Bài này mình viết theo góc nhìn và kinh nghiệm của mình, nên không hẳn là chính xác với tất cả trường hợp cũng như theo quan điểm mỗi người. ------------------------------------------------------------------------------------ DẠNG NHÂN VẬT CHÍNH TRONG THỂ LOẠI RPG Bạn có ý tưởng làm game? Bạn muốn có một kịch bản tốt và một dàn nhân vật ấn tượng? Đầu tiên tôi nghĩ bạn nên phác thảo sơ bộ story của mình như story bạn sẽ có mở đầu thế nào, bối cảnh ra sao và các nhân vật gồm những ai. Thông thường trong các game J-RPG (Japan- Role Playing Game) và W-RPG (Western- Role Playing Game) có sự khác nhau trong việc xây dựng nhân vật chính và bài viết này chỉ tập trung vào việc bạn muốn xây dựng cho mình nhân vật chính dạng nào. [spoil] I/ So sánh nhân vật chính trong J-RPG và W-RPG a/ J-RPG J-RPG là thể loại nhập vai Nhật Bản, như các game thuộc series Final Fantasy, Tales of... Trong J-RPG, người chơi sẽ đóng vai khán-giả theo dõi một câu chuyện xuyên suốt và tuyến tính, với nhân vật chính xuất hiện trong một bối cảnh giả tưởng và nhân vật chính biết nói-chuyện. Đa phần J-RPG không cho phép người chơi can thiệp vào story cũng như trong việc hình thành tính cách nhân vật chính. Nhân vật chính (anh ta, cô ta, đứa trẻ, ông già, bà già...) đều được nhà phát triển cho hẳn một tính cách mà bạn không thể thay đổi được trong quá trình chơi và câu chuyện cũng tương tự. b/ W-RPG Nếu bạn đã chơi qua Diablo, Titan Quest, The Elder Scroll IV: Oblivion... thì các game này là W-RPG, mà thường thì giữa W-RPG và Action RPG cũng không khác biệt nhiều khi các trận chiến diễn ra ở thời gian thực và người chơi bấm chuột hoặc nhấn nút vào kỹ năng cho nhân vật đánh. Còn J-RPG thì thường bạn sẽ được chuyển qua một cảnh khi vào battle và các trận đánh diễn ra theo lượt (turn-base), bán lượt (ATB) hoặc action. W-RPG có cốt truyện cổ điển về các hiệp sĩ, chiến binh đi cứu thế giới và bạn là một người lính / một người dân / một pháp sư... vô danh nào đó và lên đường cứu thế giới / vương quốc của mình. Tuy nhiên sự khác biệt giữa W-RPG và J-RPG là nhân vật chính không biết nói chuyện (silent-protaginist). Bạn sẽ không thấy nhân vật chính mở miệng nói hoặc tự nói câu nào, trừ những lần có tùy chọn trong hội thoại với các nhân vật phụ khác khi họ hỏi nhân vật chính nghĩ gì hay nên làm thế nào. Cũng vì là một silent-protagonist nên bạn có quyền tùy chọn trong hội thoại để phát triển tính cách nhân vật chính theo ý thích và sâu xa hơn, trong W-RPG có một thế giới mở rất rộng, có một hệ thống thiện-ác tùy theo cách bạn chọn trong giao tiếp và story từ đó sẽ phát triển theo hướng mà bạn xây dựng char. Vì vậy W-RPG có giá trị chơi lại rất cao từ sau lần chơi đầu tiên. Bạn thực sự được nhập vai vào nhân vật, không còn là một khán giả được cho xem một phim dài nữa mà bạn chính là nhân vật đó, mọi hành động của bạn đều ảnh hưởng tới cốt truyện. c/ Những ngoại lệ lai giữa J-RPG và W-RPG Có những game J-RPG ngoại lệ thoát ra khỏi truyền thống trong việc xây dựng char và story và nghiêng về mé W-RPG hơn, nhưng cũng không nghiêng hoàn toàn. Chrono Cross (PS1), series Shin Megami Tensei (Nocture, Persona...) là những ngoại lệ đó. Trong Chrono Cross, nhân vật chính cũng là silent-protagonist và story tuy có phân nhánh nhưng sau cùng tất cả đều quy về một mối, nhưng do story đã chia ra tùy chọn quan trọng cho người chơi tự chọn nên giá trị chơi lại của Chrono Cross cũng khá cao. Series Shin Megami Tensei cũng tương tự, người chơi được đặt tên cho nhân vật chính và trong các đối thoại với những nhân vật khác, người chơi được tùy ý chọn hội thoại, dù rằng cũng không ảnh hưởng nhiều tới story. Story vẫn như J-RPG, một story được dựng sẵn. Tuy-nhiên thường những game trong series này phải đến giai đoạn gần cuối mới có sự phân chia Ending mà bạn có thể thấy rất rõ. Tuy nhiên nếu so với các J-RPG khác thì việc được hóa thân vào nhân vật và được lựa chọn trả lời ít nhiều cũng thú vị hơn phải không nào. II/ Ưu và khuyết của từng dạng nhân vật chính a/J-RPG Ưu: bạn có thể xây dựng story liền mạch với một nhân vật chính có tính cách tùy bạn quyết định. Bạn sẽ không cần nghĩ ngợi về các tùy chọn quá nhiều, và người chơi sẽ được thưởng thức một câu chuyện liên tục mà không cần phải suy nghĩ về các tùy chọn. Khuyết: bạn cần cẩn thận trong việc xây dựng tính cách nhân vật chính. Hãy tưởng tượng một nhân vật chính phá hoại, làm thì ít mà phá thì nhiều thì theo bạn liệu có tạo sự ức chế cho người chơi? Hay một nhân vật tính tình quá yếu đuối và nhu nhược, để rồi cả game cứ phải nhờ vả khắp nơi mới diệt được kẻ ác? b/ W-RPG Ưu: tất cả đều là mở, một thế giới mở, một nhân vật chính mở và người chơi được toàn quyền phát triển nhân vật. Khuyết: vì nhân vật chính là silent-protagonist nên bạn cần nghiên cứu về các thoại trong lựa chọn, và xây dựng các nhân vật phụ còn lại cũng như các phản ứng xảy ra sau khi nhân vật chính chọn lựa. Rất nhiều thoại và event sẽ xuất hiện đấy. c/ Ngoại lệ lai Ưu: bạn không cần hẳn một thế giới mở như W-RPG, cũng không quá tuyến tính như J-RPG, bạn có quyền kết hợp giữa một silent protagonist cùng các tùy chọn vào một story tuyến tính. Tất cả sẽ làm cho người chơi cảm thấy như hòa nhập được phần nào vào nhân vật vào cốt truyện của game. Khuyết: không ít event hơn W-RPG đâu, cũng như việc bạn phải xây dựng các nhân vật phụ trong nhóm sao cho hài hòa. III/ No main characters? Là một nhánh ngoại lệ của J-RPG. Là game không có nhân vật chính, các nhân vật đều có vai trò gần như nhau và người đầu tiên xuất hiện trong game chỉ là một người mở đầu, một người kết nối dẫn dắt câu chuyện. FFVI (Snes), XII (PS2) là những game có dạng nhân vật như vậy. FFVI mở đầu với Terra, người chơi tưởng cô là nhân vật nữ chính, và nam chính là Locke xuất hiện sau đó, nhưng không, khi Edgar và Sabin xuất hiện, story lại đổ về 2 anh em song sinh này; rồi câu chuyện lại chia làm các nhân vật này thành 3 tuyến nhỏ khác: tuyến Terra - Edgar; tuyến Locke và tuyến Sabin. Ở mỗi tuyến các nhân vật lại gặp thêm các nhân vật khác để rồi mỗi tuyến này đều là các mảnh ghép của một story hoàn chỉnh. FFXII tương tự khi Vaan là người mở đầu và dẫn dắt câu chuyện, nhiều người lầm tưởng anh là nhân vật chính, cho tới khi Balthier và Fran xuất hiện, câu chuyện lại được đẩy sang một hướng khác khi tập trung vào họ... Ưu: một câu chuyện với nhiều tuyến nhân vật để mỗi tuyến là một mối nối của story tổng thể, có thể đem đến cho người chơi sự trải nghiệm thú vị khi được nhìn câu chuyện tổng thể ở các tuyến nhân vật khác nhau. Khuyết: sự cân bằng của các nhân vật cũng như việc phân phối town / village hợp lý. Cũng vì chia tuyến nhiều nên đôi khi cũng làm người chơi khó nắm bắt story, nên đòi hỏi cách kể và cách dẫn dắt so cho đơn giản mà hiệu quả. IV/ 2 nhân vật cùng nhóm và 2 góc nhìn về story Bạn đã chơi qua Star Ocean 2 (PS1)? Bạn sẽ được lựa chọn giữa 2 nhân vật chính: một nam hoặc một nữ khi bước vào game và tuy cùng một story, nhưng lại dưới góc nhìn của 2 nhân vật khác nhau. Bạn có thể hiểu thêm khi nhân vật nữ không có mặt trong nhóm thì nhân vật nam đã làm những gì, hoặc ngược lại. Nghĩa là câu chuyện chỉ tương đồng khi hai người đi chung với nhau. Ưu: làm tăng giá trị chơi lại của game, cũng như người chơi có thể biết thêm background ở mỗi tuyến nhân vật cho tới khi họ gặp nhau. Khuyết: câu chuyện phải có những phần chia hai tuyến khác nhau, nếu 2 nhân vật luôn đi chung với nhau thì theo bạn người chơi có muốn chơi lại game ở góc nhìn khác hay không? Ngoài ra cần lượng lớn event để chuyển đổi giữa 2 tuyến cũng như giữa góc nhìn giữa họ. Tuy nhiên bạn cũng có thể làm 2 game riêng biệt nếu quá tải. V/ Lời kết Phía trên là một vài kinh nghiệm cùng thông tin được tôi thu thập và trải nghiệm trong quá trình chơi game và làm game. Bạn có thể dùng để tham khảo cho project của mình hoặc bạn có thể từ bài viết này mà sáng tạo thêm các dạng nhân vật chính cho project của mình. Tất cả là tùy vào bạn và lựa chọn của bạn. Chào thân ái. LK [/spoil]
Đã vote cái đầu tiên Thanks vì bài viết này giúp tớ phân biệt đc JPRG và WRPG tốt hơn ^^ Về No Main Char thì thường story có plot rất đồ sộ Vì câu chuyện chia ra nhiều tuyến, mỗi nhóm nhân vật lại có một câu chuyện riêng cho nên cần chú ý thì mới nắm bắt một cách tổng quan được