mình chơi game hay nào thì game đó lại bị ngừng vô thời hạn :9cool_too_sad:
    1. Half-life, sau khi ra hết Half-Life 2 là thôi hẳn
    2. Diablo II, chơi xong đợi đã đời mới ra Diablo III, và... xịt
    3. Starcraft, cũng delay gần chục năm, và xịt nốt
    4. Warcraft 3, confirm end series luôn, không ra W4 :5cool_beat_plaster:
    5. NFS, giờ thì mất tích giang hồ :5cool_beat_plaster:[/spoil]

    [​IMG]
    1 trang trong quyển sách của Oghma Infinium, quyển sách này xuất hiện từ rất lâu, từ Dagger Fall đã có rồi, chứng tỏ tầm quan trọng của nó, nhưng không hiểu sao vẫn nằm trong 1 quest line nhỏ. Quyển này chứa đựng một phần nhỏ tri thức của Mora, được Xarxes ghi lại *Oghma là tên vợ Xarxes*. Sau này bị khóa trong cái hộp của người Dwarven, nằm ở lều của Septimus.
    Bác chúa tể Morrowind cho xin ít bình luận về quyển này với :D
     
    Chỉnh sửa cuối: 6/1/15

Chia sẻ trang này