The boy in the Striped Pajamas - A film by Mark Herman Xem 'cậu bé vận đồ pijama' mà thật buồn. Lò sát sinh - phòng hơi ngạt, hai em bé, trần truồng, hai tay như vận vào nhau, cái kết sau dửng dưng đến thế ? Rồi cơn mưa chợt đến, với tiếng khóc xé lòng của người mẹ, với đôi mắt thẫn thờ của người bố. Rồi những bộ đồ tù trông như pijama bị bỏ lại, ẻo lã, ỏng eo. Màn hình mờ đen. Im thin thít. Phim vừa ngây thơ vừa gai góc. Gai góc với chủ đề câu chuyện, với những xung đột mà nó dựng ra, với một tone màu xám chán ngán, trông cứng ngắc, vô cảm. Những góc nhìn như bị giam cầm, qua những hàng rào mắt điện, qua những thanh cầu thang của căn nhà, qua những khung cửa. Cuộc đời, con người như bị giam cầm, có lẽ - cái thế giới mà Hitler tạo nên chính là một thế giới giam cầm, trong những lời nói xằng bậy, tẩy não của những người được gọi với danh xưng Nhà Giáo, biện hộ cho mình với chức danh 'người cải tổ đất nước'. Ngây thơ với những khi bầu trời, những cánh rừng xanh rì. Những khi hai cậu bé, ngồi đối diện bên nhau, chia nhau những mẩu bánh mì, chơi cờ với nhau, chúng nhìn cuộc đời xám tối qua ánh nhìn trong veo. Bộ phim là diễn xuất của những đôi mắt. Đôi mắt xanh trong veo của Bruno, ngây thơ và nhìn cuộc đời đơn giản, hồn nhiên. Đôi mắt đen và xoáy sâu của Shmuel, buồn thê thảm, trông đói meo và tội nghiệp, ánh mắt mặc cảm, ngượng ngập - trông khổ ải nhưng vẫn ngây thơ như lứa tuổi 8 của nó. Đôi mắt với ánh nhìn cứng rắn của người bố, đôi mắt bất lực và dày vò của người mẹ, đôi mắt chịu đựng và tốt bụng của ông cụ Do Thái trồng khoai tây, đôi mắt thẳng thắng, cương nghị của chàng sĩ quan trẻ. Phim nhiều xung đột. Tình cảm của hai đứa trẻ vẫn trong vắt như bản thân chúng. Bruno vận cho mình một bộ pijama, đào đất chui vào cùng Shmeul, tìm kiếm bố của Shmeul một cách vô vọng, để rồi cậu bị vướng mình vào cái ách khốn nạn, cái ách mà bọn Phát Xít đặt ra cho những con người Do Thái. Việc vướng mắc này cũng cho ta thấy, chúng ta đều là con người, là anh em với nhau, cớ sao còn có chỗ cho những hành động vô nhân đạo như thế xảy ra. Chiến tranh trong phim u xám, khô cằn, được đẩy đối lập lên với đôi chỗ màu sắc tươi rói của hai đứa trẻ, nhưng lé loi. Buồn, trơ trọi. Và nhiều bí mật đợi người xem khé hở, có lẽ - do bộ phim được kể dựa theo điểm nhìn ngây thơ của hai đứa trẻ, mà chúng thì làm sao mà hiểu hết cho được cái thế giới của người lớn với nhiều mưu mô và tội ác. Đạo diễn chơi trò mèo vờn chuột một cách nhẹ nhàng, chậm rãi. Phim có một bầu không khí nặng nề đè lên đầu, cho dù nụ cười của hai đứa trẻ có tươi rói đến cách mấy, phim vẫn buồn. Và khi chúng bị dồn ép giữa những con người Do Thái khác, ốm đói, trần truồng, run rẩy, nắm tay nhau, tự nhủ : "Chỉ là chúng ta sắp sửa đi tắm thôi. Chỉ là đi tắm thôi, đúng không ?" Cơn mưa bay vào mắt ta, rơi ra những giọt lệ. Cuộc dạo chơi của những đứa trẻ vận đồ pajamas. Hay, có lẽ là hành trình đưa nhân loại vào địa ngục.
Unthinkable 1 poster ấn tượng,huh? Nếu không cảm thấy vậy thì có lẽ bạn chưa coi Unthinkable rồi. Unthinkable là một bộ phim có thể khiến ngay cả một con người bình thường luôn tin vào nhân tính,vào những cái tốt đẹp mà con người nên làm,phải suy nghĩ để mà chọn lựa giữa cái nào đúng và cái nào sai. Đó là: Hoặc tra tấn một con người một cách hợp pháp,hoặc trở nên thú tính vì sự quan trọng của cái thông tin được phọt ra bởi tên bị tra tấn,mà nó có thể cứu mạng sống con người. 3 câu hỏi được đặt ra trước khi xem phim: Bạn có định nghĩa được 2 chữ đạo đức trong phim này? Bạn có sẵn sàng làm bất cứ điều gì để cứu hàng triệu mạng người? Có nên bị quản lý bởi chính phủ khi đối mặt với một người hoàn toàn không quan tâm đến nó? Tớ trả lời,Unthinkable (cho T.A vào cho hợp) Điểm mạnh lớn nhất của bộ phim là ở nhân vật "H" của Samuel Jackson,hắn khiến chúng ta tin rằng hắn có thể làm bất cứ điều gì để có thể cứu người vô tội,kể cả điều mà chúng ta lẫn người trong cuộc "không thể tưởng tượng" nổi. Dấu ấn của Jackson in đậm vào trong cả lời nói và hành động của ông ta,khi vào vai nhân vật H. Theo tớ thì đây là diễn xuất xuất sắc nhất của Jackson từ trước đến giờ. Những diễn viên chính còn lại trong phim đều hoàn thành tròn vai và không thể yêu cầu nhiều hơn ở họ được nữa. Có nhiều cảnh trong phim rất bạo lực và tớ ko recommend cho bạn hay bất cứ ai có tiền sử về bệnh tim hay không chịu nổi phim kinh dị châu Á. Một số cảnh quay đẩy sự căng thẳng lên tốt độ, đến nỗi nó sẽ khiến bạn như muốn nhảy vào bộ phim và ngăn những chuyện đang xảy ra trong đó. Đạo diễn đã làm rất tốt công việc của mình khi tạo nên bộ phim này một cách hoàn hảo,ở đây chúng ta nói về kinh phí rất nhỏ của phim. Vài cảnh bạo lực hơi quá đáng,nếu tớ là ổng thì tớ đã cắt một số cảnh thừa để phim này có thể được đưa ra rạp. Mặt khác,tớ lại nghĩ rằng nếu loại bỏ những cảnh đó thì bộ phim sẽ không mang được cái thông điệp mà đạo diễn muốn cung cấp cho người xem. Nhưng phim không chỉ có một thông điệp thôi,thậm chí đã có thể có một thông điệp khác nếu chúng ta sửa đi đoạn cuối một chút,như là nếu gã Younger đã phóng ra hết thông tin rồi nhưng sự tra tấn vẫn tiếp tục khi mà gã nghĩ rằng nó đã kết thúc. Thật ra tớ cảm thấy khá nhẹ nhõm khi mà đoạn kết tớ nghĩ không diễn ra thật sự trong phim,thay vào đó là một đoạn kết hơi bình thường,nếu không muốn nói là rẻ tiền. Tớ biết cái review này sẽ khá tệ nếu không spoil ra một thứ gì đó,nhưng cái chính là tớ không muốn làm hỏng đi sự thú vị của mọi người dành cho bộ phim. Bạn phải xem bộ phim này,nhưng hãy chuẩn bị để suy nghĩ thật nhiều,về giá trị con người,tôn giáo,đạo đức và hơn nữa là chuẩn bị đấu tranh với chính con người bên trong ta. Ngày nay,rất ít bộ phim nào mà khi xem xong,bạn phải suy nghĩ về nó để có thể đánh giá được đầy đủ được ý nghĩa của cái thứ mà mình vừa dành thời gian cho nó...và đó là việc mà Unthinkable đã làm được. Hãy xem nó,bạn sẽ không phải hối hận (vì tốn thời gian) Đánh giá chung: 8/10
Review có thể là mở đầu cho 1 vài bài về phim Hàn, hờ hờ May 18 (Hàn Quốc, 2007) Đạo diễn: Kim Ji-hoon Kịch bản: Nah Hyeon, Park Sang-yeon Thể loại: Tâm lý (Dựa trên sự kiện có thật) Diễn viên: Kim Sang-kyung ... Kang Min-woo Lee Jun-ki ... Kang Jin-woo Lee Yo-won ... Park Shin-ae Ahn Sung-ki ... Park Heung-su Tôi là một người yêu thích điện ảnh Hàn Quốc. Tôi bắt đầu chú ý đến May 18 khi biết đây là phim ăn khách thứ 11 trong lịch sử điện ảnh xứ Hàn. Tôi cũng rất thích những phim với đề tài chiến tranh, khởi nghĩa,... và khi biết phim dựa trên một sự kiện có thật đầy đau thương: cuộc Thảm sát Gwangju năm 1980, tôi càng thấy hào hứng hơn. Thêm nữa, phim có những nét rất tương đồng với Taegukgi, từ tuyến nhân vật cho đến bối cảnh: 2 anh em trai với người em đi học còn người anh hết mực thương yêu em, và một người (sắp thành) chị dâu, tất cả cùng bị cuốn vào một cuộc chiến đầy máu và nước mắt. Chừng ấy lý do là quá đủ để tôi kỳ vọng vào May 18. Nhưng sau khi xem, tôi có thể nói ngay rằng phim đã không đáp ứng được sự kỳ vọng đó. Gwangju, tháng 5 năm 1980, phong trào dân chủ của học sinh sinh viên chống lại chế độ độc tài của tổng thống Chun Doo-hwan đã lên đến đỉnh điểm. Hỗn loạn, xô xát. Binh lính sử dụng dùi cui đánh đập cả người biểu tình lẫn những người chứng kiến. Ngày 18-5, một nạn nhân bị đánh đến chết. Đám đông bùng nổ, số người biểu tình tăng lên hàng trăm ngàn, với sự tham gia của cả người dân Gwangju. Ngày 20-5, quân đội bất ngờ xả súng thẳng vào đoàn người biểu tình. Bạo lực lên đến đỉnh điểm khi người dân tự trang bị vũ khí và chiến đấu chống lại quân đội. Cuối ngày 21-5, quân đội tạm rút lui khỏi trung tâm thành phố chờ tiếp viện, Gwangju bị phong tỏa hoàn toàn. Quân đội đe dọa sẽ tấn công. Các nỗ lực của Ủy ban Hòa giải Địa phương với chính quyền không đem lại kết quả nào. Lực lượng dân quân tập trung lại Tòa thị chính trong một nỗ lực kháng cự cuối cùng. Ngày 27-5, quân đội tiến vào thành phố và nhanh chóng đánh bại lực lượng dân quân. Cho đến nay, số liệu về số người bị chết và mất tích trong sự kiện này vẫn chưa bao giờ được coi là chính xác. Trong suốt thời kỳ cai trị độc tài của Chun Doo-hwan, sự kiện “Thảm sát Gwangju” bị coi là cuộc nổi loạn của những người thân Cộng sản. Sau này, sự kiện này mới được ghi nhận lại là cuộc đấu tranh đòi tự do dân chủ trước quyền lực quân sự. Chính phủ Hàn Quốc đã chính thức xin lỗi, đền bù và phục hồi danh dự cho những nạn nhân, đồng thời xây dựng một nghĩa trang và lấy ngày 18 tháng 5 làm ngày tưởng niệm sự kiện đau thương này. (Xem thêm: Gwangju massacre hoặc Phong trào dân chủ Gwangju) Trở lại với May 18, phim có diễn biến khá sát với sự kiện thực tế, chuyện phim xoay quanh 4 nhân vật chính: 2 anh em Min-woo và Jin-woo - người anh là tài xế taxi nuôi em trai ăn học; cô y tá Shin-ae - bạn gái của Min-woo; cựu quân nhân Heung-su - cha của Shin-ae và cũng là người lãnh đạo cuộc nổi dậy. Ngoài ra còn một số nhân vật phụ mà đất diễn cho họ có lẽ cũng không thua là mấy so với các nhân vật chính. Bộ phim bắt đầu bằng cách mô tả cuộc sống êm ả của các nhân vật trước khi biến cố xảy ra. Điểm này khiến tôi liên tưởng đến một phim khác của Hàn chính là Taegukgi. Nhưng trong khi Kang Je-gyu chỉ mất 15 phút (trên tổng thời lượng 148 phút của phim), thì đạo diễn Kim Ji-hoon đã dành đến 25 phút (trên tổng số 120 phút phim) để làm điều này. Quá dài, với những cảnh mà theo tôi là không thực sự cần thiết. Phải chăng đây cũng là nguyên nhân khiến cho những diễn biến trong phim sau đó đôi khi bị cắt quá gấp? Tại sao tôi lại dùng từ "đôi khi"? Bởi vì trong phần sau đó của bộ phim, đạo diễn lại lạm dụng quá nhiều và quá lâu trong những cảnh quay theo kiểu "mua nước mắt khán giả" (một hình ảnh tang thương, diễn viên bắt đầu khóc, chuyển động chậm lại, âm nhạc não nề vang lên...). Với một bộ phim mà đề tài là cuộc thảm sát đẫm máu như May 18 thì có rất nhiều "đất" cho nhà làm phim "dụng võ" này. Thực sự ra thì tôi cũng thấy cảm động trong một số cảnh như thế này, nhưng cái gì lạm dụng nhiều quá thì hẳn là cũng không hay. Lại nói về chuyện lạm dụng cảnh quay không phù hợp. Có lẽ ai xem May 18 cũng phải đồng ý rằng phim có nhiều cảnh gây cười không đúng chỗ. Phim dành khá nhiều đất cho 2 nhân vật phụ, những nhân vật gây cười theo lối cường điệu mà ta rất hay gặp trong các phim Hàn. 2 anh này phải nói là hễ xuất hiện lần nào trong phim là pha trò lần đó (trừ cảnh cuối phim). Đạo diễn Kim Ji-hoon đã từng phát biểu rằng những tình huống này nhằm để giảm bớt không khí căng thẳng vốn có của phim. Nhưng như đã nói, cái gì cũng phải có lúc của nó. Tôi không hiểu sao mà trong một cảnh nhân vật chính kéo cờ tang mà người ta vẫn có thể lồng vào đó một màn hài hước khá vô duyên. Không hiểu vô tình hay cố ý mà trong May 18 ta bắt gặp khá nhiều hình ảnh hay chi tiết quen thuộc mà mỗi lần xem tới, tôi lại tự nhủ "Mình đã thấy cảnh này ở phim nào rồi nhỉ?". Nguyên đoạn mở đầu phim và tuyến nhân vật chính, như đã nói, rất giống với Taegukgi. Nhân vật y tá của Shin-ae còn làm ta liên tưởng đến Evelyn trong Trân Châu Cảng. Cảnh diễn thuyết của Heung-su trước thời khắc quyết định thì gợi nhớ bài phát biểu của tổng thống Mỹ trong Independence Day. Chi tiết Heung-su tự đóng cửa khóa mình lại để Min-woo thoát ra thì y chang trong Armageddon (thêm nữa trong cả 2 phim họ đều trong vai trò bố vợ - con rể). Còn một cảnh nữa là lúc máy bay bay ngang cánh đồng, ở dưới những người nông dân ngước nhìn lên, tôi chưa nhớ ra trong phim nào, nhưng đảm bảo là nó rất quen. May 18 được tiếp cận dưới cái nhìn một chiều, một cách làm an toàn của đạo diễn. Những người dân trong phim được xây dựng với hình ảnh chính nghĩa: những con người lương thiện, thật thà, thiết tha yêu quê hương, yêu Tổ quốc. Tất cả những gì họ đòi hỏi chỉ là sự công bằng, dân chủ. Trong khi quân đội được thể hiện không khác gì những con ác thú: đánh đập dã man đồng bào mình và không chùn tay khi phải bóp cò. Phim chỉ tập trung phản ánh cuộc đấu tranh anh dũng của nhân dân Gwangju. Ngoài ra, không có một khía cạnh chính trị hay xã hội nào khác được đề cập. Các nhân vật trong phim được phát triển không thể gọi là hời hợt nhưng cũng hơi thiếu chiều sâu. Câu chuyện tình cảm giữa Min-woo và Shin-ae được lồng vào theo tôi đã tạo nên một nét hay của phim, nhưng hình như vẫn thiếu chút gì đó trong diễn biến tâm lý các nhân vật này. Hay như nhân vật Heung-su, chúng ta vẫn chưa thấy rõ được đâu là động lực khiến một quân nhân về hưu đứng lên lãnh đạo cuộc nổi dậy. Về mặt diễn xuất, tôi nghĩ cả dàn diễn viên đều làm tròn vai phần việc của mình (tất nhiên là cả 2 "anh hề" nữa). Nhưng với một kịch bản mà động chút là phải khóc (và phải diễn cảnh này rất lâu), quả là khó cho các diễn viên. Nhưng dù sao phim cũng có những cái hay nhất định. Những cảnh bạo lực và chiến đấu trong phim được thực hiện khá tốt về mặt kỹ thuật (giờ đây thì kỹ xảo và hiệu ứng đã không còn là vấn đề với các nhà làm phim Hàn), đồng thời cũng tạo được cảm xúc cho người xem. Phim cũng diễn tả rất tốt không khí sục sôi và căm phẫn của nhân dân Gwangju, mọi tầng lớp từ học sinh sinh viên cho đến các giáo sư, cha xứ và bao con người bình thường khác đều được đề cập. Một số cảnh phim thực sự xúc động, và cũng có những giây phút thư giãn nhẹ nhàng được đưa vào một cách hợp lý (cần phân biệt với những chi tiết quá lạm dụng đã nhắc ở phần trên). Quay phim không thực sự ấn tượng như nhiều phim Hàn mà tôi từng xem, nhưng cũng tương đối đạt. Nhạc phim khá tốt (những đoạn buồn nhạc hay thôi rồi). Nhìn chung, May 18 là một phim có đề tài lôi cuốn (loại đề tài mà chỉ nghe thôi người Hàn đã muốn kéo ra rạp xem). Với chất liệu ban đầu tuyệt vời như thế, lẽ ra nó đã phải là một phim hay, một phim xứng đáng lọt vào danh sách những phim hay nhất của Hàn Quốc. Nhưng cuối cùng, xem ra phim chỉ đạt thành công ở phòng vé và phần nào là sự đồng cảm của người dân Hàn (về mặt này rất giống với thành công của Silmido). Tôi chợt tự hỏi nếu không phải là Kim Ji-hoon đạo diễn mà May 18 được giao vào tay Kang Je-gyu (của Taegukgi) hay Park Chan-wook (của JSA) thì sẽ thế nào. Dù sao, nếu bạn là người thích những phim dạng này (hay là 1 fan của phim điện ảnh Hàn Quốc như tôi), May 18 vẫn là một phim nên xem. Cho điểm: 6.5/10
Memories of Murder (Hàn Quốc, 2003) Đạo diễn: Bong Joon-ho Kịch bản: Bong Joon-ho, Shim Sung-bo (phim), Kim Kwang-rim (sân khấu) Thể loại: Hình sự, Tâm lý, Rùng rợn, Bí ẩn (Dựa trên sự kiện có thật) Diễn viên: Song Kang-ho ... Thám tử Park Doo-man Kim Sang-kyung ... Thám tử Seo Tae-yoon Về đạo diễn Bong Joon-ho Là một đạo diễn còn tương đối trẻ (sinh năm 1969), tính đến 2010 Bong Joon-ho mới chỉ độc lập đạo diễn 4 phim dài, bao gồm: Barking Dogs Never Bite (2000), Memories of Murder (2003), The Host (2006) và Mother (2009). Có vẻ như ông dành rất nhiều thời gian cho một tác phẩm của mình. Phim của ông không những thỏa mãn được các nhà phê bình khó tính mà còn gặt hái được thành công ở phòng vé (The Host hiện vẫn là phim điện ảnh ăn khách nhất lịch sử Hàn Quốc). Asian Film Awards (mà nhiều người vẫn gọi là giải Oscar của Châu Á) mới ra đời được 4 năm, nhưng có đến 2 năm giải phim hay nhất được trao cho các phim của Bong Joon-ho (The Host năm 2007 và Mother năm 2010). Hiện nay Bong Joon-ho không chỉ luôn được xếp vào hàng top filmaker tại Hàn Quốc, mà tên tuổi của ông cũng đã được cả thế giới biết đến. Bong Joon-ho là đạo diễn có phong cách làm phim hết sức đặc trưng. Điểm nổi bật nhất trong phim của ông có lẽ là khả năng chuyển đổi trạng thái một cách đột ngột nhưng vẫn rất mượt mà. Sau 1 tình huống lạnh gáy, có thể là 1 tình huống khiến khán giả phải bật cười. Hài hước, bí ẩn, hình sự, tâm lý, giả tưởng, thậm chí cả... gia đình, hình như mỗi thể loại đó đều có phần trong phim của Bong Joon-ho (xin nhớ rằng, những yếu tố đó được kết hợp hết sức khéo léo, chứ không có nghĩa là một mớ lẩu thập cẩm). Bong Joon-ho là một người rất tỉ mỉ trong phim của mình (cho đến giờ ông chỉ đạo diễn những phim tự tay tham gia viết kịch bản). Tiếng mưa rơi, một gương mặt thoáng qua trên TV hay mặt báo, một ký hiệu trên tấm biển chỉ dẫn, hay một góc quay đặc biệt... tất cả đều được sắp đặt có dụng ý trong phim của ông. Phim của Bong Joon-ho thường phảng phất những cái nhìn về chính trị, xã hội dưới góc độ châm biếm, mà ví dụ điển hình là tác phẩm Memories of Murder dưới đây. Trở lại với bộ phim Memories of Murder được dựa trên một sự kiện có thật xảy ra ở Gyeonggi, Hàn Quốc vào những năm 1986-1991. Đó là vụ giết người hàng loạt đầu tiên được ghi nhận trong lịch sử ngành cảnh sát nước này (mà trong suốt thời gian xảy ra, người ta đã phải huy động tới hàng trăm ngàn cảnh sát, thẩm vấn hàng ngàn người tình nghi). Vụ án chấn động này lần đầu tiên được giới thiệu đến khán giả trên sân khấu kịch năm 1996, và mất 7 năm sau, nó mới được chuyển thể lên màn ảnh rộng dưới bàn tay của đạo diễn Bong Joon-ho. Cánh đồng lúa vàng óng ả ngập trong nắng, một người đàn ông với gương mặt tròn trịa ngồi trên chiếc máy kéo, lũ trẻ quê chạy theo la hét đùa nghịch. Một cảnh tượng thật thanh bình. Người đàn ông tìm đến một mương thoát nước, nơi một xác phụ nữ đang mục rữa nằm đó. Lũ trẻ vẫn đùa nghịch. Một thằng nhóc ngồi ngay trên nơi cái xác đang nằm, ương bướng nhại lại từng lời nói, nét mặt của người đàn ông... Bằng một cách không thể "bình thường" hơn, Memories of Murder đã bắt đầu như thế. Hàn Quốc 1986, tại một vùng quê tưởng chừng yên ả, những vụ giết người liên tiếp bắt đầu xảy ra. Các nạn nhân đều là phụ nữ, bị cưỡng hiếp trước khi giết chết bằng những cách thức bệnh hoạn. Anh chàng thám tử địa phương Park Doo-man là người trực tiếp lãnh trách nhiệm điều tra vụ án, cùng với ông đồn trưởng già ấm ớ và tay trợ lý ưa bạo lực. Đồng thời, Seo Tae-yoon, một thám tử khác tình nguyện từ Seoul tới để hỗ trợ cuộc điều tra. Trong lúc Seo còn đang làm quen với hồ sơ vụ án thì bộ 3 kia đã vội vàng kết tội cho một người thiểu năng. Tất nhiên bằng chứng là không đủ thuyết phục và vụ việc trở thành trò cười cho báo chí. Một đồn trưởng mới được cử đến chỉ huy cuộc điều tra. Tuy nhiên, trong một vụ án mà hung thủ gần như không để lại dấu vết gì, quá trình điều tra trở nên vô cùng khó khăn... Memories of Murder được tiếp cận hoàn toàn từ phía các cảnh sát, hay nói cách khác, tất cả những gì khán giả được biết thì những thám tử trong phim cũng biết. Toàn bộ phim đưa người xem theo chân các nhân vật chính là 2 thám tử Park và Seo. Park Doo-man, gã thám tử địa phương, thực sự xứng đáng với hình ảnh "người cảnh sát xấu xí". Dung túng cho việc đánh đập nghi phạm để lấy lời khai, sẵn sàng dàn xếp chứng cứ để kết thúc vụ án, Park luôn tin vào "đôi mắt thần" của mình, chỉ cần "nhìn là biết thủ phạm". Với lối tư duy ngớ ngẩn đến buồn cười, Park chỉ loanh quanh với những đối tượng vô căn cứ của mình. Trong khi đó, Seo Tae-yoon, anh chàng đến từ Seoul lại thể hiện một hình ảnh trái ngược. Seo làm việc một cách chuyên nghiệp, có trách nhiệm và không dùng vũ lực với nghi phạm. Seo luôn tâm niệm một điều: "Hồ sơ không bao giờ nói dối". Xung đột giữa 2 nhân vật này được thể hiện rất tốt trong nửa đầu phim. Gã thám tử địa phương dị ứng với tay thám tử thành thị, ngược lại anh chàng Seoul chỉ cười khẩy vào mấy gã cảnh sát quê mùa. Có lẽ không gì thú vị hơn là lấy câu nói sau đây của Park với Seo để đặc trưng cho sự tương phản giữa 2 nhân vật: "Nước Mỹ quá rộng nên người ta mới phải dùng đến cái đầu để tìm tội phạm. Những thằng như anh nên sang đó. Còn ở Hàn Quốc, người ta bắt tội phạm bằng chân. Biết vì sao ko? Vì cái xứ này nhỏ như lỗ mũi, tôi có thể chạy khắp nơi bằng đôi chân của mình." (Đoạn tiếp theo có thể có spoil nhẹ) Motif 2 cảnh sát với tính cách trái ngược luôn hục hặc nhau không có gì mới, nhưng những gì diễn ra sau đó mới thật khác biệt. Khi cuộc điều tra trở nên mờ mịt, trong khi danh sách nạn nhân cứ ngày một tăng thêm, các nhân vật bắt đầu bộc lộ những thay đổi. Park bắt đầu mệt mỏi, chán nản với phương pháp điều tra không đi đến đâu của mình (đã có những gợi ý nhỏ trong phim cho biết tương lai của nhân vật này), trong khi Seo bắt đầu tỏ ra nôn nóng, sốt ruột, bị chi phối quá nhiều bởi cảm xúc, và dần dần đánh mất lý trí của mình. Trong một trường đoạn cao trào ở cuối phim, khi mà những cảm xúc bị dồn nén lên đến đỉnh điểm, nhân vật này đã sụp đổ hoàn toàn, hành động ngược lại với những gì mình từng tin tưởng (hãy chú ý câu nói cuối cùng của nhân vật này trong phim). Tuy nhiên, câu chuyện điều tra về tên giết người hàng loạt dường như chỉ là phần nổi của tảng băng. Memories of Murder là một phim mang đậm màu sắc chính trị và xã hội. Trước hết, thông qua cuộc điều tra, phim là sự đả kích thẳng vào ngành cảnh sát Hàn Quốc thời bấy giờ (và biết đâu cả bây giờ?) với lối điều tra vũ phu và bưng bít truyền thông. Những nhân vật như Park Doo-man và gã trợ lý Yong-koo, là những cảnh sát đã kém năng lực lại vô trách nhiệm, điều tra bằng chân tay hơn là dùng đầu óc, và thậm chí chân tay thực ra cũng chỉ để đánh đập nghi phạm. Bạo lực thì trả giá bằng bạo lực. Về mặt này, đạo điễn Bong Joon-ho đã mang đến một hình ảnh rất thú vị: chiếc giày bọc vải dùng để đánh nghi phạm (vì có thế mới không để lại vết tích). Hãy chú ý sự xuất hiện của chiếc giày này trong phim, và khán giả sẽ phải bật cười vừa mỉa mai vừa cay đắng. Xa hơn nữa, đạo diễn muốn phác họa một hình ảnh Hàn Quốc giữa thập niên 80 (thời kỳ đất nước này vẫn chịu sự cai trị độc tài với những bất ổn về chính trị và xã hội). Không phải ngẫu nhiên mà trong phim, đôi khi ta lại nghe thấy tiếng còi báo động văng vẳng, một hình ảnh trường nữ sinh cấp 2 hiện lên trong cuộc diễn tập sơ tán, hay một giây phút thoáng qua của đoàn người biểu tình đang xung đột với cảnh sát. Dấu hiệu của sự bất an có ở khắp mọi nơi. Và trong khi người dân hoang mang trước tên giết người hàng loạt đang lẩn khuất đâu đây, thì chính quyền còn đang mải mê với những cuộc đàn áp, để đến nối không tìm nổi một người lính ngay cả khi biết hung thủ sắp ra tay, một chi tiết cực kỳ "đắt giá" trong phim. Số phận của những nghi phạm trong phim cũng gợi lên những suy nghĩ. Người xem sẽ không thể quên hình ảnh một thanh niên với đôi tay còng sau lưng lầm lũi bước vào bóng tối đen đặc của đường hầm, một hình ảnh gây ấn tượng sâu sắc. Về cơ bản là một phim hình sự, với tên giết người hàng loạt bí ẩn, cố nhiên Memories of Murder mang một bầu không khí tăm tối và căng thẳng. Phim chỉ có 1 trường đoạn duy nhất có thể coi là "hành động" (và được dàn dựng rất tốt). Một số cảnh khá "disturbing" có thể khiến người xem phải nhăn mặt. Khán giả cũng sẽ phải rùng mình trong một cảnh rình rập của tên giết người giữa cánh đồng vắng (hãy chú ý phía sau lưng nạn nhân!). Tuy nhiên, những chi tiết hài hước theo kiểu "black comedy" đúng chất Bong Joon-ho được lồng vào rất khéo léo trong phim, phần nào giảm bớt bầu không khí căng thẳng vốn có. Thậm chí, có một số ý kiến còn cho rằng có thể gán thể loại comedy cho nửa đầu bộ phim với hàng loạt tình huống gây cười đến từ bộ đôi thám tử "nhà quê". Quay phim dường như luôn là 1 điểm mạnh trong phim của Bong Joon-ho. Riêng về việc chọn lựa bối cảnh cho phim, cho đến nay Memories of Murder vẫn giữ kỷ lục là bộ phim Hàn có số địa điểm quay nhiều nhất. Kết quả là hình ảnh một vùng quê Hàn Quốc giữa thập niên 80 đã được tái hiện đầy chân thực. Ngoại trừ 2 cảnh mở đầu và kết thúc, toàn bộ phim được nhuộm trong một tông màu khá nhợt nhạt và tăm tối, khi là căn phòng thẩm vấn xám ngoét, lúc lại là màu nâu đất của đồng quê. Phim có những khung hình để lại ấn tượng đặc biệt như cảnh mở đầu phim với cánh đồng vàng ươm trải dài bất tận. Thậm chí một hình ảnh xù xì như núi rác khổng lồ đang bập bùng cháy dở cũng hiện lên đầy sống động và nghệ thuật. Cách di chuyển camera đầy dụng ý, như một cú máy dài theo chân nhân vật đảo qua đảo lại khắp hiện trường đang hỗn loạn, hay cách đưa máy dõi theo cái nhìn hau háu của tên tội phạm... Phần nhạc nền của phim được soạn bởi nhạc sĩ người Nhật Taro Iwashiro, cũng là một yếu tố đóng góp vào sự hấp dẫn của Memories of Murder, với những giai điệu quyến rũ (đặc biệt là main theme của phim) và một nhịp điệu không thể ăn ý hơn với các trạng thái phim. Diễn xuất trong phim phải nói là xuất sắc. Ngay cả các diễn viên phụ cũng có thể lưu lại dấu ấn của mình (hãy xem vẻ mặt không thể thiểu năng hơn của Park No-shik trong vai... một cậu bé thiểu năng, hay bản mặt lầm lì của Park Hae-il trong vai nghi phạm chính). Có được thành công đó một phần cũng là nhờ cách xây dựng và phát triển nhân vật rất tốt của đạo diễn Bong Joon-ho. Kim Sang-kyung, đã thể hiện được hình ảnh từ một thám tử trẻ tuổi đầy nhiệt huyết và lý trí ban đầu trở thành một con người bùng phát về cảm xúc như thế nào. Song Kang-ho (vốn là nam diễn viên vào loại số 1 của Hàn Quốc) đã có một trong những vai diễn hay nhất trong sự nghiệp của mình. Anh chàng ngờ nghệch trong những tình huống gây cười, gương mặt thất thần ở nửa sau phim, và một khoảnh khắc xuất sắc trong cảnh kết phim (một cảnh cận đặc tả gương mặt nhân vật). Kết phim cũng chính là một trong những hình ảnh ấn tượng nhất của Memories of Murder: một cuộc nói chuyện bâng quơ và một gương mặt. Tinh tế và giàu ý nghĩa. Đó cũng chính là lời giải thích cho cái tựa phim: "Memories of Murder". (Tôi rất thích cái kết này và muốn phân tích thêm, nhưng nói nhiều nữa sẽ thành spoil hết mất). Memories of Murder thực sự là một trải nghiệm mới lạ, một tuyệt phẩm trong thể loại phim hình sự. Một kịch bản chặt chẽ và tinh tế, diễn xuất tốt, phần quay phim và âm nhạc xuất sắc. Điểm dở duy nhất của phim là hầu hết chúng ta phải thưởng thức nó bằng phụ đề tiếng Anh. Đánh giá: 9.5/10. Memories of Murder là một phim hiếm hoi mà mỗi lần xem lại tôi lại thấy hay hơn. Masterpiece. Trivia: * Memories of Murder là phim ăn khách thứ 3 tại Hàn Quốc trong năm 2003 với hơn 5.1 triệu vé bán ra, chỉ xếp sau siêu phẩm The Lord of the Rings 3 (hơn 5.9 triệu vé) và 1 phim khác của Hàn là Silmido (hơn 11 triệu vé). Vào thời điểm đó thì Memories of Murder là phim ăn khách thứ 5 trong lịch sử của Hàn Quốc, tuy nhiên cho đến nay thì đã tụt xuống hạng 21. * Memories of Murder nhận rating 88% tại RottenTomatoes (100% đối với Top Critics), mặc dù số review của phim ko được nhiều lắm (34). * Không hiểu do tình cờ hay chủ ý, tên 2 nhân vật chính trong phim (Doo-man và Tae-yoon) đọc khá giống với tên 2 nhà lãnh đạo độc tài của Hàn Quốc trong thập niên 80 (Chun Doo-hwan và Roh Tae-woo) * Memories of Murder được Quentin Tarantino chọn vào top 20 phim sau năm 1992 ưa thích của ông (trong danh sách này còn có The Host cũng của đạo diễn Bong Joon-ho). * Không hiểu sao nhiều người ở VN hay nhầm lẫn tên phim là "Hồi ức sát nhân" trong khi từ "murder" ko hề mang nghĩa này (murderer mới là kẻ sát nhân). Và xem phim xong thì ai cũng sẽ thấy rằng nếu gọi là "Hồi ức sát nhân" thì sai trầm trọng nội dung phim.
Mang tiếng vào team mà lâu quá chẳng viết gì, uh thì viết đây Inception Để đảm bảo thưởng thức bộ phim trọn vẹn nhất, chỉ nên đọc sau khi đã xem, dù phần tiết lộ cũng ko có gì ghê gớm lắm [spoil] Sau khi đụng phải toàn những quả bom xịt như Clash Of The Titan, Prince of Persia… tôi hăm hở đi xem Inception, một bộ phim mà tôi đã lên kế hoạch đi xem từ những thước phim trailer đầu tiên. Lý do? Thứ nhất là Leonardo DiCaprio – thần tượng số một của tôi. Tôi thích Leo từ hết vai diễn này đến vai diễn khác, hết bộ phim này đến bộ phim khác. Các nhân vật do Leo thể hiện đối với tôi đều có một sức hút khó tả, đó hầu hết đều là những con người thông minh, tháo vát, thậm chí có phần ma mãnh, tinh quái… Mà thôi! Nói đến Leo thì tôi sẽ nói cả ngày mất! Thứ hai là Christopher Nolan. Thành thật thì tôi mới chú ý đến Nolan qua The Dark Knight. Batman Begin tôi có xem nhưng không thích lắm. Vậy là Inception có thừa những lí do để tôi đi xem: chỉ một Leonardo DiCaprio là quá đủ, lại còn thêm Nolan?? Một sự kết hợp trong mơ! Tưởng như không thể tuyệt vời hơn! Và Inception có làm tôi thất vọng?? Ta biết gì về nội dung phim? Một cách khéo léo, đoàn làm phim đã giấu rất kĩ thông tin về bộ phim, tất cả những gì tôi biết chỉ là những ý tưởng mơ hồ về một tay trộm (Leo) gì đó đột nhập vào giấc mơ người khác. Chỉ có vậy! Và tôi, hay cả bạn sẽ hoàn toàn bất ngờ với những gì mà bộ phim đề cập. Nó phức tạp và phong phú hơn rất nhiều. Đó cũng chính là điều mà Inception hướng tới. Mở đầu, ta không khỏi thán phục cách dàn dựng của bộ phim. Dom Cobb (Leo) trong một phi vụ đột nhật vào giấc mơ của Saito, một nhân vật thế lực, đã thất bại. Nhưng khi ta chưa kịp trầm trồ trước sự tài tình của giấc mơ 2 lớp, của khái niệm “mơ trong mơ”, Dom (hay Nolan) đã làm người xem choáng khi nêu lên ý định của anh ta: một giấc mơ 3 lớp. 3 lớp??? Điều này sẽ còn điên rồ đến mức nào nữa?? Tiếp đến, câu chuyện về Dom và đội ngũ của anh ta dần được bộc lộ. Vì một lí do nào đó, Dom phải tha hương và ước muốn cháy bỏng của anh là được trở về để nhìn mặt con. Quá khứ của Dom được hé mở qua những đoạn đối thoại, những giấc mơ, những bí mật thầm kín… một cách điêu luyện, bài bản, kiểu như bóc từng lớp của một miếng bánh. Đội ngũ của anh ta: bao gồm những cá nhân tài năng, chuyên thực hiện những “phi vụ trong mơ”. Biết được điều này, Saito – từ một “nạn nhân” - trở thành “tòng phạm”, đã đặt ra cho Dom một yêu cầu cao nhất, một chuyến phiêu lưu vào nơi sâu thẳm nhất của tiềm thức con người. Saito muốn Dom tạo ra Inception. Inception là gì? Nolan đã liên tục mào đầu bằng những ý tưởng về tư tưởng. Tư tưởng là thứ sẽ bám vào ta dai dẳng nhất. Một tư tưởng khi đã định hình sẽ sống mãi và đây là lúc Nolan thể hiện ý tưởng thiên tài của ông: Inception là gieo vào đầu một người một tư tưởng nào đó: sự bắt đầu, sự hình thành, sự “thụ thai của ý tưởng”. Công việc này, như Dom nói, “gieo vào đầu người khác một ý tưởng là một việc hệ trọng, nó có thể thay đổi hoàn toàn con người đó”. Nolan đang nói đến sức mạnh của ý tưởng. Một ý tưởng mà nghe xong ta phải giật mình. Với một cốt truyện thông minh và vô cùng kì ảo, không ngạc nhiên khi Inception khiến người xem cứ phải dán chặt vào màn hình, và khi hiểu ra một điều gì đó, ta lại “à” lên sảng khoái đồng thời thán phục một kịch bản hấp dẫn tuyệt hảo. Phim dẫn dắt người xem đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác, và những đoạn cao trào thì có đủ những cung bậc cảm xúc: hồi hộp, lo lắng, tò mò, kinh ngạc… Thêm vào đó là mạch phim hoàn toàn dễ hiểu, không đánh đố người xem, ở mức cơ bản nhất cũng đủ cho bạn hiểu và cảm nhận. Inception đã thật sự dẫn dắt người xem qua một bữa đại tiệc của những tư tưởng, cảm xúc và suy nghĩ. Và còn gì nữa? Đó là một thế giới trong mơ kì ảo nhất mà con người có thể tưởng tượng ra được. Dù đã xem đoạn trailer, nhưng tôi (và chắc bạn cũng thế) vẫn phải há hốc mồm khi xem Ariadne “gập” đôi cả một thành phố. Một thế giới hoang đường không quy luật, không giới hạn, không gì là không thể cho dù là nghịch lí, một thế giới đúng thật là “trong mơ” được các nhà làm phim tạo ra bằng những bộ óc siêu việt. Cảnh quan trong phim hoành tráng và ấn tượng đủ để làm bất cứ ai cũng phải kinh ngạc. Càng “kinh dị” hơn khi Nolan là người rất ít dùng kĩ xảo CG. Cảnh Dom và Fisher bị nghiêng đi trong mơ, theo tôi xem trong một đoạn hậu trường, được các nhà làm phim dựng thật hoàn toàn.v..v Dù là một bộ phim “hơi nhức đầu”, cả phim chỉ có 2 nhân vật nữ, cũng chẳng có cảnh nóng nào lại thêm nhiều đoạn giải thích phức tạp, nhưng Inception không khô khan chút nào vì người xem sẽ nhanh chóng được thưởng thức những pha hành động mãn nhãn, chân thực và hấp dẫn như The Dark Knight ngày nào. Sự thú vị còn đến từ những nhân vật như Eames (the Forger), Arthur (the Point Man) hay Ariadne (the Architect). Nói chung dàn diễn viên đã hoàn thành rất tốt vai trò của mình: sự trầm ổn quyến rũ của Ken Watanabe (Saito), những khắc khoải nội tâm của Cobb (mặc dù Leo không thật sự đột phá do vừa có một vai diễn tương tự trong Shutter Island, anh vẫn là đầu tàu của cả nhóm), thậm chí có ý kiến còn cho rằng Joseph Gordon Levitt (Arthur) đáng được đề cử Oscar… Âm nhạc cũng là một thành công khác của phim, tôi đặc biệt thích những giai điệu dồn dập luôn xuất hiện trong những đoạn cao trào, chúng “kích thích” người xem lạ lùng! Như vậy, không chỉ nội dung, mà hình thức của Inception cũng gần như hoàn hảo! Cuối phim, Nolan lại áp dụng một thủ thuật “không mới nhưng chẳng bao giờ là cũ”: kết thúc mở. Đó là một kết thúc cũng rất thông minh và không kém phần “sôi máu” người xem. Số phận của Cobb, phải để cho chính trí tưởng tượng người xem định đoạt. Inception có thể không phải là một bộ phim dành cho tất cả mọi người, nhưng thành tựu tuyệt vời của nó thì không thể phủ nhận. Đó chính là một kiệt tác, một tuyệt phẩm, một trong những bộ phim “điên rồ” nhất và có lẽ là một trong những bộ phim ấn tượng nhất trong năm mà nếu bạn bỏ qua thì thật sự đáng tiếc. Có thể nói: với Inception, Nolan cũng đã gieo một Inception vào đầu người xem rồi đấy. Điểm: 9.5/10 (Tuyệt cú mèo)[/spoil]
Chơi vơi Đạo diễn : Bùi Thạc Chuyên Kịch bản : Phan Đăng DiĐi xem 'Chơi vơi' ở BHD về, choáng. Chơi vơi, kịch bản gốc của Phan Đăng Di. Đã trải qua nhiều lần đổi tên mới ra được cái tên chính thức như ta đã thấy. Tận cùng là biển, Mắc kẹt, Chơi vơi. Cầm: _Sau hôm cưới, khi em đến đây, chị đã cảm thấy có điều gì không ổn. Em nói em hạnh phúc nhưng khi nhìn vào mắt em chị biết điều đó không đúng. Duyên: _Chị nhận ra ư? Cầm: _Phải, chị thấy một sự thiếu vắng, một cảm giác không toại nguyện. Ánh mắt em lúc nào cũng lơ lửng như chờ đợi điều gì. Với tôi, một đoạn đối thoại trong kịch bản gốc đó, đã đủ giải nghĩa bộ phim. Sự lơ lửng, thiếu hụt, sự mắc kẹt. Bộ phim là một vòng tròn không trọn vẹn của những mối quan hệ, của những nhân vật, của những cuộc đời chưa kịp chấp dứt. Sự không hiểu nổi mình khiến cho cô gái đầu tròng trọc tự dìm mình dưới dòng biển, sau khi say khướt và nôn mửa. Cô tự hỏi,"Tôi yêu hắn sáu năm nay nhưng chưa bao giờ hắn hôn tôi cả. Tôi chờ đến phát ốm Nhưng không... Thằng đểu ấy sẽ chắng bao giờ trả tôi món nợ ấy ... ." Đó là một sự thiếu hụt. Sự mỏng manh và chơi vơi của các mối quan hệ như của Duyên và Cẩm, Duyên và anh chồng, Duyên và Cầm, Duyên và Thổ, anh chồng và cô bé Miên, bà Duyên và ông Duyên. Mọi thứ đều được lững lờ, đưa ra một cách chừng mực, tinh tế. Tuy vậy, tâm lý nhân vật được khắc họa, chỉ có hành động là lững lờ. Mọi thứ đều lưng chừng đồi khiến người ta nói nó là không có cốt chuyện cụ thể. Thực ra, người ta chỉ không hài lòng vì nó quá lững lờ, nào ngờ rằng đó chỉ là dụng ý của tác giả đấy thôi. Mắc kẹt. Đó là cái thế giới bế tắc không thoát ra được của những cuộc sống chật hẹp, đông đúc, một cảm giác o bế đến tận cùng. Sự mắc kẹt còn được hình thức hóa bằng những góc máy mang cái nhìn chủ quan, và được ngăn cách bởi một rào cản, khi thì tấm kính, khi thì bức màng. Rồi những góc máy thấp, trông như một sự lén lút theo dõi hành trình nhân vật. Những cú travelling ngang, lướt qua những bức tường ở giữa khuôn hình. Mọi thứ như đang đè nén nhân vật vào trong cái vòng tròn không trọn vẹn đó. Một người bạn hỏi mình qua điện thoại, từ một vùng ngoại ô Hải Phòng. "Cậu thích gì nhất trong phim ? " Mình chững giọng. Không trả lời được. Có lẽ là từ cái tên, nếu không có nó tôi đã mất phương hướng khi tiếp nhận bộ phim này. Có lẽ là cái âm nhạc quái dị Đại Lâm Linh, cùng với cảnh cắt toạt chiếc váy của Duyên làm mình rùng mình. Có lẽ là do đôi mắt đen đặc cùng nét mặt ẩn chứa của Cầm. Có lẽ là do cả cái tướng ẻo lả của Johnny Trí Nguyễn là gợi cho ta một chút gì đó không hoàn chỉnh về cái mà nhân vật của anh tự nhận là 'người đàn ông đích thực.' Hay có lẽ là do nhân vật Hải cùng cái sự nhu nhượt, cái sự ngô nghê, cái sự bất lực, cái sự chơi vơi giữa một người đàn ông trường thành và một đứa trẻ. Hay là sự thiếu hụt của bố Miên, tìm đến con gà chọi, chôm chỉa tiền tiết kiệp mà cô bé dấu trong con gấu bông, để rồi khi nó chết cứng ông ôm nó, loạng choạng trong hơi men. Đó là bà của Duyên, với một cuộc hôn nhân có lẽ là không trọn vẹn hạnh phúc, dù bà chẳng bao giờ nói ra điều đó. Đó là những số phận, những con người với những thứ không hoàn chỉnh. Họ bối rối trong chính mình. Họ tìm cho mình một thứ để lấp đầy cái vòng tròn không khép kín đó. Hãy xem một câu thoại của Duyên : "Anh ấy làm em sợ và đau nữa... Nhưng đấy là lần đầu tiên trong đời em cảm nhận được cơ thể mình rõ ràng đến thế... " Đôi khi, điều đó càng làm cho cái vòng tròn thêm càng ngày hao hụt. Tôi quên nói với bạn rằng tôi thích cái kết, nó tinh tế dường nào, nó là một kết thúc không trọn vẹn, nhưng nó theo một cách nào đấy ăn nhập với mở đầu câu chuyện, tạo nên một vòng tròn. Một vòng tròn, với cái kết mở. Một vòng tròn, không trọn vẹn. Đấy theo tôi cũng là lí do Phan Đăng Di đặt tên kịch bản của mình là Tận cùng là biển. Biển mang một chút gì đó của sự vô hạn. Không thoát ra được. Không tìm được cái thật sự đáng gọi là 'tận cùng'. Nó chỉ là mênh mang, là vô vọng, là hư vô. Còn những vấn đề như đồng tính nữ, sự uẩn ức tính dục của nhân vật. Này nọ ? Đó có phải là chủ đề chính của phim ? Mình không rõ. Dùng Freud để lý giải nó. Mình không đủ trình độ. Và liệu mình có còn đang hiểu đúng về bộ phim. Suy cho cùng, bộ phim này nên dùng xúc cảm nhiều hơn là lí trí để nói. Đó là những chi tiết khéo léo và nhỏ nhoi. Những tâm trạng khi nói về mưa của Miên, lúc Duyên kéo mông anh chồng của mình ra và xoa nhẹ vào vết bầm tím, lúc Duyên lúng túng thì thầm vào tai anh trong taxi, lúc Cầm bóp dầu từ những vỏ cam, những sự mơn trớn nhấn nhá, và cảnh Duyên và Cầm cùng xông cảm trong một tấm chăn xanh tươi phấp phới. Mọi thứ đều rất gợi cảm. Và có lẽ cái thành công nữa của phim, là để lại trong đầu khán giả nhiều câu hỏi, nhiều hình ảnh. Ngồi sau mình có cô nàng nào ấy nói. Ê, một con chuyên vận đồ đen còn một con chuyên vận đồ trắng hử. Có lẽ cũng đúng một phần nào đó. Duyên trẻ trung, vận những sắc màu trong trẻo, mềm mại. Cầm già dặn, khó đoán, vận những thứ màu tối hơn. Có lẽ, hai sắc thái cũng thể hiện phần nào tính chơi vơi của phim. Hết phim. Lộp bộp hai tiếng vỗ tay duy nhất. Chơi vơi. Quạnh quẽ màn loan Tay ôm đàn tình tang tích tịch Cung réo rắt đau lòng Riêng càng thêm chạnh Ngồi trông bạn Nào đâu bạn. Mờ mịt trời mây én nhạn lìa đôi Tình là tình đau thương ơi tình ơi. Cao xanh kia nợ chi tôi Đầy mơi lệ Vì ai tệ Đã nặng tình si lời thệ hải còn ghi Cao xanh kia nỡ trêu chi. Chán cho tình si. Hiệp rồi li nào có ra gì.
Slumdog Millionaire Đạo diễn: Danny Boyle Kịch bản: Simon Beaufoy (dựa trên tiểu thuyết của Vikas Swarup) Diễn viên: Dev Patel Freida Pinto Madhur Mittal Anil Kapoor Ayush Mahesh Khedekar Tanay Chheda Rubina Ali Tanvi Ganesh Lonkar Azharuddin Mohammed Ismail Cảm giác của tôi khi xem đêm trao giải Oscar 2008 là.. bực mình! Bực mình vì sao mà Slumdog Millionaire (SM) …chiếm nhiều giải thế? Lẽ thường thì khi ai đó đạt được quá nhiều thành công vang dội, người khác sẽ sinh ra tâm lí ghen tị, rồi chuyển sang khó chịu, thậm chí thù ghét..v.v (Cũng có thể do tôi nhỏ nhen! Hì hì). Cách duy nhất để dẹp bỏ định kiến là gì? Là xem nó! Một năm sau khi nhận giải, tôi mới xem SM, trên truyền hình (Star Movies) thôi chứ chẳng phải HD hay rạp; và giờ tôi đang ngồi đây viết những dòng này để tán dương nó như một trong những bộ phim hay nhất tôi từng thưởng thức. Hình ảnh ẩn dụ tuyệt diệu trong phim: 3 chàng lính ngự lâm – chính là khái quát nổi bật nhất về cuộc đời của 3 nhân vật chính. Ba con người mà số phận đã đưa họ đến với nhau, trói buộc họ với nhau, vừa mâu thuẫn mà lại vừa gắn bó với nhau không thể tách rời, như câu hỏi đầu phim đã nói “đó là định mệnh”. Hãy nói về hai anh em Salim và Jamal Malik! Đó là hai đứa trẻ nghèo sinh ra trong khu ổ chuột của thành phố Mumbai. Hai anh em lớn lên với số phận khắc nghiệt: mồ côi mẹ từ khi còn… cởi truồng tắm mưa. Phim không đề cập đến cha của họ nhưng tôi đoán với hai anh em thì biết tên cha cũng đã là một mong ước xa xỉ rồi. Salim và Jamal lớn lên ngoài đường, lăn lộn qua những hiện thực tàn khốc nhất mà một con người có thể tưởng tượng ra: trộm cắp, cướp giật, giết người, lừa lọc dối trá… nếm trải đủ mọi đắng cay, độc địa của cuộc đời. Cuộc sống khắc nghiệt biến Salim thành một tay anh chị sẵn sàng phạm những tội ác ghê tởm nhất. Nhưng cũng hiện thực tàn khốc đó không thể thay đổi bản chất của Jamal là một thanh niên gương mẫu, chính trực. Salim và Jamal gần như là 2 thái cực. Salim ranh mãnh, liều lĩnh thậm chí xảo quyệt. Jamal thì nhân ái, đôn hậu, chân thành. Nhưng điều tuyệt vời là Jamal không phải người yếu đuối. Không! Cậu đã chứng tỏ mình có một ý chí mạnh mẽ và một quyết tâm cao từ tấm bé. Ý chí và quyết tâm đó đã giúp Jamal không đánh mất mình, không sa ngã trước những cám dỗ mà tha hóa bản thân. Hình ảnh Jamal là một hình ảnh rất đẹp, sáng ngời. Nó như câu hát của nhân dân ta ngàn đời: “ Trong đầm gì đẹp bằng sen Lá xanh bông trắng lại chen nhị vàng Nhị vàng bông trắng lá xanh Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn” Hai anh em đã có những lúc bất hòa, đã đánh nhau nhưng cũng đã bảo bọc nhau, che chở cho nhau mà sống. Hết phim, bạn sẽ hiểu: Salim mãi mãi xem em mình là đứa em bé bỏng phải che chở, mãi mãi là đứa em mà anh sẵn sàng làm tất cả vì nó, dù cho phải hi sinh thân mình, và có lẽ Jamal cũng sẽ làm vậy vì anh. Tôi cảm thấy: nếu Jamal tượng trưng cho ánh mặt trời, cho những gì tốt đẹp thì phải có ai đó nhận lãnh những cái xấu xa, phải có ai đó trở thành bóng tối cho người ta khinh ghét, ghê sợ. Đó là Salim! Salim là một hình ảnh ấn tượng. Salim nhúng chàm để tay Jamal trong sạch. Đó là một tình anh em cảm động hiếm thấy. Mảnh ghép cuối cùng của 3 chàng lính ngự lâm là Latika. Cô đã bước vào cuộc dời hai anh em. Họ đã vì cô mà bất hòa, đánh nhau. Cô cũng vì họ mà có lúc phải hi sinh thân mình. Nhưng dù thế nào, cả ba mãi mãi gắn bó với nhau trong một mối quan hệ vô cùng vi diệu, mãi mãi là những người bạn sinh tử, là ba người lính ngự lâm thời hiện đại. SM cho ta thấy hiện thực đáng sợ trong cuộc sống. Xung đột sắc tộc, tệ nạn xã hội, ô nhiễm môi trường, điều kiện sống, nhân quyền bị chà đạp và xâm phạm… tất cả những vấn đề nhức nhối của xã hội đều có đủ và được thể hiện sinh động ngay trước mắt người xem. Những gã đồ tể vô lương tâm móc mắt trẻ em bắt đi ăn mày, tình trạng kì thị sắc tộc, phân biệt đẳng cấp… đến cả một chương trình “vô hại” như “Ai là triệu phú” cũng có một tên MC gian xảo. Đó đều là những góc khuất của cuộc đời mà Slumdog Millionaire làm chúng ta phải suy ngẫm. Phim có sự kết hợp giữa những góc quay ấn tượng cùng âm nhạc tuyệt vời. Âm nhạc và vũ đạo của Bollywood thì bạn biết rồi đấy! Tôi rất thích những đoạn nhạc dồn dập trong những trường đoạn căng thẳng, vừa hồi hộp vừa phấn kích lạ thường. Giọng ca ngân vang của nam ca sĩ Ấn độ sẽ làm bạn nhớ mãi. Đừng quên SM đã đạt đến 8/10 đề cử Oscar cơ mà. Để kết lại, tôi chỉ muốn nói là: mỗi khi cảm thấy khó khăn, chán chường hay tuyệt vọng, mỗi khi cho rằng mình thật bất hạnh, hãy xem và nhớ đến Slumdog Millionaire để có thêm niềm tin, nghị lực vào con người và cuộc sống. Hãy nhớ đến chuyến phiêu lưu cổ tích của Jamal từ cậu bé mồ côi nghèo thành “triệu phú khu ổ chuột” mà vững bước trên đường đời. Điểm: 9/10
The Remains of the day Đạo diễn : Merchant Ivory Phỏng theo tiểu thuyết của Kazuo Ishiguro (được biết đến ở VN qua bản dịch Mãi đừng xa tôi của Trần Tiễn Cao Đăng). Điện ảnh, có ngôn ngữ của riêng nó. Những câu chữ được chuyển hóa thành một bộ phim đầy rẫy sự bức bối. Cái bầu không khí , nặng nề, ngột ngạt, bối cảnh - một tòa lâu đài mang tên Darlington tận nước Anh xa xôi. Và những nhân vật ấy, những nhà chính trị đầy quyền thế, những chức trách quan trọng nhà nước, bàn tán chuyện đại sự. Trước chiến tranh TG thứ 2. Trong CTTG2. Hậu chiến. Những mảnh vụn lịch sử được vịn vào khéo léo, qua những buổi gặp mặt hoành tráng và nghiêm trọng đến toát mồ hôi. Nhưng thật ra, phim không nhằm kể về một quá trình lịch sử. Nó chỉ là điểm tựa để kể về nhân vật chính : Stevens con, quản gia của lâu đài Darlington. Có lẽ Miss Kenton (và cả Stevens Cha) cũng là một sự hiện hữu khá quan trọng trong phim. Như một kết nối giữa cái bề mặt phẳng lì và cái bên trong vẫn còn tình cảm của Stevens. Nhưng Stevens có chối bỏ cái tình cảm đó không ? Có lẽ thế ? Có lẽ trong cái phút giây mà Kenton dồn ông đến tận chân tường - ông chợt tỉnh. Cái sự thức tỉnh đầy bất ngờ, ngoài sự mong muốn của ông. Rồi lại như cũ. Ông cố thoát, nhưng có cái gì đó ngăn ông lại. Dĩ nhiên tôi vẫn coi Hopkins là một diễn viên có những vai diễn đáng sợ, xét về cả khuôn mặt lẫn cái tâm tính bên trong. Một cái gì đó đa chiều, và cô độc. Tiết tấu chậm rãi như tờ, nó soi sâu vào hành trình của những con người mà người ta gọi là giúp việc, quản gia, hay này nọ này nọ - những con người yếu thế phục vụ cho những nhân vật quyền lực hơn. Sự nặng nề giữa cái mối quan hệ, trong đó có tình yêu, và tình cha con. Nhưng những tình cảm đó được dấu nhòa bởi tính nghiêm trọng và quy củ của bản chất công việc được giao cho họ. Tính lịch sử trong một thời kỳ đầy biến động cũng góp phần nâng lên sự nặng nề trong bộ phim. Phim lai ghép giữa hai tuyến thời gian, thoạt trông không có vẻ nhuần nhuyễn lắm. Nhưng sự hay ho của nó là câu chuyện được kể và tiếp diễn cả trong hai tuyết thời gian - và được nhấn nhá qua thoại phim. Nói cách khác, tính giản lược của tuyến thời gian quá khứ được thể hiện trong tuyến thời gian hiện tại. Và nó làm cho ta thấy ngân lên một sự hẫng, như tiếc nuối - và ta rõ là tiếc nuối cho một sự ám ảnh đầy tính mỉa mai của cái mối nối là công việc của Stevens, và chính bản thân ông ta. - Là gì ? Liệu cái sự lạnh lùng ấy chỉ là một bức tường để giam hãm ông ta với một sự thật, một tuyến thời gian thật đang hiện hữu bên ngoài đấy (nơi đó có ong bướm và cả cá), và nó chỉ để phục vụ cho một ám ảnh, cho một chuyến du hành trong bề mặt của công việc. Một mặt thì đầy vẻ tự hào, nhưng chỉ là sự cô đơn, và sự trống rỗng trong con người ông ta, là một sự phục tùng mang cái hảo danh là tuyệt vời - cho những kẻ mang địa vị cao quý hơn. Cuối phim, con chim bồ câu lạc vào căn phòng nơi xưa kia đã có những buổi họp mặt quan trọng của TG. Nó mắc kẹt. Và khi cánh cửa sổ mở ra, nó bay vào chân trời lạc quan nhất. Máy quay từ bên ngoài cánh cửa sổ, Stevens đứng đó - với ánh mắt như nhìn vào vô tận. Và ông đóng cửa lại. Cuối cùng thì ông vẫn mắc kẹt. Mắc kẹt mãi mãi. Tự do, hay không tự do ? Chuyển động máy cuối cùng như một con chim, tung cánh bay xa dần ra khỏi tòa lâu đài. Có lẽ, nó mang hàm ý cho một ham muốn giải thoát, tự do. Thoát khỏi sự bức bối trong những bức tường vô hồn. Dù gì, ông vẫn cô đơn, bây giờ là trong chính ông. Có lẽ có cả sự thất vọng vì ông không dám hoàn toàn thức tỉnh trong cái đêm đó. Có lẽ ông thất vọng khi chính ông không dám liều mạng (như Kenton hay cô gái kia). Để rồi cái giá của nó là sự vận động của thời gian đã tồn đọng ngay trong chính bản thân ông. Bức bối, và không còn lối thoát.
The Lord of The Ring : The Return Of The King Tạm dịch: Sự Trở Lại Của Nhà Vua * Đạo diễn: Peter Jackson * Thể loại: Viễn tưởng * Kịch bản: Peter Jackson, Frances Walsh, Philippa Boyens * Diễn viên: Elijah Wood, Sir Ian McKellen, Sean Astin, Billy Boyd, Orlando Bloom, Kevin Conway, Hugo Weaving, Brad Dourif, Martin Csoka, Bernard Hill, Sir Ian Holm, Christopher Lee, Dominic Monaghan, Viggo Mortensen, John Rhys-Davies, John Noble, Liv Tyler, Karl Urban, Cate Blanchett, David Wenham v.vv * Nhà sản xuất: New Line Cinema * Năm công chiếu: 17/12/2003 * Thời lượng: 201 phút Có lẽ mọi người sẽ thắc mắc tại sao mình lại viết Review cho bản 3 mà ko phải cho 1 hay là 2, có thể trả lời ngắn gọn là mình thích phần 3 nhất vì tiết tấu nhanh dồn dập, hoành tráng tất cã đều quy tụ vào phần cuối này, và bộ phim đã gây đc 1 tiếng vang lớn với nhiều đề cử nhất trong lịch sử với toàn bộ 3 phim... Đây là một trong ba phần của bộ phim The Lord of the Rings, The Return of the King được quay cùng lúc với The Fellowship of the Ring và The Two Towers. Nhưng thời gian phát hành thì mỗi năm một phần lần lượt từ 2001 đến 2003. So với hai phần kia, bộ phim thứ 3 này có khá nhiều điểm đặc biệt, thậm chí có thể nói nó lập được một số kỷ lục đáng nể. Nó có thời lượng chẵn 200 phút và 1488 cảnh dùng kỹ xảo điện ảnh, trong khi 3 tiếng là quá dài đối với một bộ phim bình thường và không cần dùng quá nhiều những kỷ xảo điện ảnh trong phim như thế, nhưng với Lord of The Rings thì những chuyện đó hình như là chưa đủ để toát lên hết những cái hồn của bộ phim thuộc vào dạng kinh điển như vậy Những đoạn phim cuối được hoàn thiện trước khi tung ra tại New Zealand có 5 ngày. Thời điểm đó cũng là lần đầu tiên đạo diễn Peter Jackson xem bộ phim hoàn chỉnh. Nhưng The Return of the King đã phá vỡ kỷ lục về doanh thu sau tuần đầu tiên tung ra trên toàn thế giới với con số khổng lồ 250 triệu USD. Tính đến tháng 2/2004, tác phẩm này trở thành bộ phim thứ 2 sau Titanic vượt qua ngưỡng 1 tỷ USD tổng doanh số bán vé. Ngoài thành công về tài chính, bộ phim cũng nhận được nhiều giải thưởng điện ảnh quan trọng, thậm chí nó còn là phim có tên dài nhất trong danh sách chiến thắng Oscar dành cho Hình ảnh đẹp nhất từ trước tới giờ tạo hình đẹp nhất 1 cách chân thực nhất về thiết kế mô hình quái vật, cho đến ngoại cảnh những con suối , rừng cây những ngọn núi hùng vĩ trải dài trên khắp thế giới thật mà Peter Jackson đã khéo léo lồng vào trong phim 1 cảnh tượng hùng vĩ nhất. Khi xem ai cũng phải thật sự trầm trồ thán phục về tài đạo diễn của Peter Jackson, về từng cuộc chiến của toàn bộ loài người từ yêu tinh, người lùn, elf, con người đã bị chia cách ra từng thế lực riêng lẽ , giờ đây họ cùng đứng trên 1 chiến tuyến, hợp sức chống lại thế lực của chúa nhẫn . Nhưng cái thật sự quan trọng ở đây, giải quyết mọi nguồn gốc thế lực của quân đội sauron ko phải chĩ là phần bề nổi của phim, dù cho con người tập hợp tất cã các tộc lại với nhau nhưng họ cũng thật sự ko thể chiến thắng, thất bại là điều tất yếu, tất cã số mạng chỉ trông chờ vào 2 con người bé nhỏ Frodo và Sam. Ở đây Peter Jackson đã chuyển thể những cái hay của bộ tiểu thuyết vào trong phim, những ngữ cảnh mà lúc Frodo bị mu mơ, hoản loạn đôi lúc là sự tuyệt vọng hay là 1 điều ham muốn, với Sam 1 người bạn thân tri kĩ ko từ thuở nhỏ, họ cùng nhau vượt qua cái thử thách đầy chông gai. Nhưng bộ phim thật sự để lại ấn tượng nhất cho mình chính là 1 Gollum's ,đây đúng là 1 nv điển hình cho bộ phim giống như Yoda trong Star Wars dù có lẽ hơi so sánh khập khiểng 1 chút . Thật sự khâm phục Peter Jackson đã thổi lửa cho 1 nhân vật vừa đáng thương vừa đáng ghét hay đôi lúc là hận trong phim như vậy dù chĩ là 1 phần tạo hình trên máy tính, nhưng những điều mà đạo diễn làm đc là ko thể bàn cãi. Nhiều trường đoạn ta có thể thấy Gollum's bị ma lực khống chế 1 cách mù quáng, như ngay cảnh đầu phần 2 của bộ phim, giết người bạn thân chĩ để đạt đc chiếc nhẫn làm của riêng, nhưng lại thấy 1 Gollum's dễ gần như những lúc nghe lời Frodo, bị cảm hóa, nhưng lại có lúc lại thật sự căm ghét vì những trò thật sự bỉ ổi của Gollum's đem lại, nếu thật sự vai diễn của Gollum's ko phải là 1 nhân vật 3d mà là 1 người hóa trang thì mình xin tặng danh hiệu cho vai phụ xuất sắc nhất cho nv Gollum's này. Đến bây h khi xem xong phim mình thật sự khó có thể xác định đc. Một Gollum's đáng thương hay đáng ghét, bị tâm hồn giày vò thật đáng thương, nhưng lại mù quáng đến mức đáng ghét, làm tất cã mọi việc chĩ vì cái nhẫn, có lẽ Gollum's coi đó chính là 1 người bạn thân nhất của đời mình, khi chính tay giết bạn mình..... nhưng cái hay của bộ phim chính là đoạn cuối cùng khi Frodo chuẩn bị phá hủy chiếc nhẫn, đoạn này thật sự rất hay, cái làm bộ phim hay chính là sự do dự của chính Frodo, nếu phá hủy chiếc nhẫn này thì sẽ ra sao, nếu giữ lại thì sẽ thế nào... 1 dấu chấm hỏi lớn trong đầu của Frodo, nếu lúc đó thật sự Gollum's ko tự tay giành lại chiếc nhẫn thì có lẽ bây h mọi chuyện kết cục cũng đã khác . Bên cạnh đó song song với những ngữ cảnh thì quay lại chiến trường bên cạnh cái cổng đen, mọi người tập hợp lại để đánh 1 trận cuối cùng, ở đây ta có thể thấy trong phim, những con mắt hi vọng, cái khí thế sục sôi của mình hay pha lẫn sợ hãi vì khi biết trận chiến cuối cùng này sẽ cầm chắc thất bại trong tay...... Kết lại: Đây là 1 bộ phim mà khiến người ta phải ngẫm nghĩ về những thứ như quyền lực ham muốn của con người, đánh đổi mọi thứ kể cã bạn bè hay người thân 1 cách mù quáng vào quyền lực, tình yêu tình bạn trong phim là thứ mà đề cập đến nhiều nhất qua Frodo và Sam, hay có khi cã là Gollum's nữa....Với nhiều cảnh quay đẹp, sự hoành tráng, âm nhạc kết hợp tuyệt vời, thiết kế nhân vật chi tiết... đây có lẽ là 1 bộ phim các bạn ko nên bỏ qua vì những cái hay của những bộ phim mang tính sử thi, huyền thoại, để quy tụ vào 1 mối qua bộ phim The Lord Of The Ring và đạo diễn tài ba Peter Jackson và dàn diễn viên đã làm tròn vai diễn của mình để cống hiến đến khán giả
Eternal Sunshine of the spotless mind Đó có thể là điều tuyệt vời nhất nhưng cũng có thể là đau khổ nhất trong cuộc đời mỗi chúng ta, tình yêu. Nếu bạn chưa trải qua, hãy đợi, đó dường như là 1 điều không thể tránh khỏi trong cuộc hành trình dài của cuộc đời mỗi người. Sẽ có ngày ta gặp 1 người cuốn hút ta đến mức chúng ta nghĩ chúng ta có thể dành cả cuộc đời còn lại cho họ. Không có khái niệm khoa học nào chính xác cho tình yêu. Đó là 1 thứ phức tạp mà không ai có thể dạy cho bạn được, chúng ta phải tự trải nghiệm để biết nó là gì. Nội dung phim cũng là 1 câu chuyện khá phức tạp và rắc rối, đó là kịch bản của Charlie Kaufman, người đã viết kịch bản cho Being John Malkovich và Adaption. 1 kịch bản phi tuyến tính không theo trình tự như thế này rất có thể sẽ trở thành 1 đống hỗn độn nếu đạo diễn không tốt. Phim nói về Joel Barish (Jim Carrey) là 1 anh chàng bình thường, sống khá cách biệt vì không thể hiện cảm xúc của mình với người khác và chỉ biết thổ lộ với cuốn nhật ký của anh. Anh không phải là người bốc đồng và hành động theo bản năng mà dựa trên lý trí và làm những gì hợp lý. Cho đến ngày anh gặp Clementine (Kate Winslet) và 2 người yêu nhau. Clementine không giống Joel, chỉ sau 1 lần cãi nhau và không vui, cô đã đi tới Lacuna Inc., 1 công ty xóa ký ức theo yêu cầu, và đã xóa sạch ký ức về Joel. Joel bất ngờ, đau khổ và đi tới quyết định, anh cũng sẽ xóa sạch ký ức về Clementine trong đầu mình. Nhưng trong quá trình thực hiện việc xóa trí nhớ, anh nhận ra rằng ngoài những cuộc cãi vã, có những kỷ niệm đẹp anh không bao giờ muốn quên đi. Và anh đã làm 1 chuyện không ai có thể nghĩ tới, cố chạy trốn (trong tiềm thức) để ngăn việc xóa ký ức về Clementine của anh. Câu chuyện của Eternal Sunshine of the spotless mind rất sáng tạo và thú vị. Khá ngạc nhiên khi 1 bộ phim độc lập kinh phí thấp có thể có dàn diễn viên nổi tiếng như thế này, và diễn xuất của họ trong phim còn vượt qua cả tên tuổi của họ. Ta có danh hài Jim Carrey, người đã không thành công khi muốn chứng tỏ mình ở thể loại drama với vai chính trong các phim Man on the Moon và The Majestic, lần này đã thể hiện diễn xuất hoàn toàn thuyết phục trong vai Joel Barish, nhân vật chính. Diễn xuất của Kate Winslet trong vai Clementine Kruczynski, cô gái bán sách với tính tình sôi nổi, bốc đồng, thay đổi tâm lý nhanh như thay đổi màu tóc cũng rất tuyệt. 2 người đã thể hiện được nhân vật của họ hoàn toàn khác nhau và dường như không ai nghĩ họ có thể hợp nhau, nhưng những gì chúng ta nhìn thấy không thể đánh giá 1 mối quan hệ. Dàn diễn viên phụ còn có Elijah Wood, đây là vai đầu tiên của anh sau The Lord of the Rings trilogy, Patrick là 1 nhân viên của Lacuna, anh tận dụng những dấu vết kí ức về Joel trong Clementine để làm quen với cô nhưng rồi cuối cùng anh cũng không thể chiếm được tình cảm của Clementine dù đã thực hiện y hệt những hành động Joel đã làm với Clementine, vai diễn làm người xem thấy khinh thường cách làm của anh ta nhưng cũng đồng thời cảm thấy thương hại cho hoàn cảnh của anh ta, dường như tình yêu muốn trốn tránh anh. Trong khi đó, Kirsten Dunst, Mark Ruffalo và Tom Wilkinson thể hiện 1 mối tình tay 3 tay 4 gì đó, Stan yêu Mary nhưng nhận ra anh không thể làm được gì kể cả khi đã xóa trí nhớ, cô ấy vẫn nhanh chóng lại yêu bác sĩ Howard, 1 người đã có gia đình. Michel Gondry trước là một đạo diễn chuyên thực hiện video clip ca nhạc nên có thể thấy phim có ngoại cảnh khá đẹp, đặc biệt là các cảnh quay trên bãi biển và ga đường sắt được thực hiện tại vùng ngoại ô Montauk của bang New York, và tất nhiên là nhạc hay các bài hát lồng vào trong phim cũng rất có hiệu quả và rất hay. Phim nói về tiềm thức con người nhưng không dùng nhiều kỹ xảo vi tính như Inception, chủ yếu dùng những kỹ xảo truyền thống. Như cảnh nhà bếp lúc Joe 4 tuổi nghe nói đã sử dụng kỹ thuật phối cảnh, xa gần gì đó khá phức tạp đã từng được dùng trong LotR để quay những người Hobbit. Eternal Sunshine of the Spotless Mind có thể nói là 1 phim romantic fantasy, nhưng hoàn toàn không giống các phim romantic ăn khách của Hollywood. Phim này đẹp, kỳ lạ, độc đáo, vui, thú vị, cảm động, dí dỏm. Chắc chắn là 1 trong những phim tình cảm hay nhất mà mình từng xem. Meet me... in Montauk...
Triangle Đây là một bộ phim rất hay,tớ đặc biệt recommend nó ,trừ những ai có đầu óc đơn giản và không muốn coi những bộ phim khó hiểu. Bộ phim "đùa giỡn" với tâm trí của bạn suốt từ đầu đến cuối,ở đây tớ nói từ đầu nghĩa là ngay từ những phút phim đầu tiên,khi những dòng giới thiệu còn chạy xen kẽ với các scene,1 cách chớp nhoáng. Nó sẽ chỉ khiến bạn suy nghĩ mãi, và cho đến lúc dòng credit đã kết thúc mà bạn vẫn còn ngồi đó nhìn vào màn hình và suy nghĩ một lúc,và có thể là vài giờ đồng hồ sau đó bạn vẫn còn nghĩ đến bộ phim (trừ mấy bạn thần thánh). Có một số phim khiến bạn tự hỏi: "Tại sao chuyện đó lại xảy ra? Chả có nghĩa lý quái gì hết??"... nhưng mình chắc chắn rằng Triangle không nằm trong số đó. Dù vậy,để có thể hiểu đựoc phim,bạn phải cực kỳ tập trung chú ý từng chi tiết nhỏ,từng lời thoại và cũng không quên dán mắt vào các cảnh phim,bởi như tớ đã nói đây là 1 phim khá khó hiểu. Và tất nhiên,"phim" mà,nếu có ai thảo luận cùng thì sẽ tốt hơn,nhất là với những phim dạng mind fuk thế này,có thể bạn sẽ phát hiện thêm nhiều điều thú vị mà mình bỏ sót đấy. Dành cho những ai yếu tim,đây không phải là 1 phim kinh dị,không có một pha nào làm bạn thót tim đâu,trừ phi trứoc giờ bạn chưa coi bất kỳ phim thriller nào. Đây là 1 phim dạng mind fuk,đựoc xếp theo genre "Mystery" trên imdb. Với một kịch bản chặt chẽ đựoc thể hiện quá hoàn hảo qua ống kính chỉ với hơn 90', yếu tố thời gian trong phim đã đựoc bố trí chính xác ở từng cảnh. Điều này giúp ngừoi xem có đủ thời gian để suy nghĩ ,cố gắn kết từng chi tiết lại với nhau mà không làm mất đi sự chú ý đối với phim,bởi chắc chắn những gì mà ngừoi xem đang cố tìm hiểu có ảnh hửong đến những sự việc đang diễn ra trong phim. Đây là điều mà hiếm phim nào cùng thể loại làm đựoc. Rõ ràng đạo diễn đã dành sự chuẩn bị rất tốt cho phim để có thể gắn kết các chi tiết lại với 1 kịch bản chặt chẽ,khó hiểu nhưng không kém phần chất lượng và 1 lựong kinh phí khá nhỏ cùng dàn cast không mấy nổi bật,mà theo mình đã hoàn thành khá tốt công việc,nổi bật hơn cả là Mellissa George. Cô ta đã nhập vào vai Jess thật xuất sắc - một nhân vật rất đặc biệt ngay từ đầu phim,thậm chí về cuối phim chúng ta vẫn không ngừng ngạc nhiên về cô . Cũng phải lâu lắm rồi tớ mới thấy 1 diễn viên nữ có thể chèo kéo,dẫn dắt cả bộ phim quá tốt đến vậy,cô giúp cho kịch bản ngày càng gắn kết hơn. Tất nhiên,tớ không nói rằng không có diễn viên nào khác có thể nhập vai tốt hơn Melissa. Tớ sẽ không spoil bất kỳ thứ gì dù cho không spoil thì các bạn sẽ rất khó để thấy đựoc cái hay của phim chỉ qua review,bởi vì nếu làm vậy sẽ mất đi tính bí ẩn của phim,xem phim mất hay. Đối với dạng phim này,không có một cách hiểu "chung" mà chỉ thể gọi tạm là "đa số",vẫn còn tùy vào cách nhìn của mỗi ngừoi với phim và có thể dính dáng đến cả quan niệm về cuộc sống. Btw,mình cho chút lời khuyên: ĐỪNG nên coi trailer hay bất kỳ tin tức gì về phim này. Tin tớ đi,phim hay hơn thế nhiều (và cũng đừng tin quá vào ~ gì dư luận phản ánh về phim,toàn BS) Tuy khó hiểu,nhưng nếu bạn tập trung xem phim,phần thửong dành cho bạn sẽ là 1 đoạn kết hoàn hảo giúp bạn rời màn hình với sự thỏa mãn. Những sự việc bất ngờ nhất mà bạn không thể dự đoán trứoc sẽ luôn đựoc mang đến ,do đó câu hỏi luôn đựoc đặt ra liên tục trong đầu sau mỗi scene,và thực sự thì phim đã trả lời cho bạn tất cả các câu hỏi đó, hay ít nhất cũng cho bạn 1 lựong gợi ý cần thiết để tự giải các câu hỏi đó với 1 khoảng thời gian phù hợp giữa các cảnh phim,để rồi ghép lại thành 1 câu trả lời thật sự cho chính bạn về bộ phim. Do không spoiler nên review tớ sẽ chỉ viết có nhiêu đó,còn bạn tin lời tớ hay không thì tùy. Nếu "may mắn",có thể bạn sẽ có một buổi chiều khá là nhứt óc đấy (nên xem buổi chiều). Đánh giá chung: 8.5/10
Scott Pilgrim vs. the World (2010) Ngay khi nhìn thấy logo của hãng Universal với hình ảnh 8-bit (và cả âm thanh là những tiếng beep) như kiểu mấy game NES ngày xưa hay chơi mình đã bật cười và nghĩ đây chắc chắn sẽ là 1 bộ phim thú vị (ít ra là đối với mình), và mình đã không lầm, phim này là phim dựa trên comic mình thích nhất năm nay (hơn cả Kick-Ass và Iron man 2) Sau Shaun of the Dead và Hot Fuzz, đạo diễn người Anh Edgar Wright đã chứng tỏ anh vẫn chưa làm bộ phim sáng tạo nhất của mình. Anh và đồng biên kịch Micheal Bacall đã thu gọn bộ graphic novel 6 tập của Bryan O'Malley thành 115 phút hài hước, độc đáo và đầy tính hành động. Đó là 1 câu chuyện rom-com (romantic - comedy) cũ rích, chàng trai gặp cô gái, yêu cô, mất cô và phải cố gắng giành lại cô gái, nhưng phim này còn là sự kết hợp đầy thú vị của nhiều loại hình giải trí khác như video game, alternative rock, võ thuật và cả những hình ảnh lấy từ chính bộ comic gốc. Nhân vật chính là Scott Pilgrim (Micheal Cera), 1 tay guitar bass 22 tuổi của ban nhạc Sex Bomb-Omb, 1 ban nhạc không tên tuổi đang cố khằng định mình bằng cách tham gia vào 1 cuộc thi âm nhạc vì có thể sẽ giành được hợp đồng với Gideon - 1 nhà sản xuất nổi tiếng trong lĩnh vực âm nhạc. Scott (có vẻ như) không có việc làm, sống cùng 1 anh bạn gay Wallace (Kieran Culkin), người rất thích buôn dưa lê, kể cả lúc ngủ . Scott cặp với 1 bé 17 tuổi gốc Trung Quốc đang học trung học tên Knives (Ellen Wong), thậm chí họ còn chưa nắm tay nhau. Rồi 1 ngày cậu gặp cô gái trong mơ của đời mình (theo đúng nghĩa đen) - Ramona V. Flowers, 1 người làm cho Amazon, đi giao hàng trên giày trượt. Cô rõ ràng là cool hơn cậu, đổi màu tóc mỗi 1,5 tuần (khá giống với nhân vật của Kate Winslet trong Eternal Sunshine of the spotless mind). Để có được cô, Scott phải tự mình đánh bại Liên minh 7 người yêu cũ độc ác (League of 7 evil exes) (Có thể là chúng ta không nói đến thực tế xã hội ở đây, chúng ta nhìn mọi việc qua mắt của Scott, 1 góc nhìn bị bóp méo bởi video games và comic book). Và phim sớm chuyển sang versus mode (như các game song đấu), nơi mà Scott đánh với các evil exes với khả năng võ thuật tuyệt đỉnh, dùng kiếm, búa, roi, thậm chí đấu bằng âm nhạc. Đánh bại đối thủ thu được những đồng xu (giống Super Mario và rất nhiều game khác )Các Evil exes cũng khá thú vị, mỗi tên có phong cách chiến đấu rất khác nhau, có những điểm mạnh và điểm yếu riêng, điều đó làm cho các cảnh chiến đấu thú vị, không bị lặp lại, nhàm chán. Gã đầu tiên tên là Matthew Patel (chắc là người Ấn Độ) với khả năng vô cùng độc đáo (tạo ra các Demon Hipster Chicks) . Tên thứ 2 là Lucas Lee, 1 diễn viên phim hành động nổi tiếng, vai này của Chris Evans (aka Human Torch aka Captain America).Gã tiếp theo là 1 người ăn chay tự kiêu với sức mạnh của mình, do Brandon Routh (aka Superman) thủ vai. Cô bạn gái lesbian của Ramona thì sử dụng 1 cây roi khá giống của Ivy trong series game Soul Calibur, vai này của Mae Whitman, điều thú vị là cô này đóng vai bạn gái của Micheal Cera trong TV series Arrested Development, thế mà phim này 2 người phải đánh nhau. Scott khá là nhút nhát, dựa trên cách cư xử của cậu với Knives khi đã gặp Ramona, lúc chia tay với Knives.. tuy nhiên khá nhanh trí trong các trận đánh khi sử dụng mẹo để đánh bại kẻ thù. Vai diễn này không khác gì với các vai trước đây của Micheal Cera (mà hình như tất cả các vai chú này đóng đều nerd thế này thì phải). Jason Schwartzman vào vai tên villain điên điên cũng rất là cool, và tất nhiên, cũng gây cười. Mary Elizabeth Winstead (Die Hard 4, Final Destination 3, Deadproof) vào vai Ramona cũng tốt, và đặc biệt khi cô giúp Scott đánh với 1 trong những evil ex của mình. Cinematographer của phim là Bill Pope (The Matrix Trilogy, Spider-man trilogy) nên phần hình ảnh của phim rất tuyệt, dù chỉ là 1 phim có kinh phí tầm trung. Phim có nhiều hiệu ứng hình ảnh thú vị và độc đáo (như chữ R-r-r-ring bay ra khi có chuông điện thoại reo, hay hình những trái tim nhỏ bay ra khi Ramona hôn Scott, chữ love màu hồng bay ra khi Chau nói với Scott và cậu xua nó đi, thanh pee bar cạn khi đi toilet ). Phần âm nhạc của phim cũng tốt không kém gì hình ảnh, 1 sự kết hợp của cả alternative rock, techno bass và những soundtrack của game (trong đó có Zelda). Khán giả xem phim chia làm 2 nhóm rõ rệt: rất thích hoặc rất ghét phim (mình đọc nhiều review phim này thấy cho điểm chỉ có 1,2 hoặc 8,9,10). Nhiều người cho rằng phim này ngu ngốc, lố bịch và trẻ con, nhưng mình thấy ngoài tính giải trí thì phim cũng có ý nghĩa riêng của nó. Tiếc là phim này lỗ (kinh phí 60 triệu$ mà chỉ thu về 45 triệu$) nên chắc chắn không có cơ hội có sequel , có lẽ Edgar Wright không có duyên với Hollywood, hy vọng chú này về Anh làm nốt phần cuối của cái "Blood and Ice Cream trilogy" với Simon Pegg và Nick Frost đi, lúc đầu dự kiến năm nay ra mắt mà giờ vẫn chả thấy đâu, chắc lại phải đợi năm sau rồi
Machete (2010) Directed by Robert Rodriguez Ethan Maniquis Starring Danny Trejo Don Johnson Robert De Niro Jessica Alba Michelle Rodriguez Lindsay Lohan Steven Seagal Cheech Marin Jeff Fahey Daryl Sabara Tom Savini Shea Whigham [spoil]Có một tư tưởng… của ai đó (có lẽ của tôi không chừng) về con người mà tôi rất tâm đắc “bên trong mỗi con người văn minh là một sự khát máu tiềm ẩn”. Chậc, có lẽ bạn đã nghe nhiều rồi, đại khái người ta nói “sinh vật độc ác nhất là con người”..v.v Thế nên đừng để ý đến mớ triết lí rởm của tôi vậy. Tôi chỉ cố giải thích tại sao những trò chơi như God Of War, Mortal Kombat.. dù rất bạo lực, vẫn làm cho người chơi có một cảm giác “sướng” kì lạ. Đừng ngạc nhiên nhé! Gamespot còn xem “brutal” (tàn bạo) là một điểm mạnh của game cơ mà. Trong phim ảnh cũng thế! Nào là Kill Bill, Sin City… Nếu bạn cũng như tôi, luôn bị cuốn hút bởi những kiểu phim “bạo lực nghệ thuật” như thế, bạn không phải là người duy nhất và Machete đúng là bộ phim dành cho bạn. Gã "cao bồi" Robert Rodriguez Có hai con người cần phải nói đến trong Machete. Nếu bạn chưa biết về Robert Rodriguez thì ngắn gọn thế này: không chỉ là một anh chàng gốc Mê-hi-cô rất điển trai, RR còn cực kì tài năng khi ông đảm nhận vai trò đạo diễn, nhà sản xuất, tác giả kịch bản cho đến cả soạn nhạc, biên tập cho những bộ phim của mình. Một tuyệt tác của ông là Sin City mà nếu bạn chưa xem, tôi đề nghị bạn xem ngay lập tức. Người kia là Danny Trejo – một cái tên… lạ hoắc thậm chí với những người khá am hiểu điện ảnh. Đơn giản vì ông được nhớ đến nhiều hơn bởi khuôn mặt. Đúng vậy! Chắc chắn bạn sẽ nhận ra Danny Trejo với “gia tài” ngót nghét… cả trăm phim của ông. Sau khi đóng đinh với vô vàn những vai phụ đầu gấu bởi gương mặt quá… bặm trợn, RR quyết định đã đến lúc dành cho Trejo đất diễn chính và Machete chính là cơ hội này. Một sự tình cờ thú vị: Trejo có họ hàng (anh họ) với Rodriguez, cả hai không biết điều này cho đến bộ phim Desperado Thật ra, quá trình phát triển Machete đã bắt đầu từ lâu. Khi gặp Trejo trong Desperado, RR đã nghĩ “anh chàng này có thể là Jean Cluade Van Damme của Mê-hi-cô”, còn phần kịch bản đã được viết từ năm 1993. Phải đến bộ phim Grindhouse năm 2007, từ một đoạn trailer giả trong phim có sự xuất hiện của Trejo, RR quyết định sẽ mở rộng đoạn trailer thành một bộ phim hoàn chỉnh. Như vậy, sau một thời gian dài thai nghén, Machete đã trở thành hiện thực. Phim mở đầu với cảnh Machete (Danny Trejo) trên đường thực hiện một nhiệm vụ giải cứu con tin liều lĩnh nhằm lật đổ tên trùm ma túy khét tiếng Rogelio Torrez. Sự việc đổ bể vì thế lực của Torrez quá mạnh, Machete phải trả giá bằng cả gia đình và cuộc sống của mình. Ba năm sau, người ta thấy anh làm công việc lao động của những người nhập cư ở bang Texas. Ở đây, cuộc chiến giữa chính quyền và những người nhập cư Mê-hi-cô trái phép đang diễn ra căng thẳng. Một chính khách tha hóa, một tên tay sai tàn khốc, một ông trùm thuốc phiện quyền lực và một tay đội trưởng tuần biên dã man chống lại những người nhập cư nghèo liều mạng tìm kiếm “giấc mơ Mỹ”. Điều gì xảy ra khi luật pháp đã trở nên bất lực? Máu sẽ đổ để công lý được thực thi! Nếu bạn hiểu cụm từ “bạo lực nghệ thuật” mà tôi đang nói nghĩa là gì, bạn sẽ dễ dàng hình dung ra Machete. Bao trùm cả bộ phim là máu, bạo lực và sự… điên rồ! Machete là một sự tả thực theo lối cường điệu. Nét cường điệu đầy nghệ thuật để khắc họa sự khắc nghiệt của cuộc sống. Tác dụng của những hình ảnh ấy là ấn tượng khắc sâu trong đầu người xem. Các bộ phim dạng này, dù ít nhưng xem một lần là nhớ mãi. Vậy ngoài khả năng gây ấn tượng rất mạnh cho người xem, Machete có nhiều ý nghĩa về nội dung không? Theo cảm nhận của tôi thì: không! Có lẽ đây cũng là điểm yếu của dạng phim này: sự thỏa mãn về thị giác quá mạnh đã át hết những cảm xúc suy tưởng của người xem. Nếu bạn không phải là người thích nghiền ngẫm thì đây không phải vấn đề lớn. Tuy nhiên, khi so sánh với những bộ phim khiến người ta phải suy nghĩ, rõ ràng là hơi đáng tiếc cho Machete. Thật ra những pha hành động của Rodriguez chưa “phê” và “tởm” như Tarantino. Vì thế mà dù máu me be bét, không có hình ảnh nào ấn tượng như cảnh Uma Thurman đạp bẹp con ngươi trong Kill Bill vol 2. Thay vào đó, bạn sẽ hài lòng khi thấy các diễn viên nữ rất xinh. Nào là Jessica Alba, Michelle Rodriguez, Lindsay Lohan hay hai nữ y tá sinh đôi nhà Avellan cực kì khiêu gợi. Machete hội tụ cả “dàn sao” nhờ danh tiếng của Rodriguez: ngoài các kiều nữ nói trên còn có “huyền thoại” Robert DeNiro, “võ sư” Steven Seagal, thiên tài hiệu ứng Tom Savini hay chính Danny Trejo… Nhưng để chọn ra một người có diễn xuất ấn tượng nhất, có lẽ là Jeff Fahey trong vai Michael Booth – một doanh nhân và cũng là một ông trùm tàn bạo – có lẽ nhờ vai diễn này “có đất” nhất. Con người luôn có khuynh hướng bạo lực? Có dã tâm khát máu? Điều này tự nhiên như quy luật đấu tranh sinh tồn và không thể thay đổi? Hay đơn thuần Machete thu hút người ta bằng vẻ đẹp chết chóc điên rồ? Phải chăng khi đã nâng lên tầm nghệ thuật thì ngay cả sự bạo lực cũng đáng thưởng thức? Trong khi tôi tiếp tục tìm câu trả lời cho sự độc ác và hung bạo của con người, bạn phải thử qua Machete! 8/10[/spoil] Chú ý: phim không phù hợp với người dưới 18 tuổi
Legend of the Guardians: The Owls of Ga'Hoole (2010) Zack Snyder vẫn tiếp tục thể hiện mình như 1 đạo diễn trẻ đầy tài năng của thế hệ mới, những bộ phim của anh luôn được trông đợi và bàn tán. Kể từ phim đầu tay thành công trong việc remake 1 phim zombie kinh điển của George A. Romero, Dawn of the Dead (2004), anh đã đã tiếp tục thể hiện khả năng của mình, bằng việc đạo diễn (và đồng biên kịch) 300 (2007), dựa theo graphic novel của Frank Miller - 1 bộ phim gây ấn tượng mạnh về thị giác, và 2 năm sau lại đạo diễn 1 phim rất là "visually stunning" nữa, Watchmen (2009), chuyển thể từ graphic novel của Alan Moore. Tất cả những phim của anh đều được đánh giá cao cả bởi giới phê bình lẫn khán giả. Snyder cũng tạo nên 1 thương hiệu đạo diễn, người luôn tạo ra 1 màn trình diễn tuyệt vời về màu sắc và hình ảnh trong phim. Anh không ngần ngại thể hiện các cảnh bạo lực trong phim, nhưng theo cả những cách nghệ thuật. Mình thích cả 3 phim kể trên, và đã bắt đầu nghĩ là Zack không có khả năng làm 1 phim dở. Phim mới nhất anh đạo diễn là Legend of the Guardians, dựa trên 3 cuốn sách đầu của bộ truyện thiếu nhi Guardians of Ga’Hoole (3 tập đầu tên là The Capture, The Journey và The Rescue) được viết bởi Kathryn Lasky. Đây rõ ràng là 1 thử thách mới cho Snyder, không chỉ là phim hoạt hình đầu tiên, hay phim 3D đầu tiên của anh, đó còn là phim gia đình đầu tiên. Và 1 phim gia đình thì sẽ không có bạo lực quá, sex hay R-rating. Câu chuyện phim nói về cuộc phiêu lưu của 2 anh em cú, Soren (lồng tiếng bởi Jim Sturgess) và Kludd, người có tính cách trái ngược với em trai. Soren mơ mộng và ham vui, tin vào những câu chuyện kể về Guardians of Ga’Hoole, những người bảo vệ loài cú khỏi bọn Cú độc ác, The Pure Ones. Trong khi Kludd đầy sự ghen tức với em trai bởi sự quan tâm quá mức cha mẹ dành cho em. Đến 1 ngày 2 đứa bị bọn cú The Pure Ones bắt để tẩy não và biến thành chiến binh cho bọn chúng. Soren trốn thoát và bay tới hòn đảo Ga’Hoole, nơi cậu gặp những chiến binh huyền thoại trong các câu chuyện kể. Kludd chọn con đường theo phe ác, trong khi Soren, với sự giúp đỡ của các Guardians, đã ngăn chặn được kế hoạch lớn của bọn The Pure Ones. Lại 1 lần nữa Zack gây ấn tượng về mặt hình ảnh, nhân vật cũng như cảnh vật đều rất chi tiết và đẹp, phần quay phim cũng vô cùng ấn tượng. Phim được thực hiện bởi Animal Logic, công ty đứng sau thành công của phim hoạt hình đoạt Oscar năm 2006 Happy Feet. Công nghệ 3D của phim cũng rất tuyệt. Trong cảnh Soren bay trong cơn mưa lớn, có cảm giác như những giọt mưa đang bay về phía mình. Lại 1 trải nghiệm 3D tuyệt vời nữa trong năm nay, có thể đây là lần tuyệt nhất. Phim có 1 câu chuyện hấp dẫn (nhưng tất nhiên là hơi dễ đoán) với vừa đủ những cảnh hành động. Những chú cú trông rất đáng yêu. Cốt truyện cũng hơi nghiêm túc và đen tối, không có nhiều sự hài hước như những phim của DreamWorks. Phim cũng có những cảnh bạo lực nhẹ, có thể làm cho trẻ con sợ (lúc mình đi xem rạp có 2 thằng bé khóc rú lên đòi về những mẹ bọn nó bắt ở lại ), tuy nhiên vẫn trong giới hạn của 1 bộ phim gia đình. Tuy nhiên phim cũng không hoàn hảo, có cảm giác về cuối phim câu chuyện bị xem nhẹ, còn trận chiến cuối thì bình thường, chỉ là hình thức, ít tạo được cảm xúc. Nhưng đó là 1 trận chiến lớn. Cũng hơi khó phân biệt con cú nào theo phe nào, vì trông cũng hơi giống nhau. 1 số nhân vật trong phim cũng được giới thiệu khá tốt, nhưng không có vai trò quan trọng lắm, có lẽ là để dành cho phần sau? (đoạn cuối cũng có 1 cảnh gợi ý cho phần tiếp theo). Nhìn chung, đây lại là 1 phim hay nữa của Snyder, và mình rất thích phim này. Phim này khả năng có sequel thì không cao lắm, vì phim kinh phí 80 triệu$ mà doanh thu có 119 triệu$ (không lỗ, nhưng hơi ít, đặc biệt là nếu so với Happy Feet). Tuy nhiên những phim tiếp theo của Zack thì rất đáng mong đợi, Sucker Punch (3/ 2011), phim mà Zack gọi là “Alice in Wonderland với súng máy”, cũng là phim đầu tiên của Zack mà không dựa trên “1 thứ gì đó đã có sẵn” (Zack cũng là đồng biên kịch phim này). Và tất nhiên là cả phim Superman tiếp theo vào năm 2012 nữa, mình luôn mong đợi các phim hay của Zack Snyder!
The Painted Veil "The Painted Veil" là một trong những phim được quay với bối cảnh thiên nhiên đẹp nhất mà tớ từng xem. Từ đường phố Luân Đôn những năm 20s đến những ngọn đồi nhỏ và những ngọn núi bao trùm lấy một vùng đồng cỏ thoáng đãng gần dòng sông Yangtzer (Tung Của) May mắn thay,vẻ đẹp phong cảnh đấy cũng phần nào thể hiện cả cái đẹp về nội dung của bộ phim. Đây không phải là một bộ phim thích hợp để xem dành cho mấy bạn muốn thư giãn cuối tuần bằng những phim hành động bom tấn. Và thậm chí là đối với cả fan của phim tình cảm. Nhịp phim chậm rãi và không dồn dập, một cách lặng lẽ cuốn hút bạn vào câu chuyện,cho đến khi bạn hoàn toàn thả hồn vào bộ phim,cảm giác như mình là người trong cuộc. Ed Norton (Walter) & Naomi Watts (Kitty) đã giúp bạn đủ kiên nhẫn để có thể bám sát mạch chuyện mà không ngáp lấy 1 hơi (cũng có thể) bằng việc thể hiện 2 diễn xuất xuất sắc của họ. Đặc biệt là Norton,qua phim này bất cứ ai cũng có thể thấy rằng với tài năng của anh,anh có thể nhập vào bất cứ vai diễn gì. Trong phim,chúng ta thấy 1 Walter từ một nhân vật máu lạnh và trầm tính biến đổi thành một người biết quan tâm chăm sóc đến người xung quanh đặc biệt ở đây là đối với vợ Kitty của mình - chứ không phải là Ed Norton làm những việc đó. Hai quá trình biến đổi trên diễn ra ở hai nơi cách nhau nửa vòng Trái Đất,như muốn thể hiện một sự đối lập rõ rệt và cái khoảng cách về tình cảm giữa Walter & Kitty. Còn về phần Naomi Watts,tại thời điểm hiện tại tớ chưa nghĩ ra cái tên nào xứng đáng hơn cô cho vai Kitty,bởi diễn xuất của cô là quá tuyệt. Sau một giai đoạn nhập cuộc chậm rãi trong 30' đầu phim,chúng ta đã có thể thấy được phần nào tính cách mỗi nhân vật và vấn đề mà họ gặp phải,dù không thể hiện ra quá rõ ràng. Và rồi tuy không vội vã,nhưng cấu trúc câu chuyện của phim đã thay đổi 180 độ sau khi mối quan hệ vợ chồng tưởng như khá tốt đẹp giữa Walter & Kitty bị tan vỡ "thật sự",ở đây bạn nào xem phim sẽ hiểu. Bây giờ,mọi thứ quay ngược về cái cảnh đầu phim. Đến đây tớ sẽ không spoil gì nhiều ,nhưng khi coi được khoảng hơn nửa bộ phim ,tớ /các bạn đã có thể mường tượng ra một cái kết không mấy tốt đẹp giữa 2 người. Tuy nhiên,phim không dễ đoán thế đâu,và không phải bất kỳ cái kết không có hậu nào cũng là xấu. Bảo đảm với bạn,khi camera bắt đầu di chuyển ra xa khỏi cái tông màu tối cùng bầu trời âm u của Luân Đôn,ánh sáng sẽ xuất hiện. Mặc dù đây là một bộ phim hay theo ý kiến của tớ,nhưng vẫn có một thứ tớ không hài lòng với phim lắm. Đó là cách miêu tả sự bệnh hoạn,nghèo đói cùng nỗi sợ cái chết trước cơn dịch bệnh của người dân và sự hỗn loạn của Tung Của những năm 20s,tuy rất thật nhưng mình không cảm thấy quá khác biệt gì so với tình hình thế giới thời điểm đó. Có chăng,yếu tố gây hấp dẫn ở việc này chỉ là cảm xúc của Kitty trước một nơi đối lập hoàn toàn với Luân Đôn và đầy rẫy những mối nguy hiểm do bệnh dịch gây ra. Nhưng nhờ có vậy,bản chất thật của mỗi người mới lộ ra chứ? Tớ nghĩ đây là một trong những phim tình cảm hay nhất mà tớ từng xem. Cái bài test "tìm tình yêu dứoi một môi trường khắc nghiệt" là một thứ mà tớ chưa từng được xem trước đây trong bất kỳ bộ phim nào. Và cái cách mà họ tìm được nó thật lạ,dù khi xem phim chắc hẳn mọi người đã dự đoán truớc được kết quả nhưng việc này không làm mất đi tính thú vị của câu chuyện,mà chỉ khiến ta càng tò mò hơn,vì như tớ đã nói ở trên,mạch chuyện không hề dễ đoán tý nào. Nói chung,với bối cảnh tuyệt đẹp,một câu chuyện tình yêu quái dị nhưng khiến ta phải nghĩ nhiều điều,cùng với diễn xuất đỉnh của 2 diễn viên chính,bộ phim này xứng đáng để bạn xem ít nhất 1 lần trong đời. Đánh giá chung: 8.5/10
Một ngày của bạn như thế nào ? ngủ dậy, đánh răng, ăn sáng rồi đi làm ,ăn trưa ,ăn tối ..etc .Nhưng mỗi ngày mỗi người sẽ có những chuyện khác nhau ,vui có ,buồn có . "Strangle than fiction" nói về Harold Crick - 1 nhân viên sở thuế và có 12 năm nhàm chán ,và tớ thấy có thể anh ta là người duy nhất cảm thấy mình ổn trong từng đó năm mà ko có chuyện gì lớn lao xảy ra . Cuộc sống của Harold bắt đầu rẽ sang 1 hướng khác khi 1 sáng anh tỉnh dậy và có 1 giọng nói đều như vắt chanh kể từng chi tiết mà anh đang làm ,không nhưng chính xác mà còn nói theo kiểu văn vẻ nữa - điều mà harold crick - nhân viên sở thuế - có khả năng tính hàng dãy số trong chớp mắt và là người có hàng chục năm sống lặp lại nhàm chán không thể có . Anh sợ hãi và đi tìm 1 giáo sư văn học giúp anh .Mọi chuyện tệ hơn khi anh thấy mình dường như là 1 nhân vật trong cuốn tiểu thuyết của ai đó và người này thì toàn viết bi kịch ... Trong 1 lần đi tính thuế ở tiệm bánh anh đã để ý cô chủ tiệm bánh từ cái nhìn đầu tiên ,cử chỉ ,giọng điệu ,dáng vẻ của cô ấy .Mọi thứ tràn đến làm 1 kẻ toàn số má như Harold thấy lạ lẫm ,ko hiểu chuyện gì xảy ra thì giọng đọc văn vẻ kia đã giúp anh hiểu hết cảm giác của mình .. Cả bộ phim chỉ xoay quanh Harold với rất nhiều biến cố xảy ra từ lúc anh nghe thấy giọng nói trong đầu cho đến lúc anh biết được kết thúc câu chuyện của nhà văn viết truyện - thứ mà trùng lặp với cuộc sống của anh .Mọi thứ dường như cho Harold thây được nhiều thứ hơn :từ cảm giác của chính mình ,cho đến người xung quanh .Và cả Harold cũng ko nhận ra là mình đã ko còn làm việc mình làm hàng ngày cả chục năm nay .Cho đến cái cách tỏ tình và được yêu cũng rất ngô nghê ,bất ngờ . Tớ khá thích bộ phim này ,từ cách nó làm cho đến plot của film .Thực sự mà nghĩ sau này phải đọc sách nhiều hơn ,biết đâu lại thấy mình đâu đó trong 1 quyển truyện chẳng hạn và chơi đàn là cách tốt nhất để cưa gái Đánh giá chung :8/10
UP Đạo diễn : Pete Docter - Bob Peterson Có lẽ, tôi mang trong mình một cái định kiến rằng 'Phim của Pixar là những phim họat hình mang tính giả tạo' khá lâu. Những kẻ bị nó hấp dẫn họa chăng chỉ là những kẻ bị huyễn hoặc bới tính 'diễn' của nó. Nói cách khác, chúng không hề nhuần nhuyễn trong việc bới móc ra một triết lý nào đó mà đem ép mình vào thế giới của trẻ con. Chúng quá pretentious, vậy thôi. Bởi thế, xem phim nào của Pixar, tôi đều thấy một sự khô khan cứng nhắc trong nội dung và cả cách thể hiện. Tuy nhiên, có lẽ đó là một ý kiến nhỏ hẹp của riêng tôi. Và dĩ nhiên làm thế nào để đánh giá một thứ gì đó cho đúng đắn khi trong đầu đã thù hình một định kiến nào đó. Xem Up, tôi có một cảm giác khác hơn. Có người bảo nó sến, nhưng tôi bảo nó giản đơn. Và sự giản đơn đó khiến tôi rung động. Đó là một câu chuyện với những mối quan hệ rất lý thú, tuy còn chưa sắc sảo cho lắm. Nó người hơn, nó nhộn nhịp hơn rất nhiều. Với một tình huống khơi mào là căn nhà với những quả bóng bay đủ màu vượt gió vượt mây đến 'Thiên Đường đã mất', từ đó câu chuyện dâng lên bởi sự hòa mình vào nhau của những kẻ tưởng chừng như xa lạ và mâu thuẫn. Một ông già với một đứa trẻ, một con chó săn chim và một con chim quý hiếm, một sự ngưỡng một và một sự thất vọng ngay sau đó. Đó là những đối cực xoay vòng, khắc chế nhau, nhưng để hòa hợp cho nhau. Đó là một vòng lặp ẩn mình. Tại sao lại thế. Dường như cái tuổi già với quãng đời quá ư là đầy khát vọng đã khiến ông lão nay muốn quay lại, đi tìm lấy thời gian đã mất, đi tìm lấy cái hạnh phúc đã dường như bị ông quên lãng một thời gian quá dài. Đứa trẻ cô đơn cũng đi tìm cho mình một hạnh phúc bằng những huy hiệu thám hiểm treo đấy trên áo, con chó vốn quên mình có một người chủ và dấn thân theo một ông già xa lạ, con chim bay đi như tìm lấy tự do (hay những thanh chocolate quyến rũ) để rồi những đứa con, những mầm xanh mới có thể đoàn tụ qua bao khó khăn giang khổ. Có lẽ, bộ phim là một nỗi ám ảnh về con đường đi đến hạnh phúc của riêng mỗi cá nhân mình. Tuy nhiên, hạnh phúc trong sự vị kỷ cá nhân chỉ là những thứ quá vãng và đơn lẻ. Sự hòa hợp là điều mà chúng ta muốn nói đến. Có nhau, bên nhau, đó mới là hạnh phúc đích thực, có thế chăng ? Và còn đó những điều chưa nói hết, những bất hòa giữa các thế hệ, những bất hòa giữa một thế giới của con người với cái bên trong và một thế giới mới giữa những cái phát triển bên ngoài. Những giá trị ảo và thực và sự hoài niệm, sự níu kéo. Những ám ảnh về một chân lý ảo tưởng nào đó trong sự nhất quán vâng dạ một cách ngu ngốc của số đông. Tuy nhiên, cũng đồng nhất với chủ đề của phim, sự hòa hợp có lẽ là hướng giải quyết mâu thuẫn tốt đẹp nhất. Tôi vẫn thích đoạn tua vòng cuộc đời ông lão, với những hình thức đối cực rất ư dễ thương và cảm động. Tinh tế đến độ nào mới có thể làm ra những thước phim như thế.
Mouse Hunt - 1997 Đạo diễn: Gore Verbinski Diễn viên: Nathan Lane, Lee Evans, Vicki Lewis, Maury Chaykin, Eric Christmas Vào năm 1990 ta có bộ phim Home Alone kinh điển của Chris Columbus, và diễn viên "nhóc" Macaulay Culkin đã làm nên thành công của bộ phim gia đình Home Alone, và tiếp theo sau đó nhiều bản khác nhau. Cũng theo mô tuýp đó nhưng với sự khác biệt vào 7 năm sau Mouse Hunt ra đời. Bộ phim gây ấn tượng mạnh với mình ngay cảnh đầu của bộ phim với cảnh đưa tan , và tiếp theo đó là 1 sự cố thật hi hữu, để khởi đầu cho bộ phim . Một cách rất hay để chuyển cảm xúc cho người xem nhận mạnh rằng đây ko phải là 1 bộ phim buồn tẻ, nói về cuộc đời của ai đó, mà là 1 bộ phim hài đúng nghĩa mang cảm giác thoải mái cho người xem . Khi xem phim ta có thể thấy có nhiều đoạn khá giống với Home Alone, chèn ép hay cố đuổi chú chuột ra khỏi nhà, và chú chuột quay lại để "chiến đấu". Nhưng thay vì ta thường thấy trong bộ phim Home Alone ( Lý do mình so sánh với Home Alone , là thấy tình tiết khá giống nhau ) .Cảnh cậu bé con thông minh đặt bẫy những tên trộm và đuổi chúng ra khỏi nhà, thì ở đây ta sẽ chứng kiến điều ngược lại , những tên trộm đặt bẫy và chú chuột sẽ dẫn dắt những tên trộm vào bẫy của chính mình đặt ra. Có thể nói đây là 1 điểm nhấn của bộ phim khi thay đổi 1 điều ngược lại so với Home Alone, 1 con người và 1 chú chuột sẽ đi làm những cách khác nhau. Đạo diễn đã làm rất tốt ở điểm này cuốn hút người xem. Nhưng chỉ nói về nv "chính" trong phim thôi thì chưa đủ tạo nên thành công của nó, vì thật ra mọi thứ sắp đặt chính là 2 nv tưởng chừng như là phụ của bộ phim lại chính là nhân vật chính, họ làm những cái bẫy, và chính họ cũng sập bẫy của mình. Mình xin phép dùng câu thành ngữ "Gậy ông đập lưng ông" ở đây nhưng nếu ta nhìn sâu hơn vào 1 bộ phim sẽ thấy chú chuột thật ra chỉ chạy loanh quanh mà thôi, chính 2 diễn viên vừa chính mà vừa phụ đó mới là người xây dựng lện bộ phim ... Ở đây mình xin so sánh thêm với bộ phim Ratatouille của pixar, có thể mô tuýp 2 bên khác nhau, nhưng chúng có 1 điểm chung mặc dù rất nhỏ đó là quen 1 người đầu bếp , ở Ratatouille thì là nấu ăn còn Mouse Hunt là 1 cái xưởng Phô Mát . Nhạc của bộ phim cũng là 1 thế mạnh , bạn sẽ thấy những khúc nhạc của năm 97 rất nhẹ nhàng và rất dễ nhận ra được thật sự ko lẫn vào đâu. Những khúc nhạc êm đềm những tiếng máy làm phô mát, những đoạn gây cấn trong phim hay những đoạn thư giản nhẹ nhàng bạn cung sẽ phá lên cười khi nó hòa hợp với bộ phim thật sự rất hay với mình đây là 1 bộ phim rất đáng để xem và thư giãn cuối tuần. Bộ phim còn mang mình đến những thời còn nhỏ khi xem lại nó những năm đầu thời còn xài băng VHS thật thú vị, lúc đó còn nhỏ mình chỉ biết xem cũng chẳng biết tên của hãng nào sản xuất, hay tại sao lại có những bộ phim hay như thế này ở đâu ra, mình chỉ biết xem và phá lên cười vui vẻ, gia đình anh em ba mẹ quay quần cùng bên nhau xem mỗi tối, những lúc đó thật đẹp. Bây h công nghệ đã tiên tiến hơn rất nhiều nhưng khi mình viết bài này mọi cảm xúc lúc trc khi xem phim đều quay về từng kỷ niệm bên gia đình lúc xưa Bộ phim mang đến ấn tượng rất sâu sắc đối với mình mặc dù đây là 1 bộ phim giải trí bình thường tuy nó ko nổi tiếng bằng Home Alone nhưng mọi thứ trong phim theo mình đánh giá là tuyệt với hơn Home Alone . Với những phút giải trí vui vẻ cùng gia đình nếu gia đình bạn đã từng xem phim này thì sao ko thử kiếm nó lại xem 1 lần nữa , để xem lúc trước đến bây giờ có gì khác biệt nhau không
Tướng về hưu Đạo diễn : Nguyễn Khắc Lợi Dựa trên truyện ngắn cùng tên của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp Nguyễn Huy Thiệp. Nguyễn Khắc Lợi. Một câu chuyện của một tác gia họ Nguyễn, một bộ phim với một đạo diễn cũng họ Nguyễn. Nói thế là để thấy rằng, sự đồng bộ trong tư tưởng của hai nhân vật ấy đã được biểu hiện rõ ràng ngay từ đấy. Chẳng phải khó khăn gì để nhận ra bộ phim bám sát vách với cái sườn nguyên bản. Nhưng một người tên Lợi, một ông tên Thiệp. Hằn đó những dấu vết thay đổi, không dở đi, cũng chưa hẳn hay hơn, nhưng thể hiện một tư duy và một cái nhìn của riêng đạo diễn với tác phẩm chuyển thể. Tướng về hưu, đó đây một bầu không khí u ám và nặng nề của một xã hội Việt Nam thời hậu chiến, mở cửa, đồng tiền ùa vào. Phim mở đầu bằng một cảnh dùng tracking shot dõi theo chiếc xe Jeep quân sự đang chạy băng băng qua một cây cầu sắt, với góc máy làm tôi nhớ đến vài đoạn trong ‘Trăng nơi đáy giếng’ của Nguyễn Vinh Sơn. Sau đó, từ góc máy khách quan, phim đổi bất chợt qua góc máy chủ quan – điểm nhìn từ trên xe đối với đường phố và đời sống nhộn nhịp, như một lời báo hiệu cho cái nhìn chính yếu, hay nói cách khác – nhân vật chính của bộ phim – ông Tướng về hưu. Đối với - cuộc sống thời đó. Chủ đề tư tưởng bộ phim đã được bày ra ngay từ những giây phút đầu tiên. Đó là một sự đối nghịch, một mâu thuẫn đang ngầm ẩn chứa. Phải chăng những thanh sắt chằng chéo của cây cầu càng nhằm muốn nói cho chúng ta thấy rõ hơn cái mâu thuẫn, cái đối nghịch đó, với chiếc xe quân sự chở ông Tướng dường như bị giam cầm giữa cái cuộc sống mới đang chạy ro ro chung quanh. Sau đó, cảnh đến nơi và chất đồ đạc lại báo hiệu cho chúng ta bối cảnh nơi xảy ra tấn kịch này, một căn nhà với nhiều con chó. Hình ảnh những con chó với tiếng sủa dữ dội rơi vãi rất là nhiều nước dãi – lại là một lời cảnh báo. Nó giống như một cánh cổng biệt lập, một sự bày tỏ, nhắn nhủ khéo léo cho khán giả rằng, bạn chớ có rớ vào phim nì. Nó dữ dội đấy, nó đồi bại đấy, bạn có khả năng sẽ bị shock đấy. Nó cũng biểu hiện lấy sự đe dọa khi bước vào một gia đình vốn được xem là khá giả và rất mực vinh quang, nhưng thật ra là một căn nhà tha hóa và tồi tệ trên từng mặt nghĩa. Nhân vật ông Tướng bao giờ cũng là hình ảnh của niềm vinh dự, tự hào. Cả ở trong họ, trong làng, tên tuổi ông được mọi người ngưỡng vọng. Ông Tướng là một con người đi biền biệt, thỉnh thoảng cũng ghé về nhà, nhưng những lần về đều ngắn. Nói cách khác, cuộc đời của ông gắn bó với vận mệnh của dân tộc, cuộc đời ông, là ở chiến trường. Sự thành công nơi chinh chiến khiến cho ông được suy tôn như một vị anh hùng, một niềm tự hào của cả họ, cả làng, khiến ai ai cũng phải vỗ tay, hô hào và ra vẻ đồng thuận nhiệt liệt khi ông phát biểu. Đấy là một ông tướng, với quân hàm sáng chói và được ghi công oai ra phết, nhưng lại hiện hữu như một chủ thể bất lực trước hiện thực không như ông mong đợi. Một hiện thực thối nát. Lại nói về những cảnh phim, kế tiếp cuộc ra mắt của những con chó là cuộc ra mắt của toàn thể gia đình ông Tướng, giữa một bữa tiệc chào mừng cái hoàn cảnh ‘về hưu’ của ông. Một thủ pháp được Nguyễn Khắc Lợi sử dụng, mà người ta có thể thấy rõ nhất trong ‘Bố Già’ của Coppola. Dùng một bữa tiệc để khơi mào câu chuyện, để lần lượt điểm xuyến hết toàn bộ các nhân vật với tính cách của riêng họ. Ở đấy, giữa nền nhạc bập bùng ầm ĩ, ta đã thấy một ông Bổng mưu toan lọc lừa xảo trá nhưng lại hằn vết yếu đuối của một thời đã quá xa, quá vãng, một quá khứ giang hồ oai hùng đã mất. Đấy là Thủy, một con mẹ tính toán, vô luân. Đấy là Tuân, con ông Bổng, một kẻ lưu manh, mất dạy, chửi và hăm đánh cả bố mình. Đấy là ông Cơ – cô Lài, hai bố con bỏ quê cha đất tổ mồ mã tổ tiên để ăn nhờ ở đợ cho nhà ông Tướng, hiền lành và chịu khó nhưng bị chèn ép như những con người dưới đáy tận cùng xã hội. Đấy là một ông chồng nhu nhược, yếu hèn, không ngây thơ nhưng chẳng thèm tính toán, một con người đứng đó như một công trình ngã ba, một vị trí trung lập, chẳng biết phải làm gì ngoài việc khổ sai chính mình. Trong truyện, đấy là nhân vật xưng tôi, đã từng nói một cách vô thưởng vô phạt “Không phải trò đùa, nhưng cũng không phải nghiêm trọng" khi nghe ông Tướng phàn nàn về cuộc ngoại tình của Thủy . Đấy là vợ ông Tướng, điên nhưng lại tỉnh, hiện hữu như một nạn nhân bị đay nén nhưng lại uất ức và muốn chống trả, muốn cười nhạo lại cái hiện thực điên rồ đang hiện hữu xung quanh. Phim còn đây đó nhiều lớp nhân vật phụ khác, rải rác, không tiêu biểu, nhưng vẫn tồn tại với cá tính riêng biệt. Sau những cảnh ban đầu ấy, câu chuyện của gia đình ông dần dần được bóc tách ra, những chuyện có lẽ chẳng ai ngờ được. Đó là những mâu thuẫn và xung độ : nổi và chìm, như một tảng băng trôi. Người và người, tiền và đạo đức. Một cuộc ngoại tình xảy ra ngay trong căn nhà này, không mảy may thèm che đi dấu vết của nó. Một đàn chó được nuôi dưỡng bằng những bào thai hỏng, nghiền nát trong một chiếc máy xay thịt – hình ảnh mang đầy ý nghĩa. Những nhân vật u mê dùng tiền để mưu cầu chính mình. Những kẻ đồi bại chỉ biết đến đồng tiền. Những bữa tiệc vun đầy âm thanh và tiêu pha phun phí. Tất cả để chỉ lên một sự tha hóa, mất dần nhân tính trong một cuộc sống dường như ‘đầy đủ, vui vẻ, giàu có’ đến nỗi ông tướng phải thét lên : “Khốn nạn. Tao không cần cái sự giàu có này.” .Ta phải thấy hình ảnh chiếc máy xay thịt như là một biến tướng của một cỗ máy khổng lồ nghiền nát nền tảng đạo đức con người – cho chó gặm. Dĩ nhiên, ta thấy không vui cho ông Tướng, một người đã từng oai hùm, đã từng làm vua ngoài chiến trường. Nay về gia đình, thấy đồng tiền – như một vị vua mới không ngai - đè đầu cưỡi cổ mọi người, một cách dễ dàng, không súng không đạn không xe tăng máy móc, chỉ lợi dụng lòng tham không đáy của con người, và ăn mòn nó. Dĩ nhiên, nguyên nhân ‘tiền’ dẫn đến sự tha hóa con người và sự phi nhân tính là một lớp nghĩa dễ dàng để thấy. Nhưng, ta lại phải đặt ra cho mình câu hỏi nhỏ : Tại sao tên truyện lại là Tướng về hưu, tại sao lại chọn nhân vật ông tướng, tại sao lại đặt hoàn cảnh về hưu, chiến tranh có ý nghĩa gì trong này, và một câu hỏi quan trọng hơn : tại sao ông lại lạc lõng ? Vẫn tồn tại đâu đó một dấu vết của thời chiến tranh khốc liệc, nơi mà cái nguyên nhân cho bi kịch xã hội ấy không hẳn là tiền bạc. Một thời kỳ đầy máu, đầy giết chóc đã quá vãng chẳng qua chỉ là một lời biện hộ cho một thứ gì đó không thuộc về chính ông . Ông tướng sống trong cuộc chiến quá lâu, ông tướng hiện diện bất lực, cô đơn khi trở về, vì hẳn trong chiến tranh, nhân tính không màn đến, vì giết chóc chẳng qua đó là đang bắn giết kẻ thù đó sao.Nhưng nay, chíên tranh vẫn hiện diện như một bóng ma níu kéo ám ảnh và cũng đồng thời hiện hữu trong cuộc sống với nhiều bất đồng và mâu thuẫn gay gắt. Như thế, ngoài việc đại diện cho một nhân vật điển hình ‘người lính’ – ông còn đại diện cho một nền tảng đạo đức đáng lẽ nay ngày một đi lên sau khi thoát khỏi chiến tranh, khi đời sống đổi mới, khi đất nước vắng bóng kẻ thù, thì nó lại đi xuống - nhân tính càng đi xuống, và những con người thân thuộc bắn chính nhau. Ông bị động. Ông chạy không kịp. Đám ma vợ ông, ông thốt lên cay đắng “Trong đời mình, tôi chôn ba nghìn người chẳng có người nào thế này". Quả thật, chiến tranh và hiện tại gắn bó với nhau, còn hơn cả một ám ảnh, nó là một nguyên do ngầm, một nguyên do vô hình khiến ông Tướng ngày một lạc lõng trong cuộc sống hòa bình. Nói cho kỹ hơn, ta có thể hiểu, chiến tranh không chỉ là xông pha trận mạc bắn Mỹ bắn Tây hồi đó – nơi mà ông Tướng chịu được, là một anh hùng, chiến tranh vẫn đang hiện hữu như một khẩu súng vô hình bắn giết (đau lòng thay ) chính dân tộc ta, chính những con người gần ta hơn cả - nơi mà ông bất lực, như một kẻ lạc lõng. Có lẽ hình tượng người điên dùng súng bắn trong không trung và kêu pằng pằng cũng mang lớp nghĩa đó. Với một cách nghĩ khác, chưa hẳn đã là chính xác, tôi thấy được một sự giễu nại giữa cái thật và cái ảo, và sự giễu nại ấy như bổ trợ cho việc mỉm cười với một cái chân lý cũ đang dần xói mòn, một hệ tư tưởng đã bị ăn mòn bởi hiện thực như những thanh kim loại không được chăm sóc kĩ lưỡng. Nhân vật ông Tướng, bị chiến tranh lý tưởng hoá chính mình, trở nên khô cứng. Đấy là một cái ảo tưởng do ông tạo ra (tuy xúc tác dĩ nhiên vẫn là người khác, thứ khác, một chân trời nào đó – ai biết được). Vẫn là một cái ảo tưởng khi danh xưng ông Tướng luôn được mọi người ngưỡng vọng cho dù ông chẳng bao giờ hiện diện như một con người thực sự tồn tại cho chính gia đình mình, cho chính ngôi làng mình, thế mà khi ông về biết bao kẻ xum xuê, khua mép khua mồm xin xỏ nhờ vả. Vẫn là một cái ảo tưởng khi hay tin ông được về lại cuộc đời ‘cũ’ của mình, ông đi ra phố dưới ánh mắt của một kẻ tự hào, một kẻ thấy hòa bình ươm mầm một cuộc sống ‘mới’ hạnh phúc – nhưng khi quay về đến nhà, thì sự điên rồ, sự tha hóa lại khiến ông loạng choạng, chóng mặt. Một sự nghiệt ngã khi Tướng – trận mạc lại trở thành Kẻ lạc loài – gia đình, xã hội. Đấy là cái ảo do mọi người tạo ra, do ông Tướng tự tạo ra. Có lẽ, sự lạc đường khi đứng trước ngã ba, ngã tư, giữa những thứ mình đã được lưu vào đầu như một tư tưởng khó bỏ, một sự ảo tưởng khi nhìn về cuộc sống, so sánh với những thứ đang hiện diện một cách tồi tệ như ông đã thấy – khiến ông mất phương hướng, lạc loài trong chính máu mủ, dòng tộc của mình. Ông Tướng lạc lõng khi không tìm được chính mình, không thấy được thứ mình cần, thứ cần mình, và lẽ phải. Rồi chết. Sự bi quan đã được hạn định trong phim, khi những điểm nhìn của đạo diễn về nguyên tác được thấy. Tôi xin mạn phép nói về những thay đổi của đạo diễn đi kèm với phần quay phim. Đầu tiên, Ông Cơ và cô Lài không về quê giữa buổi như trong truyện, ở đây, hai người nói nôm na là bị đuổi – mang danh xưng giúp đỡ gầy dựng tương lai trong mắt vị Tướng. Ông có lẽ rất vui vì có thể giúp người, nói nôm na là ông đang Cách mạng đấy, ông đang giải phóng dân tộc đấy, không còn bóc lột, tất cả đều có quyền được sống như ai. Nhưng cuối phim, khi cô Lài lại được trông thấy như một kẻ cắp, ông Cơ chết, thì ông Tướng quay cuồng. Nhà quay phim Trần Trung Nhàn đã xử lý khéo léo trong cảnh này, đó là một sự quay cuồng, đảo lộn mọi giá trị, Trần Trung Nhàn cho góc máy chủ quan của ông Tướng, nhìn cảnh cô Lài bị công an bắt trong choáng váng, khuôn hình bị xoay dần dần, rồi lật ngược 180 độ, không còn giữ vị trí của nó lúc ban đầu nữa. Đấy là một xử lý khéo, tôi nghĩ là còn hơi lộ và không tinh tế lắm, nhưng khéo, và bắt nhịp hình thức được với nội dung, vốn đã đồng bộ ngay từ những cảnh đầu tiên. Còn nhiều thú vị nữa với quay phim, đôi khi ông xử lý ánh sáng để nổi bật lên một hình tượng, một hình ảnh nào đó – như cảnh cái máy xay. Như đã nói, quay phim hay dùng góc máy chủ quan với cái nhìn của ông Tướng, tuy đôi lúc còn lạc và chưa bật lên được chủ đề chính. Thay đổi thứ hai là cái chết của ông Tướng nơi chân cầu thang, trước đó, âm nhạc nổi lên tạo xúc cảm, khuôn hình động đậy liên tục, chóng mặt nơi ông Tướng cũng như người xem, rồi những khuôn hình cận thi nhau xuất hiện, như sự thể hiện con người đã điên rồ đến mức nào. Khi đó, ông bước lên cầu thang, loạng choạng, chết. Thú vị nhất là ông chết ngược, 180 độ, đâm đầu xuống nền đất. Cảnh đấy là một xử lý tinh tế của đạo diễn. Trong khi ông Tướng đang cố gắng đi lên, thì cái chết lại đến với ông khi ông ngã xuống ngược ngạo như thế, cảnh đã đạt đến sự công phu và dụng ý rất mực kỹ lưỡng, một sự châm biếm toàn kỳ - nhân tính đang ngày một đi xuống với nền tảng đạo đức phải đi lên như chúng ta muốn nó vốn phải thế. Đấy cũng là một sự chống chọi bất lực dẫn đến cái chết. Cũng như vợ ông, khi thấy cảnh ngoại tình, đã liên tục đập cửa ầm ĩ, rồi đi ra vườn cười một cách điên dại, liên miệng hô ‘đùng đoàng’, rồi nhảy xuống sông, huơ tay múa chân chi đó. Sau đó ít lâu, bà chết. Thủy, kẻ ngoại tình cắt những miếng vải trắng tan, khi bà còn đang nằm quay qua quay lại, rồi nói với anh chồng một cách ngạo nghễ “Mẹ già rồi. Sự bi quan nữa khi trong nguyên tác, ông Tướng chết khi ở quân ngũ ‘lính’, trong phim, ông chết tại cái ‘thật’ đang vây bủa lấy ông. Tại sao lại thế, sự lạc lõng được đẩy mạnh hơn trong phim, khi chính ông là người không chịu nổi nên chết tại chỗ. Trong khi sự chịu đựng của ông Tướng trong nguyên tác đã đến hồi chấm dứt khi ông trở lại cái ‘cũ’ xưa kia, cuộc sống ‘cũ’ xưa kia, và ông chết trong đó. Cái chết nào đáng sợ hơn, trong một cái hạnh phúc dường như ảo tưởng như thật ra là lẽ sống của ông, tư tưởng của ông nằm đó. Hay chết giữa một hiện thực tàn bạo, như một con tôm co lại dưới nước sôi ??? Chấp nhận nó, hay chối bỏ nó. Cái nào chân chính hơn ? Cái nào ‘người’ hơn. Sau đó, mọi thứ lại lập lại như một vòng quay khép kín. Nguyên tác cũng thế, phim cũng thế. Kinh sợ là thế chăng, khi cái chết của ông Tướng chỉ để chấm dứt một cái gì đó mang tính lẻ đơn và nhỏ bé, xã hội vẫn thế, đảo điên vô cùng tận, chẳng đổi thay. Vẫn bi quan, vẫn chìm ngập trong sự tha hóa đó. Bán chó rồi lại có chó, Cách mạng rồi lại cũng thế, cũng như không. Cái máy xay vẫn tốt lành, xay nát những bào thai hỏng. Chó vẫn gặm. Những diễn viên với vai diễn ấn tượng của mình đã làm cho người xem cuốn mình vào đó. Chọn diễn viên rất tốt, có lẽ là rất giống với những gì đã tưởng tượng khi đọc truyện. Một bất ngờ là ông Cơ, tôi cứ tưởng phải to con hộ pháp lắm (như truyện tả), nhưng sự thay đổi về vóc dáng trong phim lại hợp lý và tôi nghĩ hay ho hơn đến mức khó tin. Một kẻ gian xảo nhưng yếu đuối. Một sự mâu thuẫn trong nhân cách con người được tạo ra dưới áp lực của xã hội. Âm nhạc chỉ có một bài chủ đạo, tùy vào hoàn cảnh mà nó thay đổi, hòa mình vào phim hơn, tạo nhịp điệu khác nhau và gợi cảm xúc khác nhau. Hơn nữa, đó là một bài nhạc hay. Nếu trên Internet lạc lõng đâu đó một Tuongvehuu Theme thì chẳng cũng khoái ru ? Đây là một bộ phim với những xung đột và mâu thuẫn liên miên, hiện và ẩn, mà ẩn nhiều hơn hiện, khiến cho đạo diễn có lẽ phải chắc tay trong việc tạo không khí – một bầu không khí đảo điên, xám xịt. Hơn nữa, nguyên bản theo tôi rất khó khăn để làm ra được một bộ phim hay đúng nghĩa, vì bản thân câu chữ trong truyện tạo sức mạnh, không phải chỉ là một câu chuyện, mà nó là một câu chuyện như không có chuyện, một bầu không khí đè nặng trên vai. Phim có làm ra được cái bầu không khí đó không, tôi nghĩ là có. Có đấy, trong từng cảnh, với đôi lúc sự im lặng nói lên tất cả, đôi lúc ánh mắt diễn viên như chợt quét vào hồn ta một bận, những tiếng chó sủa vang lừng với nước dãi cũng gợi ra một không khí ám ảnh, rồi những cảnh zoom, cận, xoay máy, vòng vèo chi đó của chuyển động máy quay cũng đã tạo nên một thứ chao đảo trong phim. Hết, bực bội vì chất lượng âm thanh DVD như ****, phim rè rè khó chịu, màu đen trắng đâm vậy mà hợp. Nằm xả lai quên mọi lo toang rằng sẽ có những thứ khó khăn đang ùa đến trong chính cuộc đời mình bây giờ. Gió không thổi, chỉ tồn đọng những tiếng kêu vù vù của một chiếc máy điều hòa đang chờ ngày quá hạng và vứt xó. Không có bắp rang, ngồi hiện đại chần dần mà xem một phim cũ mèm kể cũng tréo nghoe cẳng ngỗng, nhưng điện ảnh nào biên giới. Xóa bỏ mọi rào cản, mọi kinh nghiệm đã qua, và chỉ cần chìm mình vào nó. Chẳng cũng khoái ru ?
Harry Potter and the Deathly Hallows Part 1 (mk, cái tên dài quá) Đạo diễn : David Yates Chiều, giờ cao điểm, bụi mù, chạy lòng vòng quanh công viên Hoàng Văn Thụ hai lần mới tìm ra nơi cần đến. Chửi thầm trong bụng, mẹ kiếp, Nhà Xe, cứ tưởng lớn lắm chứ. Khi nghe Q nói, đầu tôi hình dung ra một tấm bảng Trung Dũng to oành, màu mè diêm dúa, với những ánh đèn lấp láy liên hồi, trưng ra những cơ ngơi nào xe nào cộ, người vắng - bóng xe nhiều. Nào ngờ. Cửa hàng hẹp chật như hũ nút, đông người, xe chắc đi tản cư. Hàng hóa đóng thùng văng tứ tung. Nền gạch đen và nhớp nháp. Tôi nhanh nhảu hỏi một gã trai về thứ mà Q gửi từ Buôn Mê về - một đống sách cũ, bèm nhèm, mốc meo. Lấp bấp nói lộn số điện thoại, gã trai liếc mắt và hỏi gặng lại, hên là trí nhớ u uẩn lại kịp nhanh bừng sáng. Đem sách về, gói trong một bọc ni lông mỏng tanh, hôi mùi nhớt. Má mình chửi sau khi liếc sơ qua gói sách : Mịa, tao nhớ hồi đó tao đã có cuốn này rồi (Như thế bình minh của Roblex), mà mày cứ mè nheo đòi bán vì tanh mùi gián, vì hôi mùi bụi, vì cũ kĩ, thế là tao tống khứ cho đám ve chai, bây giờ mày lại lôi một cuốn i như đúc (nghĩa là cũng cũ kĩ, tanh mùi gián) về. Mày đang trêu tao à ? Tôi cười trừ và tự hỏi : Hồi đó là hồi nào ? Tôi đang cố nhớ lại trong khi rảo chân vào cái phòng chiếu to đùng của Galaxy Nguyễn Trải, hôm nay đông, cứ tưởng người ta mải mê ở nhà xem đá bóng. 8h là chiếu, người ta nói thế, tôi đồ rằng phải đến 20 phút sau cái logo 20th century Fox mới hiện lên cho đúng nghĩa, đám người vô trễ thi nhau lướt qua màn hình, để lại những vệt đen cho văn hóa đúng giờ ở xứ ta. Phim bắt đầu với một cú cận cảnh đôi mắt, một lời hứa hẹn của Bộ Trưởng Bộ Pháp Thuật, một thứ tréo nghoe với toàn bộ câu chuyện, nhưng lí thú với cái cách mà mọi giá trị, mọi lời tuyên ngôn được họ đặt ra hoàn toàn sụp đổ trước cái bóng quá lớn Voldermort án ngữ. Cái bóng của Chúa tể Hắc Ám, của kẻ-mà-ai-cũng-biết-là-ai-đấy. Của cái Ác. Tôi cười ngay từ phút đầu tiên. Vì cái lời hứa hẹn ‘sẽ bảo vệ mọi người’ vừa mới đây của vị Bộ trưởng lại được nối tiếp bằng những dự cảm, lo âu về một thời kỳ đen tối đang đến, một người bị giết. Con rắn Nagini chồm vào màn hình. Phim u ám. Với cái tone màu đen kịt của nó. Với cái thứ âm thanh ồn ã tạo nhịp điệu tiết tấu dồn dập không ngừng xuyên suốt phim, với những tiếng radio và tạp âm len lỏi xuyên suốt hành trì cứu thế của HP. Duy có lẽ còn đâu đó những nét chấm phá mang lại thứ tình cảm ấm áp, với tone màu tươi hơn, sáng hơn, khiến cho phim còn đó những khoảng lặng tách biệt khỏi những bắn phép liên hồn, những máu, những cú liếc và những cơn hằn giọng, những máu và nước mắt. Người ta gọi HP7 là một 'road movie', có nghĩa là toàn bộ bộ phim xoay quanh một chuyến hành trì xa nhà, một chuyến đi chẳng biết về đâu, một chuyến đi thay đổi mọi thứ. Lạy Chúa, nhờ thế, tôi có thể thoát khỏi những không gian bức bối trong tòa lâu đài Hogwart như những phần trước. Nay, những cảnh toàn được trưng dụng như một biện pháp nhằm miêu tả cái sự vô tận và (mỉa mai thay) bế tắc của chuyến đi,hơn nữa, thời gian trôi qua, bốn mùa biến đổi và muôn vật cũng nhòa dần cùng những sắc màu bên trong, như một mạch ý ngầm bổ trợ cho diễn biến tâm lý của nhân vật. Song le, theo tôi, nhân vật luôn là một thứ nhạt nhòa trong các bộ phim Harry Potter. Mọi thứ tính cách nhân vật không bao giờ phát triển một cách đúng đắn mà cứ phải nương nhờ vào mạch truyện đưa đi. Hoạt động nội tâm chưa rõ nét, ngôn ngữ nhân vật được xài xể triệt để nhắm 'nói' lên tính cách nhân vật. Phần vì dung lượng phim ảnh khá ngắn để lôi ngồn ngộn cà diễn biết câu chuyện lẫn diễn biến nhân vật vào bên trong. Việc chia cắt làm hai phần có lẽ cũng để khai thác hết mọi dung lượng câu chuyện cần phải có, cần phải giữ. Có lẽ, phần này là phần đầy đủ nhất, và theo tôi, tôn trọng tác phẩm gốc nhất - cho dù với một tác phẩm chuyển thể. Có lẽ vì đây là một bộ truyện, một thứ hổ lốn với quá nhiều chi tiết kết nối giữa các phần. Và việc giữ sao cho i xì nguyên bản là điều có lẽ là khôn ngoan nhất. Tuy nhiên, việc chia làm hai phần cũng phần nào mạo hiểm, làm sao để người ta có thể đẩy mọi kịch tích và nút thắt ở đoạn kết phần này, nhưng vẫn để dành chúng cho phần tiếp theo. Làm sao nó có thể khơi gợi lên một thôi thúc để khán giả tiếp tục đồng hành ở phần hai. Mạo hiểm. Tôi thấy mạch phim đều đặn, ừ thì dồn dập thì có đó, nhưng gắn kết không đúng, sự bắt nhịp lẫn nhau không hoàn hảo, mọi thứ trôi qua cứ như không. Có lẽ đó cũng là mạo hiểm cua Rowling khi cố gắng đưa quá nhiều diễn biến vào truyện, nhưng chưa đủ đô, chưa đủ độ chín để người ta có thể nhớ lâu về chúng. Phim nghiêm trọng, có những đứa trẻ đã khóc toáng lên và ba má chúng lật đật đưa về trong những ánh mắt khó chịu từ khán giả. Quá nhiều người chết, và điều đó khiến câu chuyện trở nên nhàm chán. Có lẽ một áp lực cho chính mình của Rowling, một kì vọng rằng ra đây sẽ càng ngày càng trưởng thành trong cách viết khiến Rowling đi sai đường, từ một câu chuyện trẻ em thú vị và chân thật, càng ngày bộ truyện càng đẩy cao tính 'nghiêm trọng' phần nào giả tạo của nó lên, đẩy quá nhiều nhân vật vào, và có lẽ không thể khai thác thêm gì từ họ nữa, Rowling đẩy họ đến cái chết. Có lẽ, cái chết không phải là thứ duy nhất làm nên độ nặng, độ trưởng thành của một tác phẩm. Và vì thế, cái không khí u tối trong câu chuyện chỉ làm nên từ những chi tiết, những thứ bề mặt nhiều hơn là từ bên trong. Lên phim, vì sự đồng bộ giữa hình thức và nội dung đòi hỏi đạo diễn phải che phủ bằng một tone màu tối, nhưng tôi vẫn thấy những yếu điểm, những hành động không cụ thể, những thứ nửa vời, những máu và nước mắt giả tạo. Tôi hoàn toàn không thích diễn xuất của Daniel, những đoạn nổi giận của anh được biểu lộ trăm lần như một, những đoạn gầm lên hằn học cứ như nhau, lập đi lập lại. Emma Watson có phần khá khẩm hơn, nhưng sự non nớt vẫn có thể thấy rõ với những đoạn diễn vẫn còn khá đơ và giả. Rupert Grint là người tôi khoái nhất, không hiểu vì sao. Phim kết thúc, thời lượng dài hơi khiến tôi mệt mỏi, cộng thêm việc có vài thằng cha có lẽ đi xem phim chỉ để khoe mẽ cho bạn gái hắn là ta biết hết mọi thứ về Harry Potter - nên cứ bô bô giữa phim rằng thằng này thế này thế nọ, con nọ thế này thế kia. Ừ thì tao biết cái thằng trắng nhác lỗ mũi kì dị đó là Voldermort rồi, cần gì mày phải hét toáng lên như thế. Chạy trong gió, ngang qua những cô gái điếm nháo nhác trên cầu, tôi lại thấy lòng bình yên lạ. Và tôi nhớ ra được những khoảnh khắc Hồi đó, những khoảng khắc hồn nhiên không tì vết, những khoảnh khắc sống trọn nhất, với những huyễn hoặc, đam mê, những cuốn Harry Potter mỏng dính mỗi tuần, một anh chàng phù thủy trẻ với một vết sẹo hình tia chớp, hồn hậu, say mê. Và rồi tôi chợt hát một bài hát cũ xưa, ám mùi bụi của Willie Nelson : On the road again Just can't wait to get on the road again. Những cô điếm nghiêng nghiêng quay đầu. Bài nì hơi lảm nhảm lan man, nhưng lười edit quá.