Bên hông Saigon Square có một gánh chè Hồ Lam 83 tuổi, bà Phạm Thị Mai vẫn luôn tay múc chè, lấy ghế, mời người đi đường ghé vào đôi quang gánh đơn sơ, gánh chè để bà có tiền trang trải cho con. 'Ngoại' Mai vui vẻ xếp ly chè vào túi cho khách - Ảnh: HỒ LAM Một góc vỉa hè đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, phường Bến Thành (quận 1 cũ), TP.HCM, sát bên "thiên đường mua sắm" Saigon Square luôn tấp nập người qua lại có một đôi quang gánh chè không bảng hiệu của một bà cụ ngồi lặng lẽ hơn 30 năm. Dưới tiết trời chợt nắng chợt mưa, bà ngồi lặng thinh, lâu lâu lấy tay lần giở từng ly chè trong ánh nhìn chờ đợi người mua. Đó là "ngoại" Mai, "ngoại" là cách gọi thân thương mà những người đi đường dẫu lạ hay quen vẫn thường gọi bà Mai khi họ biết rõ hơn về hoàn cảnh của bà. Ngoại Mai biết ơn những nghĩa tình Mỗi ngày, bà Mai thức từ 4h để nấu chè. Rồi khoảng 9h, bà và gánh chè "đi xe ôm" từ quận Bình Thạnh lên quận 1 để bán. Đến cỡ 14h thì bà lên chợ Bến Thành đi loanh quanh bán cho khách tới khi nào hết, có khi đến tối mới vơi nồi chè để đi về. Tất cả nguyên liệu trong nồi chè đều do bà tự tay chuẩn bị, từ việc mua, ngâm đậu, nấu nước cốt dừa. Với chè táo xọn, bà tốn nhiều thời gian để chuẩn bị nguyên liệu và nấu nhất. Vị chè được bà nấu kiểu ngọt thanh, không quá gắt. Đôi quang gánh của bà cũng đơn sơ, giản dị, chỉ gồm vài ba nồi chè, thêm mấy ly chè được kê lên nắp nồi mà bà đã tỉ mỉ chuẩn bị sẵn, một thùng đá nhỏ, vài cái ghế nhựa con con đủ để hai, ba người ngồi. Chè thập cẩm đậu ngự có giá 20.000 đồng - Ảnh: HỒ LAM Ở gánh chè của bà, người ăn có thể tìm thấy nhiều loại chè thân thuộc của tuổi thơ như: chè bắp, chè đậu xanh, chè đậu đen, chè táo xọn đều 10.000 đồng/ly, còn chè thập cẩm đậu ngự thì có giá 20.000 đồng. Có một vài người khách trẻ đi qua, dõng dạc chào bà rồi nói: "Ngoại Mai ơi! Bán cho con tầm 30, 40 ly để con chia cho đồng nghiệp trong công ty ạ!". Mắt bà Mai ánh lên sự mừng rỡ, xen lẫn chút ấm áp. Bà kể gần đây có vài bạn trẻ thường xuyên đến ăn, chụp ảnh, giúp bà giới thiệu gánh chè "không bảng hiệu" lên các trang mạng xã hội. Và cũng nhờ vậy mà bà được nhiều người biết đến, thương và ủng hộ bà. "Bà biết ơn tụi con, luôn muốn nói cảm ơn những người đã giúp đỡ mình. Dù có thể họ không mua chè nhưng có khi họ cũng ngồi lại giúp mình múc chè, cột bịch, trò chuyện, tâm sự với mình. Những nghĩa tình đó khiến bà tự nhủ phải cố gắng kiếm tiền đàng hoàng. Dù có khổ cũng phải cố gắng để lo cho con mình, tới đâu hay tới đó", bà Mai bộc bạch. Những ly chè được bà múc sẵn, tỉ mỉ xếp trên khay - Ảnh: HỒ LAM Các loại đậu được bà tự tay ngâm, nấu. Trong hình là chè đậu đen có vị ngọt thanh, không quá gắt - Ảnh: HỒ LAM Thằng bé 53 tuổi rồi nhưng số nó vậy, tôi phải cố gắng Bà Mai quê ở Quảng Ngãi, vào TP.HCM sinh sống đã lâu. Hiện bà đang ở cùng với một người cháu và toàn tâm toàn ý tập trung vô gánh chè để kiếm tiền nuôi con trai bị bệnh. Phần lớn tiền kiếm được, bà gửi về quê cho con, một ít thì để dành phòng thân. Có 4 người con, ba trai một gái, đến tuổi này, bà đáng ra có thể được nghỉ ngơi cùng con cháu nhưng vì những biến cố, nỗi lo toan cứ liên tục ập đến buộc bà phải gắng gượng, lao ra đời mà bươn chải. Đôi mắt bà Mai luôn đỏ hoe, nhòe lệ khi nhắc về những người con - Ảnh: HỒ LAM Người con cả của bà lập gia đình ở xa, lâu lâu gửi tiền về phụ mẹ. Con trai thứ hai mắc bệnh tâm thần từ năm 23 tuổi. Còn cô con gái thì sắp sửa theo chồng. Đứa con út, cũng là người con gần gũi bà nhất thì mắc bệnh tim bẩm sinh, và qua đời cách đây không lâu. Nỗi đau mất con chưa khi nào nguôi ngoai, nhưng bà Mai ráng kìm nén để dành sức lo cho mấy đứa còn lại. Thằng út thương bà lắm nhưng nó mất sớm quá. Còn thằng thứ hai của bà nó 53 tuổi rồi mà cái số nó vậy. Hai thằng nhỏ, tội nghiệp. Cho nên vì vậy mà bà càng phải cố gắng hơn nữa", bà Mai run giọng nói. https://tuoitre.vn/ben-hong-saigon-square-co-mot-ganh-che-2025071415425655.htm
Thì nó nhìn như kít mũi sệt vậy, từ bé mình đã gọi như vậy, và nó cũng là món chè mà mình chả bao giờ đụng tới.
Đọc lại nhớ khu mình những năm 95 có bà cụ gánh chè đi khắp các xóm. Chỉ bán 1 loại chè đậu đen. Ăn ngon nhức nách. Bà cụ nhà trong hẻm đối diện trường Chính Trị