Sự bùng phát của game

Thảo luận trong 'Thư giãn' bắt đầu bởi Trungnguyeneco, 17/6/21.

  1. Trungnguyeneco

    Trungnguyeneco Mr & Ms Pac-Man Lão Làng GVN

    Tham gia ngày:
    16/8/08
    Bài viết:
    170
    Xin chào các bạn, mình là thành viên của gamevn từ ngày đầu thành lập nhưng mất mẹ nick nên phải lập nick mới để làm tàu ngầm mấy năm nay. Mình cũng lớn rồi và do bệnh nặng, sợ mình sẽ mất nên cố viết lại một quyển hồi ký lưu lại cho con cháu.

    Mình viết bài này dựa trên trí nhớ nên thế nào cũng có sai sót, anh em nào góp ý giúp mình nhé:


    40. Chương V: The Game Boomer – Sự bùng phát của trò chơi điện tử

    Mọi người đều nghĩ rằng sự phát triển của trò chơi, chỉ đơn thuần là sự có thêm một vài thú vui giải trí, không có điều gì quan trọng. Sự thật là sự phát triển của trò chơi, cũng là nền tảng cho sự bắt đầu của một thế giới mới. Một thế giới tàn nhẫn và mơ mộng hơn.


    ***

    Có 3 loại trò chơi ở thế giới này: trò chơi vận động ( thể thao và các loại trò chơi cộng đồng), trò chơi trí tuệ (đố vui, ô chữ, cờ) và trò chơi điện tử (video game). Chúng ta định nghĩa trò chơi là những hoạt động có thể khiến coi người vui vẻ và thư giãn. Đó thật sự là một định nghĩa rất rộng, tuy nhiên cũng có thể thấy được rằng, có lẽ trò chơi đã phát triển song hành cùng với con người từ những ngày đầu tiên của lịch sử. Và thế hệ của chúng tôi, hay cụ thể hơn là tôi, đã chứng kiến một giai đoạn đặc biệt của lịch sử nhân loại, giai đoạn bùng phát của trò chơi.

    Tôi không có duyên lắm với các trò chơi vận động do bệnh tim (mà bạn tôi nói rằng sex cũng là thể thao ấy nhé), cho nên chỉ tập trung vào hai thể loại còn lại. Trò chơi trí tuệ thì tôi thích chơi ô chữ và cờ vua, còn video game thì tôi chơi tất cả các thể loại, trừ những thể loại quá khó. Do đó, chương này khi nhắc đến sự bùng phát của Game, ý là tôi đang nói về Video game.

    ***

    Thời kỳ mở đầu

    Năm 1977, Atari lần đầu tiên phát hành máy game Ping Pong như là máy game đầu tiên của lịch sử nhân loại. Nhưng cùng lúc đó tại Việt Nam, bọn trẻ tuổi ấy vẫn giải trí bằng hát dân ca, ca dao và chơi những trò chơi vận động kiểu như ve ve chành chành, năm mười, rượt bắt…Mãi đến khi tôi học lớp 1, tôi mới bắt đầu thấy các loại máy video game xuất hiện và bùng phát. Năm 1988, các máy game NES còn được gọi là máy bốn nút len lỏi vào các góc phố ở Sài Gòn, dù đã bùng phát khắp thế giới từ năm 1983.

    Các video game ngày ấy được gọi là Trò chơi điện tử bởi dưới góc nhìn của người Việt, nó khác hẳn với những trò chơi trước đây vì được tạo ra bằng các linh kiện điện tử và được kết nối với tivi, một thiết bị điện tử khác. Ở thế giới thì họ gói nó là Video game, tức là những trò chơi mà người dùng điều khiển những hình ảnh chuyển động.

    Năm 1988, tại Việt Nam, người ta dần dần say mê với các tựa game đầu tiên. Tương tự với thế giới, người Việt Nam yêu thích chàng thợ ống nước Mario với tựa game Super Mario. Sau đó là tựa game Battle City với cái tên Bắn xe tăng, game Contra với hai chàng trai cầm súng bắn Việt Cộng (lạy chúa, sau này tôi mới biết bọn rô bốt trong phần 1 game contra được xây dựng trên hình ảnh là bộ đội Việt Nam), game Na-tra cứu mẹ ( mà thật ra nó là game Ninja giải cứu công chúa, không liên quan gì đến Natra và mẹ cả), game Hái chuối ( với cái tựa thật là Adventure Island – hòn đảo phiêu lưu). Ngày đó để chơi game 4 nút cần 2000 đồng 1 giờ đồng hồ, đa phần bọn trẻ con chỉ chơi 500 đồng cho 20 phút, giàu lắm thì chơi nhiêu tính nhiêu. Ngày đó tôi không có tiền nên không có chơi, chỉ đứng xem. Nhưng lâu lâu cũng được bạn bè cho chơi ké những game hai người, nhưng tôi chơi rất kém. Cậu út tôi hay chơi game Contra và cho tôi chơi chung, nhưng do tôi chơi ngu, cậu tôi hay đánh tôi. Bị đòn đau nên sau này tôi thà đứng xem chứ không chơi với cậu nữa.

    Tất cả những tựa game ở thời kỳ khởi đầu này đều tập trung vào hai yếu tố: phản xạ nhanh và chính xác. Cả hai yếu tố này dường như chỉ dành cho người trẻ và con nít nên người lớn rất khó chơi và thành thục được. Tôi ngày đó phát hiện ra sự kém cỏi của mình ở hạng mục trò chơi này khi cả hai yếu tố trên tôi đều rất yếu. Tôi chưa bao giờ hoàn thành một mình trò chơi Contra, không bao giờ đi quá màn 16 của bắn xe tăng, không đi qua được màn 3 của Đâm dao và gần như không thể hoàn tất được bất kỳ tựa game 4 nút nào. Có một điều phải nhận ra rằng ngày xưa có rất nhiều điểm tương đồng giữa trò chơi điện tử và thể thao. Tất cả đều đòi hỏi sự tập trung cao độ, phản xạ nhanh và chính xác và sự rèn luyện. Ngày nay, những trò chơi điện tử đa dạng hơn, nhưng cũng không còn nhiều tính chất giống thể thao nữa mà nghiêng hẳn về năng lực hành động và tư duy. Cho nên tôi vẫn nghĩ, nếu có con nhỏ, bạn vẫn nên cho nó chơi một ít game ngày xưa, nó sẽ giúp ít khá nhiều cho việc rèn luyện phản xạ não bộ, rất cần thiết để học các môn khoa học tự nhiên. Người già và người có vấn đề về thần kinh, cũng nên rèn luyện các trò chơi ngày xưa trên máy NES để luyện tập cho não bộ. Rất nhiều nghiên cứu về khoa học cho thấy việc trải nghiệm những trò chơi hành động trên các tựa game hành động cũ có thể giúp ích rất nhiều trong việc rèn luyện phản xạ, trí nhớ, chống căng thẳng và buồn rầu hiệu quả.

    Ở thời kỳ này, ngoài những trò chơi trên hệ máy NES, còn xuất hiện thêm một huyền thoại nữa là máy chơi game xếp gạch cầm tay. Có thể nhiều người không biết, nhưng chiếc máy game màu vàng với duy nhất một tựa game xếp gạch tên Tetris, được người Nhật xếp vào một trong mười phát minh vĩ đại nhất của họ. Như một con virus, chiếc máy game này phát tán và trở thành một cơn sốt toàn cầu. Năm tôi lớp 4, gần như mọi người xung quanh tôi đều yêu thích chiếc máy này và chơi nó một cách say mê, từ già trẻ lớn bé, từ thầy cô giáo trong trường đến chú bảo vệ công viên đều ưa thích. Có gì trong chiếc máy này mà họ mê đến thế? Một trò chơi đơn giản, dễ chơi, dễ hiểu và cũng đầy đủ thử thách từ dễ đến khó. Nó kích thích phản xạ của vỏ não con người, kích thích mắt và trí phán đoán. Đó là một trò chơi tuyệt vời để tập thể dục cho não bộ, đến giờ vẫn vậy.

    Năm lớp 7 tức 12 tuổi, năm 1994, tôi mới được mẹ mua cho một cái máy Nintendo Nes, lúc đó cũng đã lỗi thời với giá 200.000 đồng và một cuộn băng 700 trò cũng với giá đó. Tôi chơi bình thường không say mê lắm vì dù sao cũng chơi kém và cuốn băng đó dở tệ. Thời đó băng game mắc lắm nên suốt nhiều năm sau đó, tôi cũng chỉ có cuốn băng đó và chơi đến khi nát thì thôi. Mãi đến năm 2 Đại học, năm 2002, cái máy đó mới chính thức về hưu và được tôi tặng lại cho một người bạn.

    ***

    Tháng 9 năm 1991, Nintendo phát hành hệ máy mới có tên là Super Family Compuer gọi tắt là NES. Đây cũng là hệ máy game đầu tiên của Nintendo chạy với đồ họa 16 bit (65 ngàn màu) với màu sắc nổi bật và âm thanh sống động hơn. Băng game SNES lúc này rất mắc và ở Việt Nam, để có thể chơi lậu không bản quyền và không cần băng game, người ta gắn thêm một thiết bị hack vào cái máy game, thiết bị này sẽ đọc game trên những chiếc đĩa mềm 1.44 MB. Tức là cùng lúc với sự xuất hiện máy game SNES tại Việt Nam, chúng ta bắt đầu tiếp xúc với ba việc: một là việc sử dụng các trí tuệ của người khác một cách trái phép hay nói cách khác, không bản quyền, hai là việc lưu trữ và chơi tiếp tục các tựa game trong thời gian dài thay vì chỉ chơi một lần xong lại phải chơi lại từ đầu, ba là các tựa game bắt đầu có tính trí tuệ hơn và đòi hỏi khả năng ngôn ngữ.

    Super Mario 2 bắt đầu xuất hiện trên SNES nhưng không còn được ưa chuộng nữa. Ở chỗ tôi, người ta vẫn chơi những tựa game có tính hành động trên SNES nhưng đã chuyển thành các tựa game thể thao như đá banh, đua xe, tenis. Nhưng những người chơi game hành động và đánh nhau cũng ít dần. Tụi nhỏ bắt đầu chuyển dần sang chơi những tựa game nhập vai (lúc này bọn tôi gọi là những tựa game tìm đường) và những tựa game chiến thuật (tụi tôi gọi là những tựa game dàn trận). Những tựa game lúc nay không còn đặt nặng tính hành động nữa mà hoàn toàn thắng thua và tài giỏi dựa trên năng lực suy nghĩ và phán đoán. Đó là một bước chuyển quan trọng, vì những tựa game này thật sự rèn luyện cho bọn nhỏ rất nhiều về năng lực tư duy. Ngày đó những đứa trẻ hay chơi các tựa game này, sau này theo một thống kê của tôi về bạn bè mình, gần như đều làm việc trong lĩnh vực máy tính và đều có khả năng suy nghĩ, nhỉnh hơn bọn chơi game thể thao một tý. Lúc này bọn con trai bắt đầu chơi game nhiều hơn, con gái rất ít khi chơi game, tuy nhiên đã dần hình thành hai tầng lớp game thủ: game thủ dùng tay (game thể thao, game bắn súng) và game thủ dùng não (game nhập vai, chiến thuật và giải đố).

    Những tựa game nổi tiếng nhất trên hệ máy SNES ở Việt Nam là

    - Game Thể thao: Đá banh siêu sao, đua xe chuột, Top Gear, đá banh Subasa

    - Game đánh nhau : Street Fighter 2, Mortal Combat II, Power Ranger

    - Game nhập vai: Final fantasy III, Quả lắc thời gian (Chrono Trigger), Hơi lửa (Breath of Fire), Dragon Quest, Bí mật Mana (Secret of Mana)

    - Game chiến thuật : Mộc đế (Fire Emblem), trận chiến Rô-bốt (Robot War), Tactis Orge


    Tôi như đã nói, hoàn toàn không có khả năng chơi game hành động nên chỉ tập trung chơi các thể loại nhập vai và dàn trận. Tuy nhiên do không có tiền và cũng chỉ có ít thời gian chơi, nên đa số tôi vẫn chỉ là ngồi xem. Tựa game yêu thích nhất của tôi trên máy SNES lại là game Xí Ngầu (Itadaki Street), một biến thể của trò chơi Cờ triệu phú với độ phức tạp và độ khó cao hơn. Sau này khi vào đại học, có nhiều thời gian hơn, tôi đã chơi sạch sẽ hơn 100 tựa game nổi tiếng nhất của SNES.

    Năm 1995, người Đài Loan đầu tư khá nhiều vào Việt Nam và họ có mặt khá nhiều ở Sài Gòn. Thông qua Đài Loan chứ không phải Nhật bản mà các máy điện tử thùng có mặt tại Sài Gòn, dù đã nổi tiếng khắp thế giới với tựa game Space Invader từ những năm 1978. Các máy điện tử thùng này có đặc điểm là bạn phải mua thẻ bỏ vào máy để chơi chứ không thuê theo giờ. Do đó việc chơi lâu hay mau là tùy thuộc vào khả năng của bạn. Từ năm 1995 cho đến năm 2002, giá thẻ game máy thùng ở Sài Gòn không thay đổi là 500 đồng một thẻ. Từ năm 2000, bắt đầu có các máy game ở các trung tâm mua sắm lớn với giá 2000 đồng 1 thẻ mắc gấp 4 lần, và tôi chưa chơi các game ở trung tâm này bao giờ.

    Các trò chơi trên máy thùng đa phần dành cho các game thủ dùng tay không dùng não. Các tựa game phân thành 3 dòng game lớn: game đi cảnh đánh nhau, game song đấu và game xếp hình các thể loại. Trong đó bọn trẻ nào kỹ năng kém chỉ thích thưởng thức đồ họa và âm thanh sẽ chơi game đi cảnh và các thể loại xếp hình. Cũng từ các máy game thùng này mà một dạng game thủ mới bắt đầu xuất hiện. Những người có phản xạ não bộ và khả năng tính toán cực nhanh, khả năng cảm nhận chính xác từng mm và từng giây, các game thủ của những tựa game song đấu. Ngày nay, những game thủ có phản xạ đặc biệt này được gọi với cái tên hấp dẫn hơn: các game thủ chuyên nghiệp hay tuyển thủ Esport. Giờ thì các game thủ chuyên nghiệp tập trung vào ba thể loại game chính: game đá banh (fifa và pes), game chiến thuật 5vs5 (MOBA), game bắn súng góc nhìn thứ nhất (FPS) nhưng ngày ấy, tụi trẻ con xuất sắc nhất về hành động sẽ chơi game song đấu.

    Thể loại game song đấu rất đơn giản. Mỗi người chơi sẽ điều khiển một nhân vật và dùng những kỹ năng khác nhau như những đòn đấm, đá, những tuyệt chiêu liên hoàn (combo) để hạ gục đối phương. Mỗi tựa game sẽ có rất nhiều nhân vật với hàng tá những kỹ năng khác nhau để người chơi lựa chọn. Đây cũng là thể loại game đầu tiên cho phép hai người chơi đối chọi với nhau thay vì cùng nhau thực hiện những thử thách với máy. Để chiến thắng đối thủ, người chơi cần nhanh nhẹn, thực hiện những thao tác chính xác và đặc biệt, cần có một tâm lý cực vững vàng.

    Có một thời gian tôi có ít tiền do phần thưởng học sinh giỏi nên cũng thích chơi máy game thùng vì âm thanh và màu sắc nó đẹp hơn các hệ máy điện tử gắn với tivi. Và bỗng nhiên tôi thấy được vẻ đẹp của các trận đấu nhau trong các game song đấu. Hai người đàn ông bước vào một cuộc chiến và dùng mọi năng lực của mình để chiến thắng đối phương. Điều đó rất nam tính và rất mãnh liệt, vô cùng phấn khích.

    Tuy nhiên về sau này, tôi không chơi nữa do không thể nào vươn đến đỉnh cao của thể loại song đấu này. Tôi phản xạ không đủ nhanh, đánh ẩu chứ không chính xác và tâm lý không đủ vững. Cho nên tôi bỏ chơi nhưng vẫn theo dõi các bạn bè mình chơi một cách hứng thú. Tôi nghĩ, chính các game song đấu ngày xưa, là nền tảng cho sự phát triển của thể thao điện tử ngày nay: tính hấp dẫn của tựa game có ở cả hai khía cạnh, người chơi và người xem.

    Do đa phần hầu hết các tựa game nổi tiếng trên máy thùng ở Việt Nam đều do Neo Geo phát hành, nên chúng tôi khi đó còn gọi game máy thùng là game Neo Geo.

    Các tựa game nổi tiếng nhất trên hệ máy thùng:

    - Game đi cảnh đánh nhau : game Quan công (Warrior of Fate) ngoài Bắc hay gọi là game Tam Quốc chí, game Săn khủng long (Cadilacs and Dinosaurs), ngoài Bắc hay gọi là game Bộ đội, game Tây Du ký

    - Game song đấu: Street Fighter II, King of Fighter, Samurai Shodown

    - Game khác: Bắn ngọc (Bubble Bobble), Rambo lùn (Metal Slug)…

    Khi nói về hệ máy thùng, tôi còn nhớ là mình vô đối ở tựa game Bubble Bobble, vô địch suốt mấy chục năm không đối thủ. Và thể loại game tôi yêu thích nhất máy game thùng là các tựa game bắn máy bay. Việc điều khiển những chiếc máy bay nhỏ bé bay giữa những làn đạn như mưa rơi của địch, quả thật vô cùng thú vị.

    Cho đến năm 2002, thì hệ máy game thùng gần như chết tại thị trường Việt Nam do thiếu những tựa game mới và cũng không còn hấp dẫn nữa. Tuy nhiên, các máy game thùng này vẫn nằm ở các siêu thị và trung tâm thương mại cho đến ngày nay. Chủ yếu để cho các người chơi giết thời gian chứ không còn say mê gì nữa. Tuy nhiên khoảng thời gian năm 2001 – 2005, hệ máy game thùng bỏ thẻ đã có một thời tạo ra trào lưu cực lớn với một thể loại game duy nhất: game nhảy. Bỏ một chiếc thẻ vào máy, nhạc bật lên và bạn dậm chân nhảy trên những tấm sàn có hình các nút nhấn theo giai điệu cực sung. Ở Sài Gòn những năm này, hầu hết bọn trẻ con sành điệu và thời trang đều tụ tập ở hai trung tâm Thuận Kiều và Daimond để chơi trò nhảy này. Từ trò nhảy giải trí này mà cũng đã hình thành các nhóm nhảy Hiphop đầu tiên của Việt Nam. Hồi đó tôi không có chơi game nhảy, nhưng cứ hay vào Daimond để ngắm các cô gái trẻ đẹp trong những bộ váy đẹp nhất. Tôi cũng có quen một vài nhóm chuyên chơi game này và cũng từ đó nhận diện một lớp game thủ mới: game thủ phong trào, chuyên chơi game dễ và game đẹp, nhạc hay.

    Việc song hành hai hệ máy game SNES và máy game thùng đã chia những bọn nhỏ mê game thành hai thể loại game thủ thích hành động và game thủ thích tư duy. Đây cũng là một mặt khác của việc phân chia trò chơi theo tính cách hướng nội và hướng ngoại. Hay nói cách khác, lúc này game không còn là trò giải trí đơn giản nữa. Nó tương tác với tâm lý, tính cách, năng lực của não bộ người chơi. Nó dần dần hình thành một bộ môn nghệ thuật theo đúng định nghĩa của nghệ thuật :năng lực chạm vào trái tim và bộ não của con người.

    Thời kỳ song hành của SNES và game thùng ở Việt nam kéo dài từ năm 1992 đến năm 1997, khi Playstaytion 1 bắt đầu phát hành tại Việt Nam.

    ***

    Tháng 9 năm 1995, Playstation 1 (PS1) được Sony phát hành trên toàn cầu nhưng mãi năm 1997, hai năm sau mới có mặt tại Việt Nam với giá hơn 6 triệu đồng một máy. Mức giá này đẩy giá thuê máy chơi lên đến 12 ngàn đồng một giờ, cao quá mức so với tiền của bọn nhỏ nên độ phổ biến game rất chậm. Sau này đến năm 2000, khi Sony ra mắt Playstation 2 (PS2), mức giá này mới được đưa xuống 6000 đồng một giờ và từ đó mới phổ biến. Tuy nhiên do hai dòng máy ra mắt tại Việt Nam khá sát nhau nên có thể tính như cả hai hệ máy này phát hành cùng một giai đoạn.

    2001, Microsoft nhảy chân vào lĩnh vực game và phát hành thiết bị game mang tên XBOX. Nintendo cũng phát hành máy GameCube vào năm 2001. Tuy nhiên ở Việt Nam, hầu hết các người chơi chỉ chơi Playstaytion.

    Vào lúc này, thị trường game cũng hình thành một thế hệ người chơi mới : những người chơi game ở nhà. Thật ra thì trước đó, cũng đã nhiều gia đình mua máy game về cho con cái, tuy nhiên điều này không phổ biến và cũng chỉ có những gia đình có điều kiện nhất mới sắm sửa cho con mình. Hầu hết bọn trẻ đều chơi game ở những cửa hàng trò chơi điện tử, thuê theo giờ và trả bằng tiền tiêu vặt. Chơi ở tiệm dĩ nhiên là vui hơn, nhưng do tiền chơi có giới hạn nên đa phần việc chơi game cũng chỉ chơi hời hợt và chơi xong game này lại nhảy qua game khác để chơi. Việc sở hữu các máy game ở nhà khiến cho bọn trẻ chơi game có chiều sâu hơn. Chúng hoàn thiện các kỹ năng của game thủ, tìm hiểu và khám phá mọi bí mật của những tựa game và bắt đầu tìm cách giao lưu với nhau để chia sẽ hiểu biết, rèn luyện các khả năng. Những tiệm game giờ không chỉ là nơi bọn trẻ giải trí nữa mà còn là điểm hẹn hò, thách đấu hay giao lưu của những game thủ có máy game ở nhà. Bắt đầu tôi thấy có bọn chơi game độ lấy tiền, viết sách hướng dẫn game kiếm tiền, hay chơi giùm qua những màn khó.

    Trên PS1 có rất nhiều trò chơi hấp dẫn và nổi tiếng. Nhưng tôi nghĩ trong lịch sử chơi game của Việt Nam, sẽ có ba tựa game PS1 đi vào lịch sử như là những cột mốc: đá banh Nhật (Wining Eleven 3), Final Fantasy 7 và Resident Evil 1.

    Đá banh Nhật với tên gọi tiếng Anh là Winning Eleven 3 chính là tiền thân của tựa game đá banh vĩ đại nhất Việt Nam sau này là PES. Bất kể trên thế giới đá banh Fifa có thể chiến thắng thế nào đi nữa, thì ở Việt Nam, đá banh trên máy điện tử có thể gọi ngay luôn là đá PES. Và có một thể loại game thủ ở Việt Nam chỉ chơi một trò duy nhất, mua máy Playstaytion cũng chỉ để chơi một trò duy nhất, đá PES. Và Winning Eleven chính là tiền thân của PES. Thời của tôi, năm 1997, đã thấy có một lớp bọn trẻ chỉ chơi mỗi trò đá banh này mỗi khi ra tiệm. Không bắn súng, không nhập vai, không dàn trận, chỉ đá banh Nhật.

    Trước Final Fantasy VII thì đã có rất nhiều tựa game nhập vai, nơi mà người chơi đóng vai những người hùng phiêu lưu khắp thế giới. Nhưng tựa game đầu tiên khiến cho người chơi có nhiều cảm xúc chân thật nhất có lẽ không gì khác ngoài Final Fantasy VII. Bọn trẻ, trong đó có cả tôi, say đắm với từng nhân vật và từng cuộc chiến diễn ra trong trò chơi. Chúng tôi buồn đến mức phát khóc khi nhân vật yêu thích chết, phẫn nộ khi chiến đấu với trùm cuối và lăn lóc đến từng ngóc ngách để kiếm các viên ngọc, chiến đấu với những tên trùm ẩn. Cái mà Final Fantasy VII thể hiện, game không chỉ là một trò chơi, mà còn là một tác phẩm nghệ thuật đầy cảm xúc. Chúng tôi bỏ tiền mua sách hướng dẫn mà ai đó đã dịch lại từ một quyển sách nước ngoài. Chúng tôi chia sẽ những câu chuyện và tình cảm của mình với tựa game và nhân vật trên các diễn đàn và hộp thư. Với tôi, đây là tựa game đầu tiên khiến tôi chảy nước mắt vì nó, ngay cả khi sau đó nhiều năm, năm 2005, Square Enix phát hành bộ phim Final Fantasy VII: Chidren Advent, tôi vẫn khóc như gặp một người bạn cũ rất thân thiết của mình.

    Resident Evil là tựa game kinh dị đầu tiên mà bọn tôi được chơi. Các quái vật nhảy xồ ra từ mọi nơi, các âm thanh rùng rợn, đồ họa tối mù và tiếng cọt kẹt mỗi khi mở cửa. Và đây cũng là một tựa game đầu tiên hình thành nên một tầng lớp người chơi game mới ở Việt Nam: những người yêu thích bắn giết.

    PS2 nối tiếp thành công của PS1 và thành công trên toàn cầu. Tuy nhiên, ở Việt Nam, số lượng người chơi PS2 ít dần đi và từ từ trở thành thiểu số. Khi này, tại Việt Nam, ngành game bắt đầu bùng phát và vươn mình với hàng loạt những chuỗi phòng game mọc ra ở khắp nơi với lượng người chơi game tăng vọt. Đó chính là thời kỳ của một hệ máy chơi game mới và là nền tảng của mọi game thủ sau này: Máy vi tính. Game máy tính hay còn gọi là PC Games phổ biến khắp mọi nơi, thống trị và đẩy các người chơi game PS2 hay các hệ máy game gắn vào tivi trở thành dĩ vãng.




    ***

    Tựa game đầu tiên tôi chơi trên máy vi tính chính là tựa game Ping pong nổi tiếng của Arari chạy trên máy tính 286 màn hình trắng đen trong phòng học máy vi tính của trường Hồng Bàng. Sau đó tôi có chơi hai tựa game Price of Persia (Hoàng Tử Ba ) hay Knight of the Round (Hiệp sỹ bàn tròn) trên hệ máy vi tính 386 màn hình màu. Tuy nhiên vào thời điểm năm 1994, game máy vi tính còn rất sơ khai, khó điều khiển, cả âm thanh và màu sắc đều thua rất nhiều với game NES và SNES nên tôi không có hứng thứ gì mấy.

    Năm tôi lớp 10 tức là vào năm 1997, bọn cùng lớp rủ tôi đi chơi game máy vi tính ở một tiệm máy tính trên đường Vườn Chuối, quận 3. Đó là lần đầu tiên tôi nhận được sự hấp dẫn ở game máy vi tính thông qua một tựa game huyền thoại: WarCraft II – Tides of the Darkness.

    Không còn là những trò chơi di chuyển đơn giản ngang dọc và bắn những viên đạn theo một đường thẳng (arcade games), không còn những thể loại game thể thao thuần túy nhanh tay lẹ mắt, hay những tựa game đòi hỏi tính toán chiến thuật về đường dài như trên máy SNES, Playtation, Warcraft II đòi hỏi tất cả những yếu tố đó ở mức độ cao nhất. Người chơi phải điều khiển một đống lính lúc nhúc với đủ thể loại và hàng tá đặc điểm khác nhau, lính cận chiến, cung, chiến xa, pháp sư.. phản xạ phải nhanh, phải tính toán cân bằng giữa tài nguyên và binh sĩ đánh trận, phải có tầm nhìn chiến thuật bày binh bố trận… và phải có tính đồng đội. Đó cũng là tựa game đầu tiên tại Việt nam cho phép nhiều người cùng chơi với nhau qua mạng. Không còn chỉ là hai người đánh nhau nữa, mà giờ đây, là những trận chiến nảy lửa giữa 4 người với 4 người thông qua kết nối mạng nội bộ ngang hàng (LAN) và đó là nơi bọn trẻ con ngày đó hăng say la hét đánh nhau một cách cuồng nhiệt. Warcrart II ngày đó chính là nền tảng của thế hệ Esport sau này của Việt Nam. Dĩ nhiên, do không có năng khiếu thể thao, tôi chơi Warcraft cũng rất kém và bỏ ngay sau vài lần chơi. Ngoài ra, trong mấy lần chơi đó, tôi lần đầu được trải nghiệm khái niệm phòng game cao cấp (Game Cyber) là ở phòng máy Tâm Anh, phòng máy lạnh, máy xịn, phục vụ nước uống tận nơi, nằm ngay trên đường Điện Biên Phủ. Nó gần như là một thiên đường thu nhỏ của bọn trẻ con.

    Tựa game máy tính bom tấn tiếp theo là Age of Empire được người Việt gọi với cái tên Đế chế, ra mắt năm 1997 và gần như lập tức có mặt tại Việt Nam. Tôi còn nhớ bạn tôi đi mua đĩa game đó tại một cửa hàng với giá 150.000 đồng cho một đĩa game sao chép lậu. Đó thực sự là mức giá khủng khiếp khi mỗi ngày tôi chỉ có 7.000 đồng để ăn sáng. Tựa game này tuy có cách đánh trận khá giống với Warcraft II nhưng số lượng binh chủng, các chủng tộc, cái tài nguyên và các nâng cấp nhiều và phức tạp hơn hẳn Warcraft II. Nhịp hành động chậm hơn và các trận chiến diễn ra liên tục nhưng rời rạc hơn Warcraft II. Nói cách khác, tựa game này đòi hỏi nhiều về tư duy và chiến thuật hơn là hành động. Ở Sài gòn, bọn tôi không yêu thích tựa game này lắm, nhưng ở miền Trung và Hà Nội, đây lại là tựa game được yêu thích nhất, game thủ Hà Nội còn yêu thích tựa game này suốt tận đến hiện nay, năm 2021 và những giải đấu hữu nghị Việt Trung vẫn diễn ra hàng năm. Sức sống của Đế Chế với tôi rất khó hiểu, nhưng quả thật, suốt hơn 20 năm tồn tại, Đế Chế đã thoát ra khỏi vai trò là một tựa game đơn thuần, nó là sức sống và đam mê của người trẻ Việt khu vực Phía bắc. Năm 2002, tôi làm việc cho một công ty có sếp là người Bắc, ban lãnh đạo công ty cũng đa số là người Bắc và chúng tôi chơi Đế Chế cả đêm, sau những giờ làm việc. Cũng thời gian đó, bọn bạn phía Nam của tôi chỉ chơi StarCraft, một bản game kế thừa Warcraft II, và cũng nặng về tốc độ và kỹ năng điều quân (sau này có thuật ngữ gọi là Micro) hơn Đế Chế. Điều này nêu rõ sự khác biệt của người Hà Nội và người Sài Gòn, người Sài Gòn thích chơi các tựa game có mạch hành động liên tục, nhanh và mạnh, trong khi người Hà Nội thích chơi các tựa game có tư duy chiến thuật hơn. Tuy nhiên sự khác biệt này chỉ tồn tại trong thời gian đó, càng về sau này thì cả hai bên đều phát triển và thích các thể loại game như nhau.

    Tháng 3 năm 1998, Blizzard cho ra mắt tựa game StarCraft kế thừa sự thành công của Warcarft II, đồ họa được nâng cấp và cốt truyện được đưa lên thành cuộc chiến vũ trụ giữa ba chủng tộc khác nhau thay vì chỉ hai chủng tộc Người và Quỷ như Warcraft II. Bảng nâng cấp thứ hai của StarCraft – BroodWar trở thành một cơn sốt khắp các phòng Net tại Việt Nam. Bọn trẻ con say sưa trong những bản đồ được tạo ra với nhiều tiền để bọn chúng chỉ tập trung đẻ quân và đánh nhau liên tục như bản năng con trai của bọn chúng. Sự phát hành Starcraft cũng chính là một cột mốc đáng chú ý khi trên toàn cầu, Starcraft đã trở thành tựa game thể thao điện tử đầu tiên của thế giới, hàng loạt các câu lạc bộ và đội nhóm chơi game được thành lập và rèn luyện một cách nghiêm túc, các giải đấu được diễn ra trên khắp thế giới và người chơi game bắt đầu kiếm được tiền từ việc chơi game. Game lúc này không còn chỉ đơn giản là một trò chơi nữa, nó đã là một ngành công nghiệp kếch xù khi số tiền kiếm được từ doanh thu bán game, và các hoạt động liên quan, đã bắt đầu mấp mé vượt qua điện ảnh, một ngành công nghiệp lâu đời hơn.

    Năm 2002, một người bạn của tôi lập một tiệm Net gần nhà tôi, gọi là TGA. TGA do 8 người hùn vốn và 8 người đó đều có thể coi là hàng đầu trong lĩnh vực IT lúc đó. Sau này 2 người trong số đó trở thành biểu tượng và đứng đầu ngành Esport của Việt Nam, 6 người còn lại trở thành những chuyên gia vi tính hàng đầu Việt Nam, trong đó có 2 người trở thành doanh nhân cỡ lớn. Chúng tôi ngày đó chơi game rất say mê, và bắt đầu chơi game như những người chơi chuyên nghiệp, chơi để thắng chứ không còn là chơi để vui nữa. Mỗi tối chúng tôi dành ra 2-3 giờ để luyện tập các kỹ năng, như nhấn chuột chính xác, tăng tốc độ phản xạ (APM), tính toán thời gian chuẩn xác, cách drop lính, cách di chuyển đội hình chiến thuật, cách phối hợp các loại binh chủng… sau đó chúng tôi lại tập đánh nhau theo cặp, solo, theo team, đấu chỉ một loại binh chủng, đánh các trận ít tài nguyên…. Đêm nào chúng tôi cũng chơi đến gần sáng. Vậy mà không hiểu sao đứa nào lúc đó học cũng giỏi, cũng có nhiều gái theo, và làm được rất nhiều việc. Khi đó tôi mới nhận ra, game không còn là môn giải trí đơn thuần nữa, nó đã trở thành một nghệ thuật và một bộ môn khoa học, nó cần sự tính toán, sự chuẩn xác, khả năng hành động không thua kém bất kỳ bộ môn thể thao nào. Nó đòi hỏi cả tư duy như đánh cờ và đòi hỏi năng lực hành động, sức khỏe của một vận động viên. Mỗi ngày để chơi chuyên nghiệp, bạn phải bỏ ra từ 8-12h chơi game liên tiếp, cổ tay bạn sẽ mỏi nhừ và mắt bạn sẽ tối thui, não bộ như đóng băng. Do đó, game thủ cũng cần rèn luyện sức khỏe và thể lực, như bất kỳ bộ môn nào khác.

    Đáng tiếc, StarCraft cũng là cột mốc sáng chói cuối cùng của dòng game chiến thuật thời gian thực (RTS), sau này,những tựa game sau cùng thể loại, không thể nào vươn được đến tầm đó nữa.

    Phải nói thêm về cá nhân tôi thời điểm đó. Từ giai đoạn năm 1998 cho đến năm 2001, tức ba năm học cấp III và năm nhất Đại học, tôi không hề hứng thú với game, dù là game PS1 hay game máy tính. Tôi chỉ chơi giải trí cho vui và chơi rất ít, chắc mỗi tuần chỉ từ 3-5 giờ gì đó. Đó vẫn là khoảng thời gian tôi dành cho việc học, sách vở và các cô gái, bạn bè thân. Tuy nhiên năm 2001, tôi khởi nghiệp thất bại, mất bạn gái và chìm trong sự suy sụp tinh thần.

    Trò chơi điện tử đã cứu tôi khi đó. Tôi chơi rất nhiều các tựa game trên SNES lẫn PS1, năm 2000 mẹ mua cho tôi một máy vi tính cấu hình khá thì mãi đến năm 2001, tôi mới bắt đầu chơi các tựa game trên máy tính một cách nghiêm túc. Tôi chơi nhiều nhưng chắc mất thời gian và say sưa nhất là ở bốn tựa game: StarCraft (1998), Hero of Might and Magics (1999) , FallOut 2 (1998) và The Sims (2000). Trong đó The Sims là tựa game ngớ ngẩn và mất thời gian nhất mà tôi đã từng chơi, tôi cứ nghĩ nó là một game xây dựng kiểu xây công viên, xây bệnh viện mà tôi hay chơi trên PS1, nhưng hóa ra, nó lại là một tựa game mô phỏng. Sau 2 tháng đánh vật với game, tôi đã chửi nó như chó, mà không ngờ, nó lại là một trong những tựa game vĩ đại nhất lịch sử với hơn 200 triệu bản bán ra. Đến năm 2001 thì tôi chơi chung với các bạn bên TGA và bắt đầu tập tễnh rèn luyện chơi game chuyên nghiệp. Và như đã nói, do không có năng khiếu, tôi toàn bị tụi bạn đè đầu cưỡi cổ cả trong game lẫn sự nghiệp ngoài đời thực. Thực tế cho thấy năng lực chơi game cũng thể hiện nhiều điều lắm.

    Nhờ chơi game mà tôi đã lấy lại được tinh thần và niềm vui sống, quen được nhiều bạn bè và có rất nhiều trải nghiệm thú vị. Tôi luôn nhớ những ngày ở TGA, chơi game liên tục từ 6h chiều đến 5 giờ sáng, những ngày làm ở OneNet, cứ tan giờ làm là cả ban lãnh đạo ngồi lại chơi game Đế Chế đến 1-2 giờ, những lúc tôi cùng thằng bạn thân vừa chơi game Hero vừa ăn trái cây, cứ như hai ông cụ ngồi đánh cờ vì nhịp game rất chậm. Những ngày tháng đó thật sự rất thoải mái.

    Dù trước đó thể loại bắn súng đã có tựa game Delta Force mở màn tại các tiệm Net Việt nam, nhưng thể loại yêu thích nhất của người Việt vẫn là các tựa game chiến thuật RTS. Tuy nhiên, năm 1998, Valve đã phát hành Haf-Life 1.0 và sau đó bản mod nổi tiếng của người Việt, CounterStrike ra đời vào năm 1999, đã đưa dòng game bắn súng góc nhìn thứ nhất lan tỏa khắp Việt Nam, đánh đổ và đặt dấu chấm hết cho sự thống trị của dòng game RTS tại Việt Nam. Đi đâu người ta cũng nghe tiếng bắn giết, tiếng súng, tiếng hét Fire in the Hole khắp Việt nam. Sự đam mê không thể cưỡng lại được của thể loại bắn súng này chính là nền tảng cho việc lan tỏa mạnh của các tựa game bắn súng thống trị Việt Nam sau này : Cross-Fire, Free-Fire hay PUBG, PUBG Mobile.

    Giai đoạn từ năm 1998 – 2002, là giai đoạn rực rỡ của các tựa game chiến thuật RTS, là điểm khởi đầu của dòng game bắn súng góc nhìn thứ nhất (FPS) và cũng là sự bùng phát của game máy vi tính (PC Games). Nó cũng là sự lụi tàn của các phòng máy game truyền thống chơi các tựa game bằng các thiết bị gắn với Tivi (Console) hay các game máy thùng. Các phòng game kiểu này bắt đầu tan rã và dịch chuyển về vùng quê. Dĩ nhiên, các game thủ ưa thích Console không biết mất, họ chơi game ở nhà, trong phòng riêng và trở thành một số ít ỏi còn hứng thứ với những trải nghiệm chậm hơn mà không kém phần thú vị hơn, mang tính phiêu lưu hơn. Các tựa game trên PS1, PS2, Xbox, GameCube vẫn có tính giải trí rất cao, kèm những thử thách không hề dễ dàng. Tuy nhiên, thời đại đã di chuyển. Số đông quần chúng không thích phiêu lưu và giải đố hay độ khó cao, họ thích những gì nhanh, mạnh và khốc liệt hơn. Game tương tự các nghệ thuật khác, đã thể hiện rất rõ con người và thời đại mà nó tồn tại.

    Năm 2011, nhà văn Ernest Cline phát hành tác phẩm văn học Ready Player One và tác phẩm này được dựng thành phim năm 2018. Tác phẩm này thể hiện một quan điểm rất rõ rệt, ở Phương Tây và đặc biệt là Mỹ, tất cả những người trẻ sinh trong thế hệ 8X ( từ 1981 đến 1989) đều bị ảnh hưởng bởi một nền văn hóa đại chúng đầy mê hoặc và lộng lẫy, đó chính là Video Game. Tính cách của họ và con người của họ đều thấm nhuần văn hóa game. Tuy nhiên, khi đọc kỹ tác phẩm, bạn sẽ nhận ra những tựa game mà tác giả nhắc đến đều là những tựa game trước năm 2002. Sau 2002 sẽ là một giai đoạn khác của game, và những thế hệ sau đó sẽ là một thế hệ với nền văn hóa đại chúng khác, thời kỳ Internet.

    ***

    Năm 2003, Việt Nam bắt đầu có kết nối Internet tốc độ nhanh ADSL thay cho kết nối mạng qua modem cũ kỹ. Trước đó dù vẫn có thể chơi game qua Internet nhưng mức phí rất cao và đường truyền không ổn định. Bọn trẻ đã bắt đầu chơi Warcraft III và Counter-Strike qua internet nhưng đó vẫn chỉ là một số ít. Hầu hết trải nghiệm chơi game vẫn diễn ra trên mạng nội bộ của các phòng máy game. Tuy nhiên sau khi kết nối ADSL xuất hiện, đó đã là một câu chuyện khác.

    Năm 2003, tựa game đầu tiên gây sóng gió tại Việt Nam là MU xuất hiện. Với lối chơi nhập vai RPG và càn quét (hack-n-slash), MU được chào đón và yêu thích rộng rãi bởi nhiều game thủ khi lần đầu tiên họ có thể phiêu lưu trong những bản đồ rộng lớn, không giới hạn và chơi cùng bạn bè mình, kết nối với những người lạ. Tuy nhiên MU chỉ phổ biến ở một số lượng nhỏ và đặc biệt là chỉ mạnh ở phía Bắc. Người Sài Gòn khi đó vẫn hờ hững với game online và vẫn chỉ thích chơi đá banh PES trên PS2 hay bắn counterstrike, đánh starcraft hay warcraft.

    Năm 2005, VNG một công ty non trẻ của Việt Nam đã phát hành game online đầu tiên có bản quyền và phát hành chính thức: Võ Lâm Truyền Kỳ. Và đó là một cú nổ lớn. Game được sự ủng hộ của già trẻ lớn bé đủ thể loại, thậm chí kể cả những người lớn tuổi và tri thức hàng đầu. Trên cái nền văn hóa kiếm hiệp vốn được yêu thích tại Sài Gòn trước năm 1945, người người nhà nhà đã tham gia những trận chiến liên tu bất tận với các bộ môn võ học đậm mùi Kim Dung. Võ Lâm Truyền Kỳ đã mở ra một thời kỳ mới, thời kỳ của game online. Vào thời kỳ cao điểm, Võ Lâm Truyền Kỳ có đến hơn 20 triệu tài khoản trải ra khắp 86 server và con số CCU ( số người chơi cùng một lúc, theo tôi biết có hơn 500.000 người).

    Võ Lâm Truyền Kỳ đánh dấu 6 cột mốc phát triền quan trọng của ngành game Việt Nam:

    - Tựa game đầu tiên kiếm được doanh thu hơn cả trăm triệu đô tại thị trường Việt Nam.

    - Thu hút và biến PC game thành một dạng trò chơi phổ biến cho cả già trẻ lớn bé, không còn giới hạn ở trẻ con nữa.

    - Lần đầu tiên người Việt Nam phải bỏ tiền để trả cho bản quyền game thông qua việc phải mua thẻ chơi game theo giờ.

    - Giới thiệu khái niệm tài sản ảo. Nhiều vật dụng và vũ khí trong game của Võ Lâm Truyền Kỳ có giá trị lên đến vài trăm triệu và thậm chí cả tỷ đồng.

    - Tựa game đầu tiên hình thành được một cộng đồng chơi game lớn mạnh với nhiều băng hội có đến vài trăm người tham gia một buổi họp ngoài đời thực và nhiều diễn đàn mọc lên như nấm với nội dung chỉ thảo luận về game và những trận đánh.

    - Tựa game đầu tiên đầu tiên đánh động xã hội với một căn bệnh mới: bệnh nghiện game. Nhiều thanh niên do quá mê game đã làm nhiều hành vi phạm tội, hoặc chơi game đến mức tàn phá thân thể hay mê muội đến lẩn trí

    Sau khi VNG phát hành thành công Võ Lâm Truyền Kỳ, nhiều công ty trong nước cũng đã đánh hơi được sự phát triển kinh khủng của ngành game. VTC đã nối bước theo sau với tựa game huyền thoại : Audition (2006) kết hợp giữa game, âm nhạc và thời trang. FPT vào cuộc sau nhưng cũng không chịu thua kém với hai tựa game Thiên Long Bát Bộ (2007) và MU Online (2005).

    Sự bùng phát của game Online tại Việt Nam đã dẫn đến sự bùng phát của ngành game tại Việt Nam. Giờ đây, game không còn là của số ít người chơi và chỉ ở những tiệm Net nữa, game đã lan vào mọi nhà và chiếm hữu rất nhiều thời gian và trí óc của người Việt.

    Năm tôi lớp 7, trong một lần nói chuyện dưới sân trường, thầy hiệu trưởng đã nói là “Game chỉ dành cho bọn dốt nát và hư hỏng chơi, chơi game là làm hư cả một thế hệ”.

    Hơn 10 năm sau đó, sự bùng phát của game online đã chứng minh là thầy tôi đã hoàn toàn sai. Nền kinh tế và văn hóa của chúng ta vẫn đi lên, có thể không quá rực rỡ, nhưng vẫn đi đến phía trước. Và bọn trẻ trưởng thành với game, đặc biệt là game online , không hề hư hỏng dù những tác động xấu không phải là không có. Chúng vẫn lớn, trưởng thành, sống tốt và giúp đỡ người khác như thường. Chỉ là chúng khác đi, và không còn giống thế hệ trước nữa.

    Trên thế giới khi đó, với sự phát hành của hai tựa game online World Of Warcraft (2004), EverQuest (II), ngành game dần dần trở thành một thế lực thống trị ngành giải trí thế giới, vượt qua bất cứ ngành nào tồn tại trước đó về mặt doanh số và ảnh hưởng lên nền văn hóa.

    Năm đó cũng là lúc một nghề mới bắt đầu xuất hiện: nghề cày thuê. Bạn chơi game giùm những người không có thời gian và nhận được nhiều tiền từ đó.

    Hoặc bạn cũng có thể kinh doanh và bán các vật phẩm trong game. Nói chung có hàng tá cách kiếm tiền từ game và một số bạn bè tôi bắt đầu giàu lên từ đó. Game không còn là trò chơi dành cho con nít nữa, nó đã trở thành một ngành công nghiệp. Và như mọi ngành công nghiệp khác, bọn người lớn lợi dụng bọn trẻ con để kiếm tiền cho họ.

    ***

    Tôi không hứng thú và cũng không tham gia vào trào lưu game online. Tôi chưa hề chơi bất kỳ tựa game nào kể trên và hàng loạt các tựa game nổi tiếng khác cũng vậy. Tôi không thích cái cảm giác phải giao lưu, giành giật, chen chúc với những người lạ trong game. Trong giai đoạn từ 2003 – 2005, tôi chỉ chơi duy nhất một tựa game là Warcraft III. Vẫn là game chiến thuật RTS kiểu cũ và trong những ngày tháng cuối cùng của nó. Tuy nhiên có một trải nghiệm mà tôi muốn kể với mọi người, theo tôi nó khá quan trọng. Năm 2002, nhằm nâng cao trình độ chơi game của mình, tôi đã ra Hà Nội 1 tuần để tập chơi Warcraft III với một câu lạc bộ game hàng đầu việt nam lúc đấy ClanVN ở khu vực Chùa Láng. Họ có tổ chức rất khoa học và có thể là một team game chuyên nghiệp hàng đầu tại Việt Nam lúc đó. Họ có những buổi huấn luyện có tính phí, có những buổi họp giảng dạy về chiến thuật và kỹ năng. Các huấn luyện viên được chia thành từng chủng tộc và nghiên cứu chuyên sâu về mỗi chủng tộc. Sau đó là những buổi tập chơi game suốt nhiều giờ liền và thâu đêm suốt sáng. Chỉ một tuần tập với họ mà kỹ năng và kiến thức của tôi phát triển rõ rệt, và có thể đánh từ hòa đến thắng với đa số các game thủ trong Nam. Lúc đó tôi mới nhận ra rằng, Game đã trở thành một môn thể thao, và thể thao muốn thắng phải có rèn luyện và tư duy khoa học, cùng với cấu trúc một tổ chức đủ tốt để hỗ trợ phía sau cho các game thủ. Ở Sài gòn khi đó không có câu lạc bộ nào như thế và các game thủ nổi tiếng nhất có khi tập trung ở một phòng game nổi tiếng lúc đó là Thiên Hà Computer, nhưng lại không cùng nhau rèn luyện và không có tổ chức khoa học. Những năm đó, các giải đấu về Warcraft III luôn thuộc về Hà nội và đặc biệt là ClanVn, người Sài Gòn thua cuộc chỉ vì tính đơn lẻ và thiếu phân bổ khoa học của mình.


    World Cyber Game 2003 là một bước ngoặt lớn trong tiến trình vươn lên của ngành game Việt Nam. Đó cũng là lần đầu tiên các game thủ Việt Nam tham gia một giải đấu tầm cỡ thế giới. Công tác chuẩn bị cực kỳ cẩn thận và hoành tráng. Bục thi đấu của ngày chung kết phủ vải đỏ và đèn led đủ màu xoay xung quanh. Mỗi game thủ bước lên khán đài thi đấu trong sự cổ vũ của hàng loạt khán giả, và trong những tiếng la hét, vỗ tay, gào thét của đám đông không khác gì những ngôi sao sân khấu thực thụ.

    Trận chung kết hạng mục WarCraft III năm đó là của ZIT và SaTan. Đó gần như là chuyện nội bộ của ClanVN, một câu lạc bộ game chuyên nghiệp đầu tiên của Việt Nam. Tôi đã thua trận trước ZIT trước đó trong một trận đấu không có gì phải hối hận. Tôi được quà là một bàn phím, một ổ đĩa DVD và một màn hình LCD. Nhưng món quà quan trọng nhất với tôi, có lẽ là việc tôi đã ở nhà thi đấu Nguyễn Du ngày hôm đó. Một ngày hoàn toàn đầy cảm xúc và xứng đáng được ghi nhớ.

    Ngày hôm đó đã khai sinh ra một khái niệm mới: Esport (thể thao điện tử). Và trò chơi điện tử, từ chỗ chỉ là một trò chơi giải trí đơn giản, đã thành một môn thể thao. Người chơi game đã trở thành những vận động viên.

    Có một người bạn hỏi tôi: Esport là thế nào?

    Tôi rất thành thật: với bọn trẻ con yếu đuối và nhút nhát, đó gần như là cách rèn luyện nam tính tốt nhất. Vượt qua khó khăn và đè bẹp đối thủ, cảm giác đó mới là cảm giác đàn ông chân chính.

    Nhiều năm sau này, thể thao điện tử của Việt Nam phát triển rất mạnh. Ở trò chơi đá banh Fifa Liên quân Mobile và Liên Minh Huyền Thoại, chúng ta đã vô địch Đông Nam Á và có lúc vô địch thế giới. Những trận đấu game được truyền trực tiếp trên truyền hình, stream trên các kênh mạng xã hội, có hàng trăm nghìn lượt theo dõi và cổ vũ. Chúng ta đã có một nền công nghiệp game và thị trường game hàng đầu Châu Á với hàng triệu người chơi và hàng ngàn công ty tham gia ngành công nghiệp game. So với khoảng thời gian khi tôi còn nhỏ, đó thật sự là một cuộc bùng nổ lớn.

    ***

    Ngày nay, hầu hết bọn trẻ đều chơi trò chơi điện tử. Theo một thống kê của chính tôi năm 2010, hơn 96% bọn trẻ ở độ tuổi 12-16 ở Sài Gòn đều có chơi game và chơi nhiều hơn 8h mỗi tuần. Nó đúng là một sự phát triển vượt bậc khi vào năm tôi 14, hầu như cả lớp chỉ có chưa đến 20% thích chơi game và có chơi game. Những ngày đi học cấp 3, dù lớp tôi toàn nam nhưng cũng chỉ có chưa đến 10 thằng mê chơi trò chơi điện tử, bọn nó vẫn thích đá banh và bida hơn.

    Không kể bọn trẻ con, bọn lớn người và bước vào tuổi 40 như tôi, ai cũng có cài đặt một vài tựa game trong máy điện thoại, con số có lẽ lên đến 40% bạn đồng tuổi của tôi có chơi một vài game gì đấy, có thể là game trên máy tính, hoặc di động, hoặc console.

    Hàng ngàn công ty tham gia vào ngành game ở Việt Nam đem lại doanh thu hàng trăm triệu đô doanh thu mỗi năm. Hàng trăm câu lạc bộ và đội tuyển game đang hoạt động chuyên nghiệp với doanh thu bét nhất cũng vài trăm triệu mỗi tháng. Những streamer game (những người chơi game cho người khác xem qua video), kiếm vài tỷ mỗi năm ở Việt Nam cũng không còn là chuyện lạ nữa.

    Ngành game của chúng ta quả thật đã đi rất xa so với những ngày đầu. Những vấn đề mà nó để lại tác hại cũng không ít. Những game thủ ít học, suốt ngày chửi nhau trên mạng xã hội, streamer cố tình hở hang khoe thân thể và bọn trẻ suốt ngày mải mê coi game, chơi game hơn là mê sách vở và học hành.

    Thế nhưng tôi muốn mọi người nhìn vào một bức tranh rộng hơn. Sự phát triển của game ở Việt Nam thực sự đã tạo nên một lớp trẻ năng động hơn, mạnh mẽ hơn. Game tạo ra cơ hội rèn luyện trí não và thể chất cho những đứa trẻ nhút nhát, kém năng động hay trầm cảm. Trong game bọn nhỏ có cơ hội thể hiện mình, chứng tỏ mình, rèn luyện mình và trở thành những người tốt hơn. Nhiều nghiên cứu khoa học trên thế giới đã chứng tỏ game rất tốt cho hoạt động thần kinh, giúp não bộ con người duy trì sự tươi trẻ, niềm vui và khả năng tư duy.

    Do đó, tôi mong là với bọn trẻ, các bạn nên tạo cho chúng cơ hội chơi game, dưới sự hướng dẫn và chọn lọc các tựa game của bạn và với một thời gian chơi game hợp lý. Nó sẽ có lợi nhiều hơn là có hại. Và với các bạn già, chơi game cũng là cách dễ nhất để giữ vững tinh thần trước những nỗi buồn, mà nhiều khi là vô tận.

    Với tôi, game đã cứu tôi không chỉ một lần mà là 2 lần. Năm 2001, tôi thất bại và việc chơi game giúp tôi lấy lại tinh thần cũng như giữ vững thần kinh của mình. Năm 2007, tôi tiếp tục bị thất bại và kỳ này, bệnh nặng nên tự nhốt mình trong phòng chơi game luôn. Năm đó một người bạn tặng tôi một chiếc máy Xbox 360, và chiếc máy đó, đã cùng tôi thực hiện hàng trăm cuộc phiêu lưu khác nhau. Sau đó, tôi mua một chiếc máy Nintendo DS và nhờ vào những tựa game có tính giáo dục cao và nặng về tư duy, nó giúp tôi tỉnh táo và bắt đầu lại việc học hành của mình.

    Năm 2015, tôi bị shock về tâm lý nặng và từ đó cho đến nay, không chơi game nghiêm túc được ngoài cái tựa game Liên Minh Huyền Thoại rank bậc thấp và vài cái game quẹt quẹt trên di động. Ở lần này, khi không còn chơi game, tôi thấy mình khác hẳn, đầu óc nặng nề hơn, khả năng suy nghĩ bị hạn chế và không còn khả năng kiểm soát cảm xúc tốt như hai lần trước.

    Có một vấn đề mà tôi và bạn thân cùa tôi hay tranh cãi. Liệu game có xứng đáng được coi là một bộ môn nghệ thuật hay không?

    Nghệ thuật dùng để làm gì? Có phải Nghệ thuật được tạo ra để đưa con người từ trạng thái này sang một trạng thái khác, tốt hơn hay không? Nghệ thuật mang trong mình nó cả tính giải trí và tính nhân văn đúng không? Nghệ thuật bao gồm âm thanh, hình ảnh, lời nói, cốt truyện, tạo hình và xúc cảm đúng không?

    Trò chơi điện tử (Video Games) mang trong mình tất cả những thứ đó. Những tựa game lớn hoàn toàn có thể thay đổi con người một cách toàn diện và vĩnh viễn. Nó hoàn toàn xứng đáng được xem như một bộ môn nghệ thuật.

    Đôi khi nó chưa đủ đẹp khi một ai đó, chỉ chơi những tựa game đơn giản dùng để thư giãn và đánh giá nó chưa đủ nghệ thuật. Kiểu như chỉ xem vài bài thơ con cóc mà đã đáng giá Thơ là trò rẻ tiền.

    Với tôi, dù không quá va chạm sâu sắc như âm nhạc và điện ảnh, game vẫn là một môn nghệ thuật vĩ đại. Và nó đã cùng cười, cùng khóc, cùng trăn trở với tôi, suốt đoạn đường dài của đời tôi.
     
  2. sieudaochich1987

    sieudaochich1987 C O N T R A Lão Làng GVN

    Tham gia ngày:
    20/7/05
    Bài viết:
    1,531
    Nơi ở:
    Unicef Vietnam
  3. April 9th

    April 9th Fire in the hole!

    Tham gia ngày:
    9/4/21
    Bài viết:
    2,595
    Thêm hình ảnh minh họa vô cho hay đi ông. Chia từng phần với tựa đề mỗi phần cho dễ đọc. Ai đâu mà đọc một hơi toàn text từ trên xuống.
     
  4. thanhtungtnt

    thanhtungtnt You Must Construct Additional Pylons Lão Làng GVN

    Tham gia ngày:
    23/8/06
    Bài viết:
    8,926
    Nơi ở:
    Balamb City
    Mình góp ý bạn thêm về dòng game Stealth Action. Gồm các tựa game nổi tiếng như: Commandos 1 2 3, Desperados 1 2 3, Tenchu, Metal Gear Solid, Hitman, Assassin Creed, ...

    Chúc bạn luôn giữ tinh thần lạc quan yêu đời, giữ được sự tích cực trong cuộc sống nhé.
     
    Sợ ai đây? thích bài này.
  5. bivboi

    bivboi One-winged Angel

    Tham gia ngày:
    21/9/20
    Bài viết:
    7,539
    Nơi ở:
    DAD
    dự là sẽ bị ăn cắp rồi post fb kiếm ngàn like
     
    phanthieugia, PeepingTom and RaRồi like this.
  6. glouds

    glouds Mayor of SimCity Lão Làng GVN

    Tham gia ngày:
    12/12/10
    Bài viết:
    4,423
    Nói về game với vai trò là kênh truyền thông, nó có một điểm đặc biệt mà các kênh khác không có: sự tương tác của người dùng. Kể cả trong các tựa nặng tuyến tính và dày đặc phim cắt cảnh như các game của naughty dogs, việc cho người chơi tham gia trực tiếp các pha hành động giúp họ dễ hóa thân vào nhân vật hơn. Cốt truyện mở, thay đổi theo lựa chọn mỗi người gần như là đặc quyền của game.
     
  7. Red Mosnter

    Red Mosnter Red, Pokémon Champion ‍ ⚚ Mystic Mage ⚚ GVN Dalit

    Tham gia ngày:
    20/8/03
    Bài viết:
    41,835
    Bác có tính đóng thành sách ko ?
     
  8. DonovanD

    DonovanD Sonic the Hedgehog Winner Game Award 2024

    Tham gia ngày:
    6/6/19
    Bài viết:
    4,945
    Bài viết rất hay và ý nghĩa
     
  9. MR_DEEDS1

    MR_DEEDS1 The Warrior of Light Lão Làng GVN

    Tham gia ngày:
    30/9/07
    Bài viết:
    2,218
    Nơi ở:
    Ơ nởi
    Rồi đến sau này anh em có được như kiểu ready player one không nhỉ.
     
  10. herosf2006

    herosf2006 Mega Man Lão Làng GVN

    Tham gia ngày:
    19/3/08
    Bài viết:
    3,456
    Nơi ở:
    Đà Nẵng
    =)) h như các game mmorpg là đủ rồi, RPO ảo quá

    nhiều game tính RolePlay cao, mỗi lần vào game là chat chit trong đó, sống thế giới thứ 2 trong đó luôn
     
    valshe and PeepingTom like this.
  11. NaughtyEvil

    NaughtyEvil Member vô giá trị GVN Dalit

    Tham gia ngày:
    30/4/08
    Bài viết:
    9,094
    Bài viết tâm huyết thật, mỗi tội nhiều chữ với chả có cái hình minh họa nên làm nhiều người ngại đọc!
    Trân quý những gì tác giả đã viết
     
  12. X_3winofall

    X_3winofall MAN OF MAYHEM ♞ Blade Knight ♞ Lão Làng GVN

    Tham gia ngày:
    3/1/03
    Bài viết:
    2,941
    Nơi ở:
    https://strzztland.xyz
  13. Gao.MegaUltraForce

    Gao.MegaUltraForce Không

    Tham gia ngày:
    6/5/19
    Bài viết:
    5,566
    bài viết k có hình cũng ok nhưng cần trình bày edit màu mè, đậm nghiêng cho dễ nắm bắt.
     
  14. H@l0

    H@l0 Fire in the hole!

    Tham gia ngày:
    24/8/07
    Bài viết:
    2,888
    Nơi ở:
    Desert-NPole intersection
    Tôi lướt mỏi cả tay mới hết bài là biết phải + tín dụng rồi
     
    giangnam thích bài này.
  15. RickBe

    RickBe Thy Phương Nhi Thảo Waiting to respawn Lão Làng GVN

    Tham gia ngày:
    5/11/06
    Bài viết:
    19,908
    Nơi ở:
    TP.HCM
    Dài quá ngại đọc.
     
  16. T1nhLaG1

    T1nhLaG1 Star swallower ♞ Blade Knight ♞ Lão Làng GVN

    Tham gia ngày:
    2/11/09
    Bài viết:
    12,894
    Đọc đi , hay lắm
    Nhớ tóm tắt lại cho mình đọc
     
  17. KOJIMA

    KOJIMA ! Lão Làng GVN

    Tham gia ngày:
    3/8/05
    Bài viết:
    4,652
    Bài viết hay quá, đọc đến đâu là từng giai đoạn tuổi thơ của mình hiện về đến đó :9cool_too_sad:
     
  18. oldangelvn

    oldangelvn Godslayer Κράτος CHAMPION ⚜ Duel Master ⚜ Lão Làng GVN

    Tham gia ngày:
    7/9/05
    Bài viết:
    14,668
    Nơi ở:
    Hồ Chí Minh
    Lâu quá ko chơi game, đọc lại thấy bồi hồi quá.
     
  19. 934944

    934944 Baldur's Gate Lão Làng GVN

    Tham gia ngày:
    13/8/06
    Bài viết:
    31,326
    Nơi ở:
    đà nẵng
    bài này là báo tổng hợp ah ?
    đã bao lâu rồi diễn đàn mới có bài viết về game
     
    Chỉnh sửa cuối: 17/6/21
  20. tieunhilang.

    tieunhilang. SPARTAN John-117 Lão Làng GVN

    Tham gia ngày:
    4/10/11
    Bài viết:
    11,055
    Sẽ tới thôi. Khoa học kỹ thuật đi nhanh lắm.
     
    scuuby thích bài này.

Chia sẻ trang này