Sengoku Jidai (1478-1605) Lịch sử Nhật Bản.

Thảo luận trong 'Kỷ niệm Hội Vườn Đào' bắt đầu bởi Hayashi, 4/7/04.

  1. wiwi

    wiwi The Pride of Hiigara

    Tham gia ngày:
    31/1/04
    Bài viết:
    9,401
    Nơi ở:
    *ADULT CONTENT*
    Shingen Nhị Thập Tứ Tướng (Nhà Takeda)


    1. Takeda Nobushige(1525-1561):

    Là em ruột của Takeda Shingen, Nobushige lúc trước đã được cha định chọn làm kế vị thay cho Takeda Shingen. Tuy nhiên, sau này khi Takeda Shingen bắt Takeda Nobutora đi đày, đoạt lấy đại quyền thì Nobushige cũng ko hề tỏ ý thù địch gì và trở thành một trong các đại tướng của Shingen tài ba cả trong võ nghệ lẫn kiến thức (nên mới có tên ở đây ^_^). Năm 1561, trong trận chiến Kanawakajima thứ 4, Takeda Nobushige dẫn quân ngăn đợt tấn công trực diện của nhà Uesugi và bị đại tướng Kakizaki Kagaie chém đầu (và được Yamadera Nobuaki lấy lại thủ cấp). Nobushige từng soạn quyển luận Takeda, gồm 99 quy tắc cho các thành viên gia tộc Takeda.

    2. Takeda Nobukado(1529-1582):

    Là một em trai khác của Takeda Shingen, ko tài ba trong quân sự nhưng là một họa sĩ tài ba và một người ham học hỏi, Nobukado nhiều lần thay thế vị trí của Shingen. Sau khi Shingen qua đời, Nobukado ở giữ thành Takato tỉnh Shinano đến khi giao lại cho con rể để dưỡng lão. Tuy nhiên, Nobukado cũng ko thoát khỏi số phận của nhà Takeda, bị bắt năm 1582 bởi quân Oda và bêu đầu ở Zenkoji (chùa Zenko) tỉnh Shinano.

    3. Ichijo Nobukatsu(?-1582):

    Một em trai khác mẹ của Takeda Shingen, Ichijo từng tham gia nhiều trận chiến nổi tiếng như Mikata ga hara và Nagashino năm 1575. Cuối cùng, Ichijo bị xử trảm cùng con trai Nobunari khi Taokugawa Ieyasu bắt được (cùng với Oda Nobunaga).

    4. Takeda Katsuyori(1546-1582):

    (Xem chi tiết trong “sự sụp đổ của nhà Takeda”)

    5. Akiyama Nobutomo(1526-1575):

    Từng ở giữ Takato nhiều năm đến khi giao nó lại cho Takeda Nobukado để đem quân đánh lấy Iwamura dưới thời Takeda Shingen, Akyama giữ thành Iwamura ngăn cản các cuộc tấn công của Oda Nobunaga dưới thời Takeda Katsuyori từ sau trận Nagashino. Dù đẩy lui được lần đầu nhưng đến lần sau thì thành Iwamura bị hạ, Akiyama bị xử trảm.

    6. Amari Torayasu(?-1548):

    Một đại tướng tài ba của Takeda Nobutora và sau đó là của Takeda Shingen nhưng hi sinh trong trận chiến Uedahara, bởi thứ vũ khí lần đầu xuất hiện trên chiến trường Kanto: súng hoả mai!

    7. Anayama Nobukimi(1541-1582):

    Trờ thành em rể của Takeda Shingen và tham gia nhiều chiến dịch của nhà Takeda (trong đó có các trận chiến Kanawakajima 1561, Minowa 1566, Odawara 1569, Mikatagahara 1573 và Nagashino 1575), Anayama sau được giữ thành Ejiri. Dưới thời của Shingen, Anayama được coi là một chuyên gia chất nổ nhưng chạy theo phe Oda Nobunaga năm 1582 và bị ám sát sau đó, có lẽ bởi các tướng lĩnh khác của nhà Oda.

    8. Baba Nobufusa(1514-1575):

    Đại tướng khá nổi tiếng trong số 24 tướng về sự dũng mãnh và kiến thức. Baba Nobufusa (hay Nobuharu) xuất hiện trong tất cả các trận chiến nổi tiếng của Takeda Shingen (như trận Kanawakajima 1561 mà Baba cùng Kosaka lãnh 1 cánh quân đi bọc hậu Uesugi Kenshin). Sau khi Shingen qua đời, Baba tiếp tục thờ phụng Takeda Katsuyori với lòng trung nhất mực, mặc dù Katsuyori ko nghe theo kế hoạch của Baba dẫn đến trận đại bại Nagashino 1575. Mặc dù Baba sống sót sau đợt tấn công buổi sáng (chết hơn 10000 quân Takeda) nhưng đã lãnh một đội quân nhỏ ngăn quân Oda-Tokugawa truy sát Katsuyori và hi sinh trong trận chiến đó. Trước trận chiến Nagashino (tức là trước khi tử trận), Baba Nobufusa chưa bao giờ bị thương trong bất kỳ trận chiến nào (ko phải vì núp sau lá khiên đâu nhé ^_^).

    9. Hara Toratane(1497-1564):

    Từng là chư hầu cho nhà Chiba tỉnh Shimosa, Hara Toratane sau đó theo lao động đường phố Takeda Nobutora và nổi tiếng là một mãnh tướng của nhà Takeda sau trận chiên tiêu diệt nhà Fukushima năm 1521. Sau này Hara từng bỏ sang nhà Hojo một thời gian ngắn nhưng được thuyết phục quay lại năm 1553 và đóng vai trò quan trọng trong các trận chiến chiếm tỉnh Shinano rồi qua đời do vết thương ở trận Warikadake 1561. Hara nổi tiếng trên chiến trường với hơn 50 lần bị thương sau 30 trận chiến (ko phải tại võ nghệ kém cỏi đâu nhé ^_^), và trớ trêu là sau khi qua đời, chức Mino no Kami của Hara Toratane lại được phong cho Baba Nobufusa, người cũng rất nổi tiếng vì chưa bao giờ bị thương trên chiến trường (đến khi tử trận nagashino 1575)!

    10. Hara Masatane(?-1575):

    Vốn có họ hàng với Toratane do có cùng tổ tiên, Masatane cũng là một mãnh tướng của nhà Takeda. Hara Masatane lãnh quân tiên phong xung trận Nagashino 1575 và, cùng với hơn 5000 kỵ binh Takeda, bị bắn hạ bởi đội súng hỏa mai 3000 người của Oda Nobunaga!

    11. Itagaki Nobutaka(?-1548):

    Itagaki Nobutaka trước tiên là một đại tướng của Takeda Nobutora nhưng lại là người bày mưu cho Takeda Shingen lật đổ Nobutora. Trở thành quân sư đắc lực của Shingen, Itagaki nổi tiếng trong các mưu kế và chiến thuật, đã bày kế dụ nhà Suwa đầu hàng Shingen (và bị giết ngay sau đó!) năm 1542, ngoài ra còn tổ chức một hệ thống gián điệp cho Shingen. Trong trận Uedahara, Itagaki tử trận vì bất cẩn khi đối đầu với quân Murakami.

    12. Kosaka Masanobu(1527-1578):

    Ban đầu chỉ là một vệ sĩ của Takeda Shingen rồi dần trở thành đại tướng dưới trướng Shingen, Kosaka được giao giữ thành Kaizu ở phía bắc tỉnh Shinano. Khi Uesugi Kenshin đem quân đến Kanawakajima năm 1561, Kosaka được giao nhiệm vụ cùng Baba Nobufusa lãnh 1 đội quân tập hậu trại của Kenshin trên đỉnh Saijo nhưng đến sau khi Kenshin đã nhổ trại tấn công trực diện Shingen! Baba và Kosaka liền đem quân đánh úp phía sau kịp lúc, cứu được Takeda Shingen một trận thua khủng khiếp.
    Sau khi Shingen qua đời và lúc trận chiến Nagashino diễn ra, Kosaka may mắn đang thăm dò lực lượng biên phòng của Uesugi Kenshin ở phía bắc Shinano. Khi nghe tin bai trận từ Nagashino, Kosaka nhanh chóng dẫn quân về yểm trợ cho Takeda Katsuyori rút quân. Mặc dù vậy, Kosaka ko có được sự tin dùng của Katsuyori và qua đời ở ngoại vi biên giới Takeda vì bệnh. Các con của Kosaka đều tử trận hoặc bị xử trảm sau khi quân Oda tiêu diệt nhà Takeda.

    13. Naito Masatoyo(1522-1575):

    Naito là một trong các đại tướng được tin cậy nhất của Takeda Shingen, được tham gia tất cả các trận chiến nổi tiếng của Shingen. Trong trận Mikata ga hara 1573, Naito thể hiện mình bằng việc lãnh quân xông thẳng vào xé nát đội hình quân Tokugawa. Naito được giao lãnh quân tiên phong cùng với Hara Masatane trong trận Nagashino 1575, trúng hàng chục mũi tên trước khi bị chém ngã bởi Asahina Tasukatsu. Dù vậy, Naiyo ko được phong chức cao trong quân Takeda, theo một số ý kiến thì có lẽ là vì Naito chống lại việc Shingen xử tử con trưởng Yoshinobu năm 1565.

    14. Obu Toramasa(1504-1565):

    Được nhận làm con nuôi nhà Obu, Toramasa là tướng của Takeda Nobutora rồi sau là vệ sĩ của Shingen. Đến khi Shingen nắm đại quyền thì Obu trở thành sư phụ của con trưởng của Shingen là Takeda Yoshinobu. Obu từng chống lại đợt tấn công của 8000 quân Uesugi Kenshin với chỉ 800 quân, giữ vững thành Uchiyama. Nhưng cuối cùng, Obu Toramasa bị buộc tự sát năm 1565 vì (nghi ngờ) có dính líu đến việc Yoshinobu (định) tạo phản. Obu có phong cách cho lính mình trang bị toàn đỏ, điều này được học theo bởi Yamagata Masakage, em ruột Obu (thậm chí cả Ii Naomasa cũng vậy ^_^).

    15. Oyamada Nobushige(1539-1582):

    Oyamada phục vụ Takeda Shingen tích cực trong các trận chiến như Kanawakajima 1566 và Mikata ga hara 1573. Dù là một tướng lĩnh tài ba, Oyamada bỏ rơi Takeda Katsuyori khi liên quân Oda-Tokugawa sắp tiến tới tiêu diệt nhà Takeda. Nhưng oda Nobunaga, dường như ko ưa tất cả thứ gì có liên quan đến Takeda, cho rằng một samurai ko bao giờ được phản bội và xử tử Oyamada.

    16. Saigusa Moritomo(1537-1575):

    Saigura là con rể của Yamagata Masakage và một đại tướng của nhà Takeda. Saigura đã chiến đấu tại Mikata ga hara năm 1573 và hi sinh trong trận Nagashino năm 1575 cùng lúc với Takeda Nobuzane.

    17. Sanada Yukitaka(1512-1574):

    Yukitaka được cho là con của Unno, 1 trong các daimyo tỉnh Shinano. Sau khi nhà Unno bại trận năm 1541, Yukitaka theo nhà Nagato và nổi danh đến nỗi Takeda Shingen mời Yukitaka về theo mình năm 1544. Là một dũng tướng và quân sư tài ba, Yukitaka nhiều lần hỗ trợ Shingen trong các chiến thuật quân sự. Sau khi Shingen qua đời thì Yukitaka cũng qua đời vào năm sau.

    18. Sanada Nobutsuga(1537-1575):

    Là con trưởng của Yukitaka, Nobutsuga tham gia nhiều trận chiến và là một mãnh tướng của nhà Takeda. Nobutsuga ko tránh khỏi số phận khi lãnh 200 kỵ binh xung trận ở Nagashino 1575, hi sinh cùng em trai Masateru.

    17. Sanada Masayuki(1544-1608):

    Masayuki trở thành thủ lĩnh nhà Sanada khi 2 anh trai đều tử trận ở Nagashino 1575. Cáhn nản với Takeda Katsuyori, Masayuki tự mở rộng lãnh thổ từ lâu đài Ueda, tỉnh Shinano, sang tỉnh Kozuke. Sau khi Tokugawa Ieyasu chiếm lãnh thổ nhà Takeda và kí hòa ước giao một phần lãnh thổ cho nhà Hojo, trong đó có lãnh thổ của Masayuki ở Kozuke nhưng Masayuki từ chối việc đó và còn đẩy lui một đạo binh của Ieyasu gửi đến. Sau đó Masayuki gửi con trưởng Nobuyuki cho Ieyasu làm con tin, con thứ Yukimura cho Uesugi Kagekatsu làm con tin.
    Đến chiến dịch Seki ga hara 1600 thì Masayuki cùng con trai về phe Tây Quân, bảo vệ thành Ueda trước 38000 quân của Tokugawa Hidetada nhưng cũng bị đi đày sau khi Tokugawa Ieyasu chiến thắng trận Seki ga hara. Masayuki ẩn dật ở Kudoyama, tỉnh Kii đến khi qua đời.

    18. Tada Mitsuyori(1501-1563):

    Phục vụ Takeda Nobutora và Takeda Shingen trong vai trò thủ lĩnh bộ binh của gia-tộc-kỵ-binh Takeda trong suốt 29 trận chiến, Tada chiến đấu dưới sự chỉ huy của Itagaki Nobutaka. Tada nổi tiếng với kỹ năng tác chiến ban đêm và được Shingen sử dụng trong trận Sezawa(1542). Tada mất năm 1563.

    19. Tsuchiya Masatsugu(1545-1575):

    Chiến đấu trong nhiều năm dưới trướng Takeda Shingen, Tsuchiya đã định tự sát khi Shingen qua đời năm 1573 nhưng được Kosaka thuyết phục tiếp tục phục vụ nhà Takeda. Nhưng 2 năm sau, Tsuchiya cũng bị bắn hạ trong trận Nagashino khi chiến đấu với quân Oda-Tokugawa. 3 con trai của Tsuchiya có mặt trong số những thuôc hạ cuối cùng của nhà Takeda, liều mạng cầm chân quân Oda cho Takeda Katsuyori mổ bụng tự sát!

    20. Yamagata Masakage(1524-1575):

    Yamagata là em ruột của Obu Toramasa và trở thành thuộc hạ nhà Takeda năm 1565 rồi nhanh chóng leo lên vị trí hàng đầu trong các tướng của Takeda Shingen. Giống như anh trai Obu, Yamagata thích trang bị cho bản bộ binh của mình toàn màu đỏ và được gọi là “Hồng Hỏa Quân”. Là một mãnh tướng của Shingen, Yamagata đã quyết định chiến thắng trong trận Mimasetoge (1569) bằng đợt tấn công dữ dội thẳng vào hàng ngũ quân Hojo. Năm 1575 ở Nagshino, Yamagata hi sinh khi lãnh cánh trái của Katsuyori tấn công quân Oda-Tokugawa, một kế hoạch mà Yamagata và Baba cùng vài tướng khác đã phản đối. Theo truyện kể, Tokugawa Ieyasu đã thú nhận rằng mình sợ Yamagata Masakage nhất trong các tướng lĩnh của nhà Takeda.

    21. Yamamoto Harukyu(1501-1561):

    Yamamoto là thuộc hạ của nhà Imagawa và được Itagaki Nobutaka giới thiệu cho Takeda Shingen, nhanh chóng xếp hàng đầu trong các tướng và là quân sư thân cận của Shingen. Chính Yamamoto đã bày mưu giúp chiếm một số thành quan trọng của tỉnh Shinano dù cho bị khiểng một chân và chột một mắt. Kế hoạch mà Takeda Shingen dùng trong trận Kanawakajima thứ tư năm 1561 do chính Yamamoto bày ra (làm cho nhà Takeda suýt thua và tổn thất ko ít), và Yamamoto đã tự sát sau khi bị thương quá nặng. Yamamoto được coi là tác giả của quyển sách chiến thuật Heiko Okugi Sho, được chính Shingen nghi vấn vài điều trong đó. Tuy nhiên, sử gia hiện đại cho rằng các chuệyn về Yamamoto đều phóng đại hay là được chế ra để đề cao tài trí Yamamoto và giảm bớt tài năng của Shingen.

    22. Yakota Takatoshi(?-1550):

    Ko phải là một đại tướng tài ba nhưng Yakota là một chiến binh dũng mãnh và bắn tên rất tài, đến nỗi Shingen đem Yakota làm gương bảo các tướng khác học tập. Tuy nhiên, Yakota hi sinh trong trận giáp chiến với quân Murakami tại Toishii, tỉnh Shinano năm 1550.

    23. Sone Masayo(?_?):

    Một tên tuổi bí ẩn của nhà Takeda, chỉ biết rằng Sone từng nổi lên trong trận Mimasetoge. Sau khi nhà Takeda sụp đổ, Sone theo lao động đường phố nhà Tokugawa và thường được coi là 1 trong 24 đại tướng của Shingen.

    24. Obata Nobusada(1540-1592):

    Gia nhập hàng ngũ tướng lĩnh Takeda năm 1560, trở thành một tướng đáng tin cậy nhất của Shingen, được giao cho nắm giữ các đạo quân lớn ở Mimasetoge năm 1569 và Mikata ga hara năm 1573. Trong trận Nagashino, Obata lãnh khoảng 500 quân và may mắn sống sót sau trận chiến đến khi nhà Takeda sụp đổ năm 1582. Obata bèn chạy sang thành Ueda với Sanada Masayuki, tiếp tục chống lại Tokugawa!

    Trong số Nhị Thập Tứ Tướng của nhà Takeda thì đã có 5 người hi sinh trong trận Nagashino 1575 và 6 người hi sinh khi quân Oda-Tokugawa diệt nhà Takeda (ko tính Katsuyori) đủ thấy cái dũng thất phu của Takeda Katsuyori trong trận Nagashino quan hệ lớn đến thế nào! Các tướng tài cùng đạo kỵ binh hùng mạnh là xương sống của nhà Takeda, thế mà Katsuyori vứt gần hết sau trận chiến đó!
     
  2. Hayashi

    Hayashi Mr & Ms Pac-Man

    Tham gia ngày:
    4/7/04
    Bài viết:
    124
    Nơi ở:
    Library
    Chosokabe Motochika (1539 - 1599) - Lãnh chúa Shikoku

    Chosokabe Motochika là lãnh chúa của nhà Chosokabe và sau này là một trong các chư hầu của Toyotomi Hideyoshi. Chosokabe Motochika được sinh ra để cai trị tỉnh Tosa va toàn đảo Shikoku (tuy chỉ trong thời gian ngắn). Nhà Chosokabe là một dòng họ nhỏ, được phong làm Jito (một chức quan nhỏ lam nhiệm vụ thu thuế va thi hành luật pháp) của tỉnh Tosa vào thế kỷ 12 và cho đến thế kỷ 16 là chư hầu của nhà Ichijo ở phía tây Tosa.

    Đảo Shikoku có 4 tỉnh Iyo, Tosa, Sanuki và Awa trong đó tỉnh Tosa có diện tích lớn nhất trong 4 tỉnh. Nhưng đảo Shikoku là một đảo rất nghèo.

    Motochika sinh ra ở thành Oka thuộc quận Nagaoka tỉnh Tosa, là con trai trưởng của Chosokabe Kunichika (1503 - 1560). Từ nhỏ Motochika rất ít nói và hay mắc cỡ, người xung quanh đã đặt biệt danh cho cậu bé hay mắc cỡ Motochika là Himewakako có nghĩa là Công chúa nhỏ (Little Princess). Điều này đã làm cho cha cậu là Kunichika rất lo lắng vì tâm tính của cậu bé. Nhưng tương lai đã làm cho điều lo lắng của Kunichika tan biến đi bởi vì Motochika càng lớn càng thông minh, không chỉ ham sách vở mà còn là một dũng tướng.

    Khi Motochika trưởng thành, nhà Chosokabe dưới sự dẫn dắt của cha cậu là Kunichika đã có ý định tách ra khỏi sự kìm hãm của nhà Ichijo và thực hiện ý đồ mở rộng ảnh hưởng của dòng họ trên đảo Shikoku. Sau cai chết của Kunichika năm 1560, Motochika đã kế thừa cha mình và Motochika đã làm một lãnh chúa tài ba nhất đảo Shikoku. Năm 1562, Choskabe đánh bại kẻ thù gần nhất Motoyama trong trận chiến Asakura, và liên kết với các thế lực nhỏ khác trong tỉnh. Motochika nhận thấy vẫn chưa đủ sức để chống lại nhà Ichijo đã cai trị tỉnh Tosa bao thế kỷ qua nên vẫn còn tỏ ra vâng lời nhà Ichijo. Vài năm sau, nhà Chosokabe đã lớn mạnh và tiêu diệt họ Aki ở phía đông Tosa năm 1569. Sau khi được phong tuoc Kunai no sho (một chức quan trong triều), Chosokabe Motochika tuyên chiến với Ichijo. Lãnh chúa Ichijo lúc này là Ichijo Kanesada (1542 - 1585) bị mất lòng tin nơi dân chúng và chịu nhiều cuộc nổi loạn của các tướng dưới trướng. Lợi dụng điểm này, Motochika lập tức cho quân tấn công kinh thành Nakamura của Ichijo và năm 1573 Ichijo Kanesada bị đánh bại phải chạy đến Bungo. Nhà Otomo cho thuyền đưa Ichijo trở về và hỗ trợ Ichijo nhưng Chosokabe dễ dàng đánh bại. Ichijo Kanesada bị bắt và bị đày đến tỉnh Iyo cho đến 1585 bi giết chết theo lệnh của Motochika.
    Motochika giờ đây là lãnh chúa của toàn tỉnh Tosa.

    Motochika bắt đầu nhìn lên phía bắc là tỉnh Iyo. Lãnh chúa của tỉnh này là Kono Michinao. Nhà Kono dựa vào sự hỗ trợ của nhà Mori nhưng trong hoàn cảnh này, nhà Mori phải chiến đấu vơi Oda nên Kono lâm vào thế khó khăn. Tuy dựa vào tình thế khó khăn như vậy, Kono cũng chiến thắng Chosokabe ở trận Mimaomotegawa năm 1579. Nhưng năm sau, Motochika đem 30000 tấn công Iyo và buộc Kono Michinao phải chạy qua Bungo. Mặc dù nhà Mori và Otomo có can thiệp vào ít nhiều nhưng cũng không ngăn cản dược Chosokabe. 1582, Chosokabe tấn công Awa tiêu diệt họ Sogo. 1583, Chosokabe làm chủ cả Awa và Sanuki, giấc mơ thống nhất toàn Shikoku của Chosokabe Motochika thành hiện thực.

    Vị thế của Chosokabe Motochika lên rất cao và trở thành một mối lo lớn cho Toyotomi Hideyoshi. Hideyoshi đưa Sengoku Hidehisa đến Shikoku để làm sứ giả của Hideyoshi, thực chất là kìm hãm Motochika. Tháng 5 năm 1584, Hideyoshi ra lệnh tổng tấn công Shikoku. Hashiba Hidenaga đem 60000 quân cùng với 30000 quân của nhà Mori đổ bộ lên đảo Shikoku. Nhà Chosokabe cai trị đảo Shikoku nhỏ bé và nghèo khó này không đủ sức để chống lại quân số lơn như vậy nên Motochika đành xin hàng. Hideyoshi tỏ ra hào phóng, Motochika được toàn mạng và cho giữ lại tỉnh Tosa.

    Nam 1587, Motochika tham gia vào chiến dịch Kyushu, làm cánh quân tiên phong bên cạnh Sengoku Hidehisa. Nhiêm vụ chính của cánh Chosokabe - Sengoku này là giúp đỡ nhà Otomo hiện đang bị tấn công bởi nhà Shimazu. Mặc dù Motochika hết lời can ngăn, Otomo va Sengoku không chịu nghe theo lời của Motochika là hãy phòng thủ thay vì tấn công. Otomo và Sengoku bị đại bại tại trận Hetsugigawa trước nhà Shimazu (xem chi tiết bên tiểu sử Shimazu Yoshihisa) . Motochika còn phải chịu sự mất mát to lớn trước cái chết của người con trai (và cũng là người thừa kế) Chosokabe Nobuchika (1565 - 1787). Hideyoshi hết lòng ca ngợi và tặng danh hiệu Osumi cho Motochika để bù đắp nỗi mất mát nhưng Motochika khẳng khái từ chối. Năm 1590, Motochika chỉ huy một đội thủy quân trong trận đánh thành Odawara va năm 1592 chỉ huy 3000 quân trong cuộc tấn công Triều Tiên. Khi trở về, Motochika về hưu và sống thanh bần như một nhà sư, rồi mất năm 1599.

    Người kế thừa ngôi vị của Motochika là Morichika (1575 - 1615) cũng như Mori Terumoto, chọn con đường sai lầm trong chiến dịch Sekigahara, tham gia cùng Ishida Mitsunari trong trận đánh vĩ đại này. Và cũng như Mori và Ankokuji, Morichika đã đầu hàng khi quân miền Tây bị đánh bai. Morichika tuy được tha mạng nhưng đã mất đi hết tất cả đất đai của tổ tiên (Tỉnh Tosa về tay Yamanouchi Kazutoyo). Morichika sống ẩn dật ở Kyoto cho đến 1614, tham gia vào đội quân bảo vệ thành Osaka, đến cùng ngày với Sanada Yukimura. Năm sau thì thành Osaka thất thủ, Morichika định chạy trốn nhưng bị bắt tại núi Hachiman và bị xử tử tại Kyoto. Nha Chosokabe kết thúc.

    Chosokabe Motochika nếu được so sánh thì tài cầm quân không thua gì các lãnh chúa lỗi lạc khac nhu Shimazu Yoshihisa, Otomo Sorin, Ukita Naoie.... Không ai kể cả bố ruột của Motochika có thể ngờ được rằng một cậu bé hay mắc cỡ và ít nói lại có thể trở thành một lãnh chúa tài ba, đưa danh tiếng dòng họ Chosokabe vượt khỏi đảo Shikoku. Công lao của Motochika đối với dòng họ Chosokabe và đảo Shikoku là rất lớn, ngoài những chiến công hiển hách ngoài mặt trận, Motochika còn chăm lo cho kinh tế của đảo Shikoku (vốn nghèo nàn) được phát triển.

    To huynh chip : Cám ơn sự giúp đỡ của huynh
    To lính bộ binh lên chức đại tướng : Cám ơn lời góp ý chân thành của bạn.
    To wiwi : Ai viết cũng vậy thôi, cám ơn đệ đã giúp đỡ lâu nay.
     
  3. Violent Detroyer

    Violent Detroyer Mario & Luigi

    Tham gia ngày:
    17/12/02
    Bài viết:
    867
    Nơi ở:
    qui nhơn
    Xin thưa rằng bác nào viết bài này thì thực là sai lầm .
    Tôi xin tường thuật lại trận hamamatsu như sau :
    Hamamatsu là thành kiên cố nhất của Tokugawa . Tokugawa rút về đây tử thủ sau khi đã mất 3/4 lãnh địa cùng 4 thành lớn vào tay Takeda Shigen nhưng lực lượng vẫn còn gấp 3 lần quân shigen .
    Shigen đem quân đến vậy thành trong vòng 13 ngày mà không hề công thành sau đó ra lệnh rút lui . Tokugawa dốc toàn lực phản kích và đuổi kịp shigen tại cánh đồng ( wên mất ròi ) sau 3 ngày. hai bên dàn trận và đánh nhau quyết liệt . Tokugawa với lợi thế đông hơn đã dùng đội hình những chiếc cánh với ý định bao vậy và tiêu diệt shigen đồng thời hạn chế tối đa sức mạnh của kỵ binh nhà Takeda .
    Nhưng shigen cũng không vừa đã dùng đội hình con cá cầm cự với binh lính chủ lực là các dân binh và bộ binh . còn kỵ binh thì dùng làm lực lượng dự trữ . Và giữa trận, Shigen bất ngờ tung kỵ binh đột kick vào đại bản doanh địch mặt dù bản doanh mỉnh cũng nguy cấp ko kém . Binh lính Tokugawa vốn đã mất tinh thần sau nhiều trận chiến bại thấy đại bản doanh bị sụp đổ thì bỏ chạy tán loạn buộc Tokugawa đang thắng thế cũng phải rút quân về hamamatsu suót ngày đêm ko nghỉ .
    Đêm đó trời đầy sương mờ và Takeda Shigen đả tiến hành một cuộc truy đuổi giả chỉ với 700 lính ,quân đội Tokugawa rối loạn và chém giết lẫn nhau thiệt hại gần 10000 quân nhưng tiếc thay Shigen đã tử trận khi trúng phải một phát súng .
    21 ngày sau quân tiếp viện của Oda tới và đánh bại số quân còn lại của shigen từ đó Clan Takeda bắt đầu suy tàn .
    Cái này tui đọc được trong phần history của trò Takeda . Các bạn có thể xem thêm nhiều sự kiện hơn trong game này .
    Còn Oda ko có tài thao lược à tôi sẽ post một bài chứng minh ngược lại sau bây giờ thì đi ngủ đã
     
  4. wiwi

    wiwi The Pride of Hiigara

    Tham gia ngày:
    31/1/04
    Bài viết:
    9,401
    Nơi ở:
    *ADULT CONTENT*
    sai hay ko thì tùy quan điểm thôi
    Tôi xin tường thuật lại trận hamamatsu như sau :
    sai lầm khủng khiếp, đảo ngược trắng đen!!!!
    Quân Tokugawa cho đến tận năm 1583 (lúc thu phục Kai và Shinano) thì chưa bao giờ vượt quá con số 10000-các samurai của Mikkawa nổi tiếng về độ thiện chiến bù đắp cho thiếu hụt về quân số, trong khi quân của nhà Takeda trong vòng hơn 20 năm dưới trướng Shingen tài ba thì cũng chưa bao giờ ít hơn 20000 người!!!!!
    đảo ngược trắng đen: rạng sáng của trận Hamamatsu, Honda Tadakatsu chỉ với vài trăm quân đã liều chết xông vào hon 20000 quân của Takeda Shingen, chính điều này làm cho danh tiếng Honda nổi tiếng cả trong chư tướng nhà Takeda, đợi vài hôm nữa sẽ có bài viết về anh ta!
    Lấy thông tin từ game mà dám bảo người lấy thông tin từ sử liệu sai lầm, kể cũng lớn mật :))
     
  5. Hayashi

    Hayashi Mr & Ms Pac-Man

    Tham gia ngày:
    4/7/04
    Bài viết:
    124
    Nơi ở:
    Library
    Violent Detroyer thân mến, tôi cũng từng chơi qua trò Takeda này và cũng xem qua cái sơ lượt về lịch sử trong Manual của trò này. Nhưng có một số điểm không đúng lắm, tôi sẽ liệt kê cho bạn thấy, game này còn có thêm một số tình tiết giả định (fiction), có nghĩa là những tình tiết này không có thực, người chơi có thể chơi được Takeda để thống trị Nhật Bản chứ không phải là bị diệt vong.
    Việc quân số của Tokugawa cho đến thời điểm Katsuyori tại Nagashino thì quân số Tokugawa lúc ấy cũng chỉ lên đến 8000 quân là cùng. Nếu quả thực Tokugawa quân số đông hơn thì với tài cán của Tokugawa Ieyasu cùng với các tướng thiện chiến của mình là Honda Tadakatsu, Ishikawa Kazumasa, Hattori Hanzo... cần gì đến Oda Nobunaga nữa khi mà Shingen đã chết rồi ??
     
  6. Đại tướng

    Đại tướng Mr & Ms Pac-Man

    Tham gia ngày:
    19/8/04
    Bài viết:
    139
    @Hayashi:chú chơi game PS2 ở nhà ông Tuấn trong F9 quận Tân Bình phải không !!!
    Lúc trước củng chơi FFX ở đó đúng không !!!???
     
  7. wiwi

    wiwi The Pride of Hiigara

    Tham gia ngày:
    31/1/04
    Bài viết:
    9,401
    Nơi ở:
    *ADULT CONTENT*
    Ieyasu Tứ Đại Đội Trưởng (Nhà Tokugawa)


    1. Hattori Hanzo(1541-1596):

    Là thủ lĩnh đội cận vệ Ninja nổi tiếng của thành Edo (Tokyo sau này), Hattori Hanzo cùng cha là Yasunaga phục vụ Tokugawa Ieyasu từ những năm đầu của nhà Tokugawa.

    Xuất thân là một ninja phái Iga, Hanzo nhanh chóng vươn lên hàng các đội trưởng thân tín của Ieyasu kể từ trận chiến Anegawa (1570) và Mikata ga hara (1572). Nhưng sự kiện đặc biệt nổi tiếng của Hanzo là vào năm 1582, khi mà Akechi Mitsuhide tạo phản và giết chết Oda Nobunaga. Tokugawa Ieyasu cùng các bộ tướng đang ở thành Osaka khi hay tin này và nhanh chóng bỏ trốn vào rừng trước khi quân Akechi vươn tay đến. Nhưng vòng vây của Akechi đã khép chặt hết vùng kinh đô (Kyoto) và tỉnh Mikawa yên bình còn ở rất xa. Đúng lúc này thì Hattori Hanzo, vẫn đang hộ vệ cạnh Ieyasu, đề nghị chủ nhân mình đi tắt qua tỉnh Iga. Tỉnh Iga vốn được coi là một trung tâm của các ronin (samurai vô chủ) và là cái nôi của các ninja phái Iga. Kể từ sau khi Nobunaga đàn áp đẫm máu quyền tự trị của họ từ năm 1580, các ronin và ninja đã lui vào vùng rừng núi Iga hiểm trở để tự bảo vệ độc lập, ko ai có thể xâm nhập vào đó kể cả đội quân 10000 người của Akechi! May mắn, Hattori Hanzo có liên hệ mật thiết với các ronin và ninja ở đây (vì Hanzo là một ninja phái Iga) nên dễ dàng được họ đồng ý cho mượn đường, thậm chí còn cử hẳn một đội hộ tống Tokugawa Ieyasu cùng tướng lĩnh đến tận quê hương Mikawa. Sau này, Hanzo còn được giao nhiệm vụ trợ giúp việc Tokugawa Nobuyasu, con trưởng của Ieyasu, tự sát và Hanzo khảng khái từ chối làm điều đó vì lòng thành của mình với Nobuyasu!

    Hattori Hanzo là ninja nổi tiếng nhất thời Sengoku và cũng chính là sợi dây liên hệ giữa nhà Tokugawa với các ninja Iga, từ đó hình thành nên đội vệ sĩ ninja 200 người nổi tiếng ở thành Edo, kinh đô nhà Mạc (Tokugawa).

    2. Honda Tadakatsu(1548-1610):

    Là cận vệ trung thành của Tokugawa Ieyasu, Honda Tadakatsu thể hiện lòng dũng cảm trong mọi trận chiến tham gia và được thăng lên làm một tướng dưới trướng Ieyasu.

    Trước trận chiến Mikata ga hara, Honda dưới trướng Okubo Tadayo lãnh một đội binh nhỏ xông vào cướp trại của Takeda Shingen, dĩ nhiên, để nhận thất bại nhưng nhờ vào Honda mà quân Tokugawa mới rút về thành Hamamatsu bình yên. Khi trận chiến Mikata ga hara diễn ra (tức là khi Ieyasu quyết định khai thành đánh một trận với Shingen) Honda lãnh cánh tả quân Tokugawa và liều mình đương cự sức ép từ đạo kỵ binh tiên phong của Naito Kiyomasa, đạo kỵ binh Takeda nổi tiếng, đủ lâu cho Ieyasu chạy vào được thành. Năm 1575, Honda tham gia chỉ huy đội súng hỏa mai nổi tiếng đã bắn nát đội hình 10000 quân Takeda trong trận Nagashino. Danh tiếng của Honda lên cao nhất trong chiến dịch Komaki (1584) của Toyotomi Hideyoshi chống lại Tokugawa Ieyasu. Khi Ieyasu đem đại quân rút về để bảo vệ tỉnh Mikawa và chiến thắng trận Nagakute thì Honda Tadakatsu được giao giữ ở thành Komaki, cầm chân đại quân của Hideyoshi. Khi thấy khói bụi bốc lên cho thấy đại quân Hideyoshi (khoảng 50000-60000 người) đang tiến đến chuẩn bị đuổi theo Ieyasu, Honda đã suất lãnh bản bộ quân ra đối địch, khiêu chiến với kẻ thù đông gấp 50-60 lần mình trên bờ sông Shonai!!! Hideyoshi bất ngờ và thán phục trước lòng quả cảm của chàng samurai tỉnh Mikawa, lệnh cho quân ko được làm hại Honda (và bộ tướng Ishikawa), làm chậm đợt tiến quân, giúp Ieyasu chiến thắng trận Nagakute và kịp lui về phòng thủ ở Mikawa. Honda còn tham gia hầu hết các trận chiến của Ieyasu, đặc biệt là trong trận Sekigahara (1600) đến khi qua đời năm 1610, 2 con trai của Honda tiếp tục theo lao động đường phố Ieyasu trong 2 chiến dịch Osaka (1614-15) và cũng lập được chút thành tích trong chiến thắng cuối cùng của Tokugawa Ieyasu.

    Được coi là tướng lĩnh trung thành nhất của Tokugawa Ieyasu, Honda Tadakatsu thể hiện lòng dũng cảm và kỹ năng trên chiến trường ưu tuyệt đến mức cả Takeda Shingen cũng phải bật lời khen ngợi. Honda có thể coi là tướng lĩnh dũng mãnh nhất của Ieyasu, nổi tiếng trên chiến trường với chiếc mũ sừng hươu trước hàng ngũ các samurai Mikawa.

    3. Ii Naomasa(1561-1602):

    Trở thành bộ tướng của Tokugawa Ieyasu năm 1578, Ii Naomasa lập tức chứng tỏ mình là một dũng tướng của tỉnh Totomi và được Ieyasu trọng dụng. Trong trận chiến Nagakute năm 1584 (chiến dịch Komaki, tranh chấp giữa Ieyasu và Hideyoshi), Naomasa thống lĩnh 3000 lính súng hỏa mai và gây thương vong lớn cho quân Toyotomi dưới trướng của Ikeda Nobutora, góp phần gây ra cái chết cho Ikeda và 2 con trai, con rể. Đến trận chiến Sekigahara (1600), mặc dù được giao bảo vệ Tadayoshi, con trai Ieyasu, nhưng Naomasa lại là người xông lên đầu tiên, mở màn cuộc sát phạt thắng lợi của quân Tokugawa. Ko may, Ii Naomasa trúng đạn của các xạ thủ nhà Shimazu trong trận chiến và qua đời sau đó năm 1602.

    Ii Naomasa nổi tiếng trên chiến trường ko chỉ vì sự dũng mãnh của mình mà còn vì đội quân samurai “Quỷ Đỏ” dưới trướng, “mượn” cách ăn vận toàn đỏ của Obu và Yamagata (2 tướng nhà Takeda). Naomasa được phong chức Hyobu-shoyu và một tài sản khổng lồ vì công lao với nhà Tokugawa

    4. Sakai Tadatsugu(1527-1596):

    Là một đại tướng của nhà Matsudaira và sau này là nhà Tokugawa, Sakai góp phần trong việc khuyên Ieyasu tách khỏi sự lệ thuộc vào nhà Imagawa và rõ ràng đem lại lợi ích ko nhỏ cho Ieyasu.

    Trong trận chiến Mikata ga hara (1572), Sakai thống lĩnh hữu quân của Ieyasu và một mình phá khỏi vòng vây của quân Takeda khi các binh sĩ dưới trướng (đa phần là lính nhà Oda) đều bỏ chạy cả. Đêm trước trận Nagashino (1575), Sakai lập được một chiến công khi đề nghị đem quân cướp trại Takeda, điều mà có lẽ đã chọc giận Takeda Katsuyori, dẫn đến quyết định sai lầm của Katsuyori là tấn công liên quân Oda-Tokugawa trong trận chiến Nagashino. Trong chiến dịch Komaki (1584), Sakai được giao quân đánh bại đạo quân tiên phong của nhà Toyotomi do Mori Nagayoshi lãnh đạo.

    Là một tướng tài của Ieyasu, Sakai Tadatsugu thể hiện là một samurai tự trọng khi ko hề chối tội dính líu đến chuyện Tokugawa Nobuyasu, con trưởng Ieyasu, bày kế chống lại Oda Nobunaga ngay trước lời buộc tội của Nobunaga. Vì sự trực tín đó, dù được phong thưởng khá cao nhưng Sakai Tadatsugu ko được Ieyasu tin cậy và trọng dụng lắm về sau!
     
  8. Hayashi

    Hayashi Mr & Ms Pac-Man

    Tham gia ngày:
    4/7/04
    Bài viết:
    124
    Nơi ở:
    Library
    To đại tướng : Tôi chưa từng chơi FFX, và tôi cũng chưa từng chơi PS2 mà đi lên xa đến thế. Mến.
    To Wiwi : Theo ý kiến của huynh thì đệ kể thiếu một người. Theo ý huynh thì Tokugawa Ieyasu có Ngũ đại đội trưởng lận. Người còn lại là Sakakibara Yasumasa.

    5\ Sakakibara Yasumasa (1548 -1606)
    Yasumasa đã ở bên Ieyasu ngay từ khi còn bé và trở thành một trong những tướng tâm phúc nhất của Ieyasu. Cùng với Honda Tadakatsu phục vụ trong trận Anegawa. Sau đó được Ieyasu cho đóng quân ở Shinano để cự nhau với Naito Masatoyo (một trong nhị thập tứ tướng nhà Takeda)

    Trong chiến dịch Komaki 1584, Yasumasa nắm quân chiến đấu với Hideyoshi và giúp đỡ Oda Nobuo (con trai của Oda Nobunaga) và sau đó là được giao trọng trách vô cùng quan trọng là tháp tùng Ieyasu đến Osaka để gặp Toyotomi Hideyoshi năm 1586. Sau chuyến đi, Yasumasa được phong tặng danh hiệu cao quý Shikibu Taiyuu. Năm 1590 tham gia vào chiến dịch Odawara. Yasumasa được Ieyasu cho giữ thành Tatebayashi. Trong quá trình Ieyasu phải đến Kyushu tham gia chiến dịch xâm lược Triều Tiên của Hideyoshi thì Sakakibara Yasumasa ở lại và trở thành một trong những người nhiếp chính của Tokugawa Hidetada và sau đó là cự nhau với Uesugi Kagekatsu năm 1600

    Con của Yasumasa la Yasukatsu cũng tham gia vào trận đánh thành Osaka và cũng lập được một ít công lao. Gia đình Sakakibara trở thành một trong những gia đình trung thành nhất với Tokugawa trong thời Edo

    Sakakibara Yasumasa là một tướng lãnh trung thành của Tokugawa Ieyasu. Cùng với Honda Tadakatsu họp lại thành tả hữu cận vệ của Ieyasu, góp phần đưa Ieyasu trở thành Shogun của Nhật Bản.
     
  9. Hayashi

    Hayashi Mr & Ms Pac-Man

    Tham gia ngày:
    4/7/04
    Bài viết:
    124
    Nơi ở:
    Library
    Còn nữa, mình quên khuấy đi mất. Bài trước, Wiwi có đưa tiểu sử của Ankokuji Ekei là quân sư của nhà Mori. Trong thời Sengoku nay cũng có nhiếu quân sư nổi tiếng khác như Kuroda Kanbei, Ishida Mitsunari, Ishikawa Kazumasa. Bài sau định là sẽ nói về 3 người này nhưng Kuroda Kanbei và Ishikawa Kazumasa thì có tiểu sử rồi nhưng Ishida Mitsunari thì không có, không biết Wiwi có hay không ? Nếu được đệ post luôn nhé.
     
  10. 4eyes

    4eyes The Warrior of Light

    Tham gia ngày:
    22/3/03
    Bài viết:
    2,184
    Gà cồ đâu rồi, post tiếp đi chớ, chờ mỏi cổ quá rùi, chú làm không lẹ tớ qua nhà chú vặt lông đó
     
  11. wiwi

    wiwi The Pride of Hiigara

    Tham gia ngày:
    31/1/04
    Bài viết:
    9,401
    Nơi ở:
    *ADULT CONTENT*
    đúng Yasumasa là một trong những người nổi tiếng và là cánh tay đắc lực của Ieyasu nhưng thực tế Yasumasa ko phải là một đội trưởng (Honda lãnh một đạo kỵ binh tiên phong nhỏ, Hanzo lãnh đội ninja hộ vệ, Sakai cùng lãnh quân tiên phong với Honda, Naomasa thì giữ đội súng hoả mai) nên ko biết đưa vào đâu cả :))
    vừa học hành vừa chơi bời vừa tán gái thì còn nhiều thời gian đâu online nói chi đến soạn tài liệu, vả lại cái topic này của Hayashi mà, giờ đệ phải lo học(?!?!?) :))
     
  12. great_sephiroth

    great_sephiroth Mayor of SimCity GameOver

    Tham gia ngày:
    29/5/04
    Bài viết:
    4,145
    Nơi ở:
    North Cave
    Trong Kessen I có thằng đội mũ hươu này, nó na ná giống Trương Phi, đánh rất khoẻ.
    Trong Kessen I cũng có đoạn Hanzo bảo vệ Tokugawa trong khu rừng, nhưng trong trò chơi, Hanzo biến thành một cô gái, một nữ ningia.
    Quân Tokugawa còn một vị tướng rất giỏi nữa, hình như tên là Matsu, họ anh không nhớ, trong trò Kessen I đó xuất hiện, không biết chú wiwi có biết không?
     
  13. wiwi

    wiwi The Pride of Hiigara

    Tham gia ngày:
    31/1/04
    Bài viết:
    9,401
    Nơi ở:
    *ADULT CONTENT*
    mấy tên ninja thì khó nói nhân dạng thật lắm, xuất hiện trong lịch sử là đã lạ rồi, nhưng chắc Hanzo mà là nữ thì có thể lắm vì còn một ninja (hay kunoichi-ninja nữ?) cũng tên là Hanzo. Vì vậy Hattori Hanzo có một biệt danh là "Quỷ Dữ" để phân biệt!
    Matsudaira là họ gốc của Tokugawa, em nhớ có 2 tướng nổi tiếng của nhà này (trừ Ieyasu), là cha của Ieyasu và bà con gì đó của ông ta (ko nhớ tên), để từ từ cho Hayashi tìm tư liệu :D
     
  14. hello_kitty

    hello_kitty Mega Man

    Tham gia ngày:
    13/3/04
    Bài viết:
    3,061
    Nơi ở:
    ngỏ hẻm trái tim em
    xin cho hỏi cái nha
    mấy bài mà mấy bạn đưa lên có chính xác ko vậy? có gì thì bỏ qua cho tui nha
    tui chỉ hỏi như vậy thui hà
     
  15. Hayashi

    Hayashi Mr & Ms Pac-Man

    Tham gia ngày:
    4/7/04
    Bài viết:
    124
    Nơi ở:
    Library
    Biết nói sao nhỉ?! Các bài này của chúng tôi có thể là không chính xác 100%, có thể lệch lạc đôi chút ở các số liệu, ngày tháng (năm thì đúng rồi đó, không sai đâu) nhưng ít thôi. Còn các nhân vật, sự kiện, nơi chốn thì chính xác. Bài của chúng tôi cũng đã được nghiên cứu kỹ, nếu có sai sót gì thì sẽ sửa lại ngay, bạn cứ yên tâm.
    Cái cha tên Matsudaira là Matsudaira Ietada (1547 - 1600) là một người bà con của Ieyasu (theo vai vế là cháu của Ieyasu). Phục vụ trong các trận chiến lớn Anegawa, Mikatagahara và chiến dịch Komaki. Ietada còn mang họ khác là Kasahara Ietada.
     
  16. Hayashi

    Hayashi Mr & Ms Pac-Man

    Tham gia ngày:
    4/7/04
    Bài viết:
    124
    Nơi ở:
    Library
    Cái này thì chỉ là phụ lục thôi, dành cho các bạn nào thích tiếng Nhật, hoặc đáng chơi các bản Nobunaga tiếng Nhật lẫn Tiếng Hoa. Hayashi tôi sẽ update lên từ từ, và huynh nào có ý định làm patch của Nobunaga 11 muốn có người cộng tác ở phần tên nhân vật thì có thể nhờ Hayashi này nhé.

    Akai Naomasa - 赤井直正
    Akaike Nagato - 赤池長任
    Akechi Mitsuhide - 明智光秀 (Minh Trí Quang Tú)
    Araki Murashige - 荒木村重
    Asai Nagamasa - 浅井長政
    Asakura Soteki - 朝倉宗滴
    Asakura Takakage - 朝倉孝景 (Triều Xương Hiếu Cảnh)
    Asakura Yoshikage - 朝倉義景 (Triều Xương Nghĩa Cảnh)
    Date Masamune - 伊達政宗 (Y Đạt Chính Tôn)
    Fukushima Masanari - 福島正成
    Fukushima Masanori - 福島正則
    Hojo Tsunashige - 北条綱成
    Hôjô Ujikuni - 北条氏邦
    Hojo Ujinori - 北条氏規
    Hojo Ujimasa - 北条氏政
    Hojo Ujiteru - 北条氏照
    Hojo Ujiyasu - 北条氏康
    Hori Hidemasa - 堀秀政
    Hosokawa Fujitaka - 細川藤孝
    Hosokawa Tadaoki - 細川忠興
    Ikeda Terumasa - 池田輝政
    Imagawa Yoshimoto - 今川義元
    Inaba Ittetsu - 稲葉一鉄
    Inadome Sukenao - 稲富祐直
    Indo Yorimori - 犬童頼兄
    Indo Yoriyasu - 犬童頼安
    Inoue Kiyomasa - 井上清政
    Ishida Mitsunari - 石田三成
    Ito Morimasa - 伊藤盛正
    Inawashiro Morikuni - 猪苗代盛国
    Kato Kiyomasa - 加藤清正
    Kikkawa Hiroie - 吉川広家
    Kikkawa Motoharu - 吉川元春
    Kikkawa Tsuneie - 吉川経家
    Kobayakawa Hideaki - 小早川秀秋
    Kyogoku Takatsugu - 京極高次
    Maeda Toshiie - 前田利家
    Marume Nagayoshi - 丸目長恵
    Matsuda Norihide - 松田憲秀
    Matsunaga Hisahide - 松永久秀
    Mori Takamoto - 毛利隆元
    Mori Terumoto - 毛利輝元
    Murakami Yoshikiyo - 村上義清
    Oda Nobuhide - 織田信秀
    Oda Nobunaga - 織田信長
    Shibata Katsuie - 柴田勝家
    Shima Sakon - 島左近
    Sanada Masayuki - 真田昌幸
    Sanada Yukimura - 真田幸村
    Takeda Nobushige - 武田信繁
    Takeda Nobutora - 武田信虎
    Takeda Shingen - 武田信玄
    Takigawa Kazumasu - 滝川一益
    Todo Takatora - 藤堂高虎
    Tokugawa Hidetada - 徳川秀忠
    Tokugawa Ieyasu - 徳川家康
    Toyotomi (Hashiba) Hidenaga - 豊臣(羽柴)秀長
    Toyotomi Hidetsugu - 豊臣秀次
    Toyotomi (Hashiba) Hideyoshi - 豊臣(羽柴)秀吉
    Uesugi Kagekatsu - 上杉景勝
     
  17. wiwi

    wiwi The Pride of Hiigara

    Tham gia ngày:
    31/1/04
    Bài viết:
    9,401
    Nơi ở:
    *ADULT CONTENT*
    Lược sử Ninja

    “Ninja” (Nhẫn Giả), thử hỏi có ai chưa từng nghe đến từ này? Nhưng nếu hỏi có ai đã từng nghe đến Ninjitsu hay biết đến nguồn gốc các Ninja thì có lẽ ta được cùng một câu trả lời: rất ít!

    Lịch sử của Ninja từ lâu cũng bí ẩn như chính họ vậy. Có rất ít, hay hầu như không có ghi chép chính thức nào về họ - những con người chọn cho mình sự nghiệp trong bóng tối – và có lẽ, về phương diện nào đó, các Ninja thích điều này. Vì vậy, hầu như những kiến thức về Ninja mà con người hiện đại có đều được truyền miệng từ đời này sang đời khác, bởi thường dân, samurai, lãnh chúa và chính bản thân các Ninja.

    “Nonuse” hay “Nghệ thuật ám động” chính thức xuất hiện dưới ánh sáng vào năm 522 (sau Công Nguyên), được gọi là một nghi thức để lĩnh hội Phật học – tôn giáo chính và duy nhất của nước Nhật bấy giờ, bởi các tu sĩ đã tiếp thu một phần võ học của Trung Hoa. Bản thân các tu sĩ không phải là các võ sư và cũng không hoạt động cho ai cả. Họ chỉ được mời đến bởi các lãnh chúa và dưới vỏ bọc của việc sùng tín đạo Phật, các lãnh chúa khai thác thông tin từ họ. Nên, từ “Ninja” chỉ chính thức xuất hiện sau đó, rất lâu sau.

    Suốt thời gian đó, các tu sĩ ngày càng hoàn thiện kỹ năng chiến đấu của mình, phát triển thành một môn phái võ nghệ mới, từ những gì tiếp thu được từ võ Trung Hoa và võ cổ truyền Nhật, với cái tên “Ninjitsu”-“Nghệ thuật nhẫn chiến”. Đó chỉ là một trường hợp ép buộc, giữa sự đam mê võ học của các võ sư và sự lấn át ngày càng nhiều của triều đình Nhật Hoàng đến quyền lợi của họ. Và đó, “Ninja” ra đời, theo như chúng ta dự đoán, vào năm 645 tức là đầu “Thời Asuka-Nara” (645-794) trong lịch sử Nhật. Nhưng điều đó không có nghĩa là họ thực sự như những gì các câu chuyện miêu tả. Lúc này, họ chỉ là một nhóm võ sư, chiến đấu bằng một kỹ thuật lạ lùng, tự do và ít được biết đến. Đó là cho đến khi “Thời Heian” (794-1185) bắt đầu năm 794…

    Hoàn cảnh lịch sử

    Dưới sự thống trị của gia tộc Fujiwara, trong cái “mác” “Nhiếp Chính”, triều đình Nhật và cả nước Nhật dần thay đổi. Từ đây, Nhật Hoàng không còn là “người nắm quyền lực” nữa, mà chỉ là “biểu tượng quyền lực” cho gia tộc nào nắm giữ được Hoàng Gia (họ Yamato). Và cũng từ đây, chính quyền trung ương không còn mạnh mẽ để kiểm soát toàn nước Nhật. Nhiệm đó được giao cho các địa chủ giàu có và dĩ nhiên, hùng mạnh, để họ trở thành các “Daimyo” hay “Lãnh Chúa” (theo cách quen gọi dù rằng không đúng thật với ý nghĩa của từ này). Đơn giản chỉ vì nông dân vui vẻ nộp tô ruộng của mình cho các Daimyo hơn là gồng mình gánh thuế vụ nặng nề của triều đình, còn các Daimyo sẵn sàng mở túi nhận tiền cùng quyền lực của họ trong khi triều đình (hay chính xác là nhà Fujiwara) thoát khỏi trách nhiệm kiểm soát những lãnh thổ rộng lớn hay đàn áp các cuộc nổi dậy.

    Tuy nhiên, theo thời gian và thế hệ, các Daimyo ngày càng mạnh mẽ hơn và hình thành các “Clan” hay “Gia Tộc” cha truyền con nối, thống trị đất phong. Họ không còn vui vẻ với một túm dân ít ỏi trong lãnh thổ - vốn không nhỏ bé gì - của mình và các cuộc chiến là điều không thể tránh khỏi. Sự cần thiết thông tin quân sự làm xuất hiện nhu cầu thám tử và các Ninja nhanh chóng được chấp nhận như những người săn tin siêu hạng bởi khả năng thâm nhập dễ dàng vào quần chúng hay bất kỳ cộng động nào đó. Tuy nhiên, đó chỉ mới là buổi bình minh cho sự nghiệp sáng chói (trong bóng tối) của các Ninja khi mà xã hội thời Heian là một xã hội “Võ Sĩ Đạo Trị”…

    Các Samurai…

    Cùng xuất hiện với nghệ thuật Ninjitsu là một “tôn giáo”, có vẻ như vậy, đáng chú ý và là nền móng cho gần nửa lịch sử phong kiến Nhật: “Bushido” hay “Võ Sĩ Đạo”. Một nguyên tắc bất di bất dịch quy định về một dạng tinh thần thượng võ cho những người học theo, để bảo tồn danh dự của con người. Đó chính là nguyên tắc làm người của các Samurai và thật là thiếu sót nếu không nhắc đến họ khi bàn về các Ninja.

    “Samurai” xuất hiện cùng với sự ra đời của “Bushido” nhưng chính thức thì nó xuất hiện vào giữa thời Heian trong không khí căng thẳng của các cuộc gây hấn giữa 2 đại gia tộc của nước Nhật: nhà Minamoto và nhà Taira. Các samurai, không đơn giản chỉ là những chiến binh thô kệch xuất thân từ bình dân, và sau này là các “gia tộc Samurai cao quý”. Họ là những chiến binh ưu việt, thông thạo mọi môn nghệ thuật (đặc biệt là kiếm thuật hay “Kendo”) và nhất là có một lòng kiên quyết theo Võ Sĩ Đạo. Nếu họ chệch khỏi con đường này thì để bảo tồn danh dự, theo Võ Sĩ Đạo, họ phải tự sát bằng nghi thức Hara-Kiri (mổ bụng, thậm chí cắt ruột mình quăng ra trước mặt đối thủ để kiêu hãnh về danh dự trước khi chết).

    Các Daimyo thấy được sự lợi hại của các Samurai cũng như Võ Sĩ Đạo, vì sự quy định lòng trung thành với chủ là một trong những nguyên tắc kiên quyết Võ Sĩ Đạo. Các đội quân Samurai ra đời dần dần và càng mạnh hơn theo các cuộc chiến đến khi thời Heian chính thức kết thúc thì các Samurai đã thiết lập ưu thế tuyệt đối của mình trong lịch sử cũng như đời sống Nhật bấy giờ. Nhưng chính sự ưu việt của họ, hay chính xác hơn, sự ưu việt của Võ Sĩ Đạo, thứ làm họ được kính ngưỡng, lại là điểm yếu chết người của các Samurai khi họ đối diện với “Sengoku Jidai” hay “Thời Chiến Quốc”(1478-1605) - những trang vàng của lịch sử Ninja…

    …Và Ninja

    Thời Sengoku bắt đầu cho hơn 100 năm loạn chiến đẫm máu của các Gia Tộc hùng mạnh tranh giành danh hiệu “Seiitaishogun” hay “Bình Phiên Đại Tướng Quân”, thường được biết đến ngắn hơn: Shogun. Các cuộc chiến đã diễn ra từ trước thời này (từ sau thời Heian, qua thời Kamakura, thời Muromachi) đã chứng minh rõ ràng cho các Daimyo thấy: chiến tranh không chỉ cần có những chiến binh dũng cảm liều chết là đủ. Vì vậy, chiến trận trong thời này là đỉnh cao của nghệ thuật quân sự, hay nói đúng hơn, nghệ thuật phản phúc và gian xảo! Một chiến thắng hoàn hảo không phải là một chiến thắng đẫm máu trên chiến trường mà là một cái chết nhanh gọn, êm ái của kẻ địch bởi tay một Ninja!

    Danh tiếng của các Ninja càng tăng cùng với những kỹ năng được “huyền thoại hóa” bởi những người dân thường, những Samurai và Daimyo, đặc biệt là từ chính các Ninja. Dù có trang bị ưu việt đến thế nào đi nữa, các Ninja cũng vẫn là một đối thủ lép vế trước các Samurai thiện chiến đã trải trăm trận. Vì vậy, các ý tưởng về khả năng siêu phàm của Ninja (tách thành 5 người, hoà vào môi trường, giả dạng người khác, hóa thú, tàng hình,…) tạo một sự thuận lợi cho họ khi đối đầu với những đối thủ mà họ biết rõ là hoàn toàn không hiểu gì về mình! Nhưng điều đó không có nghĩa là các Ninja đều là những tay sát thủ máu lạnh, những “gã xấu” như thường được dựng lên trong phim ảnh, sách truyện. Đa số họ là những hiệp sĩ dạng như Robin Hood với châm ngôn bảo vệ người dân lương thiện chống lại các thế lực bóc lột. Hành động ám muội của họ không xuất phát từ sự thiếu danh dự của họ mà được coi là sự biểu hiện của lòng trung thành đặc biệt đối với chủ nhân của mình, tương tự như các Samurai!

    Nhưng các Samurai không bao giờ có thể làm những điều như lẻn vào nhà để ám sát, phá hoại, thám thính hay bất cứ điều gì “đê tiện”, phi thượng võ, không thì phải mổ bụng tự sát để bảo tồn danh dự theo nguyên tắc Võ Sĩ Đạo. Nhưng các Ninja thì chẳng có những nguyên tắc như vậy! Nguyên tắc tối thượng và duy nhất của họ là: đạt mục đích bằng mọi giá! Nên hoàn toàn không có gì xấu hổ nếu một Ninja tấn công một Samurai từ sau lưng, hay thậm chí dùng thủ đoạn để ám toán trong một trận chiến “tay đôi” được xem (và được các Daimyo khai thác triệt để) là điều hiển nhiên với Ninja!

    Chính vì vậy, với các Samurai chân chính (và ngoan đạo), thì Ninja là một đối thủ đáng nguyền rủa, “nhơ nhớp” và đáng sợ. Một nỗi sợ hãi mà các Ninja trông đợi…

    Ninja trong Lịch Sử

    Mọi Daimyo trong thời Sengoku đều không phải là những samurai chân chính như những người tiền nhiệm của mình trong thời Heian. Họ không hề có ý tưởng liều chết trên chiến trường để bảo tồn danh dự như các Samurai. Danh dự của các Daimyo đạt được từ thành quả chiến trận của họ chứ không phải từ Võ Sĩ Đạo. Vì vậy, trong thời Sengoku, không có từ “công bằng” trong chiến trận (với các Daimyo) và trong tình yêu, trong hai lĩnh vực đó, chỉ có “thắng” và “thua”!

    Hiển nhiên điều đó không ngăn một số Daimyo theo nguyên tắc Võ Sĩ Đạo đàng hoàng nhưng chắc chắn là họ không thành công. Và điều đó thể hiện qua hình ảnh của Tokugawa Ieyasu (thống nhất nước Nhật, sáng lập nhà Mạc sau thời Sengoku), một danh tướng, một chính trị gia tài ba và gian xảo nhưng chưa bao giờ được coi như một Samurai chân chính! Và vì vậy, các Ninja, những thám tử và sát thủ siêu hạng mà không thể tìm thấy ở bất kỳ đâu trên thế giới, được coi như một con bài chiến thuật của mọi Daimyo thực thụ! Hàng loạt hệ thống bẫy rập, cửa giả, phòng trống tìm thấy trong các lâu đài cổ đã cho thấy Ninja là một mối đe doạ rình rập mà các Samurai và Daimyo quan tâm thực sự.

    Các Ninja phát triển rất mạnh trong thời Sengoku đặc biệt là Ninja phái Koga, làm thành đội hộ vệ cho samurai Sanada Yukimura trong cuộc chiến cuối cùng oanh liệt của Yukimura trước quân Mạc Phủ. Nhưng sự kiện đáng chú ý của các Ninja (vì hoạt động của họ không bao giờ được đưa ra ánh sáng) lại được xoay quanh cuộc kháng cự mãnh liệt của họ bên cạnh các Ronin (samurai vô chủ) của vùng rừng núi Iga chống lại sự xâm lấn của quân đội Oda Nobunaga. Dù bị đàn áp đẫm máu, nhưng các Ninja Iga vẫn giữ vững được thánh địa Iga của mình bằng kỹ năng chiến đấu ưu việt trong rừng núi cùng với cái chết đột ngột của Oda Nobunaga.

    Sau thời Sengoku, nhà Mạc (Tokugawa) ra đời, các Ninja lui về cuộc sống bí ẩn của họ nhưng vẫn liên tục phục vụ cho triều đình hay địa chủ thuê mướn họ, nổi tiếng nhất chính là đội Ninja phái Iga bảo vệ thành Edo (Tokyo sau này) – kinh đô nhà Mạc suốt 250 năm! Và theo ghi nhận lịch sử còn lại, người Ninja cuối cùng đã phục vụ triều đình Nhật đến tận Đại Chiến Thế Giới II!

    Ngày nay, vùng Koga vẫn là trung tâm đào tạo nghệ thuật Ninjitsu hàng đầu của nước Nhật. Mặc dù có vẻ kém cạnh hơn Kendo và Judo, Ninjitsu vẫn tồn tại và phát triển, một phần nhờ vào sự bí ẩn của nó, nhờ vào lịch sử oanh liệt của các Ninja mà ai cũng muốn được biết đến, dù chỉ một lần…



    Đây chỉ là một phần nhỏ tóm lược ban đầu của đệ. Để biết nhiều hơn, rõ ràng, chi tiết và thật hơn về Ninja, xin đón đọc tạp chí Tenchu của Box Stealth-Action Game, dự kiến phát hành vào cuối năm nay :D :D
     
  18. hello_kitty

    hello_kitty Mega Man

    Tham gia ngày:
    13/3/04
    Bài viết:
    3,061
    Nơi ở:
    ngỏ hẻm trái tim em
    mình biết rùi. cảm ơn bạn Hayashi và wiwi nhiều lém như cả hai có thể cho mô tả thêm về trận đánh thứ 1,2 và 3 ở đồng bằng gì đó của quân Takeda Shingen và Kenshin. tất nhiên là nếu nó hay và có ý nghĩa quan trọng nào đó.
    và thêm bản sơ lược về các nhà trong từng giai đoạn ko? nếu được thì củm ơn nhiều nha
     

Chia sẻ trang này