Thâm nhập phòng khám nha khoa: Vào vai phụ tá nha khoa Hiện nay nhu cầu làm răng thẩm mỹ, răng sứ, niềng răng… tăng cao nên dịch vụ phòng khám nha khoa nở rộ. Đáng nói, có dấu hiệu nhân viên y tế làm việc không bằng cấp, chứng chỉ, hành nghề 'chui', nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe người bệnh. Để làm được phụ tá nha khoa, chúng tôi phải học thuộc lòng tên thuốc và thiết bị để đưa cho bác sĩ khi cần. Học gì cũng được nhận làm... phụ tá nha khoa Ngày 11.3, sau nhiều ngày tìm kiếm trên các hội nhóm tìm việc phụ tá nha khoa tại TP.HCM, chúng tôi liên hệ được một phòng khám nha khoa (PKNK) đăng tuyển dụng. Khi chúng tôi nói không có kinh nghiệm làm việc thì người tuyển dụng nhắn lại "không sao em", và yêu cầu có mặt khoảng 30 phút sau để phỏng vấn xin việc. Phụ tá L. (phải) đang phụ hút nước nước bọt cho khách hàng và bác sĩ G. lấy vôi răng DU YÊN Chúng tôi đến PKNK T.Đ (ở đường Lạc Long Quân, P.10, Q.Tân Bình) để phỏng vấn. Vì chưa có kinh nghiệm, nên chúng tôi được đề nghị nhận vào làm vị trí học việc phụ tá với mức lương 4 triệu đồng/tháng. Ngày 12.3 là ngày đầu làm việc, có mặt tại PKNK T.Đ lúc 8 giờ, chúng tôi được yêu cầu quét dọn, vệ sinh phòng khám (PK) và các dụng cụ khám chữa răng. Sau đó, chúng tôi được dạy về cách nhận biết và phân loại các loại dụng cụ và thuốc sử dụng để chữa răng và làm các dịch vụ thẩm mỹ răng. Nữ phụ tá D. đang phụ bác sĩ Đ. mài răng để gắn răng sứ cho khách và bác sĩ G. đang đứng học việc DU YÊN Vào làm việc tại nha khoa T.Đ sau chúng tôi 2 ngày là một người tên L. (21 tuổi) cũng chưa có kinh nghiệm phụ tá nha khoa. L. cho biết mình là sinh viên năm 3 ngành kiến trúc, đang bảo lưu để đi làm. Khi thấy chúng tôi bất ngờ vì sao học kiến trúc lại đi làm phụ tá nha khoa, L. nói "làm nghề gì có thể kiếm được tiền thì làm thôi". Thời gian làm việc của PKNK T.Đ từ 8 - 20 giờ hằng ngày. Mỗi ngày chúng tôi làm các công việc như rửa, vệ sinh dụng cụ, hỗ trợ pha thuốc trám răng, hỗ trợ bác sĩ (BS) khám và chữa răng… Vì không có chút kiến thức nào về nha khoa nên chúng tôi phải học thuộc các tên thuốc, dụng cụ để khi BS cần thì phải lấy ngay lập tức. Ngay ngày đầu tiên đi làm, chỉ sau vài giờ đứng xem, chúng tôi đã được cho hỗ trợ các BS làm việc bằng cách hút nước bọt cho khách hàng và chuẩn bị một số dụng cụ đơn giản. Sau 2 ngày làm việc thì chúng tôi được chỉ cách sử dụng máy chụp phim răng, pha thuốc trám răng… Chỉ việc cho chúng tôi là 2 nữ phụ tá (tên N. và D.). Theo chia sẻ từ phụ tá N., chị vào làm được hơn 3 tuần, vì chị sắp nghỉ việc nên PK đang cần gấp phụ tá. Chị N. cũng cho biết mình học đại học ngành dược nên bây giờ muốn tìm một công việc khác liên quan đến chuyên ngành hơn. Riêng phụ tá D. tốt nghiệp chuyên ngành điều dưỡng và làm việc tại đây hơn 1 năm nhưng cũng chưa có chứng chỉ hành nghề. Chị D. cho biết lúc mới vào làm cũng chưa có kinh nghiệm về phụ tá nha khoa. Sau hơn 1 năm làm việc tại PK này, chị đã thành thạo tất cả các công việc phụ tá và có thể chỉ công việc cho những người mới. Dù là "dân tay ngang", nhưng chúng tôi và anh L. đã được các BS và phụ tá khác động viên: "Học vài bữa là quen tay ngay, vài ngày là phụ được mấy ca đơn giản rồi. Đến vài tháng là thành thạo việc". Để thuận tiện cho chúng tôi, hai nữ phụ tá N. và D. đã đưa các công thức và dụng cụ chuẩn bị cho từng ca khám chữa bệnh để chúng tôi chụp lại, về nhà học thuộc. Xưng bác sĩ, nhưng nói "đang chờ nhận bằng" Vào làm việc cùng lúc với chúng tôi là một người xưng là BS tên H.V.L (22 tuổi), khi được hỏi trước kia đã làm việc ở đâu, BS này nói đã từng làm việc tại nhiều PK khác. Tại PKNK T.Đ, chúng tôi ghi nhận có 3 người xưng là BS đang làm việc ở đây. BS Đ. đang mài lại răng sứ cho khách DU YÊN Những người xưng BS này đều mặc áo blouse trắng nhưng không có bảng tên hay thông tin giới thiệu nào. Nhiều tài liệu hay hóa đơn điều trị đều chỉ ghi mỗi tên BS điều trị như BS L., BS Đ. và BS G. Sau nhiều ngày làm việc tại PKNK này, chúng tôi đã biết được họ và tên đầy đủ của 3 BS chính (tự xưng) làm việc ở đây là P.N.Đ, N.T.G và H.V.L (BS L. vào làm cùng thời điểm với chúng tôi). Chúng tôi tìm trên cổng thông tin tra cứu khám chữa bệnh của Sở Y tế TP.HCM, thật bất ngờ khi không có một ai trong 3 BS trên có chứng chỉ hành nghề. Riêng BS H.V.L (22 tuổi) nói với chúng tôi rằng vẫn "đang chờ nhận bằng" và kinh nghiệm còn ít nên chưa thể làm nhiều dịch vụ khó. Bác sĩ G. đang khám răng cho khách DU YÊN Theo ghi nhận nhiều ngày, PKNK T.Đ có tổng cộng 3 ghế nha khoa, trung bình mỗi ngày tiếp nhận khoảng 10 - 15 khách hàng. Ghi nhận từ ngày 11 - 20.3, các BS tại đây thường xuyên làm các dịch vụ như cạo vôi răng, trám răng, nhổ răng và dịch vụ nha khoa thẩm mỹ như làm răng sứ, răng giả, cắm implant... Ngoài BS Đ., 2 BS còn lại đều biết khá ít kỹ thuật trong việc làm răng sứ và cắm implant. BS Đ. biết nhiều kỹ thuật hơn và thường chỉ lại các kỹ thuật làm răng thẩm mỹ cho các BS mới. Trong lúc Đ. làm răng sứ hoặc cắm implant cho khách thì 2 BS còn lại đứng nhìn để học các thao tác. Ngày 15.3, trong thời gian nghỉ trưa, nghe BS L. nói rằng không biết nên mài răng theo chiều xuôi hay chiều ngược thì BS Đ. nói: "Hồi giờ mấy ca mài răng theo chiều xuôi là 10 ca viêm hết 10 ca, còn mài theo chiều dọc thì chỉ viêm 3, 4 ca thôi". "Chốt" dịch vụ với khách để được tiền hoa hồng Ngoài ra, BS G. còn chia sẻ với BS L. rằng nếu các BS chốt được khách làm implant thì sẽ được tiền hoa hồng rất cao, khoảng mười mấy triệu đồng. Bác sĩ L. đang khám răng cho khách DU YÊN Bên cạnh lương cứng, mỗi tháng các BS còn nhận được phần trăm hoa hồng các ca làm răng sứ, cắm implant. Do vậy, lúc khám cho khách hàng, BS ở đây thường giới thiệu các dịch vụ làm răng sứ hoặc cắm implant. Ngày 14.3, một khách hàng nữ đến để được tư vấn làm lại răng sứ vì chiếc răng sứ (làm tại một PK khác) đã cũ, khiến chị đau nhức. Khi nghe khách hàng muốn làm răng sứ, BS G. lập tức đưa các mức giá của răng sứ, tư vấn: "Dòng này là sứ tầm trung chất lượng tốt hơn răng sứ cũ của em, mỗi răng 5 triệu đồng, anh bảo hành cho em 7 năm, nếu răng em có vấn đề gì sau này thì anh sẽ hỗ trợ luôn". Sau khi chụp phim, khám và soi răng, BS Đ. cho biết răng của nữ khách hàng đã lấy tủy 3 chiếc nên khá yếu; vì vậy nên làm 3 chiếc răng sứ cùng một lúc. Tuy nhiên, khi nữ khách hàng chỉ muốn tư vấn làm một chiếc răng vì tài chính chưa đủ thì các BS tại đây khuyên nên làm luôn 3 răng vì nó đã dính chùm; nếu cắt ra thì răng mới sẽ yếu và khó bền được. (còn tiếp) https://thanhnien.vn/tham-nhap-phong-kham-nha-khoa-vao-vai-phu-ta-nha-khoa-185240330225000306.htm
Thâm nhập phòng khám nha khoa: Tẩu tán thiết bị, trốn trên nóc nhà Phòng khám nha khoa được cấp phép làm ngoài giờ hành chính nhưng trong giờ hành chính vẫn hoạt động, người làm thì không có giấy phép hành nghề, khi bị kiểm tra thì leo lên nóc nhà lẩn trốn. Sau nhiều ngày xin vào làm việc tại phòng khám nha khoa (PKNK) T.Đ (đường Lạc Long Quân, P.10, Q.Tân Bình, TP.HCM; đã nêu ở bài trước), chúng tôi phát hiện nhiều sai phạm về giấy phép hoạt động và chứng chỉ hành nghề của các bác sĩ (BS), phụ tá tại đây. Đối phó với thanh tra Sau khi thâm nhập thu thập chứng cứ tại PKNK T.Đ, PV Thanh Niên cung cấp thông tin cho Thanh tra Sở Y tế TP.HCM. Khi đoàn chức năng đến kiểm tra, nhân viên tại đây vội tìm cách đối phó, cất giấu các thiết bị. Nơi vệ sinh, khử trùng dụng cụ nha của phòng khám trông rất nhếch nhác Du Yên Ngày 20.3, khoảng 14 giờ 30, trong lúc PV Thanh Niên đang hỗ trợ dọn dẹp sau ca điều trị tủy răng cho một khách hàng tại PKNK T.Đ, nữ phụ tá D. bất ngờ chạy vào yêu cầu chúng tôi và nam phụ tá L. cởi áo blouse và mang thiết bị lên lầu giấu. Sau khi được thông báo có đoàn thanh tra đến, hai BS N.T.G và H.V.L vội chạy lên lầu trốn vào phòng ngủ của các nhân viên. Hầu hết nhân viên tại đây đều không có chứng chỉ hành nghề, thậm chí nhiều người không có bằng cấp chuyên môn nên đều phải trốn lực lượng chức năng. Lo sợ bị phát hiện, các phụ tá và BS trốn trong một căn phòng khuất phía trong, nơi có cầu thang bắc lên mái nhà. Mẫu răng sứ tại phòng khám nha khoa T.Đ ở đường Lạc Long Quân, P.10, Q.Tân Bình Phía dưới, lễ tân và BS P.N.Đ đang đối phó với thanh tra bằng cách vòng vèo gọi điện cho chủ cơ sở và không cho kiểm tra. Thanh tra Sở Y tế phải nhờ lực lượng của phường đến hỗ trợ thì mới có thể tiến hành kiểm tra PK. Sau khi giằng co kéo dài từ 14 giờ 30 đến hơn 15 giờ 10, thanh tra mới được lên lầu kiểm tra. Trong thời gian này, các nhân viên đã kịp giấu thiết bị cắm implant và chuẩn bị sẵn lời tường trình khi gặp thanh tra. Thiết bị được giấu kín trong phòng ngủ của nhân viên nên các thanh tra không tìm thấy. Khi thanh tra định mở cửa phòng ngủ của các nhân viên thì quản lý PKNK T.Đ lập tức nói đây là phòng cho thuê thêm bên ngoài nên Thanh tra Sở Y tế cũng không kiểm tra thêm. Khi đoàn kiểm tra các phòng, phụ tá L. (21 tuổi, sinh viên năm 3 ngành kiến trúc một trường ĐH ở TP.HCM, không có bằng cấp chuyên môn nha khoa) vội leo thang lên nóc nhà để trốn. Xưng bác sĩ nhưng khai là phụ tá Ngoài ra, để giảm nhẹ mức phạt, những người xưng BS làm việc chính tại PK đều nói dối với Thanh tra Sở Y tế về chức vụ nghề nghiệp, về các dịch vụ đã làm và thậm chí còn gian dối đổi họ tên để "qua mắt" cơ quan chức năng. Khi Thanh tra Sở Y tế vừa đến kiểm tra, người trước đó xưng là BS N.T.G vừa hoàn thành một ca chữa tủy răng cho khách hàng nên đã bị lập biên bản với chức vụ là BS. Tuy nhiên, khi thanh tra hỏi về ca khám vừa rồi thì BS này nói vừa thực hiện cạo vôi và đánh bóng răng. Tại thời điểm kiểm tra, N.T.G chỉ đưa ra được bằng cấp y sĩ và chưa trình được chứng chỉ hành nghề. Bác sĩ H.V.L (phải) leo cửa sổ trốn ra mái tôn khi đoàn thanh tra đến kiểm tra Còn người tự xưng BS H.V.L (22 tuổi) thì leo qua cửa sổ lên mái nhà trốn, sau đó trèo trở lại vào làm việc với đoàn kiểm tra. H.V.L không có bằng cấp và chứng chỉ liên quan, vừa vào làm việc chỉ khoảng 1 tuần và chưa ký hợp đồng nên người này nói dối với đoàn rằng mình là phụ tá nha khoa ở đây. Trong biên bản tường trình, người này ghi chức vụ phụ tá với các công việc là cạo vôi răng, đánh bóng. Tuy nhiên, khi chúng tôi vào làm việc, ghi nhận nhiều ngày ở PK này thì H.V.L đã làm các ca như chữa tủy răng, gắn răng sứ… Phụ tá L. trốn trong phòng khi đoàn kiểm tra đến Còn người trước đó tự xưng BS P.N.Đ nói với Thanh tra Sở Y tế mình cũng là phụ tá và khai tên là P.K.K (tên một phụ tá đã nghỉ việc - PV) vì cái tên "BS P.N.Đ" đã có trong hồ sơ bị thu giữ với nhiều ca cắm implant và làm răng sứ trong khi chưa có chứng chỉ hành nghề, nên người này sợ nếu bị phát hiện sẽ bị phạt tiền cao. P.N.Đ còn dặn các nhân viên PK trước mặt thanh tra gọi mình là K. để không bị phát hiện. Chính P.N.Đ đã cùng lễ tân giấu các hồ sơ quan trọng và kéo dài thời gian để nhân viên khác giấu các thiết bị. Sau khi Thanh tra Sở Y tế rời khỏi, người này khoe với chúng tôi: "Lúc thanh tra vô chỗ đựng mấy sổ hồ sơ, anh liền lật nhanh lên rồi nói này không có gì hết á, không có gì hết!". Sau đó, các nhân viên tại đây bàn luận rôm rả về việc may mắn không có ai kêu tên BS P.N.Đ mà chỉ gọi là "phụ tá K.". P.N.Đ liền nói: "May là lúc nãy không ai kêu tên Đ., không là chết rồi. Hồ sơ toàn tên Đ. không, anh chỉ nói là anh làm part time (bán thời gian) chứ không làm gì hết nên không bị dính". Ngay sau khi Thanh tra Sở Y tế rời đi, PKNK T.Đ tiếp tục hoạt động và nhận các ca điều trị như điều trị tủy, làm lại răng sứ… Mọi việc vẫn diễn ra bình thường như chưa hề có cuộc kiểm tra nào. Yêu cầu tháo gỡ quảng cáo khám chữa bệnh trên mạng Trước đó, tra cứu trên cổng thông tin khám chữa bệnh (KCB) của Sở Y tế cho thấy địa chỉ 709 Lạc Long Quân, P.10, Q.Tân Bình, có giấy phép hoạt động số 03103, cấp ngày 14.7.2014, nhưng tình trạng giấy phép đã thu hồi. Ông P.N.Đ tường trình mình chỉ là phụ tá, trong khi trước đó ông xưng là BS, hằng ngày người này làm chính về răng sứ và cắm implant Phòng Quản lý dịch vụ y tế Sở Y tế TP.HCM cho biết ngày 6.3.2020, Sở Y tế cấp giấy phép hoạt động số 07977 cho PK chuyên khoa răng hàm mặt (RHM) thuộc Công ty TNHH nha khoa Triệu Nha tại địa chỉ 709 Lạc Long Quân, P.10, Q.Tân Bình. Nhưng biển hiệu PK này hiện ghi Nha khoa thẩm mỹ T.Đ. Người chịu trách nhiệm chuyên môn của PK là BS P.T.H.D (công tác tại Bệnh viện RHM TP.HCM). Trên cổng tra cứu thông tin KCB của Sở Y tế TP.HCM, BS P.T.H.D làm giờ hành chính tại Bệnh viện RHM TP.HCM. Tuy nhiên, lãnh đạo bệnh viện này xác nhận với PV Thanh Niên rằng BS P.T.H.D xin nghỉ không lương hơn 1 năm qua để dưỡng thai và mới sinh vài ngày. Đáng lưu ý, PK chuyên khoa RHM thuộc Công ty TNHH nha khoa Triệu Nha được cấp phép với thời gian hoạt động từ 17 giờ 30 - 20 giờ các ngày từ thứ hai đến thứ bảy (ngoài giờ hành chính), còn chủ nhật từ 8 - 20 giờ. Nhưng thực tế PK này làm cả trong và ngoài giờ hành chính, hoạt động công khai, quảng cáo rầm rộ trên mạng. Thanh tra Sở Y tế TP.HCM kiểm tra phòng khám T.Đ vào chiều 20.3 Kết quả kiểm tra đột xuất lúc 14 giờ 30 ngày 20.3, Thanh tra Sở Y tế ghi nhận PK này đang mở cửa hoạt động, là bằng chứng rõ ràng PK hoạt động không phép trong giờ hành chính. Lúc kiểm tra, BS P.T.H.D cũng có mặt ngay sau đó để làm việc với đoàn. Ghi nhận có y sĩ RHM tên N.T.G và P.K.Kh hỗ trợ quản lý; có 3 phụ tá. Thanh tra cũng ghi nhận PK lập sổ KCB nhưng chưa cập nhật đầy đủ danh sách người bệnh; có niêm yết bảng giá dịch vụ nhưng không đầy đủ theo danh mục kỹ thuật được Sở Y tế phê duyệt; không lập hồ sơ bệnh án… Thanh tra Sở Y tế yêu cầu PK tháo gỡ ngay các nội dung quảng cáo dịch vụ KCB trên Facebook; không bố trí nhân sự không có chứng chỉ hành nghề KCB… Thanh tra Sở Y tế giao Phòng Y tế Q.Tân Bình giám sát hoạt động của PK và Thanh tra sẽ thực hiện các bước xử lý tiếp theo. Phòng Quản lý dịch vụ y tế Sở Y tế TP.HCM cho biết theo luật Khám bệnh, chữa bệnh và Nghị định 96 năm 2023 của Chính phủ quy định một số điều của luật Khám bệnh, chữa bệnh thì không có chức danh trợ thủ nha khoa mà chỉ có chức danh kỹ thuật y với phạm vi hành nghề là phục hình răng. Với chức danh này, muốn hành nghề phải có giấy phép hành nghề, muốn mở cơ sở để hoạt động thì phải có đủ điều kiện cấp giấy phép hoạt động với hình thức tương ứng giấy phép hành nghề. https://thanhnien.vn/tham-nhap-phon...source=zalo&utm_medium=zalo&utm_campaign=zalo
Nha tặc điểm báo về nha tặc Cơ mà Bao 7 nhân ơi tiễn nha tặc lên đường đi http://gamevn.com/threads/tn-tham-nhap-phong-kham-nha-khoa-vao-vai-phu-ta-nha-khoa.1580879/