[Chia sẻ] Reviews - Bình luận

Thảo luận trong 'Phim ảnh' bắt đầu bởi Hiendaoduc, 24/12/09.

  1. Hiendaoduc

    Hiendaoduc ||||||||||||||||||||||||||| Moderator Lão Làng GVN

    Tham gia ngày:
    10/4/06
    Bài viết:
    7,547
    Nơi ở:
    dcpromo
    [​IMG]

    Fast Five (2011)

    Bài viết có spoil nên sẽ cố gắng để chữ trắng vì lí do thẩm mĩ, mong mọi người chú ý.

    Câu chuyện tiếp tục:

    Fast Five là phần thứ 5 của series Fast & Furious đã từng làm mưa làm gió từ năm 2001. Qua 3 lần đổi đạo diễn, series FnF đang được làm bởi đạo diễn Justin Lin. Bản thân người viết không hẳn là fan của Lin từ trước vì mới chỉ xem FnF do anh đạo diễn, nhưng cảm nhận bản nhân qua Tokyo Drift, Fast 4 and Fast Five, Justin mới đúng là đạo diễn làm nên tên tuổi của FnF. Sau khi xem Fast Five, cảm nhận của người viết sau khi ra khỏi rạp - một người mê FnF như điếu đổ - là THỎA MÃN!

    Phim được tiếp nối ngay sau sự kiện của phần 4, Dom trốn thoát khỏi 25 năm tù, Brian và Mia đã đến Rio (Brazil) kiếm chuyện với ông trùm quyền lực nhất của thành phố này. Một motif rất giống Fast 4 mà ngay từ đầu phim có thể đoán ra kết cục. Tuy nhiên F5 đã gần như lột xác so với F4 với một phong cách phim khác hoàn toàn. Thay vì tự đi tìm tự do bằng gương mặt u uất thì lần này Dom và Brian đã mời đến những quái xế thượng thặng, những ông vua đường phố của tất cả các phần phim trước: Roman, Tej (2F2F), Tego, Rico, Gisele, Han (F4, TD). Đông đảo về số lượng nhân vật nhưng nhân vật nào cũng để lại những ấn tượng của riêng mình, như Tej giỏi kĩ thuật nhưng bị chê lái xe dở, Rome vẫn tiếp tục là cái loa gây rối, Han lạnh lùng và chính xác, Tego và Rico luôn luôn cãi lộn, đá đểu lẫn nhau. Xuyên suốt thời lượng phim là những câu thoại "chất lừ" của các phần tử "gây rối màn ảnh" khiến bạn phải cười sái quai hàm (nhất là khi bạn đã xem những phim trước và biết được tính khí của từng nhân vật). Một điểm cộng rất lớn là không khí của phim không hề nặng nề như F4 mà trái lại, nó mang vẻ hài hước của phần 2 nhưng được phát triển thêm nhiều nét mới. Tuy nhiên có những gương mặt quen có vai trò khá mờ nhạt như Vince - Rojas, gần như chỉ là gợi cho người xem những chi tiết của F1 (nhìn vào vết sẹo dài trên cánh tay, gọi Brian là "Buster"). Lần này lực lượng cảnh sát - kẻ săn đuổi các quái xế - cũng được chăm chút với sự xuất hiện của Luke Hobbs và đội TF141 - Tropa de Elite - The Expendables của anh ta. Tất cả đều tham gia và "bị" tham gia vào một cuộc đại náo Rio!

    Hành động mãn nhãn:

    Khía cạnh hành động của phim được đầu tư tốt với sự trợ giúp đắc lực của favela. Cái không khí quen thuộc với nhà cửa lô nhô, ngõ ngách loạn xà ngầu của Tropa de Elite và CoD Modern Warfare 2 rất phù hợp với các pha rượt đuổi, bắn nhau. Tuy nhiên đầu tư vào "Furious" quá nhiều hay sao mà hình như đạo diễn quên mất "Fast", các trường đoạn đua xe khá ít, kho xe cộ cũng chỉ phục vụ nhu cầu "nhanh" chứ không hẳn là nhu cầu "đẹp", có lẽ vì tiếp nối ngay sau F4 nên nhân vật trốn chui trốn nhủi không trang trí Vinyl, sơn cho xe, không neon (có thể mốt đấy đã lỗi thời lol). Ngoài ra trường đoạn đua xe cuối tạo cảm giác như Death Race.

    Chicks:

    Các nhân vật nam luôn là những tay đua thượng thặng, là nhân vật chính của series này. Còn nhân vật nữ - có lẽ chỉ là bình hoa cho các anh, cùng lắm là tham gia vào phi vụ theo kiểu vẫy cờ về đích. Trong đây nói đại khái thì cũng vậy, các nhân vật nữ vẫn làm xuất sắc nhiệm vụ "bình hoa". Mia vẫn làm nhân vật trung tâm của cốt truyện, nhưng sắc đẹp của cô bị lu mờ bởi Gal Gadot (Gisele) và đặc biệt là Elsa Pataky (Elena Neves). Gal Gadot đốt cháy màn ảnh bởi màn bikini làm anh Han xao xuyến (đoạn này xin cười một phát =))), còn Elsa là nữ cảnh sát với khẩu súng ngắn + chiếc áo chống đạn. Tuy thời lượng lên hình của Elsa khá ít nhưng cũng đủ làm người viết cảm thấy lực lượng cảnh sát của phần này thực sự thêm phần tươi mát mới mẻ, có lẽ khá khẩm hơn mấy anh đực rựa + mấy lão sếp đầu hói của các phim trước.

    Đã tai:

    Âm thanh của phim vẫn mang một chất riêng của Justin Lin's FnF, đó là sự gầm rú của động cơ, tiếng lết bánh chói tai, tiếng vỡ vụn của đồ đạc và... xe cộ. Tất cả làm nên không khí "điên cuồng" của phim. Vẫn là âm nhạc đậm chất Latin tiếp nối từ F4. Thêm vào đó vẫn là những đoạn score của Brian Tyler, vâng ngay từ mở đầu người viết đã biết đó là Brian vì đoạn này dùng lại nhạc từ F4 (track "Judgement"), ngoài ra có 1 trường đoạn nữa cũng xào lại nhạc của F4. Tuy nhiên đó chỉ là đoạn đầu và giữa phim, từ đó trở về sau là score mới.

    Đáng tiền!

    Dù còn một số điểm làm người viết hơi thất vọng là số cảnh đua xe ít và xe không được đẹp, nhưng F5 vẫn là một phim hay. Nhìn chung phim làm các fan hài lòng vì một cốt truyện không quá u ám, hài tục nhưng không thô, một cái kết "vui vẻ cả làng". Hình như rạp vẫn còn chiếu - mọi người hãy cùng xem và cảm nhận!

    P/S: Đoạn post-credit, lại "nốt ruồi điêu" Eva Mendes, đùa chứ em này mình ghét nhất trong tất cả các em của series FnF, em này và em Devon Aoki. Cầu giời cho nếu có phần sau thì em này không quay lại X(

    P/S 2: Sao cái phim hoành tráng như này mà poster xấu kinh dị, lại còn hiếm, tìm mãi mới thấy một cái :|
     
    Chỉnh sửa cuối: 1/6/11
  2. disaster

    disaster Fire in the hole! Lão Làng GVN

    Tham gia ngày:
    16/10/06
    Bài viết:
    2,984
    Nơi ở:
    TheNotic.ca
    Exit Through the Gift Shop (2010)

    [​IMG]

    Thể loại: Documentary | Comedy
    Đạo diễn: Banksy​


    Tại lễ trao giải Oscar lần thứ 83 vừa qua, có lẽ hầu hết khán giả tại Việt Nam và cả một số người ngồi trong nhà hát Kodak hôm đó không hiểu được sự thú vị của màn pha trò khi Justin Timberlake nói, "I am Banksy". Vậy Banksy là ai? Banksy là một street artist ẩn danh người Anh, và là đạo diễn của Exit Through the Gift Shop - bộ phim tài liệu về street art được đề cử cho Best Documentary tại Oscar 2011.

    Vậy Exit Through the Gift Shop (sau đây gọi tắt là "Gift Shop") kể về cái gì? Nó có gì đáng chú ý?

    Câu chuyện trong "Gift Shop" bắt đầu từ hơn 1 thập kỷ trước, với một người đàn ông Pháp sống ở Los Angeles mang tên Thierry Guetta. Ông này có một sở thích độc nhất vô nhị là luôn cầm theo chiếc camera để ghi lại tất cả những gì xảy ra hàng ngày. Trong một dịp tình cờ, Thierry được một người bà con giới thiệu về thế giới của street art. Ngay lập tức, Thierry bị cuốn hút vào thế giới này và quyết định xách chiếc camera của mình theo chân những street artist khắp nơi để ghi lại những hình ảnh kỳ thú của công việc này, với ý định làm một phim tài liệu. Số phận đưa đẩy, Thierry có cơ hội gặp gỡ và làm quen với Banksy, một trong những street artist nổi danh hàng đầu thế giới. Sau một thời gian đi cùng nhau, Banksy thuyết phục Thierry để lại cho mình hàng ngàn giờ ghi hình và quay về L.A, tập tành sáng tác street art. Thierry tự chọn nghệ danh "Mr. Brainwash" và rục rịch chuẩn bị cho show diễn đầu tiên của mình ở L.A vào năm 2008...

    Mr. Brainwash đã không ngờ rằng, từ vai trò người quay phim, ông ta lại trở thành "diễn viên chính" trong bộ phim tài liệu về street art được đạo diễn bởi không ai khác ngoài nghệ sĩ giấu mặt Banksy.

    [​IMG]
    Banksy trong phim

    Trước hết cần phải nói, dù là một phim tài liệu - thể loại phim mà đa số khán giả thông thường vẫn lắc đầu ngán ngẩm - "Gift Shop" vẫn là một phim vô cùng thú vị để xem, cho dù là xét trên khía cạnh giải trí. Như dòng chữ trên poster phim, "the world's first Street Art disaster movie", "Gift Shop" mang đến những đoạn phim độc nhất mà bạn khó có thể bắt gặp ở đâu về quá trình sáng tạo của những nghệ sĩ đường phố. Chắt lọc từ hàng chục ngàn giờ quay phim, Banksy và các đồng nghiệp đã minh họa nên hình ảnh một "thế giới ngầm" đầy sống động và hấp dẫn, đủ sức lôi cuốn cả những người vốn chẳng có hứng thú gì những thứ như graffiti. Bên cạnh đó bộ phim cũng khá đậm chất hài hước, phần lớn là nhờ vào ngôi sao bất đắc dĩ Thierry Guetta (aka "Mr. Brainwash"), một nhân vật như thể bước ra từ comic, có vóc dáng và cử chỉ thuộc dạng 'chỉ xem không cũng thấy vui', hẳn sẽ xuất hiện trong các bộ phim hài kế tiếp của Hollywood (j/k).

    Bên cạnh đó, "Gift Shop" mang đến một trong những phần soundtrack hay nhất của năm 2010, trong đó bao gồm ca khúc "Tonight The Street Are Ours" của Richard Hawley. Bài hát này, cộng với những đoạn footage độc đáo về street art, có lẽ xứng đáng được trao các giải (nếu có) 'Ca khúc trong phim được sử dụng hiệu quả nhất' và 'Opening credit xuất sắc nhất' của năm 2010.

    (Bản thân tôi xin cam đoan là "Gift Shop" còn mang tính thư giãn hơn đầy những bộ phim hài nhạt thếch và rập khuôn mà Hollywood vẫn cho ra lò mỗi năm.)

    Ở phương diện còn lại, "Gift Shop" đặt ra một số vấn đề đáng quan tâm. Đó là sự thương mại hóa của street art nói riêng hay nghệ thuật nói chung. Thông minh và đầy mỉa mai, tựa đề phim được đặt là "Exit Through the Gift Shop" (tạm dịch: "ra ngoài qua quầy lưu niệm"), một cách thể hiện chính xác tinh thần của phim. Hãy hình dung khi bạn tới thăm một bảo tàng, triển lãm... nào đó, nhiều khả năng nơi cuối cùng bạn đi qua để ra ngoài sẽ là một shop bán đồ lưu niệm. Một hình ảnh gây liên tưởng đến cái cách mà street art được rao bán trong phim. Exit Through the Gift Shop, qua đó đặt ra câu hỏi về "good art" và "bad art", "pure art" và "commercial art", hay "real art" và "hype art", thông qua một nhân vật có sức tượng trưng mạnh mẽ là "nghệ sĩ đường phố" Mr. Brainwash.

    Chứng kiến những ngày tháng quay phim của Thierry Guetta, có thể thấy ông ta thường xuyên đặt những câu hỏi ngô nghê, thực hiện những hành động ngớ ngẩn. Thierry có lẽ chỉ là một "fan cuồng" của street art, thay vì có những hiểu biết nhất định về bộ môn này. Thierry thích được trải nghiệm cái cảm giác trở thành một nghệ sĩ, thay vì có ý định làm nghệ thuật thật sự (mà có lẽ muốn làm cũng không được, vì không điều gì cho thấy ông ta có những kĩ năng cần thiết cả). Ấy thế mà, Thierry vẫn lấy cho mình một nghệ danh, lưu lại gương mặt mình trên khắp các bức tường ở L.A, thuê người làm việc thay mình, mở hẳn một street art gallery của riêng mình, nhờ một vài mối quan hệ để quảng bá cho gallery của mình. Kết quả là một sự kiện văn hóa chấn động thế giới ngầm ở L.A. Thierry Guetta, xuất thân là chủ một cửa hiệu quần áo theo kiểu mua lại hàng chợ rồi gắn mác hàng hiệu và bán lại với giá cao (!), nay đã trở thành street artist Mr. Brainwash, với những tác phẩm được bán với giá hàng triệu đôla. Thành công đến quá nhanh và quá dễ của ông ta nhiều người phải nghi ngờ, và thất vọng. Liệu những tác phẩm của Mr. Brainwash đáng giá đến vậy? Hay đó chỉ là sản phẩm của sự thổi phồng? Hay đó là sự khờ khạo của những người sưu tập? Liệu Mr. Brainwash có phải một nghệ sĩ thực thụ?

    "Thời gian sẽ kiểm chứng" - đó là câu trả lời của Thierry Guetta.

    Còn Banksy, tác giả của cuốn phim tài liệu, một street artist thực thụ, cũng chỉ có thể nói: "Thierry đã không chơi theo luật. Nhưng cũng chẳng có luật nào cả."

    Đưa ra một câu chuyện thú vị, lối dẫn chuyện lôi cuốn, cách biên tập tốt với những đoạn phỏng vấn được đưa vào đúng lúc đúng chỗ, thể hiện nhân vật có chiều sâu, và không thể không kể đến cái cách "lèo lái khán giả" của bộ phim, Banksy đã thể hiện mình không chỉ là một street artist tài ba mà còn là một nhà làm phim khôn ngoan. Phim dễ theo dõi với một không khí khá thoải mái, không lên gân lên cốt, không giáo điều, nhưng cũng để lại không ít suy nghĩ, như chính tác giả đã nói một cách hóm hỉnh trong phim: "Nó không phải Cuốn theo chiều gió, nhưng chắc hẳn cũng có một bài học đạo đức ở đâu đó trong phim".

    Cuối cùng, một vấn đề thường được đặt ra tranh cãi sau khi xem phim, đó là "Gift Shop" là một phim tài liệu thật hay giả. Một mặt, bộ phim chứa những hình ảnh, sự kiện và con người chân thực không thể phủ nhận. Mặt khác, những diễn biến trong phim xảy ra quá trôi chảy, quá thuận tiện, khiến cho người ta nghĩ rằng đó có thể là sự sắp đặt từ trước, rằng tất cả chỉ là một màn kịch công phu do Banksy dựng nên. Nhưng dù thế nào thì chuyện đó cũng không quan trọng, hay nói cách khác đó chỉ là vấn ít đáng quan tâm nhất khi đem "Gift Shop" ra mổ xẻ. Thật hay giả, thì bộ phim vẫn hấp dẫn, những vấn đề đặt ra vẫn thuyết phục và đáng để chúng ta suy nghĩ.

    (Mà tôi tin là phần đông khán giả sau khi xem phim, dù có những hoài nghi của riêng họ, sẽ vẫn muốn tin rằng bộ phim là thật.)

    3 từ để nhận xét ngắn gọn về Exit Through the Gift Shop: thú vị, đáng suy nghĩ và đáng xem.
     
    Chỉnh sửa cuối: 30/5/11
  3. Dream Theater

    Dream Theater Youth Gone Wild

    Tham gia ngày:
    8/5/04
    Bài viết:
    890
    Nơi ở:
    ...........
    Bugsy (1991)

    [​IMG]

    Đoạt hai trong tổng số mười để cử Oscar vào năm 1991 (Chỉ đạo nghệ thuật xuất sắc nhất và Thiết kế trang phục xuất sắc nhất), Bugsy đã khắc họa một phần chân dung Bugsy Siegel hay Benjamin Siegel, người đã gây dựng nên vương quốc sòng bạc Las Vegas nổi tiếng ngày nay.

    Câu chuyện được nhắc đến trong Bugsy không chính xác hoàn toàn như lịch sử, trái lại, là một chuyện tình lãng mạn. Warren Beatty giúp người xem thấy được một Bugsy Siegel lịch thiệp, quý phái, một quý ông đáng yêu bất chấp ông là một kẻ giết người máu lạnh. Hai tính cách tương phản này hầu như rất khó được thừa nhận: một người đàn ông đúng nghĩa với người vợ đáng yêu Esta cùng hai con nhỏ trong gia đình, nhưng đồng thời cũng là một “tay chơi” có hạng ngoài đời, rất mực yêu mến nhân tình Virginia Hill (tặng cô một chiếc nhẫn quý ngay lần đầu tiên hai người gặp mặt) và sẵn sàng giết người trong “công việc” hằng ngày nếu cần thiết.

    Chứng kiến Warren Beatty và Annette Bening diễn cặp, sẽ thật thiếu sót nếu không nhắc đến dòng quảng cáo nổi tiếng cho bộ phim Bonnie and Clyde (1967), khoảnh khắc tuyệt nhất trong sự nghiệp của Beatty: “Họ đều trẻ, họ yêu nhau… và họ cùng giết người”. Tuy Virginia Hill không trực tiếp giết bất kì ai nhưng bà rất giỏi tính toán cũng như cám dỗ kẻ khác, tương tự như nhân vật Bonnie Parker trong Bonnie and Clyde và tất nhiên cả Bugsy-Virginia và Bonnie-Clyde đều tìm thấy sự đồng điệu trong thú vui xác thịt.

    Cả đạo diễn Barry Levinson lẫn nhà biên kịch James Toback đều có chung sự quan tâm đến một giai tầng khác trong thế giới tội phạm có tổ chức nếu so với Francis Coppola và Mario Puzo nên Bugsy có một tone khác hẳn The Godfather mặc dù đều minh họa cách những tay mafia che đậy bản thân dưới vỏ bọc những doanh nhân dựa trên những quy tắc nhất định. Nếu hầu hết dàn diễn viên trong bộ phim kinh điển The Godfather đều là người Mỹ gốc Ý thì đa số những vai diễn chủ chốt trong Bugsy là người Do Thái: Ben Kingsley trong vai Meyer Lansky, ông trùm mafia duy nhất có thể hiểu rõ những suy nghĩ và hành động của Bugsy, Harvey Keitel trong vai Mickey Conhen, tên sát nhân không được tha thứ và Elliott Gloud trong vai Harry Greenberg, một người-bạn-xui-xẻo mà Bugsy sẽ đi dạo cùng, nhưng không xa.

    Nếu bạn quan tâm đến việc Las Vegas đã trở thành ngành công nghiệp mang lại lợi nhuận 200 tỉ USD như thế nào, Bugsy là một trong số những tự liệu đáng quan tâm cho dù nó chỉ phản ánh rất ít một phần lịch sử về những Flamingo, Glitter Gulch…. “Everybody deserves a fresh start every once in a while” nhưng đối với Bugsy, lần khởi đầu cuối cùng của ông thật thê thảm nhưng lại là kì tích đối với Nevada nói riêng và nước Mỹ nói chung.

    Logan​
     
  4. Dream Theater

    Dream Theater Youth Gone Wild

    Tham gia ngày:
    8/5/04
    Bài viết:
    890
    Nơi ở:
    ...........
    Days of Heaven (1978)

    [​IMG]

    Ngoài việc được công nhận rộng rãi như một bước ngoặt của điện ảnh thế giới những năm 70, Days of Heaven còn được nhiều nhà bình luận chú ý bởi cách bộ phim làm nổi bật những hình ảnh mang tính biểu tượng hơn là những đoạn thoại và cốt truyện theo truyền thống.

    Yếu tố tạo nên thành công cho Days of Heaven là những cảnh quay rất đẹp, hơn cả những bộ phim đẹp nhất từng được sản xuất. Mục đích của đạo diễn Malick không phải là kể lại một câu chuyện mang tính cường điệu mà là một sự mất mát với một màu sắc tang thương xuyên suốt phim. Ông đã thành công trong việc tạo nên sự hiu quạnh cùng vẻ đẹp vô hạn của vùng thảo nguyên Texas. Trong một giờ đồng hồ đầu của phim, chỉ có duy nhất một cảnh quay được thực hiện bên trong tòa nhà có phần vòm theo kiến trúc Gothic.

    Bối cảnh phim diễn ra tại một trang trại rộng lớn được bao phủ đầy đủ những yếu tố tự nhiên: bầu trời xanh ngắt, những dòng sông thơ mộng, những cánh đồng lúa mì chin vàng cùng lũ ngựa, chim trĩ và thỏ. Đạo diễn Malick đã sử dụng nhiều cảnh quay vào những “giờ vàng” trong ngày: những lúc sát bình minh và hoàng hôn khi bóng tối lặng thinh và bầu trời đều có cùng một tông màu. Những hình ảnh này càng được nhấn mạnh vẻ hoang sơ và tĩnh lặng dưới nền nhạc của nhà soạn nhạc nổi tiếng Ennio Morricone khi ông đã sử dụng bản “Carnival of the Animals” của nhạc sĩ người Pháp Saint-Saëns (Charles-Camille Saint-Saëns) ở thế kỉ 19 tại những cảnh quay đó. Phần nhạc nền đã tạo cho người xem một tâm trạng buồn bã, u sầu bởi những mất mát mà những nhân vật trong phim phải chịu đựng. Điều này tương tự như phần nhạc nền của siêu phẩm The Godfather nhưng phần nhạc nền trong Days of Heaven lại không quá lộng lẫy, trái lại, đáng nhớ và dễ cảm nhận hơn. Những đoạn thoại giữa các nhân vật trong phim thường dè dặt, mạch phim chậm nhưng không vì thế mà tính liền mạch bị phá vỡ.

    Vậy, thông điệp, hay ẩn ý của Days of Heaven là gì? Đây là một bộ phim được làm bởi một người hiểu rõ cảm xúc của một số việc trong cuộc sống như thế nào và tìm cách để khơi gợi cảm xúc đó trong lòng người xem. Đó là cảm giác của một đứa trẻ có một cuộc sống bấp bênh, bất ngờ được tận hưởng niềm vui và sự che chở vững chắc, đột nhiên bị tước mất mọi thứ đang được tận hưởng, bị buộc phải ra đi trong nước mắt và phải kìm nén nỗi đau, không thể bộc lộ ra ngoài.

    “My brother used to tell everyone they were brother and sister”, một câu nói phức tạp hơn nhiều so với nghĩa thông thường trong Days of Heaven.

    Logan
     
  5. Nomurasan

    Nomurasan Zael ♥ Calista Moderator Lão Làng GVN

    Tham gia ngày:
    17/1/08
    Bài viết:
    14,768
    [​IMG]

    The Passion of Christ

    Tôi dám chắc rằng: câu chuyện phổ biến nhất mà bạn được nghe khi hỏi về Jesus Christ - vị chúa của 2.2 tỉ tín đồ đạo Cơ Đốc - sẽ là “Chúa bị hành hình bằng cách đóng đinh trên cây thập giá”. Vỏn vẹn một câu nói như vậy, liệu có khắc họa đủ những gì mà Jesus đã trải qua? Tôi lại chắc thêm một điều nữa: sau khi nghe câu chuyện trên, hầu hết chúng ta sẽ tưởng tượng ra một bức tượng màu trắng treo mình trên cây thập giá của Chúa Jesus mà ta đều thấy trong nhà những con chiên ngoan đạo, hay những bức họa “thơ mộng” của các họa sĩ Phục Hưng trong các thánh đường. Bạn sẽ không biết “đóng đinh trên cây thập giá” thật sự là thế nào, ít ra cho đến khi bạn xem “The Passion of Christ”.

    Bỏ qua hình ảnh một vị thánh sống, đứa con giáng thế của Đức Chúa Trời, Đấng Cứu Tinh Messiah hay mọi hình tượng đã được huyễn hoặc hóa hay thần thánh hóa về Chúa, có lẽ chỉ ở Hollywood, người ta mới “dám” làm phim về Chúa như thế này, và có lẽ cũng chỉ Mel Gibson mới dám “cả gan” như vậy.

    Thứ lỗi cho tôi nếu bạn biết một bộ phim khác về Chúa Jesus, khi đó những phát biểu trên sẽ trở nên nực cười. Nhưng quả thật The Passion of Christ, với tôi, là bộ phim ấn tượng nhất mà tôi đã từng xem về Chúa Jesus, và nếu có những tác phẩm khác, tôi nghi ngờ chúng sẽ tạo được tác động với tôi như vậy. Mel Gibson, sau một sự nghiệp diễn xuất lẫy lừng với những “Lethal Weapon”, “Braveheart” hay “The Patriot”… lại tiếp tục chứng minh mình cũng là một thiên tài trong lĩnh vực đạo diễn, đã tạo nên một trong những bộ phim ám ảnh nhất bạn từng xem.

    The Passion of Christ chỉ đơn giản kể về những giờ cuối cùng của Jesus xứ Nazareth, người sau này đã trở thành vị Chúa của đạo Cơ Đốc. Nếu bạn là một tín đồ, hay chỉ đơn giản là người có nghiên cứu về tôn giáo, bạn sẽ biết tất cả những chi tiết trong phim đều đã ghi lại trong các tài liệu của tôn giáo này: bữa tối cuối cùng, Judas, Chúa bị tra tấn và đeo vòng gai, Chúa khiên thánh giá và vấp ngã 3 lần ra sao… cho đến Chúa bị đâm (Spear of Longinus) và Phục Sinh như thế nào… Mel Gibson chỉ đơn giản chuyển chúng thành hình ảnh - với sự chân thực đáng sợ - thay cho những câu chữ khô khan, vô hồn.

    Tâm điểm của phim cũng chính là thứ ghê sợ nhất sẽ còn đeo bám dai dẳng trong tâm trí bạn cả khi đã kết thúc: những màn tra tấn và hành hình khủng khiếp mà như đã nói, được khắc họa chân thực đến rùng rợn. Phải nói thật với bạn rằng: dù đã xem qua một lần, tôi vẫn không khỏi rùng mình khi chứng kiến lại những hình ảnh ấy. Những đòn roi lóc thịt (theo đúng nghĩa đen), những nhát đinh chát chúa ấy, phải chăng, chính là cách để Mel Gibson làm người xem đồng cảm với nỗi khổ nạn của một con người đã trải qua cách đây hơn 2000 năm, mà chẳng bút mực nào tả xiết được.

    Một điều tôi đánh giá rất cao ở Mel Gibson (cũng được thể hiện trong một tác phẩm khác của ông là Apocalypto) là đã dùng ngôn ngữ bản địa. Biết nói thế nào nhỉ, hãy nhìn “The Last Emperor” (Hoàng đế cuối cùng) của Bertolucci hay Memoir of A Geisha (Hồi ức của một Geisha) mà xem: nhân vật trong phim dù là một vị vua nhà Thanh còn… cởi truồng hay một geisha người Nhật đều nói một thứ tiếng Anh bập bẹ rất… khó chịu. Sử dụng tiếng bản địa… có lý hơn rất nhiều (tại sao lại bắt những người vốn không hề nói tiếng Anh nói một thứ tiếng Anh…”giả cầy”???) và nó chính là yếu tố thể hiện độ “chơi” của đạo diễn ^^ (Đừng quên rằng Jim Caviezel hay Monica Belluci đều là người phương Tây).

    “He was wounded for our transgressions, crushed for our iniquities; by His wounds we are healed.”
    “Người chịu thương tích cho những lỗi lầm của chúng ta, chịu hành hình cho sự độc ác của chúng ta, Người đổ máu để chúng ta được giải thoát.”

    Hãy bỏ sang một bên những quan điểm chính trị, tôn giáo hay những yếu tố gây tranh cãi, The Passion of Christ thật sự là một tác phẩm quá ấn tượng bạn không thể bỏ lỡ.

    *Chú ý: phim có những cảnh tra tấn và hành hình rất khủng khiếp nên hoàn toàn không phù hợp với người chưa đến tuổi trưởng thành
    Cơ Đốc: phiên âm Hán Việt của Christ, đạo Cơ Đốc = Christianity

    9/10
     
  6. Dream Theater

    Dream Theater Youth Gone Wild

    Tham gia ngày:
    8/5/04
    Bài viết:
    890
    Nơi ở:
    ...........
    Rumble Fish (1983)

    [​IMG]

    Chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Mĩ Susan Eloise Hinton, Rumble Fish có nội dung xoay quanh mối quan hệ giữa Motorcycle Boy (Mickey Rourke) và người em trai Rusty James (Matt Dillon) với đoạn giới thiệu nội dung ngắn gọn khi xuất hiện trên thị trường vào mùa thu 1983: “Rusty James can’t live up to his brother’s reputation. His brother can’t live it down”.

    Francis Ford Coppola, đạo diễn Rumble Fish đã gọi đây là “một bộ phim nghệ thuật dành cho tuổi teen”. Phim mang đến cho người xem những cảm xúc, góc nhìn cùng nhiều âm thanh đan xen lẫn nhau hơn là một câu chuyện nên sau khi xem, người xem có cảm tưởng vừa xem một bô phim về đề tài băng nhóm nhưng lại không dám chắc nhận xét đó đúng hay sai.

    Toàn phim được quay theo kiểu trắng đen chỉ trừ cảnh quay tại cửa hàng thú kiểng, những chú cá piranha (cá hổ) được “đặc ân” xuất hiện trong bể với hai màu đỏ và xanh. Kết hợp với màu trắng sẵn có, hình ảnh về quốc kì nước Mĩ là thứ người xem có thể dễ liên tưởng nhất. Bên cạnh đó, bể cá cùng những chú cá piranha còn tượng trưng cho tuổi trẻ của mỗi người: luôn bốc đồng, sẵn sàng dùng nắm đấm để giải quyết mâu thuẫn cũng như những rủi ro sẽ xuất hiện khi bước vào một môi trường mới với đầy những cạm bẫy và hiểm nguy:

    - How come the tank is separated?
    - These are rumble fish.
    - They’d kill each other if they could.

    - Watch this. If you lean a mirror up against the glass, they try to kill themselves.


    Chỉ với bể cá, đạo diễn Coppola khắc họa rõ nét đặc tính của loài cá piranha cùng hình ảnh về lứa tuổi “teen” trong xã hội hiện đại từ xưa đến nay.

    Xuyên suốt phim, những hoạt động của các nhân vật như gặp gỡ, trò chuyện, đánh nhau, tranh luận và đôi lúc là chết được xây dựng theo hướng cách điệu hóa cao độ: sau khi bị đánh vào đầu và bất tỉnh, linh hồn Rusty James bay lơ lửng quanh những dãy phố mình sống và chứng kiến những người quen bày tỏ sự đau xót trước cái chết của mình. Cảnh quay này chắc chắn là cảnh đáng nhớ nhất trong Rumble Fish và cũng có thể là cảnh gây nhiều ngạc nhiên nhất vì không ai có thể tin được sau khi “dạo” một vòng, linh hồn Rusty James lại quay về thể xác để chứng kiến một bi kịch khác. Một nét đặc sắc khác không thể không nhắc đến trong Rumble Fish: mỗi cảnh quay đều được đạo diễn Coppola thực hiện với nền là những màn sương, hơi nước và khói thuốc luôn dâng lên cuồn cuộn. Thêm vào đó, ở những cảnh quay ngoài trời, đạo diễn Coppola đã sử dụng những hiệu ứng đặc biệt khiến những đám mây trôi lơ lửng một cách kì quái, tạo cho người xem có cảm tưởng như đang xem một giấc mơ của một người khác.

    Ngoài việc được đánh giá là một phim mang phong cách thể nghiệm trong việc sử dụng những cảnh quay có độ tương phản cao, chỉ gồm hai màu trắng và đen, Rumble Fish còn được chú ý bởi sự góp mặt của Stewart Copeland, tay trống của nhóm The Police khi ông sử dụng một thiết bị mới vào thời bấy giờ có tên Musync để thực hiện phần nhạc nền.

    “Time is a funny thing. Time is a very peculiar item. You see when you’re young, you’re a kid, you got time, you got nothing but time.”. Tận dụng thời gian một cách có ích hay hủy hoại nó khi bước ra “biển lớn” như những chú piranha cuối phim, hoàn toàn do chính bản thân chúng ta quyết định.

    Logan​
     
  7. Dream Theater

    Dream Theater Youth Gone Wild

    Tham gia ngày:
    8/5/04
    Bài viết:
    890
    Nơi ở:
    ...........
    Gattaca (1997)

    [​IMG]

    Sự ra đời của cừu Dolly, kết quả của quá trình nghiên cứu nhân bản vô tính vào ngày 5 tháng 7 năm 1996 đã dấy lên những lời chỉ trích và lo ngại rằng: khoảng cách từ việc nhân bản cừu đến việc tạo bản sao người chỉ còn là một quãng ngắn. Cho đến nay, khi khoa học chưa thể thành công trong việc tạo ra một “cô nàng” Dolly nào khác cũng như những tranh cãi về khía cạnh đạo đức xung quanh việc nhân bản vô tính vẫn còn xuất hiện dai dẳng, đã có một bộ phim khoa học viễn tưởng không chỉ đề cập đến vấn đề này, thậm chí còn xây dựng một xã hội giả tưởng dựa trên những con người hoàn hảo này xuất hiện cùng thời điểm khi cừu Dolly chính thức ra mắt công chúng sau một năm chào đời.

    Những bộ phim khoa học viễn tưởng xuất hiện trước Gattaca đều tập trung khai thác những vấn đề liên quan đến người ngoài hành tinh nhưng đó chưa phải là nét đặc sắc nhất của thể loại này. Điểm làm nên sự khác biệt cũng như thành công của thể loại này chính là khả năng xử lí, phát triển những ý tưởng mới lạ từ cuộc sống thực của các đạo diễn. Khi Gattaca xuất hiện, thế giới đã biết đến cừu Dolly cùng những trái cà chua là những kết quả đầu tiên của việc nghiên cứu nhân bản vô tính nên bối cảnh trong phim hoàn toàn có thể chấp nhận được về mặt lí thuyết.

    Lấy bối cảnh trong “một tương lai không quá xa”, trong một xã hội mà hầu hết những đứa trẻ sinh ra đều hoàn-hảo thông qua việc lựa chọn cá thể tốt nhất ngay từ lúc chúng còn ở dạng phôi thai. Ngay từ những cảnh quay đầu tiên, bộ phim đã khiến người xem phải suy ngẫm: Các bậc cha mẹ sẽ sẵn lòng chọn lựa cho họ những đứa con “hoàn hảo” khi điều kiện cho phép? Nếu là bạn, bạn sẽ để yếu tố may rủi quyết định tương tự như việc tung một con súc sắc hay tận dụng cơ hội đó để lựa chọn “sản phẩm” và “hình mẫu” mà bạn mong muốn? Bao nhiêu người sẵng sàng mua một chiếc xe một cách ngẫu nhiên từ hàng triệu, hàng trăm triệu chiếc xe có sẵn? Đó chính là vấn đề Gattaca muốn đề cập: bao nhiêu bậc cha mẹ sẽ lựa chọn việc sinh con một cách tự nhiên trong thế giới mang tên Gattaca?

    Bên cạnh đó, Gattaca còn gửi đến người xem thông điệp về lòng quyết tâm của Vincent (Ethan Hawke), một trong số những-đứa-trẻ-không-được-mong-muốn được sinh ra trong Gattaca. Mọi ước mơ, đam mê dành cho việc du hành trong không gian của anh hoàn toàn sụp đổ vì cho dù anh có học tập, làm việc chăm chỉ đến đâu chăng nữa, sẽ không ai tuyển một cá thể được nhận dạng “invalid”. Tuy nhiên, quyết tâm của Vincent dường như không có giới hạn khi anh sẵn sàng làm bất cứ điều gì để thách thức với số phận. Một thông điệp tưởng chừng đơn giản trong xã hội ngày nay nhưng trớ trêu thay, trong một “xã hội hoàn hảo” như Gattaca, đó lại là một trở ngại cực kì to lớn khi bài phỏng vấn xin việc của Vincent là một buổi kiểm tra nước tiểu để xác định anh thuộc về nhóm “valid” hay “invalid”.

    Đạo diễn Andrew Niccol đã sử dụng nhiều tông màu lạnh và trung tính trong hầu hết những cảnh quay của Gattca, khiến người xem chỉ có thể cảm nhận bằng những từ ngữ hết sức ngắn ngọn: “đẹp” và “tuyệt vời”. Với cách xây dựng này, ông muốn làm nổi bật một xã hội tương lại hoàn toàn “sạch sẽ”, không có bất kì tì vết nào do con người gây ra. Trái lại, những cảnh quay ngoài trời lại được bao phủ bởi ánh nắng vàng dịu vào lúc hoàng hôn, tạo cho người xem một cảm giác thư thái và bình lặng. Phần nhạc nền được nhà soạn nhạc người Anh Michael Nyman đảm nhận với hầu hết các sáng tác bằng violin. Ông từng được khán giả biết đến với tác phẩm nổi tiếng The Heart Asks Pleasure First khi thực hiện nhạc nền cho phim The Piano từng đoạt 3 giải Oscar. Do đó, không có gì ngạc nhiên khi Gattaca được đề cử cho giải Oscar ở hạng mục Chỉ Đạo Nghệ Thuật Xuất Sắc dù không thành công về mặt doanh thu tại các phòng vé.

    Trong thế giới mang tên Gattaca, mọi người sẽ sống lâu hơn và khỏe mạnh hơn nhưng liệu điều đó sẽ mang lại nhiều niềm vui cho họ? Các bậc cha mẹ sẽ “chọn” cho mình những đứa con bất trị, vụng về, hay thông minh và sáng suốt hơn nhiều so với cha mẹ của chúng? Trong Gattaca, có một buổi trình diễn của một nghệ sĩ piano có đến 12 ngón tay. Liệu có lúc nào trong cuộc sống, bạn chợt nghĩ rằng mình đã được sinh ra “đúng thời”?

    Logan​
     
  8. Dr. House

    Dr. House Legend of Zelda

    Tham gia ngày:
    5/10/10
    Bài viết:
    1,073
    Nơi ở:
    Cuddy's Boobies
    Móc lên từ cái thớt này: http://forum.gamevn.com/showthread.php?674537-Rashomon-1950-bo-phim-xuat-sac-thu-2-cua-Kurosawa


    Để có cái nhìn tổng quan hơn về đạo diễn Akira Kurosawa mời bạn đọc thêm ở ĐÂY

    [​IMG]


    Nói đến Kurosawa là người ta nhớ đến Seven Samurai - bộ phim đỉnh cao của ông và cũng là tác phẩm vĩ đại nhất của điện ảnh Nhật Bản.
    Nhưng nhắc đến Kurosawa ta cũng ko thể ko nhắc đến Rashomon.
    Ko hiểu sao mỗi lần xem lại Rashomon ấn tượng của tôi về Kurosawa lại càng mạnh mẽ - như trong Suối Nguồn, Ayn Rand đã viết những tòa nhà cao chọc trời ko làm cho người kiến trúc sư trở nên nhỏ bé mà khiến họ càng trở nên vĩ đại...

    Nói về nguồn gốc xuất xứ của Rashomon thì có 1 chuyện mỉa mai thế này.
    Trước khi làm Rashomon, Kurosawa cũng đã làm 1 vài bộ phim có chút dấu ấn.Nhưng trái ngược với kì vọng của ông, Rashomon bị giới phê bình "đập" cho tơi ta và mặt doanh thu cũng thất bại thảm hại.
    Bộ phim lúc đó đã bị vứt vào kho cho bụi mốc meo.
    Nhưng có 1 phái đoàn gì đấy (quên tên) về phim ảnh của Ý đến Nhật Bản và yêu cầu được xem 2 bộ phim hay nhất và dở nhất năm đó.Phim dở nhất người ta đã mang ra Rashomon.
    Thật bất ngờ là họ lại có ấn tượng mạnh về bộ phim này và mang nó đến liên hoan phim Venice năm 1951.Ở đó Rashomon đã gây được tiếng vang lớn và làm thay đổi hoàn toàn cách nhìn nhận về điện ảnh châu Á của giới phương Tây.
    Cũng cùng năm đó, Rashomon được giải Oscar cho phim nước ngoài hay nhất.
    (Giải Oscar đầu tiên cho phim Nhật)
    Trở về Nhật, Rashomon được tung hô, Kurosawa được tung hô như 1 người hùng.Chính những kẻ lúc trước chê bai thậm tệ bao nhiêu nay dường như đã quay ngoắt 180 độ.
    Nhưng dù sao phim của Kurosawa vẫn ko được người Nhật coi trọng như giới phê bình nước ngoài.

    Hồi trước khi đọc những dòng này, tôi chợt nhận ra thói đời là vậy, 50 năm trước hay bây giờ hay 50 năm sau vẫn vậy.Thực sự số người có lập trường chính kiến ko nhiều, số còn lại chỉ là những kẻ a dua, hùa theo.

    Nhiều lúc tôi hay tự hỏi nếu ko có phái đoàn Ý ấy đến Nhật, nếu Rashomon ko được đưa ra,... biết bao "nếu-thì"... thì liệu Kurosawa có đạt đến đỉnh cao như bây giờ? Hay vẫn chỉ là 1 đạo diễn làng nhàng vô danh?
    Biết bao tài năng đã bị thời thế và thói đời vùi dập như vậy?
    Tôi tự hỏi khi chứng kiến đứa con tinh thần của mình ko được "số đông" thấu hiểu, bị chà đạp thì họ đau đớn đến mức nào?

    Lại nghĩ đến Roark và Dominique trong Suối Nguồn, Dominique đã dùng mọi cách để ngăn cản các hợp đồng kiến trúc đến với Roark chỉ vì cô nói:những tác phẩm của Roark ko đáng để cho lũ người kia sống trong đó,chà đạp lên nó mà ko hiểu được những gì anh gửi gắm đến?

    Lí tưởng có thể thật sự mạnh đến thế?

    Nãy giờ lan man quá - thôi quay lại với Rashomon.

    [​IMG]

    là bộ phim điện ảnh trắng đen, không sử dụng bất cứ kỹ xảo nào, kinh phí làm phim rất thấp, xuyên suốt bộ phim chỉ có tám nhân vật được bao phủ trong một bầu không khí ảm đạm, thê lương của xã hội Nhật Bản vào thế kỷ 11: thiên tai, dịch bệnh, chiến tranh...
    Vậy những lí do nào khiến nó trở nên kinh điển như vậy?

    Trước hết, Rashomon được chính tay Kurosawa chỉnh sửa và ông đã phát minh ra nhiều kĩ thuật mới mà ngày nay ta ko còn xa lạ gì.

    Hẳn ở đây ai cũng đã xem Cloverfield - 1 bộ phim được quay từ góc nhìn người thứ nhất, máy quay chính là đôi mắt nhân vật và các khung hình rung lên theo từng hơi thở, từng nhịp bước.Ý tưởng đó thực ra đã được Kurosawa sử dụng lần đầu tiên trong Rashomon.

    1 thủ pháo độc đáo nữa của ông đó là cách kể hồi tưởng qua lời kể của các nhân vật, thậm chí là hồi tưởng chồng bên trong một hồi tưởng khác. Các nhân vật kể cùng một câu chuyện nhưng lại kể khác nhau, theo quan điểm và mục đích của mình, do đó làm cho khán giả lẫn lộn không biết chuyện nào là thật. Thủ pháp này 1 gia tài cực giá trị và được đưa vào sách giáo khoa đạo điễn, đã có quá nhiều phim kinh điển sau này áp dụng chúng mà gần đây nhất đó là bộ phim Vantage Point (2008) khi chúng ta lần lượt đi qua cùng 1 sự kiện bởi 8 hồi ức, 8 thế giới quan của 8 con người khác nhau.

    Quả thật phong cách làm phim của Kurosawa cực phá cách khi so vào thời điểm đó.
    Sự cầu toàn của ông đã tạo nên biệt danh "Hoàng đế".

    Ông còn dùng 1 kĩ thuật mà nay đã tuyệt chủng đó là dùng máy quay từ xa kết hợp với ống kính tele để làm khung hình trở nên phẳng hơn,ngoài ra theo ông nó cũng làm cho diễn viên nhập tâm diễn hơn khi ko bị ảnh hưởng bởi người khác.

    1 kĩ thuật khác cũng ko xa lạ gì bây giờ đó là Multi-cam: Kurosawa dùng 3 máy quay ở 3 cự li xa, trung bình và gần - dùng các góc quay rộng và di chuyển nhanh để tạo ra sự quyết liệt và gay cấn của các cảnh hành động.

    Về kĩ thuật và giá trị nghệ thuật là thế, còn về nội dung thì sao?

    Lời khai của tên cướp Tajomaru:

    [Spoil]Khi đã thỏa mãn dục vọng, nghe theo lời vợ của anh võ sĩ rằng cô chỉ có thể chọn một trong hai người đàn ông, Tajomaru đã thách đấu kiếm với anh võ sĩ để xem ai thắng cuộc sẽ chiếm được người đẹp. Thế là Tajomaru cởi trói cho anh võ sĩ và đấu kiếm với anh 23 hiệp. Cuối cùng, Tajomaru là người chiến thắng, còn anh võ sĩ thì mất mạng...[/Spoil]

    Lời khai của người chồng nhập vào xác bà đồng:


    [Spoil]Sau khi làm nhục vợ anh võ sĩ, tên cướp muốn bỏ đi, nhưng vợ anh đã tình nguyện đi theo tên cướp và bảo tên cướp giết anh. Tên cướp nghe xong rất bất bình trước sự độc ác của người vợ, hắn đã cởi trói cho anh và quay ngược lại đuổi giết vợ anh... Đau khổ và nhục nhã trước sự bạc tình của vợ, anh đã rút kiếm tự sát.[/Spoil]

    Lời khai của người vợ:


    [SPoil]Bị tên cướp cưỡng hiếp, cô không còn mặt mũi nhìn mặt chồng nữa, nên nhặt con dao găm lên cắt dây trói cho chồng, rồi cô đưa con dao cho chồng và cầu xin anh hãy giết cô đi. Gào thét một hồi thì cô ngất đi, khi tỉnh dậy cô phát hiện chồng mình đã bị chết với lưỡi dao đâm sâu vào ngực.[/Spoil]

    Lời khai của ông tiều phu:


    [Spoil]Thực hiện xong hành vi đồi bại, tên cướp đề nghị vợ của anh võ sĩ hãy đi theo hắn. Nhưng vợ anh võ sĩ dứt khoát không chịu, cô nàng cắt dây trói cho chồng, nhưng không ngờ người chồng lại sỉ nhục cô thậm tệ. Đau lòng, uất ức khi bị chồng miệt thị, vợ anh võ sĩ khiêu khích hai người đàn ông đánh nhau. Kết quả, anh võ sĩ bị chết, người vợ thì chạy thoát.[/Spoil]

    Người duy nhất biết rõ chân tướng vụ án này là ông tiều phu, nhưng vì ông đã ăn cắp thanh kiếm quý giá của anh võ sĩ nên không dám nói ra sự thật, vì sợ chuốt họa vào thân. Sau khi làm chứng ở công đường, trên đường về nhà, ông tiều phu vào trú mưa tại ngôi miếu Lã Sanh Môn. Cùng trú mưa với ông trong miếu còn có một gã ăn xin và một vị hòa thượng.

    [SPoil]
    [/Spoil]


    Bộ phim có 1 giá trị nhân văn sâu sắc.
    Kurosawa đã hoàn toàn đúng: bản chất của con người là dục vọng, là ích kỉ và tham lam.
    Con người là 1 giống loài tiến hóa cao nhất nhưng cũng độc ác nhất.
    Tuy vậy,Kurosawa ko tỏ ra bi quan khi mà ông kết thúc phim bằng 1 câu:
    "Tôi vẫn tin vào con người"
     
    phanthieugia thích bài này.
  9. Hiendaoduc

    Hiendaoduc ||||||||||||||||||||||||||| Moderator Lão Làng GVN

    Tham gia ngày:
    10/4/06
    Bài viết:
    7,547
    Nơi ở:
    dcpromo
    [​IMG]

    Transformers: Dark of the Moon (2011)

    Bài viết sẽ spoil một vài chi tiết, mọi người chú ý.

    Transformers: Dark of the Moon (DOTM) là phần thứ 3 trong series Transformers của đạo diễn Michael Bay. Sau khi trở thành một bộ phim hành động đỉnh cao năm 2007, tuột dốc thảm hại năm 2009 (vì một số lí do khách quan), DOTM đã được Michael Bay hứa hẹn sẽ trở thành phim hay nhất trong series Transformers của ông - và nếu như lời Bay nói là đúng - sẽ là một cái kết tuyệt vời cho series. Vậy những lời hùng hồn như vậy sẽ thành hiện thực?

    Cuộc chiến cuối cùng:

    Qua những đoạn trailer, chúng ta có thể hiểu lờ mờ rằng từ những năm 1960, Mỹ và Xô Viết đã cố gắng chạy đua vào không gian để tìm hiểu về một cái-gì-đó đã đáp xuống mặt trăng. Một khởi đầu khá giống như P1, tuy nhiên lần này không chỉ là những máy dò trên sao Hỏa bắt được hình ảnh không rõ ràng, mà là con người (Neil Armstrong và Buzz Aldrin - sự liên kết thú vị tới những chi tiết lịch sử) đã nhìn thấy một con tàu bằng chính mắt mình. Tất nhiên tất cả những điều đó được giấu kín và sẽ bị lịch sử chôn vùi nếu như hàng chục năm sau, những sứ giả thực thụ của nền văn minh đã chế tạo ra con tàu trên không viếng thăm Trái đất và ngay lập tức quậy tung mọi thứ lên. Trên con tàu lạ ẩn chứa một công nghệ được cho là sẽ kết thúc cuộc chiến giữa Autobot và Decepticon. Tất cả đều nói lên một điều: từ rất lâu, con người đã biết rằng mình không cô độc trong vũ trụ, và một ngày nào đó con người sẽ phải chạm trán với những vị khách không mời đến từ không gian.
    Với ý đồ là phần cuối của series, cốt truyện của DOTM phác họa nên những chi tiết của một cuộc chiến cuối cùng, điểm mặt chi tên và phô diễn tài nghệ của tất cả các robot, cả những gương mặt quen từ 2 phần trước lẫn những robot mới toe xuất hiện trong phần này. Ngoài ra còn là một âm mưu của các tay to nhằm hợp tác với Decepticons. Cá nhân người viết thấy cốt truyện của phim khá ổn, đưa lại cho người xem nhiều cảm xúc. Không chỉ là chia phe phái thẳng tưng, ai tốt ai xấu rõ ràng, DOTM đã đưa vào sự lừa lọc và bội phản, một điều rất khác so với 2 phần phim trước. Nói chung cốt truyện của DOTM được đầu tư khá tốt, tuy không quá lắt léo hại não như phim của Nolan nhưng đủ hấp dẫn để thu hút khán giả từ đầu đến cuối. Phần cốt truyện người viết xin viết vắn tắt đại khái như vậy nhằm tránh spoil những chi tiết ăn tiền của phim.

    Hoành tráng!

    Đạo diễn Michael Bay nổi tiếng với những màn hành động cháy nổ hoành tráng gây hiệu quả thị giác rất cao. DOTM được quay với công nghệ 3D, và theo như lời đạo diễn "Như Avatar", phim sẽ mang lại cho người xem những pha hành động mãn nhãn và dồn dập. Cá nhân người viết thấy hiệu ứng 3D được thể hiện rất tốt ở đầu phim, tuy nhiên càng về cuối phim thì tần suất đá gạch bay càng ít và kém. Một điểm trừ nữa (ý kiến riêng của người viết) là đeo kính 3D làm phim bị tối khá nhiều, không biết đó là vì kính hay vì rạp (người viết xem ở NCC). Nói chung hiệu ứng 3D của phim thể hiện tốt.
    Phần hành động của phim được đầu tư kĩ càng, đặc biệt là trong khoảng 60' cuối phim. Các robot đã có dịp phô diễn tất cả những kĩ năng và đồ đạc của mình. Optimus Prime lần này mang theo một kho vũ khí trên thùng xe như Cloud Strife mang theo chiếc xe máy của anh ta. Autobots lần này giống như những phần phim trước, tuy ít về quân số nhưng phong phú về kĩ năng, tương phản với Decepticons lấy lượng để bù chất. Những trường đoạn chiến đấu có cải tiến rõ ràng so với phần trước, các cảnh transform không bị cảnh camera dí sát sạt làm rối tung rối mù không phân biệt nổi chân với tay, các cảnh chiến đấu cũng được quay xa làm khán giả dễ theo dõi và có độ dài tương đối ấn tượng. Những điểm nhấn của hiệu ứng phim là cảnh tòa nhà cao tầng bị một Decepticon vặn đứt (đã xuất hiện trong trailer) và trận chiến cuối cùng của các thủ lĩnh. Có thể nói rằng đạo diễn Michael Bay đã giữ đúng lời hứa khi nói rằng DOTM sẽ "tối tăm và bạo lực hơn" bởi những cảnh chiến đấu tuy toàn sắt thép nhưng cực kì tàn bạo, với những pha độc thủ như bay chân gãy tay, chặt đầu rút xương, nổ mắt vỡ mồm. Tần suất và số lượng các robot xuất hiện trên màn ảnh được tăng cao, cộng với quay phim tốt đã đẩy mặt hành động của phim lên rất cao và thỏa mãn khán giả. Tuy vậy người viết cảm thấy có nhiều cảnh phim hơi bị cụt, nhiều đoạn chuyển cảnh quá đột ngột làm người xem khó chú ý nội dung phim ví dụ như lúc cả nhóm Autobot bị bắt. Hi vọng về một phiên bản Extended sẽ được phát hành?

    Cải tiến - đỡ bị ăn chửi!

    Sau một phần 2 tuy doanh thu cao nhưng bị cư dân mạng cũng như ngoài đời chê bai tơi tả, DOTM đã cải tiến rất nhiều, cả về cốt truyện cũng như cách truyền tải. Không còn những trường đoạn thô bỉ như mông của John Turturro, cảnh sex của 2 con chó hay bà mẹ của nhân vật chính làm loạn ở trường đại học, lần này phim xoáy sâu vào cuộc chiến sinh tử của 2 phe transformer và số phận của loài người. Các robot thể hiện cảm xúc khá rõ, các nhân vật loài người cũng có nhiều việc để làm hơn ngoài việc chạy và la hét. Một số trường đoạn phim gây ấn tượng khá mạnh như trường đoạn Sentinel Prime bất ngờ trở mặt, cảnh Chicago đổ nát vì sự tàn phá của Decepticons, tuy nhiên các trường đoạn cảm xúc chưa được đẩy lên cao trào mà hơi vắn tắt, gây hụt hẫng cho khán giả. Khác với P2, về tổng thể phim tạo cảm giác khá nghiêm túc và u ám. Có thể nói rằng, những cải tiến đã tạo nên sức hấp dẫn cho DOTM.

    Âm thanh: Thất vọng!

    Lần này người viết khá thất vọng vì âm thanh của phim không gây nhiều ấn tượng. Đặc biệt là soundtrack, ngoài tiếng piano của Iridescent để làm nền cho một số trường đoạn gây xúc động của phim và credit thì các bài hát xuất hiện khá ít và không đem lại ấn tượng. Score cũng là một điểm trừ khá lớn khi dùng lại khá nhiều những track của P1 và P2. Main Theme được remix lại nên không gây cảm giác quen thuộc, tuy nhiên có trường đoạn dùng lại nhạc của P2 khá rõ ràng (track "Heed Our Warning"), chẳng lẽ Sentinel Prime lại phải dùng hàng thừa của The Fallen (!?). Ngoài ra những score mới của phim có vẻ mang đậm chất Hans Zimmer - Inception, gần như không nhận thấy phong cách của Steve Jablonsky nữa. Không có nhạc cho trường đoạn chiến thắng, không có nhạc cho những trường đoạn gây cảm xúc (Sentinel Prime phản bội, Ironhide bị giết, Autobots bị đuổi). Nói chung người viết cảm thấy đã mắt với hình ảnh phim nhưng lại không đã tai lắm với âm thanh. Đây quả thực là một điểm trừ khá nặng vì người viết từng có ấn tượng với soundtrack của 2 phần phim trước.

    Chỉ ở mức vừa đủ!

    Đạo diễn Michael Bay đã thành công khi giấu khá kĩ những thông tin phim làm khán giả phải tò mò ra rạp. Không phủ nhận rằng phim hay hơn hẳn P2 nhưng dường như vẫn còn một nét nào đó chưa thể ấn tượng bằng P1 2007. Khía cạnh hành động được đẩy lên mức dày đặc làm mãn nhãn khán giả, tuy nhiên vẫn còn khía cạnh chưa được đầu tư kĩ lưỡng khiến phim chưa thể coi là một phim thực sự hay. Dù vậy DOTM vẫn là một bộ phim đầy cảm xúc, một kết thúc đủ thỏa mãn cho một trilogy đã làm mưa làm gió suốt 4 năm. Mong rằng trong tương lai, series Transformers sẽ được reboot bởi một đạo diễn khác, để chúng ta sẽ còn được nhìn thấy Optimus Prime và các bạn tiếp tục đập tan màn ảnh rộng. Còn bây giờ xin hãy cùng xem và cảm nhận bom tấn hoành tráng nhất mùa hè này!
     
    Chỉnh sửa cuối: 4/7/11
  10. Dream Theater

    Dream Theater Youth Gone Wild

    Tham gia ngày:
    8/5/04
    Bài viết:
    890
    Nơi ở:
    ...........
    Sleepers (1996)

    [​IMG]

    Chuyển thể từ tiểu thuyết đầu tay cùng tên của tác gia Lorenzo Carcaterra, Sleepers với sự góp mặt của dàn diễn viên tên tuổi Robert De Niro, Dustin Hoffman, Kevin Bacon, Brad Pitt và Jason Patric đã tạo nên những luồng khen chê trái ngược về tính xác thực mà bộ phim trình bày.

    Lấy bối cảnh tại Hell’s Kitchen, khu vực giáp ranh Manhattan, nằm giữa đường 34 và đường 59, trải dài từ Đại lộ số 8 đến sông Hudson, Sleepers đã tái hiện thành công hình ảnh địa danh từng xuất hiện nhiều lần trong các tiểu thuyết nổi tiếng như Fortunate Pilgrim (Mario Puzo), Run for Your Life (James Patterson và Michael Ledwidge)… vào những năm 60 và 70 của thế kỉ trước.

    Nếu từng xem GoodFellas hẳn khán giả sẽ hiểu họ đang thưởng thức gì với Sleepers: một câu chuyện được kể lại có phần phóng đại quá mức về việc trưởng thành tại New York và hệ quả từ những việc xảy đến với những nhân vật chính khi họ chỉ là những đứa trẻ. Và, tương tự như cách đạo diễn Scorsese đã thực hiện, đạo diễn Levinson đã để câu chuyện được tường thuật qua ký ức của Shakes (Jason Patric). Thủ pháp này giúp người xem cảm nhận mạch truyện được tiến triển nhanh chóng cũng như những trải nghiệm về cuộc sống của “người dẫn truyện”.

    Diễn xuất tuyệt vời của hai ngôi sao Dustin Hoffman và Robert De Niro là những điểm trước nhất khiến người xem phải lưu tâm khi thưởng thức Sleepers. Song song, khâu tuyển chọn diễn viên cũng là một thành công khác của phim. Jason Patric và Brad Pitt chỉ được chọn vào hai vai phụ trong nhóm bộ tứ Hell’s Kitchen trong khi hai nhân vật chính là những diễn viên hoàn toàn vô danh. Chính điều đó giúp phim hướng người xem vào cốt truyện hơn là chú ý đến quá trình buộc tội hai kẻ sát nhân. Bên cạnh đó, những cảnh quay tại tòa án thật sự khiến mỗi khán giả phải tự đặt câu hỏi về những chuẩn mực đạo đức được họ đặt ra trong cuộc sống này.

    Fargo của anh em nhà Coen từng được giới thiệu dựa trên một câu chuyện có thật nhưng chính họ lại thừa nhận điều ngược lại. “Câu chuyện có thật” mở đầu ở một số phim cũng như tiểu thuyết dường như đã trở thành một đề từ thuộc phạm trù nghệ thuật. Đã có nhiều ý kiến nghi ngời về tính chân thực của Sleepers bởi Lorenzo Carcaterra đã cho những nạn nhân của mình phát triển bình thường về mặt tâm lý sau hơn chục năm phải chịu những chấn thương tinh thần cùng với lời nói dối của một linh mục. Liệu điều đó là hoàn toàn bình thường trong thế giới thực và kết quả từ những quyết định có liên quan đến khía cạnh đạo đức vẫn tương tự như trong tiểu thuyết và trên phim?

    Hai điểm sai không thể tạo nên một điểm đúng nhưng nếu là 100 điểm sai, liệu có thể? Dù sao đi nữa, những điểm phi lý kia lại giúp cho Sleepers có một cốt truyện cực kì vững chắc. Tiếc thay, điều đó chỉ giúp khán giả dừng lại ở mức giải trí và nghi ngờ về độ xác thực hơn là nghiền ngẫm và quyết định sẽ xem lại phim hay không.

    Logan​
     
  11. Nomurasan

    Nomurasan Zael ♥ Calista Moderator Lão Làng GVN

    Tham gia ngày:
    17/1/08
    Bài viết:
    14,768
    [​IMG]

    Có thể nói ngay điểm tuyệt nhất của Rio là đã mang lại một... Rio (thành phố du lịch nổi tiếng của Brazil) tuyệt đẹp, ngập tràn màu sắc và đủ sức mê hoặc bất cứ con mắt khó tính nào. Bạn mong chờ gì ở một bộ phim về... vẹt? Sự lòe loẹt chứ còn gì nữa!!! Màu sắc, màu sắc ở khắp mọi nơi, có vẻ như nhà làm phim đang muốn mang lại – xin lỗi phải dùng từ hơi “bốc” một chút – một “cơn cực khoái về màu sắc”. Rio có gì? Biển xanh, cát trắng, nắng vàng! Có Carnaval rực rỡ, có những khu rừng rậm xanh mát và đủ mọi loài chim mà tưởng như Đấng Tạo Hóa đã đã vung vẩy lên người chúng mọi loại màu mà ngài có được. Bấy nhiêu đó đã nói lên sức hấp dẫn hình ảnh của Rio chưa? Nếu chưa thì bạn còn được hỗ trợ thêm từ công nghệ 3D, mà những bộ phim dạng này (tức là phim hoạt hình với tông màu sáng và sặc sỡ) luôn phát huy tốt hết mức có thể, để thỏa mãn trí tưởng tượng của bạn về một thiên đường nhiệt đới trên màn bạc.

    Blue Sky Studio là một hãng phim yêu thích của người viết. Cũng như những tác phẩm trước của họ: Robots, Ice Age... Rio là một sự kết hợp tốt của những màn hài hước không quá nhạt và những bài học đạo đức không quá “sến”. Chủ đề lần này là tình bạn, lòng tin và sự nỗ lực. Tất nhiên là không mới, nhưng cũng chẳng bao giờ cũ và không đáng xem. Cốt truyện nhẹ nhàng thấm thía và phù hợp với mọi lứa tuổi.

    Lồng tiếng cho Blu là anh chàng đang lên Jessie Eisenberg từ sau siêu phẩm Mạng Xã Hội. Đánh giá cá nhân là khá hợp lí vì Blu có tính cách cũng tương tự những vai diễn mà Jessie hay thể hiện: nhút nhát, hiền lành và... mọt sách. Ở VN thì bạn còn có tùy chọn dubbed... Vietnamese (Minh Hằng nhé) ^^ khi xem rạp. Theo đánh giá của nhiều người là khá tốt. Tuy nhiên nếu nghe voice chuẩn bạn sẽ được dịp thưởng thức những bài rap cực chất của rapper will.i.am cũng như chất giọng ngọt ngào của Jamie Foxx. Một điều thú vị là Rio có khá nhiều trường đoạn “hát hò” đúng kiểu Disney ngày xưa. You know what I’m talking about!! Hehe

    Rio không phải là một bộ phim. Nó là một chuyến du lịch đến một thiên đường nhiệt đới. Liệu bạn có thoát nổi sức cám dỗ của những bãi biển ngập nắng và lễ hội Carnaval vạn sắc màu? Tuyệt vời hơn, đây là bộ phim vô cùng phù hợp để xem với “người ấy”. Thử Rio đi và bạn sẽ thấy!
     
    Chỉnh sửa cuối: 19/8/11
  12. Dr. House

    Dr. House Legend of Zelda

    Tham gia ngày:
    5/10/10
    Bài viết:
    1,073
    Nơi ở:
    Cuddy's Boobies
    Móc lên từ thớt này: http://forum.gamevn.com/showthread....tream-vs-Cult-The-Case-For-Success-Incubators

    Bài gốc ở đây: http://thebrandbuilder.wordpress.com/2011/04/12/mainstream-vs-cult-the-case-for-success-incubators/

    Tớ dịch và lược bỏ bớt một số đoạn cảm thấy hơi dài dòng và thừa.

    [​IMG]



    Trước khi đi vào dịch bài của tác giả thì tớ muốn nói qua 1 chút về mainstream (dòng chảy chính thống - từ giờ xin được để nguyên từ này cho ngắn gọn) và Cult (hình như không có từ tiếng Việt tương đương lol). Đại loại, nếu như những phim mainstream thì nổi tiếng, được nhiều người biết đến hay gắn liền đến cái gọi là thương mại thì Cult hoàn toàn mang nghĩa ngược lại, nó lan truyền và được tung hô trong 1 số nhóm người xem/fan nhất định gọi là Cult-Follower.
    Dĩ nhiên định nghĩa này chỉ mang tính 1 chiều bởi không phải phim nào có tính chất như vậy thì đều là Cult cả. Thường thì ta thấy những phim mainstream của Mĩ thì có hậu thuẫn lớn về mặt tài chính của các hãng phát hành nên nó sẽ nhận được sự phối hợp từ các nhánh khác của chính hãng đó như quảng cáo trên truyền hình, trên báo, radio... Còn Cult, có lẽ nó thiên về nghệ thuật hơn, thiếu vắng sự hỗ trợ của các tay to, và đôi khi là độc lập trong sáng tạo nghệ thuật, độc lập trong tài chính nên con đường này khó khăn hơn rất nhiều. Nhưng vẫn có những ngoại lệ, khi đó những phim Cult vượt ra khỏi phạm vi nổi tiếng thường thấy của nó và ta vẫn hay gọi nó bằng cái tên Cult Classic.

    Bài viết này nói về phim ảnh, mà lại không phải. Chịu khó đọc đến cùng nhé.

    Những bộ phim nào có thể dạy cho ta về các sản phẩm nhắm đến thị trường đại chúng vs. những sản phẩm mang tính đột phá?

    Citizen Kane, Dr. Strangelove, 2010, Reservoir Dogs, Memento, Pulp Fiction, Boondock Saints, The Machinist, Kill Bill, Fight Club, 300, Eyes Wide Shut, Moon, và giờ là Sucker Punch.
    Những bộ phim này có điểm gì chung? Để tôi nói cho bạn hay: nó được yêu thích và cũng bị ghét. Mặc dù một trong số đó đã hòa được vào dòng chảy chính thống (trong một số trường hợp phải mất nhiều năm sau khi ra rạp), thì nhiều phim đã thất bại trong việc tiếp cận khán giả khi lần đầu ra mắt. Như thế, khi đem so sánh với những bộ phim chắc chắn sẽ thành bom tấn như Transformers, Spiderman 2, Shrek 3, Terminator 4, hay Fast Five - một mô hình thành công mới ở Hollywood: thương hiệu sẽ mang lại doanh thu, ngay cả khi nó thường xuyên biến một ý tưởng độc đáo/nguyên bản thành một cái vỏ rỗng nhàm chán đến kinh khủng.

    Bất chấp điều đó, sự thật là, “đơn giản” thì mới an toàn. Các con số không biết nói dối. . Thương hiệu vẫn chơi được.

    Các bản làm lại, các phần tiếp theo và các kiểu phim kết hợp đồng nghĩa với việc cháy các quầy vé.

    Biết bao nhiêu các siêu anh hùng trong truyện tranh của Marvel và DC đang trở thành tựa đề chính cho các hãng phim ngày nay? Spiderman, Batman, Superman, Thor, Captain America, The X-Men và Wolverine, Jonah Hex, Ironman, Hulk, Green lantern, Daredevil, The Losers... Và danh sách này vẫn tiếp tục ngày một dài ra. Transformers và G.I.Joe, những biểu tượng văn hóa đại chúng thuở ấu thơ, cũng bị xào lại thành những sản phẩm “bình mới rượu cũ” của thế kỷ 21. Charlie’s Angels, Starsky & Hutch, The A-Team, Mission Impossible, Green Hornet và hàng loạt những bộ phim truyền hình "kinh điển" khác cũng được trải thảm đỏ ở Hollywood vì những lí do quá rõ ràng: Những cái tên quen thuộc kiếm ra tiền. Cứ hỏi bất kì ai có liên quan đến thế giới của Harry Potter thì biết. Hoặc là Shrek, Star War hoặc Toy Story. Thật ra thì hãy hỏi bất kì một nhà sản xuất phim bây giờ xem xin tiền để làm một phần tiếp theo hay xin tiền cho một ý tưởng nguyên gốc chưa được kiểm chứng dễ hơn.

    Hiện thực kinh doanh là thế: đồng tiền là trên hết. Khi xem xét đến việc đầu tư cho một dự án, hệ số thu nhập trên đầu tư bao giờ cũng đè bẹp sự sáng tạo hoặc việc cân nhắc đến trải nghiệm của khán giả. Mỗi một ngành công nghiệp đều có những mô hình thành công đã được thừa nhận - thứ mà nhiều người trong chúng ta, những người luôn hối thúc các hãng phim thoát khỏi vùng an toàn của họ và vượt qua sự trì trệ, gọi là status-quo (thứ chiến lược kinh doanh an toàn đang giúp những nhà phát hành phim giữ vững vị trí như hiện tại). Việc hệ số thu nhập trên đầu tư là một nhân tố then chốt (và thường là nhân tố trung tâm) trong các quyết định đầu tư, lại không phải là vấn đề ở đây. Vấn đề là ở cái niềm tin mù quáng vào "những thứ chắc chắn thành công". Chính là những mô hình đã được thừa nhận. Phần tiếp theo ngu si của một phim bom tấn hoặc một kịch bản chuyển thể rập khuôn từ truyện tranh, thường đi kèm với những hợp đồng kinh doanh sản phẩm ăn theo. Chính là nó kèm các chi phí liên quan và sự sống còn mang tính lâu dài hay suy rộng ra đó là lợi nhuận lâu dài.

    Coi ngành công nghiệp điện ảnh là nền, ta có thể giải thích được tại sao không một studio, đạo diễn hoặc diễn viên nào có thể thành công nếu như họ chỉ tập trung vào sản xuất những phim mang tính đột phá hoặc chỉ sản xuất những phim trông chờ vào mấy thương hiệu nhạt nhẽo. Muốn thành công trong ngành công nghiệp điện ảnh (cũng như bao ngành công nghiệp khác), ta phải biết cân bằng cả hai. Nếu không tất sẽ bị lãng quên như một cái máy in tiền hoặc kết thúc như một kẻ làm phim lập dị và kì cục. Ví dụ, nếu bạn là Daniel Craig, bạn sẽ chỉ thoát khỏi việc đóng Bond nếu như vẫn tham gia đều đặn vào các dự án kiểu như Layer Cake hay Flashbacks of a Fool. Còn nếu bạn là Johny Depp, bạn không thể gây dựng sự nghiệp nếu chỉ dựa vào mấy phim như The Libertine, From Hell, Chocolat nếu như không đóng Alice in Wonderland hay Pirates of the Caribbean.

    Steve Jobs đã có thể chỉ bám vào thương hiệu của mình: máy tính và phần mềm. Thay vì thế thì ông ta đánh cược vào Ipod, Iphone và Ipad và nó đã mang lại kết quả. JJ Abrams có thể đã chỉ chơi với phim truyền hình nhưng ông ấy không làm thế. Kết quả ra sao: một sự kích thích "cult-like" cho các dự án lớn mà ông ta tham gia sản xuất. (Super 8 sắp ra rạp). Steven Pressfield, đã quyết định nối tiếp The Legend of Bagger Vance (một cuốn sách nói về golf) bằng Gates of Fire, một thiên sử thi về người Sparta ở trận Thermopylae, đi ngược hẳn những gì ông đã từng làm, đi ngược lại cái mô hình thành công đã được thừa nhận trong giới xuất bản: Ông ta chuyển chủ đề. Dù thành công, nhưng vào thời điểm đó, giới chuyên nghiệp đã cảnh báo ông ta đang đi ngược lại dòng chảy hiện thời - một điều họ cho là một bước đi tồi.

    Bài học ở đây là: thành công không chỉ là vấn đề của sự lặp lại. Thành công là một quá trình của sự tạo ra những triển vọng thông qua thử nghiệm. Trước khi bạn có được một thương hiệu thì bạn phải tạo cho mình cơ hội để mua nó hoặc đặt nền móng cho nó trước đã. Mua thì đắt đỏ và có giới hạn. Sáng tạo thì mạo hiểm hơn, nhưng những gì thu lại được thì vô hạn.


    [​IMG]



    Gieo những hạt giống thành công trong mainstream: hãy đầu tư cho những con gà đẻ trứng vàng

    Thành công trong mainstream không có gì là sai trái cả, dù là trong giới điện ảnh, phim truyền hình, sách, âm nhạc, game, xe hơi, quần áo hay là đồ điện tử. Không nhất thiết bộ phim nào cũng phải làm ta thay đổi hoặc khiến ta thấy đặc biệt hay. Ngay cả những phần tiếp theo ngu si với những kiểu hài chỉ hơi thư giãn cũng có chỗ đứng của nó, đặc biệt là nếu dựa theo vai trò của nó trong vòng quay thu lợi nhuận - nó tạo điều kiện cho các dự án mang tính thử nghiệm: thành công đem lại lợi nhuận lớn, lợi nhuận bơm đầy ngân sách và tạo điều kiện cho những sản phẩm và dự án mang tính thử nghiệm được chi tiền.

    Những dự án mang tính thử nghiệm, nói dễ hiểu là, tài năng và các phòng thí nghiệm. Nói cho đúng hơn thì chúng là những con gà đẻ trứng vàng. Với vai trò như vậy nên chúng không ở cùng một chuẩn mực khi đem so với các phim bom tấn về mặt kết quả đạt được cũng như là về sự mong đợi. Đừng quên là trước khi Shrek trở thành một thương hiệu thì nó cũng chỉ là một dự án mang tính thử nghiệm. Một ý tưởng nguyên gốc. Một cuộc đánh cược.

    Ngay cả trong thế giới của những thành công về mặt thương mại, những loại sản phẩm khác nhau sẽ đem lại những kiểu kết quả khác nhau. Những bộ phim dành cho các khán giả thuộc phân khúc nhỏ với yêu cầu đặc biệt (Niche audiences), không chỉ là những con gà đẻ trứng vàng mà còn là những sản phẩm đi đầu cho một phạm vi thị trường hẹp (và sâu) - thị trường có hứng thú với chất lượng và sự khác biệt tinh tế hơn là số lượng và ồn ào rầm rộ. A Single Man của Tom Ford là một bộ phim xuất sắc (đặc biệt là với một phim đầu tay) nhưng không thể trông chờ nó mang lại thành công (về mặt doanh thu) như của Sex And The City hay ví dụ như cả Ironman 2.

    Xét đoán theo vẻ bề ngoài khá bất ngờ với những bộ vét chật căng và cặp kính kiểu Michael Caine trên thảm đỏ sau khi ra mắt bộ phim, nó không những gây ấn tượng cho khán giả mà còn tác động cả đến cách ăn mặc và phụ kiện của nam giới sau khi được chứng kiến. Cứ thử so sánh diện mạo của Colin Firth trong phim với cặp kính của Sam Worthington tại Oscar vài tháng sau xem. (nơi mà những bộ phim của Ford đã vài lần được đề cử Academy Award)

    [​IMG]

    [​IMG]


    Kì lạ quá phải không? Đôi khi ảnh hưởng của một bộ phim hay một sản phẩm mà giá trị của nó đối với công ty dám mạo hiểm tài chính để thực hiện còn vượt quá những cân đo đong đếm tiền nong. Nếu là một nhà sản xuất phim hoặc là giám đốc điều hành, đôi khi bạn phải có tầm nhìn vượt qua những lời lãi trước mắt. Bạn phải chịu lùi một bước, không những để nhìn thấy toàn cảnh mà để thấy cả những gì ngoài cái "toàn cảnh" nữa.

    Những gì dễ đạt được thường vẫn chiếm phần tiện nghi: thử để phần tiếp theo của Batman cạnh một kịch bản hoàn toàn mới và chưa có một chút thương hiệu xem, ta sẽ thấy doanh thu phòng vé như một điều tất yếu: những thương hiệu bom tấn quen thuộc thường thắng. Những tay sản xuất phim ở Hollywood biết điều đấy. Các hãng phát hành cũng biết điều đấy. Chủ các rạp phim cũng biết vậy.

    Lịch sử cho thấy, Michael Bay, Steven Spielberg và Chris Nolan có "nghệ thuật chào hàng" tốt hơn là những cái tên David Fincher, Zack Snyder hay thậm chí là cả Quentin Tarantino. Thế nên phim của những đạo diễn ở vế trước đa phần phát hành vào mùa hè, trong khi những phim của các đạo diễn ở vế sau thường phát hành vào mùa thu, mùa đông hoặc mùa xuân. Ấy là tôi còn chưa buồn kể đến sự khác nhau trong tỉ lệ xuất hiện ở các rạp chiếu bóng giữa phim của Micheal Bay và phim của David Fincher.

    Với phim nghệ thuật và "phim nước ngoài" (ví dụ như The King's Speech) cũng thế thôi, cũng có sự khác nhau một trời một vực giữa những phim bom tấn-thương hiệu với những canh bạc - những phim mang tính thử nghiệm. Nó phục vụ một lượng khán giả nhất định với một ý tưởng nguyên gốc hơn là những thứ "ăn bánh trả tiền" thông thường. Những đạo diễn như Steven Spielberg, James Cameron, Alfred Hitchcock, Francis Ford Copolla, Stanley Kubrick, hay thậm chí cả Luc Besson (cái thời ông ta vẫn còn làm phim chất lượng) đã mang đến cho chúng ta những bộ phim mang tính "cult classic" như A Space Odyssey, ET, Jaws, Schindler’s List, Terminator, Avatar, The Fifth Element, Psycho, North By Northwest, The Godfather, Apocalypse Now,Nikita.

    Cũng đáng để nhắc đến Nikita của Besson vì nó đã truyền cảm hứng cho bản làm lại của Mĩ và hai bộ phim truyền hình khác nữa, vẫn kiếm tiền sòn sòn cho dù đã là hai thập kỉ sau cái ngày nó đổi mới cả một dòng phim trên màn ảnh rộng. Cái thẩm mĩ về mặt kĩ thuật của Kubrick trong 2001: A Space Odyssey vẫn còn gây ảnh hưởng lên những phim sci-fi ngày nay, và có lẽ là trong nhiều thập kỉ nữa. Giống như phần lớn các tác phẩm của Spielberg, nhiều bộ phim của Cameron đã mang lại lợi nhuận phòng vé khổng lồ cho dù chúng không dựa trên một thương hiệu có sẵn nào. Hay Tarantino đã gây dựng sự nghiệp của mình hoàn toàn nhờ những phim nguyên gốc*** , cho dù không phải tất cả đều ăn sâu vào trong tiềm thức của nền văn hóa đại chúng. Trước khi họ trở thành những cái tên lớn trong dòng chảy chính thống, họ là những nhà làm phim mang tính "cách mạng". Những kẻ phá luật. Nổi loạn. Những nhân tố bất ngờ.

    Khi Tim Burton, Chris Nolan hay David Fincher không bị bắt buộc làm những thứ ăn chắc như Sleepy Hollow, Alice in Wonderland, Batman hay là Alien thì họ sẽ mang đến cho chúng ta những bộ phim hoàn toàn nguyên bản như Edward Scissorhands, The Nightmare Before Christmas, Mars Attacks, Memento, The Prestige, Seven, hay Fight Club. Copolla, Kubrick, Besson, Hitchcock và Spielberg cho tới ngày nay vẫn là một trong những đạo diễn có ảnh hưởng nhất mọi thời đại, và những phim được ca ngợi nhất không nhất thiết phải thành công nhất trên quầy vé của họ. Burton, Nolan, Fincher và Tarantino là một trong số những thế hệ làm phim tương lai sẵn sàng bỏ rất rất nhiều thời gian để học hỏi và thi đua với nhau. Ảnh hưởng của họ không phải đến từ doanh thu phòng vé mà bởi vì họ đã thay đổi, làm mới những dòng phim có sẵn hoặc sáng tạo ra một cách dẫn chuyện hoàn toàn mới. Những đóng góp thực sự của họ cho giới điện ảnh không phải là những con số mà là CÁI NGUYÊN GỐC.

    .....

    ***Thực ra tác giả có nhầm chỗ này, vì Quentin cũng "thừa nhận" Kill Bill chịu nhiều ảnh hưởng và lấy cảm hứng chính từ Lady Snowblood (1973) của đạo diễn Toshiya Fujita






    [​IMG]


    Cái giá phải trả của việc đi tiên phong thường là sự khinh rẻ, chỉ trích và thái độ thù địch: Những người đi đầu không nên mong đợi sự khen ngợi của mainstream...vội

    Khi tác phẩm chuyển thể Fight Club của David Fincher từ tiểu thuyết cùng tên của Chuck Palahniuk ra rạp, nó đã bị giới phê bình đánh gục. Bị xé ra thành từng mảnh. Nếu bạn vào Rottentomatoes.com và xem rating cũng như là bình luận thì bạn sẽ chỉ thấy những con số rất tích cực như thanh tomatometer 81% hay tổng rate của người xem là 95%. Nhưng vào năm 2000, viễn cảnh lại không được tươi sáng cho lắm. Khi đó, Fight Club là một trong những phim có số điểm thấp nhất trên đây. Người ta bảo nó là ngu đần và bạo lực một cách thừa thãi. Phần lớn bình luận là như này đây:

    "Một mớ hổ lốn, một ý tưởng nguy hiểm được thể hiện bằng một thủ pháp cay độc." – Nitrate Online

    "Mớ bòng bong trong cái phim dành cho đàn ông này đã không mang lại nổi một ý nghĩa thật sự nào." - Detroit News

    "Nếu bạn thấy một diễn viên tốt trong một dự án kiểu này, bạn sẽ phải tự hỏi rằng có phải họ làm thế để thay cho leo núi mạo hiểm không." - Roger Ebert / At the Movies


    .....

    Bạn hiểu rồi đấy. Bị đập phát chết luôn. Có phải vì Fight Club quá dở? Có phải vì nó dựa trên một cuốn sách dở không? Cả hai đều không phải. Và hơn một thập kỉ sau, việc nó bị mainstream loại bỏ ra trở nên thật kì quặc và lỗi thời. Chẳng qua là khi mới ra đời thì nó chưa đủ "mainstream", hay nói đúng hơn nó sinh ra không phải để trở thành "mainstream".

    Bộ phim này, cũng như cuốn sách, nó chưa bao giờ được sinh ra để hấp dẫn hàng triệu người hâm mộ của Friends hay Seinfeld rủ nhau đi xem cùng gia đình vào một tối thứ sáu. Mục đích của nó hoàn toàn ngược lại: những khán giả sâu sắc, không cần nhiều, như những phim A Single Man, Black Swan, Memento, Pulp Fiction, Watchmen hay Edward Scissorhands. Đôi khi, những nhà làm phim quay sang làm những thứ mà họ biết nó chỉ hấp dẫn với những người hâm mộ của một dòng/phong cách phim nhất định, một số lượng người hâm mộ trung thành nhỏ hẹp. Họ cũng biết cái giá phải trả đó là: tiền và sự chấp nhận của đám đông. Nhưng nếu họ không làm thế, tất cả những gì còn lại chỉ là những gói hàng với nội dung nhai nhái nhau. Chúng ta còn phải xem bao nhiêu phần tiếp theo của Rocky, Rambo, Shrek, Spiderman hay Kung-Fu Panda thì não bắt đầu có nếp nhăn như nho khô?

    .....

    Hiểu rằng nỗi ác cảm với sự rủi ro tạo điều kiện cho sự trì trệ phát triển vẫn là chưa đủ. Để có thể làm được gì đó, bạn cũng cần phải hiểu rằng, vì quá mong đợi mỗi dự án sẽ thành một quả bom tấn thành công cũng góp phần tạo ra và khiến cho nỗi ác cảm rủi ro này gia tăng.

    Nhớ lại những gì chúng ta đã khẳng định ở đoạn đầu: giữ vững sự cân bằng giữa Cult và mainstream là yếu tố quyết định để có thành công lâu dài. Chỉ cần quá nghiêng sang một phía thì cán cân này sẽ sụp đổ.


    [​IMG]


    Sự nguy hiểm của việc phán xét một phim cult hoặc một dự án mang tính thử nghiệm như thể chúng là sản phẩm dành cho đại chúng

    Khi tôi lần đầu tiên xem trailer Sucker Punch của Zack Snyder, những gì tôi thấy đó là: một phim cult. Hình ảnh và phong cách thể hiện rõ sự vinh danh cho một thể loại đặc thù của văn hóa đại chúng: đó là anime của Nhật, là steampunk*, là dieselpunk**, là heroic fantasy, là truyện tranh và cả game nữa.


    Tớ chú thích một chút: Steampunk và Dieselpunk là một trong mấy nhánh khác nhau của Cyberpunk - một thể loại khoa học viễn tưởng, nó tập trung vào mảng công nghệ cao đi chung với những biến cố lớn hoặc những thay đổi cấp tiến trong trật tự xã hội.
    Có thể đọc thêm ở đây: http://en.wikipedia.org/wiki/Cyberpunk_derivatives

    * Steampunk: Phong cách cổ điển của thế kỷ 19 (1820-1910), một trong những nhánh đáng chú ý nhất của cyberpunk concept, là sự giao thoa của công nghệ và sự lãng mạn, nơi mà các thiết bị tiện ích điện tử được kết hợp giữa quá khứ và tương lai.

    ** Dieselpunk: dựa trên những quan niệm về thẩm mĩ trong giai đoạn Thế Chiến II. Nó kết hợp những ảnh hưởng về nghệ thuật trong thời kì này như phim, báo chí, nghệ thuật trang trí với những công nghệ mang tính hậu hiện đại.




    Tuy vậy, tôi lại không thấy đây là một bộ phim bom tấn mùa hè dành cho gia đình. Chỉ cần xem trailer 20 giây, bạn sẽ biết đây không phải là Finding Nemo 2 hay National Treasure 3. Sucker Punch không phải là thử nghiệm cho Dancing With The Stars. Phải nói đầu tiên và trên hết thì nó là một tác phẩm nghệ thuật phóng túng về mặt hình ảnh, một món ăn thừa vẻ bắt mắt, điều mà ta vốn thấy quen thuộc ở Zack Snyder. Từ 300 trở đi, sự chăm chút một cách kĩ lưỡng cho thẩm mĩ đã trở thành thương hiệu của ông ta. Có ghét hay thích đi nữa thì đều phải công nhận phim của Snyder rất đẹp. Sự chú ý đến những tiểu tiết trong từng cảnh quay, từng bộ trang phục, từng khung hình một thật sự gây ấn tượng ngay cả khi phim của ông ta không phải gu của bạn. Ở đây Snyder còn tưởng thưởng cho người hâm mộ của mình bằng những bản nhạc ấn tượng như “Sweet Dreams”, “Where is my Mind”, “Love is the Drug”, “Asleep” và “Tomorrow Never Knows”.......

    Kể cả khi cốt truyện có yếu, xây dựng hình tượng nhân vật rập khuôn, cách dẫn truyện lộn xộn hay thoại không hấp dẫn đi nữa thì Sucker Punch vẫn đáng giá 9$ cho một bộ phim được làm kiểu cách như một thứ "đồ thủ công mĩ nghệ".

    Ở đây chúng ta tiếp thu được vài bài học về sự quan trọng của việc biết lúc nào thì làm phim cho người hâm mộ hơn là làm cho khán giả đại chúng:

    1. Là cách tạo dựng khán giả cho mình, tạo dựng tên tuổi và tạo dựng cộng đồng người hâm mộ trung thành.

    2. Là cách hướng đến những thành công lớn trong mainstream sau này, cách thay đổi cái mỹ quan văn hóa một cách tiên tiến, lần lượt từng dự án một. Là cách bạn gọt giũa, nhào nặn và phát triển nó. Là cách bạn biến những thứ râu ria trở thành chính thống: hãy ở đúng chỗ của nó trước khi đi ra tiếp cận công chúng. Bằng cách chấp nhận những chỉ trích cay độc, thậm chí cả thua lỗ về mặt tài chính, nhưng chỉ cần biết rằng đến một lúc nào đó, nó sẽ có ảnh hưởng đến văn hóa đại chúng, rằng đám đông sẽ nồng nhiệt đón nhận những ý tưởng và thẩm mỹ mới mẻ của bạn, rằng mọi chuyện sẽ thay đổi hoàn toàn khi họ hiểu ra.

    Còn nếu muốn làm phim để đạt được thành công trong mainstream một cách an toàn và được đón nhận rộng rãi mà không cần phải xây dựng tầng lớp hâm mộ trung thành thì bạn sẽ chỉ kết thúc với một sản phẩm làng nhàng. Kiểu sản phẩm làm tạm thỏa mãn nhưng không tạo được cảm hứng, giống như một bữa ăn cho đỡ cơn đói tạm thời nhưng chả no được lâu, hoặc không có gì đáng nhớ để bạn quay lại đó lần sau.

    Sự thật là: càng cố làm thỏa mãn tất cả thì kết cục là bạn sẽ chả làm thỏa mãn được ai hết. Nó trở thành một lựa chọn mặc định hơn là một thứ gì đó truyền cảm hứng hay tạo đam mê. Sự nguy hiểm của việc quay sang sản xuất những thứ mang tính tiêu chuẩn là cuối cùng bạn sẽ tạo ra một cái "văn hóa thường thường bậc trung". Văn hóa của sự phân hóa nhờ hạ giá chứ không phải nhờ xuất sắc,đột phá, hay là chuyển đổi lĩnh vực.


    [​IMG]

    Do trailer và các bài review của giới phê bình mainstream, tôi đi xem Sucker Punch cuối tuần này với không nhiều hy vọng vào kịch bản và cốt truyện cho lắm. Tôi đã nghĩ hiệu ứng/hình ảnh sẽ được phô diễn/sử dụng 1 cách ấn tượng hơn là đóng vai trò một thứ phương tiện để truyền tải bộ phim. Nhưng hóa ra tôi đã nhầm. Sucker Punch là một bộ phim rất khéo. Thậm chí tài tình là đằng khác. Một trong số ít những phim tôi xem vài năm gần đây sử dụng biểu tượng và ẩn dụ một cách tràn ngập và không cần phải diễn giải. Nó được thể hiện rõ nét không chỉ nhờ phong cách mà còn thông qua cả chính cách dẫn truyện, một điều ngạc nhiên thú vị. Khi đem Sucker Punch so sánh với Inception (vẫn đang bị thế) thì nói thật lòng là hơi có chút sỉ nhục. Cốt truyện của Inception đơn giản là "mơ trong mơ" - ta có thể tiếp thu một cách dễ dàng. Nhưng Sucker Punch còn đi xa hơn thế: nó là một bộ phim mà ẩn dụ nằm trong ẩn dụ, do vậy nó đòi hỏi khán giả cần phải vận dụng trí óc một cách linh hoạt hơn. Bất chấp cái vẻ ngoài dễ khiến ta nhầm lần với anime rập khuôn kiểu cách nhưng Sucker Punch thật sự là loại phim khiến ta phải nghĩ. Nhìn từ phương diện nào đi nữa thì nó cũng là một bộ phim nghệ thuật đích thực được ẩn chứa dưới cái gọi là "bom tấn".

    Bất cứ ai mà nói với bạn rằng: Sucker Punch chỉ là một bộ phim về X-Box được nhồi nhét đủ thứ lộn xộn trong trí tưởng tượng của bọn trẻ trâu thi họ đã hoàn toàn hiểu sai và định kiến, có nghĩa là họ đã hoàn toàn không hiểu được sự thông minh của bộ phim này. Ẩn dụ đúng là không được coi trọng lắm ở Mĩ. Những người xem phim bình thường họ không muốn nghĩ xem trong thế giới của một cô gái trẻ không nơi nương tựa và dễ bị tổn thương giữa một cuộc sống thù địch thì một con robot ninja khổng lồ tượng trưng cho cái gì. Họ chỉ cần biết tên khổng lồ là người xấu và nó sẽ thua trong cuộc chiến không cân sức với cô bé nữ anh hùng chỉ vì cô có siêu năng lực.

    Đánh giá một bộ phim như Sucker Punch dưới cùng một thang đo và góc nhìn với một bộ phim khác cũng chịu ảnh hưởng của Kung-Fu như Matrix chẳng hạn chẳng khác nào đi đem so sánh 2001: A Space Odyssey với Star Wars. So như vậy không ổn.


    [​IMG]


    Vẻ đẹp trong những bộ phim như Fight Club của Fincher và Sucker Punch của Snyder đó là: mọi thứ đều là ẩn dụ. Mọi thứ đều có nghĩa hoặc tượng trưng cho một thứ khác. Từ ngôi nhà ọp ẹp trên Paper Street cho đến cách trang điểm không tì vết của Baby Doll. Buồn thay, chính vì sự phức tạp đến mức quá ấn tượng cùng với hiệu ứng hình ảnh kì công, luôn có chủ đích và bạo dạn này, nó đã bắt đầu hủy hoại danh tiếng của bộ phim: quá thông minh, quá nghệ thuật, quá xoắn não thường gây phản ứng ngược khi tính đến sự chấp nhận của đại chúng và doanh thu. Fight Club mất nhiều năm trời để được thấu hiểu (hay ít nhất là được chấp nhận) bởi khán giả mainstream. Dựa theo những review trên rottentomatoes.com (Thanh tomameter 21% và Approval rate: 56%) thì Sucker Punch xem ra cũng đang phải chịu chung số phận.

    Ví dụ vài reviews trên rottentomatoes.com:

    "Bộ phim ngày một quay nhanh khỏi vòng kiểm soát, cho đến khi sụp đổ thành một đống đổ nát, thật nhảm nhí." – The New Yorker

    "Sucker Punch" là hậu quả khi 1 studio trao toàn quyền hành động cho một tay làm phim không hề có một ý tưởng nguyên gốc (thậm chí là một ý tưởng mạch lạc) nào. – New York Post


    Tiện thể cho mình chửi ké phát: thật sự thì hệ thống tính điểm của RT ngu vãi đạn, như có 1 bài trên imdb nói ý: giả sử 100 người rate cho 1 phim 59% thì approval rate sẽ là 0%, còn cũng 100 người ấy mà rate 60% thì approval rate là 100%!


    Điều tương tự đã xảy ra với Fight Club 11 năm trước. Và cũng giống như những người hâm mộ trung thành của Fight Club đã giải cứu bộ phim thì các fan của Sucker Punch (cứ gọi họ là những thế hệ chấp nhận đầu tiên của thể loại mới này) cũng đang bắt đầu phản kích lại những nhà "phê bình văn hóa" - những người vốn vẫn đang vật lộn với việc tiếp nhận những ảnh hưởng từ truyện tranh, MTV, anime, game, và một thế kỉ điện ảnh chịu ảnh hưởng từ Akira Kurosawa cho đến Miloš Forman. Những nhà phê bình mainstream cũng giống như khán giả mainstream vậy thôi. Họ vẫn chưa vượt qua được cái gọi là thời kì quá độ giữa ngày hôm qua và ngày nay. Zack Snyder và fan hâm mộ của ông ta thì có.

    Một vài bình luận của người hâm mộ:

    "Với tôi thì đây là một bộ phim xuất sắc. Có lẽ hơi quá cách điệu hóa nhưng đó là phong cách của ZS. [...] Tôi thấy rằng cần phải xem bộ phim này nhiều lần để có thể thật sự hiểu hết những biểu tượng trong đó. Ví dụ như con thỏ bông của em gái Baby Doll trở thành con thỏ máy. Con thỏ bông không bảo vệ được ai, nhưng con thỏ máy thì có. Những yếu tố mang tính biểu tượng như thế tràn ngập ở trong phim. "

    "Tôi yêu bộ phim này. Tôi yêu nó vì một cảm giác hêt sức mới mẻ, vì vẻ đẹp về mặt hình ảnh, vì cốt truyện điên rồ và trên hết: vì nó thật sự khác biệt. Tôi kinh ngạc trước những cảm xúc mạnh mẽ của cả hai phía: yêu và ghét. Sau ngần ấy những bản làm lại hay các phim được làm kiểu chắp vá thì tôi e là người ta đã quen với việc một nội dung được xào đi xào lại theo nhiều cách khác nhau. Nhưng Sucker Punch nó rất khác biệt, ngay cả những người không thích nó cũng phải thừa nhận như vậy. Khác biệt? Thế không phải là đã quá đủ rồi sao? Mozart đâu được đánh giá cao trong suốt cuộc đời ông. Orson Wells đến khi chết vẫn nghĩ là công chúng ghét phim của mình... Mọi thứ đều mang tính tương đối. Tôi vốn thích những đạo diễn mơ mộng mà. Và tôi thích Sucker Punch. Phải chỉ ra rằng Godzilla chưa bao giờ được xem là một phim xuất sắc, thậm chí hơi vớ vẩn, nhưng dường như nó một sức hút ma thuật ẩn chứa bên trong. Cảnh Baby Doll đối đầu với 3 tên Samurai cũng gợi lại cho tôi cái sức hút ma thuật ấy."

    "Một bộ phim có ý nghĩa đến mức nào là do người xem đặt ra mà thôi. Khi đứa con trai 15 tuổi của tôi về nhà sau khi đi xem phim với bạn, nó chỉ toàn thao thao bất tuyệt nào là: cách bộ phim pha trộn giữa thể loại hành động/phiêu lưu với các yếu tố trại tâm thần, nhà tù một cách thú vị thế nào, rồi là yếu tố nhạc kịch sân khấu của đầu những năm 30, ví dụ như 42nd Street hay Gold Diggers of 1933. Cách sắp đặt câu truyện về một trại tâm thần mà cuối cùng lại biến thành một vở nhạc kịch. Chỉ có điều vở nhạc kịch này không được cấu thành từ hát hay múa mà bằng những trường đoạn hành động. Nó kể rằng các trường đoạn đó đã tôn vinh mọi dòng phim hành động vĩ đại nhất: samurai, chiến tranh, trung cổ, những pha hành động đuổi bắt gay cấn. Nó kể về những cảnh tôn vinh Citizen Kane ở đầu phim, rồi là cái kết bộ phim đã tôn vinh One Flew Over The Cuckoos Nest, The Shawshank Redemption, hay The Lord of the Rings ...

    Một trong những phần yêu thích của nó là cách bộ phim miêu tả cái chết mà không cần dùng đến máu như ở các phim khác để giữ cho phim ở mức kiểm duyệt PG-13 (PG-13: Phim có nhiều cảnh, nội dung không thích hợp với trẻ em dưới 13 tuổi). Thay vào đó là dùng xì hơi ga mỗi khi một tên lính Đức bị giết.

    Về bản chất thì Sucker Punch là một phim về chủ đề vượt ngục. Có thể nó chưa đạt đến mức chuẩn mực nhưng không thể phủ nhận sự xuất sắc của nó ở mặt bằng làm phim hiện tại. Có thể vẫn là quá sớm để coi Zack Snyder như một người sáng tạo mới, nhưng chắc chắn là ông ta thú vị hơn những dạo diễn Hollywood khác như: Michael Bay, Robert Luketic, hay Louis Leterrie"



    Sucker Punch chưa bao giờ được sản xuất để làm đối trọng với Kung-Fu Panda 2. Nó không phải được làm ra cho khán giả kiểu 4.7 hoặc Lễ Tạ Ơn. Cũng không phải được làm ra để thu về 100 triệu $ trong tuần đầu tiên công chiếu. Hy vọng Sucker Punch đạt đến mức an toàn trong doanh thu phòng vé tức là đã hiểu sai chức năng/vị trí của nó. Một bộ phim về cô gái bị giam trong trại tâm thần sẽ không bao giờ thu hút được đám đông, ngay cả khi cái thế giới tưởng tượng tuyệt vọng do cô tạo ra hứa hẹn sẽ mang lại một công trình nghệ thuật đáng chú ý trên màn ảnh rộng. Từ cái cách xoay máy quay một cách thông minh trong nhà thổ cho đến việc chọn màu tấm biển dừng bến bus đều mang một thông điệp sâu sắc hơn những gì bề ngoài....


    Nhà phê bình Christian Toto đã nói về bộ phim:
    "Sucker Punch của Zack Snyder lẽ ra phải làm cho fan của Superman thấy nổi cả da gà."

    Dù trên thực tế, Sucker Punch - cũng như Watchmen là kiểu phim dành cho một nhóm khán giả đặc biệt (Niche audience) trong khi bản làm lại của Superman là một phim bom tấn, nhưng xem ra ngay cả một nhà phê bình như Toto cũng không hiểu sự khác biệt. Các nhà phê bình chưa hẳn đã là những chuyên gia phân tích ngành công nghiệp điện ảnh. Thay vì đánh giá những kiểu phim khác nhau bằng những góc nhìn khác nhau thì họ lại chỉ dùng một góc nhìn mặc định duy nhất: góc nhìn từ mainstream.

    Không hiểu được sự cần thiết của các tiêu chuẩn thành công riêng cho các "sản-phẩm-dành-cho-một-nhóm-người-tiêu-dùng-đặc-biệt" (niche products) sẽ ngăn chặn sự phát triển của các công ty (ngành công nghiệp nào cũng vậy thôi) và ảnh hưởng đến khả năng đầu tư vào tương lai của chính nó. Đơn giản là như vậy.
     
  13. kingpersnake

    kingpersnake C O N T R A Lão Làng GVN

    Tham gia ngày:
    28/7/08
    Bài viết:
    1,881
    Nơi ở:
    Sài Gòn
    LA VIE EN ROSE
    đạo diễn : Olivier Dahan


    [​IMG]

    Xem La Vie En Rose, bạn sẽ thấy yêu đời thêm chút nữa. Phim kể về Edith Piaf, một nữ danh ca Pháp. Cấu trúc phức tạp, nhưng dường như đó là một cách để đối sánh những khi cuộc đời bà rải hoa hồng cho đến những thời điểm mịt mù đen tối nhất.

    Phim đầy màu sắc, cho đến tận cùng vẫn thấy một thứ tinh tế đậm chất Pháp. Khó ai quên được đêm diễn đầu tiên của bà, sau quá trình dài luyện tập với nhà soạn nhạc danh tiếng Raymond Asso. Đoạn đó tắt tiếng, chỉ có nhạc đệm, máy lia từ cảnh Piaf đang hát (và quơ tay) cho đến những khuôn mặt khán giả đang thích thú bên dưới. Tắt tiếng, lồng nhạc, như một bộ phim câm – giản đơn, đầy cảm xúc, đầy ma thuật. Nó làm tôi nhớ đến một đoạn đánh nhau trong Oldboy, dĩ nhiên là với một sắc thái khác.

    Người ta thấy nhiều người đàn ông trong cuộc đời bà, chẳng rõ bao nhiêu – mỗi giai đoạn một khuôn mặt khác nhau, vô danh, hữu danh - vì đây không phải là một loại tiểu sử theo kiểu kể xem Piaf đã lấy bao nhiêu ông chồng, đẻ ra bao nhiêu đứa con. Nhưng, lẽ dĩ nhiên, nó cũng mang những đặc điểm thể loại. Phim vẫn tập trung theo sát cuộc đời Piaf từ thuở cơ hàn cho đến khi đạt đỉnh cao. Tuy nhiên, phim chọn cách bỏ qua nhiều chi tiết chi ly vụn vặt, sử dụng cấu trúc không thẳng hàng, phi tuyến tính, cách dựng phim xen kẽ giữa những thời điểm khác nhau : hiện tại, tương lai nhằm để nhấn mạnh một thứ khác quan trọng hơn trong bộ phim: sự sẻ chia, sự đồng cảm. Đây là một bộ phim âm vang giọng điệu sẻ chia với cuộc đời Piaf – một con người quấy quá, quậy quạng nhưng chỉ cần không hát một bài là “Tôi sẽ mất lòng tin vào chính mình”. Rồi, bà hát, trước đó còn kịp bông đùa với cánh nhà báo “Tôi chưa ngủm đâu nhá.” Bà hát bản Padam padam, giọng đứt quãng, rồi chẳng mấy chốc bà ngã lăn xuống sàn. Màn đỏ kéo xuống.

    La vie en Rose là một bộ phim đầy cảm xúc. Ta có thể xem nó 10 lần nhưng vẫn không khỏi bịn rịn nước mắt. Đoạn cuối cùng, đưa ra liên tiếp rất nhiều khoảng thời gian khác nhau của cuộc đời bà, dựng phim tuyệt vời. Khi nằm trên giường bệnh trước khi chết, khi bà cất tiếng ở Nhà Hát Olympia, khi bà lặng lẽ bên bãi biển đan áo – cho bất cứ người nào sẽ mặt nó – dưới một cuộc phỏng phấn dung dị dễ thương từ một cô phóng viên người Mỹ cũng dễ thương và dung dị : “Bà có lời khuyên gì cho những người trẻ ?” “Hãy yêu.” Một đoạn chớp nhoáng về cảnh bố bà đưa cho bà một con búp bê – con búp bê mà Piaf đã đứng rất lâu bên tấm kiếng dòm chăm chăm vào ở đầu phim. Cảnh đấy là giọt nước làm tràn li – đẩy dồn cảm xúc người xem đến tột cùng, một chi tiết đắt địa. Hãy xem (hết phim), và bạn sẽ hiểu vì sao tôi nói thế.

    Bạn cũng sẽ thấy diễn xuất thật sự là thế nào. Marion Cottilard, với vai diễn Piaf là một sự hóa thân hoàn hảo, đem lại cho cô một tượng vàng Oscar. Lẽ dĩ nhiên Piaf là một con mụ khó chịu thiệt tình, nhưng toàn bộ phim chỉ mang lại một cảm giác ấm áp, thương cảm, từ những khi bà om sòm ầm ĩ hết sức, uống rượu như nước lã, cho đến khi bà nhấm nháp những giờ phút cuối cùng của cuộc đời. Âm nhạc tuyệt vời – từ những bài ca của Piaf cho đến những bản nhạc không lời. Tất cả hòa quyện với nhau trong một chuyến đi về quá khứ nơi nước Pháp những năm hồi đó, đôi khi đầy tươi tắn – những đường phố tấp nập, những màu đỏ kiêu sa, đôi khi đầy u buồn với màu xám thê lương.

    Tôi xem lần đầu bộ phim vào 3 năm trước, nay đã là lần xem thứ 10. Cảm xúc vẫn tươi mới, dù ta đã biết trước những biến cố sẽ xảy ra. Khi bà mất mát, chúng ta hẫng hụt. Một khi ai đó qua đi, chúng ta sẽ cố níu kéo. Đấy là cái tài của đạo diễn Pháp Olivier Dahan – khiến khán giả thật sự sống, sống cùng, nếu không muốn nói là sống bên trong một danh ca bậc nhất nước Pháp – Edith Piaf.
     

    Các file đính kèm:

    Chỉnh sửa cuối: 6/8/11
  14. kingpersnake

    kingpersnake C O N T R A Lão Làng GVN

    Tham gia ngày:
    28/7/08
    Bài viết:
    1,881
    Nơi ở:
    Sài Gòn
    [​IMG]

    Stanley Kubrick's Clockwork Orange


    [​IMG]
    -Tranh Van Gogh​

    Con người trong tranh u sầu, với những chiếc bóng trải dàu, lắt léo, bị kìm hãm trong những vòng tròn không lối thoát, như nói lên sự quay cuồng của đời người, sự luẩn quẩn trong kiếp luân hồi. Van Gogh hoàn thành bức sơn dầu này và ra mắt vào năm 1890, tên nó là "Vòng tròn của những người tử tù".

    A Clockwork Orange của Stanley Kubrick cũng có một vài cảnh giống hệt như thế. Sự quanh quẩn trong vòng tròn mang lại cho ta một cái cảm giác gì đó bế tắc, không chốn thoát vây. Vòng tròn hiện hữu (một cách ẩn dật) trong bộ phim của Stanley khiến ta chau đầu mệt mỏi, đẩy đưa qua số phận của nhân vật chính Alex.

    Tội ác bắt đầu. Ý nghĩa của tội ác là gì ? Là những hành động điên cuồng của hắn. Đánh đập một người già vô gia cư, say xỉn và bị ruồng bỏ. Cưỡng hiếp một cô gái. Giết chóc không nương tay. Thẳng thừng trừng phạt hai đàn em của chính mình. Alex bị đưa vào trại giam vì những hành động kinh hoàng đó ở đầu phim. Với một cái tên nghe như vĩ đại : Alex DeLarge. Anh bị tẩy não với những lớp phim bạo lực, sử dụng một loại thuốc đê mê nào đó. Anh giam cầm cái ác tính, cái dục vọng sâu trong đầu, nơi không ai có thể moi ra được nữa. Đề rồi, ra ngoài, Alex lần lượt bị những người vô gia cư đánh đập, hai tên đàn em một tỉnh một tưng đã là cảnh sát và dìm nước anh đến gần chết. Bản giao hưởng số 9 của Beethoven ám ảnh trong đầu anh ngay từ thuở thủ ác (một kẻ ác thủ dâm với chính âm nhạc và gương mặt của nhà sọan nhạc vĩ đại này), để rồi nhà văn có vợ bị anh cưỡng hiếp dùng nó để chống lại anh. Anh nhảy lầu tự sát. Anh không chết, mà lại cười như điên dại, như một cái máy. Đầu anh bị bóc ra như một quả cam.

    Đó chẳng phải là một vòng tròn đó sao. Tội ác thật ra bắt nguồn từ đâu. Alex đã dùng bạo lực, để rồi sau đó bạo lực lại hành hạ anh. Qua những thước phim, qua những hành động bên ngoài lề xã hội. Tội ác không chỉ hiện diện trong những nhà tù với những tù nhân quanh quẩn thành vòng tròn, với hai rìa tường như o ép họ, tội ác hiện diện trong bất cứ con người nào. Dù sao đi nữa, thì không phải ai cũng có thể là một hiền nhân ngay từ lúc mới sinh ra.

    Vòng tròn của tội ác. Vòng tròn của sự luân hồi và quả báo. Giới trẻ gây ác. Những người già cũng gây ác. Vậy thì cái ác được định nghĩa thế nào ? Trong thế giới này ? Trong hoàn cảnh này ? Cũng như trong xã hội này ? Ta có thể nói Alex bị trừng phạt ? Vậy ai trừng phạt những kẻ gây ra cho anh nông nỗi điên rồ này ?

    Những người đứng đầu một Anh Quốc hùng mạnh. Dùng biện pháp tẩy não, kéo căng mắt của Alex ra, không cho anh nhắm lại, nhìn vào những hình ảnh bạo lực và tình dục chiếu xuyên suốt. Bạo lực để chữa bạo lực ? Alex là con mồi, là con mồi bị đưa đẩy và sử dụng bởi chính phủ Anh đó sao ? Sự lựa chọn của một con người nằm ở đâu ? Anh trở thành người tốt có phải do chính anh muốn điều đó không ? Chính phủ Anh giết chết nhà văn - kẻ đã hành hạ anh phút chót - chỉ để anh cười nhăn răng, nham nhở và như một cái máy bên họ. Vòng tròn đó sao ? Mọi việc sẽ đi đâu về đâu. Chính phủ có đang tẩy não người dân và tin tưởng mọi thứ họ nói. Bởi vậy, cái ý niệm 'tội ác' đang thuộc về ai ?

    Vòng tròn của tội ác. Những kẻ thủ ác sẽ quăng mình vào bên trong những bức tường giam, để rồi những người cai tù đối xử tàn bạo, để rồi những lời nói cao đẹp trong Kinh Thánh được áp dụng. Để rồi chính phủ tẩy não tin rằng cái ác đã được dẹp bỏ. Để rồi cái ác lại càng lộng hành hơn, phi lý hơn, và thối nát hơn.

    Những người đàn bà trong sự phi lý ấy, hiện thân như một công cụ, như một sự yếu thế, họ không có khả năng chống trả, họ bị điều khiển, bị quay cuồng. Có phải, phái Nữ ngày nay bị coi rẻ rúng như thế không ?

    Mọi thứ dẫn đến, Alex chỉ là một nạn nhân của một xã hội ngày càng suy đồi, người ta bị dẫn đi như một cái máy bởi những kẻ cao cấp hơn mình, để rồi cái dẫn dắt ấy khiến cho vòng quay của sự mục nát đó không bao giờ chấm dứt. Sự giác ngộ bởi những lời dụ dỗ ngon ngọt khiến cho cái sống, cái đầu con của con người bị tung ra như một cái máy. Mọi ý nghĩa chính trị đều có lẽ không nhắm đến một quốc gia nào cả, cũng như Anh Quốc, nơi nó đặt bối cảnh vào tương lai không xa (điều này cũng có ẩn ý), khi mà mọi thứ quá hiện đại và ngăn nắp, thì màu sắc trở nên lòe loẹt hơn, thì con người trở nên mù mịt hơn.

    Sự thối rữa của xã hội dẫn đến sự thối rữa của con người, sự thối rữa của con người lại duy trì sự thối rữa của xã hội. Một vòng tròn, chỉ một vòng tròn hiện hữu.


    -13 tháng 08 năm 2010 (một bài cũ)

    ---------- Post added at 15:50 ---------- Previous post was at 15:39 ----------

    [​IMG]
    The Hole
    đạo diễn : Thái Minh Lượng

    Phim thứ hai của Thái Minh Lượng mà tôi xem được.

    Có một cảm giác chung sau khi xem hai phim của ông, đó là sự cứng đơ và tê liệt hết cả người.

    Đó là sự tĩnh : cái tĩnh trong từng khuôn hình - với những cú fixed máy, cái tĩnh trong tiết tấu, đạt đến mức mà nó như đang lê mình chậm rãi soi mói bên trong từng nhân vật. Xem phim mà như nhìn thấy chính bản thân con người trong đó. Nó có một cái gi đó, xuyên qua cái lỗ thủng trên sàn, như một chiếc ống nội soi - soi lấy sự cô đơn của nhân vật.

    Ừ đúng, họ cô đơn, hay bị cô lập với cuộc sống bên ngoài, người đàn ông tìm đến con mèo. Người đàn bà tìm đến những mảnh giấy, chùi mình, chà mình, những khoảnh khắc dục vọng, và cả những bài ca trong tưởng tượng.

    Đó là tính ảo - là việc cô gái trong những cảnh ca nhạc đối với cô gái dưới lầu. Cũng giống như trường hợp một người ba vai trong I Dont Want To Sleep Alone vậy. Điều đó thể hiện những ham muốn và khát vọng, bị đè nén (bởi những tiếng mưa rơi, bởi cô đơn, bởi bệnh dịch, hay là một thứ gì khác ?), chuyển hóa thành. Thái Minh Lượng như đang dồn nén nhân vật. Qua tiếng mưa rơi không ngơi nghỉ, qua tiếng động đậy của con người, qua cả sự giao tiếp dành cho nhau, qua cả sự im lặng với tiếng tạp âm dai dẳng, qua cả hình ảnh nước dâng lên và rỉ xuống từng chút một. Chúng, mọi thứ đang giam cầm nhân vật trong cái cô đơn bức bối đáng sợ của chính mình, chỉ chờ cho khán giả soi mói sự chuyển động của nó.

    Và những hình ảnh. Ấn tượng.

    Cũng như I Dont Want To Sleep Alone, hai con người cô đơn cuối cùng lại đến với nhau qua một sự bộc phá. Ở phim này, đó là khi cô gái đương đau đớn trong căn bệnh, đó là khi chàng trai đương đập những tiếng đinh tai nhứt óc vào cái lỗ dưới sàn. Ở phim trước, đó là sự làm tình trong làn khói mù mờ và độc hại. Cuối phim, hay người nắm tay nhau cùng hát. Cũng như I Dont Want To Sleep Alone, ba người nắm tay nhau và trôi trên dòng sông lững lờ.

    Không thích bằng I Dont Want To Sleep Alone. Nhưng có một cái gì đó nặng nề hơn, đau óc hơn. May thay là có những màn ca kịch, nếu không thì ngủ mất rồi.

    Lít Cafe chiếu phim này hôm nay, hầu hết khán giả đều bỏ về sau vài chục phút đầu. Nhớ đến câu nói của Thái Minh Lượng : “Khi xem phim tôi nếu bạn ra về xin hãy giữ trật tự để những người còn lại ngủ.”

    -30 tháng 7 năm 2010
     
    phanthieugia thích bài này.
  15. pikeman2

    pikeman2 Dante, the strongest Demon Slayer Lão Làng GVN

    Tham gia ngày:
    19/8/09
    Bài viết:
    14,358
    Nơi ở:
    Silent Hill
    [​IMG]
    Rise of the Planet of the Apes (2011)

    Quote: "Ceasar is home."

    Trước khi bàn đến phim, có lẽ nên giới thiệu qua về series Planet of the Apes này 1 chút. Bộ phim đầu tiên của series là "Planet of the Apes" (1968), chuyển thể từ cuốn tiểu thuyết "La planete des singes" (Monkey Planet) viết năm 1963 của nhà văn người Pháp Pierre Boulle. Phim ngay lập tức trở thành 1 phim sci-fi kinh điển với 1 cái kết vô cùng đáng nhớ và là 1 plot twist ấn tượng (cũng may là thời đó chưa có Internet nên chả mấy ai bị spoil cái kết này). Sau thành công của bộ phim đầu tiên, 4 phần tiếp theo đã được thực hiện nhưng không phim nào đạt được những gì phần 1 làm được, tuy nhiên 5 phim này tạo thành 1 vòng lặp về thời gian hoàn chỉnh (tất nhiên là cũng không hoàn hảo cho lắm, có plot holes), và phải nói thêm series này không phải nói về du hành không gian vũ trụ như nhiều người nghĩ, mà là du hành thời gian (sorry, hơi bị spoil series cũ nhé). Đúng 10 năm trước, Tim Burton remake lại Planet of the Apes, và dù khá thành công về doanh thu, nhưng phim bị giới phê bình và những fan trung thành của loạt phim gốc chê thậm tệ. Những tưởng với công nghệ hiện đại, phim có thể làm sát với cuốn tiểu thuyết gốc hơn thì Tim Burton lại đưa phim đi quá xa, không thể hiện được tinh thần chủ đạo của phim cũng như truyện gốc. Điều duy nhất đọng lại là phần make-up quá ấn tượng của Rick Baker - người đã từng đoạt 7 giải Oscar về make-up. Bỏ qua bộ phim đáng quên của Tim Burton năm 2011, "Rise of the Planet of the Apes" có thể coi là 1 reboot của series (dù nội dung về cơ bản khá giống "Conquest of the Planet of the Apes"), phim có rất nhiều reference đến bản phim 1968 và series cũ (sẽ liệt kê chi tiết ở cuối bài), những người đã xem và thích series cũ (như mình) chắc chắn sẽ thấy vô cùng thú vị nếu nhận ra những chi tiết này. 20th Century Fox lần này cũng tương đối mạo hiểm khi giao phim cho 1 đạo diễn trẻ (38 tuổi) ít danh tiếng người Anh là Rupert Wyatt, và đó là 1 quyết định rất đúng đắn với kết quả là 1 bộ phim hay, giàu cảm xúc và cũng là 1 trong những bộ phim đáng nhớ nhất năm nay.

    James Franco vào vai nhà khoa học tài năng và đẹp trai Will Rodham :>, người đã chế tạo và thử nghiệm nhiều loại thuốc tăng cường chức năng của não bộ lên khỉ và tinh tinh để tìm cách chữa bệnh Alzheimer’s trên con người. Cha của anh, do John Lithgow thủ vai, là 1 nạn nhân của căn bệnh này và là động lực thúc đẩy anh nghiên cứu. Khi 1 trong các đối tượng thí nghiệm – 1 con tinh tinh cái được gọi là Bright Eyes – cho thấy dấu hiệu phát triển trí thông minh vượt trội, Will nghĩ rằng anh đã tìm được phương thuốc chữa bệnh này. Nhưng màn trình diễn không được như ý muốn trước các nhà đầu tư cho dự án đã khiến bọn khỉ thí nghiệm bị loại bỏ. Chỉ còn Caesar – đứa con trai mới sinh của Bright Eyes, được Will đưa về nhà và nuôi dưỡng, chăm sóc. Anh sớm phát hiện ra, Caesar (với diễn xuất vô cùng ấn tượng qua motion capture của Andy Serkis – người không xa lạ gì với kỹ thuật này với vai Gollum trong The Lord of the Rings và Kong trong King Kong) đã được di truyền gene của mẹ và trở nên vô cùng thông minh dần theo thời gian, thậm chí còn sớm có thể giao tiếp bằng ký hiệu với con người. Sau khi tấn công 1 người hàng xóm để bảo vệ bố của Will, Caesar bị mang đi và giam giữ ở 1 trung tâm kiểm soát động vật. Ở đó chú tinh tinh đã gặp những bạn đồng loại và chứng kiến sự độc ác của loài người, bởi 2 cha con đứng đầu trung tâm này, do Brian Cox (X-2, Manhunter) và Tom Felton (Harry Potter) thủ vai. Mầm mống của cuộc nổi dậy được nhen nhóm, và Caesar đủ tinh quái để dẫn dắt những bạn đồng loại kém thông minh hơn theo mình.

    Rise of the Planet of the Apes là 1 bộ phim hành động ấn tượng và mang lại nhiều cảm xúc, cho bạn những giây phút giải trí thú vị, dù phim không tràn ngập những cảnh hành động điên rồ và vô nghĩa như nhiều summer action blockbuster khác. Phim cũng là 1 bước tiến về công nghệ, performance capture của WETA Digital (công ty đã thực hiện hiệu ứng hình ảnh cho Avatar, The Lord of the Rings, King Kong, X-Men The Last Stand..) đã trở nên thật hơn bao giờ hết, với số lượng lớn khỉ và tinh tinh CGI trong phim (với cảm nhận của mình thì nó thật hơn cả Avatar). Tuy nhiên với công nghệ như vậy bộ phim vẫn sẽ không thể nào hoàn hảo nếu không có diễn xuất tuyệt vời của Andy Serkis, người không có duyên lắm với những vai diễn “thật”, nhưng tiếp nối Gollum và Kong thì Ceasar là vai diễn đáng nhớ tiếp theo của anh (sắp tới sẽ là vai Captain Haddock trong The Adventures of Tintin chăng?). Vào vai tinh tinh đương nhiên là sẽ không đơn giản (phần lớn là vì không có thoại để mà đọc), chỉ dựa vào những hành động, cử chỉ, biểu hiện trên khuôn mặt, có vẻ gợi nhớ chúng ta về thời kỳ phim câm ngày xưa. Và second act của phim là phần tốt nhất của phim, khi mà James Franco và Freida Pinto không còn tham gia vào câu chuyện, kế hoạch đào tẩu và cách Ceasar lôi kéo các bạn đồng loại theo mình thể hiện khả năng lãnh đạo vượt trội, đúng với cái tên Ceasar – 1 nhà lãnh đạo tài năng thời La Mã cổ.

    Vấn đề nghiêm trọng nhất với kịch bản phim có lẽ là việc xây dựng nhân vật chính là Will của James Franco, nhưng rồi hình như quên luôn mất anh. Cả 1 giờ cuối phim Will chả làm được gì ngoài việc chạy vòng quanh và hét lên “Ceasar!”. Lúc đầu mình còn nghĩ sẽ có 1 mối quan hệ nào đó giữa Ceasar và cô bác sĩ thú y của Freida Pinto, giống như của Kong với Fay Wray/ Naomi Watts trong King Kong (2005), nhưng hóa ra nhân vật của Freida Pinto khá là vô nghĩa, có thể hoàn toàn bị edit khỏi phim mà không ai biết/ nhớ đến cả. Ngoài John Lithgow thể hiện rất tốt vai diễn cha của Will, 1 người mắc bệnh Alzheimer’s và sợ mất đi trí nhớ của mình, các nhân vật con người khác khá là mờ nhạt và không có gì đáng nhớ.

    Bản phim gốc Planet of the Apes từ năm 1968 có thông điệp về môi trường mạnh hơn, cảnh báo về nguy cơ chiến tranh hạt nhân thời đó, mang tính châm biếm, trào phúng về loài người, trong khi Rise of the Planet of the Apes thì thông điệp chủ yếu là về việc thử nghiệm trên động vật, tuy nhiên cũng không rõ ràng về việc phim ủng hộ hay phản đối việc này (rất có thể các phần tiếp theo sẽ đề cập đến chiến tranh hạt nhân, vì nó là 1 điều tất yếu đối với Planet of the Apes).

    Nhạc phim được soạn bởi Patrick Doyle, người từng được đề cử Oscar cho Hamlet của Kenneth Branagh, rất tuyệt, khi trầm lắng khi dồn dập, đúng những lúc cần thiết, rất có tác dụng trong việc tạo cảm xúc cho khan giả xem phim (dù mình đã down cả album OST của phim về nghe trước khi xem phim cả tuần nhưng cảm giác nghe khi xem 1 cảnh phim thật sự rất khác biệt, có thể còn do âm thanh ở rạp nữa). Cinematography (quay phim) của phim do nhà quay phim người Úc Andrew Lesnie (đã từng đoạt Oscar với The Lord of the Rings) đảm nhiệm cũng không còn gì để chê, những cảnh long take trên đường phố San Francisco, trong rừng, hay thậm chí ngay trong nhà của Will và Ceasar thật sự là “breathtaking”.

    Phim chỉ dài 105 phút (hình như tính cả credit), nhưng cho người xem trải nghiệm những cảm xúc vui buồn lẫn lộn, thỏa mãn với kỹ xảo, âm nhạc và cả các cảnh hành động, làm ta cảm thấy sao phim ngắn thế, không biết khi nào mới có phần tiếp, với mình đây là 1 ví dụ cho 1 “summer action blockbuster” hoàn hảo, cho thấy triển vọng của Rupert Wyatt trong cách tiếp cận kịch bản và lối kể chuyện thông minh. Hy vọng phim sẽ thành công về doanh thu và làm tiếp sequel, quan trọng hơn là Rupert Wyatt có thể trở lại đạo diễn tiếp (trong trả lời phỏng vấn anh cũng đã nêu 1 vài ý tưởng cho việc làm sequel nên khá hy vọng :x), nếu không có thể sẽ lãng phí tài năng của Andy Serkis và công nghệ của WETA Digital với những cảnh hành động màu mè đầy kỹ xảo nhưng vô nghĩa.

    *Những references của phim gốc 1968 và series gốc trong phim này (trong này có spoil bản 1968, nếu ai có ý định xem bản 1968 này thì không nên đọc, còn ai đã xem bản 1968 rồi mà chưa xem phim này thì cũng không nên đọc vì cảm giác tự mình nhận ra những chi tiết này trong phim sẽ thú vị hơn rất nhiều)
    - Điều dễ nhận thấy nhất chắc là 2 câu kinh điển của Charlton Heston trong bản “Planet of the Apes" (1968) là "Get your stinking paws off me you damn dirty ape!" và "It's a madhouse! A madhouse!" được Tom Felton nói trong phim này, tuy nhiên hơi thất vọng vì 2 câu này cho vào có vẻ không hợp với tình huống cho lắm.
    - Mẹ của Ceasar được gọi là “Bright Eyes” – chính là tên mà bọn khỉ gọi nhân vật chính Taylor của Charlton Heston trong Planet of the Apes (1968).
    - 1 bộ phim của Charlton Heston được chiếu trên TV.
    - Con khỉ dòng Orangutan cũng là dòng giống của Dr Zaius (1 nhân vật khá đáng nhớ trong bản 1968) tên là Maurice, ám chỉ diễn viên Maurice Evans, người vào vai Dr Zaius trong phim gốc.
    - Trên TV và báo xuất hiện việc tàu Icarus (tàu vũ trụ đầu tiên có người lái) lên sao Hỏa, sau đó mất tích, có thể là ám chỉ tàu của Taylor (Charlton Heston) trong bản Planet of the Apes (1968)
    - Nhân vật chính tên là Ceasar, chính là tên con khỉ cầm đầu cuộc nổi loạn trong “Conquest of the Planet of the Apes” và “Battle for the Planet of the Apes” (phần 4 và phần 5 trong series gốc)
    - Ceasar chơi với đồ chơi hình tượng nữ thần Tự do, có thể ám chỉ đến cái kết kinh điển của bản 1968 với hình ảnh Taylor quỳ trước tượng nữ thần Tự do.
    - 1 con tinh tinh cái được gọi là Cornelia – có lẽ có ám chỉ đến bố mẹ của Ceasar trong series gốc: Cornelius và Zira.
    - Còn câu “No!” cũng liên quan đến series gốc, nhưng hơi spoil đối với phim này nên thôi không nói chi tiết ở đây.
     
    Nomurasan thích bài này.
  16. Dr. House

    Dr. House Legend of Zelda

    Tham gia ngày:
    5/10/10
    Bài viết:
    1,073
    Nơi ở:
    Cuddy's Boobies
    Thread gốc: http://forum.gamevn.com/showthread....-An-awe-fvcking-some-cult-classic-Masterpiece

    Brazil

    [​IMG]


    * Imdb: http://www.imdb.com/title/tt0088846/
    * RT: http://www.rottentomatoes.com/m/1003033-brazil/
    * Đạo diễn: Terry Gilliam (Monty Python, Twelve Monkeys, The Adventures of Baron Munchausen, Time Bandits, Fear and Loathing in Las Vegas...)
    * Diễn viên: Jonathan Pryce, Robert De Niro, Katherine Helmond, Kim Greist, Michael Palin...
    * Thể loại: Sci-fi fantasy| Drama | Black comedy
    * Độ dài: 132 phút (bản Cut) | 142 phút (bản DC)
    * Nước sản xuất: Anh
    * Năm phát hành: 1985


    Trailer:
    [video]EvBF3Lxla98[/video]​



    *** Spoil nội dung phim ***
    Một tuyệt phẩm của đạo diễn Terry Gilliam - nó đã vượt trên cả những bộ phim xuất sắc khác của ông như Twelve Monkeys, Time Bandits, Monty Python... để trở thành một những điểm nhấn nổi bật của điện ảnh Anh, điện ảnh châu Âu nói riêng và thế giới nói chung.

    1. Phong cách của Zack Snyder trong Sucker Punch chịu rất nhiều ảnh hưởng của Terry Gilliam trong Brazil. Vì tôi xem hai bộ phim này khá gần nhau nên không tránh khỏi việc mở đầu bài review này bằng một loạt các so sánh và tham chiếu giữa cả hai.

    Là phần hình ảnh cực đẹp hay gọi một cách dân giã là "làm màu" - một món ăn thừa vẻ bắt mắt, một tác phẩm nghệ thuật phóng túng về mặt hình ảnh.
    Là cách dẫn chuyện khiến người xem rối loạn và trở nên "hoang tưởng", đôi khi mang lại cho ta cảm giác lộn xộn một cách có chủ đích, truyện không cốt truyện.
    Là phong cách retro-futuristic (Steampunk, Dieselpunk...). Nó kết hợp những ảnh hưởng về nghệ thuật trong quá khứ như phim, báo chí, nghệ thuật trang trí với những công nghệ mang tính hậu hiện đại, là sự giao thoa của công nghệ và sự lãng mạn, nơi mà các thiết bị tiện ích điện tử được kết hợp giữa quá khứ và tương lai.
    Là ẩn dụ và biểu tượng tràn lan mà không cần diễn giải. Như đã nói: khán giả đại chúng ghét ẩn dụ. Nó dẫn đến cái ý tiếp theo.
    Đó là cả hai phim không dành cho đại chúng. Người xem sẽ phải cân nhắc trước khi bỏ ra 142 phút xem có sau đó phải thốt lên: WTF, phim nói về cái gì thế??? Chỉ có một sự khác biệt: Brazil đã được công nhận còn Sucker Punch thì chưa.
    Là sự vinh danh cho nhiều thể loại văn hoá đại chúng khác nhau, là sự kính trọng và tôn vinh đối với một trong những đạo diễn vĩ đại nhất mọi thời đại: Akira Kurosawa.
    Là cách xáo trộn giữa thật và ảo, mơ trong mơ, sự chồng chéo giữa những nhân vật có thật với ý chí khao khát tự do của những người bị đàn áp. Nó làm ta đôi khi không thể phân biệt nổi đó là mơ hay thực, và nếu là mơ thì nó bắt đầu khi nào.
    Là cách nhân vật chính tạo ra thế giới tưởng tượng để thoát khỏi thực tại: Sam ở Phòng Tra Tấn (torture chamber) và Babydoll sau khi làm phẫu thuật thuỳ não (Lobotomy)
    Là cốt truyện chính khá đơn giản nhưng nó lại ẩn chứa những tầng nghĩa và thông điệp sâu xa khiến người xem không thể hiểu hết nếu chỉ xem một lần. Nói một cách khác, cái Gilliam cũng như Zack quan tâm đó là đánh thẳng vào cảm giác của người xem. Cốt truyện? Không quan trọng. Nhân vật? Không quan trọng. Sự kết nối? Không cần thiết. Khi tất cả những điều trên qua đi, cái đọng lại chỉ còn là cảm giác tê dại trong tinh thần.
    Là twist và mind-fvcked khi đạo diễn nhường phần diễn giải cho người xem tự định đoạt. Tôi coi Brazil mới là một phim mind-fvcked đúng nghĩa. Nếu bạn xem những Inception, Source Code hay Shutter Island và bạn gọi những phim đó bằng cái mĩ từ mind-fvcked thì khi xem Brazil tôi e là bạn sẽ phải xem lại định nghĩa này.
    Có thể với nhiều người sẽ không thích kiểu lửng lơ "Up in the air" này nhưng tôi rất thích những kiểu phim thế này, nó cũng giống như "Sự bí ẩn làm nên một người phụ nữ hấp dẫn" vậy.

    [​IMG]


    2. Quay trở lại với Brazil: chịu nhiều ảnh hưởng của tiểu thuyết 1984 của George Orwells (dù Gilliam thừa nhận là khi quay Brazil ông chưa hề đọc 1984 mà chỉ biết đại khái nội dung của nó), bối cảnh chính của bộ phim là một xã hội hư cấu trong "tương lai" - Nhà nước ở đây được gọi là Central Services - một thể chế mang xu hướng phát xít và độc tài, một cỗ máy quan liêu và cứng nhắc chỉ biết làm việc trên những tờ giấy và hoá đơn (Receipt) vô hồn mà vứt đi cái gọi là tình người (dehumanization).

    Ở đoạn đầu phim, cảnh Phó Thủ Tướng Helpmann được phóng viên hỏi: "Tại sao chiến dịch đánh bom khủng bố lại kéo dài đến tận 13 năm trời?" thì ông ta chỉ cười khẩy: "May mắn của kẻ mới!" (Beginner's luck).

    Tôi cực kì thấy hài hước với câu trả lời này. Tại sao lão ta lại tự tin đến vậy, phải chăng vì lão biết nó sẽ không bao giờ kết thúc?
    Quả thật vậy, bởi vì vốn chả có khủng bố nào cả, như khi Jill hỏi Sam: "Anh đã thực sự nhìn thấy một tên khủng bố nào chưa?" thì Sam không trả lời được. Vì Sam chưa bao giờ nhìn thấy. Chưa có ai từng nhìn thấy.

    Những vụ đánh bom ấy đơn giản chỉ là các vụ nổ đường ống vì các đường ống sưởi, nước thải... đủ loại nằm ở khắp mọi nơi. Chính quyền thì một mực khẳng định các đường ống hoạt động hoàn hảo và để che đậy chúng đã đổ tội cho một nhóm khủng bố không tồn tại. Giả thiết này hoàn toàn hợp lí cho sự xuất hiện của nhân vật Tuttle, người chuyên bí mật đi sửa những đường ống hỏng và bị Central Services truy lùng vì sợ lộ bí mật.

    Cái cách làm trên vốn đã có một cái tên: False Flag Operation (Chiến dịch Cờ Giả).

    Cờ giả là khái niệm chỉ những hoạt động ngầm được che đậy hay vụng trộm do chính phủ hay các tổ chức thực hiện nhằm đánh lừa dư luận là do các đối tượng khác thực hiện. Không chỉ dừng ở mức độ chiến thuật, cờ giả thời kỳ lịch sử hiện đại đã được nâng tầm lên mức chiến lược.

    Khái niệm này ngày nay không còn giới hạn trong chiến tranh và chống nổi loạn mà còn để chỉ những hoạt động thời bình như “chiến lược gây căng thẳng” mà nước Ý áp dụng thời kỳ 1970-1980 hay Mỹ áp dụng ở chiến tranh Iraq sau 2003.
    Kiểu tấn công như vậy thường được gọi là ‘khủng bố giả’. Mặt khác cờ giả cũng đã từng được rất nhiều quốc gia sử dụng để đổ tội cho các quốc gia hay các tổ chức khác bằng cách tự đánh vào chính mình, trường hợp như vậy có thể gọi nôm na là rạch mặt ăn vạ.

    Điểm lại lịch sử Thế Chiến II, Đức quốc xã đã nhiều lần dùng kế này. Quân Nazi đã tự đốt trụ sở các đảng/Nhà Quốc Hội (Reichtag) và đổ tội cho Cộng Sản, giúp Hitler lên nắm quyền, hay chiến dịch Himmler, quân Nazi đã tấn công vào các trạm hải quan trên biên giới Đức-Ba lan và lấy đó làm cớ để tấn công Ba Lan, khởi đầu Thế chiến II.


    Mục đích của Nhà Nước trong Brazil cũng tương tự như vậy: chúng tự tạo ra một nhóm-khủng-bố-tưởng-tượng trong 13 năm trời để gieo rắc sự sợ hãi trong lòng dân chúng, từ đó để chúng có thể đưa ra những "Sắc lệnh chống khủng bố" vi phạm nghiêm trọng đến dân chủ và quyền con người như: bắt bớ, tra tấn, vu khống...một cách vô tội vạ. Chúng lùng bắt và thậm chí là tra tấn đến chết những người có mặt ở hiện trường các "vụ đánh bom" (bởi vì họ có tội đâu mà khai?). Và trên hết, đó là một cách tuyên truyền (Propaganda) của Bộ Thông Tin (Ministry of Information) khiến người dân tin tưởng và tín nhiệm một cách mù quáng vào chính quyền hiện tại mà không hề hay biết quyền tự do và tự quyết của mình đã bị cướp đoạt một cách trắng trợn. Con người không còn được coi là con người nữa mà chỉ là những tệp hồ sơ vô hồn, khi mà việc giết một người được các Cục/Bộ khác nhau gọi bằng những cái tên rất "thiếu tính người".
    Ví dụ như cái chết của Buttle:

    Mr. Kurtzmann: The population census has gotten him down as "dormanted." The Central Collective Storehouse computer has got him down as "deleted." Information Retrieval has got him down as "inoperative." Security has got him down as "excised." Administration has him down as "completed."
    (Bên đếm dân số thì ghi là "không còn hoạt động." Máy chủ Trung tâm thì ghi là "đã bị xóa." Cục Truy hồi Thông tin thì ghi là "không còn chạy." Bên Cảnh sát thì ghi "đã bị loại trừ." Bên Hành chính thì ghi "Đã xong.")
    Sam: He's dead.
    (Ông ta chết rồi.)


    [​IMG]



    3. Tất cả những nút thắt trong phim được bắt đầu với một sự kiện khiến chúng ta không khỏi bật cười: một nhân viên chính phủ đập chết một con ruồi làm xác nó rơi vào chiếc máy chữ gây ra một vụ bắt người nhầm - thay vì bắt Tuttle thì lại bắt ông Buttle! Một con ruồi chết kéo theo một người chết!
    Đây chính là điểm mở đầu cho sự đỉnh cao của nghệ thuật trào phúng trong Brazil. Bằng những câu thoại chất và hài hước; phong cách hài Anh đậm vẻ mỉa mai chua cay, Brazil đả kích sự thối nát đến cùng cực của những kẻ cầm quyền, mang ý nghĩa thực tiễn và nhân văn một cách sâu sắc.


    Sự mơ mộng của Sam không hề làm yếu tố trào phúng mất đi sức mạnh và mũi nhọn của nó mà hoàn toàn ngược lại: chúng hòa quyện và thống nhất với nhau khiến cho các mâu thuẫn càng thêm tính chua cay.

    Quả thực mà nói những gì mà Gilliam truyền đạt trong Brazil là rất rộng lớn, mỗi lần xem là ta lại khám phá được một cái gì đó mới mẻ.
    Gilliam truyền đạt sự suy đồi của đời sống thẩm mĩ bằng những hình ảnh, những đoạn đối thoại mang tính hiện thực phê phán: những đường ống to lớn, xoắn xít chiếm diện tích lớn ở khắp mọi nơi; những dự án nhà ở xấu xí; khung cảnh thành phố; sự đua đòi, chạy theo phẫu thuật thẩm mĩ đến điên cuồng của các quý bà sồn sồn.... Có thể ngay khi viết bài review này tôi cũng chưa thẩm thấu được hết những gì ông gửi gắm đến người xem.



    [​IMG]



    Tuy vậy, trong cái xã hội mục nát ấy vẫn còn những người như Sam, Tuttle và Jill. Sam Lowry là một nhân viên kĩ thuật cấp thấp làm trong Cục Lưu Trữ (Information of Records Department), mặc dù mẹ của Sam, bà Ida Lowry có nhiều mối quan hệ với các quan chức cấp cao nhưng Sam lại không thích thăng tiến. Anh vốn chán ngán với công nghệ kĩ thuật và sự quan liêu của giới cầm quyền mà chỉ suốt ngày mơ mộng cả ngày lẫn đêm: trong giấc mơ đó, Sam cứ lặp đi lặp lại là một "hiệp sĩ" (Angelic knight) đi giải cứu một cô gái xinh đẹp. Cái làm nên sự mới mẻ ở đây đó là nhân vật chính Sam của chúng ta đứng lên chống lại chính quyền không phải vì một lí do cao cả đại loại như muốn làm thế giới tốt đẹp hơn... mà tất cả chỉ vì bản thân mình, Sam muốn có một cuộc sống thú vị và lãng mạn hơn là cái công việc nhạt nhẽo hiện tại. Nói cách khác, Sam bị mắc kẹt trong thực tại, nơi bị chi phối bởi một cái bộ máy cầm quyền ma quỷ mà chính anh cũng là một guồng máy của nó.

    Đến một ngày, nhiệm vụ của Sam là đi "sửa lại" mớ bòng bong Buttle-Tuttle, đến gặp bà goá phụ Buttle đưa tấm séc hoàn tiền và vô tình gặp được Jill Lay ton - cô ở ngay trên nhà bà Buttle một tầng, người giống hệt cô gái trong mơ của anh. Jill là người giúp bà Buttle tìm hiểu cái chết của chồng và làm báo cáo/khiếu nại lên trên về sai lầm chết người của chính quyền. Từ đó cô bị chúng coi là thành phần khủng bố, đồng bọn của Tuttle.

    Cảnh đối thoại giữa Sam và bà Buttle cực kì giàu cảm xúc và bi kịch, đây chính là lúc Sam thoát hẳn ra khỏi những giấy tờ, những thủ tục quan liêu, những giao tiếp thông qua đường ống/dây cáp để đối mặt trực tiếp với những nạn nhân thực sự của chế độ này. Nói một cách khác, nó hiện thực và cá nhân hoá tội ác của lũ cầm quyền. Nghe là một chuyện, nhưng tiếp xúc mặt-đối-mặt lại là chuyện hoàn toàn khác.


    Nhắc đến Tuttle, dù đây chỉ là một vai phụ của De Niro với không quá hai phút tổng thời gian xuất hiện nhưng Tuttle lại đóng một vai trò quan trọng. Tuttle trước kia vốn là thợ sửa đường ống cho Central Services nhưng vì tình yêu với công việc đã trở thành một kẻ sống ngoài vòng pháp luật, chuyên đi nghe trộm điện thoại của Central Services và âm thầm sửa những đường ống bị hỏng.
    Chỉ vì "sửa không có giấy phép", vì những thứ gọi là thủ tục quan liêu hay giấy tờ lằng nhằng, thứ mà 15, 25 năm sau - thế hệ chúng ta không còn lạ gì... Tuttle đã bị Central Services coi là một "kẻ khủng bố". Trong một lần đường ống nhà Sam bị hỏng Tuttle đã tìm đến sửa đường ống nhà Sam.
    Hai cảnh: Sam gọi điện cho Central Services nhưng không liên lạc được và hai tên kĩ thuật viên mò đến khi Tuttle đã sửa xong khiến tôi phải bật cười. Tất cả là nhờ vào cái vũ khí sắc sảo của Gilliam được sử dụng xuyên suốt bộ phim. Đó chính là cách tạo mâu thuẫn, hay nói đúng hơn thì mâu thuẫn luôn có sẵn trong xã hội, Gilliam chỉ nâng lên, chiếu ánh sáng và đưa nó ra trước công chúng để cho khán giả nhìn thấy, cười mỉa mai và khinh bỉ.


    SAM: Sorry. Wouldn't it be easier just to work for Central Services?
    (Không phải đơn giản hơn nếu ông làm cho Central Services sao?)
    TUTTLE: Couldn't stand the paperwork, couldn't stand the paperwork. Listen, this old system of yours could be on fire and I couldn't even turn on the kitchen tap without filling in a 27B/6.... Bloody paperwork.
    (Cả cái hệ thống cũ kĩ này có thể cháy và tôi thậm chí không được mở vòi nước nếu chưa điền vào đơn 27 B/6.)
    SAM: Well I suppose one has to expect a certain amount.
    (Tôi cho là mỗi người đều phải chịu một phần nào đó.)
    TUTTLE: Why? I came into this game for the action, for the excitement – go anywhere, travel light, get in, get out, wherever there's trouble, a man alone. Now they've got the whole country sectioned off and you can't move without a form.
    (Tại sao? Tôi làm trò này là vì nó có tính hành động và kích thích. Đi đến bất cứ đâu có rắc rối, đỡ tay xách nách mang, đến rồi đi một mình. Giờ chúng chia nát cái xứ này ra rồi. Không đơn từ là cấm có làm gì được.)


    [​IMG]


    4. Dấu ấn của đạo diễn.
    Các cắt cảnh/trường đoạn rất kinh điển và giàu cảm xúc, từ thế giới thật cho đến những cảnh trong mơ. Một điều đặc biệt thể hiện dấu ấn và tài năng của Gilliam, tôi có cảm giác Brazil được cắt dán từ nhiều phim ngắn vào với nhau! Mỗi một "phim ngắn" đó lại có cảm xúc và cung bậc tình cảm khác nhau, có mở đầu và kết thúc riêng nhưng tổng thể không hề rời rạc hay lạc điệu. Đây cũng là một kĩ thuật ưa thích của đạo diễn Kubrick.
    Bố cục/quay phim rất chật chội, hẹp góp phần làm tăng hiệu ứng cho phong cách retro-futuristic và tạo ra bầu không khí tù túng, ngột ngạt xuyên suốt bộ phim.

    Diễn xuất của các diễn viên chính đều tốt.
    Jonathan Pryce là một ứng cử viên hoàn hảo cho nhân vật Sam đặc biệt khi ta xem xét tới sự tương phản cực mạnh giữa tính chất trừu tượng và những cảm xúc rất thật mà Brazil mang lại. Từng dáng vẻ, điệu bộ, lời nói của Pryce đều mang hình bóng của Sam: một gã khờ tốt bụng.
    Hay Katherine Helmond đóng vai mẹ của Sam với một khả năng diễn xuất cực mạnh. Không cần những câu chuyện, dẫn dắt hay bất cứ gì thêm, tự thân diễn xuất của bà đã giúp ta có một cái nhìn rất rõ ràng về mối quan hệ mẹ-con này.
    Kim Greist (vai Jill), Michael Palin (vai Jack), Bob Hoskins (vai Spoor), Ian Holm (vai ông Kurtzmann) cũng đều hoàn thành tốt vai trò của mình.

    Cinematography xuất sắc và là niềm cảm hứng cho nhiều phim sau này như: Dark City, Delicatessen, Batman, Sucker Punch...

    Một vài đoạn trích dẫn ưa thích của tôi như:

    Jill Layton: Care for a little necrophilia? Hmmm?
    (Làm tí "xếp hình" với người chết không anh?)

    Sam Lowry: Give my best to Alison and the twins.
    (Cho tôi hỏi thăm Alison và hai cháu sinh đôi.)
    Jack Lint: Triplets.
    (Sinh ba.)
    Sam Lowry: Triplets? My, how time flies
    (Sinh ba? Giời đất, thời gian trôi như bay.)

    Mr. Warrenn: What is this mess? An empty desk is an efficient desk.
    (Đống lộn xộn này là sao? Không có việc để làm mới là làm việc hiệu quả.)

    Arresting Officer: This is your receipt for your husband... and this is my receipt for your receipt.
    (Đây là biên lai cho chồng bà... Và đây là biên lai của tôi cho biên lai của bà.)


    [​IMG]


    5. Đa phần người xem đều có chung một câu hỏi: nhân vật Tuttle là thật hay chỉ là tưởng tượng của Sam? Câu trả lời ở đây không có gì khác đáp án của câu hỏi: Sweet Pea, Blonde, Rocket và Amber là thật hay chỉ là tưởng tượng của Babydoll?

    Là cả thật và ảo.
    Hai lần Sam và Tuttle gặp nhau, đó là Tuttle bằng xương bằng thịt, bằng chứng là ở lần gặp nhau thứ hai và cũng là cuối cùng: Jill đã hỏi Sam xem Tuttle là ai. Còn lại chỉ là tưởng tượng của Sam dựa trên hình bóng Tuttle, giống như Sweet Pea, Blonde, Rocket và Amber trong những cảnh hành động/cảnh trong nhà thổ.

    Bạn đã xem Sucker Punch và thích cái kết, thậm chí cho rằng đó là cảnh hay nhất của phim? Cái kết của Brazil cũng vậy, nếu như Brazil là một Masterpiece thì đoạn kết chính là một Masterpiece within Masterpiece.
    Ngay khi Jill và Sam chuẩn bị làm tình với nhau thì quân chính phủ kéo đến, Sam bị bắt đến Phòng Tra tấn (Torture Chamber) còn Jill bị bắn chết vì chống cự (ít nhất đó là những gì Phó Thủ tướng Helpmann nói với Sam).
    Tất cả những gì diễn ra sau đó đều chỉ là tưởng tượng của Sam, từ việc Tuttle và đồng bọn kéo đến cứu anh cho đến việc anh trốn thoát được cùng với Jill.
    Một cái kết đau đớn, có phải chăng? Nhưng đối với Sam thì anh đã hy sinh thân xác để giải phóng cho tâm hồn mình: thoát khỏi thực tại bạo lực, đau buồn, thoát khỏi cái xã hội anh vốn không có hứng thú và tham vọng sống để đến với giấc mơ của mình - được tự do sống hạnh phúc với Jill đến trọn đời.
    Phó Thủ Tướng Helpmann đã phải thốt lên: "He's gone".
    Sam đã mỉm cười, cái nụ cười ám ảnh đấy khiến tôi mãi không thể nào quên.


    Cũng có người đưa ra một giả thiết khác mà tôi thấy cũng rất hợp lí và khó bác bỏ đó là:
    Sự tưởng tượng của Sam không phải bắt đầu từ lúc bị đưa vào Phòng Tra Tấn mà từ trước đó lâu rồi: khi Sam và Jill ở trong khu mua sắm thì có một vụ nổ và quân chính phủ kéo đến. Sam thấy Jill bị cảnh sát lôi kéo một cách thô bạo, anh đã bị ảo giác và nhìn viên cảnh sát thành tên Samurai khổng lồ như thường thấy trong mơ. Hành vi hung hãn của Sam đã khiến anh bị cảnh sát đánh gục. Sam không bao giờ tỉnh hẳn lại nữa và tất cả những cảnh sau đó chỉ là tưởng tượng của anh. Vì sao giả thiết này hợp lí:
    - Sam là nhân viên của Cục Truy tìm Thông tin (Information of Retrieval) nên địa chỉ nhà là thông tin tuyệt mật. Vậy tại sao Jill lại biết nơi mà đến? (cảnh gặp Tuttle)
    - Khi Sam ấn mã để đi thang máy lên phòng của Helpmann, để ý sẽ thấy bài nhạc nền Aquarela do Brasil aka. Brazil của phim. Mà Sam chỉ huýt sáo bài này ở trong mơ nên mỗi khi bài hát vang lên, nó là dấu hiệu cho thấy Sam đang mơ.
    - Khi Sam quay lại tìm Jill và giơ tờ giấy giả mạo cái chết của Jill thì Jill đã biến thành cô gái trong mơ của Sam.
    - Ngay trước đó, lúc ở khu mua sắm Jill còn đang rất ghét/bình thường Sam thì đến cảnh ở nhà Sam lại hôn nhau ngay? Liệu có phải nó cho thấy Sam đang mơ?
    - Những mối quan hệ của mẹ Sam giúp anh thoát khỏi cuộc thẩm vấn lần một, tại sao lần hai lại không? Phải chăng vì đó là mơ?

    Thậm chí là cả giả thiết tất cả bộ phim chỉ là trong mơ của Sam...
    Không hẳn là không có lí, khi mà Gilliam là một người ám ảnh với chủ đề "Mơ trong mơ" và Brazil là một trong bộ ba phim về giấc mơ của ông (cùng với Time Bandits và Twelve Monkeys)

    Một trong những điều đáng chú ý ở Brazil đó là Gilliam sử dụng "Sự trốn tránh trách nhiệm"/"Quản không được thì cấm" như một cơ chế dẫn truyện chính. Ta có thể thấy nó hiện diện trong rất nhiều cắt cảnh/chủ thể.
    - Những đường ống hư hỏng, nguy hiểm phát nổ được chính quyền quy cho một nhóm khủng bố tưởng tượng.
    - Sự quan liêu hành chính dẫn đến khối lượng giấy tờ lưu thông qua lại ngày càng phình to một cách khủng khiếp, từ đó dẫn đến những sai lầm nghiêm trọng nhưng không được thừa nhận: "We don't make mistakes."
    - Hay như hình tượng gã đồng nghiệp của Sam trong Cục Truy tìm Thông Tin - người không biết dùng máy tính và không chịu thừa nhận!
    - Là cái máy "Executive Decision Making" mà ta thấy trên bàn của Harvey Lime cũng như được dùng làm quà tặng/đồ hối lộ xuyên suốt bộ phim: người ta đưa ra những quyết định quan trọng dựa trên một cỗ máy có cơ chế hoạt động ngẫu nhiên! Có hoặc Không!
    - Là cảnh bà già đổ tại những người nhập cư làm bẩn thỉu đường phố!



    [​IMG]


    6. Và một điều quan trọng, như tôi đã nói khi đem so sánh Sucker Punch với Brazil, đó là sự tràn ngập ẩn dụ và các biểu tượng.

    Không hiểu tại sao tôi luôn có cảm hứng một cách kì lạ với những thứ giàu tính ẩn dụ (metaphor) và biểu tượng (symbolism), có lẽ vì ảnh hưởng của những tác phẩm văn học cổ điển đã đọc trong giai đoạn tìm kiếm và định hình thế giới quan của riêng mình - thời điểm chuyển giao từ một đứa trẻ thành một người trưởng thành.

    Nói về ẩn dụ, thì ngày nay nó đã thoát xa khỏi cái định nghĩa lúc ban đầu rồi: không chỉ là một hình thái tu từ/a figure of speech nữa mà trở thành 1 dạng nghệ thuật.
    Nhất là mấy phim về dream/imagination rất là giàu ẩn dụ và biểu tượng. Chủ đề này được các nhà làm phim tận dụng từ rất lâu rồi, giờ chẳng qua mới nổi/được khán giả đại chúng biết đến nhờ mấy phim kiểu Inception, Shutter Island... thôi.

    Có thể kể ra những cái tên như: Dreams của Akira Kurosawa, Kiss of the Spider Woman của Hector Babenco, Waking Life, Lost Highway, Mulholland Drive của David Lynch, 12 Monkeys của chính Terry Gilliam, Heavy Metal, Fight Club của David Fincher, Southland Tales, House of Dreams, Three Cases of Murder, Illicit Dreams, Jacob's Ladder của Adrian Lyne, Field of Dreams...

    Sự kết nối giữa các thế giới của thực tại - ảo tưởng chính là những đặc điểm tiêu biểu nhất của việc áp dụng chủ nghĩa siêu thực - Surrealism vào điện ảnh. Chính vì vậy, Brazil được đánh giá là một trong những tác phẩm thể hiện một cách xuất sắc tinh thần này. Chủ nghĩ siêu thực vốn chưa bao giờ là một con đường thẳng tắp, một chiều hay một bài nhạc pop dễ nghe, dễ thích, dễ chán cả. Nó là một cái nhìn đa chiều, phức tạp của con người; là nơi trốn tránh, ẩn nấp của các tác gia khỏi sự tàn phá của hiện thực tàn bạo. Chính vì vậy Brazil tạo ra một trạng thái nửa tỉnh nửa mê, sử dụng hình ảnh để làm những câu từ ưu mĩ và tràn ngập những cắt cảnh tối tăm khó hiểu. Tưởng là ảo, là không thật nhưng lại vô cùng thật.


    Đó là "những đường ống, dây cáp" dày đặc, phức tạp và xoắn xít vào nhau có ở khắp mọi nơi: từ những đường ống sưởi, dẫn nước thải hay dây cáp dùng để trao đổi thông tin.... Nó đại diện cho những thứ sai trái/quan liêu/không hoàn hảo của một xã hội. Hơn thế nữa, nó góp phần đả kích những kẻ cầm quyền, khi những công cụ được làm ra để nâng cao chất lượng cuộc sống thì nó lại có tác dụng ngược lại hay hài hước hơn là qua đoạn quảng cáo của Central Services yêu cầu người dân nên nâng cấp thay các đường ống ở nhà mình bằng các mẫu thiết kế mới. Chính quyền thay vì tìm cách sửa chữa nó thì lại bịt mắt người dân bằng cách đổ tội cho một thế-lực-không-tồn-tại. Người dân - đa phần là những con người yếu đuối, an phận thì phải bám lấy xã hội, phải tỏ ra là cái xã hội này thật hoàn hảo. Không có xã hội nào là hoàn hảo cả, đó chính mới là sự hoàn hảo tuyệt đối!
    Có một điểm thú vị: Brazil không hề có một "kẻ xấu hữu hình" nào mà chỉ xoay quanh những con người bình thường làm những công việc chuyên môn của họ! Một ví dụ tiêu biểu là bạn thân của Sam, Jack, người chuyên làm nhiệm vụ tra tấn các "kẻ khủng bố" - anh ta chỉ biết làm việc của mình, tin và nghe theo lệnh từ trên đưa xuống một cách mù quáng mà thôi. "Kẻ xấu duy nhất" có chăng chính là bản thân cái xã hội này!

    Là cảnh Tuttle bị cuốn vào giấy tờ và biến mất hẳn. Dù chỉ là trong mơ của Sam nhưng đây là một cảnh cực kì giàu hình tượng. Sự quan liêu giết chết những con người tự do. Càng nhiều giấy tờ, càng nhiều thủ tục rườm rà bao quanh anh ta, thì đến một lúc sức nặng của nó sẽ đè bẹp và tiêu diệt chính anh ta.

    Là câu nói cửa miệng của Tuttle: "We're all in this together" - nên nhớ cách dễ dàng nhất để dập tắt một cuộc cách mạng đó là xuyên tạc đường lối của nó. Chính bộ máy cầm quyền cũng sử dụng câu trên để tuyên truyền nhưng với một sắc thái hoàn toàn khác: "Happiness, we're all in this together".

    Là hình ảnh Samurai khổng lồ trong mơ của Sam. Ngoài việc mang ý nghĩa tôn vinh đạo diễn huyền thoại Akira Kurosawa thì tên Samurai khổng lồ với bộ giáp đầy những mạch điện, đường ống cũng là một ẩn dụ cho bộ máy nhà nước quan liêu, cho những công nghệ kĩ thuật. Có thể nói chưa bao giờ hết con người chúng ta lại phụ thuộc vào những giấy tờ, hồ sơ, công nghệ một cách kinh khủng như hiện tại. Nhiều cái ngô nghê và ngờ nghệch đã được biểu hiện một cách khá mỉa mai giữa đoạn hội thoại của Kurtzmann và Sam. Khi Sam giết tên Samurai và lột mặt nạ ra thì lại thấy mặt của chính mình - nó muốn ám chỉ chính anh cũng là một thành phần của cái guồng máy tàn bạo, to lớn và cứng nhắc ấy. Ngoài ra SAMURAI còn là cách chơi chữ: SAM U R I (Sam you are I)

    Là những xác chết đeo mặt nạ trẻ con đuổi theo Sam xuyên suốt các giấc mơ của anh. Có lẽ nó đại diện cho cái chết. Khi mà cảnh Sam bị trói trong phòng tra tấn, Jack đã đeo một cái mặt nạ y hệt/Sam đã tưởng tượng ra như vậy. Sau khi ngẫm nghĩ kĩ thì tôi đã có thể khá chắc chắn là nó tượng trưng cho những tầng lớp thượng lưu trong cái xã hội ấy - tầng lớp này tha hóa và xuống cấp không khác gì những loại xác thối - Zombie trong tưởng tượng của Sam. Chính chúng tự cam chịu làm nô lệ cho cái hệ thống vốn đã quá mục ruỗng mà không hề hay biết. Trong mơ, chúng canh giữ cô gái của lòng Sam cũng chính là những kẻ cầm quyền đang muốn bắt Jill của Sam.

    Là những tòa nhà phẳng lì, nhẵn nhụi, cao lớn đột nhiên mọc lên trong giấc mơ của Sam. Nó tượng trưng cho sự mất cân bằng giữa thực tại và mơ mộng của Sam đã đến giai đoạn gay cấn nhất. Và một sự sụp đổ sẽ là điều tất yếu.

    Là trong tưởng tượng của mình, Sam gặp mẹ ở đám tang của bà Alma và khuôn mặt sau khi phẫu thuật thẩm mỹ của mẹ Sam lại giống y hệt Jill! Đây là một biểu tượng khá quan trọng trong giấc mơ của Sam. Chính chỗ này tôi cũng chưa hiểu ẩn ý của Gilliam là gì. Tôi chỉ có thể cho rằng mối quan hệ giữa Sam và mẹ mình có một vai trò/ảnh hưởng tương đối quan trọng đến những giấc mơ của anh.

    Là những cắt cảnh giàu tầng nghĩa mà thoạt nhìn qua ta tưởng không có gì: lũ trẻ đốt xe Sam hay cảnh bọn trẻ chơi trò bắt người của cảnh sát. Tôi có cảm tưởng như Brazil không hề có một cảnh nào thừa, mọi thứ đều có chỗ đứng và tác dụng của nó vậy. Cảnh Sam gặp lại người bạn cũ Jack, Sam: "Cho tôi hỏi thăm Alison và hai cháu sinh đôi." - Jack: "Sinh ba." - "Sinh ba? Giời đất, thời gian trôi như bay." Nhưng thời gian đâu thể biến một cặp sinh đôi thành sinh ba! Nó cho thấy sự lẫn lộn và rơi rớt những kí ức thực tại của Sam, nhưng thay vì đối diện với nguồn gốc của vấn đề thì Sam đã né tránh nó.
    Hay những chi tiết tưởng như rất nhỏ như: gã bồi bàn chỉ chịu chấp nhận gọi món theo số chứ không theo tên; cô gái Shirley như một con vẹt trong hình người...

    Là hình ảnh con chó bị dán băng dính ở hậu môn để không đi bậy ra đường!

    Bài hát chủ đề xuyên suốt bộ phim có tên "Aquarela do Brasil" aka. "Brazil" tượng trưng cho "Vùng đất tự do" - giấc mơ thoát khỏi thực tại tàn bạo, chán nản của Sam. Mỗi lần vang lên là nó ám chỉ Sam đang mơ. Thực ra lúc đầu Gilliam đặt tên phim là 1984 and 1/2 nhưng vì thiếu tài trợ nên bộ phim đến tận 1985 mới được ra mắt, lúc này thì lại lằng nhằng chuyện bản quyền với một phim 1984 khác nên ông ta đã đổi thành Brazil. Tuy vậy, bài Brazil không chỉ là cảm hứng để Gilliam làm phim mà lời của nó cũng thể hiện nội dung và mang tính biểu tượng rất cao.

    Nếu bạn thích một bộ phim "hại não", có chiều sâu, nhiều tầng nghĩa, một bộ phim có thể phải xem lại nhiều lần thì Brazil là sự lựa chọn không thể thích hợp hơn.

    Phim này còn có một "Love conquers All"-Ending rất là củ chuối của Studio làm nữa, do ông Gilliam không chịu làm happy ending, đại loại là Tuttle có thật từ đầu đến cuối và cứu thoát Sam, cuối cùng Sam và Jill sống hạnh phúc bên nhau =)), các bạn có thể tham khảo ở đây

    [video]6RCvs3cA6PU[/video]


    Theme Song:
    [video]eugJwHJXiws[/video]​




    Điểm: 10/10
     
    Chỉnh sửa cuối: 4/12/11
  17. Nomurasan

    Nomurasan Zael ♥ Calista Moderator Lão Làng GVN

    Tham gia ngày:
    17/1/08
    Bài viết:
    14,768
    [​IMG]

    Fast Five
    Mười năm đã qua, dẫu không phải là một seri quá xuất sắc, nhưng Fast and Furious đã đi một chặng đường dài trong việc tạo nên một thương hiệu về những quái xế “chất như quả đất”. Chất quậy phá, ngang tàng, máu lửa mà FnF đã tạo dựng, cho đến giờ, vẫn khó có đối thủ ngang tầm trong thể loại phim “đua xe”. Và như để kỉ niệm một thập niên dòng phim này, Fast Five (FnF 5) đã ra mắt với sự xuất hiện của dàn cast “all star” từ các phần trước: Rom (Tyrene Gibson), Han (Sung Kang), Tej (Ludacris), Gisele (Gal Gadot)... cùng sự góp mặt rất chất lượng của 2 “tân binh”: chàng đô vật Dwayne Johnson thường được gọi là The Rock cùng Elsa Pataky – một nữ diễn viên duyên dáng (và là vợ của “thần Thor” Chris Helmworth ). Khi tất cả các anh tài hội tụ, cuộc vui hứa hẹn sẽ náo nhiệt hơn bao giờ hết.

    Và đúng vậy! “Hay bất ngờ!” Đó là cảm xúc của người viết khi xem xong. Mặc dù phần đua xe – thứ tạo nên thương hiệu FnF đã bị cắt giảm, nhưng chất hành động lại được đẩy lên tầm cao mới. Mãn nhãn – đó hẳn sẽ là cảm giác chung khi bạn xem xong phim này. Không đến mức “bốc phét” như The A Team nhưng cảm giác tạo tợn, điên rồ, choáng ngợp mà Fast Five thể hiện là chưa từng thấy trong seri FnF. Sự hấp dẫn này kết hợp với một mưu kế khôn ngoan (như mọi lần, các nhân vật trong Fast Five lại lên kế hoạch “cầm nhầm” một cái gì đó!!) đã tạo cho khán giả sự bất ngờ và thú vị.

    Phim tiếp nối ngay sau phần 4. Sau khi giải cứu Dom khỏi nhà tù, Brian và Mia cũng trở thành tội phạm và sống lưu lạc. Mệt mỏi vì phải trốn chạy cả cuộc đời, Dom cùng Brian quyết định “làm cú chót” rồi giải nghệ, nhất là giờ đây quan hệ giữa Mia và Brian đã có bước tiến mới: họ đã có em bé. Cả hai tập hợp đám bạn bè “siêu sao” như đã nói và lên kế hoạch cướp tiền của một ông trùm Brazil. Được xem những gương mặt cũ xuất hiện, cười đùa châm chọc nhau, không chỉ tạo cho phim một không khí vui nhộn hấp dẫn, mà còn đánh thức kỉ niệm của một thời. Kế hoạch của họ có thành công? Và liệu đây có phải là lần “rửa tay gác kiếm” của đám quái xế trời gầm? Bạn phải xem mới biết được.

    Nội dung của phim thật sự rất đơn giản, nếu không muốn nói là còn kém so với các phần trước, thế như Fast Five đã gỡ lại bằng những pha hành động đỉnh cao bắt mắt. Hành động thì phần nào chẳng có hành động? Có lẽ nên nói một cách đơn giản là: mặc dù có những điểm không bằng, nhưng phim đã phát huy những mặt mạnh của mình hơn hẳn những phần trước, đó là lí do Fast Five thành công.

    Những gương mặt cũ tái xuất giang hồ, những cái thở dài vì mệt mỏi, “một phi vụ cuối cùng rồi biến mất mãi mãi”... có nhiều lí do để nghĩ rằng Fast Five là món quà chia tay sau 10 năm gắn bó. Nhưng có lẽ thành công của F5 đã khiến nhà sản xuất nghĩ lại (hiện tại thì phần 6 đã được lên kế hoạch với một kịch bản hứa hẹn còn kịch tính, bất ngờ hơn nữa). Dẫu sao, The Fast and Furious cũng đã ghi dấu khó phai trong lòng người hâm mộ thể loại đua xe - hành động , từ cuộc đua đầu tiên của Brian với Dom 10 năm trước, và chúng ta – những fan của FnF – sẽ tiếp tục chúc cho FnF thành công.
     
  18. Nomurasan

    Nomurasan Zael ♥ Calista Moderator Lão Làng GVN

    Tham gia ngày:
    17/1/08
    Bài viết:
    14,768
    Truyền Thuyết Bạch Xà

    [​IMG]


    “Truyền thuyết bạch xà” đến với tôi khá vô tình: vốn tôi định đi xem Johnny English nhưng còn hơn 2 tiếng mới đến giờ chiếu, lại lâu rồi không xem phim TQ, đành bấm bụng móc ví vậy.
    Hồi còn bé tôi nhớ có xem một phim truyền hình Thanh Xà Bạch Xà, chẳng rõ Hồng Kông hay Đài Loan version, nhưng kĩ xảo bùm chéo, đánh đấm cũng thích mắt, nên ấn tượng về truyền thuyết Bạch Xà là khá tốt. Trước đó mấy ngày, tôi xem trailer phim và cũng phải bất ngờ: “nhìn hấp dẫn đấy chứ!”. Thật khó để giải thích tại sao TTBX lại tạo ra một sức hút với tôi, rất khác so với những phim fantasy nhan nhản khác của TQ, ấn tượng nhất của TTBX trong đoạn trailer là ngoại cảnh rất đẹp. Và tôi không nhầm, đó là một trong những điểm sáng hiếm hoi của phim.

    [​IMG]

    Phim dựa trên truyền thuyết TQ: mối tình giữa một yêu quái và người bình thường. Mô típ “liêu trai” thường thấy trong phim thần thoại Trung Hoa. Rất tiếc, ở tư tưởng chủ đạo: “tình yêu cảm động trời xanh” được giới thiệu ngay trên poster (tag line “It’s love” – tôi vẫn thấy nó chuối chuối thế nào ấy =))) đã thất bại, ít nhất là với tôi. Chuyện tình trên phim không cảm động lắm, có thể là do diễn viên chưa đạt, cũng có thể là do thiếu tình tiết cao trào thật sự.

    [​IMG]

    Vào vai 2 xà nữ là hai người đẹp Huỳnh Thánh Y và Thái Trác Nghiên. Tôi thích Thái Trác Nghiên hơn, nhưng dù vai phụ của cô (được đánh giá cao cùng anh chàng “Batman”) vẫn không thể làm nên một bộ phim thú vị xét về khía cạnh hài hước. Dù có bỏ qua những trục trặc kĩ thuật (phụ đề cùi, phim mờ) mà tôi phải gánh, TTBX vẫn chưa mang lại sự hứng thú cho người xem.
    Sạn của phim thì khá nhiều, nhưng có thể thông cảm được. Nguyên nhân là một câu chuyện cổ tích khi kể thì có vẻ khá mượt mà, nhưng dựng thành phim thì mới thấy không biết đào đâu ra đủ đất để mà lấp hết các lỗ hổng. Dẫu sao fairy tale là như thế!

    Xem TTBX là chủ yếu xem kĩ xảo. Đúng! Tuy nhiên dù thuộc vào hàng đỉnh của phim fantasy châu Á, có thể nhận ra ngay khoảng cách với Hollywood vẫn còn quá lớn để có thể san lấp với một đống CG giả tạo. Có người sẽ phản bác rằng kinh phí phim này chưa thể so với một phim trung bình khá của Mỹ, chất lượng hiệu ứng chỉ dừng ở mức đó là đúng rồi. Chậc! Cũng có thể! Thôi thì đành chấp nhận vậy. Còn nếu hi vọng đây là một phim kung fu khác của Lí Liên Kiệt thì bạn có thể quên đi, chả có võ vẽ gì hết!

    [​IMG]

    Có vẻ như tôi đang chê nhiều hơn khen? May mắn là phim vẫn có điểm sáng: ngoại cảnh rất đẹp (tuy đôi chỗ vẫn giả). Núi non, sông hồ, đền đài tháp cổ. Không chỉ có những cảnh quan ngoài trời mà tôi cũng rất thích những tạo hình nội cảnh: như cảnh đại điện ở Kim Sơn Tự với tượng phật khổng lồ, hay khoảng sân rộng nơi các hòa thượng tọa thiền... Điều tôi đánh giá cao ở chúng là tạo được không khí thần thoại, có gì đó kì vĩ mà lại huyền ảo, mơ mộng (có thể thấy qua ngôi nhà như “tiên cảnh” của Hứa Tiên khá “lộ liễu”) . Đó là chưa kể đến theme song khá hay và giàu cảm xúc của phim. Mặc dù không phải là xuất sắc, nhưng cá nhân tôi vẫn thích phim này, vì một lí do cũng rất cá nhân thôi: một thời gian xem toàn phim hành động Mỹ, bỗng được trở về với nét thơ mộng Á Đông với những sơn thủy hữu tình, những tình chàng ý thiếp... thật là một cảm giác đặc biệt. Có thể TTBX chưa thành công về mặt nghệ thuật, nhưng ít ra nó cũng đánh thức được sự lãng mạn trong tâm hồn.
    Vậy nếu bạn thích một bộ phim giải trí đơn giản, hay là fan của một trong những diễn viên, hay muốn chứng kiến những cảnh quan mãn nhãn cùng với “người ấy” mơ mộng qua một bộ phim tình cảm, TTBX là một lựa chọn không tồi.

    [​IMG]
     
    Chỉnh sửa cuối: 13/10/11
  19. Nomurasan

    Nomurasan Zael ♥ Calista Moderator Lão Làng GVN

    Tham gia ngày:
    17/1/08
    Bài viết:
    14,768
    [​IMG]

    Contact

    Contact có lẽ là một trong những phim viễn tưởng đặc biệt nhất mà tôi từng xem. Đồng đạo diễn với Forest Gump (Robert Zemeckis), Contact không có những quái vật ngoài hành tinh lưỡi dài, những anh hùng với vũ khí la-de hay những cuộc chiến không gian tóe lửa... mà nặng về suy tưởng. Không dễ để hiểu hết những nội dung phim muốn truyền tải, nhưng Contact vẫn đặc biệt ám ảnh vì đó là câu chuyện về giấc mơ cổ xưa và hoang dại nhất của con người.

    Contact là câu chuyện về tiến sĩ Eleanor “Ellie” Arroway, một nhà khoa học tài năng và có niềm đam mê mãnh liệt với việc tìm kiếm sự sống ngoài trái đất. Khi còn bé, Ellie đã luôn nhận được sự động viên và cổ vũ của cha mình. Hình ảnh cha con Ellie (một người đàn ông “gà trống nuôi con” – mẹ Ellie mất khi sinh cô) ở bên nhau trong căn nhà nhỏ dưới bầu trời đầy sao thật sự làm tôi xúc động sâu sắc. Sao mà cô đơn, buồn bã, thổn thức đến thế? Trong cuộc đời Ellie bất hạnh có lẽ chỉ có hai điều đáng giá nhất: cha cô và một giấc mơ trong sáng. Vậy mà một trong hai điều ấy đã rời bỏ cô khi mới lên 9 tuổi. Cô bé Ellie trong đám tang cha mình đã bỏ lên phòng với cái radio liên lạc cũ kĩ, luôn miệng gọi “cha ơi, trả lời con đi!” – một hình ảnh đau đớn đến run người, cũng xúc động như khi cô hỏi cha:

    “Liệu chúng ta có thể nói chuyện với mẹ được không?”

    “Cha không nghĩ là có cái radio nào đủ lớn để làm điều đó”


    Mất đi người cha thân yêu, Ellie chỉ còn những vì sao làm bạn. Nhà cô là bầu trời, bạn bè cô là những vì tinh tú, âm thanh thân thuộc nhất với cô là những bức xạ từ vũ trụ. Vì thế mà khi cái công việc “ngắm sao vớ vẩn” ấy bị người ta ngừng cấp vốn vì tính... hoang đường của nó, Ellie đã nói “It’s my life!” – “Đó là cuộc đời của tôi đấy”. Đúng! Một giấc mơ trong sáng là tất cả những gì cô còn lại trên đời.

    Vượt qua bao khó khăn, Ellie vẫn không dừng lại. “Tôi sẽ làm một mình nếu phải như vậy. Như tôi đã tự lực bao nhiêu năm qua.” Rồi số phận đã dẫn cô đến một khám phá vĩ đại nhất trong lịch sử nhân loại, câu trả lời cho câu hỏi cổ xưa và nhức nhối nhất trong tâm trí một con người. Và cũng chính bánh xe số phận đã cho cô là người đầu tiên trải nghiệm khám phá vĩ đại đó. “Bước đi đầu tiên của nhân loại” như lời “người ấy” đã nói. Cô đã đi xa hơn bất cứ con người nào từng đi, đã nhìn thấy những cảnh tượng vượt xa bất cứ giấc mơ nào con người từng mơ, và đã trải qua thời khắc vĩ đại hơn bất cứ con người nào từng có. Chúng có ý nghĩa gì? Theo tôi, đó là một sự thức tỉnh cho nhận thức của nhân loại. Có những thế lực muốn đóng vai trò người dẫn đường, đưa ta ra khỏi đám mây mù và thay đổi nhận thức của chúng ta về vai trò và sự tồn tại của mình. Bạn có thực sự hiểu được ý nghĩa trong đoạn đối thoại của lần “tiếp xúc” lịch sử đó? Hay toàn bộ ý nghĩa của chuyến hành trình của Ellie? Đó là điều mà ta – những người xem phim – sẽ còn phải suy ngẫm mãi.

    Contact có phong cách “vừa thực vừa ảo” mà tôi rất thích. Phim đề cập đến chương trình không gian lừng danh SETI, sử dụng những thước phim thật về tổng thống Clinton hay có sự tham gia của người dẫn chương trình nổi tiếng Larry King..v.v.. Contact bao hàm những tư tưởng về rất nhiều lĩnh vực: khoa học, tôn giáo, triết lí, niềm tin cho đến cả văn hóa đại chúng, cách thức mà con người nên và sẽ phản ứng khi đối mặt với câu trả lời họ luôn tìm kiếm. Contact không chỉ là một bộ phim, nó như một bài diễn thuyết của chủ nghĩa hiện sinh, của nỗi băn khoăn và trăn trở về ý nghĩa của sự tồn tại. Xem Contact ta có cảm giác như trở về với tuổi thơ, trở về với những giấc mơ và tưởng tượng trong sáng, thuần khiết nhất của con trẻ. Ai mà chẳng một lần trong đời nhìn lên bầu trời đêm, giữa ngàn sao tỏa sáng và mơ mộng một điều gì đó? Không có chỗ cho những bon chen tính toán, ta thả mình trôi theo dòng nước của bản năng, bản năng tò mò cố hữu của một sinh vật thông minh, tìm kiếm ý nghĩa sự hiện diện của mình trong vũ trụ.

    Contact còn là câu chuyện đẹp về những nhà khoa học. Có thể nói, họ... ngây thơ như trẻ nhỏ. Họ không quan tâm đến tiền tài, danh vọng, chỉ một đam mê cháy bỏng và một tình yêu thuần khiết với khoa học, với khám phá. Họ là đại diện cho phần bản năng tốt đẹp nguyên sơ của con người đã bị che lấp đi trong cuộc sống hiện đại. Họ lúc nào cũng là đứa trẻ tò mò lần đầu đối diện với thế giới rộng lớn, nhưng chính họ là những người đã không ngừng thúc đẩy nhân loại tiến lên phía trước, với những ý nghĩ “điên rồ”, những tư tưởng “viển vông”. Điên rồ, viển vông chính là sự lãng mạn đã giúp chúng ta tiến hóa đến ngày hôm nay, và sẽ còn trong tương lai nữa.

    Không một ai tin Ellie sau những gì cô đã trải qua. Nhưng có hề gì! Cảm giác ấy có ý nghĩa hơn mọi thứ trên đời. Trải nghiệm ấy là của cô, của riêng cô mà thôi. “Bước đi đầu tiên của nhân loại” đã diễn ra như thế, không phổ biến rộng rãi đến nhiều người mà chỉ dành cho một cá nhân ( có lẽ đó lại là điều tốt). Nhưng rồi sẽ có bước thứ hai, thứ ba.. và có lẽ đến một ngày, nhân loại sẽ thực sự hiểu được vị trí của mình trong vũ trụ.

    8/10
     
    Chỉnh sửa cuối: 13/10/11
  20. Nomurasan

    Nomurasan Zael ♥ Calista Moderator Lão Làng GVN

    Tham gia ngày:
    17/1/08
    Bài viết:
    14,768
    [​IMG]

    Real Steel


    Cân nhắc trước khi đọc, có thể spoil

    Đã lâu rồi kể từ Inception mới lại có một phim gây cho tôi cảm giác hào hứng như Real Steel, cảm giác muốn xem ngay ngày đầu tiên công chiếu. Lí do chủ yếu vì tôi là fan bự của “người sói” Hugh Jackman, thứ nữa là đề tài của Real Steel cũng khá thú vị: Robot đấm bốc. Cảm giác mà phim mang lại sau hai tiếng đồng hồ là khá hào hứng và hấp dẫn.

    Nhân vật Charlie Kenton có nét giống Dicky Eklund trong The Fighter – một bộ phim từng tranh giải Oscar 2010 cùng đề tài đấm bốc. Cả hai đều là những võ sĩ quyền anh mà thành tích cao nhất là... “đấu một trận ra trò” với một huyền thoại. Lần thứ hai gặp lại, cả hai đã trượt dài trên sự nghiệp đến mức chẳng còn nhận ra nổi. Charlie sống trong một cái... xe tải, nợ như chúa chổm, đi đánh bốc dạo kiếm cơm và dường như ông trời vẫn chưa gây đủ rắc rối cho anh chàng vô trách nhiệm, anh còn có một đứa con... rơi 11 tuổi – bé Max Kenton. Dĩ nhiên, ông bố này chẳng ngần ngại bán (quyền nuôi) con với giá 100 ngàn đô để kiếm tiền mua... robot. Nhưng, chú nhóc Max hóa ra hữu dụng hơn anh tưởng. Đó không phải một đứa trẻ trầm cảm với những rắc rối gia đình, Real Steel cũng không phải một bộ phim tâm lí sướt mướt nữa về vấn đề nuôi dạy con cái. Hai cho con lập tức lao vào hành động với bản tính nóng nảy của dân... đấm bốc (tôi sẽ rất ngạc nhiên nếu sau này Max không “dính dáng” gì đến nghiệp quyền anh ) Và trong một lần “túng làm liều”, hai cha con đã phát hiện ra nhà vô địch của mình – Atom – trong một bãi phế liệu...

    [​IMG]

    Mặc dù có nội dung rất đơn giản, đậm tính giải trí và câu khách bằng robot, nhìn chung Real Steel vẫn lồng được vào phim những cảm xúc và bài học đáng suy ngẫm. Trong phim nổi lên hai mối quan hệ: cha con Charlie – Max và tình cảm của Max với Atom. Đối với quan hệ Max – Charlie, đó là những rắc rối của hai con người, vốn là người thân nhưng lại chưa từng gặp nhau. Nhưng như đã nói, cả hai đã giải quyết khúc mắc đó nhanh chóng theo một phong cách mạnh mẽ rất... đàn ông và chất keo gắn kết họ chính là những cuộc đấu. Max nhanh chóng nhận ra ông bố “trời ơi” này không đến nỗi tồi, còn Charlie cũng thấy đứa con “của nợ” này không quá tệ. Những ngày “ở tạm” với bố của Max tuyệt đến nỗi cậu không muốn về lại nhà. Max “ghiền” những con robot, cậu phát cuồng vì những trận đấu. Hai cha con, một con robot, cùng nhau đi hết võ đài này đến sàn đấu khác, chung một lòng tin chiến thắng.

    Đối với Max và Atom, tâm hồn thánh thiện của trẻ em một lần nữa được chứng minh là điều tuyệt vời nhất trên trái đất này. Chính Max đã phát hiện Atom, đã kiên quyết mang Atom về khi cha cậu cho rằng đó chỉ là một đống sắt vụn. Cũng chính Max đã chơi, đã tâm sự, đã tin tưởng Atom như một người bạn, một con người. Tình cảm của Max (và sau đó là cả Charlie) đã khiến Atom làm nên kì tích.

    [​IMG]

    Real Steel không chỉ có những pha đánh đấm ỳ xèo mà còn nhắc ta về nhiều bài học: cái cách Max đối xử với Atom đã là một trong những bài học ý nghĩa nhất: luôn yêu thương và tin tưởng, dù cho đó là một người máy vô tri. Thật ra motif “người và máy” này đã cũ từ lâu, nhưng thông điệp của nó vẫn không lỗi thời. Trận đấu giữa Atom và Zeus lại cho tôi một cái nhìn khác: hình ảnh Atom nhỏ bé nhưng kiên cường đứng lên sau mỗi lần bị đánh ngã, câu chuyện kinh điển về David và gã khổng lồ Goliath, một minh họa sống động về ý chí, nghị lực và lòng quyết tâm có khả năng lay động con tim. Robot có cái gọi là “ý chí” hay không? Tôi tin là Atom có, một robot không giống bất kì robot nào khác và cũng vì mối quan hệ độc nhất vô nhị giữa Atom và cha con nhà Kenton. Real Steel cũng cho thấy một khía cạnh nữa về triết lí nhân sinh: môn quyền anh đã thay đổi, máy đã đấu thay người; nhưng dù đấm bốc nói riêng hay bất cứ việc gì nói chung, máy móc không bao giờ có thể thay thế hoàn toàn con người, đó chính là hình ảnh ở cuối phim khi Charlie “vào cuộc”. Có lẽ, ý nghĩ này vẫn luôn trăn trở trong mỗi chúng ta.

    [​IMG]

    Real Steel là một dòng chảy của năng lượng, nhiệt huyết, cơ khí và tinh thần chiến đấu. Những ai thích một bộ phim nhanh, mạnh, thú vị hài hước mà cũng rất dễ thương (Max và Atom) chắc chắn sẽ hài lòng. Phim không có nhiều ngôi sao lớn ngoại trừ Hugh Jackman – anh vẫn cho thấy mình là một con “tuấn mã” (có một vẻ mạnh mẽ, khỏe khoắn tràn đầy năng lượng toát ra từ Hugh mà tôi rất thích) quyến rũ nhất. Ngoài ra xin được dành lời khen cho Dakota Goyo (Max Kenton) vì đã thể hiện nhân vật rất thành công. Cảnh đánh đấm trong phim vừa phải, không quá bạo lực. Robot không được đẹp và “màu mè” bằng Transformer nhưng vẫn có nét hấp dẫn riêng, và chắc chắn là Dreamworks đã tính đến tác dụng “merchandise” của những robot này khi phim ra mắt. Âm nhạc của phim rất hay, đặc biệt là phần licensed music cực khủng với sự góp mặt của Eminem, 50 cents, Timbaland, Limp Bizkit... Chất hiphop sôi động thật sự đã tăng phần hào hứng cho bộ phim.

    Ngay từ tháng 4/2011, Dreamworks đã rất tự tin khi công bố phần tiếp theo của phim đang được phát triển. Nếu đó là sự thật thì cũng hợp lí vì Real Steel thật sự là một tác phẩm thành công. Với một cái kết dễ đoán nhưng rất phù hợp và ý nghĩa, Real Steel là siêu phẩm hành động tuyệt vời để bạn mở màn mùa phim cuối năm.

    8/10
     
    Chỉnh sửa cuối: 21/10/11
    PhantomLady thích bài này.

Chia sẻ trang này