(Vzone) - Chuyện gì đến cũng phải đến, GOMTV Intel Classic season 2 đã kết thúc, với chiến thắng thuộc về…. Số tiền thưởng dành cho người thắng cuộc không thua gì so với hai giải đấu danh giá là MSL và OSL, là một đấu trường khắc nghiệt với số lượng game thủ tham gia lớn nhất từ trước tới nay – 64 game thủ, chưa kể với việc được hỗ trợ cực tốt trong khâu tường thuật trực tiếp bởi hai cái tên quá quen thuộc trong cộng đồng StarCraft thế giới là Tasteless và lilsusie, ấy thế mà trong mắt game thủ chuyên nghiệp Hàn Quốc, GOMTV chỉ được đánh giá là “một giải hạng hai”. Trước khi đi đến kết quả của trận chung kết ngày hôm nay, có lẽ ta cần phải biết thêm một chút về giải đấu GOMTV. Tiền thân của GOMTV Intel Classic chính là GOMTV Star Invitational (hay còn được biết đến qua cái tên GSI), một giải đấu mời quy tụ 16 game thủ sáng giá nhất làng StarCraft Hàn Quốc, trong đó không thể không kể đến các huyền thoại như “ông hoàng Terran” SlayerS`BoxeR`, “thiên tài Terran” Nada hay những Bisu, Stork, Jaedong, Flash…Tất cả các ngôi sao sáng trên bầu trời StarCraft Hàn Quốc đều quy tụ tại GSI. Lần đầu tiên trong lịch sử, người Hàn Quốc “để mắt” tới cộng đồng thế giới. Khán giả thế giới bên cạnh việc được thưởng thức một giải đấu hấp dẫn, họ còn bị chìm đắm bởi giọng bình luận tiếng anh được Tasteless thể hiện rất thành công. Với những đầu tư rất lớn trên nhiều mặt, GSI đã thu về những kết quả mà chính người đứng đầu dự án – anh JPLee cũng không khỏi ngạc nhiên. Con số trên 500.000 người cố gắng truy cập vào địa chỉ xem trực tiếp của GSI trong ngày diễn ra trận chung kết khi tập đoàn Greetech (công ty mẹ của GOMTV) chỉ có thể đáp ứng được 40.000 người xem cùng lúc chính là một bằng chứng thuyết phục ban lãnh đạo hơn cả. 500 so với 40, quả là một khoảng cách quá lớn. GSI đã thành công khi thu hút được sự chú ý rất lớn của công chúng Dựa trên những thành công không tưởng về GSI, GOMTV Intel Classic Season 1 tiếp tục được ra mắt. Vẫn được hỗ trợ về mặt kỹ thuật như những gì GSI đã từng có tuy nhiên, với thể thức thi đấu thiếu đi những bước đột phá cũng như công tác quảng bá giải còn hạn chế, chưa kể đến những rắc rối mà KeSPA đã làm khó ban tổ chức, thật đáng buồn là GOMTV Intel chỉ thu hút được một số lượng khán giả rất khiêm tốn. Nhưng với mục đích chính là đánh vào tầng lớp khán giả ngoài Hàn Quốc thì có lẽ, giải đấu vẫn được đánh giá là thành công. Và đã là một giải đấu thành công thì có lẽ chúng ta chẳng có lí do gì mà lại không tiếp tục tổ chức nó. GOMTV Intel Classic season 2 vì thế ra đời. Trải qua một chặng đường dài, bắt đầu với những 64 game thủ, ước tính để đi đến trận chung kết, khán giả đã được thưởng thức trên một trăm trận đấu được trình diễn bởi rất nhiều game thủ khác nhau. Ý tưởng xây dựng một đấu trường khắc nghiệt khi quy tụ rất nhiều “tay chuột” là một ý tưởng rất hay nhưng nếu ban tổ chức GOMTV không tận dụng tốt thì nó sẽ gây ra một phản ứng phụ không hay. StarCraft vốn là một game chiến thuật và cho dù có diễn ra với tốc độ nhanh thế nào đi chăng nữa, việc phải xem quá nhiều trận đấu trong một thời gian dài cũng sẽ tạo ra cảm giác nhàm chán. Không những thế, với sự góp mặt của nhiều gương mặt mới, giải đấu có thể có những bất ngờ nho nhỏ nhưng điều đó cũng có nghĩa là sức nóng của giải sẽ bị dàn trải rất nhiều, cơ hội để có những trận đấu “trên cơ” giữa những nhân vật thuộc hàng top với lớp game thủ cấp dưới là điều rất dễ xảy ra. Nhờ những thành công của GSI, GOMTV Intel Classic 1 ra đời nhưng không thu được kết quả khả quan trong thị trường Hàn Quốc Ấy vậy mà cuối cùng, GOMTV cũng đi vào những chặng cuối, các gương mặt xuất sắc nhất còn lại cũng đã lộ rõ. Theo như nhận định của fans hâm mộ, trận chung kết của GOMTV Intel Classic season 2 là một trận tái đấu giữa Bisu và JangBi với món nợ mà Bisu đã để lại cho “chàng leader tương lai của Samsung KHAN” cách đây không lâu tại ClubDay MSL. Mặc dù đang có những tiến bộ không ngừng nhưng cũng chẳng ngoa khi nói rằng nếu so sánh JangBi với Bisu, ta vẫn thấy một chút gì đó của sự không tương xứng về mặt đẳng cấp giữa hai người, Bisu là một đẳng cấp cao hơn rất nhiều so với anh chàng JangBi mới nổi lên cách đây không lâu. Theo nhiều người, trận đấu có hai hướng xảy ra khi một là Bisu sẽ thắng cách biệt với tỉ số 3 – 0, hai là JangBi sẽ chiến thắng vất vả 3 – 2. Thật đáng tiếc, dự đoán của đa số fans hâm mộ đều…trật lất. Dẫu cho đó là một trận đấu không quá khó khăn đối với Bisu nhưng anh vẫn để thua một ván tại ván đấu thứ hai, kết thúc trận chung kết với tỉ số chung cuộc là 3 – 1. Trong trận chung kết này, ta đã thấy một Bisu rất khác, thay đổi trong lối đánh một cách đáng kể. Trước đây, mặc dù không được đánh giá cao tại Matchup PvT hay PvP vì khả năng macro không phải là điểm mạnh của mình thì giờ đây, sau những nỗ lực lớn của cá nhân, Bisu đã thay đổi. Liên tục hoàn thiện kỹ năng macro cùng “sánh vai” với khả năng Harass (quấy rối/chống phá) đối phương lên thần (một phần làm nên danh tiếng của anh), Bisu bây giờ đã hoàn toàn tự tin khi biến trận đấu trở thành những màn cân não về mặt lâu dài, tạo một sức ép cực kỳ khó chịu lên đối thủ của mình. Trong khi đó, ngược lại với Bisu, JangBi đã lựa chọn chiến thuật một cách sai lầm. Tôi thực không rõ là trước đêm chung kết này, Stork có giúp JangBi chút nào về mặt chiến thuật hoặc cảnh báo cho JangBi về khả năng micro tuyệt hảo của Bisu trong khoảng đầu và giữa của trận đấu hay không mà JangBi đã tỏ ra rất hấp tấp trong những màn combat của mình. JangBi là một game thủ giỏi, nhưng đứng trước một gương mặt xuất sắc như Bisu, JangBi chỉ là một “hạt giống tốt” mà thôi. Có lẽ, giờ đây, muốn lật đổ “nhà cách mạng” trên chiến trường PvP, ta chỉ còn cách là chờ đợi “tiếng gầm vang của khủng long Stork”. Bisu hạnh phúc với chiếc cúp GOMTV trên tay Lời cuối, xin chúc mừng Bisu với chức vô địch của mình và hy vọng, anh sẽ tiếp tục phát huy một phong độ sáng chói như vậy tại OSL, bổ sung vào bộ sưu tập của mình danh hiệu duy nhất còn thiếu này! Hồng Phượng (Theo Game.Vzone.vn) + 300 Points