VNE - Các nước tôn trọng quyền của Việt Nam về nộp Đệ trình Ranh giới thềm lục địa mở rộng

Thảo luận trong 'Thư Giãn Express - Bản Tin Cuối Ngày' bắt đầu bởi Cha Thần Gió, 18/7/24.

  1. Cha Thần Gió

    Cha Thần Gió For the Horde! Lão Làng GVN

    Tham gia ngày:
    6/1/11
    Bài viết:
    11,734
    Việt Nam đã thông báo về vấn đề nộp Đệ trình Ranh giới thềm lục địa mở rộng ở Khu vực Giữa Biển Đông và các nước liên quan đều bày tỏ tôn trọng, theo Bộ Ngoại giao.

    "Để thể hiện thiện chí và tinh thần trách nhiệm, Việt Nam đã thông báo với các nước liên quan vấn đề này qua kênh ngoại giao. Các cuộc trao đổi đều diễn ra trong không khí chân thành, hữu nghị và thẳng thắn", người phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng cho biết trong cuộc họp báo thường kỳ hôm nay, đề cập việc nộp Hồ sơ đệ trình Ranh giới thềm lục địa mở rộng ngoài 200 hải lý của Việt Nam ở Khu vực Giữa Biển Đông lên Ủy ban Ranh giới Thềm lục địa Liên Hợp Quốc (CLCS).

    Bà Hằng cho hay các nước "đều ghi nhận và tôn trọng quyền của Việt Nam" về động thái này, phù hợp với quy định tại Điều 76 Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982.

    [​IMG]
    Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng. Ảnh: Giang Huy

    Theo Điều 76 UNCLOS, khi có thềm lục địa mở rộng ngoài 200 hải lý tính từ đường cơ sở, quốc gia ven biển cần nộp đệ trình về các thông tin và dữ liệu liên quan để CLCS xem xét và ra khuyến nghị về ranh giới của thềm lục địa mở rộng.

    Người phát ngôn nhấn mạnh quan điểm của Việt Nam đã được nêu rất rõ trong Tuyên bố của Bộ Ngoại giao về việc nộp Đệ trình, trong đó nói rằng Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý, khoa học để khẳng định Việt Nam có quyền có thềm lục địa tự nhiên mở rộng ngoài 200 hải lý tính từ đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải.

    Việt Nam cũng tái khẳng định chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa phù hợp với luật pháp quốc tế và các quyền đối với những vùng biển của Việt Nam ở Biển Đông được xác lập phù hợp với UNCLOS.

    Việt Nam cam kết sẵn sàng giải quyết và kiểm soát tranh chấp, bất đồng về chủ quyền lãnh thổ liên quan đến hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa và những tranh chấp về phân định biển giữa Việt Nam và các quốc gia ven biển liên quan ở Biển Đông bằng biện pháp hòa bình, đồng thời cùng các nước trong khu vực và cộng đồng quốc tế duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải, hàng không và phát triển bền vững ở Biển Đông trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS.

    [​IMG]
    Khu vực Biển Đông. Đồ họa: CSIS

    Đệ trình Ranh giới thềm lục địa mở rộng ngoài 200 hải lý ở Khu vực Giữa Biển Đông là đệ trình thứ ba của Việt Nam. Hồi tháng 5/2009, Việt Nam đã nộp Đệ trình riêng về Ranh giới thềm lục địa mở rộng ngoài 200 hải lý ở Khu vực Bắc Biển Đông và nộp Đệ trình chung với Malaysia về Ranh giới thềm lục địa mở rộng ngoài 200 hải lý đối với khu vực Nam Biển Đông.

    Trong công hàm gửi Tổng thư ký Liên Hợp Quốc về Đệ trình Ranh giới thềm lục địa mở rộng ngoài 200 hải lý ở Khu vực Giữa Biển Đông, Việt Nam một lần nữa khẳng định việc nộp đệ trình này sẽ không ảnh hưởng tới phân định biển giữa Việt Nam và các nước ven biển liên quan trên cơ sở UNCLOS.


    Các nước tôn trọng quyền của Việt Nam về nộp Đệ trình Ranh giới thềm lục địa mở rộng - Báo VnExpress
     
    MAGNUM44 and warrio16 like this.
  2. lifesyle

    lifesyle The Chosen Undead CHAMPION ✧Phantom Assassin✧ Lão Làng GVN

    Tham gia ngày:
    19/4/06
    Bài viết:
    19,203
    Nơi ở:
    ._.
    trung quoc hiền vại ?
     
  3. voquockhanh

    voquockhanh Crash Bandicoot GameOver Lão Làng GVN

    Tham gia ngày:
    11/3/06
    Bài viết:
    12,753
  4. diephvvnd

    diephvvnd Fire in the hole! Lão Làng GVN

    Tham gia ngày:
    3/5/09
    Bài viết:
    2,795
    Nơi ở:
    Sakura No Ayakashi
    ^ Nó đang bận bắt nạt Phi Luật Tân để dằn mặt mỹ
     
  5. Cha Thần Gió

    Cha Thần Gió For the Horde! Lão Làng GVN

    Tham gia ngày:
    6/1/11
    Bài viết:
    11,734
    Thềm lục địa mở rộng ngoài 200 hải lý và quyền của Việt Nam

    Theo UNCLOS 1982, các quốc gia ven biển có quyền tuyên bố thềm lục địa mở rộng ngoài 200 hải lý nếu điều kiện về mặt tự nhiên, địa chất cho phép. Trong phần mở rộng đó, quốc gia ven biển có quyền chủ quyền đối với việc thăm dò, khai thác tài nguyên.

    [​IMG]
    Khai thác dầu khí tại mỏ Bạch Hổ - Ảnh: TTXVN

    Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982) đã định ra khung pháp lý cho các quốc gia trong việc xác định các vùng biển và quy chế pháp lý của chúng.

    Theo UNCLOS 1982, mỗi quốc gia ven biển có năm vùng biển bao gồm: nội thủy, lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa. Căn cứ đặc biệt quan trọng để xác định các vùng biển này chính là đường cơ sở.

    Thềm lục địa và thềm lục địa mở rộng
    Điều 76 của UNCLOS 1982 định nghĩa: "Thềm lục địa của quốc gia ven biển bao gồm vùng đáy biển và lòng đất dưới đáy biển bên ngoài lãnh hải của quốc gia đó, trên toàn bộ phần kéo dài tự nhiên của lãnh thổ đất liền của quốc gia đó cho đến bờ ngoài của rìa lục địa, hoặc cách 200 hải lý tính từ đường cơ sở dùng để tính lãnh hải nếu rìa lục địa không mở rộng đến khoảng cách đó".

    Hiểu theo điều này, trong mọi trường hợp, quốc gia ven biển đều có tối thiểu 200 hải lý thềm lục địa (hay thềm lục địa pháp lý). Nếu rìa lục địa tự nhiên vượt quá 200 hải lý, quốc gia ven biển có thể có thềm lục địa rộng hơn. Trường hợp này được gọi là thềm lục địa mở rộng.

    Tuy nhiên, UNCLOS 1982 cũng quy định thềm lục địa mở rộng không được vượt quá 350 hải lý tính từ đường cơ sở, hoặc 100 hải lý tính từ đường đẳng sâu - tức đường nối liền các điểm có cùng độ sâu - ở 2.500m.

    Là thành viên của UNCLOS 1982, Việt Nam đã thể chế hóa các quy định có liên quan của công ước, trong đó có chế định về thềm lục địa trong Luật Biển Việt Nam năm 2012. Những định nghĩa và quy định nói trên đều được nhắc đến trong Luật Biển Việt Nam năm 2012.

    Trong đó, Việt Nam định nghĩa: "Thềm lục địa là vùng đáy biển và lòng đất dưới đáy biển, tiếp liền và nằm ngoài lãnh hải Việt Nam, trên toàn bộ phần kéo dài tự nhiên của lãnh thổ đất liền, các đảo và quần đảo của Việt Nam cho đến mép ngoài của rìa lục địa".

    Trở lại UNCLOS 1982, theo Điều 76 của công ước, khi một quốc gia ven biển muốn xác lập thềm lục địa mở rộng, quốc gia đó phải nộp đệ trình lên Ủy ban Ranh giới thềm lục địa Liên Hiệp Quốc (CLCS).

    Điều này giải thích vì sao ngày 17-7 (giờ Mỹ), Việt Nam đã nộp đệ trình Ranh giới thềm lục địa mở rộng ngoài 200 hải lý tại khu vực giữa Biển Đông.

    Trước đây, vào tháng 5-2009, Việt Nam cũng đã đệ trình Ranh giới thềm lục địa mở rộng khu vực bắc Biển Đông và nộp đệ trình chung với Malaysia về Ranh giới thềm lục địa mở rộng khu vực nam Biển Đông.

    Với động thái ngày 17-7, có thể nói Việt Nam đã hoàn tất việc nộp đệ trình về các phần thềm lục địa mở rộng của mình ở Biển Đông.

    [​IMG]
    Đại sứ Đặng Hoàng Giang, trưởng Phái đoàn Việt Nam tại Liên Hiệp Quốc tại sự kiện nộp đệ trình lên CLCS ngày 17-7 - Ảnh: Bộ Ngoại giao cung cấp

    Quyền đối với thềm lục địa
    Đối với thềm lục địa, bao gồm cả phần trong và ngoài 200 hải lý tính từ đường cơ sở, khoản 1 Điều 77 của UNCLOS 1982 nêu rõ: "Quốc gia ven biển thực hiện các quyền thuộc chủ quyền đối với thềm lục địa về mặt thăm dò và khai thác tài nguyên thiên nhiên của mình".

    Các tài nguyên thiên nhiên bao gồm khoáng sản, sinh vật và phi sinh vật ở đáy biển và lòng đất dưới đáy biển.

    Công ước cũng nhấn mạnh các quyền ở khoản 1 có tính chất đặc quyền, nghĩa là nếu các quốc gia ven biển không thăm dò thềm lục địa hay không khai thác tài nguyên thiên nhiên của thềm lục địa, thì không ai có quyền tiến hành các hoạt động như vậy nếu không có sự thỏa thuận rõ ràng của quốc gia đó.

    Điều 18 của Luật Biển Việt Nam năm 2012 nhấn mạnh Nhà nước thực hiện quyền chủ quyền đối với thềm lục địa về thăm dò, khai thác tài nguyên.

    Luật cũng nhấn mạnh quyền chủ quyền nêu trên "có tính chất đặc quyền, không ai có quyền tiến hành hoạt động thăm dò thềm lục địa hoặc khai thác tài nguyên của thềm lục địa nếu không có sự đồng ý của Chính phủ Việt Nam".

    Nhà nước có quyền khai thác lòng đất dưới đáy biển, cho phép và quy định việc khoan nhằm bất kỳ mục đích nào ở thềm lục địa.

    [​IMG]
    Khai thác dầu tại mỏ Sông Đốc - Ảnh: Tư liệu TTO

    Với việc đặt dây cáp, ống dẫn ngầm và hoạt động sử dụng biển hợp pháp của các nước khác ở thềm lục địa Việt Nam, Nhà nước khẳng định tôn trọng các quyền trên theo quy định của Luật Biển Việt Nam năm 2012 và các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, đồng thời không làm phương hại đến quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia và lợi ích quốc gia trên biển của Việt Nam.

    Việc lắp đặt dây cáp và ống dẫn ngầm phải có sự chấp thuận bằng văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam.

    Tổ chức, cá nhân nước ngoài được tham gia thăm dò, sử dụng, khai thác tài nguyên, nghiên cứu khoa học, lắp đặt thiết bị và công trình ở thềm lục địa của Việt Nam trên cơ sở điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, hợp đồng ký kết theo quy định của pháp luật Việt Nam hoặc được phép của Chính phủ Việt Nam.

    Như vậy, Luật Biển Việt Nam năm 2012 đã thể chế hóa đầy đủ phạm vi, chế độ pháp lý thềm lục địa của Việt Nam phù hợp với UNCLOS 1982.

    Đồng thời cho thấy Việt Nam luôn thượng tôn luật pháp quốc tế, thực hiện theo đúng các quy định, trong đó có UNCLOS 1982 - vốn được ví như bản hiến pháp của đại dương.

    Ủy ban Ranh giới thềm lục địa Liên Hiệp Quốc (CLCS) gồm 21 thành viên, là các chuyên gia về địa chất, địa vật lý hay địa thủy văn do các quốc gia thành viên UNCLOS đề cử và dựa trên sự công bằng về mặt địa lý.

    Trong tuyên bố ngày 18-7 ngay sau khi nộp đệ trình Ranh giới thềm lục địa mở rộng khu vực giữa Biển Đông lên CLCS, Bộ Ngoại giao cho biết trong khu vực Biển Đông, từ năm 2019 đến nay, một số quốc gia ven biển liên quan đã nộp các đệ trình riêng của mình.

    Trong bối cảnh đó, việc Việt Nam nộp đệ trình nhằm "bảo đảm các quyền hợp pháp" của Việt Nam đối với phần thềm lục địa mở rộng của nước ta tại khu vực giữa Biển Đông mà Việt Nam "hoàn toàn có quyền được hưởng phù hợp với Điều 76 của UNCLOS".

    Bộ Ngoại giao Việt Nam cũng khẳng định căn cứ vào các quy định liên quan của UNCLOS và phù hợp với điều kiện địa lý tự nhiên của mình, "Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý, khoa học để khẳng định Việt Nam có quyền có thềm lục địa tự nhiên mở rộng ngoài 200 hải lý tính từ đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải của Việt Nam".


    Thềm lục địa mở rộng ngoài 200 hải lý và quyền của Việt Nam - Tuổi Trẻ Online (tuoitre.vn)
     
    MAGNUM44 thích bài này.

Chia sẻ trang này