Con gái Ole đang đá cho đội nữ Man Utd Đội 1 Nam có anh nào muốn học tập Zaha khi trước cưa đổ con gái boss không ?
Yeah yeah đêm nay lại đá C1, ae biết thế nghĩa là ai sẽ rỗi hơi post bài dịch dài vcl ra rồi đấy ) Bài dài thật sự, bắt đầu dịch từ hôm thứ 6 tuần trước, mỗi ngày tranh thủ ngồi trên phòng làm được một tí mất 4 hôm mới xong :v Source: https://theathletic.co.uk/1833452/2020/05/26/glazers-malcolm-joel-manchester-united/ Nhà Glazer Manchester United dưới thời nhà Glazer 26/5/2020 Tác giả: Laurie Whitwell, Daniel Taylor và những người khác Những người đóng góp khác cho bài viết: Matt Slater, Adam Crafton và Oliver Kay Chú thích của biên tập: Bài viết này nằm trong danh sách Những bài viết xuất sắc nhất năm 2020 của The Athletic. View the full list. Spoiler Vài giây sau khi Wayne Rooney đưa Manchester United dẫn trước Debrecen tại đấu trường Champions League vào một tối tháng 8 dịu trời năm 2005, ở hộp khán đài giám đốc, một câu hỏi đã gây ra sự bối rối đặc sắc. "Đó là, 'Chuyện gì xảy ra với quả bóng vậy?'", một cựu nhân viên điều hành của United nói, nhại lại cái kiểu giọng Mỹ lè nhè. Sau thương vụ mua lại độc hại vài tháng trước, anh em nhà Glazer - Joel, Avie và Bryan - đang dự khán trận đấu đầu tiên của họ ở Old Trafford với tư cách là chủ sở hữu của Manchester United, và một lối tư duy mới lạ đã lộ diện. Bryan là người đã nói ra thành lời cái tư tưởng rằng mọi thứ, đặc biệt là một bàn thắng kiểu Rooney, nay đều có thể xem là món marketing béo bở. "Hắn nghĩ, giống như trong bóng chày hoặc bóng bầu dục, 'Chắc chắn phải có cả lố bóng' và khi họ đánh được một cú home run hoặc một cú touchdown, trái bóng đó sẽ thành một món đồ lưu niệm," cựu nhân viên điều hành nói tiếp. "Chỉ là ý tưởng đó không được áp dụng ở Anh. Tôi nghĩ lúc đó người đáp lại là giám đốc điều hành David Gill 'Họ đặt trái bóng về chỗ lúc đầu và chúng ta bắt đầu lại'. Câu chuyện cần kể ở đây là cái vẻ không thể hiểu nổi trên gương mặt của tất cả mọi người. Và lúc ấy chúng tôi thật tình chịu thua luôn. Không phải là mọi người cười nhạo họ. Mà là mọi người không thể hiểu nổi họ. "Nó cho thấy hai điều: một, là bạn cần phải có nền móng văn hoá để có thể vận hành một câu lạc bộ bóng đá. Và hai, là mấy tay Glazer này lúc đó đã tính toán mọi khả năng có thể xảy ra." Ngay từ đâu, chính là cái thiên hướng tính toán mọi khả năng có thể đó đã giúp nhà Glazer giành được câu lạc bộ. Vụ chiếm quyền nhờ đòn bẩy tài chính, cái lãi suất nợ đến rớt nước mắt, khoản nợ hàng trăm triệu bảng, có lẽ là những thứ không thể nuốt trôi với rất nhiều người, bao gồm nhiều nhà tài chính, nhưng gia đình Glazer, lãnh đạo bởi người cha Malcolm, đã tập trung đến cực đoan cho cái đường lối tư bản này, thứ đã đạt cực điểm vào đúng hôm nay tròn 15 năm trước. Vào 26/5/2005, ban điều hành Manchester United đã viết thư gửi cho số cổ đông ít ỏi còn lại, thông báo đại ý về mong muốn bán cổ phần, và họ khuyên những nguời nhận thư cũng làm điều tương tự. Sự kháng cự đã kết thúc. Để kịp nhân dịp ngày hôm nay, The Athletic đã truy ngược lại các sự kiện dẫn tới thương vụ mua lại chưa từng có tiền lệ này và đi sâu hơn vào tình hình tại Manchester United những năm sau đó. Các phát hiện bao gồm: Cá nhân nhà Glazer đã nhận gần 200 triệu bảng từ câu lạc bộ kể từ khi chi 270 triệu bảng cho thương vụ mua lại dùng đòn bẩy trị giá 790 triệu Chiến lược thương mại đầy lợi nhuận của họ khi đến đây là một thay đổi kịch liệt cho United, dẫn tới một số nhân viên điều hành rời đi, nhưng kể từ đó đã được các câu lạc bộ khác học theo United suýt chút nữa đã kí hợp đồng tài trợ áo đấu với Etihad Airways trước khi hãng hàng không xuất hiện khắp nơi ở Manchester City Mặc dù ban điều hành có sáu anh em nhà Glazer, Joel là "sếp lớn" và dành tám tiếng mỗi ngày cho United từ văn phòng của ông ở Washington DC, nơi có một bức ảnh khổng lồ của George Best treo trên tường Joel chỉ cho phép kí hợp đồng chuyển nhượng cầu thủ sau khi được thuyết phục rằng họ có giá trị, và ông có lòng tin rằng Ole Gunnar Solskjaer đang xây dựng một đội bóng hướng đến thành công Nhà Glazer muốn quản lí dài hạn United, có những nguồn nói rằng họ chỉ chuẩn bị cho phía Saudi Arabia 20% cổ phần sau những lần nói chuyện năm ngoái Nhà chủ vốn ban đầu định cho xây lại sân Old Trafford, nhưng họ được tin là cho rằng việc xây lại toàn bộ hiện giờ không hợp lí về tài chính Rất ít người mua câu lạc bộ tiềm năng trên thế giới có khả năng chi được số tiền có thể nhà Glazer sẽ yêu cầu Quyền sở hữu của nhà Glazer đã tiêu tốn của câu lạc bộ mất 1.5 tỉ bảng tiền lãi, nợ và các khoản chi ra khác Tiên đoán về cú đánh tài chính trời giáng đó vào câu lạc bộ, chính là nguyên cớ của bức thư gửi vào ngày 26 tháng 5 năm 2005, khi chủ tịch United Sir Roy Gardner cùng các giám đốc không điều hành Ian Much và Jim O'Neill đệ đơn từ chức. Chỉ 11 ngày sau, người ta lại bàn tán về một đơn từ chức khác, khi Sir Alex Ferguson nghe cuộc gọi từ một fan United đặc biệt. Andy Walsh là một nhà hoạt động làm cùng Hiệp hội Cổ động viên Manchester United Độc lập (Independent Manchester United Supporters Association - IMUSA), và buổi tối sau chiến thắng cuối mùa của United trước Southampton, ông rung chuông điện thoại của vị huấn luyện viên nhiều danh hiệu nhất vương quốc Anh với một đề nghị tuyệt vọng. "Tôi gọi cho Alex Ferguson để đề nghị ông xem xét việc từ chức", Walsh nói với The Athletic. Hai người đã xây dựng được một mối quan hệ trong thời gian trò truyện kéo dài nhiều tháng; một dấu hiệu, như Walsh nói, về "sự chú ý tới chi tiết và tính chính trực" của Ferguson. "Ông ấy thực lòng tin tưởng rằng cổ động viên cần được lắng nghe trong vụ mua lại này," Walsh nói, và vào tháng 11 năm 2004, Ferguson nói với một diễn đàn của người hâm mộ: "Chúng tôi không muốn câu lạc bộ bị rơi vào tay kẻ nào khác." Nhưng sáu tháng sau, nhà Glazer đã bóp chặt gọng kìm và những người cố gắng ngăn cản họ tin rằng chỉ có một sự can thiệp quyết liệt mới có thể thành công. "Đó là cú tung xúc xắc cuối cùng của chúng tôi," Walsh thừa nhận. Tuy vậy, cũng có lí lẽ đằng sau đó. "Đó là một vụ mua lại sử dụng rất nhiều đòn bẩy tài chính, các nhà tài chính tập đoàn lớn khi đó cũng chẳng muốn dính gì tới nó khi nhìn vào thứ được đề nghị," Walsh nói. Một câu lạc bộ hoàn toàn không nợ nần gì suốt từ năm 1931 sau đó lại bị đeo lên một khoản nợ 580 triệu bảng, với giấy nợ thanh toán không tiền mặt (PIK-payment in kind notes) đầy rủi ro, tức là chỉ mỗi lãi suất phải trả trong năm đầu tiên đã lên tới 63 triệu bảng. "Chúng tôi cảm thấy nếu sự ủng hộ từ các nhân viên quản lí cấp điều hành kì cựu - Ferguson và Gill - bị mất đi tí nào thì cũng sẽ là một đòn kết liễu với chúng tôi." Walsh thuộc một nhóm người hâm mộ làm việc cùng với Cổ đông United (Shareholders United) và ngân hàng Nhật Bản Nomura để cạnh tranh mua lại câu lạc bộ, và ở một khía cạnh nào đó, ông là một kẻ lí tưởng hoá. "Nếu giao kèo này đổ bể, Ferguson sẽ được đưa vào sân vận động trên vai của cổ động viên," ông nói. Nhưng ông cũng đồng thời là người thực tế. "Ferguson đã lịch sự từ chối, trên cơ sở là ông ấy có trách nhiệm không chỉ với bản thân và gia đình, mà còn với tất cả những người ông đã mang tới Old Trafford và đang làm việc dưới trướng của ông." "Chúng tôi đã đề nghị ông nhận lấy rủi ro rất lớn. Chúng tôi cũng không có tí cơ sở pháp lí nào cho ông cả. Chỉ có mỗi lời nói suông. Chúng tôi tin câu lạc bộ khi đó sẽ được kiểm soát bởi người hâm mộ thay vì những con người, theo chúng tôi, chỉ hút máu câu lạc bộ vì tư lợi. Đó là lí lẽ tôi nói với Alex Ferguson trong cuộc gọi đó. Nhưng tôi hoàn toàn tôn trọng và hiểu được quyết định của ông ấy." Sir Alex Ferguson, 2 bên từ trái sang phải là Bryan, Avie và Joel Glazer trong một buổi tập trước mùa giải ở Bồ Đào Nha, tháng 7 năm 2005 ( Ảnh: John Peters/Manchester United) Và thế là, cuộc chiến giành quyền sở hữu cay đắng nhất trong lịch sử bóng đá Vương quốc Anh kết thúc với nhà Glazer giành được quyền quản lí ở Manchester United. Malcolm gia nhập ban điều hành cùng 6 người con của mình: Joel, Avie, Bryan, Kevin, Darcie và Edward. Sự thù hận được hâm nóng ở đáng kể các nhóm cổ động viên. Một số thành lập câu lạc bộ riêng của họ, FC United of Manchester, thay vì quay lại Old Trafford. Một nhóm cổ động viên khá giả được phong hiệu Red Knights phát động một nỗ lực mua lại vào năm 2010, và đã nhận được sự ủng hộ hữu hình tại sân vận động thông qua chiến dịch màu xanh và vàng kim. Nhưng sự công khai đó cũng có nghĩa là liên hiệp này đã để mất tính bất ngờ, đó được cho là đã khiến nhà Glazer tăng giá hỏi mua lên, theo như The Athletic được biết. Năm nay, khi tháng 1 có vẻ trôi qua mà không có vụ chuyển nhượng nào, các bài xướng chống lại những kẻ trong phòng họp điều hành đã có sự trở lại mạnh mẽ. Các trận gặp Norwich City, Burnley và Tranmere Rovers ngập trong âm thanh phản đối và việc một nhóm bạo động tấn công nhà của Ed Woodward bằng pháo hoa đã châm ngòi cho một cuộc điều tra tội phạm. Những cảnh tượng đó cũng là lí do vì sao một số vị cựu giám đốc chỉ chia sẻ cho The Athletic với điều kiện không tiết lộ danh tính, khi kí ức vẫn còn chưa phai về thời điểm tháng 10 năm 2004, chiếc xe của Maurice Watkins, Thư kí câu lạc bộ của United, đã bị phá hoại với sơn đỏ sau khi có tin cổ phần giá trị khoảng 2.5 triệu bảng của ông đã rơi vào tay nhà Glazer. Ở một thời điểm khác, hình nhân Malcolm Glazer đã bị treo lên ở khán đài Stretford End. Cảm xúc mãnh liệt tương tự cũng được chứng kiến vào 29 tháng 6 năm 2005, ngày mà Joel, Avie và Bryan lần đầu tiên tới sân Old Trafford. The Athletic đã nói chuyện với các đồng nghiệp, những người vẫn nhớ rằng mấy anh em nhà Glazer đã bị "kinh động" khi hàng trăm người hâm mộ giận dữ của United đứng chắn cửa ra, và một xe tải con của cảnh sát đã phải được điều động để họ có thể rời đi an toàn. Tuy vậy, nhà Glazer vẫn cảm thấy canh bạc của họ đã được đền đáp xứng đáng. Ở lần thống kê cuối cùng, cổ tức hàng năm tổng cộng xấp xỉ 84 triệu bảng, cộng thêm 75 triệu tới từ việc được niêm yết trên Sàn giao dịch Chứng khoán New York cùng các khoản vay mềm dành cho các công ti khác của họ từ 2005 đến 2012, cũng như các lần bán cổ phiếu sau đó. Tính cả lại thì họ đã thu về khoảng 200 triệu bảng. Cổ tức được trả 2 lần mỗi năm và đợt gần nhất là 11.3 triệu bảng được chuyển cho các cổ đông vào tháng 1. Là kẻ sở hữu 78% câu lạc bộ, 6 anh em nhà Glazer chia đều cho nhau 8.8 triệu bảng. Lần trả cổ tức tiếp theo là vào mùng 3 tháng 6 với giá trị 0.09 đô một cổ phiếu - với một khoản lợi nhuận ngang vậy - bất chấp ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng coronavirus, có lẽ cũng cho thấy vì sao việc hoãn lương cầu thủ vẫn chưa phải vấn đề ở United. United cũng chưa từng cho phép cắt giảm nhân sự. Nhưng họ có sử dụng lựa chọn hỗ trợ đặc biệt của chính phủ để hoãn một năm hoá đơn thuế giá trị gia tăng 10 triệu bảng của họ, trong khi vẫn xoay xở được 3.6 triệu bảng để tự mua vào và nâng giá cổ phiếu lên ngay trong thời kì bất ổn hiện tại. Tuy vậy, họ vẫn chưa có kế hoạch cho những lần trả cổ tức tiếp theo ở giai đoạn này. (Trong hình: biến động giá cổ phiếu của United kể từ khi nhà Glazer nắm quyền) Báo cáo định kì mỗi quí được công bố vào thứ năm tuần này cũng tuyên bố nợ ròng của United đã tăng lên 429 triệu bảng, chủ yếu do tiền mặt dự trữ giảm đi sau khi mua về Harry Maguire và Bruno Fernandes. Tổng nợ gốc theo USD vẫn giữ nguyên ở mức 650 triệu USD (khoảng 530 triệu bảng). Chi phí chuyển nhượng và lương cầu thủ đã đạt mức kỉ lục dưới thời nhà Glazer thông qua tăng trưởng khổng lồ về doanh thu truyền hình và thương mại. Nhưng do không hề có được cuộc cạnh tranh ngôi vô địch Premier League đúng nghĩa nào kể từ khi Ferguson nghỉ hưu vào năm 2013, vẫn còn nhiều ngờ vực về thực lực quản trị cho thành công trên sân cỏ của họ. Nhiều câu hỏi vẫn lơ lửng về ý định bán câu lạc bộ của họ. Mùa giải này chứng kiến Saudi Arabia xuất hiện với tư cách là một bên thật sự quan tâm, rốt cuộc cũng chỉ để quốc gia này quay ra mua Newcastle United. Các nhà đầu tư được The Athletic liên hệ cũng tin rằng nhóm những người mua tiềm năng đang nhỏ lại dần khi mà cái giá nhiều tỉ bảng của câu lạc bộ tiếp tục tăng. "Mọi người đánh giá hơi thấp chấp niệm của các ông chủ với Manchester United," một cựu giám đốc cho biết. "Tôi chắc rằng đã có nhiều người trong quá khứ sẵn sàng vẫy giấy tờ về phía họ, nhưng sẽ phải là rất nhiều tiền mới có thể mang họ ra khỏi đây. Không đơn giản bởi vì họ muốn tối đa lợi ích thu về, mà còn bởi việc làm ông chủ của Manchester United vốn đã có ý nghĩa gì đó rồi." Mặc dù đã chiến đấu tới khô máu để giành được quyền sở hữu Manchester United, nhiều nguồn tin nói rằng Malcolm Glazer chưa từng đặt chân vào sân Old Trafford. Gia chủ nhà Glazer mất vào ngày 28 tháng 5 năm 2014, và sự thực là, có rất ít thứ được biết về người đàn ông đã thay đổi cực độ lịch sử của United. Mẩu vụn bánh mì duy nhất về nội tình được gia đình này cung cấp chỉ là buổi phỏng vấn của MUTV với Joel từ chuyến thăm Old Trafford đó vào tháng 6 năm 2005, trong đó ông nhấn mạnh việc giao tiếp với người hâm mộ là "cực kì quan trọng". Ông nói: "Người hâm mộ là sinh huyết của câu lạc bộ. Mọi người muốn biết chuyện gì đang xảy ra. Chúng tôi sẽ truyền đạt với mọi người." Nhưng thay vào đó, khi United chuyển tiền một năm sau đó, ghi chú đính kèm của Tehsin Nayani, người làm Quan hệ quần chúng cho nhà Glazer thời điểm đó, viết rằng: "Sẽ không có thông cáo báo chí, không có họp báo, không có phỏng vấn với báo chí." Nayani sau này sẽ viết một cuốn sách mang tên "Người gác cổng nhà Glazer - Sáu năm phát ngôn cho những chủ nhân im lặng của Manchester United", cũng là ghi chép bao quát nhất về gia đình này từng được xuất bản, mặc dù vẫn còn xa để coi là làm sáng tỏ được gì. Nayani đi vào chi tiết cách mấy anh em Glazer cố ý mặc ca ra vát đỏ cho trận đấu với Debrecen và cũng kể lại việc được giới thiệu với Malcolm trước một trận đấu của đội NFL thuộc sở hữu nhà Glazer, Tampa Bay Buccaneers: "Mái tóc mỏng màu gửng của Malcolm được chải chuốt rất đẹp và, giữ ánh nhìn của tôi với đôi mắt xanh sắc lẹm của ông, ông đưa cho tôi cái bắt tay mềm mại lụa là nhất mà tôi từng thấy." Trách nhiệm truyền thông sau đó được trao lại cho Woodward, người mà theo một số nguồn thì, "nói chuyện với gia đình mỗi ngày, chưa từng bỏ lỡ, và đôi khi còn nhiều hơn một lần mỗi ngày." Phó chủ tịch điều hành của United có quan hệ khá thân thiết với riêng Joel, và được biết rằng Woodward đã từng kể về lần mà hai người họ cùng không đứng dậy nổi ở khán đài sân vận động Luzhniki, Moscow khi đang ăn mừng chiến thắng chung kết Champions League trước Chelsea. Joel cũng có một bức ảnh treo trên tường từ trận derby thành Manchester năm 2008 diễn ra vào ngày kỉ niệm lần thứ 50 thảm hoạ Munich, khi các nhà tại trợ bị cắt khỏi áo thi đấu. Văn phòng của ông ở Washington DC có một bản sao phòng thay đồ của United, với áo đấu của tất cả cầu thủ đội một được treo trên ghế, và phòng họp điều hành được chiếm lĩnh bởi một bức hình vĩ đại của George Best vào chung kết European Cup (TN: tiền thân của UCL) năm 1968. Mặc cho việc Buccaneers chiến thắng Super Bowl năm 2003, tình yêu thể thao của Malcolm chưa bao giờ thể hiện rõ ràng được vậy. Một góc nhìn về khía cạnh này của cuộc đời ông tới từ Allen St John, nhà báo đã tiếp xúc với người đứng đầu nhà Glazer trong một vụ uỷ thác viết sách vào năm 2000. Glazer đã sở hữu đội Bucs được 5 năm, nhưng St John kể với The Athletic: "Tôi không nhớ chúng tôi có nói một chút chuyện gì về bóng đá (Mỹ). Ông ấy không nói, 'Chính là vì đây mà tôi yêu đội bóng'. Phần lớn giới chủ các thương hiệu thể thao rất thích được nói về đội của mình." Tuy vậy, Glazer có cho thấy một vài dấu hiệu về sự trung thành của ông với giải NFL. "Ông ấy đưa tôi chiếc huy hiệu Buccaneers này, một cách rất trang nghiêm," St John nói. "Tôi khá chắc mình đã cố tỏ ra 'Ooh' và 'Aah' khi đó. Tôi mới đây lại nhìn thấy cái huy hiệu và nghĩ rằng 'Ừ cũng buồn cười đấy chứ'. Nó làm tôi nhớ lại buổi trưa hơi kì quặc này." Một tiếng rưỡi St John ngồi với Glazer trong một phòng khác sạn tại New York thú vị ở thực tế rằng, có rất ít dấu vết để nhận ra được người đàn ông đang đề nghị viết sách đó là một tỉ phú. Bryan cũng có mặt ở đó. "Đấy là việc mà người đại diện của tôi sắp xếp", St John nói. "Lúc đó là ở khách sạn Hilton và cả hai người họ ở cùng nhau tại một căn phòng nhỏ nhưng hợp lí. Có hai giường đôi. Tôi ngồi ở ghế giữa - chúng tôi an toạ thành một vòng tròn." "Malcolm chủ trì cuộc họp. Ông ấy có một số ý tưởng cho câu chuyện ông muốn kể, các thương vụ kiếm tiền từ hồi ông còn nhỏ. Đó là một câu chuyện dài về linh kiện đồng hồ đeo tay. Ông ấy nói về cuộc sống lúc còn nhỏ, từ tận cuộc Đại khủng hoảng, và trông rất tự hào về chuyện đó, về nguyên tắc làm việc, về việc ông đã phải trải qua khó khăn tới thế nào. Nó là những cái người thời chúng ta sẽ nghĩ là hay nhưng cũ. Nhưng ông đã chứng minh được sự thông minh, tính tiết kiệm và tài giải quyết vấn đề khéo léo của ông." "Tôi đã hơi bất ngờ. Tôi nghĩ rằng cuốn sách sẽ kiểu, 'Thế nhé, ta là tỉ phú, ngươi thì không' nhưng chúng tôi không bao giờ nhắc tới việc ông ấy đi từ cắc lẻ tới tiền tỉ. Tôi chủ yếu trao đổi mấy chuyện dễ chịu với Bryan. Anh ấy ngồi đó khá yên lặng và chỉ lắng nghe. Tôi có ấn tượng rằng trước kia anh đã từng nghe những chuyện này rồi." Rồi tới một tình huống mà, lại lần nữa, St John cảm thấy Bryan đã quen mùi rồi. "Người phục vụ mang trả chiếc quần của Bryan từ chỗ giặt khô. Nó bắt được sự chú ý của Malcolm. Ông nói, "Cái này là quần Hugo Boss, cậu biết nó có giá bao nhiêu không? 200 đô. Nhưng tôi thích quần của mình hơn quần của con tôi' và ông chỉ vào nó. 'Tôi mua cái này ở JC Penny, 19.95 đô, và tôi vẫn nhớ cái cảnh không kham nổi 20 đô là như thế nào". "Tôi nhớ mình cảm thấy hơi tệ cho Bryan. Cha tôi có thể sẽ đùa như thế ở một buổi tụ họp gia đình chứ không phải ở một buổi họp công việc với một người lạ. Bryan hơi khó xử một tí. Chúng tôi cùng tầm tuổi nhau - vào lúc đó là đang cùng cuối đầu 3." Vẫn còn một việc cuối cùng làm St John cảm thấy bất ngờ. "Tới gần cuối cuộc trò chuyện, ông ấy hỏi liệu tôi cảm thấy chúng tôi có thể làm việc này mà không cần người đại diện của tôi," ông kể. "Tôi thấy bối rối vì chính người đại diện đã mang tôi tới dự án này nhưng đồng thời, quan trọng hơn là, anh ấy là người thực tế sẽ đem bán cuốn sách này. Nếu chúng tôi chừa anh ra, thì sẽ làm tiến trình công việc bị chệch hướng. Tôi không có ấn tượng gì là Malcolm có người đại diện riêng. Có vẻ chuyện chỉ chủ yếu về tiền bạc. Lúc đó, tôi kiểu như, 'Tôi cũng không chắc'." "Tôi đã hợp tác với nhiều người khác và bạn phải thật sự cố gắng. Bạn cần một mức độ tin tưởng nhất định. Việc ông ấy sẵn sàng thảo luận việc loại người sắp đặt cuộc họp này ra khỏi thương vụ làm tôi cảm thấy không yên tâm cho chính bản thân mình nếu trong hoàn cảnh kiểu đó." Trên kệ các hiệu sách hiện không có cuốn tiểu sử nào về ông, nên chúng ta chỉ có thể tự hỏi liệu Glazer sẽ nói gì về Manchester United và liệu ông có bao gồm một chương nói về cái ngày mà các con trai ông phải cần tới xe cảnh sát để hộ tống họ ra khỏi Old Trafford. Vào tuần cuối cùng của tháng 6 năm 2005, Joel, Avie và Bryan bước vào một kế hoạch chinh phục lòng người ở nước Anh, họ tới London để họp cùng Richard Scudamore và Brian Barwick, lần lượt là các giám đốc điều hành của giải Premier League và liên đoàn bóng đá Anh, cùng Richard Caborn, Bộ trưởng thể thao. "Chuyện họ tới thăm Liên hiệp vương quốc Anh (TN: UK) được giữ kín do các cuộc biểu tình," một nguồn tin cho biết. Những cuộc họp chỉ được sắp xếp từ trước đó một hoặc hai ngày, trong khi David Gill, giám đốc điều hành của United, tự mình liên lạc với FA và Premier League. Gill sẽ đồng hành cùng anh em nhà Glazer không rời nửa bước trong suốt chuyến thăm, chỉ 5 tháng sau khi phản đối vụ mua lại. Vào tháng 12, ông đã bán số cổ phần tương đương 1.3 triệu bảng cho Jim O'Neill, một người hâm mộ United trọn đời và cũng là một thành viên ban điều hành, để giữ chúng khỏi tầm với của nhà Glazers, và ông kín đáo ủng hộ cho hội Cổ đông United, mà theo nhà hoạt động Nick Towle là cỡ khoảng 25000 bảng. Dù vậy, khi được hỏi, theo kí ức của Gill thì tổng số tiền đó không nhiều tới vậy. Mùa thu trước đó, Gill đã gọi lời đề nghị mua của nhà Glazer là "hung hãn" và có khả năng "gây thiệt hại", mặc dù The Athletic cũng được biết rằng Gill hiện tại phủ nhận từng tuyên bố "nợ nần là con đường dẫn tới huỷ diệt" (sic: "debt is the road to ruin"), những chữ được căng dọc trên tấm băng rôn màu xanh và vàng kim nổi tiếng. Một số phỏng đoán rằng lập trường trước đó của Gill sẽ phá hoại công việc của ông nhưng nhà Glazer, theo một số nguồn tin, "rất kiên định muốn giữ David lại ban điều hành để đảm bảo tính liên tục, không chỉ cho đội ngũ nhân sự mà còn cho phía cơ quan quản lí". Một nguồn mô tả đó là một "nước đi cáo già" do ảnh hưởng Gill có tại hành lang quyền lực và mùa hè tiếp theo, ông đã được bầu vào ban điều hành của FA. Hơn nữa là, The Athletic hiểu rằng việc Gill ở lại sẽ tăng khả năng Ferguson cũng ở lại câu lạc bộ. Trong 5 năm tiếp theo, lương trả cho Gill tăng từ 1 triệu bảng lên 1.95 triệu bảng, và ngay trước khi rời United vào năm 2013, ông đã được bầu vào hội đồng điều hành của UEFA. Tương lai đó vẫn còn rất mơ hồ khi ông giới thiệu nhà Glazer với các lãnh đạo bóng đá ở Anh, những người mà băn khoăn chính của họ đều liên quan tới tổng tiền bán bản quyền truyền hình. Scudamore, Barwick và Caborn đều hỏi liệu nhà Glazer có đi theo đường tự mình ăn riêng không, nhưng họ đã đưa ra đảm bảo. "Chúng tôi tới từ một hệ thống phân chia bình đẳng hơn các ngài rất nhiều," họ nói. "Tất cả bản quyền marketing và truyền hình đều được tập trung ở NFL, rồi sau đó được chia đều cho tất cả các thành viên." Caborn nói với The Athletic: "Họ không hề hung hãn. Họ không phải kiểu người Mỹ vỗ thẳng mặt kẻ khác. Tôi có ấn tượng rằng họ đang tìm kiếm sự hoà hợp giữa những gì xảy ra ở nước Mỹ thông qua thể thao, truyền hình và thương mại, với việc liệu họ có thể áp dụng chúng ở Manchester United. Giải Premier League cũng lớn, nhưng so với lợi nhuận của bóng rổ hoặc bóng đá Mỹ, chúng ta vẫn còn cách rất xa." Các nhóm cổ động viên cảm thấy Caborn có thể làm được nhiều hơn với tư cách một Bộ trưởng Chính phủ để bảo vệ United khỏi rủi ro tài chính từ thương vụ mua lại của nhà Glazer, và thậm chí Solskjaer cũng ghi danh vào phong trào phản kháng thương vụ này vào tháng 2 năm 2005 sau khi đã nghiên cứu vấn đề kĩ lưỡng. Tới tận bây giờ ông vẫn được ghi tên trong danh sách với tư cách một người ủng hộ trên website của Liên hiệp Cổ động viên Manchester United (Manchester United Supporters Trust). Quan ngại không chỉ đến từ khoản nợ bị buộc lên câu lạc bộ mà còn do khoản nợ PIK của nhà Glazer (giá trị 220 triệu bảng) cho phép người mượn tiền được trả lãi bằng nợ chứ không cần trả bằng tiền. Ba quĩ đầu tư mạo hiểm - Perry Capital, Och-Ziff Capital Management và Citadel - những kẻ cho mượn số tiền trên tự cho mình cái quyền được đòi hỏi ghế trong ban quản trị và vốn cổ phần ở United nếu trả nợ chậm trễ. "Một trong những khó chịu lớn nhất của chúng tôi là đối với một thương hiệu NFL, bạn không thể dùng đòn bẩy nhiều hơn khoảng 15% trong một vụ mua lại," Sean Bones, một thành viên chủ chốt của hội Cổ đông United 15 năm trước cho biết. Giới hạn hiện tại là 350 triệu đô trơn, giá trị trung bình của một đội NFL khoảng 2.86 tỉ đô, tức là sẽ vào khoảng 12%. Nhà Glazer dùng đòn bẩy tới gần 66% giá trị của United. Hồi đó Bones làm việc ở một nhà máy cách Old Trafford nửa dặm và vào những ngày diễn ra trận đấu, ông sẽ vận động tìm sự ủng hộ ở những góc tường của sân vận động, cố gắng thuyết phục người hâm mộ phổ thông mua cổ phần. "Tôi đã suy sụp khi nhà Glazer chiếm được đội bóng. Tôi từng nghĩ chúng tôi đã rất gần việc tự mình sở hữu đội bóng rồi," ông nói. "Chúng tôi dự những cuộc họp định kì tại phòng họp điều hành ở Old Trafford mỗi trưa thứ sáu để thảo luận việc chúng tôi thấy thế nào cùng Gill và mọi người. Và tôi nhớ mình từng quay về với cảm giác thuyết phục lắm rồi sau một cuộc họp cụ thể ở London." Bones đang nói về giao kèo với ngân hàng Nomura và sự tự tin của nhóm càng cao hơn khi có Russel Delaney gia nhập. Delaney có một đầu mối bên trong nhóm đua ngựa Coolmore, một nhóm sở hữu 28.7% cổ phần của United. Coolmore, lãnh đạo bởi John Magnier và JP McManus, tích luỹ được lượng sở hữu của họ trong thời gian họ làm bạn với Ferguson, người muốn củng cố quyền lực của mình khi United còn là một công ti công cộng hữu hạn, nhưng quan hệ của họ xấu đi sau tranh chấp về quyền sở hữu chú ngựa giống Rock of Gibraltar. "Cái con ngựa chết tiệt đó", như cách mà Michael Crick, một tác giả đáng kính và là một người hâm mộ United, trách móc với The Athletic. Trong lúc tranh cãi pháp lí leo thang và bắt đầu rò rỉ ra với công chúng, Magnier và McManus gây áp lực cho Ferguson vào tháng 1 năm 2004 bằng cách phát hành 99 câu hỏi về các cuộc chuyển nhượng của United, mua thêm cổ phần và thuê về các điều tra viên tư nhân. Ferguson than phiền về việc có người lục lọi thùng rác của Jason con trai ông. Coolmore thì vẫn luôn phủ nhận việc đấy có liên quan tới họ. Ben Hatton, trưởng bộ phận thương mại doanh nghiệp của United trong 10 năm cho tới 2007, nói rằng công việc của Ferguson cũng từng bị đe doạ. "Ác ý kinh khủng phát triển giữa hai phía này đã dẫn tới việc những nhà đầu tư Ai len muốn dùng số cổ phần họ nắm vào lúc đấy làm đòn bẩy để gây áp lực lên Sir Alex," Hatton nói với The Athletic. "Chuyện trở nên rõ ràng là cần phải có một kiểu nắm cổ phần hộ vệ để ngăn cản cái mà chúng tôi dự kiến sẽ là một vụ chiếm đoạt hoàn toàn." Do vậy Magnier và McManus khi đó là kẻ quyết định ngôi vua cho những người mua tiềm năng và dựa vào các quan hệ của mình, Delaney tin rằng cổ động viên sẽ có cơ hội phản công nếu lời đề nghị của nhà Glazer là thoả đáng, nhưng điều đó đã không xảy ra. Bất ngờ cho Delaney, vào 12 tháng 5 năm 2005, Red Football, cánh tay đầu tư của nhà Glazer, tuyên bố đã đạt thoả thuận mua lại cổ phần của Magnier và McManus. Tới thời điểm thương vụ mua lại trị giá 790 triệu bảng hoàn tất, nhà Glazer được cho là chỉ bỏ ra 270 triệu bảng tiền túi của họ - mặc dù một số nguồn tin ở thành phố London "ngờ rằng" nó nhiều tới vậy - toàn bộ phần còn lại được vay và sử dụng chính câu lạc bộ làm vật thế chấp. "Họ đã đặt tương lai cả câu lạc bộ vào một rủi ro mà nhẽ ra không nên được chính quyền cho phép," Bones lập luận. Caborn đáp trả: "Chúng tôi khi đó không thể cấm họ được. Đấy phải là trách nhiệm của những nhà quản lí tại Premier League và Liên đoàn. Một khi họ đã qua được vòng kiểm tra nhân thân (fit and proper person's test), thì chính quyền không còn can thiệp được nhiều nữa." "Tôi hâm mộ Sheffield United từ năm lên 8. Tôi biết một câu lạc bộ có ý nghĩa thế nào với thành phố hoặc thị trấn của nó. Chúng tôi, với tư cách là một chính phủ, rất quan tâm tới việc đảm bảo quyền sở hữu Manchester United không rơi vào tay kẻ xấu và sẽ tiếp tục có vai trò lớn trong cộng đồng. Công bằng mà nói, về cơ bản họ đã làm được điều đó." David Davies, giám đốc điều hành FA 3 nhiệm kì, đang là một vị giám đốc sắp mãn hạn khi ông nhận cuộc gọi từ công chức Barwick vào thứ ba, 26 tháng 8 năm 2005. Ông nói, "Brian, một cổ động viên thực thụ của Liverpool, nói rằng, 'Này, mấy tay nhà Glazer đang tới chỗ Liên đoàn đấy. Anh cần phải gặp họ'. Khi đó mọi người đều biết tôi là một người Man U." "Tôi biết rằng vụ mua lại này rất gây tranh cãi nhưng tôi cũng biết rằng những người như Ferguson có ủng hộ. Đó là một buổi gặp mặt thân thiện. Tôi lúc đó chỉ kiên định xác nhận, 'Mấy tay này có quan tâm tới Manchester United không?' Tôi thấy rằng đã có công sức được bỏ ra trên lịch sử của họ. "Tôi vẫn là một người mua vé cả mùa của United kể từ ngày tôi rời FA. Tôi ngồi ở khán đài phía nam và nếu tôi không biết việc sở hữu này vẫn còn gây tranh cãi thì chắc tôi phải đang sống trên hành tinh Zog." "Nếu Manchester United ngừng mua về cầu thủ giỏi, thì tôi sẽ chỉ trích nhiều hơn hiện tại. Sẽ luôn khó để theo dõi Ferguson nhưng một số trong chúng tôi đã sống đủ lâu để biết theo dõi Matt Busby thì như thế nào." "Rõ ràng tôi có quan điểm riêng về vòng kiểm tra nhân thân. Nó có thoả đáng không? Tôi sẽ không giả vờ là không có những câu hỏi vẫn không được giải đáp. Bạn cũng có thể phản biện về luật điều tiết quyền sở hữu và ai nên giữ những quyền lực đó, chắc chắn rồi." Cuộc họp cuổi cùng của nhà Glazer trong chuyến đi London là với Caborn trong văn phòng của ông cạnh quảng trường Trafalgar. Tối hôm đó ông có công chuyện ở Hạ nghị viện và anh em nhà Glazer hỏi ông có thể dẫn họ đi tham quan sau khi xong việc. "Người Mỹ rất thích việc đấy vì họ không có lịch sử như chúng ta có," Caborn nói. Nhà Glazer được chở đi trong chiếc xe của bộ trong khi Gill đi bộ xuống Whitehall và xếp hàng ở cổng St Stephen. Cả nhóm sau đó ăn tối cùng nhau ở Phòng Churchill. Các bên sau đó nối tiếp nhau phát ngôn bày tỏ sự hài lòng về những buổi họp. Nhưng giải toả bớt những lo ngại về việc tạo lập chỗ đứng chỉ là một chuyện. Chiếm được sự ủng hộ của cổ động viên United lại là chuyện khác hẳn. Lúc 6.15 chiều thứ tư, 29 tháng 6, anh em Glazer tới Old Trafford trên những chiếc xe chở người màu bạc để gặp các nhân viên điều hành. Chuyện rò rỉ ra ngoài. Phóng viên và thợ ảnh cũng đã tới nơi. Cũng như khoảng 400 cổ động viên United, những người đã tụ tập lại sân trước của sân vận động trong suốt buổi tối, cùng nhau hát những bài phản đối Glazer. "Chúng ta sẽ chạy vòng quanh sân Old Trafford với thủ cấp của hắn," là một lời hát vẫn ở mức nhẹ nhàng trong số đó. Đội an ninh của United dựng một chiếc cổng thép ở quanh lối vào của các giám đốc và người hâm mộ phản ứng bằng cách dựng rào cản trên đường đi. Cảnh sát chống bạo động có mặt cùng chó nghiệp vụ và bên trong sân vận động, nhân viên tự hỏi làm thế quái nào lát nữa họ ra được bên ngoài. "Nhìn mọi thứ khá đáng sợ," một cá nhân ở Platinum Lounge với nhà Glazer tối đó nói. "Bọn tôi đã phải chờ ở bên trong." Khoảng 10.25 tối, một chiếc động cơ gầm lên và cửa lối vào của cầu thủ ở khán đài Stretford End bị đạp văng ra. Hai chiếc xe tải của cảnh sát, với nhà Glazer ở trong, phi thẳng qua đấy. Vài người hâm mộ gố gắng ném đá vào họ. Hai trong số đó đã bị bắt giữ. Ngày tiếp theo, Sir Bobby Charlton, người đã thể hiện quan ngại về vụ mua lại, đi tới Old Trafford để gặp nhà Glazer. Sau đó, ông nói với các phóng viên ông đã xin lỗi những ông chủ mới của câu lạc bộ vì tình cảnh tối hôm trước. "Tôi cố giải thích rằng họ không thể không để người hâm mộ vào mắt, những người đã mang quá nhiều tình cảm với đội bóng dù đôi khi họ để chuyện đi hơi xa." Charlton có ấn tượng ban đầu tích cực với nhà Glazer. "Như mọi người hâm mộ bóng đá khác, dạo đó tôi cũng thường tỉnh giấc giữa đêm tự hỏi chuyện gì đang diễn ra," ông nói. "Nhưng họ đã giải toả rất nhiều nỗi sợ trong tôi. Những cảm tình đó vẫn không đủ đối với một số người hâm mộ, và họ quyết định tách ra thành lập câu lạc bộ FC United thay vì mất tiền cho nhà Glazer. Andy Walsh khi đó 43 tuổi hồi tưởng lại 38 năm kí ức theo dõi United khi ông ngồi trong chiếc xe đỗ bên ngoài Old Trafford, chuẩn bị rút gia hạn vé mùa giải của ông. "Tôi đã khóc," ông kể. "Thật phi lí, đúng không, nhưng những cảm xúc ấy mới khiến chúng ta là con người. Nếu bạn biến nó thành một quan hệ thuần tuý giao dịch, thì bạn đã xem thường cảm xúc và phá hoại môn thể thao này." "Viêc ra đi thật sự gây ra rất nhiều đau đớn. Mọi người hỏi tôi bây giờ họ nên làm gì. Một người hâm mộ đi tới nhà tôi, quẫn trí, siết chạy bàn tay mình lại. Anh ta đã mất nhiều công việc vì theo dõi United và bây giờ ở đây anh ta đang tính chuyện từ bỏ tất cả. Sau đấy ít tháng tôi trông thấy anh ta tận hưởng thời gian tuyệt vời nhất cuộc đời mình ở FC United." Walsh không thể hoà giải tình yêu đội bóng của mình với cái mà câu lạc bộ sẽ trở thành. "Đúng, nhà Glazer đã nặn ra được nhiều doanh thu hơn nhờ các hợp đồng thương mại nhưng chính bởi làm thế, chúng đã bóp ngạt linh hồn của câu lạc bộ, theo quan điểm của tôi," ông nói. "Chúng là một lũ đỉa hút máu."
(Tiếp) Spoiler Trên website quan hệ với nhà đầu tư của United, trang về mô hình kinh doanh, có hai biểu đồ tròn được trình bày như bên dưới. Một cái cho thấy cái cách mà doanh thu thương mại đạt mức 66 triệu bảng vào năm 2009, chiếm 24% tổng doanh thu. Biểu đồ còn lại là của năm 2019, đưa con số đấy thành 274 triệu bảng và 44% tổng thu nhập. Các nguồn trong ngành công nghiệp nói rằng sự dịch chuyển này có nghĩa là không có câu lạc bộ nào được giữ ấm trước sóng gió của cuộc khủng hoảng hiện tại tốt hơn United, với tỉ lệ tiền trả lương/thu nhập là 53% - thuộc nhóm thấp nhất tại Premier League. "Có một lí lẽ lớn hơn về hình hài tổng thể của bộ môn," một cựu giám đốc lập luận. "United không thay đổi bộ mặt của bóng đá một mình. Barcelona, Real Madrid, AC Milan, Bayern Munich; tất cả các câu lạc bộ đó đều theo đuổi tiền tài trợ." Tuy vậy, không một ai làm việc đó được như United, câu lạc bộ đã đi tiên phong trong việc bùng nổ số lượng danh mục tài trợ. Hiện tại được liệt kê trên website chính thức của họ là 25 đối tác toàn cầu, 8 đối tác khu vực, 14 đối tác truyền thông và 14 đối tác tài chính - tổng số là 61 nhà tài trợ. Đây chính là tham vọng của nhà Glazer khi mua câu lạc bộ được hiện thực hoá. Theo một số nguồn, họ thấy khó tin rằng Tampa Bay Buccaneers lại có doanh thu thương mại lớn hơn United, mặc dù luật điều tiết của NFL giới hạn nhà tài trợ cho đội chỉ được trong bán kính 75 dặm. "Nếu bạn đi tới Tampa Bay, bạn có thể thấy quảng cáo được dán chật kín ở khắp mọi nơi: một chuỗi DIY, một nhà hàng chuyên món gà, một đại lí ô tô; họ phải có cả tấn nhà tài trợ," một cựu điều hành viên cho biết. (Ảnh: so sánh doanh thu thương mại của một số đội bóng. Nguồn: Kieran Maguire) Nhà Glazer chuyển mô hình này sang cho United trên qui mô toàn cầu. "Hợp đồng mới đầu tiên nhà Glazer thực hiện là với Saudi Telecom - 5 triệu bảng mà còn chưa có quyền đặt biển quảng cáo; chỉ riêng cho việc sử dụng thương hiệu tại Saudi," một nhân viên điều hành nói. "Đó là khi chúng tôi nhận ra hình như thật sự có gì đó ở cách tiếp cận của họ." Một cựu giám đốc khác cho biết: "Thị trường chứng khoán đã phải vật lộn với một công ty mà doanh thu phụ thuộc vào thành tích của nó trên sân cỏ. Giá trị của nó đã bị rẻ hơn thực tế. Đó là thứ đã cho phép kẻ nào đó nhìn ra giá trị của thương hiệu toàn cầu này mua được nó. Woodward hiến kế cho nhà Glazer và họ đã đánh cuộc với rủi ro. Tôi biết họ đã dùng đòn bẩy, nhưng họ cũng đặt tiền của mình vào đấy. Nếu mọi chuyện mà hỏng, thì họ cũng sẽ bị xoá sổ. Quan điểm của họ là, 'Bọn tôi chịu rủi ro, thì bọn tôi nên được hưởng phần thưởng'." Woodward, theo một đồng nghiệp cũ khác, là "kiến trúc sư cho kế hoạch kinh doanh của nhà Glazer và là chủ chốt cho việc tiến hành nó". Khi vụ mua lại được hoàn tất, ông rời JP Morgan, ngân hàng đã cung cấp khoản tiền nhà Glazer mượn, và "khoá chặt tay" lên phương diện tập đoàn của United. Richard Arnold báo cáo cho Woodward, chứ không phải Gill, khi ông gia nhập với vị trí giám đốc thương mại vào năm 2007. Nhà Glazer mới chỉ giải thích ý định của họ duy nhất một lần trong một cuộc họp có mặt tất cả nhân viên. "Họ nói, 'Trông này, bọn tôi mua lại câu lạc bộ này vì bọn tôi thấy cơ hội'," một cựu điều hành viên kể lại. "Họ chưa từng tới với thái độ, 'Bọn tôi vĩnh viễn và luôn luôn sẽ là người hâm mộ của câu lạc bộ'. Họ không tự nhận mình là bất cứ thứ gì ngoại trừ các doanh nhân và họ thật sự rất giỏi việc đó." Còn có thêm một số nhân vật am hiểu về tiếp thị bóng đá mang tới cho chúng ta một góc nhìn khác. Edward Freedman được mô tả là một trong những hợp đồng thập niên 1990 quan trọng nhất của United được thực hiện bởi cựu chủ tịch Martin Edwards. Với tư cách là giám đốc quản lí buôn bán, ông đã đưa doanh thu bán hàng của United từ 1.2 triệu bảng năm 1992 lên tới 28 triệu bảng khi ông rời đi vào 5 năm sau. Freedman chỉ trích tan nát cách tiếp cận của nhà Glazer. "Họ không hiểu một thương hiệu là cái quái gì," ông nói với The Athletic. "Kiếm về mấy hợp đồng đó là nước đi làm tiền vô cùng khôn khéo của họ. Tuy vậy, tôi lấy làm tiếc phải nói rằng, nếu nói về chuyện cải thiện Manchester United, thì mấy trò này không có tác dụng." United sau đó hợp tác với một doanh nghiệp mì của Nhật và một nhà sản xuất lốp xe của Indonesia, trong khi cầu thủ giơ khoai tây chiên Mister Potato đóng quảng cáo. Một người đại diện danh vọng cao than phiền rằng câu lạc bộ này "bị ám ảnh với chủ nghĩa thương mại" và là "một cỗ máy làm tiền lớn". Sau khi quay về vào đầu ngày mới ngay sau trận đấu tại West Ham, một số ngôi sao được yêu cầu phải lái xe Chevrolets cho trẻ nhỏ trong một trò quảng cáo vào ngày hôm sau thay vì được nghỉ ngơi. "Tôi thật sự không thể chấp nhận được việc này," Freedman nói. "Chúng tôi được đề nghị mấy trò đấy từ lâu lắm rồi nhưng không bao giờ chấp nhận bất cứ cái nào. Kể cả có vì tất cả tiền bạc trên thế giới này. Và rồi, tất nhiên, những người hiểu về thương hiệu này ra đi và những người vào sau chỉ nhìn thấy được mỗi phần thưởng kiếm tiền." "Nhưng kiếm tiền từ những thứ không phù hợp với thương hiệu rốt cuộc sẽ huỷ hoại thương hiệu của bạn. Đó chính là cái tôi thấy họ đang làm. Toàn bộ mê lực, toàn bộ vinh quang của Manchester United, có vẻ đều đã biến mất hết rồi." Ben Hatton vẫn còn nhớ mình từng "mắng chửi xối xả" cách tiếp cận của nhà Glazer khi đang xả hơi với các đồng nghiệp ở quán bia sau giờ làm, nhưng từ khi rời United 13 năm trước, ý kiến của ông đã thay đổi. Ông nói: "Thật ra, với phần lớn sự nghiệp của họ ở thể thao Mỹ, họ là một kiểu khác hẳn. Ngành kinh doanh thể thao ở US chính xác là vậy: nó là một ngành kinh doanh. Bởi thế mà các thương hiệu nhượng quyền thể thao của họ, về phần lớn, có thể duy trì được còn của chúng ta thì không." "Họ có đủ sự tập trung để nói được ra rằng, 'Đây là một ý tưởng kinh doanh khá hay đấy, và anh biết không, nếu anh lùi lại một bước ra khỏi cái quan điểm cục bộ về bóng đá Anh đi, thì anh sẽ thấy nó là một ý tuyệt vời'. Nếu Manchester United ghi 4 bàn thắng tại Old Trafford, làm gì có ai lại không muốn mua 4 trái bóng đó về kỉ niệm chứ?" "Có rất nhiều ý tưởng kiểu đó và tôi thường nhìn lại và nghĩ rằng mấy tay này hồi đầu chắc chắn phải rất bức xúc, nhìn vào đám người Anh nhỏ bé bọn tôi ở một thị trấn phương bắc vận hành, ở thời điểm ấy, một cái doanh nghiệp nhỏ lẻ." Cổ động viên như Walsh và Bones sẽ phản biện mạnh mẽ lại rằng câu lạc bộ bóng đá là tài sản của cộng đồng chứ không phải là thương hiệu nhượng quyền như ở US, nhưng bên ngoài sân bóng United đã chuyển hướng tập trung sang cân đối kế toán trước cả khi nhà Glazer tới. Hatton giải thích cách tư duy của câu lạc bộ từ lúc ông gia nhập vào năm 1997. "Chúng tôi là những người đầu tiên thâm nhập thị trường để nắm rõ về lượng người hâm mộ," ông nói. "Cuộc khảo sát đi vào 23 thị trường - các nhà nghiên cứu, các mẫu thống kê - và chúng tôi tính ra là có 623 triệu người hâm mộ. Kế hoạch kinh doanh và cách chúng tôi mỗi năm hai lần nói chuyện với các nhà phân tích là, 'Chúng tôi sẽ hiểu nhiều hơn về họ: họ ở đâu, họ thích gì, họ theo dõi cái gì. Chúng tôi sẽ thương mại hoá họ và bán đồ cho họ.'. 'Biến người hâm mộ thành khách hàng' là câu khẩu hiệu chúng tôi nghĩ ra và là bản sắc kinh doanh của chúng tôi. "Chiến lược của nhà Glazer có sự khác biệt căn bản: với họ vấn đề là việc bán sự hợp tác với Manchester United. Chiến lược của họ là, 'Có thể thái nó thành miếng mỏng cỡ nào?'" Khi nhà Glazer tới, United đang tìm cách làm tinh gọn số nhà tài trợ của họ, chứ không phải là mở rộng thêm. "Chúng tôi giữ quan hệ chính với Vodafone và 8 đối tác hạng bạch kim," một cựu nhân viên điều hành chia sẻ. "Nhưng thật sự chúng tôi muốn đi theo hướng chiến lược hơn, 'ít hơn nhưng lớn hơn'. Thay vì 8 nhà tài trợ với 1.2 triệu bảng mỗi năm, chúng tôi sẽ có 4 nhà tài trợ với 5 triệu bảng. Nhưng bọn họ thì không muốn làm kiểu đấy tí nào." Một giám đốc khác nói: "Chỉ là rất khác nhau. Không có bên nào đúng hay sai cả. Câu lạc bộ này, nếu hiểu theo chức năng tiếp thị của nó, đã được sắp đặt từ trước cho việc quản lí quan hệ. Toàn bộ mục tiêu là làm cho những nhà tài trợ cảm thấy họ đang nhận được dịch vụ không nơi nào hơn được. Nên khi tới lúc cần thương thảo lại, họ sẵn sàng nói rằng, 'Chúng tôi muốn trả nhiều hơn nữa cho các anh'. "Nhưng đó là một triết lí kinh doanh rất khác với nhà Glazer. Họ tới cùng với quan điểm rằng, "Có cả trăm công ti trên thế giới bạn còn chưa từng nghe đến, tất cả đều đã sẵn sàng trả cho bạn gấp 10 lần các nhà tài trợ hiện tại, nên không hẳn là chúng ta ở trong thị trường này để vun đắp cái gì. Chúng ta chỉ đang tìm lấy những lời đề nghị tốt nhất có thể." Tuy nhiên, vẫn có giới hạn được đặt ra cho những công ti với giá trị luân lí "không phù hợp", chẳng hạn như những kẻ cho vay nóng ngắn hạn, kể cả có kiếm được nhiều tiền hơn. Ngay từ đầu, Woodward và Arnold đã làm việc cùng nhau trong những thương vụ bán này ở một văn phòng nhỏ tại Mayfair. Arnold đã biết Woodward trong nhiều năm, nhưng sự thích hợp của Woodward với vai trò này vẫn nhanh chóng được thể hiện. "Ông ấy sẽ không rời khỏi phòng cho tới khi có được câu trả lời mình muốn," một nguồn tin cho biết. Tinh thần đó lan toả vào đội ngũ nhân viên của ông, và một người thậm chí còn theo bằng được tay giám đốc tương đương của một nhà tài trợ tiềm năng đang đi nghỉ ở Bali cùng gia đình để kí hợp đồng. Joel, Avie và Bryan nhất mực chú ý tới sự tiến triển, họ để Gill được sống hết mình bên mảng bóng đá, và anh em họ sau đó chuyển lâu dài ra một không gian lớn hơn có thể chứa được 40 tới 50 nhân viên ở Pall Mall với giá thuê hàng năm là 5 triệu bảng. Toàn bộ ngân sách tiếp thị khi ấy là 600,000 bảng. "Duyệt vụ đó đúng là một nước đi liều lĩnh. Đây có lẽ là lực lượng bán quyền tài trợ lớn nhất ở London bấy giờ," một người trong cuộc cho hay. Một người khác nói thêm: "Đó là cách tiếp cận bài bản hơn hẳn. Họ có thể sẽ nhìn vào 100 quốc gia trên thế giới, lấy 200 công ti đầu bảng ở mỗi nước, nghiên cứu họ, rồi tiếp cận họ." Trụ sở của United ở London lại được mở rộng tới Green Park, trong khi văn phòng ở Hồng Kông được mở để phục vụ cho khách hàng vùng Viễn Đông. Chính cách tiếp cận thương mại này gần đây đã được học theo bởi những đội như Liverpool và Manchester City. Những nguồn trong ngành cho biết đàm phán về một hợp đồng tài trợ mới trên áo đấu đang "tiến triển rất tốt" mặc cho đại dịch vẫn còn. Câu lạc bộ vẫn giữ được sức hấp dẫn nhờ vào cái mà website cho nhà đầu tư của câu lạc bộ gọi là 1.1 tỉ "người theo dõi" của United. Dù sở hữu lượng cổ động viên toàn cầu đó, doanh thu thương mại của United 4 năm gần đây chỉ đi ngang và câu lạc bộ hiện đang dịch chuyển từ mô hình đối tác khu vực sang tập trung vào các nhà tài trợ toàn cầu. "Họ để tâm vào quan hệ khách hàng ít hơn nhiều so với chúng tôi ngày trước, việc này có thể gây hại cho họ về sau," một cựu nhân viên điều hành nói. "Suốt một thời gian dài, cách dẫn dụ của họ khá đơn giản: 'Manchester United là câu lạc bộ bóng đá vĩ đại nhất thế giới, làm sao các anh lại không muốn hợp tác với họ cho được?' Nhưng cứ mỗi năm họ không đạt được thành tích trên sân cỏ, việc này sẽ lại khó khăn hơn một chút." Nhà Glazer từng bị buộc tội rằng họ không quan tâm tới danh hiệu miễn sao họ vẫn tiếp tục có lợi nhuận. "Họ có thật sự muốn giành chiến thắng không? Tôi không biết nữa," một đồng nghiệp cũ cho biết. "Họ đeo nhẫn Super Bowl thắng được cùng Tampa Bay Buccaneers. Nhưng từ đó tới giờ trông họ không có vẻ gì là sắp thắng nữa cả, nên chắc một lần là đủ rồi." Nhà Glazer nếu nghe được có lẽ sẽ chế nhạo những lời này. Hiện tại trong câu lạc bộ có niềm tin thật sự là Solskjaer đang xây dựng một đội bóng để cạnh tranh các chức vô địch. (Ảnh: danh hiệu giành được so với các đội Big Six khác kể từ vụ mua lại) Về mặt thương mại, hợp đồng tài trợ áo đấu kí với Chevrolet, trị giá 450 triệu bảng cho 7 mùa giải, là một thắng lợi lớn. Nhưng hợp đồng này sẽ không được gia hạn sau 2021 và người đảm nhận trách nhiệm cho thương vụ này ở General Motors, Joel Ewanick, đã bị cho nghỉ một thời gian ngắn sau khi tuyên bố hợp đồng vào năm 2012, với phát ngôn viên nói rằng ông đã "thất bại trong việc đáp ứng được kì vọng của công ti với một nhân viên." Cũng đã có sóng gió ở United, với hàng loạt nhân viên điều hành mảng tiếp thị rời United sau khi phải vật lộn để thích ứng với chiến lược của nhà Glazer. Hatton nói: "Họ yêu cầu rất nhiều và chuyện rất nhanh chóng trở nên rõ ràng rằng sự thay đổi chiến lược ở mức độ ấy sẽ luôn cần những người kiểu khác. Bọn tôi đã làm vài hợp đồng đỉnh cao, nhưng bọn tôi chưa bao giờ là dân bán hàng." Các thành viên khác trong đội ngũ được nhà Glazer thừa hưởng cũng bước tiếp. Thậm chí là cả một số người họ tự tuyển về cũng nghỉ luôn. Tháng 4 năm 2007, Lee Daley, một cổ động viên United trọn đời, rời bỏ vị trí giám đốc điều hành danh giá của Saatchi & Saatchi UK để trở thành giám đốc thương mại của United. Ông tới Old Trafford với tầm nhìn dài hạn thực hiện cách mạng về chiến lược thương mại của câu lạc bộ, bằng cách tận dụng sự bùng nổ của phương tiện mạng xã hội, nhưng lại từ chức chỉ sau 4 tháng, thất vọng với việc trở thành cái mà một nguồn tả lại là "một tay quản lí bán quyền tài trợ được nâng cao quản điểm lên". Hatton bênh vực cho cách làm của nhà Glazer: "Họ không hề đòi hỏi nhiều hơn bạn kì vọng họ sẽ đòi hỏi, trong cảnh vừa đặt chân vào một đội bóng mà họ biết cả cấp quản lí kì cựu và hội đồng điều hành đều chủ động chỉ trích tất cả mọi thứ về họ trong suốt 18 tháng," ông nói. "Họ không cố tình tạo ra một môi trường thù địch. Họ đều là những người tử tế và thông minh hiếm có, Joel, Bryan và đặc biệt là Avie. Họ có hiểu biết thực sự về ngành kinh doanh thể thao." Một người đồng nghiệp khác cũng lặp lại ấn tượng tương tự, kể rằng anh em nhà Glazer giỏi nhớ tên họ hàng thế nào khi họ tụ họp cho các trận chung kết. Một số tả Joel là người "chu đáo và mực thước", và liên tục đặt các câu hỏi. Khi khủng hoảng coronavirus bắt đầu diễn ra, ông đã tham gia sát sao trong những quyết định trả tiền thiện chí cho nhân viên hợp đồng và những người không nghỉ phép trong đội ngũ nhân viên. Ông ấy được cho là rất "hãnh diện" rằng câu lạc bộ chưa bao giờ bị điều tra vì vi phạm luật công bằng tài chính hoặc bị cấm vì vi phạm luật chuyển nhượng. "Joel muốn cân nhắc ý kiến của những người khác trước khi đi đến kết luận," theo một nguồn bổ sung thêm. Tuy nhiên, một nhân viên điều hành cũ khác quen thuộc với cách làm của họ ở mảng kinh doanh lại vẽ một bức tranh có chút khác. "Joel sẽ là người nói phần lớn nhưng Bryan mới to mồm nhất. Avie thì được cho là tay làm tài chính. Họ đều hơi có chút giống Donald Trump. Một đám nổ to mồm." Lúc mới đầu, một số nhân viên nghi ngờ rằng nhà Glazer "quyết định mọi thứ trong bữa tối gia đình" - một quan điểm được thiết lập khi Joel Kassewits chồng của Darcie tới dự họp ban quản trị, và được tiếp thêm dầu vào lửa sau khi Kevin Glazer được giao cho việc cập nhật website câu lạc bộ từ phiên bản năm 2005 mặc dù chưa từng thể hiện tí quan tâm nào tới United. Có lời đồn về việc lôi Microsoft và Apple vào cuộc nhưng website chẳng có gì thay đổi cho tới tận năm 2018. Trong cùng khoảng thời gian đó, Manchester City đã nâng cấp trang của họ ở 4 dịp riêng biệt. Trong diện mạo hiện tại của ban quản trị, Joel được coi là "sếp lớn" và dành phần lớn thời gian làm việc trong ngày cho United - khoảng 8 giờ đồng hồ. Avie vẫn quan tâm còn Bryan thì đã lùi lại sau khi kết hôn vào năm 2015. Một số nguồn tin nói Joel muốn được biết mọi thứ và thật lòng quan tâm đến bóng đá, ông xem rất nhiều trận của Premier League trên kênh NBC, chứ không chỉ các trận có United. Góc nhìn đó là lí do nhiều nguồn tin đều nói nhà Glazer đã, ngay từ đầu, muốn có tiếng nói cuối cùng về "từng chi tiết nhỏ" nhưng quyết định của họ thường tiến triển rất chậm chạp. "Có quá nhiều phân tích đằng sau mỗi quyết định thương mại," một nguồn tin cho biết. "Nhưng thế cũng đồng nghĩa với việc tôi không bao giờ phải nhận trách nhiệm nếu những quyết định đó không đi tới đâu, vì tôi lúc nào cũng có thể chỉ tay vào thực tế là chính nhà Glazer rốt cuộc là những người đã kết thúc nó." Một ví dụ là khi United đang chuẩn bị thay nhà tài trợ áo đấu và đã tới gần hạn sản xuất áo của Nike. "Bạn lên kế hoạch trước cả 18 tháng," một nguồn tin nói. "Có khá nhiều công ti nhưng chúng tôi vẫn chưa quyết định xong. Lúc đó có nguy cơ việc này sẽ kéo dài quá lịch sản xuất để có thể làm được lô áo đấu với đúng logo được in lên, sẵn sàng để khởi đầu mùa giải mới.". "Bọn họ đang trong đàm phán với Nike, bên đó nói rằng, 'Chúng ta cần quyết định ngay lập tức' và nhà Glazer đáp, 'Ừ thì, giờ phải mất bao nhiêu tiền để né được vấn đề này?' Họ nhìn vào phía hậu cần, cố gắng tìm cách để có thêm thời gian cho chúng tôi quyết định. Họ không ngại phải bỏ thêm tiền miễn là có lí do chính đáng." The Athletic có thể tiết lộ rằng một trong những nhà tài trợ áo đấu tiềm năng khi đó là Etihad Airways, hãng hàng không quốc gia của Các tiểu vương quốc Ả rập thống nhất, có trụ sở chính tại Abu Dhabi, cũng là hãng rốt cuộc đã in mình lên áo đấu và sân nhà của Manchester City từ năm 2009. Hợp đồng với United đã "rất gần rồi", các nguồn tin cho biết, chỉ để cuối cùng nhà Glazer lại đổi ý. Ở những chỗ khác ở câu lạc bộ, một người trong cuộc mô tả một hệ thống chi tiêu được tinh chỉnh đến tận dòng chữ cuối, và kể rằng có thể mất đến vài tuần "nhảy qua đủ các bước" chỉ để lấy lại được 10 bảng. Một người đại diện cho rằng cách làm này đã bắt đầu thấm qua mảng bóng đá, với trưởng bộ phận đàm phán Matt Judge, người từng làm cùng Woodward ở JP Morgan, chỉ được phép co duỗi tối thiểu: "Nhà Glazer quản lí chi tiết mọi thứ. Đấy là lí do tại sao luôn mất nhiều thời gian tới vậy để mua cầu thủ hoặc đề nghị hợp đồng mới. Không hề ngẫu nhiên mà nhiều cầu thủ đang ở năm cuối hợp đồng của họ. Việc phải đi đủ từ Matt tới Ed tới Joel về Ed về Matt. Nó hành xác thật sự. Và trong cùng thời gian đấy, Liverpool đã kịp kí được hợp đồng với một cầu thủ rồi." United, dù như vậy, vẫn tin rằng cẩn thận cân nhắc cầu thủ phù hợp thay vì vội vàng nhảy vào vẫn tốt hơn và mối quan tâm của Joel với công việc phân tích của hệ thống trinh sát tuyển trạch mang tới sự cân bằng. (Huấn luyện viên Ole Gunnar Solskjaer của Manchester United chụp ảnh cùng (từ trái sang phải) Joel và Avie Glazer năm 2019. Ánh: Xavier Bonilla/NurPhoto) Nhà Glazer, hiện đã quay lại Mỹ, được biết đã từng đề nghị một buổi thuyết trình về những đối tượng chuyển nhượng triển vọng thông qua đường dẫn video từ trụ sở của United ở London. Hệ thống này, một bộ màn hình lớn tạo cảm giác như thật, cũng được kết nối tới Manchester. Một khi số tiền được xác nhận là hợp lí, việc kí hợp đồng sẽ được cho phép thực hiện. Ở qui mô nhỏ hơn, một số người đại diện đã phát biểu về khó khăn để được nhận những gói phúc lợi hỗ trợ phụ huynh lũ trẻ học viện chở con em mình tới Carrington. "Họ sẽ trả lời là, 'Chúng tôi phải để việc này thông qua ban lãnh đạo đã'," một người đại diện cho biết. "Đấy chỉ là lạc vụn so với những gì họ chi cho chuyển nhượng và lương cầu thủ - chỉ đôi trăm đồng (bảng) một tuần sẽ đủ để tạo khác biệt cực lớn. Nhưng tôi cũng phải chấp nhận rằng một khi một cầu thủ được nhận phúc lợi và những người khác nghe được, thì sau đó bạn sẽ phải chơi với lửa." Trong quá trình thương lượng, nhiều chi tiết có thể bị bỏ lỡ. Một nguồn tin kể về một cầu thủ sắp có hợp đồng mới - nhưng đề nghị ban đầu của Woodward và Judge thấp hơn lương anh ta lúc đó 10,000 bảng. "Đấy không phải trò họ cố ý bày ra,", nguồn tin này khẳng định. "Vì chỉ 30 phút sau, rốt cuộc họ lại tăng gấp đôi lương của anh ta." Woodward phủ nhận việc này. Một số đại diện thân United khác nói rằng đàm phán hoàn toàn có thể tiến triển trôi chảy, còn Woodward vẫn đang làm đúng lời mình nói khi hứa sẽ nhanh chóng thoả thuận cho các cầu thủ đang nổi. Dù vậy, vẫn xảy ra căng thẳng nội bộ khi đàm phán về Bruno Fernandes với Sporting Lisbon trong khung chuyển nhượng mùa đông bị kéo dài. Sporting yêu cầu 80 triệu euro (71.5 triệu bảng). Woodward trả thấp hơn nhiều nhưng ra điều kiện rằng United sẽ trả toàn bộ giá đề nghị nếu một số điều khoản nhất định về thành tích được thoả mãn. Khả năng có thể nhất là United sẽ phải trả tổng cộng 65 triệu euro (58 triệu bảng). Fernandes kí hợp đồng vào ngày 30 tháng 1. Do đã từng bị đâm trước đó, có cảm giác chắc chắn rằng nhà Glazer không muốn bị lợi dụng vì cái danh đội nhà giàu của United. Một số khác lại có cách hiểu không như vậy. "Họ thật ra có thể bị cáo buộc là đã ủng hộ các huấn luyện viên quá mức," theo một nguồn tin nói. Tổng chi phí chuyển nhượng khoảng 900 triệu bảng từ ngày Ferguson nghỉ hưu làm chứng cho điều đó, mặc dù vẫn còn vương vấn nghi hoặc rằng chi tiêu khiêm tốn trên thị trường trong khoảng từ 2005 đến 2013 (khoảng 150 triệu bảng chi ròng) là kết quả của việc phải thực hiện nghĩa vụ với khoản nợ. Trong các tài liệu liên quan đến cuộc tái cơ cấu năm 2006, được đọc bởi The Athletic, nhà Glazer vạch ra một khoản chi ròng 25 triệu bảng mỗi mùa hè, đối nghịch sắc lẹm với kiểu vung vãi tiền của Manchester City. United không bao giờ nói không với Ferguson, các nguồn tin nhấn mạnh. "Là người ngoài cuộc nhìn vào, tôi nghĩ họ đã thực hiện khá ổn chiến lược họ đặt ra nhiều năm về trước," Hatton nói. "Thứ duy nhất tôi sẽ nói, mà chắc họ cũng sẽ đồng ý vậy nếu anh nói chuyện với họ, mức độ đòn bẩy tài chính trong kế hoạch kinh doanh của họ và phí trả nợ khởi điểm trong hai hay ba năm đầu khi họ mới đang dần ấm chỗ, là khá khó nhằn." "Thay đổi vượt bậc về thu nhập truyền hình, hoàn toàn từ trên trời rơi xuống và không thể có chuyện được tính sẵn trong một kế hoạch kinh doanh nào, đã giúp họ một cú cực lớn." Chỉ riêng ở Liên hiệp vương quốc Anh, tiền bản quyền Premier League tăng từ 1.024 tỉ bảng lên tới 1.706 tỉ bảng trong năm 2007 và đạt 5.136 tỉ bảng năm 2016. Các nguồn tin khẳng định nhà Glazer thực tế đã dự toán trước lượng tăng này nhờ vào kinh nghiệm của họ khi làm thể thao ở Mỹ. Giá vé tăng nhất định cũng là một phần trong chiến lược ban đầu của nhà Glazer. Trong các tài liệu năm 2006 đó, họ đã vạch ra quan điểm của họ là vé vào Old Trafford khi đó đang bị "dưới giá" mặc dù đã cho tăng trung bình 12.5% ngay mùa đầu tiên họ tiếp quản. Cụ thể là, họ chỉ ra rằng giá vé của United là quá thấp so với nhiều câu lạc bộ tại London và "cho dù các đội Premier League ở miền Bắc nước Anh suốt lịch sử được xem là có người hâm mộ thuộc nhóm ít khá giả", nghiên cứu của câu lạc bộ cho thấy "cách biệt giàu nghèo của người hâm mộ thực ra không quá lớn như vẫn tưởng". Tính toán của họ bao gồm một khoản tăng 36% vào đầu chiến dịch mùa giải 2012-13. "Họ cho ra mắt giá vé theo kiểu nhà hát," như một giám đốc mô tả. "Góc nhìn càng tốt, tiền vé càng nhiều." Nhưng United đã giữ nguyên giá vé vào cửa chung kể từ năm 2012 và việc đó giải thích được phần nào lí do doanh thu ngày thi đấu hàng năm của họ đã bình ổn ở khoảng 115 triệu bảng. Người hâm mộ tới xem trận đấu thấy cảm kích vì câu lạc bộ đã kháng cự việc tăng giá vé, nhưng vẫn có một lời than phiền bền bỉ là bản thân sân vận động vẫn chưa được đầu tư cải tạo đủ. Dù chính nhà Glazer được ghi nhận công lao cho việc tăng sức chứa sân Old Trafford lên 76,000 bằng cách mở rộng góc sân tây bắc và đông bắc, thật ra giấy phép và hợp đồng xây dựng vốn đã xong xuôi sẵn sàng từ trước khi họ tiếp quản. Sir Roy Gardner, chủ tịch công ti công cộng hữu hạn của United, phát biểu trong dự toán năm 2005 rằng dự kiến 43 triệu bảng chi phí cho việc xây dựng sẽ được thu hồi trong vòng 6 năm. Như cách chuyện đã xảy ra, với việc nhà Glazer tăng giá vé, chi phí đó thậm chí còn được trả lại nhanh hơn thế nhiều. Tuy vậy nhà Glazer cũng có đồng ý chi thêm một chút vào các góc sân. "Khi bọn họ mới tiếp quản, các góc sân vẫn đang trong giai đoạn lên kế hoạch," một đồng nghiệp cũ cho biết. "Có lựa chọn để bọc các góc sân với những tấm gấp nếp thay vì dùng men bóng. Làm thế thì sẽ tiết kiệm được nửa triệu bảng. Tôi nhớ nhà Glazer nói rằng, 'Không, đừng làm hỏng chuyện nếu đấy là cái giá cần thiết để nó nhìn thật chuẩn'." "Chắc chắn mong muốn của chúng tôi là làm được nhiều hơn cho sân vận động," Hatton nói. "Họ có vẻ nắm bắt được điều đó từ sớm và chia sẻ quan điểm rằng đây nên là một trong những, nếu không phải chính là cái sân vận động tuyệt vời nhất Liên hiệp vương quốc Anh này." Một nguồn khác thì nói: "Khi họ mới đến, họ đã có ý định xây lại Old Trafford. Họ đã cuống cuồng mua hết đất ở khu vực xung quanh. Và chỗ duy nhất họ không mua là mảnh đất Gary Neville và đồng đội dựng khách sạn của họ, và ngày ấy cũng chẳng ai nghĩ bạn có thể làm gì với miếng đất vụn đó." "Nhưng họ đã từ bỏ vụ sân vận động. Tôi nghĩ họ nhận ra rằng chi phí, có lẽ khoảng 1 tỉ bảng, là quá nhiều để coi là chính đáng. Đây không giống như sân Emirates hay Tottenham, nơi mà bạn có thể bán chỗ ngồi trong hộp khán đài với số tiền lớn - chỉ là không hề có thị trường cho thứ đó ở Manchester. Nhưng việc họ bỏ bê Old Trafford vẫn rất đáng thất vọng. Đường lớn thì đi rất mỏi và dịch vụ khách hàng thì tệ hại. Ở Manchester City, bảo vệ đối xử với bạn như khách hàng cao giá. Ở United, họ chỉ gầm gừ với bạn. Đấy là vấn đề về văn hoá và nó xuất phát từ thượng tầng." United mạnh mẽ phản đối cách mô tả này và chỉ vào chi phí 20 triệu bảng năm ngoái cho việc nâng cấp, bao gồm 11 triệu bảng cho cơ sở vật chất dành cho người khuyết tật. Vào tháng 11, Woodward nói với tạp chí người hâm mộ United We Stand: "Chúng tôi đang xem xét một kế hoạch đầu tư trong khi vẫn duy trì những gì làm cho Old Trafford trở nên đặc biệt." Câu lạc bộ cũng gắn kết với người hâm mộ bằng nhiều cách khác nữa. Một diễn đàn hàng quí đã cho ra kết quả là việc dùng ghế băng được đồng ý thí điểm, với 1,500 ghế được lắp đặt kịp thời cho mùa 2020-21, và việc cho ra mắt một khu vực để hát ở khán đài Stretford End, dẫn tới bầu không khí trên sân được cải thiện. (Thật mỉa mai, đây cũng là chỗ những khúc xướng phản đối được khởi đầu trong trận gặp Norwich.) Lương 3.16 triệu bảng của Woodward - cao nhất trong các giám đốc ở Premier League - đã bị tiết lộ ngay trước ngày đá với Norwich. Tâm trạng mọi người trở nên u tối khi Burnley giành chiến thắng vào ngày 22 tháng 1 trước một United thiếu sức sáng tạo đến vô vọng. Nhà Glazer không có mặt ở trận Burnley, với bầu không khí nổi loạn không thua kém bất cứ thời điểm nào suốt thập kỉ trước. Avie là người duy nhất trong mấy anh em có đến xem một trận trong cả mùa giải, nhưng cả gia đình đều được gửi thông báo thường xuyên, nên họ cũng phải nhận thấy những tương đồng với hồi năm 2010, khi chiến dịch màu xanh và vàng kim đang có sức sống mạnh mẽ nhất. (Người hâm mộ United biểu tình phản đối giới chủ và Ed Woodward bên ngoài Old Trafford vào tháng 10 năm 2019. Ảnh: Robbie Jay Barrayy) Khẩu hiệu "Yêu United Ghét Glazer" được dán khắp Manchester thời điểm đó nhưng thực tế là, nhà Glazer không hề bị ảnh hưởng bởi những miếng dán, khăn quàng hay bài hát. Sự can thiệp duy nhất có ý nghĩa tới quyền sở hữu của họ có thể tới từ một lời đề nghị mua lại và trong vài tuần ngắn ngủi, đấy có vẻ đã là một khả năng thật sự khi một nhóm người hâm mộ United giàu có tập hợp lại thành một liên hiệp để đặt vấn đề mua lại. Nhóm Red Knights là những doanh nhân nghiêm túc nhưng không tiến được xa với nhà Glazer. "Một khi mọi người bắt đầu bàn tán về họ, nhà Glazer lại tăng giá lên," một nguồn tin cho biết. "Sức mạnh của họ ở chỗ có tới 50 người bọn họ - có một số nhân vật lớn mà truyền thông còn chưa từng biết tới - và việc họ làm là từ thiện. Nhưng đó cũng là điểm yếu của họ." "Có rất nhiều cái tôi và một số thì sẵn sàng làm tới hơn số khác nhưng tất cả đều có giới hạn sẽ tiến xa tới đâu. Nhà Glazer thể hiện rất rõ ràng rằng họ muốn nhiều hơn nhóm này sẵn lòng trả và thế là xong chuyện." Sau vụ hỏi mua thất bại, một thành viên nói với bạn mình: "Việc này làm tôi rất buồn. Đấy là nỗi ám ảnh của đời tôi và có lẽ là thất bại lớn nhất của tôi. Tôi đã không thể đem những kẻ tồi tệ này ra khỏi câu lạc bộ tôi yêu." Một số trong nhóm thì được cho rằng họ đùa là họ vẫn "hoạt động một cách bất hoạt hoặc bất hoạt một cách chủ động ". Câu chuyện họ nói cũng thỉnh thoảng rơi vào việc cái gì sẽ khuyến khích nhà Glazer bán United. Khi nhóm Red Knights được thành lập, nhà Glazer vẫn còn khoản nợ PIK cá nhân dự kiến 220 triệu bảng từng dùng để mua lại câu lạc bộ, tích luỹ tiền lãi với lãi suất đầy tội vạ 16.25%. Nhưng áp lực đó đã được hoá giải vào tháng 11 năm 2010 khi Joel viết thư gửi tới bên cho vay nói rằng số dư chưa trả kia sẽ được thanh toán đầy đủ trong vòng 7 ngày. Một số nguồn tin trong ngành nói nhà Glazer đã "cực kì may mắn" khi được hưởng lợi từ thời điểm thắt chặt tín dụng, thứ rồi sẽ khuyến khích kinh tế toàn cầu cho vay với lãi suất thấp, nhưng họ cũng đã phải giữ vững thần kinh vượt qua được khủng khoảng năm 2008. Tình hình của nhà Glazer ở United đã trở nên vững chắc từ sau lần phát hành cổ phiếu năm 2012 trên Sàn giao dịch Chứng khoán New York (NYSE). Một khi các ngân hàng mua cổ phiếu, đó sẽ là sự xác nhận cho mô hình của họ và kết tinh lại thành giá trị vượt xa giá họ phải trả cho vụ mua lại. Trong ngày giao dịch đầu tiên, giá đóng cửa là 14 đô mỗi cổ phiếu, định giá United ở mức 2.3 tỉ đô la mỹ. "Cuộc chiến này thế là thua rồi," một người tham gia chiến dịch thở dài. Nhà Glazer ban đầu định để câu lạc bộ lên sàn ở Hồng Kông hoặc Singapore vào cuối năm 2011 nhưng các nguồn ở thành phố London nói rằng mấy kế hoạch đó đã phải đóng lại cất tủ do sự kết hợp của nhiều yếu tố, mong muốn khai báo tài chính toàn bộ của các sàn, sự bất an với đề xuất của nhà Glazer để chiếm phần lớn tiền thu về, và do không có đủ người mua với cái giá họ hình dung trong đầu. Mọi sự dẫn họ tới NYSE, khi đó còn đang hăng hái muốn tìm những công ti mới, và doanh số khiêm tốn vào hè năm 2012. Đã từng hi vọng hấp dẫn được những nhà đầu tư châu á đổ hơn 600 triệu bảng vào cho vinh dự được hợp tác cùng United, nhà Glazer đành phải hài lòng với 150 triệu bảng ở New York, một nửa chỗ đó được gửi vào ngân hàng. Phần còn lại được dùng để trả bớt khoản nợ khi mua lại mà họ đã buộc vào sổ sách của câu lạc bộ. Nhiều người hâm mộ tin rằng tất cả tiền thu được hẳn là đã chảy về câu lạc bộ. Nhưng The Athletic hiểu rõ rằng kế hoạch ban đầu của nhà Glazer là lấy toàn bộ doanh thu. Mọi người đều hiểu rằng NYSE đã thể hiện nghi ngại, ép nhà Glazer phải cân nhắc lại, trong khi các nguồn tin trong ngành mô tả cả quá trình của nhà Glazer là "rất có vấn đề". United lại nói rằng "không có vấn đề gì" với phía NYSE. Bản thân lần lên sàn này cũng có kết quả nửa hay nửa dở khi mà giá cổ phiếu được ra mắt ở 14 đô, thấp hơn mục tiêu là khoảng từ 16 tới 20 đô. Nhưng đó vẫn mang tới lợi nhuận đáng kể cho nhà Glazer với rất ít chi phí về tính minh bạch. Được xếp loại là một công ti "đang lớn mạnh mới nổi", United được miễn không phải công bố tất cả dữ liệu tài chính của họ trên thị trường, một vị trí càng được họ củng cố thêm bằng cách chuyển đăng kí công ti từ Old Trafford sang quần đảo Cayman. Như được nhắc trong báo cáo thường niên gần đây nhất của United, một công ti được đăng kí ở ngước ngoài không cần thiết phải làm theo lề lối quản lí doanh nghiệp tiêu chuẩn của NYSE. "Dựa vào đó, chúng tôi làm theo một số lề lối quản lí doanh nghiệp của quốc gia chúng tôi, quần đảo Cayman," báo cáo tuyên bố. "Cụ thể là, chúng tôi không có một một ban quản trị bao gồm phần lớn là các giám đốc độc lập, hay một hội đồng lương thưởng được hoàn toàn bao gồm bởi các giám đốc độc lập." Gọng kìm của nhà Glazer nắm lên tương lại United vẫn được giữ chắc chắn nhờ việc họ phân cổ phiếu ra thành lớp A và lớp B. Họ giữ hết số cổ phiếu lớp B với quyền bầu chọn gấp 10 lần so với cổ phiếu lớp A mua được trên NYSE. Về tổng thể, họ đang sở hữu 78% câu lạc bộ. Ở thời điểm đóng giao dịch tuần trước, giá cổ phiếu hiện đang là 15.69 đô, nghĩa là United sẽ có giá trị 2.7 tỉ đô. Các nguồn tin ở United cảm thấy rằng nhà Glazer đã thêm giá trị 3 tỉ bảng vào câu lạc bộ. Với những con số trên giấy tờ kiểu đó, chưa kể đến số tiền nhà Glazer sẽ yêu cầu, câu hỏi được đặt ra là: bây giờ thì có ai mua nổi United đây? "Các quốc gia," một người trong ngành nói. Một đề nghị được báo cáo trị giá 1.5 tỉ bảng từ phía Qatar vào năm 2011 không tiến triển được gì nhiều; tháng 11 năm ngoái, đã diễn ra các cuộc nói chuyện với phía Saudi Arabia, châm ngòi cho một trận xôn xao đủ thứ phỏng đoán khi Arnold đến thăm đất nước này. Nhưng các nguồn tin nói rằng nhà Glazer chỉ sẵn sàng từ bỏ 20% câu lạc bộ. Saudi Arabia thì muốn quyền kiểm soát và đã chuyển hướng chú ý sang Newcastle United. Câu lạc bộ khẳng định các cuộc đối thoại chưa bao giờ nhắc tới quyền sở hữu, mà chỉ hoàn toàn nói về cơ hội tài trợ. "Tôi chắc chắn họ sẽ đi nếu có người đề nghị họ 5 tỉ đô và tôi nghi rằng 3.5 tỉ đô là đủ để bắt đầu đối thoại... không có quá nhiều người trên thế giới có số tiền như vậy," một nguồn tin nắm được tình hình bổ sung. "Sẽ phải là các quốc gia, trừ khi Jeff Bezos có hứng thú," một nguồn khác nói. "Nó sẽ không bao giờ cho ông chủ kế tiếp một hệ số thu nhập trên đầu tư hợp lí, đúng không nào? Chắc chắc là như vậy. Lí do để mua không phải là, 'Tôi sẽ bỏ ra X và bán nó đi lấy Y trong 10 năm', nên là trên đời chỉ có một nhúm những người có tiềm năng làm chủ sở hữu thôi. Nói là vậy, nhưng tôi có mong câu lạc bộ được đổi chủ trong tương lai không xa không? Có, có lẽ vậy." Đó là bởi vì nhà Glazer, một nguồn phỏng đoán, sẽ muốn "hiện thực hoá cuộc đầu tư của họ" - qui phần họ giữ ra tiền, nôm na là vậy. "Xét về giá trị, trong ngắn hạn thì nó có thể trên đà xuống do trận đại dịch, nhưng đó sẽ chỉ là một chuyện vặt trong ngắn hạn thôi. Tôi có thể hình dung được vào một lúc nào đó họ sẽ muốn thanh lí hết thành tiền. Họ có thể nói, 'Anh nói vớ vẩn gì đấy', nhưng cái làm tôi phải chú ý là việc họ làm ở Tampa vào mùa nghỉ thi đấu, đó là kí hợp đồng với Rob Gronkowski và Tom Brady. Trông có vẻ như họ đang tập trung lại vào Tampa." Một nguồn khác tin rằng nhà Glazer có lẽ đang chờ xem liệu có thêm một bước nhảy về doanh thu phát sóng nữa không. "Họ muốn một khoản tiền nhiều tới lố bịch để cút khỏi đây và trên đời đơn giản là không có nhiều người mua ở cái giá đấy tới vậy. Tôi chỉ có thể giả định rằng họ vẫn lảng vảng ở lại để xem Apple, Netflix, Facebook hay ai đó kiểu như vậy liệu có tham gia thật sự vào thể thao trực tiếp và đẩy giá trị lên cực mạnh lần nữa không." Vẫn còn cơ hội cho một nhóm cá nhân giàu có tập hợp lại, có lẽ nếu nhóm Red Knights có thể tái tổ chức theo kiểu của Fenway Sports Group, kẻ đang sở hữu Liverpool và Boston Red Sox. Tuy nhiên, một nỗ lực như vậy sẽ cần phải có sự phối hợp nhịp nhàng, sẵn sàng thoả hiệp, và nhiều thật nhiều tiền. Bởi vậy, sau 15 năm, mọi dấu hiệu đều cho thấy rằng nhà Glazer chắc vẫn sẽ là chủ sở hữu của Manchester United một thời gian nữa. Nghiên cứu số liệu thống kê: Kieran Maguire (Ảnh chính: Henry Cooke và Alice Devine)
Ể The Chosen One được bầu làm HLV Xuất Sắc nhất Năm của EPL rồi kìa, hình như giải địa phương London Football Awards MU như lolz ko biết tài của anh nhá