[Đọc truyện online] Truyện ngắn (tổng hợp #1 - no chat, no comment)

Thảo luận trong 'Văn Học' bắt đầu bởi NhocPooh, 7/6/09.

  1. dhl012

    dhl012 C O N T R A

    Tham gia ngày:
    21/1/07
    Bài viết:
    1,755
    Nơi ở:
    vô tỉnh
    Căn hộ ở tầng 8
    Vũ Đình Giang​

    [spoil]
    Chung cư nhìn về sông. Sông dài nhưng hẹp. Buổi sáng nước lên, mặt sông trải rộng thoáng đãng, sóng tung tăng chơi trò cút bắt. Gió ùa về lả lơi trên ngọn cây dầu mới vài năm tuổi. Nhưng đến chiều nước rút, sông biến thành cái cống lộ thiên, hôi hám đến ngạt thở, làm hỏng những buổi chiều ráng vàng rực rỡ phối hợp với mây trắng phiêu bồng. Ðêm thì thể nào cũng thấy trăng. Ðầu tháng trăng non cong cớn treo mình vào dây điện cao thế, cuối tháng trăng già oằn lưng mỏi mệt cũng mắc vào dây điện cao thế. Như thể dây điện cao thế là "đặc sản" xứ này, trông đâu cũng có, nhìn đâu cũng vướng! Ðô thị mùa này ngổn ngang như một siêu công trình xây dựng đang vào mùa thi công cao điểm với tưng bừng cát đá cùng mịt mù khói bụi. Trước đây sông còn là kênh rạch, lổm ngổm nhà ổ chuột, giờ dòng chảy đã khơi thông, bờ sông đã đắp kè, phút chốc nhà ổ chuột trở thành mặt tiền. Giá đất giá nhà tăng nhanh đến nỗi người không cao huyết áp cũng thấy chóng cả mặt. Ai nấy thèm khát được một chỗ ở nhìn ra sông để hứng tí gió trời.

    Chung cư rộn ràng suốt ngày đêm. Nhất là buổi chiều, mấy ông trung niên may ô - quần cộc - giày bata, chẳng ngại ngùng khoe những ngấn thịt chảy xệ rung rung theo nhịp bước, chậm rãi đi dần xuống mặt đất mong tiêu vài gram mỡ bụng. Có ông hứng chí chạy bộ dọc bờ sông, nhưng khi ngang qua bãi bia, gặp bạn thân vẫy tay liền tấp vào, tự an ủi rằng thôi thì cứ nhâm nhi vài ly lấy sức để... leo cầu thang trở về. Sôi động nhất là lũ chíp hôi, rủ nhau từng đàn chạy uỳnh uỳnh xuống khoảng sân con tha hồ tung bắt bóng. Ðám nam thanh nữ tú nhướng mắt nhìn theo khinh mạn. "Nam thanh" bây giờ khối anh trông "công nhân nghành" không chịu nổi, tóc nhuộm không hung thì vàng, ăn mặc thì cứ na ná nhau: áo body quần phi bóng, có đứa còn lủng lẳng khuyên tai, nhìn không đoán được đâu là pê-đê thật đâu là pê-đê nhái. "Nữ tú" thì triệt để hơn, quyết liệt đua đòi theo trào lưu với áo rút lên quần trễ xuống, mặc kệ rốn lồi hay sẹo lồi nổi cục trên bả vai. Chiều chiều các "nữ tú" vừa ngồi sơn lại móng tay vừa bàn tán về mấy anh trai Hàn đẹp một cách bơ sữa trên tivi.

    Nhà tít tầng tám, vậy mà "cày" bao nhiêu năm vẫn không đủ tiền mua, rốt cuộc phải vay mượn tứ tung mới có được căn hộ tạm gọi là tươm tất. Ðể mùa nắng lẫn mùa mưa mở cửa sổ nhìn ra sông xem gió líu ríu đùa cùng ngọn cây dầu non tuổi như lũ trẻ con, xem nước mải miết chơi trò cút bắt, xem trăng non trăng già thay phiên nhau vướng vào dây điện, thế cũng gần như giảm được stress.

    Cậu trai tuổi còn trẻ, nhưng nếu có sử dụng máy scaner quét hình đưa vào vi tính, dùng chương trình 3D xử lý rồi xoay đến ba chiều vẫn chỉ thấy ấp ứ nét buồn. "Cô gái rốn lồi" phòng đối diện hay thập thò trước bậu cửa, sáng tác ra liền một biệt danh: "anh trai u sầu" , sau thấy không hay bèn sửa lại: "gã sầu" và tiện thể đặt luôn cho căn hộ ấy là: "không gian sầu". Mỗi sáng "gã sầu" quáng quàng bóp ổ khóa cái "tách", vác ba lô bổ nhào xuống cầu thang; tối lờ đờ kéo lê ba lô trở về, áo xống không "cắm thùng" cứ phất phơ như cư dân âm phủ, lập cập tra chìa vào ổ đánh "tách" . Tiếng "tách" vang như âm thanh digital, đôi lúc làm ông hàng xóm đi ngang giật bắn mình, tự hỏi ổ khóa ấy quốc gia nào chế tạo mà ồn thế nhỉ?

    Tuy ấp ứ nét buồn nhưng "gã sầu" chẳng chịu nghe nhạc sầu bao giờ. Vì mỗi lần "gã sầu" bê xô rác đem đổ, cửa vừa mở hé thì những âm thanh giậm giựt tuôn nhau chạy thoát ra ngoài. "Cô gái rốn lồi" nghe được, mắt nghi ngại kết luận: "Xem thế chứ không phải thế" . Vừa hay cô bạn thân cùng dãy đi ngang qua, liền kéo tay lại, lườm mắt hất cằm sang căn hộ đối diện, khẽ thầm thì: "Xem cái gã hàng xóm ấy, người đâu mà..." và bỏ lửng câu nói, khiến kẻ kia nhíu mày chẳng hiểu ý gì, nhưng vẫn cố gật gật đầu ừ à khe khẽ, như sợ rằng nếu mình không gật sẽ bị bạn cho là tối dạ.

    Bên trong "không gian sầu" , gã trai trẻ ngồi bần thần trước máy vi tính. Bản vẽ 3D lập lờ trên màn hình, mới chỉ hiện ra bộ khung trống hoác vì chưa kịp "đắp" vật liệu vào. Nhạc dù mở ầm ầm nhưng vẫn không gợi chút hứng thú. Ngày mai đến hạn duyệt bản thiết kế, vậy mà gã vẫn chưa vẽ xong. Chợt nhớ đến chất giọng cao vút của "sếp nữ" , ngày mai hẳn phải là một ngày dài và nặng, rất dài và rất nặng! Khi chất giọng "cao vút" ấy thoát lên, tất cả đám nhân viên đột nhiên bị dựng thẳng lưng như có luồng điện chích vào. Bao giờ cũng thế, "sếp nữ" quản lý thật chặt chẽ và khoa học đến tức thở. Ðơn cử trường hợp một nhân viên nam mới hai mươi ba tuổi, dù bẩm sinh vô tư đến mấy có lần cũng phải bỏ dở bữa ăn trưa vì uất giận. Họp triền miên, sáng nào cũng mất mười lăm phút nhằm "phổ biến kế hoạch công tác trong ngày", khiến đám nhân viên phát ngấy như bị ăn sáng bằng bánh đúc bảy bữa trong tuần. Ai cũng thở dài ngao ngán.

    Bây giờ gã ngồi trong căn hộ của mình cũng thở dài ngao ngán. Chưa bao giờ gã bị công việc dồn đuổi như lúc này. Hệt như tình trạng của bác thợ săn về già bị chính con gấu mà mình bắn trượt quay ra săn đuổi lại. Nhớ năm nào mới bước chân vào nghề, gã hăm hở lắm. Ngày đêm miệt mài vẽ vẽ phác phác. Rồi theo đuổi hết lớp Anh văn này đến lớp vi tính kia. Hai - ba giờ sáng vẫn còn mọ mẫm đi pha đến hai gói Vinacafé vào một tách, để đủ tỉnh táo mà "rèn luyện kỹ năng" và "truy lùng tri thức" . Nhưng khi công cuộc "rèn luyện - truy lùng" đã đạt đến mức ổn định thì gã giật mình nhìn lại tuổi đời ngấp nghé ba mươi. Ba mươi, thế mà tuyệt nhiên chẳng hề có mảnh tình sâu đậm nào để nhớ nhung quay quắt. Nói "tuyệt nhiên" là nói quá. Thật ra cũng có vài lần hẹn hò, nhưng vì nóng vội, gã lại thuộc dạng người mất kiên nhẫn, nên cuối cùng chẳng đi tới đâu. Dù thời hiện đại, con gái đôi lúc cũng "Okay" nhanh chóng, nhưng thường thì các cô thích "vờn" . Càng "vờn" lâu càng hứng thú. Thế mới gọi là "tìm hiểu" chứ? Dạo đó, "vờn" nhau khoảng mươi lần trong vòng non hai tháng thì tới "tiết mục": "Về nhà anh chơi nhé!" . Dĩ nhiên trước đó là từ "Okay" của cô gái và những nụ hôn ngọt lịm kéo dài bất tận trong quán cà phê. Khi "đối tượng" về đến nhà, mọi việc diễn ra khá suôn sẻ. Như kịch bản đã viết kỹ từng phân đoạn, đến phân đoạn thứ ba, lúc cô gái đứng lên xách ví đầm chuẩn bị ra về, thì bất ngờ "nhân vật nam" ôm chầm lấy "nhân vật nữ" từ phía sau, kèm câu nói bất hủ trong hầu hết các bộ phim tình cảm tâm lý của Hollywood: "Ở lại với anh đêm nay!" ... Trong không gian thoang thoảng mùi nước hoa Chanel tỏa ra từ cô gái, gã nhắm tịt mắt lại. Theo "kịch bản", tới đoạn này chắc chắn "nhân vật nữ" sẽ nghiêng gương mặt một góc ba phần tư, rồi nàng sẽ vòng tay ra sau ôm lấy đầu chàng, khẽ run run vuốt ve mớ tóc rối, rồi nàng sẽ quay hẳn lại đối diện chàng, gương mặt đắm đuối yêu đương sẽ ngước lên trong một tư thế mời gọi, để lộ chiếc cổ thanh tao trắng ngần, mắt môi mấp máy đồng tình. Hai người ghì siết quay cuồng... Và... "Bốp" " nhân vật nữ" bỗng dưng phá hỏng đường dây kịch bản, khiến "nhân vật nam" sững sờ tỉnh ngộ. "Ngủ với anh à? Anh tưởng tôi là loại người nào? Quên đi, đừng có giàu trí tưởng bở". Và "rầm" - cửa đóng sầm cực mạnh! Thế là hết. Kể từ đó, gã mất hẳn mọi hứng thú yêu đương và bước hẳn vào đời sống độc thân với tất cả vẻ cam chịu thầm lặng. Kể từ đó, gã vĩnh viễn mang gương mặt sầu. "Gã sầu" sống trong một "không gian sầu" tít tầng thứ tám của một chung cư nhìn ra sông.

    Ðến tháng thứ tám kể từ ngày gã sở hữu căn hộ chung cư tít tầng tám này, đột nhiên "cô gái rốn lồi" gõ cửa. Hơi ngượng vì đang vận may ô - quần cộc để lộ ra nhiều đốt xương, nhưng vì lười nên chẳng buồn trau chuốt lại, gã dè dặt ra mở cửa, đôi mắt lờ đờ như cá mắc cạn. Người hàng xóm đứng đó, khe khép trong bộ áo quần lửng thoải mái nhưng trông "mỹ thuật" hẳn chứ không kéo lên trễ xuống như mọi khi. Cô gái mấp máy môi... Bao nhiêu tháng thấy "hình" mà chưa nghe "tiếng" , bỗng dưng hôm nay cô gái nói, giọng nhẹ và có vẻ hơi điệu đà quá mức cần thiết: "Hôm nay... hôm nay... (cô gái ngừng lại giây lát như để "diễn" tâm trạng bối rối cho đúng kỹ thuật), ý em muốn nói là... là... (tới đây "diễn" tiếp, sáng tạo thêm chi tiết chớp mắt ngoài kịch bản), thế này nhé, hôm nay nhà em có buổi tiệc nho nhỏ (cô gái đột ngột lên giọng khiến chữ "nhỏ" phát âm thành ra nghe như "nhõ"), bố em bảo em sang mời anh qua chung vui để gọi là... Dù sao cũng là hàng xóm với nhau. Bố em..., ông ấy vẫn hay quan tâm đến anh đấy (bố em quan tâm hay em quan tâm nhỉ?). Vậy nhé, anh nhớ qua liền nhé!" . Sau hai cái "nhé" , cô gái khẽ mỉm cười, khẽ vuốt đuôi tóc mới duỗi mềm óng và khẽ xoay gót trở về.

    "Gã sầu" bàng hoàng. Bất ngờ này, ngạc nhiên này, lo lắng này, nghi ngại này, bối rối này, sau cùng là... vui vui này!

    Sau hơn hai tiếng đồng hồ "vui vui" bên nhà hàng xóm, gã trai loạng choạng ra về. Ngây ngất hơi men, nồng nàn tiếng cười, rộn ràng nhịp tim đập... Gã trai đổ vật
    xuống giường, quên đi màn hình máy tính lẫn kim đồng hồ chẳng biết chỉ vào vạch số mấy. Chỉ nhớ âm âm trong đầu câu nói của vị chủ nhà về cô con gái: "Khổ, nó học kinh tế kinh tiếc gì mà giờ này vẫn thất nghiệp, đi làm dăm bữa nửa tháng lại lăn vạ ra than cực nhọc, một mực đòi ra chợ lượm bạc cắc cùng mẹ nó. Thanh niên thời đại gì mà kém chí quá. Phải chi được như cháu. Ðấy mày xem anh đây mà học hỏi nhé, người ta gốc tỉnh lẻ, vừa học vừa làm nhé, giờ đã tự mua được nhà, bước ra là được việc nhé. Thanh niên chí hướng phải thế chứ. Này thằng út, mày xem gương anh đây mà soi nhé. Soi cho kỹ vào, nhé!" . Ðến đây thì có thể kết luận được rằng cô gái bị ảnh hưởng nặng phong cách của bố, bằng chứng là cả hai dùng quá nhiều từ "nhé" khi đối thoại. Không khí dồn nén lại, môi má nóng ran, không biết vì bia hay vì ngượng, hay vì vừa ngượng vừa thích? Bây giờ về nhà mình rồi, yên ổn rồi, bỗng giật mình tự hỏi trong bữa tiệc "nho nhỏ" ấy, mình đã nói cái gì nhỉ? Mà làm sao nhớ hết, vì nói nhiều quá. Trong khi đó thì cô hàng xóm tròn xoe mắt, á à, "xem thế nhưng không phải thế" , hóa ra cũng sôi động, hài hước lắm đây. Rõ là dân có học, nói ra toàn là "net" lẫn "mạng" với thằng em trai, cũng nhận xét thời sự sát sườn với ông bác, rồi bình luận thể thao khá "lập trường" với bố, chỉ còn mỗi tiết mục góp ý với mẹ về bí quyết nấu ăn nữa là "hoàn tất chương trình". Nhưng thôi, đến đây thì tiệc đã tàn, ai nấy mỉm cười vui vẻ, tiệc cuối năm kiêm tiệc kết nghĩa láng giềng vậy là hoàn hảo rồi. Cô gái bận rộn dọn mâm bát, không thể tiễn anh hàng xóm ra cửa được. Bọt xà phòng đầy ứ trong bồn rửa, cô gái nhúng ngón tay vào, khẽ viết lên mớ bọt con số 10. Tiếc là chàng trai lúc này bận ngủ mê, không thể nào biết mình được cho điểm tuyệt đối. Nếu biết, e rằng chàng ngủ luôn đến ba ngày sau. Lúc đó thì có mà bị đuổi việc, nhé!

    Nhà vẫn tít tầng tám, buổi sáng và tối muộn vẫn đều đặn vang lên tiếng "tách" nghe như âm thanh digital. Chủ nhân căn hộ vẫn độc thân, hơi gầy gò vì làm việc nhiều mà không có bàn tay phụ nữ chăm sóc. Có lấy máy scanner quét lên máy tính, dùng chương trình 3D xoay ba chiều vẫn thấy gầy. Nhưng tinh thần chung là trút bỏ được phần lớn nét u sầu, thảng hoặc còn hát một bản nhạc trẻ vui nhộn nữa. Mỗi chiều cuối tuần đã biết về sơm sớm để chờ một ông trung niên may ô "quần cộc " giày bata ở phòng đối diện, rồi rủ nhau chạy bộ dọc theo bờ sông. Một người muốn giảm vài gram mỡ thừa ở bụng còn người kia muốn tăng vài gram cơ bắp cho cặp đùi có vẻ "thể thao" tí chút. Chỉ có người thứ ba là mỉm cười suốt. Tối tối cô siêng năng cắp vở đến trung tâm để ôn luyện lại Anh văn và vi tính, ngong ngóng chờ kết quả xin việc xem ông giám đốc "Yes!" hay "No!" . Bận rộn là thế, cô vẫn dành thời gian mua vải may những bộ áo quần mới, không phải cô thích diện hay đua đòi, mà chỉ vì cô thấy không nên mặc mấy kiểu y phục "kéo lên - trễ xuống" nữa, trông có vẻ không xứng. Mà xứng với ai, chỉ có cô tự biết.
    Chung cư vẫn nhìn ra sông, vẫn rộn rộn ràng ràng. Sông vẫn dài mà hẹp. Ngày hai buổi nước vơi rồi đầy. Nhưng lòng người bỗng dưng sao cứ đầy mãi, đầy mãi... [/spoil]
     
    Chỉnh sửa cuối: 10/1/10
  2. whitek9

    whitek9 Donkey Kong

    Tham gia ngày:
    27/3/07
    Bài viết:
    377
    Nơi ở:
    Nhà
  3. check47

    check47 Mr & Ms Pac-Man

    Tham gia ngày:
    7/6/09
    Bài viết:
    152
    Nơi ở:
    Ngày hôm qua
    Đừng bắt chước giống tui T_T
    [spoil]
    Một ngày nữa lại trôi qua, nhưng sao vẫn thấy trong lòng khó chịu, có 1 nổi trống trải và 1 nổi buồn man mác. Tôi đã tìm vui trong men rượu, nhưng tìm hoài thì cũng vậy, vui đc 1 lúc khi ở với bạn bè, còn khi ở 1 mình thì vẫn thế, vẫn 1 cảm giác trống trải và 1 cảm giác man mác buồn.
    Giờ k biết cảm giác của bản thân là như thế nào nữa. Vừa buồn bực, vừa trống trải, lại thấy trống vắng làm sao ấy. Cảm giác sao mà lạnh lẽo đến thế.
    Àh mà tự dưng lại nhớ đến chuyện này, đã có ng từng nói với tôi rằng:
    “K ai sinh ra trên đời mà có trái tim lạnh. Nhưng nếu thời gian trôi qua, người ta chôn vùi hơi ấm quá sâu trong tim mình vì sợ bị tổn thương, họ sẽ trở nên lạnh lùng và khô cứng”.
    Thế nhưng, nếu bị tổn thương quá nặng thì sao? Giả sử như vào nhà ai đấy bị chó cắn thì lần sau sẽ đề phòng, mà lần sau nữa cũng lại bị chó căn thì ng đó sẽ đâm ra sợ chó thế thôi. Chuyện đơn giản, và ví dụ đó đúng cho mọi trường hợp, đối với tc cũng vậy.
    Mà giờ ngồi 1 mình nghĩ lại, trong cuộc đời mình vui vẻ nhất là lúc nào? Những buổi café tối với đám bạn than? K phải. Hay lần đầu tiên mua cái đt? Cũng k phải. Hay lần đầu tiên mua xe? Cũng chẳng phải nốt. Hay là buổi hẹn hò đầu tiên? Cũng k phải. Thật sự mà nói thì có lẽ là những giây phút ở bên cạnh người mình yêu có lẽ là vui nhất. Cũng k hẳn là vui nhất nhưng là có cảm giác niềm vui đó kéo dài mãi mãi. Còn những lúc khác chỉ vui trong lúc đó, còn khi ở 1 mình thì đâu cũng vào đấy. Tình yêu có thật sự đẹp hay k? Chưa biết chắc đc.
    Nghĩ về quá khứ, những ngày đi chơi với gf thật sự là rất vui, nhưng trong lòng lại cảm thấy cắn rứt, tại tôi k thật lòng với bản thân và với ng con gái ây, tôi chỉ tìm bóng hình người cũ nơi e. Tôi chìm ngập trong tội lỗi, chìm ngập trong nổi đau của lương tâm cắn rứt. Tôi đã sai, và e chính là nạn nhân của sự sai trái ấy.
    Rồi 1 ngày, khi k chịu nổi sự cào xé đó nữa, tôi đã nói câu chia tay với e. Tôi đã nói sự thật cho e biết. Và e chỉ nói với tôi 1 câu “đừng bao giờ làm như thế với các cô gái khác nữa”. Đó là vào 1 ngày của tháng 5/2009. Từ đó đến nay tôi k lừa dối bất kì người con gái nào hết. Và cũng nhờ e mà tôi đã dần quên đi bóng hình người cũ.
    Người cũ quên rồi, lại có 1 người mới thế vào, lại 1 chuỗi ngày khốn khổ diễn ra với tôi. Tôi thật lòng với cô ấy, và k lừa dối bản thân. Và lịch sử tái diễn. Nỗi đau chồng chéo nổi đau. Tôi thật sự mệt mỏi, đau đớn, nổi đau mà k có thuốc nào có thể chữa đc. Vết thương cũ vừa lành, thì có thêm 1 vết thương mới cắt sâu thêm vào. Ôi niềm đau, vết thương lòng, khi nào mới khỏi đây? Đau quá đi thôi. Trời ơi, làm cái ji đây trời. Khó chịu quá.
    Mọi vết thương đều có thể lành theo năm tháng, nhưng vấn đề là trong bao lâu? Mọi vết thương đều có thể lành nhưng những vết thẹo thì sẽ vẫn mãi còn đó.
    [/spoil]
     
  4. FiretrUCK

    FiretrUCK Sonic the Hedgehog Lão Làng GVN Sorcerer

    Tham gia ngày:
    6/2/10
    Bài viết:
    4,755
    Nơi ở:
    Làng ven đô
    Mình vừa đọc một truyện cũng thấy hay hay
    post lên nhé
    SÔNG CẠN
    Hồ Anh Thái
    [spoil]Đêm cuối cùng.

    Những giờ khắc cuối cùng cạn dần theo đĩa đèn dầu. Cả kinh thành đã chọn sáng sớm ngày mai là thời điểm thất thủ.

    Thất thủ. Toàn bộ tướng lĩnh binh sĩ, toàn bộ đàn ông trong thành sẽ mở cổng thành xông ra quyết tử. Toàn bộ phụ nữ và trẻ em trong thành sẽ nhảy vào giàn thiêu. Một cuộc tự sát tập thể.

    Jauhar. Đấy là cuộc tự sát tập thể của những người đàn bà khi cha chồng anh em trai của họ không giữ được thành. Kẻ thù giết sạch những dũng sĩ và tiến vào trong thành. Nhưng thành quách sẽ không còn một bóng đàn bà trẻ em. Chỉ có những giàn thiêu cực lớn khói lửa ngút trời. Jauhar. Phụ nữ của giới dũng sĩ Rajput tuân thủ chế độ một vợ một chồng. Chồng chết thì vợ góa chết theo trên giàn hỏa táng để bảo toàn phẩm hạnh. Đấy cũng là cách giảm bớt gánh nặng cho cộng đồng. Cộng đồng sẽ không phải khó khăn phiền phức với những người góa phụ còn trẻ mà không đi bước nữa. Đó là chưa kể họ có thể rơi vào tay quân thù.

    Thành Chittor ở gần sa mạc miền tây Ấn Độ. Ba lần thành bị thất thủ. Ba lần đàn ông bị tàn sát tập thể. Ba lần đàn bà tự sát tập thể. Đẳng cấp dũng sĩ Rajput quyết tử trong chiến trận chứ không chịu bị bắt làm tù binh. Một khi họ chết thì đàn bà chỉ chọn cách chết theo như ta đã biết. Lần thứ nhất là năm 1303. Lần thứ hai năm 1535. Lần thứ ba 1568.

    Chuyện đang kể là lần bi thảm nhất. Năm 1535.

    Nàng Manju đi dựng giàn thiêu suốt ngày hôm ấy. Toàn bộ đám đàn bà và trẻ em đi dựng giàn thiêu. Thêm mấy đại đội dũng sĩ đến hỗ trợ. Giàn thiêu dựng quanh hồ nước chu vi hơn một cây số. Tất cả gỗ cây gỗ súc gỗ tấm trong thành. Tất cả đồ gỗ trong thành. Giường tủ bàn ghế cửa chính cửa sổ. Khuân ra tháo ra dỡ ra. Mang ra đến giàn thiêu thì được chặt được bẻ được xếp lại. Giàn cao hơn mặt đất gần một mét, có bậc gỗ để leo lên. Dài hai mươi mét. Rộng mười mét. Có cả trăm cái giàn thiêu như thế vây quanh hồ nước. Sẵn sàng.

    Manju trở về nhà đã gần mười giờ đêm. Nàng mở rương quần áo tìm trang phục cho mình ngày mai. Nàng chọn tấm sari màu trắng. Phụ nữ Ấn Độ mặc màu trắng trong đám tang chồng. Ngày mai toàn bộ phụ nữ trẻ em đều mặc màu trắng. Nàng tìm tấm áo choàng cho chồng. Ngày mai toàn bộ tướng sĩ đều mặc áo choàng màu vàng nghệ. Màu biểu tượng trí dũng và hy sinh của các dũng sĩ Rajput. Màu tượng trưng cho lửa, lửa lại hỏa thiêu tất cả những gì ô uế. Màu vàng vì vậy là sự trong sạch kiêu hùng.

    Không ai ngờ tấm áo choàng của đàn ông trong nhà, chỉ dùng vào những dịp lễ trọng, giờ lại phải lôi ra từ đáy rương sửa soạn cho lần xả thân cuối cùng. Đàn bà trong tất cả các nhà đêm nay đều đang lấy áo choàng ra. Áo của cha của chồng của chú của bác của anh của em. Áo màu lửa. Ngày mai những tấm áo này sẽ nhuộm máu. Lửa và máu.

    Đã muộn. Nhưng Manju không được nghỉ. Đêm nay kinh thành nào có ai được nghỉ. Manju giở tấm áo choàng ra thì mới nhớ. Cái miếng rách trên lưng áo chồng, nàng đã định vá lại ngay từ ngày ấy, thế mà nàng đã quên. Giờ thì miếng rách vẫn còn đấy trong ánh đèn leo lét.

    Không tìm thấy kim chỉ. Chắc là hộp kim chỉ lăn lóc đâu đấy sau một ngày khuân vác đồ gỗ và giật tung những cánh cửa. Mười chín tuổi, mới lấy chồng hai năm, chưa con cái, nàng không phải bận rộn vá may như những người đàn bà khác. Kim chỉ lâu rồi nàng cũng không nhớ nó ở chỗ nào.

    - Trong nhà có kim chỉ không?

    Nàng qua nhà chị hàng xóm thì thầm. Bên ấy đàn ông cũng lên hết vọng gác mặt thành. Chồng nàng cũng lên vọng gác rồi. Chàng chỉ huy đại đội của mình đêm nay canh gác, đề phòng kẻ thù bên ngoài thành tấn công bất ngờ trước buổi sáng. Thành thất thủ theo đúng giờ chủ động của các dũng sĩ. Thành không chịu thất thủ vì bị tấn công bất ngờ.

    Chị hàng xóm thận trọng tìm khắp nhà. Không gây tiếng động. Ba đứa trẻ nhà chị mệt mỏi đã thiếp đi. Ngày hôm nay chúng theo người lớn đi dựng giàn thiêu. Nhưng chúng không biết ngày mai mình phải chết. Người lớn nói dối chúng giàn thiêu để cúng tế. Mệt mỏi làm chúng ngả người là ngủ ngay. Giấc ngủ như mọi đêm. Mẹ chúng thì vẫn loay hoay lục tìm kim chỉ trong nhà. Không tìm thấy.

    - Trong nhà có kim chỉ không?

    Manju lại chạy sang nhà khác.

    Cô hàng xóm lấy chồng mới được một năm. Bụng mang dạ chửa. Cô đang áp chảo mấy cái bánh bột mì chappati và nấu bát xúp đậu xanh. Bữa ăn cuối cùng. Lát nữa chồng cô sẽ ghé về chốc lát. Tất cả đều đang đói. Thành bị vây hãm hơn một tháng rồi. Vũ khí cạn kiệt. Lương thực cạn kiệt. Lý do nhà vua ra lệnh chọn ngày mai thất thủ. Còn tinh thần đủ cho dũng sĩ Rajput chiến đấu hàng năm trời.

    Cô hàng xóm bụng chửa cũng không tìm thấy gì trong nhà.

    Manju đi sang nhà khác.

    Đêm đầy sao. Khí lạnh từ sa mạc tràn sang bao bọc cả kinh thành trên đỉnh núi.

    Thành. Đứng ở chân núi giờ này ngước mắt nhìn lên thành Chittor, ta sẽ tin đây chính là Vạn Lý Trường Thành ở Trung Quốc. Những bức tường thành chạy ngoằn ngoèo từ núi này sang núi khác. Như là bất tận. Lửa lập lòe những vọng gác trên tường thành. Như là bình thường.

    Kẻ thù bên ngoài thành biết là bên trong đã nguy khốn lắm rồi, nhưng không biết rằng trong thành đã chọn sáng ngày mai.

    Manju không lên mặt thành. Chồng nàng ở trên ấy, nhưng đêm khuya thế này khó tìm, ảnh hưởng đến quân lệnh quân luật. Nàng biết dù thế nào từ giờ đến sáng chồng nàng cũng về nhà để lấy tấm áo choàng. Tất cả đàn ông sẽ về nhà để lấy áo choàng.

    Áo choàng. Một vết rách. Sau đám cưới kéo dài hơn một tuần, thông thường cô dâu chú rể đều kiệt sức. Các loại lễ nghi. Các thủ tục phải làm. Các nhân vật khác nhau phải tiếp. Tập tục. Kết thúc một tuần đám cưới, dâu rể đều hao mòn, có người đứng không vững. Manju và Ravi thì không. Họ quất ngựa chạy dọc theo tường thành xuống núi. Họ lao ra khỏi thành hướng về phía sa mạc. Cát vàng đến tận chân trời. Một dòng sông thiêng cổ đại đã lạc lối vào sa mạc này rồi hoàn toàn biến mất

    Sông Sarasvati. Chỉ còn lưu lại trong những truyền thuyết. Chỉ còn lại cái tên. Sarasvati là tên vợ Thần Sáng Tạo Brahma. Nữ Thần Tri Thức, Nữ Thần Thơ Ca Nhạc Họa. Các bậc trí giả thờ thần. Các tài tử văn nhân thờ thần. Ai muốn con cái có học thì thờ thần. Người ta lấy tên thần đặt cho con gái mình.​

    Cặp vợ chồng mới cưới dừng ngựa trong một ốc đảo. Cái nóng mặt trời lúc này sánh sao được cái nóng của chính họ. Lại nữa, ốc đảo có cây xanh cũng dịu mát. Hai người hy vọng tìm ra dấu tích của dòng sông ngu ngơ lạc lối vào sa mạc. Sông đã thành sông cạn. Sông cạn đã hoàn toàn mất tích. Hàng nghìn năm rồi còn gì. Có khi nó đang nằm im dưới ốc đảo này, dưới cát kia, dưới đám xương rồng kia. Nữ Thần Tri Thức đang im lặng khuất mặt, như tri thức đích thực hiếm khi ồn ào lộ diện phô trương.

    Họ đã nằm xuống bên cạnh đám xương rồng từ lúc nào. Cả một hàng rào xương rồng bỗng trở nên cao hơn tầm nằm của hai người, che khuất họ trong lòng ốc đảo. Lúc này thì cả một dòng sông ào ạt trào dâng.

    Đi tìm một dòng sông đã mất. Kỷ niệm không bao giờ quên trong đời cặp vợ chồng. Chỉ có một sự cố. Tấm áo choàng dũng sĩ của Ravi bị gai xương rồng cào rách một miếng. Cơn cuồng hoan bên đám xương rồng gây ra vết rách.

    Manju ân hận đã quên suốt hai năm nay không vá lại áo cho chồng. Lại phải đúng vào cái đêm cuối cùng này số phận bắt nàng nhận ra lỗi của mình.

    Nàng quay về nhà thì thấy Ravi đã về từ lúc nào.

    Vợ chồng son. Ưu thế là vào lúc nửa đêm như thế này họ có thể cùng ra khỏi nhà mà không vướng bận. Đi. Lần này thành đang bị vây hãm, không thể quất ngựa ra khỏi thành được. Nhưng vẫn biết bên ngoài thành kia là mênh mông tự do. Mênh mông sa mạc. Hai người có thể cảm thấy sa mạc trong khí lạnh từ đó tràn về. Cảm thấy sa mạc trong mùi cát. Và một con sông nằm lặng lẽ dưới tầng tầng lớp lớp cát và cát.

    Cặp vợ chồng đổ xuống trong một vườn cây gần chợ. Chốn tấp nập ban ngày bây giờ không một bóng người. Dưới một gốc cây vô ưu cổ thụ. Đêm cuối cùng. Không biết có phải là đêm ân ái cuối cùng của các cặp vợ chồng hay không. Tranh thủ một lần cuối. Những dũng sĩ luân phiên cắt nhau trực, tranh thủ ghé về nhà. Những người vợ đêm ấy không ngủ. Tất cả đều ngồi chờ chồng về. Ám ảnh về cái chết tập thể ngày mai liệu có đem lại cho họ hưng phấn vào lúc này hay không.

    Manju bật lên một tiếng kêu. Nàng vẫn thường bật lên một tiếng vào lúc ấy. Lần này cũng là tiếng bật ra từ cực cảm. Nhưng lời lẽ thì như buột mồm. Như bị ám ảnh.

    - Trong thành đêm nay không nhà nào có kim chỉ.

    Buột miệng. Rồi nàng nhắc cho chồng nhớ về tấm áo choàng bị rách. Nhưng họ không còn nhiều thời gian nữa. Không thể chạy qua tất cả các nhà hỏi xin kim chỉ. Không thể quấy rầy tất cả những cặp vợ chồng tráng sĩ. Người ta đang ở bên nhau những giờ phút cuối cùng.

    Sáng tinh mơ hai vợ chồng chia tay. Ravi trở lại với đại đội của chàng đang tập hợp trong cổng thành. Manju đi qua các nhà đôn đốc những người đàn bà gọi con cái dậy. Từng đoàn người trang phục màu trắng đi ra phía hồ. Đông người mà rất yên lặng. Như là họ đi viếng một đám tang của ai khác. Các giàn thiêu được chia theo phường theo cụm theo tổ. Những gia đình hàng xóm láng giềng chung nhau một giàn thiêu. Tự lo lấy gỗ lấy dầu lấy lửa cho giàn thiêu của mình.

    Manju được phân công đứng quan sát trên tháp cao và đánh tín hiệu nổi lửa.

    Đúng giờ. Không còn một tia hy vọng sẽ lật ngược thế trận. Không một hy vọng vào phép lạ che chở của Thần Bảo Vệ Vishnu. Không có một điều lành nào bất ngờ đến vào phút cuối. Vị tiểu vương ra lệnh quyết tử. Chính ngài ngồi trên một con tuấn mã dẫn đầu. Vị tể tướng cùng bao nhiêu tướng lĩnh của ngài đều dẫn đầu. Tất cả hơn ba vạn binh lính. Tất cả đều áo choàng màu vàng nghệ.

    Một tiếng súng thần công nổ vang. Hiệu lệnh cho đoàn tướng lĩnh. Cổng thành lừng lững mở ra nhanh chưa từng thấy. Người ta đã tra dầu vào các bản lề và chuẩn bị chu đáo từ hôm trước. Cánh cửa nặng cả tấn mở như được giật phắt ra.

    Một tiếng gầm của đoàn quân quyết tử. Hơn ba vạn người trên lưng ngựa lao từ trong thành ra. Cuộc huyết chiến mặt giáp mặt với đoàn quân Hồi giáo của vua Bahadur Shah. Từ trên tháp cao, Manju thấy những dũng sĩ áo choàng lửa lao ra khỏi thành, nhanh chóng lan ra tỏa ra tràn ra phình ra. Trùm lấp lên đội hình địch. Một dòng sông màu vàng.

    Binh khí va nhau. Gào thét. Tên bay vun vút. Những ngọn giáo xé gió cắm phập vào mục tiêu. Những nhát chém nhát xả. Cho đến khi không còn thấy dòng sông màu vàng nữa. Nó đã bị lực lượng quân thù đông gấp bội xẻ nhỏ ra, làm cho tan tác. Vương vãi khắp bãi chiến trường.

    Giờ mới đến lúc của đám đàn bà đang chờ đợi trên những giàn thiêu. Giờ mới thực sự tuyệt vọng. Cánh đàn ông của họ đã chết hết ngoài kia. Không còn ai bảo vệ họ nữa. Từ trên tháp cao, Manju giơ hai tay lên cao. Sẵn sàng chưa. Chị hàng xóm ở bên dưới giơ cao một tay ra hiệu lại. Chúng tôi đã sẵn sàng. Manju quật nhanh hai tay xuống. Hiệu lệnh nổi lửa.

    Những người đàn bà được phân công trực bên cạnh giàn thiêu lập tức vồ lấy những thùng dầu đặt sẵn ở cạnh đó. Họ vừa chạy quanh giàn thiêu vừa xối dầu vào những súc gỗ. Dầu tích trữ từ các kho nhiên liệu đã được đưa hết ra. Thứ bơ tinh khiết cất từ sữa, vốn dùng để đốt đèn cúng tế trong các nghi lễ thiêng.

    Dội hết dầu thì họ châm lửa. Manju nhìn thấy chị hàng xóm bịt mắt bịt mũi hai đứa nhỏ đứng cạnh. Hình như có đứa khóc ngằn ngặt ho sặc sụa vì lửa khói. Những người đàn bà lập tức bịt mồm lũ trẻ và giữ chặt không cho chúng làm rối loạn đội hình. Trên giàn thiêu cũng phải trật tự. Bản thân những người đàn bà thì nhắm mắt lẩm nhẩm cầu nguyện. Cũng có thể là những câu mantra thần chú. Tiếng lầm rầm nổi lên lan ra. Chỉ chốc lát đã vang vọng khắp quanh hồ nước. Vang khắp thành.

    Manju rời tháp cao chạy xuống. Nàng thoáng thấy từ bên ngoài bắt đầu có những toán binh lính địch phi ngựa lao vào trong thành. Nàng chạy xuống đến chân tường thành thì cũng là lúc một tiểu đội kỵ binh đang phi về phía giàn thiêu. Nàng vén cao tấm sari cho nó khỏi quấn vào chân mà chạy. Chạy và vấp ngã. Nàng phải chết trên giàn thiêu. Lửa sẽ hủy diệt và tiêu tan mọi uế tạp và ô nhục của cõi trần. Lửa thanh lọc cho con người. Nàng không thể chết vì những bàn tay nhơ bẩn. Nàng chạy. Vấp. Ngã. Rồi chồm dậy chạy tiếp.

    Một kỵ binh lướt nhẹ tới áp sát nàng. Chỉ còn dăm bước chân nữa là đến giàn lửa. Gã kỵ binh cúi xuống túm được mép sari vắt trên vai Manju. Nàng vẫn chạy. Sáu mét vải quấn quanh người nàng gỡ dần ra trong khi nàng vừa chạy vừa quay như một con quay. Đám lính tráng xâm lăng đã thành công như vậy với nhiều đàn bà con gái bị chúng tóm được. Túm chặt lấy mép sari mà kéo. Tấm sari gỡ dần ra cho đến lúc hết sáu mét vải, người đàn bà rơi vào thế hầu như khỏa thân. Phản ứng tự nhiên của họ là phải chạy ngược trở lại. Ngược trở lại tức là tự nộp mạng.

    Manju không nộp mạng. Cả thân hình thiếu phụ quay tròn. Quay tít. Hướng về phía giàn thiêu. Tấm sari gỡ ra thoăn thoắt. Dứt ra khỏi người nàng. Một tòa thiên nhiên ngọc ngà vụt thoát ra khỏi tấm sari. Một bóng trắng hồng bay vào giàn lửa.

    Kịp lúc con ngựa hí lên hoảng loạn, tung bổng hai vó trước dựng đứng lên. Nó bị bức tường lửa hất ngược trở lại.
    Năm 1535 ông vua Bahadur Shah từ vùng Gujarat đến vây hãm thành Chittor cho đến khi quân trong thành phải chịu thất thủ. Thảm họa lớn nhất trong lịch sử xảy ra với những dũng sĩ đẳng cấp Rajput. 32.000 dũng sĩ mở cổng thành lao ra cảm tử, trong khi 13.000 phụ nữ và trẻ em tự sát trên một giàn thiêu tập thể.

    Trên bãi chiến trường bên ngoài tường thành, viên tướng của vua Bahadur phi ngựa lướt qua những cánh quân Rajput nằm la liệt trong vũng máu. Khí hậu sa mạc ngay từ sáng sớm đã nắng nồng. Máu vừa đổ ra đã tanh. Từng đàn kền kền khổng lồ đã bay lượn đen đặc sửa soạn đáp xuống. Từng đàn quạ lượn lờ chờ đợi bay ở trên cao. Viên tướng nhìn thấy Ravi. Chàng trúng một mũi giáo từ phía trước ngực, xuyên thấu ra sau lưng. Chàng ngã từ trên ngựa xuống trong tư thế ngồi gập về trước, như đang ôm lấy cây giáo. Lạ nhỉ, viên tướng nghĩ, mũi giáo xuyên qua chỗ này nhưng lại xé rách áo ở chỗ khác.

    Thì đúng là như vậy. Mũi giáo xuyên qua lưng chàng Ravi, ngay bên cạnh cái vết rách khiến đêm qua cặp vợ chồng phải bận tâm.

    Nhưng bây giờ nó chẳng còn nghĩa lý gì.[/spoil]
     
    Chỉnh sửa cuối: 13/7/10
  5. FiretrUCK

    FiretrUCK Sonic the Hedgehog Lão Làng GVN Sorcerer

    Tham gia ngày:
    6/2/10
    Bài viết:
    4,755
    Nơi ở:
    Làng ven đô
    ĐÊM YÊN TĨNH
    Dino Buzzati

    [spoil]Nàng thốt lên một tiếng thở dài trong giấc ngủ. Ở đầu giường đằng kia chàng đang ngồi trên đi-văng đọc sách dưới ánh sáng của ngọn đèn ngủ được che bằng một chiếc chụp đèn hình nón. Chàng ngước mắt nhìn lên. Nàng khẽ rùng mình, lắc đầu như thể muốn rũ bỏ cái gì đó, mở mắt ra rồi nhìn chằm chằm vào chàng trai với một vẻ sững sờ như thể mới nhìn thấy chàng lần đầu. Sau đó nàng hơi mỉm cười.
    - Có chuyện gì thế, em yêu?
    - Không có chuyện gì, không biết tại sao em lại có một cảm giác lo âu sợ hãi. Em hơi mệt vì đi đường, chuyện ấy là bình thường, với lại người em hơi nóng, em đừng lo, sáng mai em sẽ thấy không sao cả.
    Nàng im lặng vài giây, đôi mắt mở to vẫn nhìn chàng chằm chằm. Đối với họ là những người ở thành phố về đây, thì sự yên tĩnh của căn nhà quê cũ kỹ này là hoàn toàn quá sức tưởng tượng. Nó hoàn toàn là một khối im lìm khép kín có vẻ như đang chứa đựng bên trong một sự chờ đợi, như thể các bức tường, xà nhà, đồ đạc trong phòng, tất cả có vẻ như đang nín thở.
    Sau đó nàng bình tĩnh hỏi:
    - Anh Carlo, có cái gì ở ngoài vườn thế?
    - Ngoài vườn ư?
    - Carlo, em xin anh, vì đằng nào thì anh cũng đã đứng lên rồi, xin anh ngó ra ngoài một chút coi, bởi vì em có cảm giác như thể…
    - Như thể có ai đó chăng? Em nghĩ gì lạ thế? Ai có thể ở ngoài vườn vào lúc này? Kẻ trộm ư? - Rồi chàng bật cười. - Bọn trộm có những việc khác cần làm hơn là lảng vảng quanh những căn nhà tồi tàn như thế này.
    - Em xin anh, Carlo, anh cứ ngó qua một chút xem.
    Chàng đứng lên, mở cửa kính rồi cửa chớp, nhìn ra ngoài và tỏ vẻ ngạc nhiên. Buổi chiều vừa có bão lớn, vậy mà giờ đây, trong một không khí trong lành đến khó tin, mặt trăng tròn trịa đang rọi ánh sáng vằng vặc xuống khu vườn bất động, hoang vắng và tĩnh lặng, bởi vì cả những con dế và những con ếch cũng đang ngủ bên trong cảnh im lìm.
    Đó là một mảnh vườn rất đơn sơ, trên đó có một bãi cỏ phẳng phiu với một lối đi rải sỏi trắng chạy vòng quanh và chia ra thành nhiều lối đi nhỏ, và chỉ có xung quanh vườn là được trồng những luống hoa tươi. Nhưng nó chính là khu vườn tuổi thơ của chàng, một phần đau đớn trong cuộc đời của chàng, một biểu tượng của những nỗi niềm hạnh phúc mất mát, và trong những đêm trăng, nó luôn có vẻ như muốn nói chuyện với chàng bằng những lời bóng gió say sưa và không thể hiểu nổi. Ở phía Đông, trong cảnh sấp bóng tối tăm, hiện lên một hàng rào cây duyên xen lẫn những khoảng trống hình vòng cung, phía Nam có một đám cây táo nhỏ, phía Bắc có một lối bậc thang dẫn đến mảnh vườn rau cùng căn nhà kho thơ mộng chứa thóc lúa, phía Tây là căn nhà ở. Tất cả đang yên nghỉ trong cảnh gợi cảm và tuyệt vời mô tả thiên nhiên ngủ say dưới ánh trăng mà không ai có thể giải thích được. Mặc dù vậy, như mọi lần, quang cảnh đó gây cho chàng một nỗi vò xé sâu xa như đứng trước một vẻ đẹp ý vị mà tất nhiên chàng có thể thưởng ngoạn nhưng không bao giờ có thể chiếm hữu được nó.
    - Carlo, - Ma ria vẫn nằm trên giường lo lắng cất tiếng gọi, vì nàng thấy chàng đứng nhìn bất động bên cửa sổ. - Có ai thế?
    Chàng đóng cửa kính để mặc cửa chớp vẫn mở rồi quay trở vào.
    - Không có ai cả, em yêu. Chỉ có ánh trăng vằng vặc. Chưa bao giờ anh thấy một sự yên tĩnh đến như vậy - Chàng cầm lấy sách rồi lại ngồi xuống đi-văng.
    Lúc này là mười một giờ mười phút. Đúng lúc đó, ở đầu vườn phía Đông Nam, trong bóng tối của hàng cây duyên, một chiếc nắp hang ẩn trong đám cỏ từ từ hé mở để lộ ra lối vào của một chiếc hang sâu mất hút dưới lòng đất. Bỗng chốc có một hình hài thô đậm đen đùa chui ra khỏi hang rồi lao nhanh ra ngoài theo đường zích zắc.
    Trên thân cây có một con châu chấu nhỏ đang nghỉ ngơi trong trạng thái no nê khoan khoái, chiếc bụng xanh của nó phập phồng theo nhịp thở. Những chiếc móng vuốt của một con nhện đất hung dữ cắm sâu vào ngực con châu chấu rồi cấu xé con vật. Cái thân thể bé nhỏ của con châu chấu giẫy giụa làm cho những chiếc chân sau dài ngoằng của nó rung lên, nhưng chỉ rung được một lần. Những chiếc gọng kìm khủng khiếp bắt đầu bứt gãy chiếc đầu của nó và bây giờ chúng sục sâu vào trong bụng. Từ những vết rách trào ra dòng dịch vị và kẻ sát nhân bắt đầu vục mồm vào uống một cách say sưa.
    Vì quá say sưa với bữa chén, con nhện không kịp thời nhận ra được một con vật đen đúa khổng lồ đang tiến đến gần từ phía sau. Bốp? Vẫn nắm giữ con châu chấu trong chân, con nhện cùng với nạn nhân của nó mất hút vĩnh viễn vào trong họng của một con cóc.
    Nhưng toàn bộ khu vườn vẫn chìm trong cảnh bình yên và thơ mộng linh thiêng.
    Một mũi tiêm độc cắm sâu vào bắp chân mềm của một con sên đang di chuyển chậm chạp về phía vườn rau. Nó còn bò thêm được hai centimet nữa với đầu óc quay cuồng, để rồi nó nhận ra rằng cái chân không còn nghe theo nó nữa và rằng thế là nó đi đứt rồi. Mặc dù nó đang dần dần ngất lịm, nhưng nó vẫn cảm thấy hai hàm răng của con sâu đang cắn xé thịt da nó để khoét sâu cái thân thể béo mập và mềm mại đáng tự hào của nó.
    Trong cơn hấp hối nhục nhã cuối cùng, nó vẫn còn kịp nhận ra, với một cảm giác thoả mãn còn rớt lại, rằng cái con sâu vừa tấn công nó đã bị một con nhện khổng lồ bóp chết và xé xác trong nháy mắt.
    Xa xa ở đằng kia đang diễn ra một thiên diễm tình thơ mộng. Với chiếc đèn nhấp nháy bật hết cỡ, một con đom đóm đực bay lượn xung quanh đốm sáng bất động của một nàng đom đóm vô cùng hấp dẫn đang nhàn rỗi đậu trên một chiếc lá. “Đồng ý hay không?” “Đồng ý hay không?” Nó tiến đến gần cô ả thử vuốt ve ả và được ả cho phép. Dục vọng ái tình đã làm cho nó quên mất rằng một bãi cỏ dưới ánh trăng có thể trở thành một địa ngục như thế nào. Đúng lúc nó đang ôm ấp cô ả đom đóm thì một con bọ da màu vàng lao tới xé tan nát bụng nó. Chiếc đèn nhỏ xíu của nó vẫn không ngừng nhấp nháy như đang hỏi “Đồng ý hay không”, trong khi tên kẻ cướp đã nuốt được nửa người của nó.
    Trong khi ấy ở cách đó không quá nửa mét đang diễn ra một sự hỗn loạn dã man. Nhưng nó chỉ diễn ra trong giây lát. Một vật gì đó có kích thước khổng lồ đáp xuống nhẹ nhàng từ trên cao như một tia chớp. Con cóc ban nãy cảm thấy trên lưng mình có một sự quằn quại chết người, nó định ngoái lại nhìn. Nhưng nó đã bị nhấc bổng lên không trong móng vuốt của một con cú già.
    Nhưng nếu anh ngắm nhìn khu vườn thì sẽ chẳng thấy gì cả. Toàn bộ khu vườn vẫn chìm trong cảnh thơ mộng và yên bình linh thiêng.
    Cái buổi hội chợ của tử thần đó đã được bắt đầu từ chiều tối. Giờ đây nó đang diễn ra ở mức quyết liệt nhất. Và nó sẽ tiếp tục cho đến sớm mai. Khắp khu vườn chỗ nào cũng có cảnh tàn sát, giết chóc, hành hình. Những con dao mổ cắm vào não những chiếc móc phạt đứt chân, móc vảy và thọc sâu vào phủ tạng, những chiếc răng cắn xé, những chiếc ngòi tiêm nọc độc và chất gây mê, những sợi dây bắt trói, những chất dịch ăn mòn có khả năng làm hoá lỏng cả những kẻ nô lệ còn sống. Từ những cư dân bé nhỏ nhất làm tổ trong đám rêu phong, như nhũng con giun tí xíu, những con vật thân khớp…, đến những con sâu, con nhện, bọ da, đến những loài động vật nhiều chân, và cứ thế lên đến những loài động vật cấp cao hơn như thằn lằn, bọ cạp, cóc nhái, chuột chũi, chim cú, một đội quân đông đúc những kẻ sát nhân đang triển khai tàn sát, chém giết, hành hạ, mổ bụng, cắn xé nhau. Như thể trong một thành phố lớn đêm đêm có hàng vạn tên sát nhân khát máu và được vũ trang đến tận răng chui ra khỏi hang ổ lẻn vào nhà người ta mà cắt cổ người ta trong lúc người ta đang ngủ.
    Bất chợt ở dưới vườn anh chàng ca sĩ dế mèn bỗng nín bặt vì bị một con chuột chũi phang một cú chết người vào đầu. Nằm cạnh bụi cây là chiếc đèn đã tắt của một con đom đóm bị một con bọ da cắn nát. Giọng hát của con ếch biến thành tiếng nấc nghẹn trong miệng một con rắn nước. Và con bướm nhỏ thì không còn có dịp được quay trở lại va đập vào cửa kính sáng đèn vì nó đang phải giẫy giua trong dạ dày của con dơi. Nỗi khủng khiếp, kinh hoàng cùng với sự huỷ diệt, hấp hối và chết chóc dành cho hàng nghìn sinh mạng của Thượng đế chính là cái được coi là giấc ngủ đêm của một khu vườn rộng ba mươi trên hai mươi mét. Và sự việc như vậy cũng đang diễn ra trên những cánh đồng ở quanh đây, nó cũng diễn ra ở cả bên kia dãy núi đang phản chiếu lấp loáng ánh trăng với vẻ nhợt nhạt và huyền bí. Và trên khắp bề mặt trái đất chỗ nào cũng giống như vậy ngay khi đêm xuống: cảnh huỷ diệt triệt hạ, giết chóc. Và khi đêm tối tan đi rồi mặt trời xuất hiện, thì một sự phá phách đẫm máu khác lại bắt đầu, với những tên sát nhân khác, nhưng vẫn với một sự tàn bạo như nhau. Sự việc đã tồn tại như vậy kể từ khi thế giới hình thành và mãi mãi sẽ vẫn như vậy cho đến ngày tận thế.
    Ma ria trằn trọc trên giường thốt ra những câu nói rời rạc vô nghĩa. Sau đó nàng lại mở đôi mắt to hoảng hốt:
    - Anh Carlo, giá mà anh biết em đã mơ một giấc mơ khủng khiếp như thế nào, em mơ là ở ngoài kia có ai đó đang bị giết.
    - Thôi nào, cố mà bình tâm lại đi, em yêu, anh cũng sẽ đi ngủ bây giờ đây.
    - Carlo, xin anh đừng giận, nhưng em vẫn có cái cảm giác kỳ lạ ấy, rằng ở ngoài vườn đang xảy ra một điều gì đó.
    - Liệu đầu óc em định nghĩ về cái gì vậy?
    - Anh đừng từ chối em, anh Carlo ạ, vì quả thực là em rất muốn anh ngó ra ngoài một chút.
    Chàng lắc đầu mỉm cười, đứng dậy mở cửa kính nhìn ra ngoài.
    Thế giới đang yên nghỉ trong một sự tĩnh lặng vô hạn tràn ngập ánh trăng. Vẫn cái cảm giác mê hoặc ấy, vẫn một nỗi bất an bí hiểm ấy.
    - Ngủ yên đi em, chẳng có ma nào cả, chưa bao giờ anh được chứng kiến một cảnh yên bình như thế này.[/spoil]
     
  6. FiretrUCK

    FiretrUCK Sonic the Hedgehog Lão Làng GVN Sorcerer

    Tham gia ngày:
    6/2/10
    Bài viết:
    4,755
    Nơi ở:
    Làng ven đô
    TÊN TRỘM
    Victor Canning
    [spoil]Mọi người đều nghĩ rằng Horace Denby là một công dân tốt và trung thực. Lão khoảng 50 tuổi và đang sống độc thân. Ngoại trừ những cơn sốt nhẹ trong mùa hè, còn thì Horace cảm thấy hoàn toàn khoẻ mạnh và hạnh phúc. Lão là một thợ khoá giỏi và rất được khách hàng tin cậy. Vâng, có thể như mọi người nghĩ, Horace là một công dân tốt nhưng lão không hề trung thực. Cũng bởi lão là một thợ khoá!

    Đã 15 năm nay, năm nào Horace cũng tiến hành một phi vụ mà ngoài lão ra thì không ai biết cả. Horace rất thích sách, những quyển sách quý hiếm và đắt tiền. Lão chỉ đọc chúng vẻn vẹn một lần rồi sau đó xếp chúng ngay ngắn lên giá để khi khách tới chơi, lão có thể ngẩng cao đầu và tự hào với bộ sưu tập sách giàu tri thức. Tiền mua sách chính là tiền từ các phi vụ đặc biệt kia!

    Dưới cái nắng chói chang của tháng bảy, Horace chắc mẩm rằng phi vụ năm nay sẽ suôn sẻ và trót lọt như 15 lần trước. Trong suốt hai tuần, lão đã nghiên cứu kỹ ngôi nhà của gia đình Grange, quan sát các vị trí các phòng, tìm hiểu hệ thống báo động, lối ra, lối vào và cả khu vườn. Cả gia đình Grange đang nghỉ ở Luân Đôn, hai người giúp việc thì vừa đi xem chiếu bóng, lão tha hồ hành động. Horace kiểm tra lại túi đề nghề và theo lối au vườn đến cửa phòng bếp. Lão đã thấy người giúp việc cất chìa khoá cẩu thả như thế nào. Lão chỉ việc thò tay qua lỗ nhỏ trên cửa, lôi ra chùm chìa khoá. Rất nhanh gọn, thực sự đơn giản hơn so với các lần trước khi mà lão còn phải nhọc mình để phá khoá. Như mọi tên trộm chuyện nghiệp, Horace vô cùng cẩn thận với các dấu tay của mình. Lão không bao giờ để lại hiện trường một dấu vết nào. Vì vậy, các phi vụ của lão vẫn luôn trót lọt. Lão mở cửa. Một con chó đang nằm dài trên sàn nhà và sủa hẵng vào tiếng rồi liền ve vẩy đuôi khi nghe lão gọi tên nó :"Ngoan nào, Sherry!". Các con chó nuôi làm cảnh thường như vậy. Chúng chỉ cần người lạ gọi đúng tên và tỏ vẻ âu yếm là chúng có thể thân thiện ngay. Con Sherry không phải là một ngoại lệ.

    ... Horace tiến thẳng về phía phòng sách. Lão nhẹ nhàng gỡ bức tranh duy nhất đang treo trên tường xuống. Quả thực, lão đã không hề nhầm. Phải chăng đây là cách giấu của được các gia đình giàu có ưa chuộng nhất? Trong phòng còn có một giá sách nhỏ và một chiếc bàn, trên có đặt một bình hoa to. Lão mở bộ đồ nghề, lấy ra những thứ cần thiết để mở cái két chìm kia! Lão có bốn tiếng để hoàn thành công việc. "Những người giàu thì càng thường ngu ngốc!" - Lão nghĩ thầm. Chúng huênh hoang khoe trên báo về sự giàu có, về ngôi nhà tuyệt vời, về những chuyến đi du lịch... và dĩ nhiên lão không thể bỏ qua được con mồi ngon lành này. Nhưng Horace có vẻ dị ứng với cái mùi quái quỷ toát ra cái lọ hoa trên bàn. Lão rút khăn tay ra xỉ mũi.

    Chợt, lão nghe thấy một tiếng nói vang lên phía cửa:

    "Gì vậy? Cảm hay sốt thế?"

    "Sốt.." - Horace đáp như cái máy trước khi kịp định thần.

    "Có vẻ nghiêm trọng đấy! Ông phải đến bác sĩ thôi nếu ông không muốn nó làm hỏng việc. Tôi đã nghe thấy tiếng ông từ trên lầu?.

    Đó là một phụ nữ trẻ, xinh đẹp trong bộ đồ đỏ. Cô tiến về phía lò sưởi, con chó nhỏ lẵng bẵng theo sau. Cô ta tỏ ra rất bình tĩnh trước sự xuất hiện của một tên trộm trong nhà:"Ai cũng nghĩ là chúng tôi đang vắng nhà. Làm sao mà tưởng tượng được cảnh hay ho này, phải không?". Horace thấy có nhiều phần để hy vọng bởi cô không hề tỏ vẻ hốt hoảng hoặc giận dữ, cô dường như cũng không có ý định báo cảnh sát. Lão luôn cố tránh và chưa từng bao giờ phải dùng vũ lực để lấy tiền, nhất là với một phụ nữ trẻ đẹp như cô ấy?

    "Xem ra tôi đang cản trở công việc của ông? Giờ ông định làm gì?" - Cô hất đầu hỏi lão.

    "Dĩ nhiên là chuồn khỏi đây rồi" - Lão đáp trống không.

    "Còn tôi sẽ gọi điện cho cảnh sát và thông báo về một vị khách không mời" - Cô xem ra có vẻ háo hức đối đầu với lão.

    "Tôi thì dễ dàng cắt dây điện thoại rồi... - lão cười ngập ngừng... Cô bất tỉnh khoảng nửa giờ thôi cũng đủ cho tôi hành động,..."

    "Ông định đánh tôi ư?".

    Lão không trả lời thẳng :"Thì cứ cho là thế! Cô không sợ à?".

    Lão mạnh dạn đề nghị :"Tại sao cô không thể để cho tôi đi nhỉ? Tôi cũng đã lấy gì của cô đâu? Và tôi hứa sẽ không bao giờ trở lại đây nữa!".

    Cô gái đột nhiên đanh giọng lại :"Sao lại phải thế? Ông đang chuẩn bị ăn trộm của tôi cơ mà? Nếu tôi để ông đi, biết đâu ông sẽ ăn trộm của một người khác? Xã hội cần được thoát khỏi những người như ông".

    Horace cười :"Tôi không đe dọa gì xã hội. Tôi chỉ lấy của những kẻ thừa tiền, như gia đình cô chẳng hạn. Ít ra cô cũng còn gấp bốn năm lần thế này ấy chứ!".

    Cô cười phá lên trước giọng van nài thảm thiết của lão.

    "Tôi không có quyền đòi hỏi cô nhưng tôi thành thật mong cô hãy cho tôi một cơ hội. Hãy để tôi đi và tôi hứa sẽ từ bỏ việc làm xấu xa này!".

    Cô im lặng, nhìn lão một cách thân thiện :"Ông thực sự không muốn đi tù, phải không?".

    Cô tiến về phía bàn, lôi ra bao thuốc. Horace nhìn cô, chờ đợi sự tha thứ.

    "Cô sẽ để tôi đi chứ?" - Lão châm lửa hộ cô.

    "Được rồi, nhưng ông phải giúp tôi một việc".

    "Bất kỳ điều gì!".

    "Lần này tôi quay về là để lấy đồ trang sức lên Luân Đôn dự một buổi dạ tiệc. Thường thì tôi không đeo đồ trang sức đâu nhưng lần này chồng tôi lại yêu cầu vì đây là buổi tiệc quan trọng mà! Tuy nhiên, tôi..."

    Horace mỉm cười :"Như mọi phụ nữ khác, cô lại quên chìa khoá ở đâu đó rồi đúng không?"

    "Vâng" - Cô gái nhẹ nhàng đáp.

    "Để đó cho tôi! Song phải phá khoá cơ!".

    Cô gái vui vẻ :"Không sao! Chúng tôi còn nghỉ lại Luân Đôn dài dài. Ba ngày nữa tôi sẽ trở lại rồi nhờ ông tới sửa hộ két sắt luôn. Chồng tôi sẽ không biết gì về chuyện này và anh ấy sẽ không thể trách tôi là chúa đãng trí".

    Chỉ trong một giờ, lão đã hoàn tất mọi việc, rời khỏi nhà cô gái với một niềm vui khó tả.

    Giữ đúng lời hứa với cô gái trẻ tốt bụng, ba ngày sau, lão quay lại để chữa cái két sắt cho cô gái. Trên đường đi, lão nghĩ tới những quyển sách sắp xuất bản và lão đã dự định một vụ trộm khác an toàn và cẩn thận hơn. Nhưng lão không còn cơ hội nào để thực hiện một vụ trộm khác. Cảnh sát đã túm cổ lão khi lão vừa bước chân qua cửa. Bà chủ nhà đứng đó, là một bà già sáu mươi, bà ta nói rằng câu chuyện mà lão kể lại một sự bịa đặt. Cũng chẳng ai tin lão bởi người ta tìm thấy dấu vân tay của lão cũng như chẳng ai có thể tin được câu chuyện lạ lùng kia: bà chủ nhà nhờ một tên trộm mở két sắt hộ ...
    [/spoil]
     
  7. FiretrUCK

    FiretrUCK Sonic the Hedgehog Lão Làng GVN Sorcerer

    Tham gia ngày:
    6/2/10
    Bài viết:
    4,755
    Nơi ở:
    Làng ven đô
    BÀI BÁO VIẾT DỞ
    Đoàn Phương Nam
    [spoil]Cái tin tàu Mù U chìm khiến tay chân Miên như muốn rụng rời.

    Bố mẹ Miên vốn là dân Bắc di cư vào đây. Dù mặc nhiên Miên sinh ra ở đây, ăn cơm ở đây và làm việc ở đây thế nhưng Miên vẫn là một người khác. Một người không có họ hàng, dây mơ rễ má ở chốn xảy ra vụ chìm tàu. Vậy mà ruột gan cô như có ai túm chặt lấy chà đi xát lại nhiều lần.

    Sếp tổng mặt mày nhúm nhó lại khi nghe Miên xin đi. “Trời đất, mày đâu có biết lội, đi đêm hôm khuya khoắt, phải chạy cho thiệt kịp số báo nữa. Chậc, cực lắm”. Nghe sếp nói Miên biết là đồng ý. Ừ, chẳng qua ổng thấy đường đi lặn lội nên xót xa vậy mà, chứ chuyện đêm hôm rồi không biết lội đâu phải là chuyện quan trọng.

    Từ hồi Miên cắn muốn nát cây bút trước khi ghi vào nguyện vọng khoa báo chí trường X, từ hồi Miên đứng trước đám đông trong một lần họp mặt của tỉnh, chân run muốn lật nhào vẫn nói tỉnh bơ với cái lỗ tai đang nóng lên như có ai đặt cái bếp lò bên cạnh: “Con, ơ, tôi nghĩ điều thú vị nhất và sung sướng của người làm báo là được có mặt ở nơi xảy ra điểm nóng”.

    Từ hồi Miên lụi hụi theo gót mấy anh lội bê bết qua mấy công vuông rồi lọt cái tõm xuống cái rạch nhỏ xiu xiu mình mẩy ướt lóp ngóp. Từ hồi Miên ra đảo viết bài về mấy anh lính thương quá không chịu về làm điện thoại mấy sếp cứ réo gọi mãi. Chẳng biết từ mấy cái từ hồi như vậy là có chuyện Miên lại nhào lên đường.

    Nghe Miên kể, thấy Miên nghĩ vậy người ta tưởng Miên làm báo lâu dữ ôn rồi. Thật ra chỉ mới qua hai mùa giải Cây Mai thôi. Mùa đầu Miên mới về, nhìn người ta lên lãnh giải hai con mắt ngó lom lom mà sung sướng cười toe toét mơ đến ngày mình được vậy. Mùa sau được chọn bài dự thi, Miên cứ tưởng tượng hoài ngày mình đứng cười lỏn lẻn với mọi người, thèm người ta chỉ chỏ, con nhỏ chút ét, mun hết cỡ luôn mà lãnh giải bự ta, mà cười thấy có duyên, có hậu hết sức nghen ta. Thèm vậy thôi. Như lần này ngồi trên canô, lòng ham muốn ấy lại cứ cuộn trào trong Miên khi lời sếp cứ văng vẳng bên tai: “Còn năm ngày nữa là hết hạn nộp bài dự thi Cây Mai. Con đi chuyến này viết thật kỹ nghe. Chú tin con làm được!”.

    Chỉ dặn vậy thôi mà lòng dạ cồn cào không chịu được. Bởi Miên chưa từng được đi theo đến cùng sự kiện, chưa từng áp dụng triệt để những điều đã học vào công việc thực tế của mình. Miên nghĩ, cô phải khai thác những gì thương tâm nhất để người đọc thiệt là xúc động, phải cho mấy ông ở xã thấy là quản lý lơ mơ kiểu này thì còn khối việc khủng khiếp hơn. Cơ hội để khẳng định bút lực của Miên, ngòi bút sắc sảo và lanh lẹn, lối viết lấy nước mắt người khác đầy tỉnh táo.

    Khuya, canô chạy nhanh, cái lạnh dường như chui tọt hết vào Miên. Anh bạn đồng nghiệp lúi húi kiểm tra máy, nghe điện thoại và hét át tiếng gió, tiếng sóng và cả nỗi sợ mơ hồ nào đó nữa. Miên nghĩ đến giải thưởng, đến những câu chuyện nhưng trong bụng Miên vẫn cứ xốn xang không tả được. Địa bàn huyện X này cô đến chỉ hai lần. Một lần về biết chú Sáu, một lần về nhớ anh Thiên.

    Nhớ anh Thiên lại thấy buồn quá hà. Bữa Miên về anh phải bận đi gom mấy đứa nhỏ trong xóm tổ chức văn nghệ rồi chạy hụt hơi, thở phì phì qua hai cái lỗ tai để giúp vui cho mấy chị phụ nữ nhân ngày 8-3. Tự dưng không ở chợ lại lặn lội vô xã, tự dưng không ngó ai hết đi bắt ngó Miên hoài, tự dưng kể cho Miên nghe những chuyện trong xóm buồn não ruột làm Miên phải lén quay đi chùi nước mắt... Lần đó, một mình Miên đi xuống xã để tìm về một cụ già giữ chiếc sắc thần mà ngôi đình đã mất từ lâu lắm. Xã phân công Thiên lấy vỏ lãi chở Miên đi. Sóng chùng chình có nhìn mặt được đâu.

    Tìm được tới nhà, Miên biểu Thiên về, còn mình ở lại. Đâu chỉ đơn thuần là chuyện cái sắc thần bởi cái sắc liên quan đến cái đình. Cái đình lại liên quan đến mấy cụ già, mà mấy cụ già ấy có từ hồi cái làng này mới có mấy nóc gia. Mà đã hết đâu, rồi chuyện giặc bỏ bom cháy rụi đình. Rồi chuyện bọn giặc lùng kiếm sắc thần, nhà bao nhiêu từng cũng được, đất rộng bao nhiêu cái chỉ tay cũng có. Vậy mà...

    Mà cũng tại bao nhiêu cái vậy mà của lão ngư già lụm cụm nhưng còn tinh mắt nhận ra cái nhìn xao xuyến của cậu trai khiến Miên với Thiên ở miết trong chòi vuông cả tuần. Hai người chỉ cho Miên biết cái vó, lú, nò là sao. Sao mà hổng thèm gọi tên khác lại gọi tên vậy. Cây đước ăn xuống đất bao xa, cái rễ ôm bao nhiêu đất bãi bồi và vì sao phù sa nơi khác đến đây không chịu đi đâu nữa.

    Chẳng nỡ rời xa vì mến chân mến tay, vì sợ mở mắt ra không còn được dòm thấy cái mặt hay nhăn nhăn, thấy đôi tay dài thòng mà nhanh nhẹn... Miên mến cả con cá, con tôm hằng ngày được hai đứa quăng thức ăn, mến luôn con mực cứ giả bộ đuổi theo con chuột nhắt tí tẹo để hai đứa cứ mải câu chuyện trò trên bờ bao. Để rồi bàn chân chưa quen giẫm trên đất mặn, chưa từng xót vì vết phỏng rộp lại khiến ai đó bận lòng. Bận lòng mà chắt lưỡi, bận lòng mà nhìn xa xăm. Ừ, mà chắc bận lòng nên người ta không thể nói những lời vô tư như vẫn nói với người khác là đất này dễ thương lắm. Đến đây là như cây đước ngàn đời không xa bãi bồi được. Ngàn đời cứ ôm khư khư đất này mà vươn đi xa mãi.

    Miên ôm chiếc áo khư khư vào lòng ngắt ngang cái mặt hiền hiền của Thiên đang từ từ hiện lên mà nghĩ đến sự chuẩn bị chu đáo cho bài viết. Dưới sông vỏ, canô đậu kín. Miên mới bước lên bờ, chưa kịp vô đồn biên phòng thì một chị phụ nữ nhào vô ôm chặt Miên. Nước mắt nước mũi chảy tèm lem ướt nhẹp cả mặt Miên. “Cô ơi, cô thấy con tôi trong chiếc canô đó không?”. Bị hỏi bất ngờ Miên lỡ buột miệng nói không. Người đàn bà tu tu lên khóc hai tay quờ quạng đi trong đêm. Miên chạy nhào theo không biết vì mình ân hận lỡ lời hay vì thấy thương người đàn bà đi trong đêm vắng khi phía trước là mặt sông rộng mênh mông đen ngòm.

    Hồi nhỏ, Miên trốn nhà đi tắm sông. Một đứa trong lúc trồi lên trúng cây nhọn máu chảy loang lổ. Mẹ Miên cũng quờ quạng như vậy chạy tìm. “Dì Hai à, thiệt tình hồi nãy con hông biết nên nói đại vậy. Dì vô bãi này ngồi đi. Đừng đi đâu cả”. “Nhưng con tui thì sao? Bữa nay gió thổi mạnh lắm. Tui có đem áo lạnh nè mà sao nó chưa chịu lại đồn để mặc cho ấm rồi hẵng đi chơi tiếp”. Miên phải nói hoài, nói hụt cả hơi dì mới chịu tin Miên với điều kiện cô đi tìm. Miên bước chân vào đồn biên phòng với bao câu hỏi, nếu lỡ...

    Mà thật ra khi bước chân xuống vỏ để rồi căn nhà của ông già chìm dần trong đáy mắt của Miên, Miên cũng đã từng nghĩ đến bao câu hỏi nếu lỡ... Miên muốn hỏi Thiên rằng nếu lỡ em không xuống nữa thì anh Thiên có chở ai đi xa như vầy nữa không. Anh Thiên có ở một chỗ lạ với một người con gái cũng lạ lâu đến như vầy nữa không. Tự dưng mắt Miên đầy nước và Miên buột miệng câu nói đẩu đâu: “Mai em đi xứ này chắc buồn lắm”. Anh Thiên cười (cười như hệt bữa có bà má nói với anh Thiên, “thằng nhỏ coi bảnh vậy mà làm ở đây thấy tội quá. Thôi về làm vuông tiếp má cũng đủ đeo vàng, đi chơi lòng vòng với người ta”).

    Sao anh Thiên không giả bộ nói câu gì đó để níu chân Miên. Sao anh Thiên không lặp lại cái nhìn hôm hai đứa ngồi nhìn sao. Ngồi đợi ông già chỉ sao cá liệt. Bữa đó anh Thiên nói nhỏ xíu hà. “Không biết lần sau nước ròng, Miên có nhớ cái đuôi sao cá liệt nữa không?”. Sao anh Thiên không nói với Miên câu nhỏ xíu như vậy nữa. Nói rồi nhìn y chang như vậy cũng được nữa.

    Mà chắc anh Thiên không thèm nói đâu. Anh Thiên có rảnh đâu mà chú ý đến Miên nữa chứ. Chưa về đến xã, anh Thiên đã xăng xái nhào xuống mò máy bị chìm với người ta rồi. Lại còn hứa một chút xíu sẽ vô tỉa mấy cây đước làm nhà tiếp. Anh Thiên có rảnh đâu mà nhớ rằng chỉ một chút xíu nữa thôi sẽ rời chân xa tay, sẽ không còn nghe giọng nói mấy bữa rày nữa.

    Miên cứ chần chờ chẳng biết mình muốn điều gì mà một chiếc đò chạy ngang, rồi hai chiếc chạy ngang Miên cứ lắc đầu. Người ta hỏi về Cà Thun hôn cô mà Miên không gật. Chắc là Miên thấy cái giỏ nặng quá. Chắc là Miên muốn có người xách phụ trên đoạn đường dài. Dài có thể đến cuối đời cũng được. Trước tài cuối cùng một chút xíu Miên cũng kịp nghe anh Thiên nói: “Đất này vắng một người là rộng thênh thang”. Anh Thiên nói nhỏ xíu hà mà sao Miên nghe rõ lắm, nghe như vẫn còn bên tai hoài vậy.

    Nghe rõ như những tiếng khóc, tiếng nói bên tai Miên lúc này. Có những tiếng khóc rơi ra từ nỗi vui mừng không tưởng được. Có những tiếng khóc đặc quánh lại tưởng chừng như kết tinh nước mắt lại thành từng viên bi nặng trĩu. Có những tiếng khóc mơ hồ, phập phồng nỗi sợ mông lung mà lại phập phồng niềm tương ngộ. Dường như nơi đây đã là cuối nguồn của con sông nên nỗi đau không thể ngược dòng, nên cứ nhận mãi nhận mãi vào lòng mình.

    Miên thấy mình như dòng sông chảy qua bao triền dốc, bao cỏ cây, muốn tìm về biển rộng. Đến biển rồi lại ngần ngừ không dám chảy xiết. Biển rộng lớn có biết được những phù sa chắt chiu từ vùng đất này nhờ chở đến vùng khô cằn nơi khác. Biển rộng lớn có biết có những con sông vì muốn hoàn thành nhiệm vụ gặp lại trùng khơi mà cuốn phăng đi những phù sa nén mình ở lại để được khô cằn thành hạt cát bay lơ lửng giữa trời mà không có dịp cùng chúng bạn nô đùa chốn khơi xa.

    Miên đi đến đâu cũng sợ gặp lại anh Thiên, đi đến đâu cũng sợ không thấy mặt người hiền hiền giống vậy. Miên sợ có những bài viết dở dang mà Miên cũng sợ có những bài viết mình không bao giờ viết được vì thiếu những xót xa, những nụ cười của mảnh đất Miên đặt chân đến. Hệt như lần Miên lúng túng khi anh Thiên chỉ cho coi cây mắm vì lỡ lời “sao nó xấu xí vậy anh Thiên”. Anh Thiên nhìn ra ngoài khơi cuồn cuộn sóng hỏi Miên có sợ không. Miên gật đầu vì Miên không biết bơi. Anh Thiên cười, nó xấu xí vì phải nằm im ẩn mình trong bãi triều rộng lớn, đơn côi một mình vì sự sống khắc nghiệt. Nó xấu xí vì khi vừa vươn lên đã đeo mang thêm những cây con nhỏ níu chân phù sa cho đất này. Nó xấu xí vì phải giữ lại những ngọt ngào cho cây đước đi sau vươn cao, làm thành thành lũy bảo vệ mảnh đất mong manh mà màu mỡ. Nó xấu xí vì phải biến con sóng hung hăng rồi cũng im lìm ngoan ngoãn vỗ nhẹ vào bờ những âm điệu thiết tha.

    Anh bạn đồng nghiệp kéo Miên ra khỏi đám đông. “Anh em mình phải về cho kịp bài ngày mai”. Một mình anh ấy về viết vẫn kịp, còn Miên, bao nhiêu lời hứa chưa làm? Có những lời hứa không cần phải buột miệng ra, không cần phải thề thốt cho chặt dạ. Như anh Thiên vậy, anh Thiên có hứa với ai đâu mà cứ ở đất này làm miết. Còn Miên, Miên nợ anh những câu chuyện đã nghe, Miên nợ anh cái nhìn trìu mến đầy tin tưởng và cả những điều gì đó mơ hồ lắm. Như thể cây đước không thể lớn nhanh nếu xa đất bãi bồi. Như thế trái mắm ẩn mình chịu đựng, bãi triều rút đi rồi mầm xanh lại vươn lên hít khở khí trời.

    Còn giải thưởng? Miên thường bảo nếu muốn đạt được một thành quả nào đó người ta phải đánh đổi. Tỉ như cái vuông tôm của ông Sáu chẳng hạn, tỉ như những câu chuyện về ông vua cá đường chẳng hạn. Tại ngày xưa vùng biển này được ban tặng quá nhiều và con người khai thác cạn sạch nên để có câu chuyện cá đường huyền thoại hôm nay người dân chóp mũi không còn một miếng khô phơi lạt ăn với cháo trắng vậy. Miên cũng thèm lắm. Thèm đến cháy khô cả cổ khi nghĩ đến tên mình trong giải Cây Mai. Đến con bé mun mun đứng ẹo ẹo lên lãnh giải.

    Miên cũng biết, nếu lần này Miên lên tàu về Cà Thun xa Thiên nữa chắc là Miên sẽ giống như như con cá đường không còn ngày hội ở sân cờ Cột Tàu, giống như con cá dứa mất mùa ăn trái mắm...[/spoil]
     
  8. roman_martin

    roman_martin The Warrior of Light Lão Làng GVN

    Tham gia ngày:
    9/8/05
    Bài viết:
    2,228
    Nơi ở:
    ♥ of Winter !
    Mưa núi

    [Spoil]Cơn mưa ập đến bất ngờ và nhanh chóng. Ầm ào, thác đổ. Nhanh đến mức lúc giương máy hình chụp cổng tam quan cô chỉ thấy vài hạt mưa bụi lấm tấm trên màn hình LCD.

    Vậy mà, chưa đến chục bậc cấp lên đến sân miếu tóc cô gần như sũng ướt. Tấp vào mái hiên, cô thấy anh đang lúi húi dựng xe ở gian nhà phía sau. Lưng áo sơ mi trắng của anh cũng bết nước dính vào da một mảng màu hồng.

    Lúc chạy xe lên núi, cổng tam quan đẹp quá đã khiến cô nhảy xuống xe để anh một mình đi hết con đường mòn vòng ra phía sau ngôi miếu nhỏ nằm trên lưng chừng núi. Ở độ cao 80m và dốc 40 độ, cô không nỡ ngồi yên phía sau để nghe chiếc xe anh nặng nề, gầm rú.

    Trong chốc lát cả cánh đồng lúa mênh mông bát ngát bên dưới chân núi chỉ còn một màu trắng xóa. Cả trăm bậc cấp đi lên cũng chẳng còn. Cây phượng già rũ xuống trong màn mưa và những chùm phượng đỏ co mình oằn theo cơn gió. Nước từ mái tôn ào xuống thành dòng leo qua cây mã tiền cổ thụ có gốc hai thân, xoáy vào cái hõm sâu có màu của thời gian trộn lẫn với màu rêu rồi đổ vào khe đá, chảy xuống núi.

    Mới vừa nãy thôi, cô còn ghi được hình ảnh cánh đồng lúa chín vàng bên dưới có những đụn khói đốt đồng bốc lên cao quyện lẫn vào mây trời. Mới vừa nãy đây thôi, dừng xe lại dưới chân núi hướng về phía mặt trời lặn, cô đã chớp được cảnh nắng chiều phủ sáng rực một chỏm núi mà khi nhìn vào màn hình LCD anh đã xuýt xoa: “Núi Phú Sĩ cũng đẹp đến thế là cùng”…

    Mới vừa nãy đây thôi, cô đã chụp được toàn cảnh hồ chứa nước rộng bao la nằm dưới chân mấy dãy núi phía bên kia...

    Thật ra, lúc đứng trên con đập chạy dài bao quanh hồ, giương ống kính về phía mặt trời để chụp dáng núi in bóng xuống mặt nước, cô đã thấy những đám mây đen đầy vẻ đe dọa. Nhưng khi quay đầu lại, màu xanh của cánh rừng tràm trải dài bất tận như lẫn trong màu mây tạo cho cô cảm giác an tâm để tìm những góc ảnh đẹp. Vậy mà, giờ đây tất cả không còn gì hết!

    Từ bên trong chính điện, một vị sư già bước ra đi về phía anh, rồi nhìn về phía cô như muốn mời cô vào gian nhà tôn có bộ bàn ghế đá và bộ ấm chè chờ sẵn để mời khách thập phương. Có một khoảng trời ngăn cách nơi cô đứng với gian nhà tôn.

    Nước từ máng xối đổ xuống thùng phuy bên dưới tạo thành những âm thanh dòng chảy thật to hòa với tiếng mưa khẳng định thêm “đẳng cấp” của cơn mưa! Cô ngẫm nghĩ, nếu nhanh chân lắm, bước qua bên đó ít nhất cô cũng bị ướt hai ống quần và đầu tóc. Ngần ngừ một lúc cô cúi đầu chạy nhanh qua phía bên kia.

    Anh đang trở lại chỗ chiếc xe và dắt nó vào sâu hơn một chút bên trong mái tôn. Mưa giăng mùng tứ phía, bụi nước lấm tấm vào mặt cô, vào bộ bàn ghế đá và cả bộ ấm chén. Vị sư già ngồi xuống ghế đá, thủng thỉnh cầm lấy phích nước đổ ra tráng chiếc ấm, bỏ vào đó ít trà và chế nước.

    Mưa vẫn mịt mùng. Gió thổi thốc từng cơn, cô cảm giác mình nghe được tiếng rít của gió. Anh bước đến ngồi sát bên cô. Tiếng vị sư già lẫn trong tiếng mưa:

    - Mưa này chắc lâu, mấy tháng rồi mới có mưa!

    Cô ngoái nhìn phía sau. Vách núi gần sát, sừng sững, lạnh lùng. Bầu trời nặng màu chì chợt loé sáng, ngoằn ngoèo những đường chớp rồi tiếng sấm vang lên kéo dài từ trên núi, xuống cánh đồng và lan ra vô tận. Cảm giác bất an bỗng dưng ập đến. Biết bao giờ mưa mới tạnh để về lại phố? Lúc ra đi nắng vàng đẹp thế sao giờ lại có cơn mưa núi long trời lở đất như thế này!

    Mọi chuyện bắt đầu khi cô gửi cho anh đường link vào một trang web có tấm hình chụp cảnh hồ buổi hoàng hôn mà cô vô tình tìm thấy được khi lang thang vào một forum. Có ai đó đã một lần đến đây ghi được những tấm hình quá tuyệt vời, thêm vài dòng cảm xúc rồi đưa lên cho mọi thành viên xuýt xoa chiêm ngưỡng. Tấm ảnh đã khiến anh, một người đam mê chụp ảnh phải “băn khoăn” suốt tuần sau đó.

    Cuối cùng, đầu giờ chiều cuối tuần hôm nay anh nhắn cho cô: “24km từ thành phố. Đi và về trong chiều. OK?”. Cô bấm lại “OK” và send. Để rồi sau đó cô phải năn nỉ trưởng phòng cho về sớm vì có công việc gấp ở nhà; còn anh phải nháy mắt với cô thư ký: “Chiều nay anh xuống cơ sở có lẽ về nhà luôn, có việc gì khẩn cấp gọi di động cho anh” (cô đã đọc ở đâu đó rằng người ta thường nói dối mỗi ngày ít nhất một lần!). Và như thế, anh đã chở cô đến nơi này, một di tích lịch sử khá nổi tiếng nhưng cả cô và anh chưa ai một lần đặt chân đến.

    Cô nhìn bao quát xung quanh. Ngày xưa nơi này nổi tiếng linh thiêng theo kiểu cầu được ước thấy. Núi này có tên là Đại An. Bình an luôn là điều mong ước to lớn nhất của con người. Bà mẹ xứ sở đã từng sống ở đây chỉ dạy dân làng cách làm ruộng, làm nhà, trồng cây, dệt vải… Khi Bà mất người ta lập miếu thờ và dựng lên rất nhiều truyền thuyết.

    Qua bao mùa mưa nắng, cả trăm năm sau những ngày lễ hội vẫn được duy trì, cả vùng như được hồi sinh trong mùa lễ hội. Những phong tục, tập tục từ lâu đời được kể lại qua các điệu múa bóng, như nêm vào cuộc sống chút gia vị của huyền thoại. Cánh đồng lúa mênh mông bát ngát bên dưới kia có tên gọi là Đại Điền và cái hồ ban nãy cô đến là hồ nhân tạo, một công trình thủy lợi lịch sử của người dân trong vùng với trữ lượng nước gần cả trăm khối cho cả năm.

    Phải công nhận hồ quá đẹp! Lúc nãy cô đã rất ưng ý với tấm ảnh toàn cảnh lòng hồ và anh thì khoái chí với tấm ảnh một góc hồ có chùm hoa gạo đỏ chói. Trừ cái hồ thủy lợi, những điều người ta kể về vùng này mang tính chất hoang đường, nhưng cô nghĩ, những chi tiết để xây dựng nên chuyện hoang đường đều dựa vào những thành tựu của ngày hôm nay một cách rất logic.

    Vị sư già đứng lên đi về phía bên kia gian miếu, bỏ lại cô và anh ngồi với hai tách trà bốc hơi. Khoảng im lặng ngăn cách giữa hai người như rộng hơn theo cái nhìn âu lo của anh hướng về màn mưa trước mặt. Cô nhìn đồng hồ tay. Vẫn còn sớm để chấm hết một buổi chiều của công việc. Nếu cô không về được chỉ có một người thắc thỏm là mẹ cô nhưng nếu anh không về kịp sẽ có đến hai người đợi anh: vợ và con gái.

    Tự nhiên cô trách mình đồng ý đi theo anh làm chi để rơi vào tình huống bị động như thế này. Không biết nói gì với anh, cô lôi chiếc máy hình trong túi ra xem lại những tấm hình đã chụp nhưng bụi mưa hắt vào làm cô phải vội cất đi. Anh rút di động bấm bấm gì đấy rồi thở dài bỏ vào túi, rủ cô:

    - Qua bên miếu tham quan. Em có xin gì thì xin rồi nhớ bỏ ít tiền vào thùng phước sương.

    - Biết cầu xin gì ?

    - Em còn trẻ thiếu gì điều để cầu xin. Tiền tài, danh vọng, tình yêu …

    Một cơn gió ào thốc vào mái tôn, cô rùng mình, thấy lạnh. Vết thương liền da từ lâu lắm bỗng nhói lên đột ngột. Nỗi buồn ập đến. Ngày xưa có một chiều mưa gió như thế này, cô và người ấy tạt vào trú mưa dưới mái hiên một ngôi chùa cổ. Người ấy đã cùng cô cầu xin cho hai người có một tình yêu trăm năm.

    Vậy mà, chưa đầy một năm sau, người ấy đã chủ động nói lời chia tay với cô. Đó là nhát dao cứa vào tim cô một vết cắt thật sâu, đến nỗi cho đến bây giờ, nhiều năm đã qua, cô khó có thể nói lên một lời cầu xin nào nữa về tình yêu. Cô lắc đầu hất mảng quá khứ chật hẹp vừa thoáng qua, nói với anh:

    - Để em cầu xin Bà cho mau hết mưa, em và anh về lại phố bình an.

    Bất giác cô nghĩ đến con đường đất sét ngoằn ngoèo đi xuống, lởm chởm bởi đá và nước đang ào ào thác đổ. Cô đã đọc ở đâu đó, người ta xuống núi khi trời mưa phải có cây gậy làm điểm tựa (!). Không biết cô và anh sẽ xuống núi như thế nào đây?

    Đầu óc cô gần như trống rỗng khi đứng trước bàn thờ chính. Bức tượng Bà cao khoảng một mét ngồi dựa trên bệ rồng, tay cầm quạt đặt trên đầu gối. Cô đã một lần cầu xin và đã thất vọng. Làm sao có thể cầu xin ai đó ban cho mình tình yêu? Hay tiền tài, hay danh vọng? Anh đứng bên cô trông nghiêm trang và kín đáo. Người đàn ông này đâu phải của cô? Có ai cầu xin thứ gì đó được về mình mà lại gây mất mát cho người khác? Bao nhiêu năm cô vẫn một mình.

    Tình yêu là một vật thể xa lạ và khó nắm bắt. Nắm tay này lại tuột tay khác, cơ hội đến rồi cơ hội lại ra đi. Mối quan hệ giữa cô và anh chỉ là mối quan hệ giữa hai người có cùng một đam mê tìm kiếm những hình ảnh đẹp mà theo lời anh nói anh không tìm thấy sự đồng cảm ở người vợ. Vậy thôi!

    Trên con đường dong ruổi, có đôi lúc cô ước ao anh là của cô, nhưng cô biết chẳng bao giờ điều đó là hiện thực. Bởi vì đối với anh, một người cha mẫu mực, một người chồng tốt luôn là tiêu chí để đánh giá, để suy nghĩ. Có thể người ta không thật hoàn toàn hạnh phúc, nhưng không vì điều không hoàn thiện đó mà người ta lại đánh mất tất cả!

    Anh bỏ vào thùng phước sương mấy tờ giấy bạc rồi kéo tay cô sang gian bên. Cô nhìn thấy hủ xăm đặt trên chiếc bàn nhỏ. Cô muốn bước đến và nhón lấy một thẻ để xem thử thì tương lai trong tâm trạng của kẻ bị mưa phong kín đường về, thế nhưng bàn chân cô khựng lại. Việc gì đến sẽ đến.

    Biết trước kết cuộc một cuốn sách, một bộ phim thì liệu nó có còn hấp dẫn? “Thiên cơ bất khả lậu”! Không ai có thể biết trước được con đường mình đến. Liệu mình có thể làm tốt hơn không hay mọi thứ sẽ xấu đi? Nước chảy từ trên núi xuống biết là sẽ ra biển nhưng trên đường đi của nó biết bao uốn khúc quanh co. Con người ta cũng như nước chảy, sẽ biết lượn theo uốn khúc quanh co để tồn tại.

    Anh và cô im lặng bước ra sân miếu. Phía nhà sau có tiếng thùng phuy nhựa đẩy ầm ầm để hứng nước. Mấy người đàn bà áo nâu có dáng vẻ cam chịu và nhẫn nại của người đã sống, đã nếm và muốn được yên đang làm công việc lấy nước để dành cho sinh hoạt.

    Ban nãy cô có đọc được dòng chữ: “Tiết kiệm nước” bằng sơn màu xanh trên bồn chứa nước inox đặt phía sau miếu. Mùa lễ hội vào tháng ba của miếu đã qua và lễ hội mùa xuân thì còn lâu lắm mới đến để người ta mang nước lên núi.

    Cuối cùng, khi nhìn đồng hồ tay, anh quyết định xuống núi. Đã đến giờ của bổn phận. Có người phụ nữ và đứa con gái bé nhỏ đang chờ anh trong cái tổ ấm dưới phố.

    Đưa cho cô chiếc mũ bảo hiểm mắc ở tay lái, anh nói đùa:

    - Giờ nó là chỗ dựa tinh thần tốt nhất cho mình khi xuống núi.

    Vị sư già từ bên trong bước ra:

    - Anh chị về nhé! Gài số 1 xuống núi. Mưa to quá thế này khó mà tạnh được.

    Cô ngồi gọn lỏn phía sau lùng bùng trong chiếc áo mưa của anh. Đôi bàn tay cô ngần ngừ một lúc rồi bám chặt vào hông anh. Cô nhắm mắt. Mọi thứ phó mặc cho trời. Mưa núi sao mà to và dai dẳng thế không biết! Cô cảm nhận được một chân anh ở tư thế chạm đất nhấc từng quãng ngắn tạo điểm tựa giữ cho xe khỏi trượt. Anh nói đùa với cô một câu:

    - Nếu có té cũng phải chọn cảnh té nào đẹp mắt nhất!

    Xuống đến chân núi, lúc rẽ qua con đường nhựa, cô nghe tiếng anh nói to lấn át tiếng mưa có vẻ như trút đi gánh nặng ngàn cân :

    - Nếu em biết đường xuống núi trơn đến cỡ nào!

    Cô rùng mình, hé áo mưa nhìn ra bên ngoài. Cánh đồng ướt sũng. Núi trước mặt mờ ảo. Con đường phía trước vắng tanh, vắng ngắt. Mưa quất vào tay cô ran rát, chui vào áo mưa, cô thấy tấm lưng anh gần sát nhưng sao xa vời vợi. Nó không phải là của cô để cô có thể gục đầu vào đó dù chỉ trong chốc lát.

    Mùi đàn ông quyện với mùi rơm rạ, mùi đất cày xới bao trùm lấy cô. Những giọt nước vẫn lộp độp trên tấm áo mưa. Những vạch sơn trắng dưới đường nhoa nhóa qua mắt cô. Bàn tay cô như một phản xạ bám chặt lấy hông anh khi xe vấp phải một cái ổ gà.

    Mặt cô chạm vào lưng anh. Cô cảm nhận được hơi nóng ấm tỏa ra từ người anh. Thế nhưng, nó cũng chỉ trong tích tắc. Đường về phố rất bằng phẳng. Cái ổ gà chỉ là chút sơ ý của anh khi tránh vũng nước. Mưa nhỏ dần.

    Cô dở áo mưa, ngoái lại nhìn bầu trời phía núi vẫn mịt mùng một màu xám chì nặng trĩu. Qua vai anh, cô thấy trời quang dần và ánh hoàng hôn sáng một góc trời trước mặt. Núi càng lúc càng lùi lại phía sau ….[/Spoil]
    KTNN online.
     
  9. Mr.Twelve

    Mr.Twelve Mario & Luigi

    Tham gia ngày:
    7/9/09
    Bài viết:
    862
    Thư Bố gửi con gái
    [spoil]Dường như tình yêu đầu tiên lại làm con mệt mỏi. Con loay hoay với những thứ váy áo mà con vốn không thích mặc. Bực bội với đôi mắt một mí “hàng độc” của mình. Bố thấy con buồn nhiều hơn là vui, con không tự tin khi là mình nữa.Đúng là thật dễ để “quyến rũ” một người, nhưng thật khó để người ấy biết rằng ta không hoàn hảo.Bố và mẹ đã yêu nhau được gần 30 năm. Mẹ từng là một cô gái được nhiều người để ý, mẹ đẹp và học giỏi. Nhưng tại sao mẹ lại chọn bố, một người không có gì đặc biệt? Có lần mẹ nói rằng, duy nhất bên bố, mẹ có thể biểu diễn điệu cười “khủng khiếp” của mẹ. Bởi mẹ biết bố yêu nụ cười ấy.

    Mẹ tự ti vì đôi bàn chân của mình, và vẫn thường đi những đôi giầy kín mu bàn chân. Nhưng bên bố, mẹ có thể cởi bỏ những đôi giầy cao gót rất điệu của mình và thu cả 2 chân trần lên ghế. Bên bố mẹ có thể thực sự là mẹ, trên từng milimét vuông. Đó chính là sự tin cậy. Niềm tin cậy tạo nên bầu không khí an toàn để những tình cảm thân mật, âu yếm nảy sinh. Và những người yêu nhau có thể giao phó vào tay nhau cả quá khứ, hiện tại và tương lai của mình.

    Con có thể phải lòng một người con không tin cậy, nhưng thật khó mà có thể chung sống với họ. Trong tình yêu, con phải được thật là mình. Mặc cho tất cả những mưu mẹo nho nhỏ chúng ta vẫn thử và có thể gây ấn tượng được với người ta yêu trong buổi ban đầu hò hẹn, thì tình thân mật gắn bó lại dựa trên những gì mà những người yêu nhau biết về nhau.

    Người ấy cần phải biết cái tôi thực của con – con như thế nào khi con mệt mỏi, tức giận, nản lòng, phấn chấn. Người ấy phải yêu con như con vẫn thế, chứ không phải yêu cái hình ảnh hoàn hảo mà người ấy hi vọng có ở nơi con.

    Con đã xem phim “Nhật ký tiểu thư Jones” rồi, đúng không? Có một cảnh mà Mark Darcy nói với “tiểu thư” Jones rằng “Anh thích em, như em vẫn vậy”. Và cô ấy hoàn toàn bị chinh phục. Tại sao lại có thể có một phản ứng mạnh như vậy cho một câu “tỏ-tình-không-hề-lãng-mạn”? Bởi vì Mark nói với cô ấy rằng anh ta thật sự nhìn cô ấy và anh ta yêu những cái anh ta nhìn thấy. Anh ta không nói anh thích cô ấy gầy đi mười cân, ăn mặc cho lịch thiệp hơn chút nữa hay xinh hơn một chút. Anh thích cô ấy như cô ấy vẫn thế, vô điều kiện. Cô ấy không cần phải cố gắng để gây ấn tượng với anh ấy, bởi Mark thực sự bị gây ấn tượng rồi.Sự tin cậy không thể tự nhiên mà có, dù đó là hai người yêu nhau say đắm. Nó cần nhiều thời gian và nỗ lực. Hãy lắng nghe cậu ấy, tôn trọng cậu ấy cũng như ý kiến của cậu ấy, và chấp nhận cậu ấy như cậu ấy vẫn vậy. Và con sẽ được đền đáp công bằng. Giống như mẹ đã yêu bố như bố vẫn vậy.Biết mình được yêu vì con người thực của mình sẽ khiến con cảm thấy tình yêu thật sự là chốn thiên đường, nơi mà con có thể từ bỏ mọi “vũ khí”. Nó cho phép con được thực sự là mình mà không hề phải lo sợ bị giễu cợt và chối bỏ. Điều đó tuyệt vời vô cùng.

    Bố của con!
    UnKnow[/spoil]
     
  10. Mr.Twelve

    Mr.Twelve Mario & Luigi

    Tham gia ngày:
    7/9/09
    Bài viết:
    862
    Một chuyến xe.
    [spoil]Tôi là một tài xế taxi. Không nhiều tài xế nhận làm việc ca đêm. Riêng tôi, vì cuộc hôn nhân mới tan vỡ với Rachael nên tôi đồng ý. Và vị khách của đêm cuối năm ấy để lại trong tôi một ấn tượng đặc biệt.



    Tôi nhận được lời nhắn vào lúc 2:30 sáng. Tôi dừng xe, xung quanh vẫn tối đen, chỉ trừ ánh đèn hắt ra từ một cửa sổ nhỏ ở tầng trệt. Bình thường, cũng như mọi tài xế taxi khác, tôi chỉ bấm còi một hai lần, đợi một chút, nếu vẫn chưa thấy khách ra thì lái xe đi. Nhưng không hiểu tại sao lần này, tôi lại ra khỏi xe, bước lên bậc tam cấp. Không khéo người ta cần mình giúp, tôi nghĩ vậy và gõ cửa.



    - " Xin chờ một phút" – một giọng nói run rẩy cất lên. Sau một lát yên lặng, cửa mở. Một bà cụ nhỏ bé đứng trước mặt tôi, mặc một chiếc váy hoa, đội mũ nhỏ có mạng che mặt. Chiếc valy nhỏ đặt dưới chân.



    Căn phòng phía sau lưng cụ trông như không có ai ở đã nhiều năm. Tất cả đồ đạc đều được phủ ga trắng.



    - "Cậu mang đồ ra xe giúp tôi được không?" - bà cụ hỏi. Một tay tôi nhấc chiếc valy lên, nó còn nhẹ bẫng, còn tay kia thì khuỳnh ra cho bà cụ vịn. Chúng tôi đi rất chậm ra xe.



    - "Cậu tốt quá!", bà cụ nói nhẹ nhàng mắt không nhìn vào tôi, tựa như đang nói với một ai khác.



    Khi chúng tôi vào xe, bà đưa cho tôi địa chỉ cần tới và nói:



    - "Cậu có thể đi xuyên qua khu chợ cũ được không?"



    - "Nhưng đó không phải là đường ngắn nhất, cụ ạ!"



    - "Tôi không vội mà!". Ngừng lại một lát, bà nói tiếp:" Tôi đang đến viện dưỡng lão!"



    Mắt bà long lanh: "Thế cũng tốt! Đằng nào thì bác sĩ cũng nói rằng tôi không còn sống được bao lâu nữa."



    Tôi tắt đồng hồ đo cây số và hỏi: "Đầu tiên cụ muốn cháu đưa đi đâu?"



    Hai tiếng đồng hồ, chúng tôi đi lòng vòng quanh thành phố. Bà cụ chỉ cho tôi tòa nhà bà từng làm việc, khu chung cư vợ chồng bà đã thuê khi họ mới cưới. Bà bảo tôi dừng lại trước một cửa hàng nội thất nơi trước đây là sàn nhảy, bà vẫn đến khiêu vũ khi còn thiếu nữ. Thỉnh thoảng bà bảo tôi đi chậm qua một tòa nhà hay một góc phố đặc-biệt-nào-đó dừng lại trong bóng tối và im lặng.



    Khi những ánh mặt trời đầu tiên xuất hiện phía chân trời, bà cụ đột nhiên nói "Tôi mệt rồi, chúng ta đi thôi."



    Chúng tôi tới địa chỉ mà bà cụ đưa cho tôi mà không nói thêm câu nào. Đó là một viện điều dưỡng dành cho những người già không nơi nương tựa. Hai người hộ lý và một chiếc xe lăn đã chờ sẵn ngoài cổng. Bà cụ dừng bước, vừa rút ví ra, vừa hỏi tôi, dịu dàng:



    - "Tôi phải trả cậu bao nhiêu?"



    - "Không gì cả, cụ ạ!" - Tôi nói



    - "Cậu cũng phải kiếm sống mà" - Bà cụ hỏi, giọng vẫn dịu dàng, tuyệt nhiên không có chút ngạc nhiên nào.



    - "Sẽ còn những hành khách khác mà cụ" - Tôi trả lời.



    Bất giác, tôi cúi xuống ôm lấy bà cụ. Bà cũng ôm chặt tôi.



    - "Cậu đã cho tôi rất nhiều" - Bà cụ nói - " Cám ơn cậu".



    Tôi siết nhẹ tay bà cụ rồi quay ra. Trời vẫn còn mờ tối. Sau lưng tôi, cánh cửa viện điều dưỡng đã đóng lại. Đó cũng là âm thanh khép lại một cuộc đời.



    Cả ngày hôm đó tôi không đón thêm một hành khách nào nữa, tôi lái xe đi lang thang, đắm chìm trong suy nghĩ, rồi băn khoăn tự hỏi: Điều gì sẽ xảy ra nếu bà cụ gặp một tài xế dữ dằn, hoặc đang nóng vội trên chuyến xe cuối cùng? Điều gì sẽ xảy ra nếu tôi bóp còi rồi bỏ đi hoặc từ chối tuyến đường đặc biệt của bà cụ? Và bất giác tôi cảm thấy mình hạnh phúc xiết bao... ít ra tôi hiểu rằng sự cô đơn trong trái tim của một người từng bất hạnh như tôi vẫn còn rất nhiều yêu thương, và vì thế mọi cánh cửa vẫn chưa hề khép lại.



    -st-[/spoil]
     

Chia sẻ trang này