Thành phố Đông Nam Á trở thành nơi đắt đỏ nhất thế giới Singapore đã vượt Hong Kong, London và Thượng Hải để trở thành thành phố đắt đỏ nhất thế giới trong cuộc khảo sát mới công bố của ngân hàng Thụy Sĩ. Theo báo cáo của ngân hàng Thụy Sĩ Julius Baer công bố hôm 25/6, việc người giàu Hong Kong (Trung Quốc) chi tiêu nhiều hơn đã đưa thành phố này tiến lên một bậc về "chi phí sinh hoạt đời sống cao", khiến nơi đây trở thành thành phố đắt đỏ thứ hai thế giới. Singapore đứng đầu danh sách lần này. London (Anh) và Thượng Hải (Trung Quốc) lần lượt xếp thứ 3 và 4 về mức đắt đỏ. Báo cáo thường niên lần thứ 4 về tài sản và lối sống toàn cầu của ngân hàng Thụy Sĩ đã so sánh chi phí của hàng hóa và dịch vụ tại 25 thành phố, từ tháng 11/2023 đến tháng 3/2024, trong đó phân tích mô hình tiêu dùng của những cá nhân có giá trị tài sản ròng cao (HNWI) - những người có ít nhất 1 triệu USD. Kenny Ng Lai-yin, chiến lược gia tại Everbright Securities International, cho biết: "Khi nền kinh tế Trung Quốc đại lục và Hong Kong dần phục hồi sau đại dịch Covid-19, nhu cầu về hàng hóa và dịch vụ xa xỉ đã tăng lên, đẩy giá cả lên cao". Nghiên cứu phát hiện ra rằng "chi phí sinh hoạt đời sống cao" trên toàn cầu, bao gồm ôtô, bất động sản, rượu whisky, nhà hàng cao cấp và đồ trang sức, đã tăng 4% tính theo USD trong năm nay, chậm hơn mức tăng 6% vào năm 2023. Mỗi thành phố có một phân khúc chi tiêu riêng biệt khiến nó trở nên đắt đỏ. Ở Singapore, đó là tiền mua ôtô, trong khi ở Hong Kong là giá dịch vụ pháp lý và Thượng Hải là ăn uống sang trọng. Hong Kong cũng chứng kiến sự gia tăng giá của nhiều mặt hàng xa xỉ khác. Giá phòng khách sạn tăng 22,9% và giày nữ tăng 12,7%. Tuy nhiên, giá rượu whisky giảm 18,8%. Nhiều thành phố châu Á chứng kiến thứ hạng tụt xuống do đồng tiền yếu đi. Tokyo (Nhật Bản) bị ảnh hưởng nặng nề nhất, tụt từ vị trí thứ 15 xuống thứ 23, khi đồng yen giảm xuống mức thấp nhất trong 3 thập kỷ. Zurich chứng kiến sự cải thiện lớn nhất về thứ hạng, leo lên vị trí thứ 6 từ vị trí thứ 14 nhờ đồng franc Thụy Sĩ mạnh hơn. Christian Gattiker, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu tại Julius Baer, cho biết: "Báo cáo năm nay cho thấy tiền tệ có vai trò rất quan trọng". Châu Á được xếp hạng là khu vực đắt đỏ thứ hai do tăng trưởng kinh tế sau châu Âu, Trung Đông và châu Phi, được ngân hàng Thụy Sĩ hợp nhất thành một khu vực. Mark Matthews, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu khu vực châu Á - Thái Bình Dương tại Julius Baer, cho biết châu Á đang có những bước tiến đáng kể trong hành trình phát triển của mình, cho thấy tiềm năng đổi mới và hợp tác. "Những tiến bộ về công nghệ của Trung Quốc và Ấn Độ, cùng với nền kinh tế mạnh mẽ của Đông Nam Á, góp phần vào khả năng phục hồi và tăng trưởng của khu vực. Singapore, nằm trong môi trường năng động này, đang dẫn đầu quá trình chuyển đổi số", Matthews cho biết. Theo nghiên cứu, đối với những người có tài sản ròng cao, chăm sóc sức khỏe là ưu tiên hàng đầu của họ, với hơn 63% số người được hỏi ở châu Á coi sức khỏe và hạnh phúc là mối quan tâm chính. Những cá nhân giàu có đang có kế hoạch đầu tư nhiều hơn, đồng thời chi tiêu mạnh tay cho du lịch và đồ ăn ngon khi tất cả hạn chế đi lại liên quan đến đại dịch đã được dỡ bỏ. Tại châu Á, khoảng 74% số người được hỏi đã chi nhiều hơn cho các khách sạn 5 sao trong năm nay và 71% chi nhiều hơn cho các bữa ăn ngon, báo cáo cho biết. 7 trên 10 cá nhân giàu có đã thu được lợi nhuận đáng kể từ khoản đầu tư của họ trong 12 tháng qua.