Khi mặt trời vừa xuống núi cũng là lúc những bản làng vùng biên giới Việt - Lào ở tỉnh Quảng Nam sáng đèn. Những quầng sáng mang theo hy vọng về một cuộc sống no đủ được tuổi trẻ Công an tỉnh Quảng Nam 'cõng' từ dưới xuôi lên... Núi rừng lung linh như phố Trước đây, khi màn đêm buông xuống, hầu hết các tuyến đường ở thôn Pà Ooi của xã biên giới La Êê (H.Nam Giang, Quảng Nam) đều chìm trong bóng tối. Nay thì đã khác, mọi ngóc ngách đều bừng sáng ánh điện, được tuổi trẻ Công an tỉnh Quảng Nam "thắp" lên thông qua công trình thanh niên "Ánh sáng an ninh". Những trụ điện mặt trời được dựng lên ở thôn Pà Ooi 50 trụ điện mặt trời đã được "cõng" từ dưới xuôi, vượt hàng trăm cây số lên với thôn Pà Ooi, sau đó tiếp tục được những người thợ "tay ngang" lắp đặt. Suốt thời gian thi công công trình, bản làng vui như ngày hội bởi sự chung tay góp sức của đồng bào. Không chỉ thôn Pà Ooi mà nhiều bản làng khác ở xã vùng biên La Êê cũng được thắp sáng bởi "Ánh sáng an ninh". Thôn Pà Ooi nằm ở vùng biên giới Việt - Lào, là nơi định cư chủ yếu của đồng bào dân tộc thiểu số Cơ Tu. Nơi đây, vào mùa mưa lũ, bản làng gần như cô lập với thế giới bên ngoài. Dù điện lưới quốc gia đã được kéo về thôn vài năm nay nhưng chập chờn, mất nhiều hơn có. Các trụ cũng nằm cách xa nhau nên điện rất yếu, chỉ đủ dùng thắp sáng một bóng đèn trong nhà. Từ khi được tuổi trẻ Công an tỉnh Quảng Nam tặng hệ thống điện mặt trời, ban đêm cứ "sáng như ban ngày" trên các trục đường dọc thôn. Chị Cao Thị Hới (32 tuổi, ở thôn Pà Ooi) cười bảo giờ đây bà con đi lại rất thuận lợi và an tâm hơn mỗi khi có việc vào ban đêm. "Từ ngày có "Ánh sáng an ninh", bà con trong bản mình sướng cái bụng lắm. Đêm đến, thanh niên kéo nhau ra sân bóng chơi thể thao, có trẻ con và người già tụ tập cổ vũ, vui lắm! Có điện, không còn cảnh trộm cắp vặt nữa", chị Hới nói. Thượng úy Arất Pê Lê, Bí thư Chi đoàn Công an H.Nam Giang, cho hay trong khoảng thời gian thi công công trình thanh niên "Ánh sáng an ninh", tuổi trẻ ngành công an gặp rất nhiều khó khăn do khu vực biên giới thường có mưa lớn vào buổi chiều. Nhưng với quyết tâm sớm đưa công trình vào phục vụ bà con, tất cả đã động viên nhau "vượt nắng, thắng mưa". "Dù giá trị đầu tư của công trình thanh niên "Ánh sáng an ninh" so với các chương trình, dự án khác được đầu tư tại các khu vực biên giới còn khiêm tốn, nhưng tôi tin nó sẽ mang lại hiệu quả thiết thực, có ý nghĩa sâu sắc đối với đời sống, sinh hoạt thường ngày của đồng bào nơi vùng biên viễn", thượng úy Arất Pê Lê bày tỏ. "Thay đổi những vùng đất khó" Đại úy Bùi Anh Đức, Trưởng ban Thanh niên Công an tỉnh Quảng Nam, cho hay công trình thanh niên "Ánh sáng an ninh" do tuổi trẻ công an tỉnh triển khai thực hiện từ tháng 12.2022, tập trung thi công lắp đặt trụ đèn năng lượng mặt trời tại địa bàn trọng điểm, phức tạp về an ninh trật tự tại các xã vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, xã về đích nông thôn mới. Kinh phí thi công, lắp đặt do tổ chức đoàn trong công an tỉnh vận động từ nguồn đóng góp của đoàn viên, thanh niên và huy động kinh phí xã hội hóa. Các đoàn viên, thanh niên cũng tự nguyện đóng góp ngày công lao động để hoàn thành công trình. Những người thợ “tay ngang” lắp đặt bóng đèn năng lượng mặt trời Nam Thịnh "Công trình thanh niên "Ánh sáng an ninh" đại diện cho tinh thần xung kích hướng về cộng đồng, với mong muốn đóng góp một phần công sức của tuổi trẻ công an tỉnh cùng các địa phương", đại úy Đức chia sẻ. Theo đại úy Bùi Anh Đức, thời gian tới, từ nguồn lực đóng góp của đoàn viên, thanh niên công an và huy động từ các đơn vị, cá nhân ngoài lực lượng, tuổi trẻ Công an tỉnh Quảng Nam sẽ tiếp tục lắp đặt thêm nhiều trụ đèn năng lượng mặt trời, đem ánh sáng đến nhiều ngõ xóm, đường quê từ miền biển lên vùng biên giới trên địa bàn tỉnh. Ông A Viết Sơn, Chủ tịch UBND xã La Êê, đánh giá công trình thanh niên "Ánh sáng an ninh" là chủ trương hợp lòng dân, xuất phát từ nhu cầu của người dân nên hầu hết bà con đều đồng thuận và tích cực hưởng ứng rất cao. Mô hình này không chỉ tạo điều kiện cho người dân sinh hoạt và đi lại dễ dàng hơn vào ban đêm, góp phần giảm tình trạng trộm cắp tài sản và tai nạn giao thông, mà còn thể hiện tinh thần tự nguyện, đoàn kết, đồng lòng của nhân dân trong việc giữ gìn an ninh trật tự trên địa bàn các xã biên giới. "Công trình do tuổi trẻ Công an tỉnh Quảng Nam triển khai thực sự làm đổi thay những vùng đất khó. Những bản làng biên giới giờ đây đã khang trang hơn, cuộc sống đồng bào dân tộc thiểu số đã đổi thay rất nhiều cả về vật chất và tinh thần khi ánh điện được kéo đến", ông A Viết Sơn nói. https://thanhnien.vn/het-long-vi-dan-bung-sang-ban-lang-vung-bien-18524081822040375.htm